Ngôi nhà của gia đình có cửa sổ nhìn ra hướng Đông. Buổi sáng, trừ khi ốm nặng hay đang đi đâu xa, còn thì dù vội đi làm đến đâu, nàng nhất định dành ít phút ngắm khu vườn nhỏ tươi mới trong nắng mai.
Cũng có những buổi sáng mưa tầm tã, thường là cuối mùa mưa, nàng phải đóng kín cửa sổ để nước khỏi tạt vào trong nhà. Những lúc đó, dẫu cố nhìn cũng chẳng thấy khu vườn nữa. Trong những ngày đám tang ba - về sau nàng nhớ lại - nàng cũng không nhìn ra ngoài vườn.
Có thật người như nàng sẽ gặp nhiều truân chuyên - thậm chí bất hạnh - trên đường đời chăng?
Nàng quá khắc nghiệt với các em, với chính mình, và nếu ba còn sống hẳn nàng cũng vẫn khắc nghiệt với ba như thế. Lần về Huế thăm quê, khi lên xe trở lại Đà Nẵng nàng cấm Bạch Hoa ngoái lại nhìn đằng sau, mặc cho dì giơ cao tay lên và kêu to điều gì. Tiếng kêu lập tức rơi tuột và mất tăm phía sau hai chị em, như hòn cuội mà đứa trẻ rắn mắt nào đó từ bên vệ đường ném vào thành xe. Đêm hôm đó, trên chuyến tàu trở về Sài Gòn, nàng ngồi riết bên cửa sổ cố tìm vầng trăng giữa những đám mây đen, có lúc thò hẳn đầu ra ngoài, hứng làn gió ngược như những dải lụa quất phần phật vào mặt; cứ thế má nàng khô dần.
Chợt cảm thấy sau lưng cái nhìn của đứa em - mấy tháng trước khi mẹ mất, chẳng hiểu sao nàng bỗng thụ đắc được từ mẹ khả năng cảm thấy cái nhìn của người khác trong bóng tối hoặc sau lưng -, nàng sập cửa kính xuống, leo lên giường, kéo chăn phủ đôi bàn chân và nói gọn lỏn: Ngủ đi.
Nửa đêm hoặc quá nửa đêm, tàu bỗng dừng hình như ngay giữa cánh đồng. Không phải sự chấm dứt đột ngột của tiếng bánh xe dập đều lên các chỗ nối tà vẹt hay tiếng gió rít như tên lửa dưới gầm tàu làm hai chị em thức giấc; mà là tiếng dế, tiếng ễnh ương, cơ man nào là côn trùng và tiếng kêu bí ẩn khác của ban đêm đột ngột tràn vào qua cửa sổ hành lang đã thức tỉnh họ. Lần này nàng không giục em ngủ lại; cả hai cùng nằm sấp lắng nghe cho đến khi tàu chuyển bánh.
Tàu càng rời xa chỗ đó, một nỗi buồn khó tả càng dâng lên trong lòng hai chị em; như thể họ vừa để vuột mất một niềm hạnh phúc lớn lao, chân thực và bình dị mà họ từng khao khát tự đáy lòng và lẽ ra đã có thể đến gần lắm. Một hồi sau - chẳng biết là bao lâu - nàng lại nói: “Thôi ngủ đi! ”, nhưng lần này giọng nàng dịu dàng như thể chưa bao giờ dịu dàng với em gái đến nhường ấy.
Quá nửa đêm, một cơn giông nặng trĩu hơi nước, tàn dư của áp thấp nhiệt đới, từ đâu chụp xuống đoàn tàu đơn độc trong bóng tối. Qua cửa sổ hành lang gió thông thống luồn vào phòng ngủ, xuyên qua áo khiến nàng rùng mình, hệt như lần đầu tiên biết đến cơn gió mùa đông ở quê ngoại. Chẳng hiểu sao - có phải vì điều đó chăng -, cơn gió này khiến dâng lên trong lòng nàng một cảm xúc gần như là ấm áp. Nếu có thể diễn tả phần nào cảm xúc đó bằng lời, hẳn nàng sẽ nói: kìa, ngay trong đoàn tàu này, sau một ngày nắng ấm như ngày hôm qua, ngươi vẫn tìm được ta nữa sao? Bằng đầu mút của mình ngọn gió xoáy vào và làm thức dậy một cái gì tươi mới, sống sít, mạnh mẽ, nôn nao trong tâm thể nàng. Mặc dù vậy nàng vẫn tụt xuống sàn, quyết định ra đóng cửa sổ ngoài hành lang, bởi những người khác trong phòng đang ngủ say và không sẵn sàng đón nhận ngọn gió ấy như nàng.
Ngay khi hạ cửa kính xuống, nàng bỗng bị lôi cuốn bởi ý nghĩ mình chưa bao giờ thử nhìn qua cửa sổ toa tàu giữa đêm khuya như thế này, nhất là một đêm lộng gió và qua những cánh đồng heo hút như lúc này. Người ta nói, qua cửa sổ toa tàu những lúc và những nơi như thế chẳng có nhìn đáng nhìn cả, vả chăng cũng không thể thấy gì. Có hẳn như vậy không? Có phải nói cho cùng đơn giản người ta chỉ sợ cái bóng tối dày đặc, thăm thẳm, vô tận dường như thẩm thấu không thương tiếc qua từng lỗ chân lông và làm đông đặc máu trong thân thể mình không?
Chuyển sang cửa sổ kế bên, nàng khom người xuống để có góc nhìn bầu trời rộng hơn, và trong vô thức như nẩy bật ngay về phía sau, bởi bóng tối ngoài kia quả thật mãnh liệt và xa lạ với cuộc sống thường nhật của nàng quá. Nhưng sau một phút định thần, nàng lại nhìn. Có thật là không thể nhìn thấy gì không? Vậy từ đâu tiếng dế, ễnh ương và cơ man nào côn trùng hay những loài vật ban đêm khác đã đánh thức chị em nàng - chứ không phải tiếng gió rú như máy bay phản lực dọc theo gầm đoàn tàu? Từ đâu cái mùi không lẫn vào đâu được của đất một ngày ẩm ướt, từ đâu tiếng xào xạc những tàn cây không biết ở đâu nhưng hẳn gần lắm và lẽ ra nàng có thể nghe, oằn mình nghiêng ngả và như đang rỏ nước đầm đìa trong ngọn gió từ phía biển thổi vào?
Dẫu mắt thực sự không thấy gì, nàng vẫn cảm thấy và cố hình dung quang cảnh đó sẽ như thế nào nếu bày ra trước nàng giữa ban ngày. Dù chỉ tựa hờ má vào mép khung cửa, nàng vẫn nghe gió phả vào mặt, chốc chốc lại mạnh lên và thổi ù ù bên tai. Ban đầu nàng còn nghe tiếng những hạt mưa đập tí tách vào tấm chắn ngoài bằng kim loại, sau thì im hẳn, song qua sức nặng và độ đậm đặc của ngọn gió trên da mặt, đôi khi dịu đi, rồi bất ngờ bục vào má nàng như cú hất của một tấm vải bạt, nàng vẫn cảm thấy được những hạt mưa đó, giờ đã nhỏ, nhẹ hơn nhiều như qua một cái rây mịn và trở nên vô thanh. Nàng cảm thấy cái mát lạnh của chúng trên làn da ngay trước khi chìa tay ra ngoài trời.
Rồi bỗng nàng nhìn thấy cái gì đó; như những vẩy bạc lấp lánh trên mặt hồ ban đêm chợt sóng sánh khi có con thuyền lướt qua; thoạt đầu rải rác, nhưng phút chốc đã lan tỏa ra mọi phía hay đúng hơn là từ mọi phía hiện lên, lan tỏa, hòa vào nhau thành những vệt sáng mơ hồ như những cánh cò nhập nhoạng trên triền núi đã sẫm tối. Những vệt sáng ấy cũng đung đưa qua lại, nhấp nhô như trên những cuộn sóng vô hình; nhưng chẳng bao lâu, dường như chính vì động năng của mình mà những ngọn sóng đó - dần dần nhưng thật bất ngờ - nhô bật khỏi bóng tối, trở thành có đường nét, có bề mặt, rồi hình khối. Vẫn là những cuộn sóng đó, nhưng bây giờ sáng lên một màu trắng dịu dàng, vẻ như yếu ớt, nhưng không thể mất đi được: đó là chuyển động của đồng lúa và là ánh trăng. Ngạc nhiên, nàng khom xuống thấp hơn chút nữa, rồi ngồi thụp hẳn xuống, nâng tấm lưới bảo vệ lên, ghé đầu qua cửa sổ tìm vầng trăng trên bầu trời. Bây giờ nàng mới nhớ ra, hôm nay ngày mười hai. Và trăng ở kia! Ló qua mớ rách nát không ra hình thù gì của những đám mây đen, trăng như đang nhìn thẳng vào nàng. Không bất ngờ khi nhìn thấy trăng, nhưng không hiểu sao điều đó chính vào lúc này lại khiến nàng nôn nao khó tả đến thế.
Ánh trăng càng đậm đặc và càng chảy xuống sâu hơn thì những thân lúa càng trồi lên khỏi bóng tối và dâng cao hơn. Bây giờ, mỗi khi gió mạnh lên đột ngột, những vạt lúa lại xô lệch, nghiêng ngả, đổ dúi vào nhau làm lật lên từng mảng đen thẫm trên nền sáng mong manh, có vẻ ướt át, đôi chỗ lờ nhờ hay thâm lại của ánh trăng.
Nàng cảm thấy vui sướng kỳ lạ khi rốt cuộc đã thấy được cánh đồng như thế: mới tinh khôi, như thể lần đầu tiên từ trong bóng tối hiển hiện trước thế giới, trải mình một cách thầm lặng và vô ngại dưới bầu trời. Mây đen vẫn tiếp tục rách nát và ngày càng tản ra, bây giờ trăng mới thật sự tròn, cái tròn của trăng mười hai, tuôn mạnh hơn thứ ánh sáng mượt mà trắng lạnh đến ghê người xuống cánh đồng. Mặc dù phía Đông mây đen vẫn dồn đống dày đặc, dường như kéo sụp cả một góc trời xuống, nhưng riêng ở đây cả trời lẫn đất đang bình an trong ánh sáng đó. Những gò đống lô xô mãi bên kia cánh đồng, gần những khối đen đồ sộ đầy vẻ hung hiểm của những ngọn đồi, mấy túp nhà lá tuềnh toàng ven bờ ruộng sát bên đường tàu, một cái gì lù lù khum khum trông như con rùa cực to, chắc hẳn là ngôi mộ trẻ con; những cái đó không hiểu sao càng đen ngòm hơn bao giờ hết và càng nổi rõ hơn, to hẳn lên và do đó trông càng bí ẩn hơn, ma quái hơn hoặc cô liêu u uất hơn dưới ánh trăng. Lướt qua một nếp nhà lá như bao nhà khác, nàng thấy ngọn đèn hột vịt tù mù qua cửa sổ mở. Những người sống trong nhà ấy, nếu còn thức như nàng, họ đang nghĩ về điều gì? Cuộc đời họ, mỗi khi mình hình dung, không hiểu sao lại có vẻ khác mình đến thế, trong khi chỉ cần tàu dừng lại, bước dăm bước là mình đã đến sát bên họ, ngồi bên họ nhìn con tàu chạy qua và nói về những gì ngày mai sẽ xảy ra trong cùng một mặt đất, bầu trời, cùng những cây cỏ này.
Bỗng dưng trong nàng dâng lên một cảm xúc êm đềm không thể tả được - nhưng rất đỗi rõ rệt - rằng dù nàng đang đi đến nơi nào, đi nhanh tới đâu, nàng vẫn đang tựa chắc vào mặt đất, rằng Đất Mẹ, lặng lẽ, thấu suốt tất cả và bao dung vô cùng, vẫn không ngừng nâng nàng lên trên con đường nàng đi.
Ngay lúc đó tàu sững lại; toàn thân nàng giật phăng về phía trước, khiến trong khoảnh khắc toàn bộ nội lực nàng như xổ tuột hết về phía sau, ra khỏi cơ thể nàng, như gạo tuôn như suối ra khỏi chiếc bao rách. Nàng kịp bấu chặt lấy khung cửa, nhưng hai chân nàng như mất hẳn cảm giác về sức nặng của cơ thể đè lên sàn tàu, cứ thế trong một chốc nàng bám lấy khung lưới cửa sổ như vào cành cây lơ lửng bên bờ vực. Thì cũng ngay khi đó, một người nhân viên tàu sầm sầm chạy qua, suýt nữa đâm bổ vào nàng, gót giày anh ta dẫm rất mạnh lên ngón chân út nàng. Sức nặng của thân thể người đàn ông, vẻ riết róng và cuống cuồng trong dáng chạy chồm hẳn nửa thân trên về phía trước của anh ta khiến nàng bừng tỉnh. Đồng thời nàng nhận thấy, bước chạy sầm sập của người đàn ông có gì đó khiến từ trong lòng đoàn tàu - như một sinh vật vĩ đại đang ngủ yên - có cái gì đó run rẩy, hoảng hốt, cựa mình, thở hắt ra.
- Chuyện gì vậy?! - cùng với tiếng vật gì khá nặng đổ lịch kịch, cốc thủy tinh dày rơi vỡ chát chúa ở đâu đó, đôi ba giọng ngái ngủ và bực tức chõ ra sau lưng nàng.
Tàu đã dừng hẳn; nhiều người thường thức giấc những lúc như thế.
Không kịp nghĩ gì, nàng vọt chạy theo người nhân viên tàu, ban đầu chậm, sau càng lúc càng nhanh. Những cái đầu bù xù lần lượt thò ra qua từng cửa buồng, từ toa này qua toa nọ, nhìn theo nàng như thể chính nàng là nguyên nhân phá vỡ giấc ngủ của họ. Mặc dù cố ý nhón gót, nàng vẫn cảm thấy bước chạy của mình làm kinh động tất cả; không chỉ những ai đang ngủ hay đang chập chờn kia, mà cả cánh đồng, bầu trời, bóng đêm kia, sự bình yên phút trước còn ngự trị trong lòng nàng.
Nàng đứng sững lại, trước cánh cửa mở.
Một cánh cửa đầu toa mở toang, nhưng có vẻ hẹp hẳn lại bởi xúm xít bao nhiêu là lưng người: hóa ra không chỉ có nàng và người chạy trước nàng đang thức và cảm nhận cái gì đó vừa xảy ra. Khí lạnh ban đêm lùa qua trên những đầu người phả xuống toàn thân nàng; và lẫn trong mùi sắt, mùi gỗ ướt, mùi đất nhão và mùi những thân người, có một mùi như cái bàn mài xát vào trong mũi, không thể lầm được: đó là mùi máu tươi. Và cái mùi đó, cộng với tất cả những mùi khác, trở thành một thứ mùi khủng khiếp không thể tả được, không thể chịu nổi, không có gì chung với sự sống, nhưng chọc thẳng vào đáy tim của sự sống, làm tất cả những người có mặt như chết cứng lại. Những hạt mưa bụi vừa đủ sức nặng để hiện hình từ hơi nước lập tức lạnh buốt đi khi chạm vào da thịt của họ, như ngấm vào tận trong máu họ.
- Tránh ra, tránh ra! Có gì mà xem, về ngủ đi!
Mấy người vận sắc phục công an, viên xa trưởng đầu hói thở hổn hển như bị suyễn cùng một số nhân viên tàu xồng xộc đi tới, và nàng chưa kịp nhận ra điều gì thì đã bị đẩy bật mãi ra phía sau, tận chỗ ngoặt của hành lang trong góc toa. Càng bị dồn vào trong, tim nàng càng thắt lại vì một nỗi thôi thúc dữ dội về phía trước, một lần nữa lại cái linh cảm kỳ lạ dường như những gì vừa xảy ra có quan hệ mật thiết với chính nàng; nàng phải có mặt ở đó.
Vừa xin lỗi vừa len qua những chị trực toa vừa chui ở buồng ngủ ra, đang túm tụm vào nhau, áo trễ, tóc xổ tung, mặt cắt không còn một hột máu, nàng cố sức vươn người qua vai những người đàn ông và thấy rõ mồn một hai cẳng chân trần trụi một người đàn bà, hay một cô gái, thòi ra hầu như ngay dưới chân nàng, nhờ nhợ trắng như bụng ếch trong bóng tối, vàng ệnh lên như mỡ gà mỗi khi có đèn pin rọi vào.
Không bao giờ nàng có thể quên ấn tượng khủng khiếp cảnh tượng đó gây nên trong lòng nàng. Nàng không có cách nào nói với những người đàn ông rằng nàng muốn nán lại ở đó không phải vì hiếu kỳ, càng không phải bởi một sự quan tâm bệnh hoạn đến chi tiết rằng cô gái - hay người đàn bà - hầu như bị tiện làm hai nửa kia hoàn toàn trần truồng.
- Chắc là một con điên ở trong làng, nửa đêm lên cơn xổng chuồng! - họ nói.
- Chết bờ chết bụi đâu không chết, lại đâm đầu vào tàu hỏa; chỉ báo hại người ta thôi!
Nàng đau đớn tận đáy lòng khi nghe những lời đó, như thể họ nói về chính nàng. Nhưng chả mấy chốc, những người đàn ông chỉ còn nói về những gì họ phải làm để giải quyết sự việc, không rủa xả cái xác nữa và hầu như không nhận thấy nàng vẫn ở đó.
Nín thở, cắn môi đến đau nhói, nàng quỳ sụp xuống kề bên cặp chân trắng hếu vắt tréo lên nhau trong một tư thế bất tiện đến khó tin, cố nhìn rõ khuôn mặt người đó, nhưng chỉ thấy đen ngòm giữa hai bánh xe, từ đó xộc lên mùi máu tanh tưởi và thịt người ướt đẫm nước, dường như trong đó chỉ có cái chết. Nhưng cuối cùng, dưới thứ ánh sáng nhờ nhợ khó tả hợp bởi ánh đèn từ các toa tàu hắt xuống, ánh đèn pin ai đó thỉnh thoảng lia sang, ánh trăng tái nhợt chợt ló rồi chợt tắt ra giữa những túm mây đen thẫm đang vùn vụt lướt qua, nàng phát hiện một điều và lập tức phải đút trọn nắm tay vào miệng để khỏi thét lên hoặc bật khóc.
Cái gì đã khiến bạn nằm xuống một cách tức tưởi như thế trên đất mẹ này? Đâu là lời cuối cùng bạn đã nói với người thân yêu nhất; đâu là lần cuối cùng bạn nghĩ tới việc mình phải làm ngày mai? Lẽ ra chúng ta có thể nhìn thấy nhau vào một lúc khác; bạn có thể thấy nụ cười trên môi tôi và tôi thấy nét dịu dàng trong dáng quay đầu vuốt tóc của bạn hay trong đôi mắt bạn nheo nheo ngắm mặt trời lúc xế chiều, phải không?
Cuối cùng, những người đàn ông cũng lại nhìn thấy nàng.
- Lên tàu đi cô, - một nhân viên tàu đứng tuổi, tóc bạc như cước đặt tay lên vai nàng, dịu dàng nói. - Nhìn cảnh này mà làm gì.
- Tàu sẽ đi bây giờ sao?
- ít phút nữa thôi.
- Thế còn... người này?
- Xong ngay thôi. Công an họ sẽ lo. Việc của họ mà. Lên tàu đi, con. Cầu sao cho con đừng bao giờ thấy lúc người ta trục cái xác ra. Bác đây, đầu hai thứ tóc, những cảnh ấy bác chẳng nhìn bao giờ.
Nàng đứng dậy, bước thẳng về phía những người công an đường sắt. Trước mặt nàng là người có cấp bậc cao nhất, thân hình hộ pháp, mặt chữ điền, mày rậm, nước da trắng đặc trưng của người miền Bắc. Nhưng trong khi người đó nhìn nàng đăm đăm, chờ xem nàng sẽ nói gì, nàng chợt nhận ra mình không biết sẽ nói như thế nào với người đó.
Mặc dù chẳng lấy gì làm thấp bé, nàng hầu như phải ngửa mặt lên để nhìn thẳng vào mắt anh ta. Nhưng lát sau, chính anh ta ngọ nguậy đầu tỏ ra không còn sức tiếp tục nhìn vào mắt nàng.
Đúng lúc đó nàng bật ra:
- Cô ấy không điên đâu, các anh...
- Sao chị biết?
- Không phải tự dưng cô ấy lao vào đoàn tàu đâu...
- Làm sao cô biết? - viên xa trưởng hỏi giật giọng.
- Hãy nhìn xem máu trên người cô ấy. Các anh thử nhìn kỹ xem...
- Máu? - ai đó hứ một tiếng, vẻ khinh bỉ cùng cực, nhổ nước bọt. - Xe lửa cán làm đôi, máu nó không tương ra thì là cái gì? Nước ối chắc?!
- Không, máu này khác... - nàng cố nhẫn nại, ôn tồn, nhấn mạnh vào điều mình nói. - máu chảy dọc theo hai đùi chỉ có thể là từ một nơi khác, vì một nguyên nhân khác...
Khác thế nào chứ? - người hộ pháp thốt lên, chỉ bây giờ mới tỏ ra thực sự chú ý đến điều nàng đang cố diễn đạt. Mà cũng chính từ lúc này cổ họng nàng nghẹn lại, hàm run run, mắt cay xè, cho dù nàng không muốn như thế.
Cố trấn tĩnh, nàng bật ra mấy lời cuối cùng; có cảm giác đấy chỉ còn là những tiếng lí nhí, vẳng tới từ một nơi rất xa hoàn toàn không thuộc về cuống họng nàng:
- Theo tôi... cô ấy đã bị làm nhục.
Những người đàn ông chợt lặng ngắt, như thể nàng vừa ném một tảng đá vào giữa ngực họ.
Nhưng lập tức, lời lẽ lại bật khỏi miệng họ.
- Cái gì cơ?
- Cô nói cái gì vậy? Ai bảo cô thế!
- Cẩn thận đấy! - viên xa trưởng gằn giọng. - Cô có biết cô vừa nói gì không?
- Khoan đã... - người hộ pháp bất giác nắn cổ áo. - Làm sao chị biết? Lấy gì làm bằng chứng? Chị có nhìn thấy đâu?
Nàng quay mặt đi, bàn tay bất giác níu chặt lấy vạt áo.
-...Vừa mới đây thôi... Và không chỉ một người.... Nếu không thì máu chẳng chảy nhiều đến thế... Hơn nữa, máu không chảy một lần, mà nhiều đợt... Có một lớp đã khô, còn những lớp khác mới hơn... Cũng có thể... người ta đã dùng vật nhọn đâm, sau khi...
Bao nhiêu cổ họng đàn ông thở ra cùng một lúc như gió lùa trên cánh đồng.
- Hãy tin tôi; tôi là bác sĩ... - cúi đầu xuống, cánh mũi phập phồng, rồi lại ngẩng lên, cố nuốt nước mắt, nàng nói nhanh.
Thấy họ vẫn im lặng, nàng gần như gào lên:
- Các anh cứ nhìn kỹ đi! Tôi van các anh...
Từng ấy người đàn ông đều tránh cái nhìn của nàng.
Cuối cùng một người nói, vẫn giọng khinh miệt cùng cực ban nãy:
- Nhưng tại sao chị cứ khăng khăng con bé bị làm nhục thế nhỉ? Sao không thể là một con điếm? Đú đởn, nốc say, buồn tình tự tử; chuyện ấy đầy thối ra! Thiên hạ bây giờ không khéo thành đĩ hết cả...
- Cậu nói thế mà không nhục sao, - không ngoái đầu lại, người hộ pháp nói.
- Chị yên tâm; chúng tôi sẽ kiểm chứng, - nhìn thẳng vào mắt nàng, anh ta nói. - Cảm ơn chị. Bây giờ chị lên tàu đi, muộn lắm rồi...
- Mong các anh tìm ra kẻ có tội... nếu sự thật đúng như thế... - nàng nắm chặt tay người đó, giọng thiết tha. - Chúng ta phải trả lại cho cô ấy cái chết của một con người.
Nàng siết chặt tay anh ta, cố truyền vào đó tất cả nỗi bi phẫn và sức mạnh từ bên trong nàng.
- Tôi hiểu chị, - anh ta nói.
Vừa khi ấy nàng nghe ai gọi mình:
- Chị Dung!
Ngoảnh lại nàng thấy em nàng, Bạch Hoa, đang giấu nửa mình bên khung cửa toa tàu, trắng như thiên nga - trắng một cách đau lòng - trong góc nửa tối nửa sáng. Dù không nhìn rõ mặt, nàng cảm thấy em đang nhìn nàng y như lúc còn bé hai chị em cùng ra vườn giữa đêm khuya, em nàng sợ ma cứ bấu chặt vào tay chị đến tứa máu. Thậm chí nàng như thấy rõ mặt em nàng tái xanh như tàu lá trước ánh đèn đục mờ.
- Chị Dung! - Bạch Hoa lại gọi nàng, rướn cả người lên về phía nàng. Lập tức một tình cảm mãnh liệt khiến tim nàng quặn lại, bởi đó là tư thế và tiếng gọi của một tâm hồn hoàn toàn thơ trẻ và mong manh trong lúc sa cơ. Bất cứ lúc nào nghe tiếng gọi của em, nàng có thể chạy từ ngoài ngõ ra cuối vườn, nàng sẵn sàng thức dậy từ trong giấc mơ, quên lập tức bản đàn đang tập dở trên cây đàn tranh. Giữa bao nhiêu niềm vui của đời sống, em nàng là niềm vui lớn nhất của nàng từ khi mẹ rồi đến ba khuất núi.
Lật đật đến gần, nàng nắm chặt cổ tay Bạch Hoa.
- Vô trong ngủ đi, ra đây làm chi! Gió lạnh thế này...
- Còn chị? - quai hàm dưới giần giật, em nàng lập cập nói. - Chị cùng vô với em đi. Trời ơi, khủng khiếp quá!
- Được rồi, chị vô liền đây...
Chính lúc đó đột ngột em gái nàng thét váng óc: “KHÔNG!” - tiếng thét như làm đông cứng máu trong huyết quản tất cả những ai có mặt ở đó - rồi hai tay ôm đầu chạy biến vào trong toa.
Dù nàng đã quen với những cơn động kinh của Bạch Hoa, và dù chứng bệnh đó hầu như đã biến mất khỏi em nàng từ lâu, chưa bao giờ em nàng lên cơn một cách dữ dội đến như vậy. Tất cả mọi người trong buồng đều choàng dậy; một người đàn ông và một phụ nữ khỏe mạnh phải giúp nàng giữ chặt tay chân Bạch Hoa. Một người khác, chàng trai bé nhỏ từ lúc đặt chân lên tàu chốc chốc lại nhìn nàng với vẻ mơ màng và say đắm không giấu giếm, lúc này xăng xái chạy đi dấp nước khăn mặt, mượn con dao cắt chanh, kiếm lọ dầu, sau đó cứ đứng xớ rớ ngay cửa buồng, như chỉ đợi một cái nhìn của nàng để lao đi làm bất cứ điều gì nàng cần, để giảm bớt nỗi nhọc nhằn của nàng. Tảng sáng, khi Bạch Hoa ngủ yên, nàng ra ngoài hành lang mở toang cửa lưới, thò hẳn đầu ra ngoài đón gió và hứng sương mai để tỉnh ngủ. Chàng trai bé nhỏ rụt rè tiến lại bên cạnh nàng. Ngượng ngùng, nàng ngỏ lời cám ơn anh ta. Những người bé nhỏ như vậy thường nhìn lên nàng với vẻ rụt rè, phiền muộn và cam phận, nhưng anh chàng này vươn thẳng người kiêu hãnh, như thấy mình cao lớn và mạnh mẽ như bất cứ ai khi đứng bên nàng. Tuy vậy chả mấy chốc nàng không quan tâm tới anh ta nữa. Nhìn nắng vàng như mật loang dần từ ngọn xuống thân những cây dừa đứng thẳng hàng bên bờ kênh trông như đội lính tập, nàng nhớ lại kẻ nàng đã gặp đêm qua và cố thử hình dung người đó khi còn sống. Cuối cùng nàng chua xót hiểu ra rằng người ta có thể biết cái chết của người con gái đó mà không bao giờ có thể thật sự biết cả cuộc đời cô ta. Và, với chút thiện căn nhỏ nhoi này, nàng có thể làm được gì?
Bỗng chàng trai đứng cạnh nàng kêu lên:
- Kìa chị xem; hoa mai!
Gần như sát bên đường tàu, một cây mai già đứng lẻ loi như đang đợi chính nàng vậy. Từ trong thân cây xù xì và những cành khẳng khiu nảy ra vô vàn đóa hoa vàng tươi báo xuân muộn. Hầu như chỉ thấy chi chít những hoa là hoa từ đầu cành thấp nhất đến chót cành cao nhất. Thật ra đây đó vẫn có những chiếc lá, song màu xanh của chúng như tự lánh mình sau ánh vàng quá rực rỡ và viên mãn của hoa mai; dường như cây muốn chỉ một lần duy nhất này phát lộ toàn bộ sức mạnh và sự gắn bó sâu sắc của mình với thế giới, cái thiêng liêng của sự sống. Đó là một trong những cây mai hùng vĩ nhất và đẹp nhất nàng từng thấy trong đời, vẻ đẹp mà ai đó nói rằng có thể khiến ta phải khóc vì sung sướng. Dường như trong ánh nắng mai đang rạng lên trên mặt nàng có cả ánh sáng của hoa mai; nàng nở nụ cười hạnh phúc giống như trẻ thơ, nhưng không khỏi xen một chút đau đớn.

Xem Tiếp: ----