MỘT VÀI VẤN ĐỀ CHUNG KHI THEO DÕI LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA TIẾNG VIỆT

0.1. Khi quan sát lịch sử phát triển của tiếng Việt, chúng ta chỉ có thể quan sát sự phát triển của nó từ giai đoạn nó tách ra khỏi nhánh ngôn ngữ Mon-Khmer để tạo thành nhóm Việt-Mường riêng rẽ. Vì thế, khi nói đến quá trình phát triển của tiếng Việt, về thực chất, chính chúng ta cũng nói về lịch sử phát triển của nhóm Việt-Mường.
0.2. Khác với các ngôn ngữ khác, tiếng Việt có văn tự để ghi chép rất muộn, cho nên các tri thức về tiếng Việt càng cổ xưa thì càng phải dựa vào ngôn ngữ họ hàng chứ không phải bản thân tiếng Việt. Do đó, việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt chính xác đến mức độ nào là tuỳ thuộc vào sự hiểu biết vào các ngôn ngữ trong nhóm Việt-Mường.
0.3. Về việc xác định giai đoạn và mốc nghiên cứu
Sự phân định giai đoạn phát triển của tiếng Việt bao giờ cũng phải dựa vào những mốc cụ thể. Tuy nhiên những mốc này là những mốc trong quá khứ nên không mang tính xác định. Vì vậy, lịch sử phát triển của nó chỉ được tính bằng những hiện tượng biến đổi trong lịch sử của ngôn ngữ.
Để có thể phân định được mốc phát triển của tiếng Việt, trong nghiên cứu lịch sử, người ta phải dùng đồng thời nhiều dấu hiệu khác nhau. Việc chỉ dùng một dấu hiệu để phân định một mốc phát triển đôi khi chưa phản ánh hết tình hình thực tế phát triển của ngôn ngữ.
0.4. Chặng đường phát triển 3000 năm của tiếng Việt với hai thời kì khác biệt
0.4.a. Thời kì đầu
Thời kì này chiếm 2/3 thời gian phát triển. Lịch sử tiếng Việt trong thời kì này chính là lịch sử các ngôn ngữ Việt-Mường. Ở thời kì này, những biến đổi của tiếng Việt cũng chính là những biến đổi được ghi lại trong dấu ấn của các ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường hiện nay. Và chính điều đó đã lí giải vì sao khi tiến hành nghiên cứu lịch sử tiếng Việt người ta lại phải tiến hiến hành nghiên cứu những vấn đề ngôn ngữ của các ngôn ngữ Việt-Mường hiện nay.
0.4.b. Thời kì sau
Trong khoảng thời gian còn lại, tiếng Việt đã phát triển theo con đường của riêng nó và những biến đổi về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp chỉ tác động ở riêng tiếng Việt mà không liên quan gì đến các ngôn ngữ Việt-Mường khác.
Chính vì thế, khi nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, đúng theo nghĩa của nó, sẽ là lịch sử phát triển từ giai đoạn tiền Việt-Mường cho đến tiếng Việt hiện đại hiện nay