Khi người đàn ông mù này đến thành phố, ông ta quả quyết với mọi người là ông đã đi qua một sa mạc toàn là cát. Trước đó tôi đã chết rồi, ông bảo thế, thế rồi – loáng một cái – sa mạc hiện ra. Ông kể chuyện đó cho tất cả những ai muốn nghe, ông nghiêng nghiêng đầu để nắm bắt bước chân của họ.Từ chòm râu của ông, cả một cơn mưa cát sạn rơi xuống. Ông bảo sa mạc là một nơi trơ trọi và cô liêu, nó rít vào tai ông như tiếng của một con rắn. Ông đã đi bộ biết bao ngày trời cho đến khi những đụn cát lở ra dưới chân ông, cát trào lên xung quanh táp vào mặt ông, sau đó mọi thứ trở lại tĩnh lặng và bắt đầu đập như một quả tim. Âm thanh ấy rõ ràng như bất cứ âm thanh nào mà ông đã từng nghe. Chỉ đến tận khi ấy, ông bảo, khi cát như hàng triệu mũi tên đâm vào da thịt mình, ông mới thật sự nhận ra mình đã chết.
Jim Singer, chủ cửa hiệu bán sandwich ở khu tượng đài nói rằng ông thấy nhoi nhói nơi ngón tay và sau đó thì ngừng thở. “Đấy là tim tôi” ông đấm ngực, khăng khăng bảo vậy. “Đưa tôi về giường của mình”. Ông đã nhắm mắt lại và khi mở mắt ra lần nữa, ông thấy mình đang ở trên một con tàu, loại dùng để chở bọn trẻ nhỏ vòng quanh khu công viên giải trí. Đường tàu đưa ông xuyên qua một khu rừng rậm với những cái cây màu vàng nâu, nhưng những cái cây ấy thật sự lại là những con hươu cao cổ và những cái cổ ngẳng của chúng cứ nghếch lên như những cành cây muốn chạm tới nền trời. Một trận gió nổi lên, hất tung hết những vết đốm trên lưng chúng. Những vết đốm đó lửng lơ trôi quanh ông, chúng cuộn xoáy và rơi chìm sau lưng con tàu. Mất một thời gian dài ông mới hiểu rằng tiếng thình thịch mà ông nghe thấy không phải là tiếng bánh xe chạy trên đường ray.
Cô gái vốn thích đứng dưới tán cây dương trong công viên lại kể cô đã bị nhấn chìm trong một đại dương có màu của những quả anh đào khô. Trong một lúc, nước nâng đỡ cơ thể của cô, cô bảo vậy, và cô nằm ngửa, thân người xoay thành những vòng tròn vô nghĩa rồi cô cất giọng hát đồng ca những bản nhạc pop mà cô nhớ. Nhưng sau đó có tiếng sấm rền, mây bị xé toạc ra và hàng loạt những ổ bi trút xuống cô - cả vạn hạt bi sắt. Cô cố gắng nuốt chúng càng nhiều càng tốt, cô bảo vậy, cô túm lấy cái thân cây dương đã bị gãy để chèo chống. Cô không biết vì sao lại làm như vậy.Cô thấy mình giống như một cái bao đựng chì và chầm chậm chìm xuống qua các tầng biển. Cả một đàn cá bơi qua chạm vào cô, lớp vảy màu xanh, màu vàng của chúng là những thứ sáng nhất giữa biển nước. Và cô nghe thấy xung quanh cái âm thanh ấy, cái âm thanh mà mọi người đều nghe thấy, cái nhịp đập đều đặn của một quả tim khổng lồ.
Nhũng chuyện mà người ta kể về quãng giao lộ đó đa dạng và phức tạp như mười tỉ cuộc đời con người, chẳng có chuyện nào lại kém đặc biệt hơn những câu chuyện khác - những câu chuyện họ kể về cái chết. Xét cho cùng thì có quá nhiều con đường đưa người ta đến cái chết: hoặc quả tim sẽ dẫn lối cho bạn, hoặc cái đầu bạn, hoặc có thể là một trong số những căn bệnh mới xuất hiện. Nhưng chẳng có ai theo cùng một lối để đi qua giao lộ đó. Lev Paley nói anh ta đã quan sát thấy từng nguyên tử trong mình vỡ ra như những hòn bi, chúng lăn dọc không gian rồi sau đó lại tự tập hợp lại với nhau chẳng vì một cái gì cả. Hanbing Li nói anh thấy mình tỉnh dậy trong cơ thể một con rệp vừng và sống cả đời trong thịt của một quả đào. Graciella Cavazos lại nói cô bắt đầu rơi xuống như tuyết và hễ ai hỏi cô chi tiết về chuyện này cô lại mỉm cười bẽn lẽn.
Chưa bao giờ có hai câu chuyện giống nhau cả. Thế nhưng câu chuyện nào cũng nhắc đến cái tiếng đập thình thịch như tiếng trống ấy.
Một số người khẳng định âm thanh ấy chưa bao giờ biến mất cả, nếu bạn tập trung, đừng để tai mình lãng đi, bạn sẽ nghe thấy nó vang lên khe khẽ phía sau mọi vật ở thành phố này - tiếng phanh và tiếng còi xe, tiếng chuông trước cửa các nhà hàng, tiếng lách cách, lộp cộp của đủ mọi loại giày gõ trên hè phố. Nhiều nhóm người đã tụ tập lại trong công viên hay trên những mái nhà, họ ngồi quay lưng vào nhau yên lặng lắng nghe âm thanh ấy. Ba-dum. Ba-dum. Ba-dum. Cảnh tượng ấy giống như lúc người ta cố nhìn theo một con chim vậy, khi con chim ấy cất cánh bay lên, rồi nhoà dần đến khi chỉ còn là một dấu chấm trên nền trời.
Luka Sims tìm được một cái máy in roneo ngay trong tuần đầu tiên của anh ở thành phố này và anh quyết định dùng nó để làm một tờ báo. Mỗi sáng, anh đứng bên ngoài tiệm cà phê River Road để phát những tờ báo mà anh đã in. Một trong những số đặc biệt của báo L. Sims - Tin tức và nghiên cứu – hay như người ta quen gọi là tờ Sims xoay quanh câu chuyện về cái âm thanh này. Chưa đến 20 phần trăm số người mà Luka phỏng vấn xác nhận họ vẫn có thể nghe thấy âm thanh ấy sau khi đã đi qua giao lộ, song hầu như ai cũng đồng ý rằng nó chẳng giống một cái gì hơn - thậm chí không thể là một cái gì khác - ngoài tiếng đập của một quả tim.Vậy câu hỏi đặt ra là: âm thanh ấy từ đâu đến? Không thể là tiếng đập của chính tim họ được vì tim họ đâu còn đập nữa. Ông lão Mahmoud Qassim tin đó không phải là âm thanh thật sự của tim mình mà là một thứ âm thanh được nhớ lại, âm thanh ấy, từ lâu rồi ông đã nghe thấy và cũng đã không nhận biết được nó, vẫn cứ vọng về văng vẳng bên tai ông. Người phụ nữ bán vòng tay bên bờ sông lại nghĩ đó là nhịp tim đập ở nơi tâm điểm thế giới, một nơi sáng sủa, nóng như bị đun sôi mà bà đã rơi qua trên đường đến thành phố này. “Về phần người tường thuật”, bài báo kết luận, “ tôi đồng tình với phần đông mọi người. Tôi luôn nghi ngờ cái nhịp đập rất mạnh mà chúng ta nghe thấy đó là của những người vẫn còn sống. Những người sống đã mang chúng ta trong mình như những hạt ngọc trai. Chúng ta còn sống sót chừng nào họ còn nhớ đến chúng ta.” Đó là một ẩn dụ không hoàn hảo - Luka hiểu vậy - vì ngọc trai tồn tại lâu hơn nhiều những con trai. Song nguyên tắc số một của nghề báo là anh phải biết được giới hạn của mình. Từ lâu rồi anh đã thôi không còn đòi hỏi sự hoàn hảo.
Ngày càng nhiều người đến thành phố, tuy nhiên, chưa bao giờ thành phố không đủ sức chứa họ. Hãy xuống một con phố mà anh đã quen thuộc hàng bao năm trời, thế rồi hoàn toàn bất ngờ, anh sẽ chợt bắt gặp một công trình mới, một khu nhà mới. Mỗi tuần một lần, Carson McCaughrean, người lái một trong những chiếc taxi đen bóng rong ruổi các con phố, lại phải vẽ lại bản đồ. Hai mươi, ba mươi, năm mươi lần một ngày, anh lại lại đón một chuyến khách vừa mời đến thành phố này và đưa vị khách ấy đến một nơi nào đó - một nơi mà anh, Carson, chưa từng biết đến. Những vị khách đến từ châu Phi, châu Á, châu Âu, đến từ khắp nước Mỹ. Họ đến từ những trung tâm văn hoá lớn và từ những hòn đảo nhỏ giữa đại dương. Đó là điều mà những người sống đã làm: họ chết. Có một nhạc sĩ đường phố già ngay khi đặt chân đến thành phố đã bắt đầu chơi nhạc ở phố gạch đỏ, ông dạo những giai điệu accordeon thật chậm rãi, như những tiếng thầm buồn bã. Có một người thợ kim hoàn, một chàng thanh niên trẻ, dựng một cửa hàng ở góc phố Maple và Christopher, bán những hạt kim cương được anh đính trên những sợi dây chuyền bằng bạc. Jessica Auffert cũng mở một cửa hàng bán đồ trang sức ở góc phố đó hơn ba mươi năm rồi nhưng bà chẳng bao giờ đố kị với chàng trai trẻ đó, sáng sáng bà còn pha cho anh một tách cà phê đen, hai người vừa uống cà phê vừa nói chuyện gẫu ở phòng ngoài cửa hiệu của chàng trai. Điều làm bà ngạc nhiên là chàng trai còn trẻ quá – sao bây giờ lại có nhiều người chết trẻ làm vậy. Rất nhiều người trong số họ còn như là những đứa trẻ, những đứa trẻ vẫn ríu ran trên ván trượt hay chạy xe đến sân chơi ngang qua cửa sổ nhà bà. Một cậu bé có gò má đỏ hây hây như dâu tây hay giả vờ xem con ngựa gỗ cậu vẫn thường lắc lư cưỡi chơi là ngựa thật, những con ngựa mà cậu đã từng chải lông, từng cho chúng ăn ở trang trại trước khi chúng bị chết trong một trận bom. Một cậu bé khác thích trượt cầu trượt liên hết lần này đến lần khác, chân dẫm mạnh xuống bãi cát mỗi khi cậu nghĩ về ba mẹ và hai anh trai mình, những người vẫn còn đang sống. Cậu đã nhìn thấy họ từ từ nhô lên và thoát ra ngoài chính căn bệnh đã nhấn vùi cậu xuống. Cậu không thích nói về chuyện đó.
Điều đó xảy ra hồi chiến tranh, dẫu bất kỳ ai trong số họ cũng khó lòng nhớ ra đó là cuộc chiến nào.
Thỉnh thoảng, lại có một người chết, một người vừa mới vượt qua giao lộ nhầm tuởng thành phố là Thiên Đường. Sự hiểu nhầm đó không bao giờ kéo dài. Thiên Đường gì mà lại có tiếng xe chở rác cút kýt đến nhức đầu trên vỉa hè và mùi cá chết bên bờ sông? Ngược lại, người ta có thể hỏi Địa Ngục kiểu gì mà vẫn có những lò bánh mì, những vòm sơn thù du, có những ngày trời xanh đến lộng lẫy làm mái tóc bạn bay hoài trong gió không thôi? Không, thành phố không phải là Thiên Đường, nó cũng không phải là Địa Ngục, và chắc chắn cũng không phải là thế gian này. Sự hiện diện của nó như muốn thuyết phục người ta tin rằng nó còn phải trở thành một cái gì khác nữa. Ngày càng có nhiều người hơn chấp nhận lí thuyết coi nơi đây chính là phần kéo dài của bản thân sự sống - một dạng phòng chờ - và họ chỉ lưu trú tại đây chừng nào họ còn tồn tại trong ký ức những người đang sống. Khi người cuối cùng thật sự quen biết họ qua đời, họ sẽ dời đến bất cứ chốn nào xuất hiện sau đó. Đúng là phần lớn cư dân của thành phố này đều ra đi sau sáu mươi, bảy mươi năm. Điều này dẫu không chứng minh được thì chắc chắn nó vẫn nuôi dưỡng cái lý thuyết trên. Nhưng lúc nào và ở đâu cũng có những chuyện kể về những người đàn ông và những nguời đàn bà đã sống ở thành phố này lâu hơn nhiều, cả hàng thế kỉ và thậm chí còn hơn thế nữa, và ai biết chắc những chuyện đó có đáng tin hay không?
Mỗi một khu đều có một điểm tụ tập, một nơi cho mọi người cùng đến để chuyện trò về một thế giới khác. Đó là hàng cột sóng đôi ở khu tượng đài, là quán rượu Một và Chỉ Một ở khu tập trung các kho hàng, và ngay bên cạnh cái nhà kýnh nằm ở trung tâm khu nhà vườn có phòng trà Nga của Andrei Kalatozov. Kalatozov rót trà mà ông đã pha từ cái ấm samovar màu đồng vào những chiếc chén sứ mà ông sắp trên những chiếc đĩa phẳng bằng gỗ đã được đánh bóng. Vợ và cô con gái của ông đã mất trước ông hai tuần trong một tai nạn liên quan đến một cái kho mà họ đào lên trong vườn nhà. Lúc vụ tai nạn xảy ra, ông đang ngồi nhìn qua cửa sổ phòng bếp. Cái thuổng mà vợ ông sử dụng va vào một khối kim loại lớn lởm chởm đầy những rỉ sét tưởng như đã tích đọng cả hàng thế kỉ mà ông không nhận ra cho đến khi nó phát nổ. Hai tuần sau đó, ông lấy dao cạo cứa cổ mình với hi vọng làm như thế, ông sẽ được đoàn tụ với vợ con mình trên Thiên Đường. Và thật thế, họ đã ở đó - vợ và con gái ông - họ mỉm cười và mặc áo khoác đứng trước cửa phòng trà. Ông ngắm họ trong khi tay cắt trái chanh thành từng lát bày lên đĩa. Ông là người hạnh phúc nhất ở cái phòng chờ này – ở bất cứ nơi nào ông cũng là người hạnh phúc nhất. Thành phố có thể không phải là Thiên Đường, nhưng với ông đó cũng đã là Thiên Đường rồi. Từ sáng tới chiều, ông nghe khách hàng của mình trao đổi những thông tin mới nhất về cuộc chiến. Mỹ và Trung Đông lại đối địch với nhau, Trung Quốc và Tây Ban Nha, Úc và Hà Lan cũng vậy. Ở Brazil vừa phát hiện một loại virus làm thay đổi đặc tính di truyền có thể kháng cự lại những kháng độc tố mới nhất. Cũng có thể là ở Italia. Hoặc ở Indonesia. Có nhiều tin đồn đến nỗi người ta khó mà chắc chắn được điều gì.
Thỉnh thoảng lại có một người nào đó vừa mới qua đời cách đó một hai ngày tình cờ đến một trong những điểm tụ tập ấy - quán rượu hay phòng trà, chợ bên sông hay khu tượng đài - và cả đám người chết xúm lấy anh ta, chen lấn xô đẩy để hỏi han tin tức. Bao giờ cũng là những câu hỏi đại loại như: “Anh đã sống ở đâu?” “ Anh có biết gì về miền trung nước Mỹ không?” “Những gì người ta nói về những chỏm băng trên núi có thật không?” “Tôi muốn biết tin tức về nguời anh họ. Anh ấy sống ở Arizona. Tên là Lewis Zeigler, đánh vần là L-E-W-I-S...” “Chuyện gì đang xảy ra ở vùng bờ biển châu Phi, anh biết không, biết không?” “Làm ơn hãy kể cho chúng tôi nghe tất cả những gì mà anh có thể kể, chuyện gì cũng được.”
Kiran Patel từng làm nghề bán chuỗi hạt ở khu khách sạn Bombay gần cả một thế kỉ. Bà bảo ngày càng có ít khách tham quan đến chỗ của bà, cái chỗ đã được định vị ở thế giới này, nhưng điều ấy không quan trọng, vì những gì có thể cho người ta xem ở nơi bà cũng càng ngày càng ít đi. Những chuối hạt làm từ ngà voi mà bà từng bán dạo hồi còn trẻ trở nên khan hiếm, khó kiếm đến nỗi cuối cùng không thể nào có được. Những con voi còn sót lại đã bị đóng cũi chuyển sang sở thú ở các nước khác. Mấy năm trước khi bà qua đời, “những chuỗi hạt ngà voi chính cống”mà bà bán thực chất chỉ là những hạt nhựa màu kem được sản xuất hàng loạt trong hàng vạn nhà máy ở Hàn Quốc. Điều này cũng thế, chẳng quan trọng lắm. Khách du lịch đến quầy hàng của bà khó lòng phát hiện được sự khác biệt.
Jeffrey Fallon, mười sáu tuổi, đến từ Park Falls, Wisconsin, cho biết cuộc chiến chưa kéo đến vùng biển đâu nhưng những mầm bệnh thì đã lan tràn rồi và câu chính là nhân chứng sống. “Cũng có thể không phải là “sống” nhưng chắc chắn vẫn là nhân chứng”, cậu tự đính chính. Những mầm bệnh đó từng xuất hiện ở Pakistan, rồi đến Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, còn sau đó chúng lan sang đâu thì cậu không biết. “Mọi người muốn tôi kể về chuyện gì cơ”, cậu nhún vai hỏi, “Hầu như tôi chỉ còn nhớ đến mỗi bạn gái mình mà thôi”. Tên của nàng là Tracey Tipton, nàng đã cấy mầm bệnh đó khi lấy răng khía khía vào dái tai cậu khiến cơ thể của cậu như căng ra và rạo rực như dây đàn guitar vậy. Chưa bao giờ cậu bận tâm đến dái tai mình cho đến khi nàng đặt nó lên môi nàng, nhưng giờ vì cậu đã chết rồi, cậu chẳng còn nghĩ về bất cứ cái gì nữa. Ai có thể tính đến tình huống này?
Người đàn ông cứ lên lên xuống xuống cầu thang máy hàng giờ liền ở trung tâm thương mại phố Ginza không nói tên mình. Khi người ta hỏi anh còn nhớ những gì về thời điểm trước khi mình chết, anh chỉ lắc đầu rất mạnh, vỗ tay và nói, “Bùm!”, làm điệu bộ giống như tung pháo hoa giấy lên vậy.
Những công trình lớn bằng thép và hợp chất cao phân tử nằm ở trung tâm thành phố với những ô cửa kýnh loáng bóng phản chiếu rõ cả những khoảng trống giữa mỗi đám mây trên nền trời, sau chừng vài trăm dãy nhà thì nhường chỗ cho những ngôi nhà xây bằng đá, gạch và gỗ. Sự thay đổi đó diễn ra từ từ, đường phố dường như không lúc nào ngớt người đi lại đến nỗi bạn có thể đi vòng vòng cả hàng giờ liền cho đến khi nhận ra kiến trúc cảnh quan xung quanh đã thay đổi tự bao giờ. Hè phố san sát những rạp phim, những phòng tập thể dục, những cửa hàng bán đồ ngũ kim, những quán karaoke, những sân bóng rổ, những cửa hiệu chuyên bán falafel[1]... Những thư viện và quầy thuốc lá. Những hiệu bán vải và những tiệm giặt là. Có đến hàng trăm nhà thờ trong thành phố - thật ra phải nói là có hàng trăm nhà thờ ở mỗi khu phố - rồi những chùa chiền, nhà thờ đạo Hồi, giáo đường của người Do Thái, những nhà nguyện. Chúng nằm kẹp giữa khu chợ rau và những cửa hàng cho thuê băng video, những cây thánh giá, những mái vòm, những ngọn tháp như muốn tạc vào không gian. Sự thật là có một số người chết đã vứt bỏ tín ngưỡng cũ của mình, họ bực bội bởi cái kiếp sau, cái từng được gọi là thế giới bên kia đầy cao quý, không phải là những gì mà đấng tôn thờ họ tin theo suốt cả đời mình hứa hẹn. Nhưng cứ một người đánh mất niềm tin của mình thì lại có một kẻ khác nắm chặt lấy nó, và rồi một kẻ khác chấp nhận đức tin ấy. Đơn giản là vì chẳng ai biết được cái gì sẽ xảy đến với mình khi thời hạn lưu trú ở thành phố này chấm dứt và nếu chỉ vì ta đã chết mà không gặp được đức Chúa của mình thì cũng không có lý do gì để khẳng định sau này ta cũng không thể nào gặp được Người.
Đó là triết lý của José Tamayo, người mỗi tuần một lần tự nguyện làm người trông coi nhà thờ Thánh Tâm. Chủ nhật nào ông cũng đứng đợi ở cánh cửa phía Tây cho đến khi khóa lễ cuối cùng kết thúc và mọi người đã tản về, lúc đó, ông bắt đầu quét sàn nhà, đánh bóng những chiếc ghế băng và bệ thờ, hút bụi những tấm thảm mềm trải ở nơi thực hiện lễ ban thánh thể. Xong việc rồi, ông cẩn thận trèo xuống mười bảy bậc thang đến trước tòa nhà nơi người đàn ông mù đứng đó kể về cuộc hành trình qua sa mạc của mình, đi ngang qua con phố để về căn hộ của mình. Ông từng bị chấn thương ở đầu gối trong một trận đấu bóng, kể từ đó bao giờ ông cũng cảm thấy vết thương vỡ ra thành tiếng nổ rất nhỏ mỗi khi ông duỗi chân. Vết thương không mất đi, kể cả khi ông đã đi qua giao lộ và bởi thế ông không muốn đi bộ một quãng đường xa. Đó là lý do vì sao ông lai chọn làm việc cho nhà thờ Thánh Tâm: đó là nhà thờ gần nhất mà ông tìm được. Thật ra ông dã từng được tham gia vào Hội Giám lý, giáo đoàn duy nhất không theo Công giáo ở Juan Tula. Ông vẫn thường nhớ lại chuyện ông đã ăn trộm sáu hộp soda từ nhà kho nhỏ của nhà thờ cùng với những câu học sinh khác trong lớp học chủ nhật. Bọn họ nghe thấy tiếng chân của thầy giáo và vội sập cửa lại, một tia sáng chiếu xiên qua khung cửa, soi rõ tay cầm của một cỗ xe chở hàng chất đầy những chiếc ghế xếp - khoảng bốn mươi, năm mươi cái gì đó, chồng vào nhau, được bó thành những bó dài chặt khít. José nhớ là mình đã nhìn chằm chằm vào cỗ xe và lắng nghe bước chân của ông thầy trong khi bọt soda đầy miệng, chúng cứ lách tách nổ trong vòm họng.
Những người chết thường ngạc nhiên bởi những ký ức như vậy. Họ có thể đi ròng rã cả tuần, cả tháng trời mà không hề nhớ gì về ngôi nhà và hàng phố nơi họ đã lớn lên, những nỗi xấu hổ và cả những niềm vinh quang, những công việc, thói quen, sở thích đã từ từ ăn mòn cuộc đời của họ, thế nhưng một chi tiết nhỏ nhặt nhất, ngẫu nhiên nhất lại nhảy bổ vào đầu họ cả trăm lần trong ngày, giống như tiếng quẫy đuôi của một con cá trên mặt hồ khiến những vòng sóng cứ gợn mãi. Người phụ nữ ăn mày ở ga xe điện ngầm nhớ là mình đã từng ăn một bữa bánh thịt cua và rau cải ngựa ở vũng tàu đậu trên vịnh Chesapeake. Người đàn ông thắp đèn khí trong khu nhà hát nhớ mình đã từng lấy một hộp đậu từ đống hàng trưng bày được sắp xếp theo hình kim tự tháp ngay giữa siêu thị, ông nhớ là mình đã hơi lâng lâng tự hào và trong sự tự hào đó có một chút lâng lâng khoái trá khi những hộp đậu khác không bị đổ. Andreas Andreopoulos, người đã viết các chương trình trò chơi trên máy tính suốt cả 40 năm lập thân, nhớ mình đã từng nhảy lên để bứt một chiếc lá trên một cái cây, đã từng mở một tạp chí thời trang và ngửi mùi thơm trong đó, đã từng viết tên mình bằng những vệt nước trên một cốc bia. Chúng ám ảnh ông - những ký ức không hình thù, hầu như bị cất giấu ấy. Dường như chúng còn nặng nề hơn cả tưởng tượng, cứ như thể bao nhiêu ý nghĩa của cuộc đời ông dồn hết sức nặng vào đó. Đôi khi ông lại nghĩ đến việc ráp lại những ký ức đó làm thành một cuốn tự truyện, tất cả các ký ức có kích cỡ chỉ bằng những món đồ chơi ấy sẽ thay thế những chi tiết về công việc, về gia đình của ông và sẽ xóa sạch những chi tiết khác. Ông sẽ viết cuốn tự truyện ấy trên những trang giấy không dòng kẻ. Không bao giờ ông còn muốn đụng đến máy vi tính nữa.
Có những nơi trong thành phố những đám đông như phình ra đến độ ta khó lòng chuyển động mà không quệt vào tay hay huých vào hông ai đó. Số người chết ngày càng gia tăng, những khu vực đông đúc như thế ngày một nhiều hơn. Không phải thành phố không còn chỗ chứa họ, mà vì họ cần có một nơi nào đó để túm tụm với nhau và khi dân mỗi ngày một đông thì những nơi như thế càng ngày càng thêm chật chội. Những người thích một không gian riêng tư cần tránh những nơi ấy. Nếu muốn thăm quảng trường ở khu tượng đài hay tháp nước ở khu chiếu đèn neon thì họ cần phải đợi đến khi nào dân số giảm bớt. Hiện tượng này có vẻ lúc nào cũng xuất hiện mỗi khi có chiến tranh, bệnh dịch, hay nạn đói.
Công viên bên sông là nơi đông đúc nhất trong số những nơi đông đúc ở thành phố này, với những dãy nhà bạt màu trắng và dải cỏ trải dài. Những người bán diều và những người bán đồ giải khát đứng chật cứng cả vỉa hè, những phiến đá cắt dòng nước thành hàng chục những quây nước hiền hòa. Rồi một hôm có một người đàn ông với bộ râu xám dày và mái tóc rậm trượt chân rơi từ một mái lều bạt và đâm bổ vào vai người đứng xung quanh. Anh hoàn toàn mất phương hướng, mọi nguời xung quanh đếu hiểu là anh vừa mới vượt qua giao lộ. Anh nói mình là một chuyên gia nghiên cứu về virus và các bệnh do virus gây ra. Năm ngày trước đó, anh đã trèo lên một cây thích rất lớn và quần áo của anh bết vào da thịt bởi nhựa cây. Có lẽ anh nghĩ mọi người trong công viên cũng đã từng trèo lên cái cây ấy với anh. Khi người ta hỏi anh đã chết như thế nào, anh lấy hơi rồi ngừng lại một lát trước khi trả lời. “Phải. Tôi đã chết. Và tôi cứ phải tự nhắc mình điều đó. Cuối cùng chúng đã làm được, bọn khốn kiếp đó. Chúng đã tìm cách để huỷ hoại tất cả mọi thứ”. Anh xoắn xoắn những sợi râu bị bết nhựa cây của mình. “Mà này, có ai chú ý đến môt tiếng động nghe thình thịch thình thịch bên trong cái cây đó không?”
Căn phòng đơn được sử dụng làm phòng làm việc của toà báo L.Sims - tin tức và nghiên cứu nằm tại một trong những toà nhà cổ nhất thành phố, tường được đắp bởi những hàng gạch màu chocolate và những phiến đá granite bạc. Đám rêu vàng nhạt rủ xuống từ những tầng trên, là là ở mé cửa trước. Mỗi sáng khi Luka đứng quay cái máy in roneo của mình, ánh nắng hắt qua đám rêu bên ngoài cửa sổ và căn phòng được phủ ngập bởi một thứ ánh sáng ấm và thơm. Có đôi khi anh nhìn thành phố mà không khỏi có cảm giác như đang nhìn một khu rừng đang tàn lụi.
Bảy giờ sáng, anh đã in xong vài nghìn bản báo và đem chúng đến tiệm cà phê River Road, nơi anh sẽ phát những tờ báo đó cho khách bộ hành. Anh muốn tin rằng mỗi người đọc tờ báo sẽ chuyền tay cho người khác đọc rồi người đó cũng lại sẽ đưa tờ báo cho người khác nữa, nhưng anh cũng biết thực tế không như mình muốn. Anh luôn bắt gặp ít nhất vài tờ báo bị vứt vào sọt rác trên đường về nhà, dưới mặt trời, tờ báo dần dần duỗi phẳng ra. Tuy nhiên, cũng không hiếm khi anh thấy vài ba chục mái đầu chụm lại xem tờ báo số mới nhất trong quán cà phê. Gần đây, anh ít viết những chuyện về thành phố này mà tăng cường viết về thế giới của những người sống, qua những câu chuyện mà anh thu thập được qua phỏng vấn những người vừa mới chết, hầu hết họ là nạn nhân của một thứ mà họ gọi là “bệnh dịch”. “Những người này chớp mắt rất nhiều”- anh lưu ý điều đó. Họ cứ nheo mắt rồi lại dụi. Anh băn khoăn không biết điều này có mối liên hệ nào với loại virus đã cướp đi sinh mạng của họ không.
Mỗi ngày Luka lại bắt gặp chừng ấy những khuôn mặt qua cửa sổ của quán cà phê. “HÀNG TRĂM NGƯỜI ĐANG Ở TRONG TÌNH TRẠNG NGUY HIỂM BỞI VIRUS TẠI TOKYO. ĐÃ PHÁT HIỆN TÂM ĐỘNG ĐẤT MỚI Ở JOHANNESBURG, COPENHAGEN, PERTH.” Ellison Brown, người chuẩn bị món bánh nướng tráng miệng trong bếp, lúc nào cũng chỉ chờ Luka đi khỏi trước khi ông liếc qua tiêu đề các bài báo. Vợ ông từng là nhà thơ thuộc típ người lúc nào cùng kè kè bên cạnh với bộ mặt tỏ ý khó chịu  khi ông đọc bất cứ cái gì mà bà viết, và chẳng có cái gì đọng lại trong ông ngoại trừ cảm giác bị canh chừng. “THỜI GIAN Ủ BỆNH CHƯA ĐẾN NĂM GIỜ. NHIỄM BỆNH LÚC BAN TRƯA, ĐẾN ĐÊM THÌ TỬ VONG”. Charlotte Sylvain vừa nhấp cà phê vừa  lướt mắt đọc tờ báo xem có chỗ nào nhắc đến Paris hay không. Bà vẫn coi thành phố ấy như quê hương của mình cho dù năm mươi năm rồi bà không ở đó. Một lần, bà bắt gặp từ “Seine” ngay ở đoạn đầu tiên của một bài báo, và bà giữ chặt lấy trang báo một cách vô thức nhưng thực ra đó là từ “sienna”(đất sienna để pha bột sơn, bột vẽ) bị in nhầm, và chẳng còn bao giờ bà bắt gặp quê hương mình nữa. “VIRUS ĐÃ LÂY LAN TRONG KHÔNG KHÍ, TRONG NƯỚC. HAI TỈ NGƯỜI ĐÃ CHẾT Ở CHÂU Á VÀ ĐÔNG ÂU.” Mie Matsuda Ryu hâm mộ các trò chơi chữ. Sáng nào chị cũng đọc tờ Sims tới hai lần, một lần đọc để biết nội dung, lần thứ hai đọc để khám phá bất cứ những phép chơi chữ nào ẩn giấu trong đó - những hàng chữ thuận nghịch độc, những trò đảo ký tự, hay tìm kiếm những chữ cái tạo thành tên mình trà trộn trong những con chữ khác. Bao giờ chị cũng tìm được những hàng chữ đó. “TRONG VÒNG HAI TƯ GIỜ NHỮNG CON BỌ ĐÃ VƯỢT ĐẠI TÂY DƯƠNG. TỈ LỆ TỬ VONG GẦN NHƯ LÀ 100%”.
Những người đến gõ cửa thành phố này bắt đầu nhận ra có một cái gì đó bất thường. Những nhà truyền đạo và người bán rong, những người đương đơn ở tòa và các nhân viên điều tra dân số, tất cả đều nói cùng một điều: số người chết trong thành phố đang suy giảm. Những căn phòng, những toà nhà mấy tuần trước còn chật cứng người thì nay đã trống trơn. Đường phố không còn đông nữa. Không phải vì người ta không còn chết nữa. Trái lại, người chết nhiều hơn bao giờ hết. Mỗi phút lại có hàng trăm hàng nghìn người đến thành phố, những ngôi nhà, những trường học, những khu phố đâu cũng thấy mặt họ. Nhưng cứ một người vượt qua giao lộ lại có đến hai, ba người khác biến mất. Russell Henley, người bán những cây chổi mà ông bện từ những cành tuyết tùng và những sợi nhựa, nói rằng thành phố này giống như một cái nồi có lỗ thủng ở giữa. “Đổ nước vào bao nhiêu thì nó lại chảy ra ngay bấy nhiêu”. Ông mở một quầy hàng ở khu tượng đài, ở đó ông bày bán những chiếc chổi, mời chào đám đông qua đường mua, thế mà mấy ngày này, lượng người đi lại chỉ khoảng trăm người là cùng. Nếu như đúng là cuộc đời của họ ở trọ trong ký ức những người còn sống thì điều gì sẽ xảy ra khi bấy nhiêu những người sống còn lại đó tụ tập hết về thành phố này? Chuyện gì sẽ xảy ra, ông muốn biết, khi căn phòng kia, cái thế giới rộng lớn hơn kia thành trống rỗng?
Không hồ nghi gì nữa, thành phố đang biến đổi. Những người thiệt mạng trong đại dịch đến và đi rất nhanh, đôi khi chỉ trong chừng vài giờ, giồng như trận tuyết giữa xuân phủ trắng mặt đất lúc ban đêm và tan đi ngay khi mặt trời lên. Một người đàn ông đến phố cây thông vào buổi sáng, tìm thấy một cửa hiệu để trống, ông quét lên cửa sổ của cửa hiệu dòng chữ bằng lớp bột màu (TIỆM SỬA CHŨA ĐỒNG HỒ SHERMAN. NHANH CHÓNG VÀ DỄ DÀNG. SẼ SỚM MỞ CỬA), rồi khóa cửa, lê bước đi và không bao giờ trở lại nữa. Một người đàn ông khác bảo người phụ nữ mà anh đã ở qua đêm cùng là anh muốn đi vào bếp để uống nước, vài phút sau chị gọi anh nhưng không thấy tiếng trả lời. Chị lục mọi chỗ trong căn nhà để tìm kiếm anh - cánh cửa sổ sau bàn trang điểm của chị để ngỏ, cứ như thể anh đã trèo ra ngoài ban công vậy - nhưng chẳng thấy anh ở bất cứ đâu. Toàn bộ dân trên một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương xuất hiện tại thành phố vào một buổi chiều sáng sủa và lộng gió, họ ngồi trên mui xe ở bãi đỗ xe, đến cuối ngày thì biến mất.
Song chính những người sống lâu năm nhất ở thành phố này là những người cảm nhận rõ hơn cả những biến đổi. Trong khi không ai trong số họ biết - hay từng biết - mình đã ở thành phố này bao lâu hay khi nào thì thời kỳ này chấm dứt, thì người ta vấn thường cảm nhận thấy có một nhịp điệu tuần tự trong quãng thời gian họ lưu trú ở thành phố này, một số điều mà người ta chờ đợi nhất định sẽ xảy đến: sau khi vượt qua giao lộ, ta sẽ tìm được một mái nhà, một công việc và một nhóm bạn, sau chừng sáu bảy mươi năm thì chấm dứt, và trong khi người ta không thể gây dựng một gia đình, mặc dù có ai già đi đâu, thì lúc nào ta cũng có thể tự tạo được một không gian tương tự như thế xung quanh mình.
Maria Ekwenski chẳng hạn. Chị sống ở tầng trệt một khu nhà nhỏ ở phố đất sét trắng gần ba mươi năm rồi. Chị là một phụ nữ cao ráo, mảnh mai, chưa bao giờ mất đi vẻ ngây thơ vốn có của mình, một vẻ bề ngoài quá ngơ ngác, trẻ con so với tuổi tác.  Những bộ váy may từ vải cotton dệt theo lối in hoa batik của chị in hình mặt trời như là do trẻ con vẽ lên, và hàng xóm bao giờ cũng nhận ra chị từ cách mấy dãy nhà. Maria làm nghề giữ trẻ tại một trong rất nhiều trại trẻ mồ côi của thành phố. Chị nghĩ mình là một cô giáo tốt nhưng không nghiêm, bằng chứng là cô thường phải để nhờ người khác coi hộ  bọn trẻ để đuổi theo một đứa trẻ khác vừa bỏ chạy. Cô đọc truyện cho lũ trẻ nhỏ nghe, những cuốn sách kể về những cuộc hành trình dài hay về những con thú biết thay hình đổi dạng, chị đưa bọn trẻ lớn đi chơi công viên, tham quan bảo tàng và giúp chúng làm bài tập về nhà. Nhiều đứa rất khó bảo, từ ngữ chúng văng ra khiến chị cũng cảm thấy đỏ mặt, những tình huống như thế nằm ngoài khả năng của chị. Thậm chí ngay cả khi chị nổi giận, bọn trẻ cũng đủ thông minh để biết là chị vẫn thích bọn chúng. Đây là chỗ khó xử của chị. Đặc biệt là trường hợp của thằng nhóc Phillip Walker, thằng bé cứ bất thình lình lại chạy ra khu cửa hiệu mỗi khi có cơ hội. Dường như nó cảm thấy thú vị khi nghe tiếng chân chị chạy theo nó, tim đập thình thịch và mặt thì phừng phừng tức giận, chưa bao giờ chị tóm được nó cho đến khi mệt quá, nó ngồi thụp xuống một bậc cửa hay một cái ghế băng ở đâu đó, thở hổn hển trong tiếng cười. Rồi một hôm, chị đuổi theo nó quanh một góc phố và lọt vào một con ngõ, sau đó không thấy chị chạy ra ở đầu kia nữa. Khoảng nửa giờ sau Phillip trở về trại trẻ. Nó không biết chị đã đi đâu.
Ville Tolvanen tối nào cũng chơi đánh pool ở quán bar nằm ở góc nối hai phố: phố số Tám và phố Nho. Những người bạn ở quán bar cũng chính là bạn ông hồi ông còn sống. Có những điều họ đã từng nói với nhau khi còn sống mỗi lần rủ nhau đi uống ở Oulu, một bài hát họ từng hát cùng nhau: “Khi tôi chết, tôi sẽ gặp bạn / Ở quán bar góc phố số Tám và phố Nho”. Thế rồi, lần lượt họ qua đời và đều tìm đường đến quán bar đó, họ ngập ngừng, hoài nghi khi đặt chân lên bậc thềm của quán ba, và rồi họ bắt gặp ánh mắt từng người bên bàn bi-a, dần dần tất cả bọn họ cũng tụ họp lại đủ. Ville là người cuối cùng trong nhóm chết, khi tìm thấy bạn bè mình ở quán bar đó, họ vẫn thân mật với ông như hồi ông còn trẻ. Ông xiết chặt tay họ còn họ thì vỗ vỗ lưng ông, Ông muốn mời rượu họ. Ông bảo họ: “Sẽ không bao giờ nữa”.Dẫu ông không nói hết câu nhưng tất cả bọn họ đều hiểu ông muốn nói gì. Ông cố cười thật tươi để ngăn nước mắt khỏi trào ra và khi có ai đó ném một cái vỏ lạc vào ông thì ông ném trả lại, cuối cùng họ dẫm chân vào đâu trên sàn nhà cũng nghe thấy tiếng kêu lạo xạo của đủ thứ. Hàng tháng trời sau khi chết, không một tối nào Ville lỡ hẹn ở quán bar - vì thế một đêm không thấy ông xuất hiện, bạn bè đã nháo nhác tìm ông. Họ đến thẳng cửa hàng đồ cơ khí mà ông dùng làm phòng ở, họ đấm cửa thùm thụp và cuối cùng phá được khóa nhờ vào phần cạnh sắc của mấy quân bài. Giày của Ville ở trong đó, cả đồng hồ đeo tay và bộ vét của ông nữa, nhưng chính ông thì chẳng thấy đâu.
Ethan Hass, chuyên gia nghiên cứu virus, không uống ở quầy bar mà bằng một cái hũ kim loại đeo bên hông như một Hướng Đạo Sinh. Anh đã theo dõi sự phát triển của lĩnh vực mình theo đuổi trong suốt ba mươi năm trước khi chết, đã đọc các bài báo, lắng nghe những câu chuyện tại các hội thảo, nhiều khi anh có cảm giác chính phủ nào, tổ chức nào, đảng phái nào cũng kiếm tìm cùng một thứ, một loại virus hoàn hảo, có thể bám theo mọi vật chủ, lan rộng trong dân chúng như một hạt mưa rơi xuống vũng nước để những gợn nước loang ra. Giờ thì anh biết hẳn là có ai đó cuối cùng cũng đã thành công trong việc trong việc tạo ra loại virus này. Nhưng chuyện này bắt đầu như thế nào? Anh không thể hiểu được. Một hôm, anh tự khóa chặt mình trong phòng vệ sinh của Bảo tàng nghệ thuật ở đường trung tâm và bắt đầu khóc, khóc dai dẳng, trong tiếng nức nở của anh có nhắc đến một điều gì đó về không khí, về nước, về nguồn thức ăn. Một nhân viên bảo vệ chạy đến. “Anh thôi đi nào! Ở ngoài này có đầy không khí, đầy nước cho anh cơ mà! Anh mở cửa cho chúng tôi chứ?” người bảo vệ nói với giọng rất thấp, gần như là thủ thỉ, nhưng Ethan gào lên: “Tất cả mọi người! Tất cả mọi thứ!”và bật hết tất cả các vòi nước trong bồn rửa mặt lên, từng cái một. Anh không nói gì nữa và vài phút sau khi người ta phá cửa thì anh đã biến mất.
Tất cả cứ như thể một cánh cổng được mở toang, một bức tường bị đạp đổ và cuối cùng thành phố đã giải phóng toàn bộ cư dân của mình. Họ lên đường từ mọi ngả và nhanh chóng những công viên, những quán rượu, những cửa hàng hoàn toàn không còn một bóng người.
Một ngày nọ, không lâu sau khi nhà hàng cuối cùng đóng cửa, người đàn ông mù đứng trên bậc thềm nhà thờ, đợi ai đó đến nghe câu chuyện của ông. Suốt ngày không một ai đi ngang qua ông, và ông bắt đầu băn khoăn không biết có phải đã đến lúc kết thúc dứt điểm mọi thứ hay không. Có thể điều đó đã xảy đến lúc ông đang ngủ, cũng có thể là đó chính là khoảnh khắc ngắn ngủi vào buổi sáng hôm ấy khi ông ngửi thấy mùi mật ong khen khét đâu đây. Ông nghe loáng thoáng tiếng còi xe từ những phía khác nhau trong thành phố rồi chừng hai mươi phút sau đó là tiếng ré lên của tàu điện ngầm khi phanh ăn vào đường ray. Ông nghe ngóng mãi một giọng nói hay một bước chân nhưng không thể nhận ra có một âm thanh nào của con người.
Ông khum khum hai tay quanh miệng. “Xin chào!”. Ông kêu to. “Xin chào!”. Nhưng không ai trả lời.
Ông cảm thấy một nỗi lo bất thường. Ông đưa tay lên ngực. Ông sợ tiếng đập mà ông nghe thấy chính là nhịp tim mình.

Hải Ngọc dịch

Nguyên tác: “The brief history of the dead”, đăng trên tạp chí “The New Yorker” ngày 8/9//2003, trang 7-83.

Chú thích:
[1] Falafel: một món ăn gốc Trung Đông, gồm đậu xanh rán phi hành, ớt, ăn với bánh mì pita kèm rau mùi và sữa chua và xốt tahini (Chú thích của TS).

Xem Tiếp: ----