Vọng xoay người ra sau, tay quơ một nắm rơm thảy vô đống lửa. Ngọn lửa bốc phừng phừng lên, soi tỏ trong vài phút gương mặt mười mấy người trẻ tuổi ngồi quanh ửng đỏ phần vì, có lẽ, men rượu. Minh lắc đầu, đừng vu oan, nhiêu đây rượu thì nhằm gì! ừ, mọi người hùa theo, một bình loong đế chỉ đủ cho anh em nhấp giọng mà kể nghe chơi những câu chuyện đời dưới một bầu trời đầy sao như trời đêm nay.
Đống lửa giữa mọi người cháy bập bùng, chốc chốc lại bừng sáng lên khi được tiếp những nùi rơm. Lửa thỉnh thoảng kêu lên những tiếng lắc rắc khoái trá khi đốt được một que củi khô. Hoặc xì xèo như một tiếng nguýt dài và bốc khói mù mịt khi bị phủ lên một lớp rơm ẩm lẫn nhiều cỏ tươi. Lửa cũng có mùi hăng hắc nồng nồng của thảo mộc bị đốt khi còn nhiều sắc xanh hoặc còn đẫm nước. Thoang thoảng trong đó là mùi đế ấm áp thơm tho. Rượu được rót vào một chén ăn cơm được chuyển tới trước mặt Huệ. Cô nhăn mặt như thể men rượu không phải kích thích mà là xúc phạm đến khứu giác của cô. Trước sau, Huệ vẫn đứng vững trên một quan điểm sáng suốt mà nhìn rượu, một thứ có hại xét về mọi mặt, mọi lẽ... Về kinh tế, nấu rượu là lãng phí lương thực; về đạo đức, say rượu làm con người mất tự chủ; về y học, rượu hại cho gan, tỳ vị, dạ dày, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh,v v... Về khoản y học Huệ tự thấy mình có thẩm quyền nhấn mạnh hơn, vì cô là y tá của nông trường. Vừa đẩy chén rượu ra xa, Huệ lập lại câu tuyên bố muôn thuở:
- Tui không thương nổi mấy ông bợm rượu.
Có nhiều tiếng cười hề hề đáp lại:
- ừ, để coi! Ghét của nào trời trao của ấy mà.
Tám vừa nói vừa đập tay lên vai Vọng, vừa nheo mắt vừa cười đầy ngụ ý. Vọng tiếp tục thảy rơm vô lửa, chẳng nói gì, nhưng mắt anh nhảy múa tưng bừng ngọn lửa lém lỉnh. Huệ chống đỡ giữ vững lập trường:
- Còn khuya! Mà tỷ dụ có lỡ thương cũng không lấy, mà lỡ lấy rồi, tui cũng thôi. Một con cũng thôi, hai con cũng thôi mà năm con cũng thôi.
Minh gật gù, chắc là chưa say đâu, nhưng mượn cái giọng say lè nhè của ông già Ba-Trăm-Lẻ-Bảy mà đúc kết:
- Phải, phải thôi chớ! Năm con thì thôi cho rồi! Năm con thì còn nước non gì nữa, chị không thôi, ảnh cũng thôi hè!
- Hừ người gì đâu mà nói chuyện hổng có duyên gì ráo trọi.
Huệ vùng vằng đứng dậy, dợm bước đi. Một trận cười vỡ bùng ra, lửa cũng cười lên giòn giã, rạng rỡ.
- Nói chơi mà chị Huệ!
- Ngồi xuống đi chị Huệ! Trời đầy sao đẹp như vậy mà chị bỏ đi, e có người lạnh thắt ruột mà chết đó!
Huệ ngồi xuống, vòng tay ôm gối, ngẩng nhìn bầu trời, giấu một nụ cười lặng lẽ.
... "Và có hai vì sao yêu nhau, cưới nhau. Vì sao nào sáng nhất đêm nay là sao Cô Dâu và sao Chú Rể. Những sao còn lại là sao Phù Dâu, sao Phù Rể, sao Cha Mẹ hai bên đàng trai đàng gái, sao Bà Con Hai Họ, sao Bạn Bè, sao Anh Em, sao Chòm Xóm Láng Giềng. Đám rước kéo qua bầu trời mênh mông suốt đêm. Không gian yên lặng. Không phải thiếu đàn ca hát xướng. Nhưng vì hạnh phúc sáng lên chứ không kêu lên...".
Một giấc mơ? Có thể. Một ước mơ. Một mong ước thầm kín mà cháy lòng, của người con gái đang ngồi ngắm những vì sao, nghe rạo rực tha thiết trong tim trăm ngàn lời nói ân tình chưa hề ngỏ cùng ai. Ôi, những vì sao... Đêm đồng bằng tỏa hương man mác. Vô vàn những loài hoa đồng cỏ nội, nở về đêm, trong bóng tối đang kín đáo dâng cho đêm làn hương mong manh, không tên tuổi của mình. Từng cơn gió tuần du làm chuyển mình biển lúa chín sẵn, rào rào như con sóng vỗ bờ xa từ con sông lớn âm vang về. Lúa chín, lúa chín, lúa chín rồi. Cả cánh đồng đang rì rầm. Suốt mấy ngày nay, nông trường dốc hết nhân lực và cơ giới ra để thu hoạch, cả máy và người cùng gặt, mà chỉ mới xong một phần năm. Cánh đồng đầu tiên của cả nước được sạ lúa bằng máy bay đang vào mùa gặt. Ban ngày, hàng nửa trăm chiếc máy gặt đập liên hợp mầu đỏ tươi, dàn ngang, cách đều trăm thước, cùng đồng loạt tiến vào biển lúa. Lúa chín, lúa chín rồi. Nghe như đất đang giục trống thúc. Công việc bù đầu, túi bụi như đang vào một chiến dịch quy mô, cấp tốc. Nhưng một đêm sao đẹp như vầy, lòng người nao nức như vầy, làm sao ngủ được trong dãy nhà còn chật chội, mà mái lá lại che mất những vì sao. Ngồi dúm đống lửa, uống chút rượu, kể chuyện nhau nghe, anh em. Để ngày mai dang tay ôm lúa vào lòng. Lúa. Lúa. Lúa chín vàng rượi. Còn mong muốn gì hơn nữa? Lúa hàng biển, phải hàng biển lúa anh em à.
Vọng hơi nhích lùi lại một chút, còn vừa đủ khoảng cách để ngả lưng dựa vào cây rơm. Phú kéo một khúc cây lại gần, kê đầu lên, duỗi chân ra. Như vậy, ngắm bầu trời thoải mái hơn. Đêm gió lành dễ chịu quá.
- Ai có chuyện gì kể nghe đi.
Tám nói. Dự cũng ngả người ra, nhưng anh nằm nghiêng, quay người vào ánh lửa. Tay mặt anh chống cùi chỏ xuống đất, bàn tay đỡ mái đầu bù xù che lấp nửa gương mặt, đôi mắt nhỏ của anh ngơ ngác như mời đến từ một ngôi sao lạ nào. Anh có gốc "trí thức", vốn là một sinh viên khoa thần học trước đây. Từ thủa làm thanh niên xung phong đến giờ, đã có vô số đêm, khi nửa chừng giấc ngủ giật mình thức dậy, anh thấy mình đang nằm trong một không gian đầy sao, và có ảo giác mình đang trôi trên vũ trụ. Anh bèn nảy ý kiến nghiên cứu thiên văn học. Khi có người nào đó muốn nghe chuyện gì, anh kể về những vì sao.
- Vũ trụ có hàng tỷ, tỷ, tỷ ngôi sao. Các ngôi sao đi lại trong vũ trụ theo hướng của mình. Đôi khi cũng xảy ra tai nạn lưu thông, hay tai nạn khác nào đó. Có ngôi sao nổ tung ra, hoặc tắt đi, hoặc tiêu tan vì đã đốt hết chính mình để tỏa sáng. Nhưng lại có những ngôi sao được hình thành, được sinh ra và bắt đầu phát sáng. Cách đây hàng nhiều ngàn năm, khi trên mặt đất này, con người còn hãi hùng trước những làn chớp, tiếng sét, đêm đêm nép vào hang sâu khiếp sợ, chưa có ai biết ngắm một vì sao mà ước mơ, thì có một ngôi sao bắt đầu tỏa sáng. Nhưng vì sao ấy cách hành tinh chúng ta nhiều ngàn năm ánh sáng, nên mãi đến bây giờ ánh sáng đầu tiên ấy mới đến với chúng ta. Và cái lúc đang ngồi đây, biết đâu lại chẳng có một ngôi sao cách ta hàng triệu năm ánh sáng đang tắt đi, nghĩa là tiêu tan, là chết. Nhưng những ánh sáng cuối cùng của ngôi sao này vẫn tiếp tục đến hành tinh ta trong hàng triệu năm tới. Một ngàn năm sau, nếu có người nào ngồi đây ngắm vì sao ấy, là ngắm ánh sáng của một vì sao không tồn tại nữa. Biết người ấy có tự hỏi rằng, vào cái thuở còn vì sao kia, những người đã ngồi bên đống lửa này nơi đây, đã sống cuộc đời như thế nào, và gửi những ước mơ gì đến những ngôi sao xa...
"Và cứ mỗi đêm có một đám rước dâu qua bầu trời. Ngôi sao sáng nhất trong đám là sao Cô Dâu, sao Chú Rể..."
Huệ vẫn ngồi bó gối, để đỡ mỏi vì phải ngẩng nhìn lên lâu, cô đặt nghiêng má lên đầu gối, mắt vẫn gởi về ngôi sao cuối trời xa giấc mơ của mình. ánh lửa nhảy múa trên má kia của cô. Vọng khẽ liếc nhìn gương mặt không xấu không đẹp ấy. Huệ độ hăm sáu hăm bảy tuổi. Trong khóe môi cười, ánh mắt có khi già dặn hơn tuổi, có khi lại trẻ tươi không ngờ. Vọng và Huệ cũng như nhiều người ngồi quanh đây, bắt đầu quen nhau từ dạo nông trường mới thành lập. Nghĩa là hơn năm nay. Nhưng hai người chưa có dịp nào tâm tình. Họ chỉ trao nhau những ánh mắt, nụ cười và những câu nói, chào hỏi cần thiết hay không cần thiết. Nhưng nếu muốn bước xa hơn tình bạn, người ta phải tìm hiểu nhau. Vọng không biết gì về Huệ, gia đình, quá khứ, trừ tính siêng làm, tận tụy trong công việc chăm sóc sức khỏe anh em và tính hay cười. Còn Huệ hiểu gì về con người Vọng, cuộc đời Vọng? Và khi hiểu rồi, Huệ sẽ nghĩ gì về anh? Vọng đút tay vào túi quần lục ra một gói giấy bèo nhèo, moi được một điếu thuốc nhăn nheo. Trong khi anh vuốt cho nó ngay ngắn lại. Tám đã nhỏm dậy, rút một cây củi đang cháy đỏ đưa vào mặt anh. Vọng cẩn thận mồi điếu thuốc, hít một hơi dài đến phồng căng lồng ngực. Anh đưa điếu thuốc cho Tám, thở khói từ từ qua kẽ ngón tay của bàn tay thô kệch chai nhám đang vuốt chầm chậm qua gương mặt cũng thô thiển góc cạnh và rám nắng, cho tỉnh táo lại. Anh nhìn lửa. Gương mặt anh lúc này chỉ có đôi mắt là đáng tả: Đôi mắt dưới đôi lông mày rậm hơi nhìn lại, nhìn đăm đăm vào lửa ấy, như đang cháy lên cả quá khứ lẫn tương lai. Anh bắt đầu nói về mình. Bạn bè quanh anh im lặng, cái im lặng thân thiết đầy ngụ ý. Không phải sự dửng dưng, không phải sự tò mò thông thường. Chỉ cần một sự hiểu biết rất nhỏ này: con đường đưa nhiều người đến nông trường này rất có thể đã khởi đầu từ một nơi gọi là Trường Phục hồi nhân phẩm hay Thanh niên xây dựng cuộc sống mới, người ta sẽ biết lặng im trước những quãng đời đã khép lại vĩnh viễn. Chỉ có những việc anh làm hôm nay nói về ngày mai. Bạn bè cùng hướng theo cái nhìn của anh chứ. Không ai nhìn mãi sau lưng đồng chí mình. Những cuộc đời khác nhau có thể có nhiều tình tiết éo le bi thảm, nhưng lược đi những râu ria ấy, sẽ còn lại cái phần đời cũ rất giống nhau của nhiều người; cuộc đời bị chà đạp xuống tận cùng đáy xã hội, hay bị hất ra rìa cuộc sống. Một câu hỏi vô tình có thể gợi những vết thương sâu thẳm. Nhưng nếu tự anh muốn san sẻ những bất hạnh của cuộc đời mình, anh cứ nói đi. Bạn bè sẽ lắng nghe trong cái im lặng tôn trọng và cảm thông sâu xa chỉ có giữa những người đã từng có chung một đoạn đường đã qua và sẽ cùng đi đến một đích. Anh cứ kể đi, điều đã làm anh thao thức đêm nay. Anh cứ nói đi, điều đã đốt lòng anh bên ánh lửa nghĩa tình này.
II
Dự đã nằm ngửa ra, tay đan chéo sau gáy, nhìn mắt anh sẽ tưởng anh đang lắng nghe câu chuyện của những vì sao. Phú đang hít một hơi thuốc dài rồi chuyển điếu thuốc còn một nửa cho Minh. Như tình cờ thôi, Huệ nhìn Vọng. Và cũng là tình cờ thôi, nhanh và sáng và đẹp như ánh sao băng, ánh mắt họ gặp nhau. Mắt Huệ lại vội tìm những vì sao. Vọng lại nhìn vào lửa.
- Không biết có gọi được đó là mối tình đầu của tôi chăng? Ngày ấy tôi hai mươi tuổi và cô gái ấy còn trẻ lắm, mười lăm hay mười sáu? Cô Thương. Thương từ miền quê đến hãng chế tạo đồ nhựa Vĩnh Thành xin việc. Bắt đầu, cô học việc với tôi. Bàn tay của người học việc lúng túng vụng về bên máy móc đã đành, chứ còn tay tôi? Và tim tôi: Sao mọi thứ bỗng lộn xộn hết sức. Tôi chưa hề bao giờ dám nhìn mặt Thương để thấy mặt mũi miệng cô thế nào. Khi đứng cạnh cô tôi chỉ cảm thấy một cái gì ấm áp như hơi thở phả nhẹ và đều vào da thịt trần trụi của tôi. Và khi không có Thương bên cạnh, tôi tin là cô ấy đẹp lắm và hình dung cô trong trí tưởng tượng như một nàng tiên. Đêm nào tôi cũng chiêm bao cưới Thương làm vợ, sinh con cái. Nhưng đó chỉ là chuyện chiêm bao. Ngày ấy tôi đang trốn lính, và hãng Vĩnh Thành là một nơi trốn lính. Cái hãng ấy có hai phần: phần trước là phần kê khai đầy đủ để đóng thuế với một ít máy móc và công nhân già và phụ nữ, sản xuất nút chai xì dầu, đồ chơi bằng nhựa cho trẻ em. Phần sau, phình ra như bụng cái bồ lô, với những thanh niên trốn quân dịch, ít nhiều liên hệ họ hàng với ông Vĩnh Thành, được ông "nuôi chứa" để làm công không cho ông, sản xuất bất cứ một thứ mặt hàng nhựa nào có mặt trên thị trường, từ rổ chậu, bô, gà mèn, chén, dĩa... Vì đám công nhân trẻ ấy ăn ở và làm luôn trong ấy, nên có thể làm việc từ mười bốn đến mười sáu giờ một ngày. Họ chỉ mặc độc quần xà lỏn. Vì xưởng kiến trúc như một cái nhà tù bít bùng nóng như địa ngục lửa. Họ làm việc như một bầy nô lệ mà vẫn phải mang ơn ông chủ, vì chỉ cần ông không ưa cái mặt thôi, ông sẽ thải anh ra đường cho quân cảnh thộp anh ném vào trại Quang Trung, Đồng Đế.
Tôi làm việc trong ấy tính đến lúc gặp Thương được hai năm. Da tôi trắng bệch vì bảy trăm ngày chưa hề thấy ánh mặt trời, và bủng phồng lên vì do dị ứng với hóa chất khi nấu cao-su. Nên chắc cô Thương không để ý gì đến tôi. Mà tôi thì nhát như con chuột sống lâu ngày dưới cống tối. Tôi chỉ say sưa với tình cảm mới chớm, rồi đau khổ vì tình ấy vô vọng. Tôi cứ ước mơ rồi tuyệt vọng. Cho đến một hôm bạn bè xúm lại nhạo báng và nói cho tôi biết là Thương đã thành vợ bé ông chủ. Tôi la lên, tôi không tin, sao tôi không biết? Mọi người cười, đợi mày biết thì đến bà chủ cũng biết rồi. Quả vậy, bà chủ đến. Bà gầy đét như con khô khoai, mặt chằm hoằm như mặt phù thủy. Nhưng bà lại dắt theo hai bà thuộc loại "bé bự", cả thân hình lẫn mặt mũi, điệu bộ, đều đạt tiêu chuẩn đô vật quốc tế. Ba người xồng xộc vô xưởng. Đâu, con đĩ nào giựt chồng bà đâu? Ra đây, bà lột quần cho thiên hạ coi... Khi tôi bỏ máy chạy ra thì Thương đang quằn quại dưới bốn cánh tay lực lượng của hai mụ đàn bà đánh ghen mướn, còn bà chủ, miệng chửi bằng những từ tục tĩu nhất, tay trái chống nạnh, tay phải cứ nhịp cho giọng chửi bằng từng cái bạt tai vào Thương. Người Thương không còn một mảnh vải che thân. Năm ấy cô mười sáu tuổi. Và trong xưởng có mười mấy thanh niên đang tuổi quân dịch. Không, mười mấy con chuột cống trắng phù. Họ xúm quanh coi. Đây là chuyện đánh ghen. Mà lại bà chủ đánh ghen. Lạy bà chủ, con đâu biết gì, ông chủ nói thương con như thương đứa con gái. Con coi ông bà chủ như cha mẹ mà. Tôi chạy đến kéo tay bà chủ ra. Bà quay phắt lại trợn mắt há hốc miệng nhìn tôi. A, thằng này bênh hả. Bà tiến tới trước mặt tôi. Mày biết cái phận của mày là gì không? Hả? Bộ mày đui không thấy ta là ai à? Tôi lùi lại, tôi lùi lại từ từ đến sát tường. Bà chủ giơ tay táng vào mặt tôi. Tôi không né, không đỡ, mà tự nhiên đầu gối nhũn ra, tôi khuỵu xuống. Chợt Thương kêu. Anh Vọng ơi. Tiếng một con giun bị xéo kêu cứu một con giun bị xéo khác. Những chuyện tất yếu lần lượt xảy ra sau đó. Quân trường. Chiến trường. Sáu tháng sau tôi trở lại hãng Vĩnh Thành trong bộ áo lính phanh ngực có xâm cái đầu lâu và hai chữ Hận Đời. Từ một sinh vật hạ đẳng là con giun tôi đã biến thành đồ vật vô tri là nòng súng thép. Bà chủ đứng đó. Kiếm con đĩ Thương hả? Vô nhà thổ á! Tôi đưa súng vào ngực bả. Một cái lẩy cò nhẹ thôi. Bà ấy xuống mồ, tôi văng ra lề cuộc sống, còn cuộc đời cứ khốn nạn diễn ra. Ngày Sài Gòn giải phóng tôi đã làm một tên ăn cướp chuyên nghiệp, có vũ khí, sống ngoài vòng pháp luật. Nhưng tôi bị bắt vì một tội rất nhẹ: trộm xe hon-đa. Cũng không có tòa án nào kêu án tôi. Chỉ có tình người kêu dậy chất người trong tôi những ngày lao động cải tạo sau đó. Đến giờ đã năm năm.
Một triệu năm trước đây ngôi sao nào đã phát ra ánh sáng đầu tiên, du hành trong vũ trụ, đến bây giờ mới tới hành tinh này, để đêm nay trên bầu trời mênh mông kia, một vì sao mới chào đời.
Dự ngồi đây nhìn quanh, trừ Vọng và Huệ đang ngồi đối diện qua đống lửa nhỏ ngọn, mọi người nằm dài trên đất im lặng như thể đã ngủ lâu rồi. Nhưng anh biết không ai ngủ cả. Những con mắt đang mở trao tráo nhìn trời. Vọng bỏ rơm từ từ vào đống lửa. Lửa lại cháy bùng lên. Huệ vẫn ngồi trong tư thế cũ, đặt một bên má lên cánh tay ôm vòng gối, nước mắt lặng lẽ chảy thấm qua kẽ ngón tay lạnh buốt. Có tiếng nấc rất nhỏ trong đêm mà nghe rất rõ. Vọng muốn chồm qua lửa đặt bàn tay lên vai người bạn gái. Đừng khóc cô Huệ. Có gì đâu mà cô khóc. Cuộc đời cũ của tôi gợi nhớ đến những mảng đời cũ của cô ư? Quên nó đi. Có những cái đã qua vẫn phải nhắc lại để hiểu giá trị cuộc sống hôm nay, và cũng vì cuộc sống hôm nay, phải quên đi nhiều thứ đã qua. Lau nước mắt mà nhìn ở phía trời kia, một ngôi sao mới lại xuất hiện nữa kìa.
Đêm càng khuya, sao càng nhiều, hương đêm càng man mác tỏa. Hương lúa chín thật đậm đà. Tiếng một người nào đó, của Tám, Minh, Phú hay người bạn nào, nói như giả bộ lên tiếng vậy.
- Chừng năm ngày nữa mình dọn sạch cánh đồng này nổi hôn ta?
Một người khác trả lời:
- Hồi chiều, ông Phan tính sơ sơ được hăm hai tạ một mẫu. Lúa sạ bằng máy bay, sạ đại trà trên hàng nghìn mẫu mà năng suất vậy coi như là trúng.
- Hồi xưa ở làng tôi, mỗi lần được mùa, gặt hái xong là bà con tính chuyện cưới vợ gả chồng.
- ờ, nông trường ta cũng nên phát huy truyền thống ông bà mình chớ!
Ai chưa yêu thì khẩn trương yêu đi, còn ai yêu rồi tính lẹ lẹ tới cho anh em nhờ. Lúa chín rồi. Phú mỉm cười nhìn đôi bạn. Bỗng nhiên anh thấy sự có mặt của mình vô duyên hết sức. Loay hoay chẳng biết làm sao, anh noi gương các bạn khác nằm dài ra.
- Thôi, tôi ngủ à.
Sau cặp kiếng mắt anh nhắm lại và anh bèn trôi lênh đênh trong biển lúa và sao. Bên tai anh mơ hồ có tiếng gió thủ thỉ chuyện đời xưa, đời nay, đời mới. Anh thì thầm nói: Cảm ơn. Vọng nghe thoáng hỏi lại.
- Anh nói gì?
Tôi nói cảm ơn. Cảm ơn Đô đê. Anh chưa đọc Đô đê bao giờ sao? Trong phòng đọc sách của nông trường có một quyển đó. Đọc Đô đê người ta biết ngắm những vì sao, biết trân trọng những ước mơ bình thường nhât. Trong tác phẩm của ông, các vì sao cứ bảy năm một lần lại cưới nhau đó.
Bảy năm ư? Lâu quá. Huệ ngẩng nhìn lên. Bầu trời mênh mông yên lặng.
"Thế rồi, hai vì sao yêu nhau, cưới nhau. Đám cưới rước qua bầu trời suốt đêm. Sao Cha Mẹ, sao Họ Hàng, sao Anh Em, sao Bạn Bè, sao Chòm Xóm, Láng Giềng đến. Mừng cưới, mỗi người mang theo theo một ngọn nến thắp sáng cả bầu trời yên tĩnh, bao la. Nhưng sáng hơn cả vẫn là sao Cô Dâu, Chú Rể..."
Ôi, những ước mơ bình thường có thời làm chảy những giọt nước mắt tủi hờn, tuyệt vọng.
- Cảm ơn.
Tiếng Vọng vang ra cánh đồng lúa rì rào. Huệ nhìn anh, hỏi nhỏ:
- Anh cảm ơn cái gì?
- Cảm ơn!
Vọng đứng dậy, giang tay ra như muốn ôm cuộc sống vào lòng.
Tôi không biết cụ thể cảm ơn cái gì? Tôi chưa đọc Đô đê. Tôi cảm ơn những ngôi sao, hay đồng lúa chín vàng hứa hẹn, hay bạn bè quanh mình, hay giây phút mình đang sống? Nhưng lòng tôi vẫn muốn nói vang đất trời rằng: Cảm ơn!
Tháng 6-11-1981

Xem Tiếp: ----