(bút danh khác: Dạ Thảo Linh)

Các ca... c.. a.. a. Các... ca... ca...a. Con chim báo bão bay ngang sườn núi Chúa, vụt quay đầu hướng thẳng lên bầu trời phát ra tràng tiếng kêu khan đục, báo hiệu cơn bão sắp tràn về đảo. Phía hòn Cau mặt trời đang chìm dần xuống biển để lại những vệ sáng đỏ rực trên mặt biển. hướng đồng vành trăng toả lên bầu trời thứ ánh sáng mờ mờ. Giây phút giao hoà ngày và đêm đã tạo cho biển không gian huyền ảo lạ lùng.
Chiếc thuyền câu mực đang từ từ tấp vào bãi, bên cạnh cầu tàu chín trăm mười bốn. Nguyệt chạy chân trần trên cát, mái tóc bay ngược ra sau, hồn nhiên như trẻ nhỏ, cô reo lên:
- A... Chú đã về.
Người đàn ông trạc ngoài ngũ tuần đứng dạng chân chèo trên thuyền, sự từng trải biển cả hiện rõ trên khuôn mặt rắn rỏi. Ông nhìn cô khẽ mỉm cười. Nguyệt ào xuống nước phụ ông lôi vào bờ giỏ mực lớn. có con dài hơn nửa thước tây. Cô ngước nhìn ông:
- Nghe chim các ca kêu cháu sợ quá. Tưởng tối nay chú không về sẽ gặp bão.
- Tiếc quá, đang gặp chỗ có nhiều mực nhưng đành phải về sớm.
Những con sóng tràn vào bờ với vẻ ồn ào vội vã đã xua những đàn tàu đánh cá tấp vào cầu cảng bến Ðầm. Ðám ngư dân đất liền đổ bộ lên bờ phá tan sự yên tĩnh vốn có của thị trấn Côn Ðảo. Một số trong bọn họ đang ngồi nhậu trong công quán tò mò nhìn hai người. Họ không thể đoán nổi hai cư dân đảo này có quan hệ như thế nào với nhau. Ông già câu mực có vẻ trầm lặng bên cạnh cô gái trẻ đang liến thoắng với những người mua mực. Thi thoảng cô quay qua nhìn ông bằng ánh mắt âu yếm.
- Hai người ấy là vợ chồng hay là gì vậy?
Một người tò mò nhìn cô gái bán quán.
- Họ là bạn.
Là bạn ư?
Những người đang nhậu đều ngửng lên trố mắt nhìn cô phục vụ.
- Ông ta là cựu tù Côn Ðảo trước đây. Sau ngày giải phóng ông trở lại Côn Ðảo sống bằng nghề câu mực. Ông sống một mình không bà con thân huộc. Còn cô gái ở đất liền mới ra đảo ba năm nay.
Những vị khách ở công quán đều ngửng lên lắng nghe cô gái bán quán kể câu chuyện kỳ lạ, gợi trí tò mò của họ.
- Cách đây ba năm công an Côn Ðảo tuần tra bắt gặp một con tàu giả dạng tàu đánh cá đậu ở bến cảng Ðầm. Trên tàu có mười lăm cô gái hành nghề "nhảy tàu" ghé đảo làm ăn. Các chú cũng biết, Côn Ðảo là xứ sở không có loại tệ nạn nào tồn tại nên việc ấy dễ dàng bị phát hiện. Công an đã ra lệnh trục xuất họ. Sáng hôm sau, người đàn ông câu mực hộc tốc đưa vào bờ một cô gái trong tình trạng hôn mê. Mọi người nhận ra cô ta là một trong mười lăm cô gái trên tàu bị trục xuất từ chiều hôm trước. Người đàn ông kể rằng: Ông nhìn thấy cô ta lao từ con tàu xuống biển và ông đã vớt cô ở khu vực biển gần hòn Cau. Khi được cứu tỉnh cô xin được ở đảo để làm lại cuộc đời. Còn Ðảo mở rộng vòng tay đón nhận cô. Ông cất thêm cái chái bên nhà cho cô gái và họ thành bạn của nhau từ đó.
Nghe xong câu chuyện, gã thanh niên có bộ râu quai nón gục gặc pha trò: - Nếu chỉ làm bạn thì lãng phí quá.
Cô gái bán quán đỏ mặt đứng lên. Cả bọn cười rồi ồn ào nâng cốc cụng ly ngửa cổ đổ rượu vào miệng ừng ực. Ðối với họ câu chuyện trên bất quá cũng giống như bộ phim tình cảm mà họ đã từng coi trong đất liền.
Ðêm nay, ông lại không ngủ được. Di chứng của những đòn tra TẤN KHI CÒN Ở TÙ CỨ HÀNH HẠ ÔNG MỖI KHI TRỞ TRỜI. ÁNH trăng như những cái que soi qua mái nhà xuyên xuống nền đất tạo ra thứ ánh sáng trong xà lim "chuồng cọp kiểu Mỹ" làm cho ông hồi tưởng lại quá khứ. Mỗi lần không ngủ được điều ấy lại hiện về hành hạ ông. Nó đau buốt đến dại người, đau hơn cả những vết thương trong cơ thể ông dồn lại.
... Trong số tù binh chính trị bị đày ra Côn Ðảo trong thời gian đầu của nền "đệ nhị Cộng hoà", người ta chú ý đến người tù trẻ có thân hình rắn chắc khoẻ mạnh và khuôn mặt đẹp trai của anh. Ðám vợ giám thị tò mò nhìn những tù binh mới. Mụ vợ của cai ngục trại Phú Hải kề tai nói nhỏ điều gì vào tai vợ giám thị Sung. Cả hai đấm nhau cười rưng rức.
Hơn nửa tháng bị giam trong xà lim, người tù đẹp trai được chỉ định làm "công nhân tư gia" phục vụ cho gia đình cai ngục. Chưa nhận được tín hiệu của bạn tù, anh đành chấp nhận mệnh lệnh của cai ngục. Anh không ngờ nét đẹp trời phú cho anh lại là định mệnh khắc nghiệt của luật bù trừ. Mụ vợ cai ngục đối xử với anh tử tế hơn so với những người tù phục vụ khác. Hai tuần sau anh được ngủ lại trong nhà bếp của dinh thự cai ngục. Vào đêm trăng sáng như đêm nay, đang thao thức với nỗi nhớ đất liền, bỗng mùi nước hoa hăng hắc thoảng qua rồi thân hình nhầy nhụa như con sứa biển đổ ập lên người anh. Lần đầu tiên trong đời anh biết thế nào là nỗi nhục nhã của một người đàn ông "bị hiếp dâm". Công việc ấy kéo dài nhiều ngày cho đến khi tên cai ngục lôi mụ vợ của mình ra và phang vào đầu anh cây ba toong hắn thường mang bên người. Anh ngất đi, khi tỉnh dậy anh thấy mình nằm trong xà lim tăm tối với cái đầu đầy máu. Từ đây anh sống những chuỗi ngày buồn bã bởi sự ghẻ lạnh của bạn tù.
Ðến ngày giải phóng trở về đất liền, anh được đón tiếp bằng nhiều nghi vấn và cũng cùng là sự im lặng đáng sợ. Không kỷ luật, không cha mẹ, vợ con. Sau nhiều ngày lang thang, anh quyết định trở lại Côn Ðảo và trở thành ngư dân...
Những suy tưởng kéo ông dần vào giấc ngủ. Mặt trăng ngã về hướng hòn Cau. Những con sứa biển vây quanh ông trong cơn ác mộng.
Nguyệt không ngủ được, kề tai vào vách cô nghe rõ hơi thở nặng nhọc của ông. Ngồi bó gối trên giường, cô nhìn ra biển. Ngay từ nhỏ cô đã yêu biển. Nhiều lần trong giấc mơ cô thấy mình tan vào biển cả mênh mông. Cách đây ba năm khi cô sắp hoá thân thì ông giành cô lại từ tay mẹ biển. Cô quyết định ở lại đảo để từ bỏ cuộc đời truỵ lạc. Không biết vì cô bị mê hoặc bởi vẻ hoang sơ của thiên nhiên hay vì những giọt nước mắt của mẹ cô. Cô nhớ người mẹ bất lực đã ôm cô khóc như mưa. Bà dúi vào tay cô bó tiền khi cô ra đi. Nhưng ngày ấy cô không mảy may xúc động, cô ném bó tiền lại và khinh khỉnh nói:
- Hãy để mà phục vụ ông ấy.
Bà chới với đưa đôi tay gầy guộc về phía con gái. Sau đó bà đã chết vì sự đau buồn và những trận đòn hành hạ của lão chồng hờ bất nhân. Cô trở về tiễn bà ra nghĩa trang, đôi mắt cô ráo hoảnh. Sợi dây cuối cùng với quê nhà đã bị cắt đứt. Suốt thời giang hồ những giọt nước mắt của bà cứ đeo đuổi cô. Hình như ngày ấy có vài giọt nước mắt rớt trên tay cô, cô rụt lại vì cảm giác nóng rát. Như một vệt bỏng không lành miệng, mỗi lần nhớ mẹ cô lại nghe cảm giác ran rát trên tay mình.
Ơ... ơ... ớ...
Tiếng rên rỉ và hơi thở khó nhọc phát ra phía bên kia vách. Ông là người đàn ông đầu tiên mà cô thương đến quặn thắt ruột gan. Ðã ba năm rồi ông cưu mang cô, ông sống như chiếc bóng, chẳng màng đến vẻ đẹp quyến rũ của cô. Càng ngày cô càng yêu ông hơn. Nhớ hình ảnh sừng sững của ông trên bãi biển chiều nay, cô đưa tay xoa bờ vai trần của mình. Cơ thể nóng bừng lên theo sự vuốt ve của chính cô. Cảm giác này cứ lập đi lập lại vào mỗi đêm trăng sáng, từ hơn nửa năm nay. Cô cũng không thể hiểu nổi chính mình. Ngày xưa cô đã từng nằm trong vòng tay của bao gã trai trẻ nhưng cô chưa bao giờ có được cảm giác ấy.
Ken... két... k.. ét... Ông đang trở mình. Cô hình dung thân hình rắc chắc của ông đang co lại vì cơn gió biển ùa vào nhà. Cô rời giường đi về phía phòng ông. Ông không nằm nghiêng như cô nghĩ. Ông nằm ngửa. Bộ ngực vạm vỡ phập phồng. Cô nhẹ nhàng đặt tay lên ngực ông - Những con sứa biển bám vào người ông. Một con, hai con... nhiều con vây chặt kéo ông vào lòng biển. Con sứa lớn nhất có gương mặt của mụ vợ tên cai ngục kề sát mặt ông - Ông vùng vẫy bật dậy, đôi mắt mở trừng trừng nhìn cô, toé lửa. Cô hốt hoảng lùi lại lùi dần ra cửa. Người vẫn cứ nóng ran, cô đi về phía bờ biển. Cơn gió biển thổi bồng mái tóc của cô. Dưới ánh trăng, biển tung những con sóng bạc đầu mời gọi. Như kẻ mộng du cô rũ bỏ những thứ ràng buộc trên người. Cô cất tiếng hát, tiếng hát du dương đã từng ru ngủ hàng trăm gã đàn ông.
Trong tư thế hoang sơ, cô đi dần vào lòng biển cùng với tiếng hát của mình. Biển mở rộng vòng tay vuốt ve thân thể ngọc ngà của cô...
Sáng hôm sau, những cư dân ở bờ biển Côn Ðảo loan báo một huyền thoại mới bổ sung vào kho tàng huyền thoại đầy ắp của xứ đảo. Họ khẳng định rằng đêm qua họ đã chứng kiến một nữ nhân ngư hiện lên. Nàng cất tiếng hát liêu trai mê hoặc. Thân hình của nàng trong suốt lấp lánh dưới ánh trăng. Vì sự xuất hiện của nàng mà cơn bão sắp kéo về đã bị đẩy lui, trả lại sự yên bình cho biển cả.

Xem Tiếp: ----