Đêm không trăng, chỉ có những vì sao đang nhấp nháy. Sương muối từ trên trời rơi xuống đã đọng thành giọt trên lá nguỵ trang và thấm lạnh vào các chiến sĩ. Đoàn quân vẫn giữ đội hình hành quân chiến đấu ngồi dải rọc bờ sông, phía cuối là các đại đội trợ chiến, và trên đầu là những đại đội khinh binh cùng với tiểu đoàn bộ. Sau năm ngày đêm diễn tập liên tục trên thao trường đồng nước, ăn vội bữa cơm chiều ngay trên trận địa, rồi vội vã hành quân một mạch hơn hai mươi cây số đến đây, quần áo còn bê bết bùn đất, các khuôn mặt xạm lại, ráp bụi và các cặp mắt thiếu ngủ chỉ rình lúc nghỉ là díp lại.
Tiểu đoàn đến sát bờ sông đã khá lâu. Những "ông vua ngủ" nổi tiếng xưa nay đã gục đầu vào lưng người ngồi trước đánh một giấc, mặc kệ gió bấc bốc hơi lạnh từ mặt nước sông Trà, bàng lạc hơi sương lùa vào da thịt. Dăm ba chiến sĩ vào loại kỳ cựu của tiểu đoàn cũng đã sốt ruột, tức mình ngủ gà ngủ gật, có anh đột nhiên bổ choàng xuống làm trò chơi cho các bạn chế diễu: "Thôi, bố nó lại mê thấy bà lão ở nhà rồi!....." Nhưng, phần lớn tiểu đoàn đều đang thức. Khắp nơi, các tổ, các nhóm đang tranh thủ ôn luyện khoa mục tập bắn đêm. Tiếng gió và tiếng nước không át nổi tiếng cơ bẩm lên xuống kêu lách cách. Và, các lá cờ thi đua buộc ở các đầu nòng súng vẫn bay phần phật, mầu đỏ tươi ban ngày sẫm lại trong đêm.
ở tít trên đầu hàng quân, tiểu đoàn trưởng Vượng đang phàn nàn với Liêu chính trị viên tiểu đoàn:
- Giáo án mình chuẩn bị một đằng, các ông ấy duyệt rồi, bây giờ lại ra lệnh một nẻo, có chết người ta không. Trời vừa rét, vừa tối, đêm hôm khuya thế này, lấy gì cho bằng này con người lỉnh kỉnh súng nhớn súng bé sang sông bây giờ?
Đoạn, Vượng giằng lấy máy nói trong tay Liêu, tấm lưng rộng như một cánh phản nặng nề cúi xuống, cố kìm cho giọng khỏi gắt:
- A-lô! Sông Thao! Sông thao đâu rồi! Báo cáo Sông Thao! Tiểu đoàn 1 đã đến đê sông Trà từ 23 giờ. Bay giờ gần 24 giờ rồi, thế mà vẫn không thấy công binh bắc cầu phao và đem xuồng máy đến như đã ghi trong giáo án. Đề nghị cho chỉ thị!
Cùng một lúc, Vượng và Liêu nghe giọng nói miền Trung chậm rãi của trung tá đoàn trưởng từ bên kia đầu dây:
- Tình huống mới như sau: Công binh sư đoàn đã bắc xong cầu phao từ lúc 19 giờ. Nhưng cầu đã bị máy bay quân xanh tập kích phá huỷ. Các xuồng máy chuẩn bị cho tiểu đoàn các đồng chí thì sư đoàn điều đi làm nhiệm vụ khác cần kíp hơn, chưa biết đến bao giờ mới về. Quyết tâm của trung đoàn là: Tiểu đoàn 1 tìm đủ mọi cách tích cực vượt sông trong đêm nay và hoàn thành nhiệm vụ thay phiên cho tiểu đoàn bạn.
Vượng hỏi lại:
- Nhưng mà...Nhưng mà... Báo cáo Sông Thao! Theo tưởng định thì nhân dân ven sông đã tản cư hết!
- Gặp trường hợp tác chiến thuật, các đồng chí sẽ xử trí thế nào? Cần thì xét lại ngay cả giáo án cho thích hợp với tình hình mới. Tôi nhắc lại mệnh lệnh chiến đấu: "Tiểu đoàn đồng chí phải vượt sông trước bốn giờ sáng".
Vượng trả máy cho đồng chí liên lạc lo lắng hỏi Liêu:
- Làm thế nào bây giờ, Liêu?
Tầm mắt Liêu đang lượt qua hàng quân, xuyên qua cánh đồng ruộng và dừng lại ở vệt mờ mờ xa tít của luỹ tre làng Trà Giang. Anh thầm ước lượng khoảng cách từ đê đến làng lẩm nhẩm tính toán, rồi quay lại nói với Vượng:
- Hay là, ta cứ vào các thôn ven sông mượn thuyền?
Đây là lần thứ hai Liêu đưa ra ý kiến như thế. Nhưng cũng như lần trước, Vượng gạt phăng:
- Đã bảo là không được mà, ông chính trị ơi! Sao lại mượn thuyền của dân? Trong tưởng định đã ghi rõ là các thôn Trà Giang, Trà Sơn, Trà Thuỷ và Trà Bình đều đã bị phi pháo quân xanh bắn phá tan nát, nhân dân tản cư hết về hậu phương rồi thôi. Sau này, nếu chiến tranh xẩy ra, chắc cũng thế thôi, nhân dân nào dám ở lại sát mặt trận?
Tai Liêu nghe Vượng, nhưng tâm trí Liêu để ở nơi khác. Anh đứng ghếch chân lên một mô đất, một khuỷu tay chống trên đầu gối, bàn tay đỡ lấy cằm, vòng lá nguỵ trang toẻ ra như một chiếc quạt lớn trên lưng, hai con mắt nhỏ nhíu lại thành hai vệt dài dưới chiếc trán hói, đăm đăm nhìn dòng sông. Là một cán bộ đã lăn lộn trên nhiều chiến trường trong thời kỳ kháng chiến, thế mà từ khi quân đội ta bước vào xây dựng chính quy hiện đại đến nay Liêu luôn luôn cảm thấy mình như một người sức yếu phải gánh nặng trèo dốc. Nhiều đêm Liêu thao thức suy nghĩ về trách nhiệm của mình. Anh tự hỏi: "Gác cuộc sống riêng tây của mình lại một bên, hiến dâng tất cả cho quân đội và cho chủ nghĩa xã hội đã đủ chưa, rồi tự trả lời: "Chưa đủ". Với người cán bộ thì chưa thể nào đủ được. Người cán bộ lãnh đạo còn phải biết suy nghĩ, biết tìm tòi, biết bắt trí óc mình luôn luôn làm việc như tiểu đoàn trưởng Mô mích, biết dựa vào ánh sáng của Đảng mà tìm cho ra, nắm cho chắc bí quyết xây dựng quân đội, và tác chiến chính quy hiện đại. Nếu không tự mình suy nghĩ tìm tòi, thì có khác gì chiếc đèn kia phải nhờ tay người luôn luôn rót dầu cho mới sáng được!....ấy vậy, đêm nay gặp khó khăn, Liêu đăm chiêu nhìn dòng sông tự hỏi lại sao bỗng dưng trung đoàn thay đổi giáo án diễn tập của tiểu đoàn? Tại sao Vượng một hai khăng khăng không đồng ý vào làng mượn thuyền cho đơn vị sang sông? Liêu mê mải nhìn dòng sông: sông Trà rộng mênh mang, nước triều đang lên, sóng vỗ rì rào vào bờ, thỉnh thoảng một tảng đất lớn lở ụp xuống, sủi bọt và biến mất trong vực thẳm. Dòng sông cuồn cuồn trôi xuôi trong cuộc hành trình vô tận. Bất giác, trong tâm trí Liêu một kỷ niệm cũ cũng từ từ trôi giống như một cuốn phim ngắn....
Tám năm trước, trong trận càn Trái bưởi, trung đoàn Liêu cũng đã vượt sông Trà ở quãng này, trong một đêm giá lạnh như đêm nay. Giặc đem hơn hai vạn quân và ba thuỷ đội vây dầy đặc mấy lớp, ép trung đoàn vào sông để tiêu diệt. Các bến đò mà trung đoàn chuẩn bị địch chiếm đóng, thế nhưng cả trung đoàn đã sang sông, đem theo hết vũ khí, thương binh, tù binh, như một chuyện thần kỳ. Trong tâm trí Liêu, cảnh các xóm thôn bốc cháy hiện rõ ra mồn một. Những lưỡi lửa đỏ như máu liếm trên những nóc gianh hiền lành đến bây giờ vẫn còn làm quặn đau lòng người. Nhưng, các chiến sĩ du kích đã nuốt nước mắt vào bụng và từ trong các làng đội thuyền đi ra; các cụ và các mẹ, các chị đã gác đau thương mất mác của mình lại một bên và nghiến răng phạt ngã những cây chuối đang trổ buồng, giật cả cột nhà của mình xuống, bí mật xếp từng đống rải rác ven sông đón bộ đội và bà con đồng bào, đồng chí. Trùm lên tất cả là hình ảnh một du kích tên là Sang. Thuyền Sang chở Liêu và thương binh ra đến giữa dòng thì đạn đại bác địch bỗng đâu ào ào rót xuống phía trước, phía sau và hai bên con thuyền cũ kỹ. Mọi người cúi rạp xuống lòng thuyền, nghe nước ụp xuống lưng, riêng Sang vẫn đứng trơ trơ phía lái, không nói một lời, chèo thuyền vượt sông rộng. Lên đến bờ, Liêu và các chiến sĩ mới biết Sang bị một mảnh chém một vết sâu hoắm giữa trán, máu chảy ròng ròng xuống mặt. Người du kích không nói một câu, lặng lẽ bế thương binh lên bờ, giơ tay quệt vội máu trên mặt, rồi lao sào, nhảy vút xuống thuyền trở về bên kia sông tiếp tục chở thuyền khác...
"Có thật thế không? Có thật là trong chiến tranh hiện đại những người du kích như Sang tản cư hết cả hay không?" Liêu cắn môi, tự hỏi mình như vậy. Một lúc anh quay lại nói với Vượng:
- Tôi đề nghị họp tiểu đoàn uỷ bất thường.

*

°
Sau nửa giờ bàn cãi, theo đề nghị của Liêu, tiểu đoàn uỷ tiểu đoàn 1 quyết định sửa lại giáo án, cử người vào mấy thôn ven sông mượn thuyền, đồng thời các chi bộ họp bàn lãnh đạo bộ đội tự lực vượt sông. Vượng gọi dây nói báo cáo về trung đoàn. Anh bực dọc đặt mạnh máy xuống, xốc lại khẩu súng ngắn và đi xuống đại đội. Vừa được mấy bước anh sầm sầm trở lại nói với Liêu:
- Tiểu đoàn uỷ quyết định và trung đoàn thông qua, tôi xin cố gắng chấp hành. Nhưng chưa thông đâu. Thời buổi vệ tinh nhân tạo và tên lửa vượt đại châu này mà lại vượt sông bằng mấy chiếc thuyền bẹp thì còn ra thể thống gì nữa? Lại còn dân quân, hoà bình rồi, các đồng chí đừng tưởng họ cứ "có ngay" cho mình như ngày cònkháng chiến.
Liêu đút sổ tay vào túi, đứng dậy. Đêm về khuyu, càng buốt giá. Gió lồng lồng từ mặt sông lùa vào làm Liêu rùng mình. Liêu nói với bạn:
- ừ, đang ngủ ấm chỗ mà phải dậy kể cũng ngại thật. Nhưng mình đánh cuộc với cậu là anh em dân quân sẽ vui lòng giúp đỡ chúng mình nếu ta khéo nói cho anh em rõ ngọn ngành.
Bỗng nhiên, hình như lẫn trong tiếng gió có tiếng mái chèo vỗ nước. Liêu ngênh đầu lắng nghe rồi quay hẳn mặt lại: Giữa dòng có một cái gì đen đen đang to dần trong sương. Mấy phút sau Liêu đã nhìn rõ một con thuyền đang nhấp nhô đè sóng lao vút vào bờ. Thuyền áp mạn. Một bóng người to lớn nhẩy phốc lên bờ, hất chiếc thuyền nhô lên đầu, xăm xăm trèo lên đê.
- Ai! Đứng lại! - Tiếng đồng chí gác quát lên.
- Ai! - Bóng đen dõng dạc hỏi lại như thế. Rồi như đã nhận thấy hàng quân, người ấy dừng lại, reo lên một tiếng vui vẻ:
- A! Hoan hô các đồng chí bộ đội! Tôi đây. Tôi là thôn đội trưởng Trà Giang đây mà!
Liêu mừng quá, chạy vội đến gặp đồng chí thôn đội trưởng. Anh bấm đèn soi: Một mớ tóc bù xù xoã xuống tận mắt người cán bộ dân quân, trời lạnh thế mà người anh đẫm mồ hôi, chừng có việc gì vội.
Liêu hỏi:
- Đồng chí đi đâu đêm hôm khuyu khoắt thế?
Thôn đội trưởng chìa cho Liêu xem một gói nhỏ:
- Chả nói dấu gì các đồng chí, bu cháu ở nhà trở dạ đã hai ngày nay chưa đẻ được. Lúc chập tối anh y tá xã bảo đi mua thuốc tận chợ huyện bên kia sông. Xa quá, nhưng mua được thuốc rồi đây. Thế các anh cũng sang sông à?
Trong giây lát, Liêu ngập ngừng tự hỏi, không biết có nên nói rõ cho đồng chí thôn đội trưởng biết khó khăn của tiểu đoàn và nhờ đồng chí ấy giúp đỡ hay không? Thuyền của đồng chí thôn đội trưởng nhỏ quá, tiểu đoàn mình cần đến mượn chiếc thuyền to mới đủ...Lại còn việc vợ đồng chí ấy...ở vùng quê hẻo lánh này tìm đâu ra thầy thuốc giỏi, ấy thế mà tiểu đoàn lại có quân y sĩ... Có nên cử đồng chí quân y sĩ đi ư?... Như thế có phạm vào quy tắc diễn tập, có thực sự thực tế hay không?...
Vượng có bằng lòng hay không?... Liêu xoay tròn chiếc đèn bấm đã tắt trong tay, nhìn qua vai đồng chí thôn đội trưởng vừa nghĩ, vừa thấy nước sông Trà chảy xiết, bờ bên kia tối mù mịt.
May quá, Vượng đã đến.
Vừa nghe Liêu kể vắn tắt câu chuyện, Vượng đã vung tay mạnh, lắc đầu:
- Không! Không được! Đã có dân y!
Nhưng liền sau đó Vượng nói tiếp, giọng rầu rĩ:
- Nhưng mà....dẫu sao cũng phải cứu sống hai mạng người. Liêu ạ, mình đồng ý với cậu. Cử ngay đồng chí quân y sĩ đi. Bảo đồng chí ấy nhớ đem đủ thuốc men, dụng cụ. Giục đồng chí ấy nhanh chân lên một chút. Có gì sang sông sau đơn vị cũng được.
Liêu thở phào nhẹ nhõm, đôi mắt nhỏ đang cau lại vì tức bực từ từ dịu lại. Anh thầm cảm ơn Vượng và đưa hai bàn tay nhỏ nhắn của mình nắm chặt lấy hai bàn tay to lớn của đồng chí thôn đội trưởng:
- Đồng chí chịu khó chờ một lát. Đồng chi quân y sĩ của chúng tôi sẽ đi theo đồng chí, may ra có giúp được cho chị ấy ở nhà không. Tiện thể, chúng tôi cử thêm mấy đồng chí nữa vào gặp ông thôn đội phó nhờ huy động thuyền. Còn đồng chí thì đang có việc nhà, chúng tôi không dám phiền. Chỉ có là: Nếu tiện thì đồng chí cho chúng tôi mượn chiếc thuyền kia, sang sông xong chúng tôi sẽ trả.
Đồng chí thôn đội trưởng trà Giang nói:
-Vâng thuyền đây các đồng chí cứ dùng và các đồng chí cứ yên chí, thế nào chúng tôi cũng huy động đủ thuyền để đơn vị sang sông.
Khi đồng chí thôn đội trưởng đã tất tả đi xuống cánh đồng, Vượng xem đồng hồ, nhìn theo và chép miệng:
- Gần một giờ sáng rồi. Về lại quấn với vợ có mà huy động...
Đồng chí quân y và đồng chí thôn đội trưởng Trà Giang đi được chừng non một giờ thì từ phía làng xa có nhiều tiếng chó sủa đến bờ sông. Tiếng sủa ran mãi, ngày một gấp. Đứng trên đê nhìn xuống, thoạt đầu Liêu thấy vài ba ánh lửa. Sau đó ánh đuốc nhiều mãi ra, khi thì bùng cháy to, khi thì như đột nhiên biến mất, lập loè, lập loè, khi thì lừ lừ, khi thì tất tả trong đêm, giống như những chiếc hoa lửa. Những chiếc hoa lửa ấy tản ra các ngả, tìm nhau, chúc sà sà xuống thấp, hoặc vung vẩy trên cao vẽ thành từng đường ngoằn ngèo sáng trong đêm tối. Từ các làng xa, ánh đuốc sáng chói trong lòng Liêu và các chiến sĩ.
Và, vừa kịp giờ quy định, tiểu đoàn một quân đỏ sẵn sàng vượt sông.
Gần một trung đội dân quân nam nữ đã đội thuyền băng đồng đến với tiểu đoàn. Những chiếc thuyền to đen trùi trũi úp chụp trên đầu họ nối nhau trèo lên, đi xuống bãi cát, rồi hạ thuỷ, bồng bềnh một hàng ngang trên mặt nước, mũi hướng về bên kia sông, nơi mà - theo tưởng định diễn tập - tiểu đoàn 5 trong đoàn bộ binh 28 quân đỏ bố trí trên trận địa thứ nhất đang chờ tiểu đoàn một đến thay phiên.
Các pháo thủ bế thốc các hòm đạn và huỳnh huỵch khênh hoả khí xuống thuyền. Các con thuyền nan tròng trành, tròng trành. Nhưng ở phíalái, các chiến sĩ dân quân đứng giạng chân chèo dã ghìm chèo ép chặt chúng vào bờ; bóng họ đen sẫm, nổi bật trên sông nước như che lấp cả những chùm sao trên trời cao. Các khẩu đội có nhiệm vụ yểm hộ đã hướng nòng về phía mục tiêu trên trận địa quân xanh, các pháo thủ đều ở vị trí chiến đấu, các khẩu đội trưởng đã tính toán xong độ bắn, góc, tà...và đã đứng uy nghi ở vị trí chỉ huy, cờ đỏ trên đỉnh đầu sẵn sàng phát lệnh. Các tiểu đội, các trung đội xung kích, theo đúng quy tắc đã được học tập, cũng đã lần lượt xuống ngồi hai bên mạn thuyền, nòng súng lạnh ngắt chỉ thẳng lên trời, khẩu hiệu lờ mờ trắng trên vành mũ và lá nguỵ trang có cành đã sà xuống nước. Hàng trăm cán bộ và chiến sĩ biết bơi xếp đống quàn áo lên lòng thuyền ào ào lội xuống nước tay cắp phao, tay giơ súng quá đầu. Phao bơi của họ đủ kiểu: Một bọc ni-lông lớn, một khúc chuối, hay một đoạn bương mà họ vừa tìm được trong thời gian chuẩn bị. Có tiếng xuýt xoa, tiếng cười rúc rích. Tiếng suỵt. Tiếng ai nhắc: "Im lặng! Im lặng!Yêu cầu thực sự thực tế nhé!"
Lúc này Liêu và Vượng còn đứng trên bờ, có ý chờ đồng chí quân sĩ chưa về. Vượng đã tháo giầy, xắn quần lên tận bẹn, ống quần bó chặt lấy hai bắp đùi chắc nịch, to đen như hai chiếc cột lim. Anh gọi dây nói báo cáo về trung đoàn lần cuối cùng. Hai phát tín hiệu được bắn lên nối đuôi nhau vẽ thành hai vòng cung đỏ lừ trên trời: Theo quy ước trong tưởng định diễn tập, các cụm pháo binh bắt đầu bắn phá trận địa quân xanh để yểm hộ cho tiểu đoàn sang sông.
Vừa lúc đó, trên mặt đê vụt nhô lên một mũi thuyền. Vượng và Liêu nhận ra ngay dáng người cao lêu đêu của đồng chí quân y đang còng hẳn xuống dưới sức nặng. Một người từ bên kia đê chạy đến trước mặt Vượng và Liêu, thở hổn hển:
- Báo cáo ban chỉ huy! Đồng chí quân y sĩ tài qúa, bu cháu đẻ rồi, cháu giai, ban chỉ huy ạ! Tôi chỉ sợ ra chậm không được giúp đơn vị một tay.
Liêu không nói nên lời, lặng nhìn đồng chí thôn đội trưởng Trà Giang. Anh đưa mắt nhìn Vượng, thấy bạn cũng đang đứng sững bên mình, một chân sắp bước xuống nước mà đầu thì cúi xuống như đang suy nghĩ điều gì.
Chiếc thuyềnmới đến được lao xuống nước.
Thoắt một cái, Liêu thấy đồng chí thôn đội trưởng lao sào nhẩy vút xuống thuyền. Dáng nhẩy của người du kích chở đò trong trận càn Trái Bưởi vụtloé sáng trong tâm trí Liêu. Suýt nữa thì LIêu buột miệng gọi "đồng chí Sang!" Vẫn là hình ảnh năm xưa, nhưng anh thôn đội này không phải là đồng chí Sang, đồng chí Sang ngày trước gầy gò khắc khổ hơn. Nhưng... chắc chắn anh là một du kích bên ven sông Trà Giang.
Một phút trôi qua. Vượng bỗng kêu khe khẽ:
-Thôi chết tôi rồi! Liêu ơi, trung đoàn khôn thật! Các ông ấy bố trí tình huống thế này để giáo dục chúng mình, thé mà mình ngốc quá thắc mắc mãi.
Vượng chờ một tiếng cười của Liêu. Nhưng Liêu lại trầm ngâm nói:
- ừ, mình cũng vừa nghĩ như thế. Nhưng bây giờ chính mình lại thắc mắc..
- Sao? Lại đến lượt cậu à?
- Đúng như thế, Vượng ạ. Trước đây bản thân mình đã có lúc thần thánh hoá vấn đề chính quy hiện đại, mà quên mất cái gốc của thắng lợi. Bài học tối nay càng làm cho mình thấm thía hơn. Nhưng từ nãy đến giờ mình lại tự hỏi: Nếu sau đây tiểu đoàn ta còn tập vượt sông trong tác chiến chính quy hiện đại mà không có gì khác thêm ngoài các phương tiện thô sơ kia thì đã thật là đúng chưa?...
Liêu bỗng dừng lại. Mọi người vừa nghe rõ tiếng động cơ nổ ròn rã, mỗi lúc một gần. Nhiều vệt đèn pha sáng quắc xé toang màn đêm, chiếu tận đến tận chân trời, soi rõ những vạt mây lớn đang đuổi nhau. Chuông điện thoại náo nức đổ một hồi dài:
Sông Tháo vừa báo cáo cho tiểu đoàn là trong mấy phút nữa ô tô công binh sẽ chở thêm xuồng máy đến cùng phối hợp diễn tập.
Lúc này Vượng mới thấy Liêu cười, nụ cười thật là thoải mái.