II
Suy nghĩ về bản chất con người
và xã hội

1. Con người
Khác với con vật, con người có sự tự nhận thức về mình, về sự tồn tại của mình
Điển hình cho cái nhìn con người một cách tự nhiên, đơn giản là quan niệm con người của học thuyết Khổng -Mạnh, coi con người là đơn vị cơ bản cấu tạo nên gia đình, nhiều gia đình cộng lại thành quốc gia, nhiều quốc gia cộng lại thành thế giới. Trong chuỗi tổ chức ấy con người là những cá nhân, với tư cách là những đơn vị tự thân hoàn chỉnh, chiếm vị trí gốc rồi toả ra xã hội. Thân có tu thì gia mới tề, gia có tề thì quốc mới trị, quốc có trị thì thiên hạ mới bình được!(lô gích này ta cũng gặp lại trong câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh:muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa!)ấy là những con người nông nghiệp, con người của cái tâm. Cái trí còn rất sơ khai, còn cái lợi của cá nhân thì bị nén lại. Ngay khi hình thành quan niệm này về con người đã gặp bế tắc. Tu thân đến như đức thánh Khổng, đạo đức đến như đức thánh Khổng mà không được nước nào dùng, các quốc đều bất trị, thiên hạ thì bất bình, bởi mô hình con người đạo đức (homo ethicus) chỉ là con người của qui mô gia đình, làng xóm. Một người hướng về hành động như Khổng Tử mà quan niệm này của ông thì thật là không tưởng. Bệnh xã hội chủ nghĩa không tưởng của nhân loại có thể đã âm ỉ từ trước công nguyên. Chủ thuyết là đức trị, nói dân là quí, rồi mới đến xã tắc, còn vua thì xem nhẹ mà trong thực tế thì thang giá trị luôn lộn ngược trở lại. Nền đức trị chỉ thịnh vượng khi có một minh quân độc tôn. Nhưng bất kể triều đại nào quân cũng chỉ minh được lúc đầu, sau thế nào cũng thoái hoá biến chất. Chỉ có đám lê dân là ngoan ngoãn tu thân, còn những kẻ thống trị thì chẳng thấy ông vua nào theo được Nghiêu Thuấn cả!Dân bao giờ cũng ham mê cái lợi và tôn thờ cái tâm, nhưng thấp cơ thua trí kẻ thống trị. Các vị vua chúa đều hiểu rõ ba yếu tố ở con người, nên muốn khống chế phần con thì dùng cái lợi, muốn khống chế phần người thì dùng cái tâm và rất ngại nâng cao dân trí. Cứ như vậy con người đạo đức bị chế độ phong kiến và nông nghiệp giam hãm hàng chục thế kỷ.
Khi CNTB hình thành, quan hệ sản xuất công nghiệp làm cho nhận thức về con người rung chuyển tận gốc. Một mặt, tính cá nhân của con người phát triển mạnh, nhất là con người của cái lợi, nhưng mặt khác sự ràng buộc của các cá nhân trong guồng máysản xuất và tiêu thụ của xã hội cũng ngày càng chặt chẽ. Thế là con người nông nghiệp, con người cá nhân của chế độ phong kiến bị giằng xé mãnh liệt theo hai chiều ngược nhau, chiều cá nhân và chiều xã hội. Kết quả là đến thế kỷ 19 đã bùng ra hai xu hướng ngược hẳn nhau về nhận thức bản chất con người: con người của phái Mác xít và con người của phái hiện sinh.
° Nhận thức về con người của phái Mác Xít
Ưu điểm nổi bật của trường phái này là phát hiện ra tính xã hội của con người. Quan hệ của xã hội với cá nhân không phải là quan hệ của số tổng và các số bị cộng mà là quan hệ điều khiển, chi phối:xã hội quyết định con người. Tiếc rằng Marx đã cường điệu tính xã hội này đến mức cho nó choán toàn bộ nội dung con người, coi con người chỉ là tập hợp (ensemble) của các quan hệ xã hội (1). Khi đã định nghĩa con người như vậy thì nếu rút hết phần xã hội ấy đi, con người chỉ còn là con số zero, là hư vô!Vậy là duy tâm, siêu hình và phi lý!
Song quan điểm cực đoan này không dừng ở đó. Con người đã không còn thuộc tính cá nhân, chỉ còn thuộc tính xã hội, nhưng xã hội theo quan niệm của Mác chỉ là những cuộc đấu tranh liên tiếp. Ông nói: Lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp! (2). Qui tất cả mọi hoạt động xã hội của con người thành hoạt động đấu tranh giai cấp thì nội dung con người cũng chỉ thu vào trong nội dung giai cấp, có bản chất là con người giai cấp. Nhận thức này về con người là cơ sở để thiết lập nên chủ nghĩa duy vật lịch sử, là cơ sở để hoạch định chương trình cách mạng vô sản và xây dựng CNXH. Trong các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác Lênin, phần lớn nội dung là dành cho vấn đề đấu tranh giai cấp, vấn đề con người chỉ được nói tới một cách sơ lược. Sau này ông Trần Đức Thảo có thuyết minh vấn đề này bằng quan điểm rằng:con người có hai bản chất: con người giai cấp là bản chất hàng một, con người nói chung là bản chất hàng hai. (3)
Việc tập trung tinh lực của con người vào cuộc giành giật giai cấp, bỏ quên cả một thế giới phong phú nằm trong cá nhân và không chấp nhận có những mặt của xã hội nằm ngoài giai cấp đã làm cho con người trở nên nghèo nàn một cách đáng sợ!
Học thuyết Khổng Tử lấy cá nhân làm gốc, học thuyết Mác lấy xã hội làm gốc, nhưng gặp nhau ở một yếu tố chung là đạo đức (những nhà lý luận Mác -Xít không thừa nhận điều này). Nếu Khổng Tử lấy việc tu thân làm gốc để toả ra làm tốt xã hội, thì Mác lấy việc tu xã hội (làm cách mạng để thay đổi quan hệ sản xuất)để mở đường cho việc làm tốt cá nhân. Chỗ giống nhau ấy là do đều xuất phát từ tinh thần nhân văn cổ điển, coi con người là tính bản thiện, chỉ cần diệt điều ác (tu thân)hoặc diệt cơ chế cá (đánh đổ CNTB)là con người hoặc xã hội sẽ trở nên thiện. Điểm giống nhau ở tất cả các trường phái nhân văn cổ điển là cần một đấng tối cao tiêu biểu cho cái thiện và toàn xã hội chỉ được hướng vào đấng tối cao và chí thiện ấy thôi. Xã hội bình trị của Khổng Tử sẽ được thực hiện nếu như có một minh quân biết đặt dân cao hơn xã tắc, xã tắc cao hơn ngôi vua. Xã hội ưu việt của Mác cũng sẽ được thực hiện nếu có một đảng tiên phong chỉ biết lấy lợi ích xã hội làm lẽ sống, ngoài ra không còn một lợi ích riêng nào khác!(và sau khi dành được quyền lực nó lại chủ động tổ chức xã hội sao cho quyền lực ấy có thể tiêu vong dần đi!). Một đấng tối cao lý tưởng như thế lúc nào cũng có mà lúc nào cũng không có. Có, vì nó đã được trời hoặc lịch sử trao sứ mệnh rồi, dân chẳng phải đi tìm, mà cũng chẳng có quyền bầu chọn!Không có, vì giữa cõi trần tục này kiếm đâu ra một thực thể lý tưởng phi lý như thế?
Mác cũng như Khổng Tử đều không hiểu rõ con người, đều mất cảnh giác trước mặt trái của con người, nằm sẵn trong con người từ bản năng xa xưa, từ cõi vô thức của nó. Quan niệm nhân văn cổ điển ấy nhân đạo nhưng siêu hình, phi biện chứng và cũng không duy vật nên dầu có được bổ sung bằng hàng trăm giải pháp thực tế và dân chủ nó vẫn không thoát ra khỏi cái vòng ảo tưởng và độc tôn, độc đoán. Xã hội đi từ cái tâm thì không tới được cái tâm. Trải qua hàng triệu năm đau khổ con người mới nhận ra và buộc phải chấp nhận cái nghịch lý khó hiểu và khó chịu đó.
Khi bàn về con người của phái Mác -Xít tôi không thể không liên hệ đến con người của phái Khổng Mạnh mặc dù có thể Mác không hề đọc Khổng Tử. Trí tuệ luôn là cái chung của nhân loại, nó phản ảnh những giai đoạn tất yếu của lịch sử tư tưởng nhân loại. Hai học thuyết về con người ấy vừa có chỗ giống nhau như in, vừa có chỗ ngược nhau, tương tự như phép biện chứng của Mác Ănghen so với phép biện chứng Hegel vậy. Có thể nói Mác đã công nghiệp hoá con người cá nhân đạo đức, nông nghiệp của đạo Khổng để nó trở thành con người xã hội và con người kinh tế (homo economicus) trên cái nền chung nhân văn cổ điển.
Nhưng, như đã phân tích ở trên, theo quan niệm của Mác thì tính xã hội của con người là yếu tố quán xuyến, quyết định. Khi con người đã là con người xã hội thì yếu tố kinh tế của con người cũng phải mang tính xã hội, do đó tư liệu sản xuất của con người cũng phải xã hội hoá, điều này mâu thuẫn với sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất của chủ nghĩa tư bản, cho nên phải phá bỏ chính chủ nghĩa tư bản để thực hiện sự công hữu hoá về tư liệu sản xuất.
Đến đây ta thấy xuất hiện những vướng mắc về logich:
-Mâu thuẫn giữa tính xã hội của sức sản xuất (trong đó có con người) và tính tư nhân của sự chiếm hữu là mâu thuẫn xuất hiện ngay từ đầu của CNTB, ngay từ đầu đã khôngcó sự phù hợp giữa sức sản xuất và quan hệ sản xuất thì CNTB phát triển sao được đến như ngày nay? Theo Mác thì mỗi phương thức sản xuất trong lịch sử đều phải có một giai đoạn hoàng kim trong đó có sự phù hợp giữa sức sản xuất và quan hệ sản xuất. Vậy CNTB không có giai đoạn này sao? Vai trò của CNTB nằm ở quãng nào?
-Có thực mâu thuẫn giữa tính xã hội và tính tư hữu là mâu thuẫn loại trừ nhau không? Việc xác nhận mâu thuẫn này có trái ngược gì với luận điểm cũng của Mác về sự chín muồi và tan rã đồng loạt của CNTB trên toàn thế giới không?
°Nhận thức về con người của phái hiện sinh
Hiện sinh không phải là một phái thuần nhất, nhưng thống nhất trong xu hướng khám phá con người cá nhân, và với hướng này nó đối lập với tất cả các môn phái triết học và tôn giáo trước nó và cùng thời với nó.
Triết học và tôn giáo xưa nay đều đặt cá nhân con người bên cạnh những cá nhân khác, với mối quan hệ qua lại và trong trường tác động của các nguồn sức mạnh khác nhau như thần quyền, đức tín, lý trí, qui luật, đạo đức, lý tưởng... nghĩa là có những điểm tựa cho con người và không thể có tự do hoàn toàn cá nhân.
Thoát khỏi bao nhiêu trói buộc hà khắc con người mới đạt tới độ tự do như con người của xã hội công nghiệp, lúc ấy con người cá nhân mới có điều kiện và mới dám nhìn vào bản thân mình, thấy mình hiện hữu và có quyền chỉ huy con người mình. Nhưng trong khoảnh khắc lịch sử cởi trói thiêng liêng ấy, cơn phấn khích đã làm cho một bộ phận xã hội đi quá đà, ngỡ mình đã được thả hoàn toàn tự do. Chủ nghĩa hiện sinh là tuyên ngôn của con người cá nhân, là một cuộc khởi nghĩa thất bại, nó còn ấu trĩ nhưng thiết tưởng chẳng nên ruồng bỏ, mà chỉ nên thương cho số phận con người (cũng như CN Mác -Lênin là tuyên ngôn của con người xã hội!). Sự đối địch giữa hai thái cực của nhận thức là điều dễ hiểu.
Theo quan niệm hiện sinh, con người chỉ tồn tại đúng như nó đang hiện hữu, như một thực thể đơn độc riêng biệt bị vứt vào trong vũ trụ, nó tự chiêm nghiệm, tự hành động theo cá tính riêng của nó, rồi chết. Trong trạng thái tự do không có điểm tựa ấy nó thấy mình hoàn toàn có quyền chủ động lựa chọn con đường anh hùng hay hèn nhát, là con thú hay siêu nhân, hoặc thờ ơ vô cảm hoặc chán chường buồn nôn.
Một bên tự do đến mức chẳng thấy xã hội đâu cả, một bên lại ràng buộc đến mức chẳng thấy cá nhân đâu cả. Nói con người là sự tập hợp tất cả những mối quan hệ xã hội thì có nghĩa là mọi ý nghĩ và hành động của cá nhân đều bị qui định bởi xã hội (xã hội có giai cấp thì sự qui định là do giai cấp!)không còn có chỗ cho tự do cá nhân, tự do chỉ còn nghĩa là tự giác làm theo qui luật, và trong bối cảnh các quan hệ xã hội như nhau, không có cá tính, như những đinh ốc trong một cỗ máy của công nghiệp.
Một bên là sự lên tiếng của lý trí, ý thức, còn một bên là sự lên tiếng của bản năng, tiềm thức, vô thức, siêu thức.
Một bên muốn liên kết mọi người thành một tổ chức để làm một cuộc cách mạng cho ngày mai, một bên lại rũ tung những con người ra thành một thế phân tán vô tổ chức, vô mục đích, chỉ biết có hiện tại.
Đó là mâu thuẫn giữa người đang nhóm lửavà kẻ phá hoại vẩy nước lạnh vào.
°
Nhưng đối với chủ nghĩa tư bản thì cả hai con người ấy đều là kẻ phá hoại.
Chủ nghĩa tư bản bắt đầu phát triển đòi hỏi có một khái niệm con người tương ứng với thời đại của nó.
Chủ nghĩa Mác trả lời:Trong xã hội công nghiệp con người phải là con người xã hội, nó mâu thuẫn với chủ nghĩa tư bản nên phải phá bỏ chính chủ nghĩa tư bản đi!(Đây mới thật là gáo nước lạnh đổ vào chủ nghĩa tư bản!)
Chủ nghĩa hiện sinh trả lời: con người bao giờ cũng là con người cá nhân!Mặc xác cái xã hội vô nghĩa của các anh!tôi làm việc của tôi!
Cả hai câu trả lời đều negatif, chẳng câu nào ủng hộ chủ nghĩa tư bản cả!Vậy mà chủ nghĩa tư bản không bế tắc, không chết mà phát triển đến ngày nay, và phát triển như ngày nay!(Thực tế này không hề chứng minh cho quan điểm rằng chủ nghĩa tư bản là hoàn hảo, bất biến và vĩnh hằng!). Bởi vì sao?Bởi lịch sử không chờ các nhà lý luận cho phép hay không cho phép nó. Ghép hai câu trả lời negatif nói trên đã thành một câu trả lời positif cho lịch sử. Con người vừa là con người xã hội vừa là con người cá nhân, hai tính cách đó không những không loại trừ nhau mà còn là điều kiện của nhau. Muốn xây dựng một xã hội đầy tính xã hội như Mác mong muốn (và như các nước tư bản tiền tiến đang đi tới)hoàn toàn không cần phá bỏ tính cá nhân và tính tư nhân. Con đường xã hội hoá không phải là con đường xoá tư nhân mà là liên hệ các tư nhân một cách xã hội!Sự liên hệ đó gồm hàng trăm mối liên hệ đa dạng phức tạp, trực tiếp và gián tiếp, hữu hình và vô hình, và hình thành dần dần, tương ứng với trình độ khoa học của nền sản xuất. Chủ trương gom vào hợp tác. lấy qui mô hợp tác xã làm thước để đo tính xã hội là hiện thân của một ý niệm xã hội hoá còn sơ khai, cơ giới, thô thiển, phản qui luật chứ không phải chỉ là sự nóng vội. Một khi đã là điều kiện của nhau thì sự thủ tiêu sở hữu tư nhân chính là thủ tiêu khả năng xây dựng chủ nghĩa xã hội.

*

Con người và sở hữu
Không thể hiểu hết con người nếu không hiểu vấn đề sở hữu. Khác hẳn với con vật, nội dung con người chỉ xuất hiện khi xuất hiện sự khẳng định cá nhân. Đó là một trong những khác nhau căn bản giữa xã hội và bầy đàn. Cơ sở vật chất của sự tồn tại con người cá nhân là sở hữu cá nhân và sở hữu tư nhân. Đây là điều kiện tối thiểu để nó có thể tự nuôi sống mình và độc lập tương đối trong cộng đồng. Cũng trên cơ sở đó mà nảy nở thành nhân quyền, dân quyền. Nếu rút cái nền vật chất ấy đi mà còn đề cập đến cá nhân, đến con người, đến nhân quyền, dân quyền... thì đích thực là người duy tâm thứ thiệt rồi chứ còn gì nữa?
Phạm trù sở hữu bao gồm hai bộ phận:cái có và cái quyền. Có là thực trạng sở hữu đối với các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng cụ thể, tiền và vàng cũng thuộc bộ phận này. Quyền biểu thị khả năng của cái có tất yếu sẽ chuyển thành hiện thực trong những điều kiện xác định. Quyền lực chính trị, quyền lực quân sự... thuộc bộ phận này của sở hữu. Đối với dân chúng thì quyền có thể được bảo đảm bằng pháp luật, nhưng mức độ bảo đảm này tuỳ thuộc vào nền pháp trị của nước đó.
Hai bộ phận này của sở hữu có thể chuyển đổi tương hỗ và tác động vào nhau theo quan hệ tương sinh. Sự chiếm hữu tư liệu sản xuất có thể tạo ra quyền lực rồi quyền lực lại làm gia tăng sự chiếm hữu tư liệu sản xuất, bởi thế mối liên kết giữa tiền và quyền luôn là mối nguy hiểm nhất đối với công bằng xã hội. Muốn chống lại chỉ có cách trung lập hoá và luân phiên đối với quyền lực, nếu không thì luật pháp cũng chỉ là hình thức.
Mác thật có lý khi truy sự bất công tới tận hang ổ của nó là sự chiếm hữu, nhưng hang ổ đó có hai buồng thông với nhau thì ông lại chỉ xử lý có một. Mác chỉ thực hiện sự chia đối với tiền (tức tư liệu sản xuất)mà không chia quyền. Đấy là một điều mất cảnh giác. điều thứ hai, tiền sau khi chia lại đem tập trung lại thành một cục, tức là thủ tiêu thành quả vừa đạt được, thủ tiêu mất chính cái hồn của sự công bằng. Thử hỏi cái gì ngăn không cho cái quyền lực tập trung kia chiếm lĩnh lại cái tiền? Quyền đem tập trung lại, tiền cũng đem tập trung lại, trao hết tiền cho quyền, với niềm tin sắt đá rằng tiền sẽ được sử dụng công bằng!Chắc chỉ có mẹ với các con trong gia đình thì may ra điều ấy mới thực hiện được.
Mác đã sử lý rất không công bằng đối với hai bộ phận của sự chiếm hữu. ở mặt chiếm hữu tư liệu sản xuất thì Mác đã quá nghiêm khắc, đáng lẽ chỉ nên chống sự tập trung tư liệu sản xuất quá lớn thì ông chủ trương xoá bỏ mọi sở hữu tư nhân, làm mất đi cái động lực tự nhiên của đời sống. Với quyền lực xã hội thì ông lại quá nuông chiều, cho nó quyền chuyên chính với hy vọng rằng trong một tương lai xa xôi nó sẽ tự tiêu vong. Chiếm hữu quyền lực mới là sự chiếm hữu triệt để nhất!Điều đó nhân loại đã có thừa bài học, còn một thứ quyền lực tự tiêu vong thì suốt lịch sử hàng triệu năm chưa ló ra một tín hiệu nào dể dự đoán nó cả!
Tóm lại! khái niệm con người không thể tách rời khỏi sự sở hữu. Sự sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất vừa là cơ sở vật chất để duy trì sự công bằng vừa là nguy cơ gây sự mất công bằng, đó là hai mặt biện chứng của sở hữu. Sợ nguy cơ phân hoá, sợ qui luật thực tế ấy để rồi chọn một qui luật chỉ hình thành trong ý tưởng, trong đó sự sở hữu (lúc này đã là sở hữu tập thể)chỉ có mặt tích cực, không còn mặt tiêu cực thì rõ ràng vừa duy tâm vừa không biện chứng.
2. Xã hội
a. xã hội là một hệ thống phân cực, không phân tầng
Người là một sinh vật xã hội, tính có tổ chức là một thuộc tính tự nhiên của xã hội nên đương nhiên có bộ phận lãnh đạo và bị lãnh đạo, có thống trị và bị trị. Chức năng thống trị đòi hỏi cực thống trị những thuộc tính khác hẳn cực bị trị. Trước hết nó là kẻ thắng trong một cuộc đấu tranh giành quyền lực, có năng lực tổ chức và có khả năng đưa cả cộng đồng phát triển trong sự cạnh tranh với các cộng đồng khác. Khi xã hội cân bằng, cái trí của xã hội tập trung ở cực này. Ngoài sức mạnh của cái trí nó còn sức mạnh của quyền lực và bạo lực để duy trì sự ổn định của cộng đồng mà nó thống lĩnh, đáp ứng nhu cầu chung của cộng đồng. Mặt khác, những người ở cực thống trị cũng là những con người cụ thể như nghìn vạn người khác, nên họ không thể không có ham muốn xử dụng tất cả sức mạnh nói trên để mưu lợi ích riêng cho bản thân. Họ không thể không có những ham muốn xử dụng mối quan hệ tương sinh giữa sự chiếm hữu quyền lực và chiếm hữu tư liệu sản xuất và cuối cùng trở thành những kẻ chiếm hữu lớn nhất và hưởng thụ lớn nhất, trở thành giai cấp thống trị đối lập với giai cấp bị trị. Tính hai mặt ấy là chung cho mọi nhà nước, xã hội càng dân chủ thì càng nâng cao được mặt chung và hạn chế được mặt riêng của nhà nước (chủ nghĩa Mác coi nhà nước chỉ là sản phẩm của mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà, chỉ là công cụ bóc lột của giai cấp thống trị (4)là chỉ nhìn thấy một mặt).
Cực bị trị gồm những người sản xuất ra của cải nhưng bị thiệt thòi trong sự ăn chia, lại là số đông, khát vọng của họ trở thành khát vọng của con người nói chung trong xã hội. Vì thế cái tâm tập trung ở cực này (5).
Sự chênh lệch về mọi mặt đó tạo nên một thế hiệu giữa hai cực, mọi cá nhân trong xã hội giống như những điện tử chuyển động qua lại giữa hai cực đó. Các cá nhân có thể chỉ chuyển động trong khoảng trung gian cũng có thể chuyển hẳn từ cực này sang cực kia, nhưng nhìn cả hệ thống thì lúc nào cũng tồn tại hai cực đối lập. Chỉ ở hai cực thì sự liên kết giữa các cá nhân mới chặt chẽ đến mức thành một giai cấp hẳn hoi để có sức mạnh đối chọi với cực bên kia. Còn trong khoảng trung gian sự liên kết rất lỏng lẻo, rất phân ly và phân tán nên không kết thành những tầng chặt chẽ được. Một hệ thống như thế là một hệ thống cân bằng động, có tính chất phân cực chứ không phân tầng. Sự phân chia giai cấp chỉ áp dụng được cho những người thuộc hẳn về hai cực, áp dụng cho những phần tử trung gian là không thích hợp.
Quan hệ giữa hai cực là mối quan hệ biện chứng, vừa tương sinh vừa tương khắc, như cực nam cực bắc của một thanh nam châm. Nếu ghét cái cực bắc mà chặt nó đi thì chính tại chỗ chặt sẽ là cực bắc mới. Nếu ghét cực thống trị mà thủ tiêu nó đi cho hết bóc lột, để một cộng đồng gồm toàn những người bị trị cũ tự quản lấy nhau, thì tại chỗ tự quản đó sẽ sinh ra cực thống trị mới, giai cấp bóc lột mới.
b. Hệ thống tổ chức của xã hội loài người
Xã hội loài người gồm đơn vị nhỏ nhất là cá nhân, rồi đến gia đình, dân tộc, quốc gia, nhân loại. Xét trên bình diện tiến hoá toàn nhân loại thì cá nhân, dân tộc và nhân loại là những đơn vị căn bản, chặt chẽ và ổn định nhất. Gia đình và quốc gia là những đơn vị kém ổn định hơn và ngày nay đã có xu hướng giảm bớt ý nghĩa. Trong hệ thống tổ chức từ thấp lên cao ấy không thể xếp giai cấp như một đơn vị chính thức (tôn giáo cũng vậy)nhưng quan điểm cực đoan về giai cấp đã khiến giai cấp trở nên một siêu đơn vị, dường như những người vô sản trên thế giới có thể tập hợp lại thành một quốc tế, chia thế giới thành hai phe theo giai cấp!Sự quan trọng hoá tinh thần giai cấp khiến nó trở nên như một lưỡi dao phân tuyến trong mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia cho tới nhân loại;một tinh thần giai cấp trùm từ nhân loại xuống mỗi cá nhân!Mà thực ra thì giai cấp chỉ là những tập đoàn người nằm trong vòng tay của quốc gia, dân tộc. Đề cao kinh tế và lợi quyền thì giai cấp sẽ quan trọng, đề cao văn hoá thì dân tộc sẽ quan trọng, đề cao trí tuệ thì cá nhân và nhân loại sẽ quan trọng, đề cao đạo đức thì gia đình (thậm chí cả làng xóm, quê hương) sẽ quan trọng.
Quốc gia cũng là một đơn vị tổ chức rất cần quan tâm. Trong nhiều thế kỷ quốc gia đã là đơn vị cơ bản nhất, nó gắn liền với sự hoàn chỉnh về lãnh thổ, quyền lực xã hội, văn hoá tư tưởng là khoảng không gian mà một thiên tử trị vì. Sự cách biệt thông tin và khó khăn giao thông đã khiến quốc gia có vẻ lớn như một thế giới, và lòng yêu nước cũng lớn lao như tình yêu nhân loại bây giờ (và tất nhiên phải yêu thiên tử thì thiên tử mới công nhận cho là yêu nước!). Ngày nay cùng với sự phát triển quá mạnh của phương tiện thông tin và giao lưu quốc tế, với kinh tế thị trường toàn cầu, với quyền cư trú ở nước khác và quyền thay đổi quốc tịch, và nhất là với sự phát triển của trí tuệ là yếu tố phi quốc gia, hình ảnh quốc gia đã mất linh thiêng dần. Lòng yêu nước vẫn còn được coi là đạo đức nhưng không còn là chuẩn mực đạo đức tuyệt đối để có thể phủ định những khát vọng chân chính khác. ở những nước càng văn minh thì ý niệm quốc gia càng giảm phần quan trọng. Sự hợp nhất về một số mặt của 12 nước trong cộng đồng châu âu hiện nay là báo hiệu của xu hướng đó. Mọi vách ngăn sẽ được xoá bỏ dần, và cuối cùng sẽ chỉ còn là những cá nhân sống trong nhân loại. Tính đại đồng ấy là kết quả của sự hoà nhập của các quốc gia chứ không phải do sự liên hiệp của giai cấp vô sản trên toàn thế giới.
Xu hướng lịch sử sẽ là như thế, nhưng sẽ là sai lầm rất lớn nếu áp dụng vội vàng tinh thần phi quốc gia ấy, nhất là ở những nước mà -cả về nhận thức, đạo đức và tâm lý -lòng yêu nước vẫn còn là một chủ nghĩa có giá trị, tích cực, thậm chí vẫn còn là nguồn sức mạnh quyết định của xã hội.