Ngày xưa có một bọn nghệ sĩ lãng tử nương náu trong một điền trang cổ kính xứ Vermland, tự xưng là những hiệp sĩ Ekebug, họ quay cuồng trong cuộc sống phóng túng giang hồ.
Một người trong bọn kỵ sĩ đó là chú thiếu niên Ruster biết soạn nhạc và thổi sáo. Vốn xuất thân dân dã, nghèo túng, không gia đình, không nhà cửa nên khi bọn Ekebug rã đám thì chú Ruster đã trải qua những ngày khốn khổ: không ngựa, không xe, không áo choàng lông thú và cũng không có cả đến cái thúng cho ra hồn để đựng những thứ vặt vãnh. Chú phải lê la từ nhà này tới nhà khác với một cái khăn kẻ ô xanh bọc mấy bộ quần áo sờn rách, áo choàng cài nút đến tận cổ để che giấu tình trạng thảm hại của gilê và sơmi.
Toàn bộ tài sản của chú được nhét tận đáy túi áo gồm: một cây sáo đã long ốc, một bầu rượu mạnh và một cây bút. Nếu như trước kia cái nghề chép nhạc của chú cũng không đến nỗi khó sống thì hỡi ơi, càng ngày người dân Vernland càng dửng dưng với những âm điệu du dương đẹp đẽ. Họ quẳng vào xó kho thóc những cây đàn ghita mà dây đeo đã bạc phếch và trục đàn đã rã rời, những cái kèn săn mà dây tua đã tước ra như xơ mướp, và bụi bậm phủ dày lên những chiếc vĩ cầm.
Khi mà sáo và bút của chú Ruster làm việc ít bao nhiêu thì cái ly rượu của chú lại bận bịu nhiều bấy nhiêu. Thế là chú trở thành một bợm nhậu. Cho dù có người còn tiếp đãi chú như một bạn cố tri, nhưng khi chú đến thì người ta buồn phiền, lúc chú ra đi lại khiến người ta nhẹ nhõm. Chú mang theo mình những mùi khó ngửi, mùi hôi của rượu và dù chỉ mới cạn ly grog(2) thứ hai mặt chú đã đờ đẫn, chú bắt đầu tuôn ra những chuyện tào lao vớ vẩn. Chú trở thành nỗi lo thường xuyên của những gia đình hiếu khách.
Vài ngày trước lễ Noel, khi mọi người đang bận bịu dọn dẹp chuẩn bị đón mừng ngày Giáng sinh, chú Ruser tìm đến Lofdala, nơi có gia đình của Liliécroma, một người chơi vĩ cầm nổi tiếng, để xin chép nhạc. Trước kia Liliécroma cũng là một trong những người tha thiết nhất với cuộc sống náo nhiệt của các hiệp sĩ Ekebug. Nhưng rồi ông quay về với gia đình và không hoạt động gì nữa.
Bà Liliécroma khẽ bảo chồng: “Tốt nhất là anh hãy bảo chú ấy đi đi; chú ấy sẽ kéo dài công việc và chúng ta lại buộc phải giữ chú ấy ở lại trong dịp lễ Noel”.
“Thì chú ấy cũng phải có một chỗ để ở chứ!...” - ông Liliécroma đáp. Rồi ông mời Ruster uống grog, trò chuyện với chú và sống lại với chú những ngày giang hồ. Trong thâm tâm ông cũng thấy khó xử về sự có mặt của Ruster mà ông không muốn nói ra, bởi những kỷ niệm về một tình bạn cố tri và bổn phận chủ nhà đối với ông đều thiêng liêng như nhau.
Từ ba tuần nay, gia đình ông Liliécroma nhộn nhịp, náo nức chuẩn bị tổ chức lễ Giáng sinh; ai nấy đều mệt lả, mắt đỏ lừ vì nặn nến lễ, gây hèm bia trong nhà giặt, mổ và băm thịt gia súc trong nhà kho. Những gia nhân và cả bà chủ nhà làm việc rất căng nhưng không một lời than thở, vì họ hiểu rằng khi mọi việc xong xuôi và đêm thiêng liêng tới, niềm hân hoan êm dịu sẽ đến với họ. Thế là những lời bông đùa, những câu chuyện vui bỗng bật ra trên môi họ, lay động những đôi chân sẽ mọc cánh trong những buổi khiêu vũ; những bài ca cũ cùng những điệu múa xưa tưởng đã quên lãng bỗng vọt ra từ cõi thẳm sâu của ký ức họ. Ai nấy đều cảm thấy mọi sự thật tốt đẹp.
Thế mà bỗng dưng chú Ruster mò đến khiến bà chủ và những cô hầu gái cùng bọn trẻ cho rằng ngày lễ Noel của họ đã bị phá hỏng. Tâm hồn trĩu nặng, họ lo sợ những kỷ niệm xưa trỗi dậy sẽ khuấy động tâm hồn du tử của ông Liliécroma, người vốn đã không bao giờ ở lâu được giữa những người thân thiết. Từ hai năm nay ông Liliécroma được vỗ về chiều chuộng, nên gia đình ông đã có được niềm hạnh phúc giữ chân ông trong nhà. Ông là linh hồn của cả nhà, nhất là trong đêm Noel, khi ông ngồi kề bên bếp lửa hồng trên một cái ghế lớn, nước gỗ bóng loáng vì năm tháng, lúc là người kể chuyện, khi khác lại là nhạc sĩ. Trước sự chăm chú và hân hoan của cả gia đình, ông sẽ kể lại những cuộc phiêu lưu trên lưng ngựa đi khắp thế gian, lao cả tới những vì tinh tú. Và cuộc đời thật là cao cả, đẹp đẽ, phong phú trong sự tỏa sáng của riêng tâm hồn ông.
Bởi thế người ta đã yêu ông như yêu lễ Noel, như yêu mặt trời và mùa xuân. Vậy mà chú Ruster đã đến, và thế là sẽ hỏng mất cả ngày vui. Công việc của họ sẽ chẳng có ích gì cả nếu tâm hồn chủ nhân đã rời xa tổ ấm. Mà làm sao thản nhiên cho được khi thấy một bợm nhậu ngồi giữa bàn tiệc Giáng sinh trong một gia đình lương thiện và sùng tín.
Chiều hôm trước Noel, sau khi chép nhạc xong, chú Ruster mơ hồ nói chú sắp lên đường, dẫu trong thâm tâm chú mong muốn được ở lại. Thấy cả nhà hậm hực, ông Liliécroma cũng với những lời lẽ mơ hồ không kém, nói rằng tốt nhất là chú Ruster ở đâu thì nên ở yên đó trong dịp lễ Giáng sinh này. Nhưng chú Ruster, khái tính lẫn e dè, hất râu và lúc lắc mớ tóc như đám mây đen ở trên đầu:
- Ông nói thế là có ý gì? Hay ông cho rằng Ruster này chỉ làm vướng cẳng mọi người? Ông có biết chăng những lò rèn trong vùng đều mong ngóng, chờ đợi Ruster này. Ruster có đủ việc làm, được nhiều người đã mời mọc đến nỗi không biết nên đến nhà ai trước.
- Thế thì tốt... Tôi sẽ không giữ chú nữa...
Sau bữa ăn sáng, chú Ruster mượn khăn choàng và áo lông, rồi người ta đóng ngựa vào xe, căn dặn gã đánh xe chở chú Ruster phải quất ngựa cho nhanh kẻo sắp có bão tuyết. Không ai có thể nghiêm túc nghĩ rằng chú Ruster sẽ được tiếp đón thân tình dưới bất cứ một mái ấm nào, nhưng mọi người đều gạt đi ý nghĩ đáng buồn đó bởi ai cũng mong thoát khỏi cảnh chú có mặt trong nhà. Họ bảo nhau: “Chú ấy ra đi vì chú ấy muốn thế cơ mà... Còn bây giờ thì hãy vui lên nào!...”.
Nhưng đến khoảng 5 giờ chiều, khi mọi người quây quần khiêu vũ quanh cây thông Noel thì ông Liliécroma lại lầm lì, im lặng; ông không ngồi trên cái ghế đẩu tuyệt vời mọi khi mà cũng chẳng động đến bát rượu Punch(3) nữa. Không một điệu khiêu vũ nào trở lại với ký ức của ông và cây vĩ cầm của ông cũng im hơi lặng tiếng. Người ta đành khiêu vũ và ca hát mà thiếu ông. Vợ ông băn khoăn, những đứa trẻ thì phụng phịu, mọi việc đều chệch choạc; thật là một Giáng sinh hoàn toàn hụt hẫng. Cơm dính chặt vào đáy soong(4), nến không sáng mà lại nổ lép bép lọp bọp, củi đun thì mù mịt khói trong khi những luồng gió lạnh hun hút thổi vào phòng. Người đánh xe đưa Ruster đi vẫn chưa trở về. Chị bếp sụt sịt khóc và những người hầu gái gây gổ với nhau.
Thấy đám người làm không để bó lúa ra sân cho chim ăn, ông Liliécroma chua chát trách móc đám đàn bà con trẻ trong nhà nhẫn tâm, quên hết cả phong tục cổ truyền. Nhưng cả nhà biết rằng không phải ông nghĩ đến những con chim, mà chính là ông nghĩ đến chú Ruster và đang ân hận đã để chú bỏ đi vào đúng buổi chuẩn bị đêm Noel. Rồi ông vào buồng đóng cửa lại, và người ta lại nghe thấy tiếng vĩ cầm của ông rung lên những âm điệu kỳ quặc như trước kia; mỗi khi thấy không khí gia đình quá tù túng cây vĩ cầm đó cũng rung lên những âm điệu khiêu khích, giễu cợt và thấm đẫm nỗi u hoài dông bão.
Vợ ông tự nói thầm: “Ngày mai ông ấy lại sẽ ra đi nếu Chúa không tạo ra được phép lạ đêm nay. Chính lòng không hiếu khách của mình đã gây nên nỗi buồn đau mà mình muốn tránh”.
Trong khi đó chú Ruster lao đi dưới trời dông bão. Chú đi từ nhà này đến nhà khác để xin việc nhưng không nơi nào nhận chú. Kẻ này thì nhà đầy khách khứa, người khác thì đi dự lễ Noel ở nhà bạn bè. Người ta có thể bấm bụng tiếp đãi chú một đôi ngày vào những lúc bình thường, nhưng trước lễ Giáng sinh thì không thể được.
Thế nên chú Ruster lại lên đường, tuyết rơi tới tấp quất lên người chú. Bộ râu đẫm ướt của chú buồn thảm rũ xuống, đôi mắt vằn những tia máu chẳng còn nhìn thấy gì nữa; dần dần làn sương của những ly rượu mạnh cũng tan đi, chú bắt đầu ngạc nhiên và tự hỏi: Vì sao cơ sự lại đến như thế này? Lẽ nào không ai muốn tiếp chú? Để rồi chú chợt nhận rõ con người thật của mình: một gã sa đọa, kiệt quệ, một kẻ khốn kiếp chỉ được mọi người tiếp đãi một cách miễn cưỡng: “Thế là toi đời mi rồi!... Không nhạc để chép, không sáo để ngân nga, chẳng còn ai cần và chẳng ai buồn xót thương thằng Ruster này nữa rồi”.
Những cơn gió mạnh cơn nọ tiếp cơn kia hất tung những cột tuyết lên và xô chúng đến giữa đồng trong một vũ điệu cuồng loạn. Rồi gió ào qua, tuyết múa may bay lượn rồi rơi xuống lấp đầy mương rãnh. Chú Ruster tự nhủ: “Đời là thế đấy! Người ta nhảy múa và nhảy múa xong là ngã gục. Người ta chẳng khác gì một bông tuyết khốn khổ bị đè dưới vô vàn những bông tuyết khác. Tới lúc đó, người ta chỉ còn có than van và nước mắt. Bây giờ đến lượt mi rồi đó!”.
Chú chẳng cần biết người đánh xe dẫn chú đến đâu, có thể là hắn sẽ dẫn chú đi vào cõi chết. Chú Ruster không nguyền rủa cây sáo, cũng chẳng nguyền rủa những tháng ngày phóng dật vui nhộn đã qua. Chú cũng chẳng hối phải chi sống với nghề cày ruộng hoặc sửa giày dép thì tốt hơn, chú chỉ tiếc rằng từ nay chú chỉ là một nhạc cụ phế thải chẳng còn phát ra được những âm thanh của niềm vui. Khi cây kèn đã rạn nứt, cây ghita đã vỡ thì người ta quẳng chúng đi. Chú thật nhỏ nhoi, vô cùng cô độc, rất vô dụng và tuyệt vọng; đói và rét sẽ giết chú vào những giây phút trước lễ Giáng sinh.
o0o
Chiếc xe trượt tuyết chợt dừng lại, chú Ruster thấy quanh chú ánh đèn sáng rực cùng những giọng nói dịu êm. Và người ta dìu chú vào một căn phòng ấm áp, mời chú uống nước trà nóng, đồng thời cởi áo choàng cho chú rồi những bàn tay ấm nóng chà sát những ngón tay tê cóng của chú với những lời cầu chúc bình yên rì rào bên tai chú. Chú vô cùng ngỡ ngàng và phải mất hơn một khắc sau mới nhận ra là mình đang ở nhà ông Liliécroma. Ruster không hiểu được về sự tiếp đón nồng nhiệt dành cho chú, mà cũng chẳng băn khoăn khi thấy bà chủ nhà đang xúc động vì thương cảm trước chuyến đi buồn thảm vừa qua của chú nên đã quên hết những âu lo của riêng bà.
Ông Liliécroma vẫn cứ giam mình trong phòng riêng, không hay biết gì về sự trở lại của chú Ruster, vẫn tiếp tục chơi vĩ cầm những điệu nhạc điên rồ và hoang dại. Chú Ruster ngồi với bọn trẻ; còn đám gia nhân đã lẩn xuống bếp để tránh nỗi buồn đang giày vò chủ nhân họ. Bà Liliécroma đến gần chú Ruster nói: “Ông nhà tôi sẽ chơi đàn đến tối, còn tôi phải lo chuẩn bị bữa cơm chiều nên chẳng có ai trông nom bọn trẻ cả. Vậy chú làm ơn coi hai đứa nhỏ nhất giùm tôi nhé...”.
Trẻ con là giới mà chú Ruster chưa hề quen tiếp xúc; chẳng bao giờ gặp chúng dưới những cái lều, trong những quán trọ cũng như trong những buổi nhậu nhẹt bê tha, hoặc trên những chặng đường phiêu bạt. Chú cảm thấy rụt rè trước bọn chúng, chẳng biết nói gì với chúng cả. Chú rút cây sáo ra và để chúng nghịch vỗ vào những lỗ sáo. Đứa nhỏ mới bốn tuổi và đứa lớn sáu tuổi quá ư vui thích về bài học thổi sáo đầu tiên. “Đây là nốt đô và đây là rê”. Lấy một tờ giấy, chú viết những nốt nhạc cho chúng xem. Bọn nhỏ kêu lên: “Không, không phải thế! Ai lại viết chữ đô như thế”. Rồi chúng chạy đi tìm quyển sách tập đánh vần.
Chú Ruster hỏi hai đứa trẻ về những chữ cái, có chữ chúng nhớ nhưng cũng có chữ chúng quên. Thế là chú Ruster đặt chúng lên đùi chú và dạy chúng học. Bà chủ đi đi lại lại từ nhà bếp lên phòng ăn, ngạc nhiên lắng nghe. Bọn nhỏ cười vui và ngoan ngoãn nhắc lại những chữ cái a, b, c... Vậy mà sự tập trung của chú Ruster giảm dần, niềm vui cũng tàn lụi và những ý tưởng dằn vặt chú trong cơn bão bỗng trở lại. Đúng thật là tốt lành và êm ái, nhưng sẽ chẳng bền lâu được. Chú đâu đã thoát khỏi cảnh khổ nhục đau buồn. Đột ngột, chú bưng mặt khóc nức nở. Bà Liliécroma vội đến bên chú, khẽ bảo:
- Chị rất hiểu chú, chú Ruster à. Chú cho rằng chú không có việc gì làm chứ gì? Âm nhạc không nuôi nổi chú mà rượu mạnh lại hủy hoại đời chú. Nhưng tất cả đâu đã là tuyệt vọng...
Chàng trai thổi sáo vẫn nức nở:
- Hết, hết cả rồi!...
- Chú nghĩ xem: dạy bọn nhỏ học đọc học viết, ngồi bên chúng như chiều nay thế không phải là công việc à? Mà bất cứ ai làm cái công việc đó thì ở đâu mà chẳng được tiếp đón. Chẳng lẽ những đứa trẻ lại kém cạnh hơn những cây sáo, những cây vĩ cầm hay sao? Hãy nhìn bọn trẻ mà xem, chú Ruster...
- Tôi không dám đâu... - chú Ruster thì thầm mà lòng chú đau đớn vô cùng khi ngắm nhìn những tâm hồn trong trắng qua những đôi mắt xinh đẹp của chúng.
- Rồi chú sẽ quen thôi, chú Ruster ạ. Năm nay chú sẽ ở lại đây với chúng tôi với tư cách là một thầy giáo - bà Liliécroma cười vang.
Nghe tiếng cười, ông Liliécroma bước ra khỏi phòng:
- Chuyện gì vui thế?...
- Có gì đâu, chú Ruster đã quay lại và em đang nhờ chú dạy lũ trẻ học đọc, học viết.
- Em bảo chú ấy thế à? Em bảo chú ấy thế à?... Nhưng chú ấy có nhận lời không?
- Chú ấy chưa hứa hẹn gì cả nhưng chú ấy sẽ tránh được bao điều không tốt khi hằng ngày được tiếp xúc với những đôi mắt trẻ thơ. Nếu không phải là ngày Noel có lẽ em đã ngần ngại khi mời chú. Nhưng khi Chúa lòng lành chẳng ngần ngại trao đứa con bé bỏng của Người đến với những kẻ nhiều tội lỗi chúng ta thì em nghĩ rằng em có thể đem đến cho các con chúng ta cơ hội để cứu vớt một linh hồn.
Ông Liliécroma không nói nên lời, nhưng những nếp nhăn trên trán ông giãn ra và rung rung. Ông cúi xuống cầm tay vợ và hôn nhẹ. Rồi ông gọi: “Các con, tất cả hãy lại đây hôn mẹ các con đi!”.
Có một Noel thật vui vẻ trong gia đình ông bà Liliécroma.
Selma Lagerlof (Thụy Điển)
---
(1) Soga: Một loại truyện dân gian xuất hiện khoảng thế kỷ 12-14 ở các nước vùng Bắc Âu được phổ biến theo dạng truyền khẩu từ đời này sang đời kia, diễn tả sự thăng trầm của một dòng họ, hành tung và cách cư xử khác thường của một nhân vật (tương tự truyện Trạng Quỳnh, truyện Bác Ba Phi ở VN).
(2) Grog: Loại nước uống gồm rượu mạnh hoặc rượu rum pha với chanh và nước đường nóng.
(3) Punch: nước giải khát gồm rượu rum hòa với nước trái cây và sirô mía.
(4) Trong bản Pháp văn: le riz s’ attachait au fond des casseroles (cơm dính chặt vào đáy chảo).

Xem Tiếp: ----