- Này, biết để có những thứ khoác lên người, trát lên mặt, đắp lên danh giá của cô tôi phải thế nào không? - Ông vừa rin rít vừa hất chân khép cánh cửa.
- Chả thế nào cả. - Em tưng tửng nói từng chữ. Mặt ngửng lên trời đôi mắt em gườm gườm nhìn không đâu phía dưới đường, qua ô cửa sổ.
- Hửm? Cả tuổi trẻ. Cả gần cuộc đời tôi đấy. - Giọng Ông khèn khẹt.
- Giời ơi tôi cũng đang... - Xoay xoay người, Em rời cửa sổ. Cái đầu lúc lắc.
- Cô nói cái gì?
- Tôi nói đấy. Ông tưởng tôi sướng lắm à. Tôi nói lại cho mà nghe. Tôi cũng như ông. Để có nó thì phải đổi. Rõ chửa?
Cánh cửa đóng sập. Tiếng nhạc nổi lên. Trong khoảng lắng từng trường đoạn mới thấy bắn lên tiếng rít, tiếng hét, tiếng động huỳnh huỵch và tiếng sụt sịt đầy thương cảm.
Hầu như lần nào mọi chuyện cũng diễn ra theo tiến trình như thế. Người khu tập thể cao tầng này đã quen nên không ai đến can gián nữa. Tất cả chỉ lắng đi. Lặng lẽ nghe. Kín đáo nhìn. Phán đoán này nọ.
Có bữa, như chập tối này, thì mọi người có thể quên tiệt sự tò mò với họ. Truyền hình đang chiếu tập phim gay cấn. Số phận cô gái trong phim còn vô cùng đáng thương, tình tiết xô đẩy còn căng thẳng, hấp dẫn hơn nhiều so với chuyện xô xát bên nhà hàng xóm.
Do không có ai hét “Im bớt cho trẻ con nó học!” như thường khi, nên “cuộc nội chiến” có vẻ kết thúc nhanh hơn.
Vả lại, sau một lần đến can ngăn vợ chồng Ông Em cả khu này đã ngán. Họ bảo nhau: Mặc xác họ! Ai đời đến giúp lại xỉa vào mặt người ta: Cô có nằm trên chiếu dưới tôi đâu mà biết!
Có lẽ, em nhớ thế nên nói gằn, nhưng giọng nhỏ dần xuống - Tôi dài mình nằm trong lồng cọp, phán đoán. Tôi không có tivi. Đài cũng không nốt. Dù không muốn, cuộc “nội chiến Ông Em” vẫn lọt vào tai tôi.
Tuy nhiên, không hiểu sao tôi lại khoái theo dõi cuộc nội chiến này, nhất là vào đêm khuya. Em có chất giọng véo von của ca sĩ. Còn Ông có kiểu nói âm họng của diễn viên kịch. Nhiều bận, tôi cứ giả định như một buổi tập diễn và thưởng thức.
Lúc không có việc gì làm, tôi hay ra nằm ở cái lồng cọp bé tẹo, được cơi nới nơi cửa sổ duy nhất, của căn phòng cũng duy nhất, trong căn hộ của tôi. Và sau chút khoái cảm nhìn mấy chục thanh sắt làm nên cái lồng cọp ôm lấy ô cửa sổ, tôi lại vẩn vơ nghĩ và nhơ nhớ tiếng cãi nhau của họ.
Họ cãi nhau thường xuyên. Không lần nào đầu đuôi rõ ràng. Tôi chỉ phán đoán nội dung theo thói quen có từ ngày họ chuyển đến đây.
Buổi ấy, người khu tập thể này cứ mắt tròn mắt dẹt khi nhận ra không phải ông đưa cháu đến ở nhà mới mà đích thị là một đôi uyên ương. Cái tên “vợ chồng Ông Em”, “cuộc nội chiến Ông Em” cũng có ngay từ lần đó. Mặc dù, mọi người vẫn nghe thấy họ xưng với nhau anh em ngọt ngào và điêu luyện hơn cả những cặp vợ chồng trẻ.
Các ông bà ở quê ra trông cháu cho con đi làm thì tỏ vẻ khó chịu. Khinh ra mặt. Lớp thanh niên cười tinh qoái. Tầm trung niên thì... Dào ôi chuyện bình thường. Kệ chúng yêu nhau!
Tôi cũng từng nghĩ miễn yêu nhau là được. Vào một chiều đi làm về, tôi gặp họ dìu nhau đi lên cầu thang. Em vừa đi vừa hẩy mông. Thỉnh thoảng cúi xuống hôn chụt vào cái bụng ỏng của Ông. Còn Ông thì vừa đưa tay xoa lưng em vừa lấy tay còn lại rứt rứt đũng quần đang díu vào khe mông cũng khá núc ních của mình.
Ngay tối đó, nhà tôi có khách. Các bác, các chị hàng xóm ôm con sang nhà tôi ngồi chật phòng. Đề tài rôm rả là gia đình Ông Em. Các cô bác hỏi nhau xem có vô tình trông thấy hay biết ít gì về Ông hoặc Em không. Người nói ngó quen quen. Người bảo ở Bộ nào đó, tôi không nhớ. Nhưng dáng bệ vệ thế, chắc cũng “ấm”. Người lại ngờ ngợ, hình như thấy đâu đó rồi. Kiểu đôi thế này giờ nhiều lắm. Người có tình. Người có tiền! Nhìn chung, mọi người không mấy ưa gia đình mới đến.
Nhà tôi chật nhưng độc thân. Đồ đạc cũng không sắp xếp cẩn trọng đến mức ai vào phải né, phải giữ không để xê dịch, nên cô bác cùng tầng thường sang chơi. Cũng có hôm họ mang thả trẻ. Tôi cứ hồn nhiên trông giùm, bằng cách mặc cho nó nghịch bới lung tung sách báo, quần áo bầy bừa trong phòng. Cũng lắm khi tôi nhìn cái sự cẩu thả của mình mà chán cho mình.
Nhưng hy vọng chập choè vào một ngày sắp tới lại cho phép tôi tự an ủi.
Ngày ấy, giả dụ tôi sẽ lên chức, có nhiều tiền. Tôi sẽ xuống đất. Hoặc giả, địa vị cho tôi quyền ở trong căn nhà có nhiều phòng hơn. Sẽ có phòng máy để tôi làm việc trực tiếp qua mạng. Sẽ có phòng đồ chơi cho bầy con và bà vú sạch sẽ, gọn gàng. Tôi lại còn dành hẳn một phòng bầy sách báo, tài liệu. Kiểu người giàu quen gọi thư viện cá nhân ấy. Rồi một phòng cho tôi cùng cô vợ xinh đẹp, với giường ngủ thênh thang. Một phòng khác với bàn ăn sang trọng, luôn hững hờ một giỏ mây đầy hoa quả. Lại còn phòng tắm có cái bồn như bể bơi. Một phòng có cửa mở lên trời đón nắng, trồng toàn cây xanh và cỏ, đủ để làm một cái sân gôn mini.
Hàng ngày, tôi chỉ việc mở các cánh cửa, ấn các nút, để đi từ công việc sang nghỉ ngơi; từ lý trí sang tình cảm; từ thế giới về với những lỗ gôn xinh xinh; từ mình sang mình. Nói chung sống với thế giới mà không phải đi ra khỏi nhà. Ngôi nhà với những căn phòng, cánh cửa mà chính tôi là chìa khoá. Sẽ tuyệt vời biết bao!
Nhưng thường thì lần nào, đôi Ông Em cũng làm tôi hẫng hụt. Họ lôi tuột tôi trở về thực tại với chiếc lồng cọp, hay cái sàn nhà lạnh toát. Họ là thực tại lôi cái mộng ảo của tôi, bằng những cuộc nội chiến, hoặc bóng dáng khơi gợi của Em, hay dung tục cái quần đùi, trễ nơi bụng dưới phộng phều của Ông.
Đáng ra, tôi không phải chứng kiến cái cảnh ấy. Vì chúng tôi cùng nhà, cùng tầng, cùng cầu thang tập thể. Nhưng do căn hộ của gia đình Ông Em cơi nới ra khoảng không đến hơn chục mét vuông, lại mở cửa sổ hướng sang căn hộ đơn nhà tôi nên cảnh ngộ của họ tôi là người biết rõ nhất.
Cũng có lẽ họ nghĩ: hướng ra phía trước nhiều người nhòm ngó. Còn hướng sang nhà tôi, cái thằng độc thân, thì có khi còn sướng: Ông đây trắng đầu vẫn có kẻ ôm. Chứ trẻ như mày mà nghèo thì cũng... Đã thế, nếu có ném rác, hắt nước qua cửa sổ sẽ trúng đường vào cầu thang, chứ không dính sân hay mái nhà ai cơi nới ở dưới.
Mãi rồi đâm quen, tôi có chót đưa mắt sang ngó họ cũng không thấy làm ngượng. Nếu họ có ôm nhau, Em đè ngửa Ông ra sàn thì tôi cũng tự dời lồng cọp di vào phòng chứ không phải họ.
Hôm nay, nghe họ đấu khẩu tôi cũng thấy thinh thích thế nào. Chắc lại chán chê rồi đây. Hay có mối mới, ngon lành, sẵn nong sẵn né hơn? Ờ thì căn hộ này Em được đứng tên, nhưng là căn hộ ở tận tầng 5. Ừ thì Em có thể vóng vít, đốp chát, ngầy ngựa, cũng vẫn phải chấp nhận đôi bữa trong tháng Ông cắp đồ về quê thăm vợ cả.
Chuyện nhà Ông hoá ra lại rành rẽ và ầm cầu thang chỉ sau khi họ dọn đến có vài tuần. Tôi cũng nghe chỗ được chỗ mất khi mọi người sang nhà tôi tụ tập, nhân thể nhờ tôi sửa cái quạt với máy sấy.
“Ông này trước đây có chức, đạo mạo, nghiêm túc, ai cũng nể sợ. Nghỉ hưu, Ông chả về quê với bà vợ già không con mà kiếm một căn hộ, ngang nhiên ở với cô vợ trẻ. Lúc dú, mọi người mới té ra Ông có bồ thường xuyên, được cái kín đáo. Nay, Ông đang tính chuỵện mở công ty riêng, theo môi giới của thằng cựu trợ lý. Nó bảo Ông về hưu vẫn còn tiếng cũ, dễ làm ăn. Nhưng phải tỏ ra thoáng hơn, “đã đời” hơn, dân buôn bán tư nhân mới nể. Bố già chịu chơi, giữa lúc ham chuyện làm ăn thì gặp cô Em. Ông cắp về làm vợ trẻ, chơi cho thoả những ngày cố ém mình vì chức danh quyền lực. Trước, đã có đứa dưới chướng ông rủa độc: Làm hết mình không con cũng tiệt. Nước mẹ gì! Giờ ông kiếm được cô Em, dù hơi béo, nhưng mông cong ngực phưỡn thế này dễ có khi cho Ông mụn con nối dõi.
Ông mơ một gia đình mới. Trẻ trung. Vênh vang. Được, Ông coi như và cũng là quyết định thay đổi.”
Người hàng xóm kế bên tôi kể vậy. Anh ta còn khẳng định: “Bạn tôi là cái thằng dưới trướng, buột miệng nói xóc ông ta đó. Tôi với nó vô tình gặp ông ta ở trung tâm xổ số kiến thiết. Mẹ! Tận thu thế mà chưa đã. Bố già còn hy vọng đổi đời mới lắm.”
Cô Em đâu như là cử nhân thất nghiệp, ra trường không chịu về quê, cố ở đây chờ thời. Nó chả chịu đẻ đâu. Ở với ông nhưng nó vẫn ngày ngày đi tìm hy vọng. Chắc nó chấp nhận việc bám ông ta để làm thang leo lên đấy. Chả chịu lặn ngòi ngoi nước ở quê. Đòi ở phố cơ. Mẹ!”
Không biết Em có thật như thế, muốn thế? Đôi khi tôi nghĩ Em như một diễn viên tỉnh lẻ. Bởi Em có khuôn mặt rất nhẹ nhõm, xinh xắn. Dù nó đối lập hẳn với tấm thân hơi đẫy đà, và đôi chân to ngắn.
Người cùng khu ít biết mặt Em. Em ra cửa thường vào lúc vắng người: Dở trua, nửa đêm.
Thế là Em còn một chút sĩ diện. Với lại, tôi cũng là thằng kỹ sư điện tử do quân đội đào tạo. Ra trường được phân mãi tận Cà Mau đang tìm cách ở lại thành phố bằng nghề môi giới hàng vi tính. Nên Em có thực dụng, tôi vẫn có gì tự gỡ gạc cho Em khi nghe mọi người buôn chuyện. Em đong đưa. Em lợi dụng. Nhưng Em vẫn chưa đến mức bất cần đời.
Buổi thấy Em lên cầu thang dáng nặng nề, tôi nghĩ có thể Em sắp có con. Tuần sau, hàng xóm đã thông tin: Em vừa được đứng tên căn hộ. Nhìn, đã thấy Em tung tẩy, không có dáng gì là bụng mang dạ chửa nữa.
Tối nay, họ ầm ầm rủa nhau thế này không rõ là có chuyện gì. Xong, tôi đoán chắc vẫn như mọi khi. Nếu tinh mơ chú ý, sẽ thấy họ dìu nhau đi dạo một lượt quanh hồ trong khu tập thể. Vẫn tình cảm, nhún nhẩy, núng nính!
Tôi thả lỏng mình, nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ. Bên nhà Ông Em, tiếng đài cũng lặng.
Vẳng ngoài không trung, tiếng gió đang về với những ô cửa sổ. Ước được bay lên, tôi muốn xa mùi khẳn lặn của than bếp, nước mắm, quện cùng mùi son phấn, xà phòng. Nhập nhoè trong đầu tôi những căn phòng, cánh cửa, đôi chân trắng gầy nâng tấm thân ục ịch đi đi lại lại. Mở cánh cửa đầu. Và lại trở về cánh cửa đầu bằng một cánh cửa khác...
Sáng ra, tôi lọc cọc đến nơi làm việc. Mới sớm mà đã khá đông. Tôi phấn chấn vào việc ngay. Khách hàng đầu tiên của tôi là một đôi vợ chồng trẻ. Họ bảo:
- Yêu cầu rất đơn giản. Anh chỉ cần tìm hộ cho một bộ vỏ máy vi tính hiện đại nhất. Sau đó, lắp hoàn chỉnh bằng linh kiện từ chiếc máy cũ của chúng tôi.
Tôi trả lời:
- Sẽ hết sức cọc cạch. Mà chỉ bật lên cái vỏ chả còn gì. Giá trị là ở cái lõi.
Họ nói:
- Không quan trọng. Chúng tôi chỉ để soạn thảo. Đặt ở phòng khách cho nó sang thôi. Mấy khi đã mở. Chú cứ tìm.
- Thế thì không khó.
- Trông phải ấn tượng.
- Ấn tượng? Nhưng nói trước với anh chị, đời máy mới đã phổ biến. Không hiếm lắm.
 - Thế không có cái độc chiêu à?
- Chưa.
- Làm sao bây giờ? - Họ quay sang hỏi nhau rồi quyết định - Cũng được. Miễn phải dán mác mới vào.
Tôi nhận ra họ quá quen thuộc, cũng từng đến đây, là khách nhiều bận của thằng bạn bàn bên. Tôi nhớ cái câu “mác mới” của họ.
Thì ra, họ muốn chứng tỏ cho khách hàng rằng: họ làm ăn được, chơi của độc, luôn nâng cấp đổi đời. Mặc dù, họ chỉ phải bỏ ra ít tiền. Ý nghĩ coi thường bật nhanh trong đầu, tôi thả câu:
- Hay ta chắp vá. Mặt hai nghìn (2000), đít chín mươi 90 (1990). Quái chiêu. Của độc đó.
Ánh sáng trong đôi mắt họ có lẽ lướt lên bắt vào mặt tôi và tờ giấy hẹn cũng được xé khỏi lốc nếu như tôi không tự dưng buột miệng cười. Một nụ cười bắt đầu bằng sự sảng khoái nhưng kết thúc bằng cái nhếch mép đầy chế riễu.
- Cậu này lạ!
Cái sĩ rất dễ chạm nọc nổi đoá - Tôi thầm nghĩ - Không sao.
- Thế được chứ? - Mắt tôi nhìn thẳng, nhưng vẫn không thôi hấp háy.
- Ơ này. Được, không thì thôi. Thiếu gì! - Họ lôi nhau đi nhanh ra cửa.
Vì vội, họ và ông giám đốc mác ngoại quốc của công ty tôi đâm sầm vào nhau.
Cuối giờ chiều, tôi được gọi tới nhận tin sa thải. Lý do công ty nước ngoài không bao giờ chấp nhận một nhân viên coi thường và làm mất khách hàng.
Chuyện đơn giản như trò đùa. Tôi ra khỏi công ty trong trạng thái châng lâng, không tin là ngày mai mình lại làm thằng thất nghiệp. Hết tiền! Nhưng có thể chọn lại bước đi?
Tâm trạng ủ ê theo tôi đến khi về với căn hộ độc thân mới được thay bằng sự sửng sốt. Ở cầu thang tôi thấy người ta đang nặng nề khênh chiếc cáng có Ông nằm đơ. Mặt mũi vàng bệch. Phía sau, mấy anh công an phường dẫn giải cô Em, tóc mai loà xoà che mặt. Tụi trẻ lồng nhồng kéo theo họ ra phường.
Lúc sau, mọi chuyện ra rả trong nhà tôi: ở đồn công an, Em khai, hôm hỏi thăm đường ra phố Hàng Chĩnh Em gặp Ông. Ông nhiệt tình bảo dẫn đi giùm. Nhưng lòng vòng, Ông đưa về đây và ép làm vợ. Rồi Em khóc lóc kêu rằng: Tối qua, sau khi cãi nhau Ông đi ngủ. Sáng nay, thấy chết ngay đơ vậy. Em sợ đã bỏ đi. Lại hãi bị truy lùng nên Em quay lại báo...
Người ta xì xào, có lẽ Ông dùng biện pháp: Làm lành trên bụng là nhanh nhất. Quá đà, tuổi cao nên Ông tử. Ông đã thật sự sang đời mới. Em với sự vụ này có thể coi là tự giải thoát? (Dù không được như ước vọng ban đầu của em.)
Có chút day dứt mơ hồ vì dự cảm không lành mà ngay từ đầu tôi cùng mọi người đều có nhưng đã thờ ơ đi qua Em như qua bao người xa lạ. Đã bao ngày Em đến ở vậy mà chua bao giờ cả khu coi Em là hàng xóm. Có chăng chỉ như một người ở đậu. Em trọ tạm bợ trong chính ngôi nhà mang tên mình, trong gia đình có Em là một nửa.
Còn tôi. Tôi có quãng thời gian ở nhờ giữa cuộc đời với ước muốn đổi thay những khát khao chân chính khi còn trẻ. Tôi tự thấy mình không đành lòng vô tâm chứng kiến phần kết câu chuyện về Em - Ông. Một chút hàm ơn có thể trở lại thủa ban đầu trong trẻo phải chăng là đừng nhớ?
Vội vàng, tựa người lữ hành mệt mỏi ngủ quên, lỡ liền mấy chuyến tàu, tôi quyết định: Mình trả nhà. Về quê.
Người khu tập thể lại bảo nhau: Giá tôi... mà...là họ
 

Xem Tiếp: ----