KỶ NIỆM NGÀY SINH FREDERIC CHOPIN

1.
Trong phòng làm việc của tôi có treo một bức tranh được vẽ bằng những nét vẽ trẻ con trên khổ giấy học trò. Đó là một bức tranh phong cảnh mùa đông với một cây sồi già trụi lá, những bông tuyết lấp lánh ánh xanh bay giữa bầu trời, một chú người tuyết với chiếc mũ đỏ đứng giữa sân băng và một ngôi nhà nhỏ mái ngói, tường vôi trắng và những ô cửa sổ sáng ánh đèn vàng... Đây chính là bức tranh do con trai tôi vẽ lúc cháu lên 5 tuổi, khi cháu đến thăm ngôi nhà nhỏ, nằm lặng im giữa khu vườn cổ tích của làng Zelazowa Wola. Chính trong ngôi nhà đó, nhạc sĩ thiên tài người Ba Lan Frederic Chopin đã cất tiếng khóc chào đời...
Ở Warszawa, cùng với ngôi nhà thờ cổ kính Holy Cross nằm trên phố Nowy Swiat – nơi cất giữ trái tim Chopin sau khi chuyển về Tổ quốc; công viên Lazienkowski – nơi chứng kiến mối tình đầu của chàng thanh niên Chopin cùng tiểu thư Constantia Gladkowska và cũng là nơi có tượng đài Chopin nổi tiếng đang ngồi suy tư giữa vườn hồng; nhạc viện Warszawa, nơi chú học trò 14 tuổi hội ngộ cùng người thầy tri kỷ Joseph Elsner và buổi hoà nhạc chia tay bi tráng tháng 10 năm 1830 - buổi hoà nhạc một lần là mãi mãi; ngôi nhà nhỏ tại làng Zelazowa Wola, nơi chứng kiến những năm tháng ấu thơ của người nhạc sĩ thiên tài đã trở thành bốn địa điểm của chu trình khép kín trong cuộc hành hương theo dấu chân người "thi sĩ dương cầm". Trong "tứ đại cảnh" đó, khu vườn và ngôi nhà tại Zelazowa Wola có lẽ là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm nhất về Chopin...
Vốn là một ngôi nhà phụ, nằm cạnh tòa lâu đài của bá tước Skarbek, người đã nhận bố, mẹ của Chopin làm gia sư cho gia đình. Ngôi nhà nhỏ nép mình dưới tán cây phong, cây sồi cổ thụ ngày nay đã trở thành nơi hành hương của biết bao người yêu âm nhạc trên toàn thế giới...Từ Warszawa đi theo đường 580 hướng về Chodakow, sau khi vượt qua những thị trấn thanh bình, những cánh đồng lúa mì mùa thu với những cây rơm đẹp như trong tranh Van Gogh, những khu rừng cổ thụ thâm nghiêm, những nghĩa trang làng với hàng bạch dương rủ lá buồn bã và những ngôi nhà thờ cổ với tiếng chuông chiều ngân nga, những nông trại ngút ngàn hoa lê, hoa táo mùa xuân... cùng những người nông dân hiền lành, tốt bụng, qua những địa danh như: Stare Babice, Kapinos...ta sẽ gặp làng Zelazowa Wola hiền hòa, mến khách cùng ngôi nhà nhỏ của Chopin...
Trong con mắt của con trai tôi, mùa đông là mùa đẹp nhất...
 Bức tranh của con tôi có mặt trong phòng làm việc như một người bạn thân quen nhắc tôi về những kỷ niệm khó quên của những chuyến "hành hương" đến khu vườn cổ tích, những lần ngồi lặng im trước ngôi nhà nhỏ lắng nghe tiếng thì thầm kể chuyện của hoa, lá, cỏ cây trong sắc màu của nắng, gió bốn mùa, những cuộc gặp gỡ tình cờ, thú vị với những người đồng hương vừa từ trong nước sang, đến viếng thăm ngôi nhà này trước và sau mỗi kỳ thi piano quốc tế mang tên Chopin tổ chức bốn năm một lần tại Warszawa...
2.
Nhiều lần tôi tự hỏi: khu vườn của Chopin đẹp nhất vào lúc nào trong bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông? Có thể là mùa xuân chăng?...
Mùa xuân, tôi thích ngồi trên chiếc băng gỗ cũ kỹ đặt giữa vườn hồng xinh xắn phía sau nhà. Từ đây, trong nắng mai, có thể nhìn thấy ngôi nhà như sáng rực lên giữa sắc màu hoa cỏ, màu hồng, màu trắng của những khóm tường vy, màu tím của những chùm hoa lilas, màu đỏ thẫm của hoa hồng, màu vàng tươi của những thảm hoa bồ công anh, màu xanh của lá và cỏ non, màu đỏ tím của những mầm lá bạch dương... Hương thơm của muôn loài hoa nơi đây được gió mang đến tất cả mọi ngóc ngách của khu vườn, những con gió xuân nhẹ nhàng, tinh nghịch như cậu bé Fred đang quay về vui đùa, chạy nhảy đâu đó giữa vườn xưa... Mùa xuân, tôi cũng hay ngồi dưới tán lá cây tùng cổ thụ sát nhà, lắng nghe những âm thanh ngọt ngào, da diết của bản piano concerto số 1 được Chopin viết năm 1890 và nghĩ về kết cục không vui của mối tình đầu giữa nhạc sĩ thiên tài và người con gái Warszawa xinh đẹp – Constantia Gladkowska dưới mái trường nhạc viện Warszawa trong những năm ba mươi đáng nhớ đó... Dòng nhạc nào ông viết cho nàng? Dòng nhạc nào ông viết cho Warszawa trước ngày tạm biệt? Và, phải chăng, vì đã linh cảm trước một kết thúc bi thương mà cả hai bản concerto viết cho đàn piano của ông đều ở giọng thứ (minor) buồn bã? Tôi cũng có cảm giác âm nhạc mang nỗi buồn của Chopin rất dễ đồng cảm với người Việt, có lẽ vì thế mà nghệ sĩ Đặng Thái Sơn của Việt Nam đã trở thành một trong những người chơi nhạc Chopin hay nhất hành tinh...
3.
Thế mùa hạ, mùa của nắng. mưa thì sao? Một lần, tôi đã được ngắm nhìn ngôi nhà của Chopin trong cơn mưa mùa hạ. Giữa màn mưa trắng xóa, ngôi nhà ẩn hiện dưới tán lá sồi đẫm nước, những chiếc lá uốn mình theo gió, những cành cây chuyển màu đen thẫm như mực tàu... Trong mưa, khu vườn trở nên lung linh, huyền ảo như một câu chuyện liêu trai...Và nắng, hãy đi dưới tán cây rợp lá trên con đường rải sỏi trắng dẫn đến ngôi nhà, ngồi xuống băng đá nhỏ phía trước nhà, ngắm trời xanh qua muôn vàn mắt lá: lá phong nho nhã, lá sồi vững chãi, lá bạch dương dịu dàng, lắng nghe tiếng cá quẫy dưới lòng suối nhỏ... Đến một lúc nào đó, bạn sẽ tin rằng, trong tất cả 21 bản nocturne được Chopin viết ra trong những ngày xa xứ đều ẩn chứa những đôi mắt lá, những giọt mưa mùa hạ, tiếng cá quẫy và cả ánh trăng của những đêm hè trong khu vườn hoài niệm của ông...
4.
Mùa thu, cả Zelazowa Wola trở thành một ốc đảo của những sắc vàng: vàng đỏ của lá phong, vàng sẫm của lá sồi, vàng chanh của lá bạch dương... Mùa thu, tôi thích đi dạo trên những con đường nhỏ trong khu vươn, bước qua cây cầu đá rêu phong bắc qua con suối nhỏ...Ở đó có một cây liễu cổ thụ nằm nghiêng mình soi bóng nước. Dưới gốc cây là một vạt cỏ xanh cùng thảm lá vàng. Người ta kể rằng thảm cỏ dưới chân cội liễu già này là nơi cậu bé Chopin vô cùng yêu thích và thường lui tới. Có hôm, cậu bỏ hàng giờ liền nằm dưới gốc liễu thả hồn theo những đám mây trắng trên cao...Hôm tôi đến, cây liễu vẫn còn đứng đó như vẫn trông chờ người bạn nhỏ quay về. Nhìn những chú sóc nâu thoăn thoắt chuyền cành, chạy nhảy trên thảm cỏ, tôi chợt nhớ về một cảnh trong bộ phim "Hoàng Đế cuối cùng": vị vua đã thoái vị Phổ Nghi, sau bao thăng trầm dâu bể tình cờ gặp lại chú dế mèn, người bạn thời thơ ấu vẫn còn sống trong chiếc hộp đặt dưới ngai vàng, một hình ảnh đầy vẻ "hiện thực huyền thoại" gây ấn tượng sâu sắc trong tôi...Nếu những chú sóc nhỏ kia có được "phép lạ trường sinh" như chú dế mèn của Phổ Nghi – thì có lẽ một ngày nào đó, chú sẽ kể cho chúng ta nghe những kỷ niệm với chủ nhân nhỏ Fred...
Mùa thu, trong khu vườn Chopin, đứng không xa cây liễu cổ thụ - có một cây ngô đồng đặc biệt: từ xa đã có thể nhận ra nó nhờ chiều cao vượt trội, dáng cây hùng dũng, oai phong và sắc lá đỏ rực lạ kỳ...Cây ngô đồng như một nét cọ bạo liệt của một danh họa bậc thầy, điểm nhấn của cả khu vườn... Có phải đây là điểm hội tụ của tất cả niềm yêu, nỗi nhớ mà khu vườn dành cho người chủ nhỏ thân yêu, để rồi mỗi năm, đến độ thu về, màu đỏ xốn xang của rặng ngô đồng như nỗi nhớ thương và hoài niệm về lần chia tay mãi mãi với Chopin tháng 10 năm 1830 buồn bã đó?
5.
Trong con mắt của con trai tôi, mùa đông là mùa đẹp nhất của khu vườn nhỏ... Trong giá rét, ánh đèn vàng hắt ra từ những khuôn cửa gợi một cảm giác ấm áp của những ngày đoàn viên...
Hãy đến Zelazowa Wola vào mùa đông, ngồi trong phòng khách ấm cúng của ngôi nhà Chopin, cạnh cây đàn piano cổ và thử hình dung về những đêm đông như thế cách đây gần hai thế kỷ, chú bé Fred đã ngồi trên tấm thảm êm ái cạnh lò sưởi bên chân mẹ,nghe tiếng đàn của mẹ và lim dim ngủ...Có phải cũng trên những phím đàn này, trong một đêm đông, cậu bé Fred 6 tuổi ngồi chồng sách kê thêm trên băng ghế, lần đầu tiên đã lướt những ngón tay nhỏ xíu tạo nên những giai điệu tươi vui trong ánh mắt ngạc nhiên của mẹ, những giai điệu mà cậu nói với mẹ là đã nghe được trong những giấc mơ...
Và phải chăng, cũng chính trong căn phòng này, cậu bé 7 tuổi Fred đã chính thức bước vào thiên đường âm nhạc với người thầy đáng yêu Woiciech Zywny? Có phải cũng trên những phím đàn này, cậu học trò nhạc viện đã dạo nên những giai điệu tuyệt vời của bản etude "Ảo mộng" với tiết tấu nhanh, lôi cuốn, đánh dấu bước chuyển về phong cách sáng tác mang đậm dấu ấn của thiên tài vĩ cầm Paganini sau lần gặp gỡ lịch sử giữa hai người trong một mùa đông Warszawa. Cũng đã bao lần cậu bé đứng bên bệ cửa sổ này để ngắm nhìn những bông tuyết bay lấp lánh dưới ánh trăng...Và có lẽ, trong giây phút cuối đời, ánh đèn vàng ấm áp chiếu qua khung cửa mùa đông cùng với tiếng nói cười của người cha, tiếng đàn của mẹ, tiếng chân nô đùa của chị...đã hiện về trong tâm trí của người con viễn xứ Fredric Chopin giữa mùa đông Paris cô đơn, lạnh lẽo...?
6.
 Có lẽ, trong khu vườn Chopin, mùa nào cũng đẹp, cũng đáng nhớ, đáng yêu...Vào sinh nhật người chủ nhỏ năm nay, trong khu vườn nhỏ, mùa đông đang chuẩn bị ra đi nhường cho những bước chân dịu dàng của nàng xuân đang đến rất gần... Hãy đến đó và ngồi xuống trong tĩnh lặng, bạn sẽ nghe được tiếng băng tan, tiếng mầm cỏ cựa mình, tiếng bật của chồi biếc, chiếc chân rón rén của những chú sóc nâu chạy trên tuyết xốp... Hãy lắng nghe những giai điệu ngọt ngào từ những phím dương cầm đang phát ra từ ngôi nhà nhỏ tràn ngập cả khu vườn ngập nắng xuân...Hỡi những người đồng hương đang sinh sống tại Warszawa, lam lũ quanh năm, tất bật làm ăn, hãy bớt chút thời gian để đến đây, bạn sẽ có được những phút giây thư thái trong tâm hồn và hãy để cho ký ức được thảnh thơi tìm về với những kỷ niệm thuở ấu thơ chốn quê nhà khi bạn thả hồn cùng cây cỏ, âm nhạc Chopin và mây trắng trên khu vườn cổ tích Zelazowa Wola...

Xem Tiếp: ----