CAO XUÂN TỨ dịch
Phần I

Chẳng mấy khi tôi quá bận tâm về bản thân, nhưng không có nghĩa điều này ngăn tôi suy ngẫm về mình mỗi khi nổi hứng, thực là đáng tiếc. Và quả vậy, sáng nay tôi có đôi điều ngẫm nghĩ. Một kẻ nào khác có thể băn khoăn về lẽ sống chết, nhưng những từ to tát như thế ít khi thoát ra từ miệng tôi, ngay cả lúc tôi chỉ có một mình. Cũng như lúc ấy.
Tôi thức dậy với cảm giác buồn cười là có lẽ tôi chết, nhưng mà mình có thật chết hay không, hoặc chết hẳn rồi, hoặc vẫn chưa chết, lúc ấy tôi không thể nào dám chắc. Tôi hằng nghe ai nói cái chết chẳng ra gì cả, và tôi cũng thừa hiểu rằng một khi chết, mọi khả năng suy tư sẽ không còn nữa. Thế thì không đúng rồi, bởi vì tôi vẫn còn đây trầm ngâm với tư duy, với ký ức. Tôi vẫn còn đầy đủ khả năng đi đứng, nhìn ngó, ăn uống (trên lưỡi tôi còn đọng vị ngọt mảnh bánh sữa pha mật ong người Bồ Đào Nha thường dùng điểm tâm). Tôi lại có thể dùng tiền mặt. Đây là bằng chứng hiển nhiên nhất. Thức dậy trong một căn phòng chưa ngủ qua đêm, ví tiền như thường lệ nằm trên chiếc ghế cạnh bên. Tôi cũng biết mình đang ở xứ Bồ Đào Nha, dù rằng đêm trước tôi đã ngủ ở Amsterdam, nhưng tìm thấy trong túi mớ tiền Bồ này là chuyện không ngờ.
Tôi có thể nhận ra căn phòng tức khắc. Chính ở đấy tôi đã trải qua một thời khó quên trong đời, nếu đời tôi quả thực có gì đáng nhớ. Tôi lại lẩm cẩm rồi. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nhà giáo, tôi thường phải lặp đi lặp lại ít ra hai bận, với hy vọng lập lại phần nào trật tự ở cái chốn hỗn mang ấy. Vì thế tôi cần trở lại giờ giấc đầu tiên buổi sáng, giây phút tôi vừa mở mắt ra. Thế thì cặp mắt của tôi vẫn còn đây. Ai đó từng nói: "Ta sẽ cảm nhận ngọn gió lùa qua những khe cửa ngôi nhà nhân quả". Và sáng nay quanh tôi đầy ắp gió lùa, dù rằng khi mở mắt vật đầu tiên hiện ra là cái trần nhà với những xà gỗ chắc nịch song hàng; một cấu trúc chính xác, thực dụng dễ gợi cái yên tĩnh, sự an toàn, rất cần thiết cho con người dù có thăng bằng đến đâu mỗi khi trở về từ cõi bờ thâm u của giấc ngủ. Có gì thực dụng hơn những chiếc xà chắc nịch giữ vững cho tầng lầu phía trên, có gì chính xác hơn khoảng cách đều đặn giữa những chiếc xà. Đáng ra tôi yên tâm mới phải, nhưng nào có được đâu. Trước hết, những chiếc xà này không thuộc về ngôi nhà của tôi, và thứ hai, từ tầng trên dội xuống tai tôi những tiếng động cực kỳ khó chịu, tiếng động khi người ta làm tình. Chỉ có thể hoặc căn phòng này không thuộc về tôi, hoặc tôi hiện không có mặt ở đây, và trong trường hợp ấy cả hai mắt và hai tai này cũng không thuộc về tôi, bởi vì mấy cái xà này không những bé hơn xà nơi phòng ngủ nhà tôi ở đường Keizersgracht, mà nhất là tầng trên phòng ngủ nhà tôi tại Amsterdam không có ai ở đấy để có thể quấy tôi với cơn làm tình mắt tôi không nhìn thấy. Tôi nằm thật yên, dù chỉ để làm quen với ý tưởng con mắt tôi có lẽ không còn là mắt tôi, một cách nói vòng vèo thay vì nói tôi nằm im như chết, bởi vì tôi quá hãi tôi là một kẻ nào khác. Đây là lần đầu tiên tôi kể chuyện này, cũng chẳng đơn giản gì cho cam. Tôi không dám cử động, bởi vì nếu tôi là ai khác, tôi không biết phải cựa quậy như thế nào. Sự thể là vậy. Cặp mắt tôi - cứ tạm gọi tiếp như thế - quan sát những xà nhà không phải xà nhà tôi, và tai tôi, hoặc tai của kẻ nào khác, đang nghe cơn bão làm tình từ tầng lầu trên đổ xuống, chen với tiếng còi xe cứu thương rền lên ngoài kia, không hẳn là những tiếng quen thuộc của thành phố Lisbon này. Tôi đưa tay sờ đôi mắt và nhận ra chúng đang nhắm lại. Bạn không thể nào sờ mó con mắt của bạn. Trước tiên bạn phải khép chúng lại, cái khó là bạn không thể nhìn thấy ngón tay bạn sờ lên con mắt phủ kín. Tôi có cảm giác chúng giống những khối cầu. Nếu bạo tay, có thể mân mó chút xíu. Tôi lấy làm hổ thẹn thú nhận rằng sau từng ấy năm sống trên trái đất này, tôi chẳng biết con mắt có những bộ phận gì. Nào giác mô, võng mạc, tròng đen, đồng tử - trở thành hoa và học sinh trong trò chơi ô chữ, điều này tôi biết. Nhưng cái chất liệu thực, khối thạch đông, khối gê-la-tin như thủy tinh ấy thường gây cho tôi cảm giác bất an. Mỗi lần tôi dùng chữ "khối thạch" tôi bị chúng nó cười ầm lên, nhưng có hề gì. Trong vở King Lear, ông quận công Cornwall khi móc mắt ông bá tước Gloucester đã thét lên: "Hãy ra đây, cái thứ nhầy nhụa bẩn thỉu kia!" và chắc tôi cũng nghĩ như thế khi tôi mân mó những quả cầu không có thị giác ấy, cặp mắt của tôi hay con mắt của ai.
Tôi cứ nằm như thế hồi lâu, và cố nhớ lại đêm qua. Làm gì có chuyện động trời vào những buổi tối của một kẻ độc thân như tôi. Họa hoằn lắm mới thấy cảnh một con chó ngoặm lấy đuôi mình. Cơn cuồng phong đầy hơi chó đột nhiên dấy lên, và sau khi cơn bão đi qua chó đâu lại hiện nguyên hình chó. Trống rỗng là cái bạn bắt gặp trong những con mắt chó kia, và trống rỗng là điều tôi cảm nhận trên chiếc giường lạ hoắc này. Bởi vì giả thử tôi không là tôi, là một kẻ nào khác (nếu nói không là ai cả e bị cho là nói ngoa) tôi phải nghĩ rằng ký ức của hắn là của tôi, và rốt cuộc mọi người chấp nhận ký ức hắn là "ký ức tôi". Tôi vốn có khả năng tự kiềm chế, nếu không, hỡi ôi, có lẽ tôi đã hét lên rồi, và kẻ kia, dù hắn là ai, cũng đủ bản lĩnh để tự kiềm chế và nằm im thin thít. Tóm lại, gã nào nằm đó quyết không để tư duy vớ vẩn của hắn hay của tôi quyến rũ mà chú tâm quay về với hồi tưởng, và bởi vì hắn, hoặc một kẻ nào khác, tự gọi mình là "tôi" trong căn phòng ấy ở Lisbon, căn phòng mà tôi nhận ra chính xác như đinh đóng cột, và tôi nhớ rồi: buổi tối của anh chàng độc thân ở Amsterdam phải tự lo cơm nước, cũng dễ thôi, chỉ việc mở một lon đậu trắng là xong. Một cô bạn cũ có lần bảo tôi: "Tốt nhất là cứ ăn nguội như thế". Cái khẩu vị thực là bất hủ! Bây giờ đến lúc cần nói ít nhiều về tôi: là ai, làm gì; nhưng hãy khoan. Chung chung thì tôi chuyên ngành văn học cổ điển, một thời từng là nhà giáo dạy cổ ngữ, hay nói theo kiểu đám học trò của tôi, lão giáo già dạy thứ tiếng chết. Hồi đó tuổi tôi chừng ba mươi. Căn hộ tôi đầy ứ sách và chúng tôi chung sống hòa bình với nhau. Khung cảnh thì vậy, còn dáng dấp người hôm qua - tôi - là một gã nhỏ thó, mớ tóc hung đã nhuốm muối tiêu, sớm chiều sẽ bạc trắng nếu được dịp. Người ta bảo tôi có phong thái một tay học giả người Anh sống ẩn dật vào thế kỷ trước. Vâng, tôi sống trên một cái đi văng kiểu Chesterfield cũ mèm được phủ bằng tấm thảm Ba Tư, bởi vì tôi không muốn ai thấy ruột gan nó lòi cả ra ngoài. Và tôi đọc sách dưới bóng chụp cây đèn đặt cạnh cửa sổ. Tôi đọc sách liên miên. Những người láng giềng trước mặt nhà tôi bên kia con kênh có lần bảo tôi: họ rất hân hoan mỗi lần tôi trở về Hà Lan, bởi vì họ coi tôi như một thứ hải đăng. Bà vợ tâm sự đã có lần nhìn trộm tôi qua ống nhòm. "Cứ mỗi giờ sau tôi lại thấy ông ngồi một chỗ như thế, tôi tưởng ông chết rồi". "Cái mà bà gọi là chết đấy, thực ra là sự tập trung tư tưởng", tôi trả lời, tự hào biết mình khá cừ khôi trong việc cắt ngang những cuộc đối thoại vô bổ. Nhưng bà ta lại tò mò muốn biết tôi đọc những gì. Còn gì tuyệt vời hơn, bởi vì chúng tôi đang trò chuyện trong quán De Kleppel, và tôi thường nói khá to, có người còn bảo giọng tôi nghe có vẻ hung hăng. "Thưa bà, hôm qua tôi đọc cuốn Karakters của Theofrastos, và sau đó làm thêm mấy trang trong cuốn Dionysiaca của Nonnos." Nói năng bốp chát kiểu này có hiệu quả ngay, cả quán trở nên yên lặng, và thế là không ai phiền hà tôi gì nữa.
Bây giờ trở lại một buổi tối khác. Tôi thất thểu về nhà sau khi đã cạn năm cốc rượu jenever. Tôi khui luôn ba lon đồ hộp: thịt rùa giả nhãn hiệu Campbell, đậu trắng dầm sốt cà chua nhãn hiệu Heinz, xúc xích cũng Heinz. Cảm giác lúc cái khui đâm thủng lon, một tiếng xì khẽ thoát ra từ lỗ thủng, cái mũi đã có thể ngửi được mùi thức ăn bên trong, động tác lưỡi dao cứa quanh mép lon và âm thanh phát ra thực không bút nào tả xiết. Đó là một trong những kinh nghiệm cực kỳ gợi tình đối với tôi, mà trong trường hợp tôi chẳng nhiều gì cho cam. Tôi ngồi ăn trên chiếc ghế đặt cạnh bàn trong bếp, đối diện tấm phiên bản diễn lại một cảnh trên cái đĩa do Prithinos vẽ vào thế kỷ thứ sáu trước Thiên Chúa (Ông này dám cả gan nhận bừa những thế kỷ trước đó về cho mình). Bức hình diễn lại trận đô vật giữa Peleus và Thetis. Nereide Thetis là nhân vật tôi rất trân trọng bởi vì bà ta là mẹ của Achilles; ngoài ra bà còn là hậu duệ của thần thánh, không chịu lấy một kẻ phàm tục như gã Peleus. Thật chí lý. Nếu đã thuộc hạng bất tử, bà chịu nổi thế nào được cái mùi hôi hám ở bọn người trần mắt thịt. Bà cố làm mọi cách để trốn cái chết, liên tục hoán chuyển thành lửa, nước, sư tử, rắn. Điểm khác nhau giữa thần và người là thần có khả năng tự biến hóa, người chỉ được biến hóa mà thôi. Tôi rất yêu cái đĩa này: hai người đô vật tránh nhìn thẳng vào mặt nhau, ở mỗi người ta chỉ còn thấy được một con mắt, như cái hố nằm ngang chẳng định hướng vào đâu. Con sư tử dữ dằn đứng bên cạnh bàn tay Thetis, bàn tay bà dài thòng một cách kỳ cục, con rắn quấn lấy chân lão Peleus. Tất cả đều như khựng lại, sững sờ. Một cuộc đấu võ lặng tờ như chết. Tôi vừa ăn vừa ngắm như thế hồi lâu, bởi vì tôi tự cấm mình đọc sách trong khi ăn. Và tôi khoái những lúc như thế, dù nói ra chẳng ai tin cho. Mèo chỉ ăn ngần ấy thứ mỗi ngày, sư tử trong vườn thú cũng thế thôi. Chúng có càu nhàu gì đâu. Cứ rưới mù tạc chua lên đậu, mù tạc thường lên xúc xích, và trong khi lẩm bẩm một mình, tự dưng tôi nhớ tên mình là Mussert. Herman Mussert. Chẳng hay ho gì nếu bạn trùng tên với một kẻ phản bội đã hợp tác với địch, cái tên Mù tạc nghe có vẻ lọt tai hơn, nhưng biết làm thế nào. Nhưng giọng nói tôi khá to, đủ để át đi những cái cười khẩy nếu cần. Sau bữa ăn, tôi đi rửa bát. Xong, tôi bê tách Nescafé đến ngồi nơi ghế bành. Bật đèn lên, hàng xóm lại có thể tìm về ngọn hải đăng quen thuộc. Tôi khởi sự đọc vài đoạn văn Tacitus để giải hậu quả của mấy cốc rượu lúc nãy. Cũng dễ thôi, dù có lỡ nốc thuốc độc vào cũng trị khỏi. Thứ chữ nghĩa bóng láng như đá hoa thế này có khả năng đẩy lui mọi khí độc. Sau đó tôi đọc thêm về đảo Java, bởi vì từ ngày mất việc, tôi khởi sự viết loại sách chỉ dẫn du lịch, một công việc nhàm chán nhưng ít đòi hỏi trí tuệ, chủ yếu để kiếm cơm, nhưng dù sao còn đỡ tồi tệ hơn những kẻ gọi là nhà văn du ký cứ phải trét mỏng cái linh hồn quý báu của mình trên khắp thế giới, hòng lòe bịp tầng lớp độc giả trung lưu. Rồi tôi nhặt tờ NRC, báo ra buổi chiều. Tiết mục đáng bõ công cắt ra và đem vào giường đọc chỉ có mỗi một bức hình. Phần còn lại là chính trị xứ Hà Lan, nhưng muốn theo dõi mục này bạn phải khổ công nhào nặn đầu óc trước đã. À, còn bài viết về nạn thâm thụt ngân sách, chẳng lạ gì với tôi bởi vì tôi cũng là một kẻ trong cuộc. Một bài khác về nạn tham nhũng ở thế giới thứ ba, nhưng đề tài này tôi đã đọc khá nhiều ở Tacitus, bạn cứ mở quyển II bộ Sử ký mà xem. Chương 86 về Antonius Primus, bị kết tội làm phản dưới triều Nêrô. Thời này không ai còn khả năng viết để tự cứu mạng. Viết lách thì tôi thuộc loại xoàng, mà tôi cóc cần, bởi vì cứ một trong bốn người Hà Lan đều có trong nhà một cuốn chỉ nam du lịch của tiến sĩ Strabo (nhà xuất bản không chịu để tôi lấy tên thật làm bút hiệu). "Sau khi rời khu vườn tươi mát ở ngôi đền Saihoji, chúng tôi trở về điểm xuất phát...". Đại khái là thế, cứ đánh cắp kẻ khác, cũng như mọi cuốn sách chỉ dẫn du lịch, loại sách dạy nấu ăn... Tôi viết để kiếm cơm, nhưng năm tới là hết lo vì tôi đến tuổi hưởng hưu bổng, và tôi sẽ tiếp tục dịch Ovid. "Và Achilles, một thời to khỏe như thế mà nay chỉ còn nắm xương tàn...", tối hôm qua tôi dịch đến đấy, Biến hóa (Metamorfosen), quyển 12, nếu bạn muốn biết chính xác, - rồi ríu mắt ngủ luôn. Vận luật không ăn khớp vào đâu, chẳng đạt tí nào, tôi biết vậy, bởi vì làm sao tôi có thể diễn nổi cái đơn giản tuyệt vời như thế này: et de tam magno restat Achille nescio quid parvum, qod non bene compleat urnam, vừa vặn chứa đầy cái thạp đựng cốt. Sẽ không bao giờ có một ngôn ngữ thứ hai sánh kịp với tiếng Latinh, kết hợp được sự chính xác, cái đẹp và cách diễn tả hoàn hảo như thế. Ngôn ngữ chúng ta thì quá thừa mứa từ và từ, cứ xem các ấn bản song ngữ thì biết: trang bên trái chọn lọc từng câu chữ cân nhắc, cấu trúc gọn gàng, trong khi trang bên phải kín mít, chữ ôi là chữ, chấm câu lung tung, xếp sắp ngổn ngang. Tôi sẽ không cho ai xem bản dịch của tôi. Nếu chết đi và được chôn, tôi sẽ đem nó theo xuống mồ. Tôi không muốn bị xếp chung với những tay chơi gian xoàng khác. Tôi cởi áo quần lên giường, mang theo bức hình cắt từ tờ NRC, nằm nghĩ vẩn vơ. Cái hình này không do ai làm ra, mà do một vật, vâng, một phi thuyền không gian mang tên Lữ hành gia (Voyager) chụp cách trái đất 6 tỉ cây số. Tôi ít khi bị phân tâm vì những chuyện như thế này, nỗi sợ hãi của tôi không gia tăng mỗi khi cảm thấy thân thế mình sao quá nhỏ nhoi. Nhưng tôi có quan hệ mật thiết với Lữ hành gia, bởi vì tôi có cảm giác hai chúng tôi đã từng du hành với nhau. Nếu muốn, bạn có thể tìm lại nó trong cuốn Chỉ nam du lịch Bắc Mỹ của tiến sĩ Strabo, dĩ nhiên tôi đã cẩn thận không ghi ở đó cảm xúc giả tạo của tôi hôm ấy. Tôi đến thăm viện Smithsonian ở Washington vì ông chủ nhà xuất bản có dặn dò đó là nơi bọn trẻ thích đến. Cứ nghe chữ "bọn trẻ" là tôi nổi khùng, nhưng tôi vốn là kẻ chịu vâng lời. Tôi chẳng mấy thiết tha về kỹ thuật, vì theo tôi đó chẳng qua là sự bành trướng không ngừng của khả năng vật lý với hậu quả khôn lường. Ta chỉ có thể hứng khởi về kỹ thuật nếu thân thể ta được làm bằng tí nhôm tí nhựa, và nếu ta không còn tin vào sự hiện hữu của ý chí. Nhưng phải công nhận một vài cái máy ở đây có nét đẹp độc đáo của chúng, cho dù tôi không bao giờ chịu công khai thừa nhận điều này. Và với tâm trạng ấy tôi bước đi thoải mái giữa những chiếc máy bay bé tí treo lủng lẳng có từ thời tân tiền sử, nhìn ngắm những phi thuyền cháy sạm, chứng tích hùng hồn cho tình trạng hoán chuyển của loài người. Cố nhiên không gian là định mệnh của chúng ta, vâng, tôi biết chứ, và thực tế thì tôi đang sống ở đấy. Nhưng tôi sẽ không được hưởng cái hào hứng của những cuộc du hành vĩ đại kia, vì tôi mãi mãi là kẻ rớt lại trên bờ vẫy tay tiễn người đi, tôi thuộc về quá khứ, tôi từng có đấy trước khi ông Armstrong đưa gót giày to lớn nhăn nheo xéo lên lớp vỏ nguyệt cầu. Đó là cái tôi phải xem chiều hôm ấy, bởi vì chẳng cần nghĩ ngợi xa xôi gì, tôi đặt chân vào một thứ rạp chiếu phim về thuyền không gian. Tôi ngồi vào chiếc ghế quay kiểu Mỹ, nó ôm lấy tôi như cái dạ con, và thế là tôi bắt đầu cuộc du hành vượt không gian. Bỗng dưng mắt tôi mờ lệ. Cố nhiên tôi không ghi lại chi tiết này trong cuốn sách du lịch của lão tiến sĩ Strabo. Cảm xúc thường bắt nguồn từ nghệ thuật, nhưng ở đây tôi bị hiện thực đánh lừa, một tên ma giáo kỹ thuật nào đã chơi ngón bịp quang học tạo ra lớp đất đá mặt trăng nằm ngay dưới chân tôi, làm tôi cứ ngỡ đang ở trên cung hằng, mặc tình dạo chơi. Mãi đằng xa là quả đất, cứ tưởng tượng như thế, đang chiếu sáng (!) Làm sao có được một Homer, một Ovid để viết về thân phận của thần và người trên cái quả cầu đầy khí, xanh bàng bạc, nổi lơ lửng đằng xa kia? Mũi tôi ngửi bụi bặm chết khô dưới chân, mắt tôi thấy những đám mây mặt trăng tung lên rồi lắng xuống. Cái hiện hữu của tôi đã bị lấy mất và không có gì để lấp vào đấy. Tôi không biết những người khác quanh tôi có chia sẻ cảm giác ấy không. Tất cả đều lặng tờ như chết, chúng tôi đang ở trên mặt trăng, nơi chúng tôi chưa bao giờ đến, và lát nữa đây bước vào ánh sáng chói chang ban ngày của trái đất, mạnh ai nấy đi trên một cái đĩa cỡ đồng tiền gulden(1), một vật di động, lơ lửng trên tấm thảm đen của không gian mịt mùng. Nhưng còn biết bao thứ kinh hơn nữa kia. Tôi là quản thủ những áng văn tuyệt tác trên thế giới này - ít ra tôi tự cho như thế - nhưng tôi chưa hề nhỏ giọt lệ nào cho một hàng chữ, cho một danh ngôn, bởi vì tôi không thể khóc được về những điều thường làm cho người ta khóc. Nước mắt tôi chỉ ứa ra khi tiếp cận với thứ nghệ thuật giả tạo, như lúc Chàng ngây ngất nhìn Nàng trong phim màu tếchnicolo, thứ nghệ thuật ủy mị, thứ sáng tạo rẻ tiền, cùng lúc với nhạc đàn dây vang lên, thứ mật ngọt sa đọa, cái bẫy dùng để đánh chiếm linh hồn, một ý niệm âm nhạc phản âm nhạc. Và thứ nhạc này đang nổi lên, và dĩ nhiên tôi không cầm được nước mắt. Người ta nói ngài Churchill hay khóc về bất cứ gì, nhưng chắc mắt ngài ráo hoảnh khi phát lệnh ném bom xuống thành phố Dresden. Kìa, chiếc Lữ hành gia đang đi, một cái máy nhân tạo vô bổ, một con nhện bóng láng giữa không gian rỗng tuếch, lướt qua những hành tinh thiếu vắng sự sống, nơi không hề có buồn khổ, có chăng là buồn khổ của những tảng đá rên rỉ dưới sức nặng của băng tuyết. Và tôi khóc. Lữ hành gia thì cứ bay mãi mãi xa ta, thỉnh thoảng bíp lên một tiếng, chụp hình những khối cầu không có sự sống đã nguội tanh hay còn bỏng cháy, những quả cầu cùng với quả cầu mà chúng ta phải sống trên đó, cứ xoay quanh đống bọt khí cháy bừng, trong khi đó âm nhạc nhả từ những cái loa đặt trong bóng tối, bao trùm lấy ta như một cố gắng vô vọng nhằm đánh lừa cái im lặng bao quanh kẻ lữ hành cô độc làm bằng kim khí. Một giọng thôi thúc, mượt như nhung nổi lên, thoạt đầu chen với tiếng nhạc, rồi trở thành tiếng độc tấu: Chín chục ngàn năm nữa, Lữ hành gia sẽ tới ranh giới dải thiên hà của chúng ta. Giọng nói chợt ngừng, âm nhạc nổi lên như một cơn sóng cuồng độc địa, để rồi chìm xuống nhường chỗ cho cái giọng kia bắn phát đạn chết người: "Và có lẽ lúc ấy chúng ta sẽ tìm thấy giải đáp cho những câu hỏi vĩnh hằng".
Đám người nhỏ nhoi trong phòng co rúm lại.
"Có ai ở ngoài ấy không?"
Chung quanh tôi im lìm như những đại lộ trống vắng giữa không gian, nơi Lữ hành gia đang lặng tờ lướt đi, tắm mình trong ánh sáng vũ trụ, lúc này ở vào thời điểm năm thứ năm trong thời gian chín mươi ngàn năm còn phải đi qua! Chín mươi ngàn năm! Đến lúc ấy chắc chắn nắm tro từ nắm tro của thân xác chúng ta đã chối bỏ cội nguồn của chúng. Mà thực ra mình có bao giờ có mặt ở đây! Âm nhạc dâng lên, mắt tôi ứa mủ. Biến hóa đích là đây! Giọng nói kia bèn bắn ra phát cuối cùng: "Chúng ta ai mà chẳng cô đơn".
Bỗng nhiên tôi chợt hiểu ra. Cái giọng này chẳng phát ra từ đâu. Đó là giọng nói lúc ta không còn ở đấy, cũng như âm nhạc kia là sự phủ nhận những gì Pythagore phát biểu trong lý thuyết hài hòa của ông. Tôi bước ra ngoài cùng với những khán giả khác, vừa buồn cười vừa cảm thấy mình nhỏ nhoi như kiến cỏ. Trong tấm gương ở toa lét tôi ngắm đôi mắt đỏ ngầu thật lố bịch, và tôi biết mình đã không khóc vì kinh hãi cái chết, mà khóc vì sự giả trá, lừa bịp. Nếu lúc ấy tôi còn ở nhà tôi sẽ hát lên một đoản khúc của Gesualdo (một kẻ giết người đã sáng tác thứ nhạc trong sáng nhất trên thế gian này) để lấy lại thế quân bình, nhưng ở đây tôi chỉ có thể cạn một cốc Bourbon cỡ lớn. Đằng xa hiện ra Tòa nhà trắng, vẻ thanh thản với kiến trúc kiểu thời thuộc địa, ở đó các cụ lớn hẳn đang toan tính những mưu đồ gì ghê gớm lắm.
Và bây giờ, (dùng từ này cũng như tự đào hố dưới chân, bởi vì nó không thể có được), tôi đang nằm, mắt nhắm nghiền, trong một cái phòng ở Lisbon, đầu óc lan man về cái bây giờ tối hôm trước (nếu quả có buổi tối như thế), lúc tôi nằm trên giường ngắm bức hình. Giữa hai thời điểm ấy, Lữ hành gia và tôi đã đi thêm một quãng nữa, phần tôi soạn thêm những cuốn chỉ nam du lịch ngốc nghếch, phần hắn cũng chụp được thêm vô số hình ảnh và hiện tôi có sáu tấm dưới tay: sao Kim, Địa cầu, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương, tất cả đã trở nên thân quen với tôi nhờ đọc Ovid - lúc này chỉ còn là những chấm sáng nhòe nhoẹt trên tấm thảm trồi trụt lấm tấm hạt như những vết nhơ, biểu tượng cho không gian. "Bây giờ Lữ hành gia rời khỏi hệ Mặt trời", chú thích kèm bên hẳn hoi. Hẳn rồi. Đi vào cõi mênh mông kia! Bỏ chúng ta lại một mình! Để rồi gửi về một tấm hình chụp vội một trong hằng hà sa số tinh tú trong cái vũng bao la kia, với chủ ý làm cho chúng ta cảm thấy thấp hèn, trong khi chúng ta không những đã tự tay tạo người thợ ảnh kia, mà còn phóng hắn đi, với hy vọng chín chục nghìn năm nữa còn biết mình đang ở đâu.
Tôi chợt thấy mình bắt đầu buồn ngủ, tôi cảm thấy cùng lúc một đợt sóng lớn ào tới, bốc tôi lên, bao phủ lấy tôi, cuốn tôi đi như vũ bão không biết từ đâu. Tôi nghĩ đến cái chết, không phải vì đợt sóng đâu nhé, mà vì tấm hình này. Với tôi ý nghĩ này thường dồn sang ý nghĩ khác, và nhìn những hành tinh thảm thương in trên mảnh giấy báo này làm tôi chợt nhớ một trong những tấm tranh thật kinh hoàng mà tổ tiên ta thường dùng khi nghĩ về cái chết: một nhà ẩn sĩ (nếu giữa đám cây kế buồn tẻ ấy lại thấy cái mũ hồng y nằm dưới chân một người, thì đấy là ông thánh Jerome) cúi gập trên bàn, khi thì quay nhìn cái sọ của một kẻ bộ dạng không thể nào buồn cười hơn lão Yorricks trong vở Hamlet, khi thì nhìn người bị đóng đinh trên cây thánh giá. Vài đám mây bất tường, cảnh quan cằn cỗi, một con sư tử ẩn mình trong lặng im. Biết đâu chúng đang nổi loạn chống lại thế giới, bởi vì thế giới của chúng còn đấy, còn thế giới của chúng ta chỉ là một bức hình trong báo, chụp cách xa sáu tỉ cây số. Nhiệm màu thay khi tờ báo tôi đang cầm trong tay hiện hữu cùng một lúc với ngôi sao nhem nhuốc kia, nhưng tôi không biết trí óc tôi có nghĩ được như thế lúc ấy. Mọi khi tôi có thể mò tìm lại ý nghĩ của mình cho đến cái phút kỳ cục nhục nhã, lúc rơi vào giấc ngủ, khi mà ý chí phải đầu hàng thể xác, ngã gục lúc đêm về, như một kẻ tôi tớ dễ dạy chẳng muốn gì hơn là giả tảng vắng mặt.
Hôm qua thì lại khác. Tôi chợt nhận ra cái ý nghĩ theo đuổi tôi lúc ấy, dù là gì chăng nữa, cố nhập một cách vô vọng vào ngọn sóng đang trào qua tôi. Cả vũ trụ ào tới làm tôi đê mê, và hình như tôi cũng muốn hát lên, hòa đồng với cái đê mê ấy, như con cá hòa mình với dòng nước đang cuốn nó đi. Những gì tôi muốn làm - bay, bơi, hát, suy nghĩ - tôi lại bất lực. Hai cánh tay vạm vỡ nhất thế gian đã nhấc bổng tôi khỏi Amsterdam và đặt tôi xuống căn phòng này tại Lisbon. Tôi chẳng hề hấn gì. Không thấy gì đau đớn. Tôi cũng không cảm thấy, phải nói sao đây, nỗi hối tiếc nào. Và tôi chẳng tò mò tìm biết, nhờ hằng ngày đọc bộ Biến hóa, của Ovid. Xin xem quyển XV, câu 60-64. Ngoài ra tôi còn có cuốn Thánh kinh, thực là hữu dụng. Dù chưa nhìn mình trong gương, tôi cảm thấy thân thể tôi vẫn y nguyên. Vậy thì tôi chưa trở thành ai khác, tôi chỉ có mặt trong một cái phòng, chuyện không thể có được, nếu tôi áp dụng những nguyên tắc luận lý học. Và tôi từng biết cái phòng này, vì ở đấy hai mươi năm về trước tôi đã có lần ngủ với vợ một người đàn ông khác.
Cái ý niệm thum thủm ấy đưa tôi trở về thực tại. Lấy thêm sức, tôi ôm đầu gối kéo vào người, vớ chiếc gối nằm kế bên nhét vào phía sau đầu, ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Tôi có cảm giác đã từng có mặt ở đây, trên tường vẫn còn treo tấm chân dung Camoes với nét khờ khạo vẽ từ thế kỷ mười bảy, ông nhà thơ được đánh giá quá tầm cỡ, và vẫn còn đấy bản khắc trận động đất kinh hoàng ở Lisbon, với bao nhiêu hình nhân bé tí không rõ mặt mũi chạy tứ tán để tránh bị vùi dập dưới đống gạch đá sập xuống. Lúc đó tôi đã bông đùa với bà ta về hình ảnh này, nhưng bà lại chẳng thích thứ bông đùa ấy. Bà không tới đây để bông đùa. Bà đến phòng này để trả thù, và bà sử dụng tôi để làm việc đó. Tình yêu là thứ giải trí của bọn trưởng giả, đã có lần tôi nói thế, nhưng thực ra tôi muốn nói giới trung lưu. Và giờ này tôi đang yêu, như thế tôi đã tham gia cái hội ái hữu những người yếu bóng vía cứ dính với nhau như keo, cái đám người máy hành xử một chiều mọi khi tôi thường kinh tởm. Tôi cố lừa dối mình rằng đây chỉ là đam mê, và nếu bà ta quả thật có đam mê thì đối tượng chẳng phải tôi, mà là anh chồng mặt mày trắng bệch, một tên khổng lồ thân hình làm bằng từng mảng thịt bê, trán hói, nhe răng cười thường trực như lúc nào cũng đang ban phát bánh kẹo cho ai. Nếu phải minh họa một nhà giáo dạy tiếng Hà Lan điển hình, cứ lấy anh chàng này làm mẫu. Dạy trẻ con học thứ tiếng mà chúng đã nghe từ khi còn nằm trong bụng mẹ, chỉnh lại cách phát âm tự nhiên của tiếng mẹ đẻ bằng cách nhồi sọ nào số đếm thứ tự, nào số nhiều kép, cách chia động từ, vị ngữ, giới từ... đã là chuyện bậy rồi, hắn ta lại có cái mẽ của miếng thịt sườn nấu chưa chín tới, lại dám cả quyết phán bừa về thơ phú, thì thật quá lắm. Mà hắn ta chẳng những đặt ra luật thơ mà thôi, lại còn làm thơ nữa chứ. Cứ vài năm anh chàng lại cho in cuốn sách mỏng teo giãi bày nỗi niềm ấm lạnh, hàng câu lởm chởm, chữ nghĩa cứ thải loạn xà ngầu trên giấy. Cứ tưởng tượng thứ văn chương này một ngày kia nhỡ đụng phải một hàng chữ của Horace, nó sẽ tan biến như mây khói.
Tôi ngồi xổm dậy và bỗng nhiên rất thèm được nhìn mình trong gương, không phải vì muốn nhận ra vật gì khác lạ, thú thật tôi rất ngán diện mạo của mình. Không, đây là một cuộc đối đầu. Tôi muốn biết người nào là tôi, ở đây, trong căn phòng thủa ấy, cái tôi là tôi bây giờ hay cái tôi ngày trước. Tôi cũng chẳng biết cái nào tồi hơn cái nào. Tôi thò đùi ra khỏi giường, cái đùi trắng hếu của một lão già. Nhưng đùi tôi lúc nào mà chẳng thế, làm sao phân biệt được. Chỉ còn cách nhìn vào gương ở phòng tắm, và tôi một mạch bước tới, chẳng mảy may do dự như thói thường cố hữu từ mấy chục năm nay. Thế là tôi đứng trước gương. Tôi chẳng biết mình có cảm thấy nhẹ nhõm không khi nhận ra tôi bây giờ không nhất thiết phải là tôi thuở ấy, và kẻ đứng đấy hao hao giống kẻ tôi nhìn thấy trong tấm gương ở Amsterdam tối hôm qua. Nơi trường trung học cấp tỉnh chỗ tôi dạy, tôi được gán cho biệt hiệu "Socrates", cũng đúng thôi, bởi vì tôi có dáng dấp như thế. Socrates không râu, đeo kính, với bộ mặt giống như trét bằng những mảng đất sét méo mó thế kia khó làm bạn liên tưởng đến triết học, nếu bạn không rõ thứ chữ nghĩa phát ra từ cặp môi dày mỡ, nằm dưới cái mũi dẹp với hai lỗ rộng toác, thứ tư duy chứa sau cái trán của một tay anh chị đứng đường. Không đeo kính như tôi lúc ấy, trông nó càng tệ hơn.
"Ối cái anh này trông giống Socrates như đúc". Bà ta đã thốt lên như thế lần đầu tiên khi bà bảo tôi tháo kính ra. Và mỗi lần tháo kính ra, tôi thấy mình trần trụi như con rùa không mai. Có nghĩa là mỗi khi tiếp cận với thân thể đàn bà là tôi như kẻ mất hết sức đối kháng, vì thế tôi thường tránh những hoạt động mọi người vẫn thường làm, những hoạt động, theo tôi, gần với loài thú hơn là loài người, vì loài người thường để tâm hơn đến mặt trừu tượng của cuộc sống. Trong những trường hợp ấy việc sờ mó thường làm tôi thất vọng. Cái sờ mó của tôi là sự vồ vập cào cấu của một thằng mù, dù tôi biết đại khái bàn tay phải đặt ở đâu, tôi vẫn phải mò tìm bởi vì đôi mắt tôi nhất định từ chối hợp tác một khi hai đứa nô lệ tròn vo bằng gương trong cặp kính cận của tôi không có ở đó. Tôi thấy, nếu mắt tôi quả có thấy được gì, chung chung một mảng màu hồng, đâu đây có gì phồng lên, một vệt thẫm. Điều làm tôi ngán nhất là hai bàn tay vô tư của tôi, trong một vài trường hợp hãn hữu dám mò mẫm đồng lõa giúp vào, thì chúng bị kết tội là thô bạo, tàn nhẫn, vụng về, những ngón tay tôi bị xem như đám tội phạm hiếp dâm trẻ con vừa trốn thoát khỏi nhà giam. Nhưng lúc này tôi không đi vào chi tiết phòng the. Cứ cho rằng bà ta cố gắng hết mình. Tôi học được điều này: nếu các bà đã mưu toan những gì, họ sẽ vận dụng toàn lực làm cho kỳ được, trong khi các ông, với tất cả cái gọi là ý chí, thường chẳng nên trò trống gì. Ánh đèn vàng thuở ấy nay được thay bằng ngọn nê-ông, và dưới đèn nê ông một khuôn mặt dẫu đẹp đến đâu cũng tái xanh như xác chết. Nhưng người trước mặt tôi thì không thế. Phải có gì còn hơn thế nữa, bây giờ (lại bây giờ) tôi đã trở thành Socrates thật rồi. Râu, kính, chẳng còn ăn nhằm gì. Nhìn kẻ đứng trước mặt, kẻ tôi chưa từng mảy may thương mến, bỗng dưng gợi lên niềm yêu. Nhưng tại sao? Vẻ man dại trong khuôn mặt ấy đã bám suốt đời tôi, nhưng giờ lại thêm cái gì khác, cái gì đó tôi không nắm bắt được. Chuyện gì thế này? Có gì xảy ra cho tôi mà tôi chẳng biết, có gì xảy ra mà sự hiện diện bất ngờ của tôi nơi đây chỉ là một chi tiết không đáng kể. Tôi lè lưỡi ra, như tôi vẫn thường làm. Cái lưỡi thật đơn giản đặc biệt ở loài lợn là một trong những nét hấp dẫn nhất trong cơ thể tôi, và nếu tôi cứ lè lưỡi trước gương như thế thường giúp tôi tập trung tư tưởng rất hữu hiệu. Một kiểu nhập thiền giúp ta tìm lại ý nghĩ đã qua. Và đột nhiên tôi biết đêm qua, nếu quả thật có đêm qua, tôi đã nghĩ những gì. Làn sóng trào qua tôi lúc tôi ngủ thật hay chỉ ngủ nửa vời, đúng là một nỗi sợ hãi, nỗi sợ hãi thể xác, e rằng mình có thể rơi xuống từ quả đất treo lủng lẳng, trơ trụi giữa không gian. Tôi cố gắng sống lại cảm giác ấy, nhưng đành chịu. Trang bị với những định luật của ông Newton, tôi đứng đấy, người dính cứng vào những viên gạch đỏ lát phòng tắm, phòng số 6, khách sạn Essex House ở Lisbon, đầu óc lan man nghĩ đến bà Maria Zeinstra, giáo viên môn sinh học tại ngôi trường nơi chồng bà, lão Arend Herfst, cùng dạy. Và cả tôi nữa. Trong khi bà ta giải thích trí nhớ con người tác động như thế nào và thú vật chết ra sao, chỉ cách bà một tấc tường gạch, tôi giảng về thần linh, về anh hùng, về những cạm bẫy của thì bất định trong cổ ngữ Hy Lạp. Cùng lúc ấy, từ lớp chồng bà đang dạy nổi lên một tràng cười nghèn nghẹt của lũ trẻ dậy thì, thằng cha lại tán phét rồi, hắn nổi danh như cồn nhờ môn nói phét ấy. Nhà thơ đương đại, còn kiêm thêm chức ông bầu đội bóng rổ nhà trường, chắc hẳn phải sáng giá hơn một anh lùn mặt mũi từa tựa Socrates, chẳng biết làm gì hơn là khuyến mại đống xác chết từ hai nghìn năm trước, mà cái tinh hoa ngôn ngữ bị chôn vùi sau những hào thành cú pháp chặt chẽ như thế thì làm thế nào lung lạc được lũ bé con mà thần tượng là những tên tuổi như Prince, Gullit hay Madonna. Năm thì mười họa, vào một năm Chúa ban phúc lành, một học sinh xuất hiện làm tôi quên đi cái miễn cưỡng, cái thờ ơ ấy, một kẻ sẵn sàng chia sẻ với tôi đợt sóng thần sầu của thể thơ sáu chữ, một kẻ mẫn cảm với âm nhạc, có thể vượt qua những cạm bẫy văn phạm như trò đùa, bám sát dòng suy tư, nhận ra phép liên hoàn trong chữ nghĩa, thẩm thấu được cấu trúc, cái đẹp. À, lại cái đẹp, nhưng làm thế nào đây? Bởi vì tôi xấu trai, cái đẹp là đam mê của tôi, không phải thứ đẹp có thể thấy được hoặc cảm nhận ra ngay, mà là thứ đẹp bí ẩn vô ngần, nấp sau thành lũy của một ngôn ngữ đã chết từ lâu. Chết! Nếu những ngôn ngữ này quả đã chết thật, thì tôi phải là Chúa Giêsu làm Lazarus sống dậy. Và vào cái năm ân sủng ấy, đã có kẻ hiểu được. Không, hơn thế nữa, cô bé có khả năng tương đương. Cô không có được mớ kiến thức ngang tôi, nhưng có hề gì. Mỗi hàng chữ Latinh dưới mắt Lisa d'India cứ thế thăng hoa, bừng dậy, cuốn trào. Cô bé quả là có phép mầu, và mặc dù tôi vẫn chưa hiểu tại sao mình lại có mặt nơi đây, tôi biết cô bé có gì liên hệ đến chuyện này.
Bây giờ tôi trở lùi về quá khứ, nhưng sao cái cảm giác lạ lùng kia vẫn còn đây, như có hào quang nào thắp sáng trong tôi. Nếu hôm qua tôi sợ hãi, thì giờ đây là niềm xúc động. Essex House, cái tên Ănglê kỳ cục đặt cho một khách sạn Bồ Đào Nha, nằm ở phố Janelas Verdas, bên bờ dòng Tagus. "Có gì như ung thư trong tôi, giờ tôi biết sẽ chết vì sao/ Bên bờ dòng sông Tagus, nơi cuộc sống nhẹ nhàng lờ lững trôi..." Thơ Slauerhoff đấy. Chỉ trong tiếng Hà Lan bạn có thể chết nơi ung thư, nơi bờ dòng Tagus. Cả lớp chẳng ai cười, trừ cô bé. Giờ thì tôi phải chuồn khỏi cái buồng tắm này, tôi không còn chịu nổi sự hiện diện của tôi ở đấy. Tôi tự hỏi mình có đói không, và nghĩ là không. Nhưng tôi vẫn nhấc máy gọi dọn điểm tâm tại phòng. "Pequeno almonco". Tôi quên bẵng tôi nói được tiếng Bồ. Giọng đầu kia dây nói trầm tĩnh, thân thiện và trẻ trung nữa. Một giọng đàn bà. Chẳng có gì làm tôi ngạc nhiên, ngay cả cô gái bưng thức ăn đến. Nhưng có thể tôi nhầm chăng, trong phong cách của cô gái quả có cái trang trọng ít khi gặp ở hàng ngũ nhân viên phục vụ. Tôi ngồi xếp bằng dưới đất và đặt thức ăn chung quanh. Giờ tôi phải làm công việc hồi tưởng. Cả cái phòng này thúc giục tôi. Tôi có cảm giác tương tự khi phải chữa đống bài dịch văn Herodotos của đám học sinh. Tôi vốn mê lão bịa chuyện cực giỏi mà dễ đọc ấy. Thêm mắm muối vào lịch sử lúc nào mà chẳng hấp dẫn hơn cái tàn nhẫn nhàm chán của sự kiện xảy ra. Nhưng nếu đọc những bài dịch của đám học sinh cứ như bóp chết lời văn chẳng cổ xưa gì mấy của lão bịa chuyện kỳ tài ấy, thì ai mà chẳng ngã lòng. Ngoại trừ bài dịch của cô bé: đây đó thêm thắt một vài chi tiết hoàn toàn hư cấu: một phong tục Ba Tư, một công chúa Lydia, một vị thần Ai Cập.
Cả trường ai cũng mê Lisa d'India, từ hiệu trưởng cho đến các thầy giáo, cô giáo và cả người gác gian, mọi người, trừ tôi. Cô bé không chỉ giỏi về môn tôi dạy, cô ta xuất sắc về mọi môn. Cô là hiện thân cho sự mạch lạc ở toán, tính khám phá ở khoa học, cô là linh hồn của giang sơn ngôn ngữ. Những truyện ngắn đầu tiên của cô bé được đăng trên tờ báo trường, chúng là những truyện viết bởi một người đàn bà giữa mớ truyện vớ vẩn trẻ con. Và cô bé đã ghi điểm thắng quyết định khi đội bóng rổ chúng tôi đoạt giải liên trường. Trên tất cả còn cái đẹp thể xác nữa, điều này thực ra quá thừa, nhưng không thể phủ nhận. Giữa sáu chục con mắt trong lớp, không tài gì né tránh đôi mắt Lisa. Một vài vệt trắng chen giữa mớ tóc đen huyền, cô bé đã chào đời lâu rồi, biểu hiện một thời điểm trong quá trình thành niên, không chừng thân thể cô bé biết mình chẳng thọ được lâu. Tôi thầm đặt cho cô cái tên Graea, những người con gái của Keto và Phorkys, mới sinh ra mà tóc trắng như tuyết, vì nhiễm thứ bệnh già vô phương cứu chữa. Một lần tôi đã bảo cô bé như thế, nhưng cô lại nhìn thẳng vào mắt tôi, cái nhìn xa vắng như thần trí đang ở tận đâu, có thể là lời nói tôi đã chạm vào bí ẩn nào đó giấu kín trong cô, điều cô thừa biết nhưng không muốn chia sẻ với người khác. Bố mẹ cô vốn người Ý, cùng với đám dân Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đợt xuất khẩu lao động đầu tiên có công khai phóng giúp xứ Hà Lan tháo bỏ cái vỏ tỉnh lẻ đeo đẳng từ nhiều thế kỷ nay. Và nếu cha cô, một công nhân ngành kim khí gốc gác ở Catania, mà biết được thầy giáo Arend Herfst tằng tịu với con gái mình, chắc hẳn ông ta đã giết chết lão, nếu không cũng làm lớn chuyện với ông hiệu trưởng, có biết đâu ông hiệu trưởng phải khó khăn lắm mới chịu nhường Lisa cho lão Herfst thối tha ấy. Tôi cũng chẳng biết tại sao chuyện này được bưng bít lâu thế, hình như cả đám giáo viên lẫn học sinh cố tình dệt một mạng lưới im lặng quanh cô bé, có nhẽ chúng tôi cùng nghĩ rằng cứ im đi mọi việc sẽ trôi xuôi, cô bé sẽ biến mất. Chúng tôi, có nghĩa trong đó có tôi. Nhưng tôi chẳng yêu Lisa, tôi không thể yêu cô ta, bởi vì tôi đã tự nhủ như đóng đinh vào tâm não: yêu đương là điều cấm, và vì thế tôi không thể yêu. Mấy năm cô bé học với tôi, tôi cảm thấy cả một nguồn vui, phải có gì dính dáng tới tình yêu, nhưng chẳng phải thứ tình yêu ban phát nhan nhản trên màn ảnh tivi mọi ngày, cũng chẳng phải cái khổ sở tầm thường, rồ dại của tình trạng "đang yêu". Tôi biết những khổ đau do thứ tình này, bởi vì một lần trong đời tôi đã sống như đám người trần mắt thịt, khi tôi yêu bà Maria Zeinstra. Một lần thôi, và định mệnh đã đánh gục tôi.
Bây giờ chẳng còn ai ở đây, và tôi chỉ cần kể cho bạn nghe một mình chuyện này, dù rằng bạn có dự phần trong ấy. Bạn cũng thừa biết đấy, nhưng tôi vẫn để bạn nguyên như thế. Ở ngôi thứ ba số ít, cho đến lúc tôi chịu hết nổi thì thôi. Banalitas banalitatis. Toàn chuyện nhảm nhí. Đấy là phương thức tôi đã dùng trong hai mươi năm qua để tẩy xóa tất cả những gì có thể gợi lại thời gian ấy. Không chừng tôi đã uống nước dòng sông Lethe, không có quá khứ nào, còn lại là khách sạn ba sao năm sao và những mảnh chuyện vặt vãnh tôi viết ra đây. Cái gọi là cuộc sống thực có lần đã đến với tôi, và nó chẳng giống tí nào cuộc sống mà chữ nghĩa, sách vở đã chuẩn bị cho tôi. Định mệnh chỉ có nơi các lão thầy bói mù, lời sấm truyền, bản xướng ca báo cái chết, làm gì có định mệnh nơi tiếng hổn hển cạnh tủ lạnh, lúc mò mẫm cái bọc cao su, lúc đợi chờ trên chiếc Honda đỗ ở góc đường, khi hẹn hò lén lút trong một khách sạn ở thành phố Lisbon. Những gì viết ra là có thật, còn những gì ta phải tự làm thì thật mù mờ, tùy tiện, ngẫu nhiên, vô lý. Nó kéo dài quá lâu. Và nếu kết cấu tồi tệ thì vận luật cũng đi tong, chẳng còn cách gì để gạch bỏ. Vậy thì cứ viết đi, hỡi ông Socrates! Nhưng Socrates chẳng viết, mà tôi cũng không. Nhưng cố viết bừa đi một khi bao nhiêu điều đáng viết đã được viết rồi là hành động của kẻ tự phụ, của thằng mù, những người không biết nếm trước cái chết của mình. Giờ tôi chỉ muốn lặng yên thật lâu để tống ra cho hết mớ chữ này. Bạn chẳng cho biết tôi có bao nhiêu thời gian để kể chuyện này. Tôi đã mất khả năng so đo ngắn dài. Giờ thì tôi muốn nghe một khúc mađigan của Sigismundo d'India. Sự trong sáng, âm hưởng chính xác, giọng hát, tình cảm hỗn loạn được kiềm chế bởi cấu trúc hoàn hảo của bài ca. Lần đầu Lisa được nghe một khúc mađigan của nhạc sĩ d'India tại nhà tôi. "Tổ phụ của cô đấy", tôi bảo cô bé, như đang trao cô một món quà. Lại hố rồi. Lúc nào mà chẳng thế. Anh nhà giáo vô đẳng cấp cạnh cô học trò quý phái. Cô bé đứng trước tủ sách, cây gia hệ độc nhất của tôi, những ngón tay thon dài mân mó nào Hesiod nào Horace, chợt quay người lại và nói: "Bố tôi là thợ ngành kim khí", như cô muốn giữ khoảng cách giữa mình với bài hát càng xa càng tốt. Nhưng tôi chẳng yêu cô bé. Tôi yêu bà Maria Zeinstra.
Phải ra khỏi phòng này! Phòng nào? Cái phòng nơi đây, ở thành phố Lisbon. Socrates hãi quá, tiến sĩ Strabo chẳng dám thò mặt ra ngoài, còn anh chàng Herman Mussert không chắc mình đã đăng ký vào khách sạn hay chưa. "Cái ông người nhỏ con cổ quái ấy từ đâu đến nhỉ?", "Ông ta ở phòng nào thế?" "Có phải mày ghi tên hắn vào sổ khách?"
Chẳng cần nghĩ ngợi gì thêm. Tôi vớ cuốn chỉ dẫn Michelin, cái bản đồ Lisbon. Mọi thứ đều sẵn sàng. Séc du lịch, tiền Bồ trong ví, có ai đó yêu tôi, ipsa sibi virtus praemium, đức hạnh tự nó là phần thưởng. Chỉ lo hão, bởi vì khi tôi trao chìa khóa phòng, cô gái kiều diễm ở quầy lễ tân chào tôi với đôi mắt long lanh: "Chào ông Mussert". Tháng tám, tháng vương giả. Màu xanh nhạt cây đậu tía, những mảnh sân rợp bóng râm, lối đi lát đá thoai thoải, vẫn người gác dan được dòng thời gian nấu nhừ sau hai mươi năm, tôi nhận ra anh ta, và hình như anh còn nhận ra tôi. Tôi rẽ về phía tay phải, đến cái quán nhỏ nơi Maria Zeinstra từng nhồm nhoàm những mẩu bánh ngọt màu lòng trắng trứng gà, cặp môi háo ăn óng ánh mật ong như vec-ni. Cái quán vẫn còn đó, thế giới này còn mãi.
"Chào ông!" Tôi gọi một chiếc bánh để vinh danh cố nhân, để lại một lần nữa thưởng thức lại hương hoa ở miệng bà thuở trước. Cốc cà phê đặc, thật đắng. Với vị đắng ngọt ấy tôi bước qua đường, tới sạp báo mua một tờ Diário de Noticias, nhưng tin tức thế giới chẳng làm tôi bận tâm. Cũng như dạo ấy. Giờ là chuyện Irắc. Dạo ấy có gì xảy ra tôi không còn nhớ. Irắc chỉ là cái mặt nạ trễ tràng của Babylon riêng tôi, của Akkard, Sumer và quê hương dân Chalddes. Những dòng sông Ur, Eurphrates, Tigre và thành Babylon diễm ảo, cái nhà đĩ của một trăm thứ tiếng. Tôi nhận ra mình đang huýt một điệu hát xa xưa, bước chân tôi rộn ràng vào những ngày đẹp nhất đời. Tôi bước tới đường Largo de Santos, rồi qua Đại lộ 24 tháng Bảy. Bên phải tôi là chiếc xe hỏa tí hon, những tàu điện như đồ chơi với màu sắc trẻ thơ. Đằng sau nữa, dưới kia, là con sông của tôi. Tại sao trong biết bao con sông chỉ có dòng Tagus này làm tôi mềm lòng, tôi chả biết. Phải chăng cái ảo ảnh đầu tiên, đã lâu lắm rồi, vào năm 1954, khi Lisbon còn là thủ phủ của một đế quốc đến thời mục rã. Lúc đó Hà Lan đã mất Indonesia, người Anh buông Ấn Độ, nhưng ở đây, bên bờ sông này, hầu như những quy luật tự nhiên của thế giới không được áp dụng. Người Bồ còn giữ Timor, Goa, Macao, Angola, Mozambique, mặt trời của họ chưa đến hồi phải lặn, cái đế quốc ấy còn đủ rộng lớn để bao trùm cả ngày lẫn đêm cùng một lúc, và có phải vì thế mà tôi cảm thấy những người đi giữa ban ngày ở đây hình như chưa ra khỏi cơn mộng du. Đàn ông diện giày trắng, thứ giày không thấy ở Bắc Âu, khoác tay nhau dạo bước dọc theo dòng sông rộng, nước màu nâu, chuyện trò bằng một thứ tiếng Latinh dài hơi, làm tôi liên tưởng tới nước, nước của những giọt lệ, nước của đại dương, từ những cái gút dây thừng kiểu kiến trúc thời vua Emmanuel trang trí cho những lâu đài vương giả cho đến những chiếc tàu nhỏ xíu nhộn nhịp đi về giữa Cacilhas và Barreiro, và kia là ngọn tháp Bêlem, nơi giã biệt buồn thiu, điểm cuối cùng in vào trí nhớ của các nhà thám hiểm khi rời đất tổ ra đi, và cũng là điểm đầu tiên hiện lên lúc họ trở về sau bao năm xa vắng. Nếu còn trở về... Tôi đã trở về, vâng, tôi đi ngang qua bức tượng quận công De Teircera thảm thương, người đã giải phóng Lisbon khỏi hiểm họa nào đó tôi không còn nhớ vào thế kỷ qua. Tôi lách người giữa đám tàu điện, băng qua bến Do Sodré, và giờ đây đứng một mình bên con sông, vẫn con sông thủa ấy. Bây giờ thì tôi biết nó rõ hơn, vì tôi đã thấy tận mắt ngọn nguồn con sông ấy ở một mảnh đồng xanh tận bên kia xứ Tây Ban Nha, gần Cuenca, tôi đã ngắm những vách đá bị nước giũa mòn ở Toledo, con sông lững lờ thênh thang chảy qua Extremadura, vâng, tôi biết gốc gác của nó, tôi nghe giọng thì thầm của nó trong ngôn ngữ quanh tôi. Sau này, mãi tận sau này, có lần tôi bảo cô bé Lisa d'India: "Tiếng Latinh là tinh túy, tiếng Pháp là ý tưởng, tiếng Tây Ban Nha là lửa, tiếng Ý là không khí, tiếng Catalan là đất, tiếng Bồ Đào Nha là nước". Lisa cười, giọng cô bé cao và trong. Nhưng Maria Zeinstra thì chẳng cười. Có thể chính ở đây tôi đã cố thuyết phục Maria về ý nghĩ này, nhưng bà ta cho rằng tôi nói nhảm. "Tiếng Bồ nghe như tiếng thầm thì. Sao lại vu vơ đem nước vào đây. Chẳng khoa học tí nào". Như thường lệ, tôi chẳng nghĩ được gì để phản ứng. Có Maria cạnh bên đủ vui rồi, tôi cũng câm mồm khi bà ta bảo con sông của tôi sao mà xám xịt thế. "Anh cứ tưởng tượng có bao nhiêu thứ đổ cả vào đấy".
Tôi quay người nhìn thành phố lên cao dần trước mắt; tôi biết mình đang tìm kiếm gì ở đây, nhưng gì mới được chứ? Tôi muốn thấy lại gì đây, nhưng tôi chỉ nhận ra nó khi tôi thấy nó. Và bỗng nhiên kia kìa: một tòa nhà nhỏ bé, ngược ngạo, với cái đồng hồ khổng lồ - cứ hình dung một cái nhà đá làm bằng đồng hồ, cực lớn, tròn, trắng, với những cây kim chắc nịch, những cây kim cai quản thời gian. Phía trên là dòng chữ lớn: HORA LEGAL - Giờ chính thức. Giữa cái ngổn ngang, lơi lỏng của quảng trường, chúng có khả năng như một văn bản pháp lý: "Bất cứ ai muốn can thiệp vào thời gian, dù bất cứ ở đâu, dù bất cứ ai muốn kéo giãn ta, cưỡng lại ta, điều khiển ta, chuyển hướng ta, rốt cục phải công nhận luật của ta là tuyệt đối, những cây kim đầy quyền uy của ta khẳng định cái bây giờ phù du, không thể tồn tại, và chúng sẽ còn mãi như thế. Chúng chẳng muốn dính vào cái tranh chấp, cái "bây giờ" có tính vụ lợi của bọn học giả. Cái bây giờ của ta là cái bây giờ duy nhất có thực, cái bây giờ bền bỉ bao gồm sáu mươi giây đếm được" - và bây giờ, cũng như lúc ấy, tôi đứng ở đấy đếm, nhìn cây kim sắt khổng lồ màu đen chúi xuống khoảng trắng chia đều thành nấc giữa con số 10 và 15, và cây kim như đang rùng mình, cây kim bò lần tới nấc tiếp theo, độc đoán ra lệnh: bây giờ là bây giờ. Bây giờ! Một con chim câu vút qua rồi đỗ xuống cánh cửa tò vò phía trên đồng hồ, như muốn khẳng định điều gì, nhưng không đánh lạc nổi dòng suy tư của tôi. Đồng hồ, theo tôi, có hai công dụng, một là để giúp ta biết giờ, hai là để khẳng định thời gian là huyền bí, một hiện tượng khôn lường, không thể giải mã, mà con người vì hoàn toàn bất lực, chỉ bịa ra cái vẻ trật tự bề ngoài mà thôi. Thời gian là cái hệ ngăn mọi việc xảy ra cùng lúc, như tôi có lần nghe ai đó phát biểu trong một phóng sự chớp nhoáng trên đài phát thanh. Và bây giờ tôi đứng đây, như tôi có lần đứng đây với Maria Zeinstra, bà ngước cặp mắt màu lục miền Bắc Hà Lan và nói: "Lại lẩn thẩn gì nữa đây, hỡi cái ông thịt bò viên? Chỉ vì anh không tách nổi thời gian của khoa học ra khỏi thời gian của trái tim khổ kia, thảo nào anh không khá nổi".
Tôi chẳng buồn trả lời, không phải vì tôi bị xúc phạm, ngược lại tôi rất khoái được gọi là cục thịt bò viên (hoặc cái chụp đèn, miếng cá rán, cái đầu quả dưa), nhưng tôi biết câu trả lời đang chờ chúng tôi cách đấy trăm thước ở đầu phố, trên bức tường trong quán có cái tên British Bar. Maria chẳng mảy may nghi ngờ lúc chúng tôi bước vào quán, và sau khi đã an vị trong bóng tối mát rượi và bà nhấp xong một hớp rượu port, tôi hỏi tỉnh bơ: "Mấy giờ rồi nhỉ?".
Bà ta nhìn cái đồng hồ lớn bọc gỗ treo trước mặt, tỏ vẻ khó chịu như một kẻ chợt thấy những thỏa hiệp thiêng liêng giữa mình với vũ trụ an bài chung quanh tự dưng bị xáo trộn. "Được rồi, được rồi", bà ta nói, nhìn chiếc đồng hồ đeo tay để so sánh. "Biết mà. Sao mà giở lắm trò thế?".
"Có gì đâu. Đó cũng là một cách nhận thức thời gian. Einstein chế biến thời gian thành nước mật đường, Dali làm cho nó tan đi: đồng hồ, tất cả, tuốt". Cái đồng hồ trước mặt chúng tôi có hàng số sắp xếp theo lệ thường. Nó cần thiết giúp ta tuần tự vượt qua cái hình - cầu - phân trên cái khí cầu khổng lồ mà ta thừa hưởng, nhưng ở đây những con số lại sắp đảo ngược: sáu giờ hai mươi phút trở thành hai mươi phút trước sáu giờ. Như thế làm sao kẻ nhìn không bị chóng mặt nhức đầu? Có lần tôi hỏi anh chủ quán vớ được cái của nợ này ở đâu, anh ta cho biết nó thuộc mớ đồ đạc thừa hưởng khi được sang nhượng cái quán. Và không, anh ta chưa hề thấy cái đồng hồ nào như thế, nhưng một ông người Anh có lần giải thích rằng nó có gì dính dáng tới cách rót rượu port của những tay nhà nghề.
"Thì có khác gì những đứa lái xe trái đường?"- bà ta nói. "Nào, ta đi lên phố".
Câu chuyện chấm hết, tôi bước theo mớ tóc đỏ tung bay, qua Avenida das Naus, Đại lộ thuyền bè, như thể tôi không phải là người hướng dẫn bà tham quan thành phố, mà bà dẫn tôi. Lúc ấy, không phải bây giờ đâu nhé!, cái đồng hồ chạy ngược đời vẫn còn treo ở đấy, và từ khi tôi ghi nó vào trong cuốn Chỉ nam du lịch của tiến sĩ Strabo, một nửa dân Hà Lan đã sang đấy chiêm ngưỡng nó. Chín mươi mốt độc giả đã viết thư cho tôi biết muốn xem giờ trên cái đồng hồ ấy chẳng khó gì nếu ta nhìn vào gương chiếu lại, có điều là họ nói chẳng thấy cục bò viên nào như tôi đã ghi trong cuốn chỉ nam.
Phía trước tôi, Maria nhảy tung tăng như một chiếc tàu thuỷ, và bọn đàn ông đi đường phải quay người thêm một lần nữa để ngắm phần kỳ quan đong đưa phía sau của người đàn bà, không phải vì bà ta đẹp tuyệt, nhưng vì ở đó, vào lúc ấy, bà là hiện thân cho cái tự do ra mặt thách thức công khai. Còn lời nào diễn tả hay hơn: phải chăng bà đang đưa đẩy tấm thân qua đám đông với chủ ý cho mọi người nhìn ngắm. Có lần tôi nói với bà ta, gợi lại bài thơ nổi tiếng của Robert Holst: "Em bước chẳng giống một người đàn bà không bao giờ phải chết, mà như một người đàn bà ai cũng sẵn sàng bỏ hết tất cả vì nàng", và trong một thoáng chốc tôi nghĩ rằng bà ta sẽ phát cáu, nhưng bà chỉ nói: "Đúng thế, chỉ trừ cái anh Arend Herfst dở hơi kia".
Tôi thường bảo lũ học trò thế nào nhỉ? Về hình thức tập Sử ký của Tacitus có tính cách biên niên (vâng, annales, biên niên, có nghĩa là viết dưới dạng giai đoạn, và không dính dáng tới cái phần cơ thể nằm phía sau ấy như các em nghĩ đâu), nhưng Tacitus hay ngắt chuyện nửa chừng, nhằm nắm lấy thứ tự các diễn biến. Có lẽ tôi cũng nên làm như thế: mua cái mũ che nắng, dọn lại cái đầu cho tỉnh táo, tách rời hiện tại với quá khứ, bước lên đồi, chuồn nhanh khỏi khu Alfama quanh co như mê cung, ngồi dưới bóng mát một cái bela sombra cạnh lâu đài Sao Jorge, duyệt lại cuộc sống hiện tại, nhìn xuống thành phố nằm dưới chân tôi, quay ngược đồng hồ cho quá khứ chạy về như một con chó dễ dạy. Như thường lệ tôi phải tự mình làm tất cả, và như vậy tôi nên khởi sự ngay. Nhưng trước hết phải có cái mũ. Màu trắng, dệt bằng rơm. Nó làm người tôi cao hẳn lên. "Này chúng mày ơi, lão Socrates diện cái mũ phở trên cặp kính".
Nếu những năm sáu mươi đã làm hư hỏng lối tư duy của một số người, thì bộ óc ông hiệu trưởng trường phổ thông chúng tôi bị ảnh hưởng khá trầm trọng. Nếu ông có quyền, có lẽ ông bắt bọn giáo viên chúng tôi ngồi nghe lũ học trò giảng bài. Một trong những sáng kiến ông ta nghĩ ra là đám giáo viên có thể tham gia các lớp học của nhau. Hai đồng nghiệp đến nghe tôi giảng một bận rồi chuồn biệt. Tôi đến nghe bạn đồng nghiệp giảng bài cả thảy hai lần. Một lần tôi tới dự lớp tự nguyện về thần học, ngoài tôi ra còn có hai học sinh khác, sau đó ông mục sư phụ trách ớn mãi cho đến già về cái tình nhân ái chúa dạy. Lần khác tôi dự lớp do Maria giảng dạy. Tại sao? Bởi vì trong phòng dành cho giáo viên bà ta chẳng bao giờ thèm nhìn tôi một lần. Bởi vì đêm đêm tôi cứ mơ những giấc mơ về bà, thứ mơ chỉ có ở thời trẻ con mới lớn, và bởi vì Lisa d'India có lần bảo tôi bà giảng bài thì thật là tuyệt vời.
Đúng thật. Tôi đến phía sau phòng học, ngồi xuống cạnh một cô bé làm cô ta lúng ta lúng túng chẳng biết đối xử thế nào, nhưng bà ta dửng dưng làm như tôi không có ở đấy. Tôi hỏi bà ta có thấy trở ngại gì không, bà đáp: "Cấm thế nào được. Mà biết đâu đấy, có khi ông rút tỉa được gì chăng. Giảng về cái chết đấy". Với một người có tính khoa học cao, phát biểu như thế thực là thiếu chính xác, bởi vì bài giảng của bà dính dáng đến cái chết thì ít, mà luận về những chuyện sau cái chết, về sự biến hóa thì thật dài hơi. Và cho dù cái chất liệu biến hóa của bà ta có khác cái chất liệu của tôi, đề tài biến hóa chẳng mới mẻ gì đối với tôi. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp ngồi trong lớp như đứa học trò, và vai trò đảo ngược này làm tôi chợt nghĩ ra cái nghiệp nhà giáo quả thật kỳ cục. Hai chục mạng ngồi kia, một mạng đơn độc đứng đấy, cố nhét kiến thức của mình vào những cái đầu rỗng tuếch của mấy chục mạng kia.
Bà ta đứng đấy, mái tóc đỏ bồng bềnh như lá cờ bay trước đám học sinh, nhưng tôi chẳng ngắm được lâu, bởi vì trước bảng viết đã hiện ra cái màn chiếu phim và chung quanh phòng những tấm rèm, đúng ra là những mảnh vải rẻ tiền màu nâu nhạt, được kéo kín lại. "Cái ông Mussert này có phúc lắm đấy", bà nói. "Ngay bài học đầu tiên lại được xem phim". Có tiếng la chế giễu.
"Socrates, rút tay về nhá!". Có tiếng ai trong phòng tối om. Rồi tất cả đều im lìm. Một con chuột chết hiện ra trên màn ảnh. Chẳng to lớn gì cho cam, nhưng chết thì hẳn chết queo rồi, mồm hơi há, có tí máu dính trên râu mép, tuy vẫn còn tia long lanh nơi con mắt mở he hé. Cái xác trần trụi nằm queo, ở tư thế chết chẳng còn cứu vãn được nữa. Cử động tắc nghẽn, mãi mãi không còn khả năng đi đứng. Có tiếng ai nôn oẹ.
"Đừng làm thế". Đúng là giọng bà ta, cụt ngủn, như roi quất. Yên lặng vãn hồi. Trên màn hiện ra một con bọ đào mồ. Tôi không biết đấy là con gì nếu bà ta không bảo thế. Loài bọ với màu cháy rực như con kỳ nhông. Dáng quý phái, như mun, màu đất son, trên cái vỏ áo giáp đeo đầy vật gì giống như huy hiệu.
"Đây là con cái".
Hẳn rồi, bởi vì bà ta dạy thế. Tôi cố hình dung ý nghĩa lời nói này. Có ai chắc cùng nghĩ như tôi, thốt lên: "Ngon lành đấy". Chẳng ai cười.
Con bọ bắt đầu đào hào quanh xác chuột. Một con thứ hai ở đâu bò tới, nhưng chỉ làm việc cầm chừng.
"Con đực đấy". Cố nhiên rồi.
Bây giờ thì con cái bắt đầu húc vào xác chuột cứng đơ, và mỗi lần như thế cái xác nhúc nhích một cách miễn cưỡng. Kẻ chết nào cũng muốn được để yên, ai mà chả thế. Con bọ hình như muốn bẻ cong xác chuột, cái đầu đen bóng cứng như bọc thép, húc từng nhát vào xác chuột. Đúng là nhà điêu khắc làm việc với khối cẩm thạch khổng lồ. Thỉnh thoảng hình ảnh trên màn nhảy vọt, chỉ sự gián đoạn của bản phim.
"Như các người thấy đấy, phải cắt xén nhiều đoạn. Thực ra thì cái quá trình chuột - bọ này được ghi lại từ đầu đến cuối. Dài mất tám tiếng".
Bản phim thu ngắn cũng kéo dài khá lâu. Xác con chuột cứ teo vào, những cái chân quặp vào nhau, đầu chuột từ từ lọt vào phần bụng, biến dần. Con bọ nhảy nhót theo một điệu đưa ma chung quanh quả bóng xù xì lông lá. "Cứ nôm na gọi nó là tro thịt".
Tôi tự thưởng thức từ mới mẻ này. Lúc nào tôi cũng trân trọng thứ chữ nghĩa tân kỳ. Đây lại là một từ hay. Cục thịt chuột lông lá lăn từ từ xuống hào.
"Bây giờ con cái sẽ làm tình với con đực dưới hào".
Có ai chép môi trong bóng tối. Bà bật đèn và đưa mắt nhìn một cậu học sinh to xác, ngồi ở hàng thứ ba.
"Làm gì lén lút như ma thế".
Lén lút như ma. Cái từ thật bao hàm ý nghĩa! Bà ta nói giọng bắc Hà Lan. Đèn lại tắt đi, và tôi nhận ra cái cảm giác mông lung tôi dành cho bà đột nhiên trở thành tình yêu. Làm gì lén lút như ma. Hai con bọ quanh quẩn cố trèo lên nhau như đang bị ai điều khiển. Chỉ có loài người chúng ta mới hay lạc mục tiêu. Vẫn cái cẩu thả vụng về cố hữu. Chỉ có điều là phần lớn loài vật không chịu nằm xuống để làm việc ấy. Màn hài hước trên màn ảnh làm ta nghĩ tới một điệu vũ tự do, hai con bọ cứ thế quần nhau trong cái lặng lẽ như tờ. Khiêu vũ chẳng có âm nhạc, hai anh chị cứng như thiết giáp đụng nhau hẳn phải ồn ào kinh lắm. Nhưng biết đâu loài bọ không có tai, tôi quên hỏi bà điều này. Bây giờ anh chị tách rời, bắt đầu rượt nhau. Tôi không còn phân biệt con nào là con nào. Nhưng bà ta thì không.
"Bây giờ nàng đuổi chàng ra khỏi hào".
Cả lớp nhao nhao, đám con gái cất giọng cao vút. Tôi nghe bà cười nhẹ, cái cười đồng lõa, và tự nhiên tôi cảm thấy tự ái bị tổn thương.
Lúc này con bọ cái đào thêm một cái rãnh mới, "dùng làm buồng trứng".
Lại chơi chữ. Bà giáo này dạy tôi thêm từ mới. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, tôi yêu bà thật rồi.
"Trong hai ngày nữa, con bọ cái sẽ đẻ trứng, nhưng nàng sẽ nhào nhuyễn đống thịt tro trước đã".
Trứng bọ! Tôi chưa hề chứng kiến loài bọ ói mửa như thế nào, nhưng lần này quả thấy tận mắt. Tôi đang ngồi trong lớp với người đàn bà tôi yêu, trước mắt tôi là cái đầu khoa - học - giả - tưởng phóng lớn gấp trăm lần của con bọ có tên "đào mồ" đang ói ra chất tiết xanh nhờn lên trên đống thịt tro, mà chỉ một giờ trước đấy còn là cái xác chuột chết.
"Bây giờ nàng dùng răng khoan vào xương". Đúng thế. Cái máy đào, bà mẹ, kẻ chứa trứng, người tình, mama, đang gậm nhấm miếng thịt chuột nhào nhuyễn, xong rồi lại mửa vào lỗ trống hàm răng vừa khoét xong. "Nàng đang làm ổ chứa thức ăn". Cục thịt tro, buồng trứng, ổ chứa thức ăn. Và thời gian lướt nhanh: hai ngày sau đẻ trứng, năm ngày nữa có bọ con. Không, tôi không tin có thể đẩy thời gian đi mau hơn nữa. Biết đâu. Những cái trứng màu trắng bóng láng như tinh trùng, những con ấu trùng phơn phớt những viền bọc quanh, màu trắng ngà. Bọ mẹ húc mõm vào đống thịt chuột nhão nhoẹt, đám bọ con liếm mõm bọ mẹ. Ôi tình thương là đây. Chỉ năm giờ sau lũ bọ con sẽ tự ăn lấy, nhúc đầu vào đống thịt chuột băm. Thịt nuôi bọ. Xác chết. Chơi chữ Latinh. Đèn lại bật sáng, rèm được kéo tung ra, nhưng hình ảnh tươi mát vẫn là mớ tóc nàng. Ngoài kia nắng chói chang, cành lá cây lật đong đưa trong gió. Đang giữa mùa xuân, nhưng ý tưởng về cái chết đã xâm nhập vào phòng này, mối hệ lụy giữa cái chết, việc làm tình, ăn uống, đổi thay - sợi dây răng cưa vồ vập mà ta gọi là đời sống. Lớp học tản dần ra ngoài, chỉ còn hai chúng tôi đứng đấy, hơi ngỡ ngàng.
"Kỳ sau đến lượt bài giảng về mối và giòi".
Lời bà ta như thách thức, có thể bà nghĩ tôi hơi bị sốc. Những gì tôi vừa được xem dường như có liên quan ít nhiều với sự giận dữ. Giận dữ, hoặc ý chí. Hàm răng nghiến chặt, cặp áo giáp thời Trung cổ xáp vào nhau; những chiếc mặt nạ mù lòa bóng nhoáng của lũ ấu trùng liếm nhẵn thức ăn từ cái mỏm bọc sắt của mẹ chúng - cuộc sống trần trụi là đây.
"Câu chuyện không bao giờ kết thúc", tôi nói. À Socrates, khá đấy. Mi có nghĩ ra được gì mới mẻ không?
Bà ta phồng má, như bà vẫn thường làm mỗi khi nghĩ ngợi.
"Biết đâu đấy. Rồi sẽ có hồi chung cuộc. Cũng như phải có lúc khởi đầu".
Lại cái nhìn thách đố, như bà ta vừa khám phá khái niệm về phù du và muốn thử nghiệm ngay với một học giả. Nhưng dễ gì đuổi tôi ra khỏi cái mồ như con bọ đực kia.
"Chết rồi bà muốn hỏa thiêu không?". Tôi nghiệm ra câu hỏi này có tác dụng tốt với bất cứ ai. Người bị chất vấn chợt cảm thấy mình thật nhỏ nhoi, một vật thể cồng kềnh có ngày phải phế thải. Nó còn có công hiệu kích thích, đặc biệt trong những trường hợp gần gũi tính dục.
"Anh muốn nói gì đây?",
"Một nhà bệnh lý ngành tư pháp bảo tôi nếu hỏa thiêu thì đau đấy".
"Nói nhảm. Nhưng cũng có thể đau đôi chút ở một vài nơi hạn định"
"Vài nơi hạn định?"
"Này nhé, khi ta đốt cây diêm cho cháy hết, nó sẽ co quắp lại, gây một sức căng cực lớn trong chất liệu".
"Tôi có lần chứng kiến một đám hỏa táng công cộng ở Nê-pan, bên bờ một con sông". Tôi nói dối đấy thôi, thực ra tôi chỉ đọc trong sách. Nhưng tôi có thể hình dung đống củi đốt.
"Thế à. Mọi việc xảy ra như thế nào?",
"Cái sọ nổ tung. Tiếng gì mà to kinh thế. Như khi ta đốt một quả lật khổng lồ trong lò".
Bà không nín cười được, nhưng bỗng khựng lại. Ngoài kia nơi sân chơi - tôi không biết thời nay người ta gọi nó là gì - Arend Herfst và Lisa d'India đang đi qua, cả hai diện đồ thể thao. Chẳng có gì bất thường, lão Herfst chẳng là huấn luyện viên đội bóng rổ là gì. Phong thái chững chạc. Với nụ cười gắn trên môi, ông thi sĩ có gì giông giống con ấu trùng ban nãy.
"Con nhỏ có học với anh không?"
"Ừ. Có",
"Anh thấy nó ra sao?",
"Cô bé là niềm vui cho tuổi già của tôi". Tôi không hàm ý mỉa mai. Tuổi tôi cũng quá ba mươi còn gì. Hai chúng tôi chẳng thèm nhìn lão đàn ông, chỉ ngắm cô gái cạnh lão vừa đi vừa phân định lại cái không gian ngoài kia: cô bé bước đến đâu thì trung tâm sân chơi cứ dời đến đấy.
"Anh cũng mê nó?",
"Không". Sự thực là thế. Như tôi đã giãi bày trên kia".
"Lần sau mình đến nghe anh giảng bài nhé?".
"Chỉ sợ bà thấy nó chán phèo",
"Cái đó để mình tự xét lấy".
Tôi nhìn bà. Cặp mắt màu lục khuất một phần sau mái tóc đỏ như bức rèm lay động. Một đám sao tàn nhang.
"Vậy cứ đến giờ tôi giảng về Ovid. Tôi cũng giảng về biến hóa. Sẽ không có chuột biến thành thịt tro, biết đâu...".
Chiều ấy tôi nên đọc gì nhỉ? Phaethon, nửa trái đất đi trong biển lửa? Hay là ngõ ngách cái thế giới hắc ám dưới kia? Tôi cố mường tượng bà ta sẽ ngồi như thế nào trong lớp tôi, nhưng đành chịu.
"Tạm biệt nhé", bà ta nói và bỏ đi. Khi tôi trở lại phòng giáo viên tôi thấy bà đang nói chuyện có vẻ gay cấn với lão chồng. Cái nụ cười muôn năm của lão bây giờ pha thêm vẻ chế nhạo, và lần đầu tiên tôi thấy bà mất bình tĩnh. Chuyện trò thảm thiết như thế thì phải cởi bộ đồ thể thao ra chứ. Tôi muốn nói với lão như vậy nhưng tôi không bao giờ phát biểu những điều tôi nghĩ.
Cuộc sống là một gánh phân càng ngày càng đầy và nó dai dẳng bám theo ta cho đến cùng. Nghe đâu Thánh Augustin có lần nói thế nhưng tôi chưa có dịp khảo lại nguyên bản tiếng Hy Lạp. Tìm trong cuốn Confessiones thế nào chẳng có. Tôi đã quên bẵng bà ta từ lâu, chuyện xa xưa lắm rồi. Dấu vết buồn đau có chăng chỉ hằn trên nét mặt, chẳng còn gì lưu lại trong ký ức. Buồn đau là chuyện lỗi thời. Bây giờ chẳng ai thèm nhắc tới nó. Còn bị cho là mang hơi hướng tư sản là khác. Hai mươi năm rồi tôi chẳng buồn đau. Công viên trên này thật mát mẻ. Tôi thả bộ theo con công trắng (tại sao người ta chẳng đặt một tên chung cho tất cả động vật màu trắng nhỉ?) như thể đấy là việc quan trọng nhất trên đời này. Giờ đây tôi ngồi nơi bức tường tòa lâu đài, nhìn xuống thành phố, con sông, và biển từa tựa một cái đĩa đằng xa. Trúc đào, cây đại, nguyệt quế, những cây đu cao ngất. Một cô gái ngồi cạnh tôi hí hoáy viết. Cái chữ "giã từ" cứ bay lượn quanh tôi mà không sao nắm được. Cả thành phố này là một giã từ. Nằm ở mép rìa châu Âu, bãi bờ sau cùng thuộc Thế giới thứ nhất, nơi lục địa bị tỉa mòn cứ chìm dần xuống biển, tan mãi trong đám sương khói mênh mông nay đã thành đại dương. Thành phố này không thuộc về hôm nay, có gì sớm sủa nơi đây bởi vì nó đến sau. Cái bây giờ tầm thường chưa đến đây, Lisbon miễn cưỡng, vâng phải dùng từ ấy, thành phố cố trì hoãn giờ giã biệt, đây là nơi châu Âu giã từ với chính mình. Những bài ca ru ngủ, vài nét chấm phá điêu tàn, cái đẹp kỳ vĩ. Những hồi niệm, những hoán chuyển bị trì trệ. Làm sao tôi có thể ghi lại những điều này trong cuốn chỉ nam du lịch ký tên tiến sĩ Strabo. Với đám du khách nhẹ dạ thì tôi chỉ họ tìm đến những quán chơi nhạc Faldo, ăn những miếng saudade tiền chế. Hai ông nhà thơ Slauerhof và Pessoa tôi giữ cho riêng mình, dĩ nhiên tôi có nhắc đến họ, thế thôi, còn đám khách du lịch thì đã có quán Mourara, quán Brasileira... nơi có thể ngồi nhâm nhi một cốc cà phê. Tôi chẳng viết một chữ về những thay đổi tâm linh ở Pessoa, tay thi sĩ nghiện ngập, con người như làm bằng thể lỏng, đa diện ấy vẫn còn vất vưởng đâu đây trên những con phố Lisbon còn nguyên nét chói chang, thứ chói chang ảm đạm, còn để lại những dấu ấn vô hình ở những tiệm bán xì gà, những bến tàu, những bức tường, những quán rượu tối om, nơi ông và Slauerhof hẳn thường lai vảng nhưng chẳng hề biết nhau.
Cái "tôi" bằng thể lỏng ấy là đề tài tranh luận sau khi bà ta đến dự lớp học của tôi, lần đầu và cũng là lần cuối. Thực ra bà ta chẳng muốn nghe chuyện này tí nào, và tôi sẽ không bao giờ giải thích nổi mình muốn nói gì đây. Bài giảng bắt đầu với câu: Regio Solis erat sublimibus alta columnis... Metamorfosen, Biến hóa, quyển II, Maria Zeinstra ngồi đấy nhìn tôi,  trong khi Lisa d'India với giọng cao và trong, chuyển dịch: "Đền đài thần Thái dương là một tòa nhà cao với những cột trụ cao mờ xám...". Tôi đề nghị nên dùng từ "đứng sừng sững" để khỏi lập lại hai bận từ "cao", và "cao mờ xám" nghe không mát tai. Cô bé cắn mạnh môi như muốn bật máu và lặp lại: "Đền đài thần Thái dương đứng sừng sững với những cột trụ cao..." và chỉ về sau này, cái đầu óc Socrates ngu xuẩn của tôi mới nghiệm ra rằng cái thằng tôi tịt mù chẳng biết gì về mối tình chim chuột giữa cô bé với lão Herfst, và cô bé d'India thừa biết bà Zeinstra biết và bà Zeinstra thừa biết cô bé biết bà ta biết, trong khi tôi thao thao về fastigia summa, Triton và Proteus; Phaethon vừa hì hục trèo lên điện, vừa cố tránh đến gần ông bố Apollo bởi vì hắn không chịu nổi ánh sáng kinh hoàng phát ra từ ông Chúa Mặt Trời. Mù tịt về màn bi kịch đang diễn ra dưới hàng ghế học sinh, tôi cứ thao thao báo động tình hình nguy ngập của Phatheon. Ân hận chăng? Không. Quả thật không? Bất cứ thằng ngu nào cũng phải nhận ra nỗi lo âu trong đôi mắt d'India, và lúc này tôi còn thấy lại đôi mắt cô bé, đó là đôi mắt của một con nai bị trúng đạn; giọng cô bé vẫn trong, nhưng dịu dàng hơn mọi khi. Có điều là đằng sau cô bé còn một đôi mắt khác, và cứ nhìn vào đôi mắt ấy tôi thuật lại chuyện cậu con trai thần Thái dương có lần cưỡi xe ông bố đi chơi vòng quanh trái đất. Ngay từ đầu ta cũng đoán biết kết cục thảm thương đang chờ cậu quý tử của Appolo, xe vàng ngựa lửa rồi cũng đi đong. Đây là màn sở trường làm tôi nổi tiếng: tôi đứng trước lớp vung tay múa chân như một giáo sĩ đạo Hồi. Kìa cánh cửa đỏ tía của thần nữ Rạng Đông mở toang ra đón cậu con trai xấu số cùng với con ngựa quý yên cương dát đầy châu báu vào gặp thần Chết. Câu chuyện bi đát này được kể đi kể lại cả triệu lần nữa trong những câu thơ tám chữ ấy, nhưng tôi lại không biết gì về cái màn bi kịch tivi đang diễn dưới kia trong đó tôi sẽ dự vào sau này, nhưng lúc này tôi đang đóng vai một kẻ cưỡi xe tứ mã óng ánh vàng bạc châu báu lướt qua năm cõi nhà trời. Ông bố thần Thái dương Appolo dặn dò tôi những gì nhỉ? Đừng lên quá cao, nếu không mi sẽ châm hỏa đốt trời. Đừng xuống quá thấp nếu không mi sẽ hủy trái đất... Nhưng tôi đã bứt xa, bay rà qua không gian vang rền vó ngựa tiếng hí, dấy lên trận cuồng phong xé ngang những đám mây như dao cứa, và việc phải đến đã đến. Cỗ xe tuột khỏi quỹ đạo, ánh lửa phựt lên tứ tung, lũ ngựa cố bấu víu vào khoảng không, cái nóng như thiêu sém con Gấu lớn, và bóng tối cứ kéo tôi xuống, thế nào cũng rơi xuống thôi... Đất đai, núi non, tất cả bay vèo qua tôi như một mớ hỗn mang, lửa phát từ người tôi thiêu đốt bao nhiêu rừng núi, kìa con Bò Cạp khổng lồ toát mồ hôi độc đen sì giương đuôi cắn tôi, quả đất cháy bùng, ruộng vườn hóa thành tro trắng xóa, ngọn Etna phun lửa quất ngược về tôi, tuyết băng tan trên đỉnh núi, sông ngòi nổi sóng cuồn cuộn, và cùng với cái mệnh bạc của tôi kéo theo trái đất vô phương cứu gỡ, cỗ xe sáng rực nung đốt người tôi, dòng Euphrate xứ Babylon bốc cháy, dòng Nile kinh hãi trốn chạy cố tình che giấu cội nguồn, vạn vật khóc than rầu rĩ, cho đến lúc Thần Jupiter giáng xuống cú chớp vong mạng xuyên qua thân thể tôi, đốt tôi, bật tôi khỏi cỗ xe của sự sống, và trong khi đám ngựa chạy thoát, tôi như ngôi sao bốc cháy rơi xuống đất, thân thể tôi nổ tung giữa dòng sông cháy xì xèo, thi thể tôi như phiến đá cháy thiêu nằm đấy trong lòng nước...
Bỗng nhiên tôi nhận thấy lớp học trở nên thật yên lặng. Maria nhìn tôi, chưa bao giờ bà ta nhìn tôi như thế, và để lấy lại thế quân bình tôi quay lưng về phía mấy chục con mắt ấy, có cả cặp mắt màu lục, và tôi viết lên bảng mấy chữ mà lũ học trò chẳng cần nhìn lên có thể đọc ngay trong những cuốn sách trước mắt chúng.
HIC.SITUS. EST. PHAETHON.
CURRUS AUGURA.
PATERNI QUEM. SI. NON.
TENUIT. MAGNIS
TAMEN. EXCIDIT.
AUSIS
Đây là nơi yên nghỉ của Phaethon: Hắn cưỡi cỗ xe của lão Phoebus, tuy chẳng thành công nhưng ít ra hắn đã có gan dám chơi. Vần điệu chẳng ăn khớp vào đâu. Và tôi cũng lờ luôn đoạn nữ hải thần chôn cất tôi (chôn hắn mới đúng!), tại sao tôi làm thế chỉ có ông trời biết.
Lúc chuông reo, cả lớp biến như chớp, nhanh hơn mọi khi. Maria Zeinstra đến đứng gần bục giảng, hỏi tôi: "Lúc nào anh cũng dễ kích động thế ư?".
"Xin lỗi nhé".
"Có sao đâu. Còn hay là đàng khác. Câu chuyện thần kỳ, mình chưa hề đọc. Kết cục thế nào, còn gì tiếp theo?".
Tôi kể cho Maria về chuyện mấy chị em của Phaethon, những nàng Heliads, vì quá buồn đau về cái chết của Phaethon, đã hóa thành cây. "Cũng như con chuột của bà hóa thành ấu trùng trước khi hóa thành bọ",
"Một đường vòng vo. Nhưng hai chuyện khác nhau".
Tôi muốn kể cho Maria nghe màn hóa cây dưới ngòi bút Ovid được diễn tả tuyệt vời như thế nào. Trong khi các cô con gái đang hóa thân, bà mẹ cố tình ôm hôn các cô lần cuối, đưa tay bứt vỏ cây, nhổ cành lá mọc trên những khuôn mặt từ từ biến dần, trong khi những nhánh cây rỉ máu. Ôi đàn bà, cây, máu, hổ phách. Sao mà rắm rối thế.
"Tất cả những biến hóa trong chuyện tôi chỉ là ẩn dụ cho những biến hóa của bà đấy thôi",
"Của tôi?",
"Chứ sao, giữa thiên nhiên. Chỉ khác là không có thánh thần ở đấy. Chẳng ai có thể giúp mình, phải tự làm thôi",
"Làm gì",
"Biến hóa",
"Sau khi ta chết. Đúng. Nhưng lúc ấy đã có lũ bọ tiếp sức",
"Theo tôi thì phải tốn nhiều công sức lắm mới nghiền nổi thân xác chúng mình. Cứ tưởng tượng khối thịt tro sẽ lớn đến mức nào. Màu hồng đấy". Tôi tưởng tượng cảnh ấy. Bàn tay tôi quặp vào người, cái đầu triết gia tụt vào trong bụng.
Bà cười. "Việc này thì phải cần đội ngũ ruồi nhặng sâu bọ. Chúng cũng khéo nghề lắm đấy". Bà đứng đó. Bỗng nhiên tôi thấy bà ta thật trẻ, như cô bé mười bốn.
"Anh có nghĩ rằng còn có đời sống sau cái chết?",
"Không", tôi thành thực trả lời. Tôi muốn nói tôi chắc gì mình tồn tại thực sự, và cuối cùng tôi bật thành lời.
"Giời ơi, lại nhảm nhí nữa". Đúng là miệng, lưỡi miền bắc Hà Lan. Bỗng dưng bà nắm ve áo tôi. "Ta đi uống cái gì chứ?" Và cùng lúc bà dí ngón tay vào ngực tôi: "Và cái này đây? Nó có hiện hữu chăng?".
"Đó là thân xác tôi. Thông thái rởm. Socrates ơi, lâu nay mày có nghĩ được gì mới không".
"Ừ. Chúa Kitô cũng từng nói thế. Như vậy là anh thừa nhận nó có thật".
"Đúng vậy".
"Vậy phải gọi nó là gì? "tôi", "ta", "bản ngã", cái gì đây?",
Cái "tôi" của bà của mười năm trước? Hay của năm mươi năm sau?","Chỉ mong lúc ấy tôi không còn ở đây. Nhưng cứ nói toạc ra đi, anh nghĩ chúng mình là gì?".
"Một tổng hợp hoàn cảnh và chức năng biến thiên không ngừng mà ta gọi là "tôi". Phải nói làm sao bây giờ. Ta hành xử như nó bất di bất dịch, nhưng thực ra nó luôn luôn biến đổi, cho đến hồi phải phế thải. Nhưng ta vẫn tiếp tục gọi nó là "tôi". Như khẳng định cái tồn tại của thể xác".
"Ôi giời đất ơi!",
"Mình nói thực đấy. Cái thân xác ngẫu nhiên, mớ chức năng ấy đòi trở thành cái "tôi" chừng nào ta còn sống trên đời này. Như một công tác phải làm. Bà nghĩ sao? Đồng ý chứ",
"Anh hơi điên, nếu anh muốn biết tôi nghĩ gì. Nhưng anh kể chuyện hay hay. Bây giờ thì ta phải kiếm gì uống".
Cũng tốt thôi, bà ta cho tôi là một thằng già khá hài hước, nhưng anh chàng Phaethon cháy thành than của tôi đã gây ấn tượng tốt, rõ ràng tôi là kẻ sẵn sàng lao vào cuộc chơi, và bà đang có nhu cầu trả thù. Sở dĩ những vở bi kịch Hy Lạp có tầm vĩ đại là vì chúng không có chỗ để chứa những tình tiết tâm lý lẩm cẩm như thế này. Tôi cũng định nói với bà ta như thế nhưng tiếc thay, phần quan trọng trong các cuộc đối thoại là những điều ít khi được phát biểu. Đám hậu sinh chúng ta làm gì có đời sống thần linh, chỉ có đời sống tâm lý mà thôi. Chẳng có gì mà ta không biết, bởi vì ta mãi mãi là ban hợp ca một giọng.
"Điều tôi ghét nhất trong chuyện này là cái mẫu khuôn sáo của nó", bà ta nói. Dĩ nhiên tôi biết câu chuyện ở đây là mối tình chim chuột giữa ông chồng Herfst của bà và cô bé d'India, nhưng chắc gì bà ta đã đúng. Theo tôi sở dĩ nó trầm trọng là vì cung cách bí mật của cô bé. Cho dù những yếu tố kia quả có rập theo khuôn sáo cũ mèm: trẻ, đẹp, trò, thầy, nhưng chính cung cách bí mật đã tạo ưu thế cho cô bé.
"Anh hiểu mình muốn nói gì chứ?".
Vâng, có gì đâu mà không hiểu. Điều mà tôi chẳng hiểu là tại sao cô bé lại chọn một thằng tồi như lão Herfst, nhưng tôi dại gì nói ra. Cụ Plato đã từng nghĩ ra phương châm kỳ diệu: "Tình yêu ngự nơi kẻ đang yêu, không ở kẻ được yêu". Điều này sẽ bám suốt đời cô bé, nhưng dù cô có nhầm chăng nữa, đấy là quyền của cô. Với tôi mọi việc quá tốt, bởi vì lần đầu tiên trong đời tôi được gần gũi với cái gì từa tựa như tình yêu. Maria thuộc về hàng ngũ những người tự do, tự do là quyền đương nhiên, bà ta cứ phom phom bứt qua tất cả. Nhưng vì thế mà tôi cảm thấy lần đầu trong đời tôi có hệ lụy ít nhiều đến dân xứ Hà Lan này. Nhưng có mấy ai dám nói toạc như thế. Bà ta đứng yên, giữ tư thế nghỉ giữa một vũ điệu, chung quanh là bốn bức tường cao ngất với bốn ngàn cuốn sách của tôi. "Tôi chẳng thuộc dạng mù chữ đâu nhé. Anh sống một mình sao?",
"Với Dơi". Dơi là tên con mèo của tôi. "Bà không thấy nó đâu. Nó nhát lắm". Năm phút sau bà ta ngả lưng trên chiếc sôpha với con Dơi nằm trên người, ánh mặt trời cuối ngày làm mớ tóc đỏ càng rực lên gấp bội, hai thân xác người và mèo uốn éo, ầm ừ bỡn cợt với nhau, mặc tôi đứng đấy như một phần khúc giá sách nối dài, chờ tới phiên được nhập cuộc. Cho tới nay tôi chỉ quen thuộc với đám đàn bà nghiền sách, kiểu đàn bà hơi lập dị, từ hạng cả thẹn cho đến hạng hay nổi cáu, hết thảy đều đồng ý về cái sở đoản của tôi. "Thằng cha cứ tưởng gì cũng biết", hoặc "anh chẳng thèm đếm xỉa em có mặt đây hay không" là những than phiền thường lệ, hoặc "sao lúc nào cũng phải chúi đầu vào sách?" và "có bao giờ anh nghĩ đến kẻ khác không nào?". Có chứ, nhưng vào những lúc ấy tôi không nghĩ đến họ. Hơn nữa, tôi cần chúi đầu vào sách, bởi vì xét cho cùng, trong sự chung đụng với số lớn người khác, một khi những điều ta tiên liệu đến hồi kết cục, còn có gì để mà nói với nhau. Và tôi đã trở thành bậc sư trong cái nghệ thuật làm cho người ta chuồn nhanh, và cứ thế sàng lọc chỉ còn lại một số ít đồng loại thuộc phái nữ cùng chia sẻ lối nghĩ như tôi. Trà nước, cảm thông, giải quyết nhu cầu, và sau đó chỉ có việc lật sách đọc thôi! Một người đàn bà tóc đỏ với kiến thức bác học về lũ bọ đào mồ và buồng trứng chắc chắn không thuộc về loại này, nhất là khi bà đang đùa bỡn với con mèo của tôi trên chiếc đivăng, ưỡn ẹo nào bụng, nào ngực, hai tay duỗi ra, cặp mắt màu lục cười cợt, kéo tôi lại gần, gỡ cặp kính tôi ra, cởi bỏ quần áo (xét theo màu sắc đổi thay qua thị giác nhạt nhòe của tôi), miệng lầm bầm những gì tôi chẳng hiểu. Và đêm ấy có lẽ tôi đã nói những điều người ta thường nói trong tình huống tương tự. Tôi chỉ biết tất cả đang đổi thay liên tục, có cái gì đấy giông giống hạnh phúc!
Xong đâu đấy tôi có cảm giác mình vừa thành công bơi qua bể Manche, tôi đeo kính vào và chỉ kịp thấy bà ta vẫy tay tạm biệt. Dơi nhìn tôi như hắn sắp há mồm nói thành lời. Tôi cạn nửa chai Calvados, chơi bản Ritorno d'Ulisse in patria, Ulysse quy cố hương, cho đến khi láng giềng tầng dưới lục đục phản đối. Hồi tưởng về nhục dục là thứ hồi tưởng mong manh nhất, vì ngay khi nhục dục còn manh nha là một ý tưởng, nó đã tự mâu thuẫn với mình: nó không có ở đấy, như vậy không thể có được. Tôi nhớ rằng đêm ấy tôi đột xuất thấy tôi một mình trong một khối vuông, quanh tôi là những kẻ vô hình khác cũng trong những khối vuông sàn sàn kế nhau, với hàng chục ngàn trang giấy ghi lại những cảm xúc tương tự nhưng riêng rẽ của những nhân vật có thật hay giả tưởng. Tôi đã làm chính tôi xúc động.
Chẳng bao giờ tôi sẽ viết được một trang như thế, nhưng cảm xúc về những giờ phút trải qua vẫn còn mãi trong tôi. Bà ta đã cho tôi thấy một khu vườn tôi chưa hề được đặt chân đến. Dù tôi vẫn chưa xâm nhập vào tận trong, nhưng ít ra tôi đã thoáng thấy nó. Tôi đã nghe nó. Bà đã thốt ra thứ tiếng không thuộc thế giới này, ít ra tôi chưa từng được nghe một lần. Đó là tiếng trẻ thơ, cũng là tiếng đớn đau không thể nào tả được. Dù nó từ đâu đến, nơi ấy ta không thể sống nổi.
Buổi tối trong hồi tưởng, buổi tối ở Lisbon. Thành phố đã lên đèn, tầm mắt tôi hóa thành cánh chim la đà trên những con phố. Trời trở rét, và ở trên kia những khu vườn vắng hẳn tiếng trẻ con. Tôi nhìn những bóng thẫm của từng đôi tình nhân, như những bức tượng ôm chặt vào nhau, những hình nhân hai đầu vật vờ chuyển động. Lửa biến hóa vật thể, tôi lẩm bẩm, nhưng chẳng cần ngọn lửa nào hóa thân tôi, vì thân tôi đã hóa rồi. Chung quanh tôi có gì cháy mềm, đó đây nhấp nhô những hình - hài - hai đầu khác, và tôi là một trong những hình hài ấy, nhưng đã lâu tôi mất mái tóc đỏ, phân nửa đàn bà của hình hài đã vỡ, còn lại tôi chỉ là mớ tro tàn, một chứng tích. Lý do tôi có mặt nơi đây, trong chuyến đi tự nguyện nửa vời này, phải chăng là cuộc hành hương trở về những ngày xưa ấy, và nếu quả thật thế, tôi là một kẻ ngoan đạo thời Trung cổ đi qua những địa đầu trong cuộc đời thánh thiện ngắn ngủi, thăm lại những chặng đường Thập đạo gian khổ, nơi quá khứ còn mang một khuôn mặt. Như những ánh đèn thành phố dưới kia, tôi đi xuống tìm con sông, một dòng đen thẫm, thênh thang, đầy bí ẩn, những vệt sáng lung linh lan dài trên nước như những dòng lân tinh viết trên bảng đen. Thuở ấy bà ta thích đáp những chuyến phà, giữa cái rộn ràng của đi-và-đến. Có khi thành phố biến đâu mất, chỉ còn những ngọn đồi và bến tàu phía bên kia sông, chúng tôi có cảm giác chúng tôi là một phần của sông nước, hai đứa điên khùng lông bông giữa đám thợ thuyền, chúng tôi không còn thuộc về thế giới thực, chúng tôi là một phần của con nắng chém ngang mặt sông, của ngọn gió níu kéo vạt áo người đàn bà. Chính bà ta đề nghị chuyến đi Bồ Đào Nha này, bà đã mời tôi. Chúng tôi hẹn sẽ không đi cùng, bà phải dự hội thảo về sinh học ở Coimbra, rồi sau đó ghé chơi Lisbon vài hôm. Tôi hẹn gặp bà ở đấy.
"Và ông chồng?".
"Dự giải bóng rổ".
Tôi hiểu chuyện trả thù nhờ đọc Aeschylos, còn về bóng rổ thì phải thú thực là tôi mù tịt. Vì muốn có Maria cạnh bên, tôi phải chịu đựng hình bóng ông chồng thi sĩ mặc đồ thể thao bám theo. Và khi đã mắc vào lưới tình thì tôi chẳng kể gì về chuyện ăn chuyện uống: từng khay quả kế, từng vại dấm, cứ thế nhậu tuốt. Đêm đầu tôi đưa bà tới nhà hàng Tavares trên đường Misericordia. Bên trong trang trí như cái tủ chạm trổ, dát vàng với hàng ngàn tấm gương đặt khắp nơi. Tối nay tôi lại tìm đến đây, không phải để tự hành xác mình như kẻ thông dâm, mà để kiểm chứng lại. Tôi muốn thấy lại tôi, và quả thật mình đang có mặt ở đây, được chiếu đi chiếu lại trong cánh rừng gương xô đẩy hai cái vai tôi tận mãi xa, ánh sáng những cây đèn treo lóng lánh trong mấy ngàn con mắt đeo kính. Đám bồi hộ tống tôi tới bàn, hàng chục bàn tay thắp lên hàng chục cây nến, một tá thực đơn và mươi cái cốc, và sau khi đám bồi đã đi khỏi, tôi thấy tôi ngồi đó một mình, như đã tự bao giờ, tha hồ nhìn mình dưới bao nhiêu góc cạnh. Nhìn sau lưng sao mà chán thế, nhìn nghiêng khuôn mặt có vẻ gì phản trắc, cả ngàn cánh tay chúi vào một cái cốc, cả nghìn cái cốc. Nhưng bà ta không có ở đây. Nhìn tấm gương kia cũng hoài của, không giữ lại được gì, kẻ sống lẫn người chết, chúng chỉ là những nhân chứng khai man, cái trang trọng bằng gương ấy chỉ làm ta thêm buồn nôn.
Tôi nhớ cảnh bài trí lúc ấy đã có tác dụng khích động thật sự. Bà nghiêng đầu, điều chỉnh tầm nhìn, ngắm nghía thân thể mình với cung cách chỉ có ở đàn bà, bà ngắm mình như người khác đang ngắm bà. Tất cả những người đàn bà tóc đỏ kia sẽ ngủ với tôi đêm ấy, ngay cả người xa nhất khuất trong bóng gương, những vệt sáng màu đỏ chói chang giữa cánh đồng đen thẫm lô nhô đám bồi bàn, và tôi thấy tôi càng bé đi, và khi bà ta đặt tay lên tay tôi, những bàn tay mềm mại phớt qua hình ảnh lúc ấy, trong cái nhìn của bà tôi không còn nữa. Tầm vóc tôi nhòa phai trong khi bà cứ lớn dần, nuốt tươi những cái nhìn hau háu của đám thực khách, lũ bồi bàn, chưa bao giờ bà ta sinh động đến mức ấy. Những mảng gương đầy ắp hình ảnh bà lúc ấy, và tôi ngỡ còn thấy lại bà, nhưng bà không còn đây. Đâu đó trong cái phần mềm chất chứa ký ức sau cái trán nhẵn bóng của gã đàn ông đang nhìn tôi trong gương, bà ta vẫn còn đấy, chuyện trò, cười đùa, ăn uống, tán tỉnh với đám bồi bàn, người đàn bà với hàm răng, chao ôi, trắng quá đến nỗi khi chúng tiếp cận với rượu port thì cứ như cắn vào miếng thịt. Vâng, tôi quen người đàn bà ấy, thuở bà ta chưa trở thành kẻ xa lạ sau này. Chúng tôi dạo chơi tối hôm ấy, và cho dù hai mươi năm đã trôi qua, tôi chẳng cần những mẩu vụn bánh mì để tìm về lối cũ, tôi chỉ việc lần theo đoạn đường đam mê. Tôi muốn xem cái kiến trúc lạ kỳ Praca do Comercio, với hai cột trụ vươn lên cao giữa con nước vỗ sóng, như cánh cổng thông ra đại dương, thế giới ngoài kia. Tên tuổi nhà độc tài còn khắc ở đấy, nhưng lão ta đi mất từ lâu, mang theo cái đế quốc cổ lỗ của lão, còn đây sóng nước vỗ mòn dần cột trụ. Bạn có thể theo dõi những thời động từ trong câu chuyện này? Tất cả đều thuộc thời quá khứ, tôi lại lẩm cẩm rồi, xin lỗi nhé. Nhưng tôi còn đây, thời quá - khứ - chưa - hoàn - thành nhìn lại thời - quá - khứ, thời - quá - khứ - đơn chơi vơi giữa thời quá - khứ - xa. Thời - hiện - tại dùng đây là một sơ hở, áp dụng cho bây giờ, cho bạn, dù bạn là kẻ khiếm danh. Dù sao chúng mình vẫn còn đây.
Tôi ngồi chỗ chúng tôi đã từng ngồi, và hồi tưởng về bà ta, nhưng bà cưỡng lại. Một mớ từ ngữ bất lực phe phẩy qua đầu, giằng co nhau, cố bắt lại cái màu tóc thủa ấy: màu son, màu quả lật, màu huyết dụ, màu đỏ hồng, màu han gỉ, nhưng chẳng màu nào nắm bắt được cái màu đỏ đã biền biệt sau khi chúng tôi xa nhau. Dù vậy tôi vẫn cố tìm lại chút gì còn ghi hình dáng bà, như cần phải thảo một hiệp định thư chính thức nơi chúng tôi giã biệt nhau. Nhưng rồi cũng hoài công, rồi tôi cũng nhận ra bên cạnh tôi không có ai, trống vắng như cái ghế cạnh bức tượng nhà thơ Pessoa trước mặt quán Brasileira ở phố Garret. Ít ra ông nhà thơ đã tự chọn cho mình cái cô đơn, bởi nếu có ai ngồi cạnh ông thì cũng không ai ngoài ông ta, một trong ba cái bóng của ông, âm thầm hẹn nhau say tít trong hầm rượu phía sau, giữa những đám ghế cao bọc da gắn những nút đồng, những tấm gương làm méo mó những từ đồng âm khác nghĩa, đền đài Hy Lạp chờn vờn trên tường, và mãi đằng sau trong căn phòng hẹp, chiếc đồng hồ khổng lồ (do bàn tay sáng tạo của A.Romero) uống mãi thời gian, như những tay nhậu cạn mãi thứ rượu ngọt chết người màu thẫm từ những cái cốc trắng bé tí teo. Tôi cố nhớ lại chúng tôi đã nói những gì đêm ấy, và nếu ký ức tôi chưa tồi lắm, chúng tôi chẳng trăng cuội gì với nhau, chúng tôi ngồi thừ ra giữa những người còn ngồi đây đêm nay, anh bán vé xổ số ngủ vùi, vài tay thuỷ thủ thì thào ngoài bến, gã đàn ông với cái rađiô vặn thật nhỏ, hai cô gái tâm sự với nhau. Không, đêm nay không trả về chữ nghĩa ngày xưa ấy, chúng vất vưởng đâu đây, chúng đã bị đánh cắp cho những cái mồm khác, cho những dòng chữ khác, chúng trở thành mẩu tin báo chí, tờ thư... cũng có thể chúng dạt vào bến bờ nào bên kia thế giới do nước triều đưa đẩy, rỗng tuếch, vô nghĩa.
Tôi đứng dậy, đưa ngón tay mò những con chữ khắc đã mòn nhẵn trên cột trụ, những con chữ ngợi ca cái đế quốc sẽ tồn tại muôn đời, tôi nhìn dòng nước xuống dần trong bóng đêm, để lại đằng sau thành phố như bộ xương nằm ngủ, cái vỏ trong đó tôi có thể chui vào trú thân, thảng như cái giường của tôi không nằm ở một thành phố khác, cạnh một bờ biển xa vời về hướng bắc. Người gác dan ca đêm chào tôi như anh từng thấy tôi hôm qua, hôm kia, và không đợi hỏi han gì, trao ngay chìa khóa phòng cho tôi. Tôi không bật đèn lên mà cứ mò mẫm trong bóng tối như đột nhiên bị mù. Tôi không muốn nhìn mặt mình trong gương, và cũng chẳng buồn đọc sách. Chữ nghĩa thừa thãi lúc này. Tôi ngủ trong bao lâu tôi cũng chẳng biết. Một lần nữa tôi có cảm giác một sức mạnh vô song kéo tôi, dòng nước cuốn tôi theo, một thằng bơi tồi như tôi không thể nào cưỡng nổi, một con sóng cuồng quẳng tôi xuống một bãi bờ vắng vẻ. Tôi nằm yên, nước nhỏ từ mặt tôi, và qua những giọt lệ ấy tôi bỗng thấy mình đang nằm trong phòng ở Amsterdam. Tôi ngủ,5 đầu tôi dằn qua vật lại, và tôi khóc hoài, mảnh báo NRC còn nằm trong bàn tay trái. Tôi nhìn cái đồng hồ báo thức Nhật Bản lúc nào cũng đặt cạnh giường. Thời gian có nghĩa gì khi thời gian vẫn đứng yên đấy. Vẫn giờ giấc ấy khi tôi đi ngủ. Cái hình thù đen đen dưới chân tôi hẳn là con mèo có tên Cú đêm, kẻ đến sau Dơi. Tôi thấy người đàn ông ở Amsterdam đang muốn tỉnh dậy, gã lăn qua vật lại, bàn tay phải mò tìm cặp kính, nhưng gã chẳng phải là kẻ bật đèn lên, mà là tôi, ở đây, thành phố Lisbon.
Ta nghĩ nó là đây,
Không phải nỗi lo âu về cái chất thể xác Mà là những phập phồng không bút nào tả xiết
Của tâm linh huyền bí dìu ta Chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác.
Cứ từ từ thế nhé,
Đâu sẽ vào đấy con ơi.
Vladimia Nabôkop

*

(1) Đơn vị tiền tệ của Hà Lan.