Chiếc xe đang lao xuống dốc khi tôi không dậm thắng nên rất ngon trớn, gió xung quanh thổi mát rượi khiến tôi bật hát ư ử, mắt nheo nheo nhìn phía trước con đường có những ngôi nhà ngói đỏ song song liền kề với đường ray tàu lửa chạy về ga. Đến đoạn "Lá còn xanh như anh đang còn trẻ..." thì trước mặt... Ôi giời, xuất hiện đột ngột một gã đàn ông trên chiếc xe đạp cũ mèm, cọc cạch với hai buồng chuối treo nơi yên sau đang rướn người vượt dốc. Thấy tôi trờ đến, gã lóng ngóng chưa kịp xoay trở và tôi chỉ vừa kịp hét "Tránh...!" rồi thắng gấp quệt tay lái vào chiếc xe đạp, được đà chiếc xế nổ loạng choạng trượt đến đoạn chắn vòng cung đường sắt sơn hai mầu trắng đỏ để cày thêm lớp sơn mới toanh nơi hông xe rồi dừng hẳn.
Nhảy vội xuống nhìn chiếc quần mới bị rách toạc phía gối mà quên cả đau, tôi vừa tức vừa sợ đến lẩy bẩy nhưng vẫn cố đi đến phía gã đang đứng dạng chân giữ thăng bằng cho hai buồng chuối cùng khuôn mặt xám ngoét, mắt trợn trừng. Đang định rủa: "Sao ngu thế ông!" nhưng lại thấy quen quen liền ngậm miệng nhìn gã từ đầu xuống chân. Tóc rễ tre dựng đứng, mặt đầy mồ hôi nhem nhuốc, toàn thân được trang bị chỉ độc cái quần cộc đen lồi cả lỗ rốn, đôi chân vòng kiềng cáu đất trong tư thế trụ thấy... điên cả ruột. Gã đang cười mếu, nụ cười ngô nghê khá dễ thương dù hàm răng chẳng còn một chiếc. Và chính nụ cười ấy làm tôi bật thốt:
- Chuối chiên hả? phải Thông "chuối chiên" không?
Gã gật đầu liền rồi cười khạch khạch:
- Chiên đây, chiên giòn nóng sốt đây, mày hả Huy tồ?
Quên cả bực, cả đau, cả xe đổ chổng kềnh phía sau, tôi nắm tay nó lắc lắc:
- Ừ, tao chớ ai. Kiếm mày nhiều lần, thấy chuối chiên đầy rẫy vỉa hè nhưng mày thì không.
- Thì tao cũng bán chuối chiên đều đều. Thôi dựng xe lên theo tao về nhà, gần đây thôi.
Nhà Chuối Chiên giữa dốc hèn gì nó lấy đà từ trong nhà lao ra gặp tôi liền là phải. Đoạn dốc này phố thị vừa mở lập khu tái định cư nên ít người biết. Tôi khập khiễng đưa xe vào sân tìm chỗ dựng thì nghe nó quát giọng khạch khạch:
- Thằng Sáu đâu mày, ra dắt xe của bác Huy xuống tiệm cho thằng Tư nó sửa, xem chỗ nào bong sơn thì tút lại cẩn thận cho bác.
Thằng nhỏ khoảng 12 tuổi đang nằm trên đi-văng đọc sách vội bật dậy dạ ran thì tiếng khạch khạch vang tiếp:
- Con Bảy ra sau vườn chộp con mái bông vừa nhảy ổ rồi chở chuối ra cho mẹ, bảo ba ở nhà có khách "cố tri". Nhớ mua ít rau nghe không?
Lại tiếng dạ ran rồi bóng người vụt băng ra sau vườn. Chuối Chiên xuất hiện nơi cửa, nó cười toe hở cả lợi tay chỉ phía gốc mít:
- Ông lại ang nước rửa ráy, cởi hẳn quần dài ra cho mát. Rách rồi hả, cứ treo đại chỗ nhánh cây ấy, tí có người vá liền, vá lành lặn hẳn hoi như chiếc Uây an-pha nước biển của ông ấy.
Lại có cô nhỏ xuất hiện trên tay là khay trà, nó cúi người chào tôi trước khi đặt lên đi-văng phía hiên rợp mát tán cây.
Tôi hỏi Chuối Chiên:
- Này, ông được mấy đứa?
- À, đủ đội bóng có thêm em y tá bưng trà cho ông kia kìa.
Tôi ngẩn người nhìn Chuối Chiên như người của sao Hỏa mà nó vẫn tỉnh queo. Nhỏ thó thế kia, tóc bờm xơm thế kia, sao đẻ lắm thế. Vậy mà nó lại khạch khạch cười:
- Uống nước đi ông, chờ tôi làm tí mồi lai rai tâm sự.
Chuối Chiên học cùng tôi từ tiểu học, lên đệ lục thì đất nước giải phóng, nó ráng bám trụ năm rưỡi nữa thì biến mất tăm không bọt sủi. Hồi bé Thông còi thích ăn chuối chiên vô cùng, mà chuối chiên thì rẻ rề. Trái chuối xắt làm hai, đập phạch một cái cho bè ra thả vào thau bột trộn đều rồi đưa vào chảo dầu cho phồng rộp. Người bán vớt lên vỉ đợi nhỏ hết dầu xuống chảo, cứ một đồng một miếng bọc trong mảnh giấy cho học sinh vừa đi vừa gặm.
Thằng Thông ăn chuối chiên thì mười đứa nhìn nó đều thèm cả mười. Này nhé, nó thổi phù phù vào miếng chuối nóng, đớp một miếng hết gần nửa trong họng rồi đảo liên tục, mắt trợn ngược, cổ ngóc ngóc. Nếu nóng quá nó lừa ra môi để thổi rồi tợp vào nuốt ực, xong nó hít hà khoái trá nhìn thấy ê cả răng. Hết chỗ chuối còn bột chiên giòn thì nó nhai rau ráu chảy cả mỡ quanh mép trông thật đã. Thông chuối chiến được bạn bè tóm lược thành tên Chuối Chiên, mà hễ gọi chuối chiên là nó nheo mắt cười hềnh hệch rất ngộ không như khạch khạch giống gió lùa khe cửa như bây giờ.
Nhà Chuối Chiên lúc trước gần nhà tôi, cha nó chết trận bên Hạ Lào thời mùa hè đỏ lửa 1972, mẹ nó quệt nước mắt đi làm phụ hồ chứ nhất quyết không làm sở Mỹ để nuôi con và Chuối Chiên cứ sau mỗi buổi học, chiếc khoèo móc cùng cái bao tải là bạn đồng hành bên những đống rác đầy vỏ đồ hộp. Lâu lâu, nó chìa cho tôi bộ mặt sưng húp, mắt bầm tím để xin muối đắp nhưng vẫn cười hềnh hệch "bọn lớn uýnh tao giành bãi, nhưng đừng hòng, xem này" Chuối Chiên xòe tay, bên trong là những đồng bạc kẽm: "Mai tao và mày ăn chuối chiên mệt nghỉ". Mùa lạnh mà ăn chuối chiên thì hết ý, cứ vừa thổi vừa hít hà vị ngọt mềm, thơm giòn rùm rụm. Nhưng rồi trong đợt hè, lúc tôi cùng gia đình đi Vũng Tàu thì hai mẹ con Chuối Chiên đã bán nhà đi mất tăm.
- Sao ngồi đờ mặt như tồ thế ông?
Nó cười khạch khạch sát bên cạnh, trên tay là con gà luộc bốc khói thơm lựng, thêm đĩa muối ớt cùng chai rượu thuốc đặt gần bên tôi. Tôi đùa nhẹ:
- Vợ con cùng công việc ra sao mà làm "bầu" đội bóng thì tôi phục ông.
Nó cười ngồ ngộ vì hàm răng chẳng còn nhưng không cóp má vì tuổi nó chưa thể lên đến chức ông. Chuối Chiên đưa tay gãi đầu rồi rót rượu ra ly mời:
- "Tiền chủ hậu khách" nghe, vừa lai rai vừa trò chuyện.
Nó ngửa cổ cùng tiếng "trót" nghe thật đã.
... Cái năm tôi bỏ học, cùng bà già bán nhà tìm chút lưng vốn vì lúc ấy khổ quá, hai mẹ con dắt díu lên xóm ga mua căn nhà nhỏ. Tôi đu tàu bán nước, cứ chiếc ấm nhôm cùng chiếc ca nhựa rong ruổi đủ mọi ga xép, miệng ra rả kêu "nước đây, nước đây, nóng sốt thơm giòn, hết khát đây!" cho đến khi bên toa kia kêu "chè chén, thuốc lào rít tòng tọc đầy bổ dưỡng đây!" là đảo tàu gấp vì đi quá khu vực hoạt động. Sáng đi tối về được hai năm thì chịu hết xiết bởi nạn ăn chặn, ăn giựt, có đứa nhảy tàu lọi giò, què cẳng.
Tôi gặp vợ tôi lúc bả bán chuối chiên phía ngoài sân ga còn mình đang phụ bà già bán cháo gà trong sân ga. Cách nhau chỉ có cái hàng rào song sắt mà lại gần nhà, xa ngõ. Mỗi khi tàu chưa đến, sân ga lèo tèo vài ngọn đèn hột vịt nô đùa với gió, tôi chờ bà già thiu thỉu ngủ liền dọt ra ngoài ăn chuối chiên, tán phét cô nhỏ. Lúc ấy, bả có tí xíu, mà tôi thấy cái gì bà cũng nhỏ nghe ông. Cằm nhỏ, mũi nhỏ đến dáng ngồi khép nép cũng nhỏ dưới bức tường bên hông nhà ga. Chỉ trừ có đôi mắt, nó to tròn long lanh bên bếp lửa đang cháy tí tách. Đến tôi là khách quen mà cũng ban cho nụ cười nhỏ xíu nửa vành môi. Có lần, tôi chọc "cô chủ bán chuối chiên miếng nào cũng bé như cô ấy". Hôm sau, miếng chuối chiên của tôi bự gấp hai, ngọt lịm, nhai giòn rùm rụm.
Vậy mà thương nhau mới "đã" chớ ông. Những đêm trời mưa, sân ga vắng teo, bọn nhóc bán nước, quà bánh lặn mất hết. Mủng chuối chiên ế òm, sắp lớp chồng chất, có nước đem về trừ bữa. Tôi thấy em như miếng bánh cháy, thương quá liền vọt qua rào ngồi thụp trên chiếc đòn kê, bảo em vô dầu lại rồi cứ thế biểu diễn kiểu ăn như hồi còn đi học. Em trố mắt rồi bật cười cả miệng kiểu ăn độc nhất vô nhị của tôi. Nói thiệt nghe, khi cưới được bả, hàm răng tôi lung lay gần hết. Chịu sao nổi hả ông, cả mủng chuối chiên nóng tôi ăn vào những đêm mưa cho đến ba năm sau thì chịu sao thấu, nó rụng hết trơn trọi khi đứa con đầu lòng ra đời.
Nhìn mặt Chuối Chiên ảo não khiến tôi bật cười, cười rung vai rồi dựa gốc mít để cười. Chuối Chiên ngỏn ngoẻn há miệng phì hơi nghe khành khạch rồi đưa ly rượu lên môi đánh "trót", khoát tay:
- Đêm đầu tiên nằm bên nhau và sau khi xong việc trời ơi đất hỡi ấy, hồn đang phiêu phiêu tôi liền thủ thỉ với bả: "Em à, cái gì em cũng nhỏ nhưng có cái... lớn thiệt nghe". Tôi bị cái véo cong người, nhưng vẫn ráng nói "Cái lớn ấy... là quả tim em, đẹp như thế mà lại đi thương thằng Chuối Chiên ngớ ngẩn này". Chỗ véo tím cả tuần lễ, mà cả tuần lễ ấy bả cứ xoa hoài, thưởng hoài, đúng là tuần trăng mật, ông bà ta nói đố sai!
Tôi sặc cả thịt gà ra khỏi miệng vì cười vừa lúc con bé lúc nãy đem chuối cho mẹ đã về, sau yên nó có đứa nhỏ hơn ngồi vắt vẻo, tay nắm chặt bị bóng đựng rau, nó chạy lại bên Chuối Chiên, còn đôi mắt thì hấp háy nhìn tôi với khuôn mặt dễ thương. Có lẽ, giống mẹ hơn ông bạn đang ngồi trước mặt.
- A, út cưng của ba về rồi. Giỏi, giỏi thiệt, đi mua rau về cho ba nhậu hả con, đúng là gái rượu. Nào để ba thưởng cái đùi gà.
Chờ con bé ra sau, Chuối Chiên khoe liền:
- Đứa út đó, đẹp như má nó. Con bé theo bả trông hàng bên chợ mới.
Tôi lắc đầu ái ngại:
- Ông giỏi thiệt, cứ sòn sòn thế kia mà nuôi ngon lành, gặp tôi chắc xách bị ra đường, mà ông kể cô ấy như se sẻ, phải yêu ông dữ dội lắm.
Chuối Chiên im lặng ngó mông lung ra ngoài, con dốc nhỏ đang dần nhạt nắng, gió miên man thổi trên đám cỏ gà bay phất phơ, có tiếng còi tàu văng vẳng từ xa rồi đột ngột sình sịch lao đến, cơn chấn động địa tầng nơi tôi ngồi cùng âm thanh còi tàu lanh lảnh thoáng qua nhanh kéo hút vào sân ga còn lại tiếng cười lũ nhỏ phía sau vườn.
- Huy này, mình chỉ có một đứa thôi. Nó mở tiệm sửa xe máy dưới phố. Mấy đứa còn lại là vợ chồng mình thu nhận làm con nuôi, mỗi đứa mỗi cảnh nơi sân ga buồn hiu này. Mà sao lại "Đầu đường xó chợ", đúng hơn là "Đầu ga, cuối chợ" mới phải, hình ảnh của sự ế thừa mà mình từng biết, từng phải lọt thỏn vào đó để kiếm sống mà.
Chuối Chiên cúi đầu cười, khuôn mặt run rẩy, môi nghềnh nghệch, mắt khim khíp trong sự ngẩn ngơ của tôi. Nó co chân chữ ngũ lên đi-văng, gót chân sần sùi đầy vết chân chim nổi rõ lằn chai bợt bạt.
- Đứa con đầu tôi vừa đầy tuổi thì mất làm bả hết nước mắt. Lại thêm cái tang bà già ụp xuống làm tôi lao đao. Thằng đàn ông ngọng líu bán cháo gà trên sân ga với nồi niêu chén đũa như dàn nhạc ẩm thực cứ lóng nga lóng ngóng khiến mọi người không nhịn được cười thì xuất hiện con bé bụi bặm, nó xin chén cháo, xin rửa bát đũa, xin làm công không để có cái ăn chờ tìm việc làm. Mà nó gầy teo, ngơ ngác giữa sân ga hỗn độn thì kiếm đâu ra việc. Bả thương quá nhận nuôi liền vì nó chẳng còn ai, cơn bão biển vùng quê kéo sạch cả nhà nó. Thôi, cứ dựa nhau mà sống.
Con bé Bảy bưng lên mâm cháo nghi ngút khói, mùi rau thơm xông lên ngậy mũi. Chuối Chiên bỏ vào chén tôi cái phao câu, đẩy sang cười nhẹ:
- Nhường ông, còn nhớ không?
Tôi cười gật gật. Lúc nhỏ, đám giỗ nào của nhà tôi, hai mẹ con Chuối Chiên cũng sang phụ, ỷ chủ nhà, tôi chờ dịp hạ cỗ là giành lấy cái phao câu dù biết Chuối Chiên rất thích, bởi "ăn nó giòn giòn, sừn sựt, béo béo như chuối chiên ấy". Có lần, hai đứa chí chóe định vung tay múa chân thì cha can thiệp bằng cách chẻ đôi mỗi đứa một nửa, nhưng mẹ Chuối Chiên đã gắp tất vào chén cho tôi dù nó đã ngầng ngậng nước mắt. Sau này, mỗi lần có giỗ, tôi lại để dành cho nó nhưng chưa lần nào Chuối Chiên quay lại con phố cũ.
- Còn mấy đứa kia trong trường hợp nào? Tôi tò mò hỏi.
- Thì cũng "Đầu ga, cuối chợ" cả, kể chi dài dòng. Có đứa xách nước mướn, có con bán quà bánh trên tàu nhưng khi đoàn tàu được nâng cấp thì dạt xuống. Được cái là biết thân, biết phận, lo chọn lấy cái nghề. Con Hai phụ bán cháo giờ có sạp riêng nay mai có chồng, thằng Ba đứng dây chuyền đóng chai hãng nước ngọt bên khu công nghiệp, rồi thằng Tư cũng ngon lành, tí nữa thằng Sáu đem xe về thì biết. Được cái, bọn nó lo cho bầy em sau được đi học là vợ chồng tôi sướng rên như hồi mới cưới ấy!
Chuối Chiên lại bật cười khạch khạch, cánh mũi như chiếc phao câu gà hinh hỉnh và há miệng trống hoác tọp rượu đánh "trót". Lúc đặt ly nó nheo mắt nhìn tôi ra vẻ kinh nghiệm đời mà nói:
- Lúc ở nhà cũ gần ga, buổi sáng đoàn hùng binh nhà tôi ra đường đi làm ai thấy cũng ngán. Thằng đèo thùng kem, đứa ôm vé số, đứa nhổ lông gà... buổi chiều chạng vạng tề tựu ăn uống rồi con Hai phân công đứa vác chảo, đứa khiêng hỏa lò ra chiếm các góc lề đường để bán chuối chiên. Khuya, con Hai ra thay vợ chồng tôi ở sân ga để tụi tôi về nghỉ lấy sức. Cả ngày lầm lũi bụi đường, mà khi ngủ bọn nó nằm tăm tắp như lớp chuối chiên trên vỉ thấy ứa nước mắt, càng ứa nước mắt hơn khi giở hộp thiếc, trong đó là những tờ bạc cuộn dây thun đủ mầu của mỗi đứa, tờ rách, tờ lành, tờ mới, tờ cũ vương vất mồ hôi. Nhưng cảm động nhất là lúc thằng Ba nhận tháng lương cùng tiền thưởng vượt khoán tháng đầu tiên, nó bảo tôi phải đi đặt hàm răng giả vì mỗi khi cười trông như sân bóng không có cầu thủ, mà bày đặt làm bầu này nọ! Sao không ăn uống mà cứ nhìn tôi thế kia, Huy.
Lại một đoàn tàu chạy về sân ga, nó kéo còi lanh lảnh trong nắng chiều rồi sình sịch lướt qua, lần này là chuyến tàu hàng với các toa sơn đen đóng kín cửa.
- Con út dễ thương không ông, nó đang học mẫu giáo bên kia đường. Buổi chiều nhọ nhem năm ấy, tôi đang chuẩn bị bát đũa cho chuyến tàu sắp đỗ lại để đi Sài Gòn. Có cô gái trẻ bồng đứa nhỏ ghé đến gọi cháo. Nó ăn mà lóng ngóng nên bả phải bế hộ. Đến bát cháo thứ hai, nó quậy muỗng ngần ngừ lúc lâu rồi nói thẳng thừng, nếu mua nó bán. Ôi trời, lần đầu tôi gặp khuôn mặt lạnh mà đẹp dữ dội như con ấy và hành động có một không hai trong bao năm tôi sống ở sân ga. Tôi lắc đầu vì ngán nhưng nó đặt gói đồ sát cạnh chân bả rồi tuyên bố cho không khi tàu đang vào. Đến nước này thì tôi dúi vội xấp tiền của thằng Ba bảo đến nha sĩ lúc cô gái chùi nước mắt lên tàu. Tôi hứa với cả nhà, khi con út làm bác sĩ, chính út chứ không ai khác sẽ trồng lại răng cho bố thiệt đẹp, phải không ông?
Tôi gật đầu nhưng quay mặt sang hướng khác vì mình muốn khóc mà Chuối Chiên lại cười vừa lúc thằng Sáu chạy xe từ ngoài vào. Nó trao chìa khóa cho tôi bằng cả hai tay nhưng miệng lại bảo ba nó:
- Anh Tư bảo bố cẩn thận khi vượt dốc mà bố không nghe, may mà gặp bác...
- Ừ, ừ bố biết... Chuối Chiên xua tay mắt lom lom nhìn chỗ vết xước ban nãy được làm lại sáng bóng lượn theo mầu xe.
- Ngon lành rồi Huy, cứ lai rai chờ bả về để tôi giới thiệu bạn cũ thời ăn chuối chiên. Ngồi đây thì thấy bả liền khi qua đoạn dốc, chiều nào tôi cũng ra cổng đón bả, y như hồi mới cưới bả dẫn bọn nhỏ đi bán về.
Tôi ngước nhìn ánh nắng chiều se sắt đang tràn qua triền dốc và nơi ấy, tí nữa thôi, vợ của bạn tôi, vợ của Chuối Chiên đang trên đường trở về.
 

Xem Tiếp: ----