Nguyễn Việt Long dịch

Nếu bạn là một triết gia, bạn có thể làm được điều này: leo lên nóc một toà nhà lớn, chiếu tầm mắt từ độ cao ba trăm phút (1) xuống đám huynh đệ đồng loại để mà khinh bỉ họ như loài sâu bọ nhỏ mọn. Người ta bò, người ta chen vai thích cánh nhau và đứng vòng trong vòng ngoài, vô chủ đích, đần độn, ngu ngốc, hệt như những con cất vó trên mặt ao mùa hạ. Đến nước ví họ chạy tung tăng như đàn kiến cũng không được, bởi vì con kiến, vốn có đầu óc suy xét đáng ghen tị, bao giờ cũng biết lối ngắn nhất để về nhà. Vị trí của con kiến trên mặt đất không cao, nhưng lệ thường là chúng đã về được tận nhà, lôi dép từ dưới gầm giường ra, còn bạn thì vẫn còn đang sa lầy trên đỉnh cao vị trí của mình, chân mắc kẹt trên các đầu cầu nổi.
Vậy là, đối với một triết gia thợ leo trèo thì con người chỉ là giống côn trùng nhỏ bé đáng khinh. Các nhân viên giao dịch chứng khoán, các thi sĩ, các nhà triệu phú, thợ đánh giày, các mĩ nhân, thợ đào đất và các chính trị gia đều biến thành những chấm đen trên đường phố rộng bằng ngón tay bạn và luồn tránh những chấm đen khác cỡ cũng chỉ nhỉnh hơn một tí.
Còn chính thành phố nhìn từ điểm cao như thế cũng co lại thành ra một mớ hỗn độn các kiến trúc vẹo vọ trong một phối cảnh méo mó không tưởng tượng nổi, đại dương hùng mạnh thì biến thành một cái vũng, ngay đến quả đất cũng chỉ là quả bóng golf lạc lõng trong vũ trụ. Mọi thứ vụn vặt tầm thường lui xuống hàng thứ yếu. Nhà triết học hướng tầm mắt của mình lên phía bầu trời và, cảm hứng bởi nhãn quan mới về thế giới tâm hồn, anh ta được lâng lâng chắp cánh. Anh ta cảm thấy mình là con cháu của Vĩnh Cửu và kẻ nối dõi của Thời Gian. Anh ta cảm thấy rằng không gian cũng phải là của thừa kế hợp pháp và tất yếu của mình. Người như bốc lửa, anh ta suy ngẫm về việc sẽ đến lúc những sinh vật tương tự như anh phóng mình từ hành tinh này tới hành tinh khác theo những con đường huyền bí của không gian. Thế giới tí hon dưới chân anh ta mà trên đó sừng sững cái tháp sắt của toà nhà chọc trời, hệt như một hạt cát trên đỉnh Himalaya, chỉ là một phần tử vô cùng nhỏ trong cảnh tuần hoàn của cơ man nào là những phần tử như thế. Những ước muốn danh lợi của lũ sâu bọ bon chen màu đen đen dưới kia, những thành tựu của họ, những thắng lợi nhỏ mọn và những tình cảm quyến luyến của họ có là cái gì, nếu đem so với cái vô biên bình lặng đầy đe doạ của vũ trụ, bao quanh cái thành phố cỏn con này từ bốn phía.
Những ý nghĩ như thế nhất định sẽ choán lấy nhà triết học, đó là điều có thể cam đoan chắc chắn. Họ được chọn lọc từ các trường phái triết học khác nhau có thể nảy nòi trên thế gian này, cuối cùng, được trang bị một dấu hỏi đúng phép, họ được phê duyệt như là hình mẫu tất yếu của tư duy sâu sắc trên tầm cao lớn. Và khi nhà triết học đã bước vào thang máy để đi xuống dưới thì trí óc anh ta được bồi bổ chật căng, tâm hồn tha hồ thanh thản, những quan điểm về thực chất của cấu trúc thế giới rộng như cái khoá thắt lưng của Oriôn (2).
Tuy nhiên, nếu bạn tên là Đâydi và chỉ mới mười chín xuân xanh, nếu bạn làm việc ở cửa hàng bánh kẹo trên Đại lộ số Tám và được lĩnh sáu đôla một tuần, cộng thêm với việc dậy từ sáu giờ rưỡi sáng và làm cật lực đến chín giờ tối, lại sống trong một căn buồng chật chội và lạnh lẽo, kích thước năm phút nhân với tám phút, chỉ dám tiêu mười xu ăn sáng, hơn nữa chưa bao giờ nghiên cứu triết học, – khi ấy trên tầm cao của toà nhà chọc trời ắt bạn sẽ nhìn sự vật khác đi.
Có hai chàng thở vắn than dài nhớ nhung cô Đâydi chưa dính gì đến triết học, có hai chàng tơ tưởng tới bàn tay cô. Chàng thứ nhất là Giô, chủ một tiệm tạp hoá nhỏ ở Niu-Yooc. Tiệm ấy cỡ chỉ bằng lỗ mũi và tựa như cái tổ chim én, dính vào góc ngôi nhà chọc trời ở khu vực kinh doanh của thành phố. Ở đó bày bán báo chí, hoa quả, kẹo bánh, các tập bài hát, thuốc lá, về mùa hè có cả nước chanh. Khi mùa đông khắc nghiệt tới, lay lay những món tóc đóng hơi băng giá và dồn Giô với hoa quả của anh ta vào trong nhà, thì quán trở nên quá chật hẹp để chứa một chủ quán, hàng hoá của anh ta, cái bếp lò cỡ bằng lọ dấm và một khách hàng.
Giô không thuộc lớp người gây đình gây đám bằng hoa quả và những chất giọng nhiều bè của mình. Anh là một thanh niên Mỹ sáng dạ, lo dành dụm đồng tiền và muốn Đâydi giúp anh sống ở đời. Anh đã ba lần ngỏ lời với cô. Bản tình ca của anh vang lên đại loại như sau:
- Đâydi, em biết không, anh muốn chúng mình lấy nhau, anh sẽ gom góp tiền để sống. Anh có cửa hàng, kể ra thì cũng chẳng to tát gì cho lắm…
- Thật thế à? – Cái cô nàng không dính gì đến triết học lên tiếng. – Thế mà người ta bảo chính Oanamâycơ (3) thuyết phục anh sang năm để cho ông ta thuê phần diện tích thừa của cửa hàng.
Hàng ngày, sáng và chiều Đâydi đều đi qua góc phố, nơi có cửa hàng khép nép của Giô. Câu chào của cô thường là:
- Anh Giô ơi, trong cái hang của anh công việc ra sao? Em thấy sao dạo này rỗng hàng tợn. Chắc là anh đã bán gói kẹo cao su rồi.
- Ừ, chỗ ở thì không rộng, điều đó đúng, – Giô toét nụ cười rộng đón cô. – Nhưng để cho em thì đủ. Anh với cái cửa hàng này chỉ sốt ruột đợi ngày em làm bà chủ thôi. Em đừng có làm tình làm tội bắt anh chờ lâu quá đấy nhé!
- Cửa với chả hàng! – Đâydi nhăn cái mũi hếch vẻ khinh thị. – Cái hộp sắt tây thì có! Anh bảo đợi em ấy à? Ái chà chà. Thế thì anh phải tống khứ một trăm pao (4) bánh kẹo mới có chỗ cho em.
- À, sẵn sàng thôi, đổi thế là vừa khuýp đấy, – Giô cất giọng bông lơn.
Cuộc sống của Đâydi vốn đã trôi đi trong những ranh giới chật hẹp. Đi làm, phải xoay như chong chóng, len lách giữa các giá đựng hàng và cái quầy. Ở nhà thì nhiều sự ấm cúng hơn là sự rộng rãi. Mấy bức tường sát vào nhau, cựa mình một tí là những tờ giấy bồi tường còn sót lại kêu sột soạt. Vừa soi mái tóc màu hạt dẻ bóng bẩy của mình trong gương, Đâydi vừa có thể một tay châm bếp hơi, tay kia đóng cửa. Trên tủ commốt là tấm hình Giô trong khung mạ vàng, và đôi lúc ánh mắt Đâydi đưa vào đấy… thì ngay lập tức trong trí óc cô lại hiện ra cái quán bán hàng bé tí và buồn cười như hòm đựng xà phòng, nép vào góc một toà nhà lớn, và đáng lẽ là tiếng thở dài êm ái thì ta lại nghe thấy tiếng cười vô tư lự.
Người ái mộ thứ hai đến với Đâydi chậm hơn Giô vài tháng. Anh ta thuê một phòng kèm cả tiền chăm nom phục vụ ở ngay trong ngôi nhà cô đang ở. Tên anh là Đepxtơ và anh là một triết gia. Ưu điểm của con người còn trẻ tuổi đời này đập ngay vào ắt như những mác những nhãn châu Âu trên chiếc vali của người dân Paxâycơ bang Niu Giơxi. Anh thâu lượm những kiến thức cho mình từ những cuốn bách khoa toàn thư và sách tra cứu, còn nếu nói về sự khôn ngoan, thì nó phóng lướt qua, trong khi anh ta đứng bên hè đường, mũi khụt khịt mà không kịp nhìn rõ số xe ô tô của nó. Hễ có dịp là anh ta có thể giảng cho bạn rõ, nước tạo thành từ cái gì và tại sao con người ăn đậu và thịt bê lại bổ, bài thơ nào ngắn nhất trong Kinh thánh và cần bao nhiêu pao đinh để đóng hai trăm năm mươi sáu tấm ván lót nhà có khe rộng bốn insơ, dân số thành phố Kankaki, bang Ilinoi là bao nhiêu, cốt lõi của lí thuyết Xpinôda là gì, tên thằng hầu hạng bét trong nhà ông G. Maccây Tumli là gì, chiều dài đường hầm xuyên qua ngọn núi Huxăc là bao nhiêu, khi nào cho gà ấp là tốt nhất, lương tháng của một bưu tá đường sắt đoạn Đriptơrit – Ret Bank Fecnex, bang Penxinvania là bao nhiêu và chân con mèo có bao nhiêu móng.
Gánh nặng kiến thức không phải đùa ấy không hề đè trĩu lên Đepxtơ. Những con số và dữ kiện đối với anh cũng tựa như món rau mùi làm gia vị cho bữa chuyện phiếm nhẹ nhàng mà anh dùng để thết bạn, nếu nhắm thấy hợp gu bạn. Ngoài ra, anh còn dùng chúng làm lá chắn khi đánh chén. Nổ một tràng đạn nhằm vào bạn bằng những con số liên quan đến trọng lượng thanh sắt tiết diện năm nhân với hai phẩy bảy lăm insơ và lượng mưa trung bình hàng năm ở Photơ Xnelinh, bang Minnêxôta, anh cầm dĩa chọc thẳng vào miếng thịt gà ngon mắt nhất trên đĩa, trong khi tâm trí bạn còn đang tiêu hoá những điều anh vừa nói.
Được trang bị bằng những thứ khí giới sáng choang như vậy, vả lại diện mạo cũng không phải là khó coi, Đepxtơ là kẻ tình địch mà Giô, chủ hiệu tạp hoá bé tí ti, đáng đọ kiếm. Tuy nhiên trên mình Giô chẳng có khí giới nào cả. Vả chăng nếu có thì cũng chẳng tìm đâu ra chỗ đấu.
Một hôm thứ bảy, quãng bốn giờ chiều, Đâydi cùng ông Đepxtơ dừng lại bên quán của Giô. Trên mình Đepxtơ có cái ống hình trụ và bởi vì… tóm lại, vì Đâydi là đàn bà và không thể để cái ống ấy chui vào hộp các-tông, chừng nào Giô còn chưa ngó thấy. Cái cớ bề ngoài để họ rẽ vào quán là gói kẹo cao su dứa mà Giô chìa ra cho họ trước cánh cửa mở toang hoác của quán. Nhìn thấy cái ống hình trụ mà chàng Giô chẳng giật mình, nét mặt cũng chẳng thay đổi gì.
- Ông Đepxtơ mời em cùng với ông ấy leo lên trên kia để ngắm toàn cảnh đấy, – Đâydi nói, sau khi đã giới thiệu hai sủng ái viên với nhau. – Em chưa bao giờ được lên nóc toà nhà chọc trời cả. Chà, chắc phải thú vị và khoan khoái cực kì.
- Hừm! – Giô bật ra tiếng.
- Quang cảnh mở ra trước tầm mắt ta từ mái toà nhà cao tầng, – Đepxtơ nói, – cũng không hùng vĩ lắm, nhưng có rất nhiều điều bổ ích. Cô Đâydi có thể tin chắc rằng sự thoả mãn lớn lao đang chờ đợi cô.
- À, trên ấy có khi gió lắm, – Giô nói. – Em ăn mặc đã ấm chưa, Đâydi?
- Cứ yên trí! Em mặc đến trăm bộ quần áo đây rồi! – Đâydi đáp với sự ngượng nghịu và thích thú sau khi thấy vầng trán anh chàng tối lại. – Còn anh ở đây cứ như xác ướp trong bao ấy. Chỗ hàng của anh chẳng được bổ sung thêm một pao hồ đào hay một quả táo nào à? Theo em thì anh để ứ đọng quá đấy.
Đâydi cười lanh lảnh, khoái chí với câu đùa ưa thích của mình khiến Giô chẳng còn cách nào khác, cũng mỉm cười.
- So với quy mô ngôi nhà này, thưa ông, à… e hèm, – Đepxtơ nhận xét, – thì cơ quan của ông, theo cảm giác của tôi, có hơi hạn chế về kích thước. Diện tích chái sườn ở đây, nếu tôi không nhầm, khoảng ba trăm bốn mươi nhân một trăm phút. Cửa hàng của ông so tương ứng thì cũng ví như đặt một nửa xứ Bêlugixtan lên lãnh thổ Hoa Kì phía đông dãy núi Đá Tảng, đã được cộng thêm vào đấy tỉnh Ôntariô (Canađa) và một nước chẳng hạn như nước Bỉ.
- Chà chà, thế hả? – Giô xởi lởi nói. – Ông bạn ạ, xét về phần các con số thì quả là cái đầu ông uyên thâm. Chắc ông sẽ giải ra việc này: một con lừa nhai hết bao nhiêu cỏ khô ép trong một phút vuông, nếu nó sẽ ngừng kêu “i-a”, “i-a” trong một phút năm phần tám?
Vài phút sau Đâydi và ông Đepxtơ đã ra khỏi thang máy trên tầng thượng của ngôi nhà chọc trời. Rồi đến cầu thang dốc và mái nhà. Đepxtơ dẫn Đâydi ra phía lan can và chỉ cho cô xem các chấm đen di động ở phố xá bên dưới.
- Cái gì thế? – Đâydi vừa run vừa hỏi. Chưa bao giờ cô leo lên một tầm cao như thế này.
Làm sao mà Đepxtơ không nhập vai nhà triết học trên tháp và dẫn dắt tâm hồn cô đi đón không gian vô tận cho được!
- Loài hai chân đấy, – Đepxtơ trịnh trọng nói. – Em đã thấy họ biến thành cái gì chưa, khi ta leo lên trên họ mới có ba trăm bốn mươi phút? Chỉ là những chú sâu bọ, bò đi bò lại, chứ có quái gì đâu.
- Sao lại như thế được, – bỗng Đâydi thốt lên. – Đấy là những con người! Còn kia là chiếc ô tô. Ôi, vậy là chúng ta lên cao quá nhỉ!
- Xin mời em lại đây, – Đepxtơ nói.
Anh đã chỉ cho cô thành phố lớn trải ra xa bên dưới những dãy nhà như đồ chơi thẳng hàng thẳng lối, lác đác ánh lửa của những ngọn đèn đường đầu tiên, tuy trời còn sớm. Sau đó anh chỉ cho cô con vịnh, xa hơn nữa là biển mà ở hướng nam và hướng đông nó nối liền với bầu trời một cách bí ẩn.
- Em không thích ở đây, – Đâydi lo lắng ngước đôi mắt xanh lên Đepxtơ. – Ta đi xuống đi!
Nhưng nhà triết học không hề muốn bỏ lỡ một dip như vậy. Trước tiên phải để cho cô thấy ý nghĩ anh đang bay bổng đến đâu, anh gần gũi với cái vĩnh cửu như thế nào và trí nhớ của anh đang chất đầy những con số thống kê đến mức nào. Khi đó cô sẽ không còn tơ tưởng khả năng rẽ vào cái quán bé nhất Niu-Yooc vì món kẹo cao su nữa. Thế là ông Đepxtơ bắt đầu diễn thuyết về sự bé nhỏ và phù phiếm của những mối lo toan cuộc đời, rằng chỉ mới lên khỏi mặt đất một khoảng chưa đáng là bao mà ta đã nhận thức ra con người và sự nghiệp của nó chỉ đáng giá chục đồng chinh đếm đi đếm lại ba lần. Vì thế đối tượng suy ngẫm của ta phải là thế giới các vì sao và những tính toán của Epictet (5) và tìm nguồn an ủi cho bản thân trong đó.
- Với bản thân em thì những chuyện đó không có sức cuốn hút cho lắm, – Đâydi đáp. – Em chỉ thấy khiếp khiếp là, khi mình đứng trên cao chót vót thế này, mà con người bên dưới chỉ bé bằng con rận. Ừ mà biết đâu chúng mình lại nhìn thaýa anh Giô ở dưới kia. Gớm, cứ như là nhìn từ bang bên cạnh sang ấy. Eo ôi, em thấy hãi lắm!
Nhà triết học mỉm cười một cách hơi ngây ngô. Anh cất tiếng:
- Giữa không gian bao la thì trái đất này chỉ bé như hạt thóc. Em hãy ngước nhìn lên mà xem.
Đâydi len lét ngước chéo đôi mắt lên phía bầu trời. Ngày ngắn ngủi đã tắt, lác đác có những ngôi sao đầu tiên. Đepxtơ lại cất tiếng:
- Kìa kìa, em thấy sao Hôm chứ, nó là sao Kim đấy. Nó ở cách mặt trời sáu mươi sáu triệu dặm.
- Có hoạ là phịa! – Đâydi đáp lại, và vì bực tức mà trong giây lát nỗi sợ hãi đã qua đi. – Sao, theo anh thì em ở Bruclin phải không? Xiudi Praixơ ở cửa hàng bánh kẹo chỗ bọn em đi thăm anh trai ở Xan Franxixcô, người anh đã gửi vé tàu cho nó. Vậy mà từ đây đến đấy cả thảy cũng chỉ có ba nghìn dặm.
Đến lúc này thì nhà triết học đã nở nụ cười độ lượng và nói:
- Quả đất của chúng ta cách xa mặt trời chín mươi mốt triệu dặm. Còn có muời tám ngôi sao bậc nhất, chúng cách xa mặt trời hơn chúng ta những hai trăm mười một nghìn lần. Nếu một ngôi sao trong số đó tắt đi, thì tia sáng cuối cùng của nó phải ba năm sau mới tới được chúng ta. Ngoài ra còn có sáu nghìn ngôi sao bậc sáu. Ánh sáng của chúng đi đến trái đất phải mất ba mươi sáu năm. Nhìn vào kính thiên văn mười tám phút ta sẽ thấy bốn mươi ba triệu ngôi sao và trong số đó có các ngôi sao bậc mười ba, ánh sáng của chúng đến được trái đất phải mất hai nghìn bảy trăm năm. Mỗi một ngôi sao như thế…
- Không đúng! – Đâydi giận dữ kêu lên. – Anh cứ chủ ý doạ em thôi. Thế này anh cũng đã làm em sợ chết khiếp lên rồi. Em muốn đi xuống.
Cô giậm chân.
- Acơtua… – nhà triết học đã toan dàn hoà, nhưng cắt ngang lời anh ta lại chính là Tự Nhiên, nó phô bày một chứng cớ hiển nhiên trước mặt anh ta, từ chính chiều sâu vô biên của mình, một Tự Nhiên mà anh đã ra sức mô tả bằng cách căng trí nhớ của mình mà quên mất con tim. Bởi lẽ những ai lí giải Tự Nhiên bằng con tim đều biết rằng những vì sao được gắn lên vòm trời chỉ để nhằm một mục đích là rọi ánh sáng dịu dàng xuống những cặp tình nhân đang thơ thẩn bên dưới, và nếu như vào đêm tháng chín bạn khoác tay người yêu ngồi xổm thì tưởng đâu chẳng khó khăn gì, chỉ một với tay cũng có thể chạm tới những vì sao kia. Thế mà dám bảo rằng ánh sáng của chúng phải ba năm mới tới được chúng ta? Rặt chuyện vớ vẩn!
Đâu đó từ phía tây, loé lên một thiên thạch và trên đỉnh toà nhà chọc trời bỗng sáng lên như ban ngày. Thiên thạch bay ngang trời, rạch một đường parabôn lửa từ tây sang đông. Nó rít lên khi bay, khiến Đâydi cũng rú lên.
- Đưa em xuống đi, quyển số học sống ạ! – Cô kêu lên tuyệt vọng. Đepxtơ đỡ cô xuống thang, rồi họ đi vào thang máy. Đôi mắt Đâydi đờ dại. Khi cái thang máy rình rịch hạ xuống, đột ngột làm khách đi tê đầu gối, thì Đâydi giật bắn người.
Ra khỏi cánh cửa quay tròn của toà nhà chọc trời, nhà triết học thấy mất hút cô. Cô đã biến đi, để anh băn khoăn luẩn quẩn một chỗ. Lúc này thì cả những dữ kiện lẫn các con số đều không thể giúp gì cho Đepxtơ được.
Giô đang lúc vắng khách. Anh luồn lách dẻo như con rắn giữa các hòm hàng, châm điếu thuốc và ghếch một cẳng chân tê cóng lên cái bếp lò cà khổ.
Cửa quán bỗng bật mở toang và Đâydi, nửa cười nửa mếu, hớt hải đi vào, làm hoa quả và kẹo bánh rắc tung khắp đất. Cô lao vào ôm lấy anh.
- Này, anh Giô, em đã lên nóc nhà chọc trời rồi đấy! Ôi, chỗ này của anh ấm áp, dễ chịu, thoải mái biết bao! Em đồng ý lấy anh đấy, anh Giô ạ, khi nào anh muốn.

Nguyễn Việt Long dịch

Chú thích:
(1) 1 phút (foot) = 30.48 cm
(2) Người thợ săn trong thần thoại Hy Lạp, được đặt tên cho một chòm sao
(3) Chủ cửa hàng bách hoá lớn nhất ở Niu-Yooc hồi đầu thế kỉ
(4) 1 pao (pound) = 450 g
(5) Nhà triết học khổ hạnh người Hy Lạp, sống vào thế kỉ I sau CN.

Xem Tiếp: ----