Ngay từ lúc vừa quay số xong, không hiểu sao, tôi đã linh cảm là mình nhầm. Chuông điện thoại reo một hồi dài, rồi hai hồi, sau đó có một người nhấc ống nghe.
"Nhầm số rồi"- một giọng đàn ông khàn khàn cáu kỉnh vang lên trước khi dập máy. Tò mò, tôi quay số một lần nữa.
"Tôi đã nói là nhầm số rồi!" - vẫn giọng nói cũ. Rồi lại dập máy.
Quái quỷ thật, làm sao lão ta biết được là tôi nhầm máy? Lúc đó, tôi đang là nhân viên của Sở Cảnh sát thành phố New York. Nghề cảnh sát đã dạy cho tôi tính tò mò - và quan tâm tới người khác. Tôi quay số lần thứ ba.
"Này", giọng đàn ông trả lời máy. "Lại là anh nữa phải không?"
"Vâng, chính tôi", tôi lấy giọng nhã nhặn. "Tôi đang thắc mắc làm sao mà ông biết được tôi quay nhầm số trong khi tôi chưa nói tiếng nào."
"Anh có rảnh thì lo mà đoán đi!", ống nghe điện thoại lại dập xuống, lần này nghe rất nặng nề.
Tôi ngồi thẩn thờ một lúc lâu, ống nghe điện thoại vẫn cầm trên tay. Tôi lại quay số cho người đàn ông.
"Anh đã đoán ra chưa?", ông ta hỏi.
"Tôi chỉ có thể đoán ra một điều là... chưa từng có ai gọi điện thoại cho ông."
"Vậy là anh rõ rồi." Lần thứ tư, máy điện thoại lại dập. Khoái trá, tôi lại quay số cho ông.
"Anh cần gì nào?", giọng người đàn ông bực bội.
"Tôi... tôi gọi chỉ để chào ông."
"Hừm, chào tôi à? Chuyện gì đây?"
"Vâng, nếu chưa có ai gọi điện thoại cho ông, thì tôi sẽ gọi."
"Được rồi, chào anh bạn. Anh là ai?". Cuối cùng thì tôi đã thành công. Bây giờ, đến lượt người đàn ông ở đầu dây bên kia tò mò về tôi. Tôi cho ông biết về tôi rồi hỏi ông là ai.
"Tôi tên là Adolf Meth, tám mươi tám tuổi. Hai mươi năm nay, tôi không được người ta gọi nhầm số nhiều đâu!". Chúng tôi cùng cười xòa.
Chúng tôi nói chuyện với nhau khoảng mười phút. Bác Adolf không có gia đình, không bạn bè. Những người thân yêu của bác đều đã lần lượt qua đời. Rồi chúng tôi phát hiện ra chúng tôi cũng có điểm chung: cách đây gần bốn mươi năm, bác Adolf cũng là nhân viên Sở Cảnh sát thành phố New York. Khi kể cho tôi nghe về công việc điều hành thang máy vào những ngày đó, bác Adolf tỏ ra rất thích thú, có phần thân mật nữa. Tôi hỏi bác là liệu lần khác tôi có thể điện thoại đến nói chuyện với bác được không.
"Tại sao cậu lại muốn nói chuyện với lão già chán ngắt này?" Bác hỏi, không giấu nổi ngạc nhiên.
"Dạ, có thể cháu với bác sẽ là những người bạn qua điện thoại. Giống như bạn qua thư ấy!"
Bác Adolf ngập ngừng: "Lại có bạn à... cũng được!", nghe giọng bác có vẻ không được dứt khoát cho lắm.
Chiều hôm sau, tôi lại gọi cho bác Adolf và những ngày kế tiếp cũng vậy. Khá cởi mở trong lúc chuyện trò, bác kể cho tôi nghe những hồi ức của bác về hai cuộc Thế chiến thứ I và II, thảm họa Hindenburg và những sự kiện lịch sử khác mà bác đã từng chứng kiến. Bác kể chuyện rất lôi cuốn. Tôi cho bác số điện thoại ở nhà và ở sở để bác có thể gọi cho tôi. Hầu như ngày nào bác cũng gọi.
Không phải là tôi tự dưng tử tế với một ông lão cô đơn. Viêc chuyện trò với bác Adolf hằng ngày thật quan trọng đối với tôi, vì tôi cũng có những khoảng trống lớn trong đời mình. Được nuôi dưỡng và lớn lên trong trại trẻ mồ côi, tôi chưa bao giờ có một người cha. Dần dần, bác Adolf đã chiếm được một phần không nhỏ trong tình phụ tử của tôi. Tôi kể cho bác nghe về công việc ở sở, về những lớp học ban đêm mà tôi đang theo học.
Bác Adolf rất nhiệt tình với vai trò của một người cố vấn tinh thần cho tôi. Một lần, khi gặp bất đồng với người phụ trách ở sở, tôi kể cho người bạn mới của tôi nghe và tuyên bố: "Cháu phải nói toạt móng heo hết với gã này!"
"Làm gì mà nôn nóng vậy cháu?" - bác Adolf thận trọng. "Hãy để cho mọi chuyện lắng xuống. Khi cháu già bằng ta, cháu sẽ thấy thời gian sẽ trả lời hết thảy. Cháu cứ chờ xem, nếu sự việc trở nên trầm trọng hơn, lúc đó, cháu nói chuyện với gã kia cũng không muộn."
Im lặng khá lâu, rồi bác Adolf nói, giọng khẽ khàng: "Cháu biết không, ta nói với cháu như thể dang nói với con trai ta. Ta luôn luôn ao ước có một gia đình thật sự, có con cái. Cháu còn trẻ quá, cháu chưa hiểu được hết điều ta nói đâu."
Không, tôi đâu còn trẻ lắm để không hiểu được những gì bác Adolf dang cảm thấy. Tôi cũng ao ước có một gia đình, một người cha. Nhưng tôi không nói gì với bác Adolf, sợ rằng tôi lại khơi dậy trong tôi nỗi đau buồn của đứa trẻ sống trong trại mồ côi suốt thời thơ ấu.
Một buổi tối, bác Adolf tình cờ nhắc đến sinh nhật lần thứ 89 của mình. Tôi mua một miếng xơ ép về thiết kế tấm thiệp mừng sinh nhật cỡ 0,60m x 1,50m, ở chính giữa vẽ ổ bánh kem to tướng với 89 ngọn nến lung linh. Tôi nhờ tất cả các đồng sự ở nơi tôi làm việc ký tên trên tấm thiệp, cả ông cảnh sát trưởng cũng ký. Tôi gom dược cả thảy gần một trăm chữ ký. Tôi biết, bác Adolf hẳn sẽ khoái tỉ cho mà xem.
Chúng tôi đã trò chuyện với nhau qua điện thoại được hơn bốn tháng và bây giờ, tôi nghĩ đã đến lúc gặp mặt nhau. Cho nên tôi quyết định sẽ đích thân mang tấm thiệp sinh nhật đó đến tặng bác.
Tôi không báo trước bác Adolf là tôi sẽ đến. Buổi sáng, tôi lái xe tìm đến địa chỉ theo số điện thoại, đỗ xe ở góc đường ở phía trên khu nhà bác ở một đoạn.
Khi tôi bước vào khu nhà, một nhân viên bưu tá đang phân loại thư ở ngay hành lang. Tôi đến tìm hộp thư có tên bác Adolf, anh ta vẫn còn cặm cụi với những lá thư. Tên bác Adolf kia rồi! Căn hộ 1H, chỉ cách chừng vài mét ngay chỗ tôi đang đứng.
Tim tôi đập thình thịch vì hồi hộp. Liệu chúng tôi có đồng cảm với nhau nhiều như lúc nói chuyện qua điện thoại? Trong tôi chợt nhói lên một chút nghi ngờ. Liệu bác Adolf có sẽ tống cổ tôi ra đường theo cái cách giống như cha tôi đã làm khi ông bước chân ra khỏi cuộc đời tôi? Tôi đưa tay gõ cửa. Không có ai. Tôi gõ mạnh hơn. Anh nhân viên bưu tá lúc này mới ngẩng đầu lên: "Không có ai đâu!"
"Ồ!" Tôi nói, chợt thấy mình hơi ngớ ngẩn: "Nếu ông ấy nghe tiếng gõ cửa cũng giống như nghe điện thoại thì có mà chờ cả ngày!"
"Anh là bà con của ông ấy à?"
"Không, chỉ là một người bạn."
"Tôi rất tiếc!" Anh nhân viên bưu tá chợt lặng đi. "Ông ấy vừa qua đời cách đây hai ngày."
Bác Adolf? Qua đời? Trong phút chốc, tôi sững sờ không biết nói gì. Tôi đứng đó, đầy bấn loạn và hoài nghi. Cố lấy lại bình tĩnh, tôi cám ơn anh nhân viên bưu tá rồi rời khỏi khu nhà trong ánh nắng chói chang lúc gần giữa trưa. Tôi ra xe, mắt đẫm lệ.
Tôi vòng xe qua khỏi góc đường, bắt gặp một ngôi giáo đường, dòng Kinh Cựu ước đập vào mắt tôi. Một người bạn thật sự lúc nào cũng được yêu mến. Đặc biệt là khi đã qua đời. Tôi bàng hoàng nhận ra, thường thì phải sau một mất mát đột ngột đau buồn nào đó, ta mới thấy được sự hiện hữu của người ấy là đặc biệt quan trọng với cưộc đời mình. Lần đầu tiên và đã quá muộn, tôi thấm thía rằng bác Adolf và tôi đã gần gũi với nhau biết chừng nào.
Tôi bồi hồi nhớ lại bác Adolf với những cơn sóng ấm áp lan tỏa trong tim. Tôi tưởng chừng như vẫn còn nghe giọng bác càu nhàu bực bội "Nhầm số rồi!". Cả cái vẻ ngạc nhiên khi bác hỏi tôi tại sao tôi lại muốn gọi điện thoại nói chuyện với bác.
"Bởi vì bác thật đặc biệt." Tôi hét vang một mình. "Vì bác là bạn của cháu!"
Tôi đặt tấm thiệp sinh nhật vào ghế sau xe, ngồi vào sau tay lái. Trước khi nổ máy, tôi thì thầm qua vai mình "Bác Adolf, cháu không hề nhầm số. Cháu đã gọi đúng số điện thoại cháu cần và cháu đã có được bác."
ĐINH LÊ VŨ
(dịch từ A Friend On The Line)

Xem Tiếp: ----