Tử Nương là một người con gái thôn quê làm nghề chăn tằm, ươm tơ, ở làng Xuân Nghi huyện Hồng Lạc. Nhà nghèo, cha mẹ đã già, làm lụng để nuôi hai thân. Cô trông xinh lắm, người thanh thanh vừa tầm, hai con mắt êm đẹp, mỗi khi trời nắng, gió lạnh, cô ra sân hai tay ngọc xe sợi tơ vàng dệt lụa là cho người trong làng mặc. Một hôm, đương ngồi quay tơ ngoài sân thời có một người học trò nho đi qua, thấy nàng đẹp quá mê đứt đi, ngày nào cũng hai lần trèo qua cái đồi cao, sang để gặp mặt nàng như thế, được gần một năm. Về sau nàng biết mà cảm thương, đem lòng mến. Mùa đông gió trên đồi thổi mạnh, lắm hôm rét quá mà nàng cũng chịu khó ra ngồi quay tơ ngoài sân cho người học trò được trông thấy mặt.
Tin đi mối lại rồi hai người lấy nhau, lúc ấy nàng mới có mười sáu tuổi. Nhà chồng nghèo nàng vẫn giữ nghề cũ nuôi chồng đi học, năm sau đỗ tú tài. Hai vợ chồng hòa hợp thương yêu nhau lắm, lấy nhau được trên hai năm cũng chưa có con cái gì. Một hôm ông tú gọi nàng đến, khóc và dặn rằng:
- Tôi đi phen này chưa biết bao giờ về, mà tôi cũng không mong đâu trở về nữa, không biết có còn thấy được mặt nhau nữa không?
Nàng nói:
- Thôi tôi hiểu cả rồi, việc cửa nhà tôi xin thay, chàng cứ yên tâm mà đi. Việc gì phải khóc lóc thế. Làm tài trai trong nước mà không được như người con gái quê mùa này ư?
Nhưng nàng nói thế rồi nàng cũng khóc theo. Ông tú lên Hà Nội, rồi đi đâu mất, họ đồn là theo bọn văn thân. Mấy tháng sau có mật thám về bắt bà cụ chánh là bà mẹ ông tú và từ đường lên tra hỏi. Lúc mới đến, nàng biết ngay, mặt tái ngắt, song gượng lại ngay mà nói:
- Các bác cứ để yên tự khắc bà tôi và tôi sẽ lên, chúng tôi không việc gì mà phải trốn, không cần phải xích tay, xích chân gì cả.
Các bác kia thấy người con gái nhà quê mà ăn nói cứng cáp, khẳng khái, bằng lòng để cho hai mẹ con được tự do.
Ông tú phải đi đầy Côn Lôn chung thân: nàng lại đem bà Huấn về quê giữ cái guồng tơ khung củi để lấy tiền phụng dưỡng thay chồng. Như thế được bốn năm trời: từ mẹ chồng cho đến người trong họ ai ai cũng cho phép nàng cải giá, nàng nhất định không lấy ai cả, quyết giữ lời thề với người cũ. Ông tú ở Côn Lôn cũng mấy bận viết thư về khuyên nàng, bắt nàng lấy người khác, lời lẽ thảm thiết thương. Nàng xem thư chỉ khóc rồi có khi nào nhớ chồng, lên tít trên đỉnh đồi cao mà đứng trông, có khi về nhà bố mẹ đẻ ra ngồi quay tơ ngoài sân, tưởng tượng đến lúc gặp gỡ, người thư sinh từ mấy năm về trước; những lúc ấy thời nàng lại đẹp lên bội phần, ai cũng thương mà ai cũng yêu, trong làng nhiều người rắp ranh bắn sẻ: một ông giáo có quen ông tú, góa vợ đã lâu cũng đem bụng yêu nàng, cho mỗi sang hỏi. Lúc mối sang, nàng biết ngay, than rằng:
- Ai ngờ bác giáo mà cũng đến như thế ư!
Nói xong mắng mối đuổi ra. Ai cũng giận mà ai cũng mến nàng hơn trước.
Bà cụ Huấn mất, nàng làm ma chay cho chu đáo, rồi lên tỉnh xin phép đi theo chồng. Xin mãi mới được phép, Nhà nước lại cho cả tiền tầu nữa.
Nàng về quê thu xếp, rồi một thân một mình ra đi, đất lạ quê người. Nàng ở bên ấy với chồng khổ sở trong ba năm, sinh được một đứa con trai thời ông tú bảo nàng về:
- Như tôi chiếc thân đầy đoạn đã đành chứ vợ con tôi thời có tội tình gì, nay đã được đứa con để nối dõi thời mợ đem con về nước, cố mà nuôi cho nên người khí khái, chứ ở đây với tôi mãi, thời chỉ thêm phí hai đời người nữa mà thôi. Còn tôi... tôi cũng không định sống lâu đâu, xin đừng tơ tưởng đến tôi nữa!
Nói xong, nắm tay vợ khóc mà từ biệt.
Hôm nghe tin nàng đem con về, cả làng Xuân Nghi ai ai cũng rủ nhau ra quán đón mừng. Lúc nàng bế con ở trên xe xuống hai con mắt ngơ ngẩn đưa nhìn khắp hết người làng, trông nàng có cái vẻ thần tiên: nàng có vẻ cảm động quá ứa nước mắt mà khóc, người làng cũng nhiều người khóc theo.
Nàng thấy ai cũng có bụng kính mến, nên vui lòng mà làm ăn, tậu được cái nhà con ở chân đồi ngày ngày đi buôn hàng tấm. Một hôm nàng đang ngồi chơi với con thời có giấy về báo tin rằng ông tú tự tử mất đã được hơn một tháng rồi. Nàng ôm con vào lòng rồi ngã xuống ngất người đi. Mấy ngày hôm sau mới nhận được bức thư ông tú gởi về từ biệt.
Nàng cũng khuây dần: có lẽ nàng nghĩ mình đã có con cũng đủ, và một đằng sống một đằng chết, sống mà cũng như chết, thời thà chết còn hơn, linh hồn mới có thể về cùng vợ cùng con được.
Năm sau những người phải tội đi đầy chung thân với ông tú được tha cả. Nàng cũng biết tin ấy, thế có ai oán không? Đứa con nàng tự nhiên phải bệnh chết, nàng hóa điên từ đấy; bây giờ cứ đi lang thang, hát nghêu ngao, nhưng thường thường nàng hay về nhà bố mẹ đẻ, lấy cái guồng năm xưa ra quay tơ, quay cả ngày mà không biết mỏi, thỉnh thoảng có hát lên mấy câu.
Mới đầu cũng thương hại, song nghĩ cho kỹ thời thế lại hay cho nàng đấy, có lẽ thế mà lại xong, thật đấy nàng là người sung sướng nhất đời còn chúng mình đây không được như nàng phải đầy đọa chung thân.
ừ, thử nghĩ xem sống mà đeo cái đau khổ suốt đời, cái đau khổ không bao giờ khuây được chỉ có một cách là tự diệt mình mới thoát ly, thời cái điên là chẳng nên ước lắm sao? Nàng không biết mình là khổ thời nàng là người tiên rồi. Ôi! Nhưng bây giờ Tử Nương còn biết gì nữa, nàng có nhớ đến chồng con nàng nữa đâu, ai đã yêu nàng, nàng có nhớ đâu mà nàng còn yêu ai nữa, nàng chỉ ngày ngày thơ thẩn một mình lên tít đỉnh đồi cao mà đứng trông... Nhưng nàng trông ai bây giờ?
Đường trần mới đến nửa chừng,
Mà guồng tơ cũ đã ngừng bánh xưa.
Rút từ tập truyện ngắn Người quay tơ,
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1927

Xem Tiếp: ----