Khi chị Đỏ Câu về tới cổng, con vàng nghe tiếng bước, dồ ra sủa. Một lát sau, có tiếng người hỏi từ phía trong:
- Ai đó?
Nhận ra tiếng chồng, chị vờ ho "e hèm", và mắng con chó.
Chồng chị kêu lên: "à, mẹ Đỏ", rồi kéo then mở cổng. Chị cúi mặt phăm phăm đi vào, nhưng dừng ngay lại. Hai cái roi vụt không khí túi bụi chung quanh mình chị, vun vút, khiễn chị ghê lạnh cả người, nhắm mắt co tay lên ngực, đứng lặng.
Một phút sau, tiếng roi im, chị ngửng nhìn. Chồng chị và lão Năm Xười vứt nắm roi dâu, đứng thở hổn hển; sân đất trước nhà, ô kìa! Trắng xóa những hình vẽ bằng vôi: ngổn ngang những cung tên, những thằng quỷ sứ đầu tròn lông lốc, những mặt hổ phù. Chị định đi vào, nhưng anh Đỏ vội kêu:
- Khoan đã, khoan đã!
Trong khi lão Năm Xười gài kỹ lại then cổng, anh Đỏ đẩy vợ đến gần một đống lá khô đang cháy bốc khói ở góc rào và bảo:
- Xông khói lá mỳ ky rồi hẵng vào nhà.
Chị Đỏ bị chồng ẩy lưng, bặm bặm mặt. Tuy vậy chị cũng đến đứng chạng chân bên đống lá. Anh Đỏ lùa đòn gánh xởi những cành lá cho khói có lối bốc lên. Giả cách lỡ tay, anh thúc đòn gánh vào chân vợ và nói vu vơ:
- Chưng trắng ghê!
Chị Đỏ "xì" một tiếng, nguây nguẩy bước vào nhà. Anh Đỏ bá vai lão Năm Xười, đi theo, cười khà khà. Chưa thấy ai cười vô duyên được đến thế. Tiếng cười đã xấu, giọng nói lại khó nghe hơn. Đã hăm mấy tuổi đầu, anh Đỏ nói hãy còn ngọng líu, chân thì nói "chưng". Mặt anh sôn si những mụn, mụn chưa nặn thì đỏ, mụn nặn rồi thì bầm tím. Lông mày sâu róm, rậm và ngắn một cách trơ trẽn; mũi sư tử; răng tróc thuốc nhuộm, vàng luôm luôm: hình thù như thế bảo ai thương được. Cha mẹ chị Đỏ thực đã độc ác. Chị đã nhất quyết không lấy anh Câu; có lần chị vừa thề độc, vừa bẻ rắc chiếc đũa ngay trước mặt cha mẹ, vậy mà bố mẹ ham của, cố dùng uy quyền độc đoán ép uổng chị vào mối tơ duyên chênh lệch ấy.
Chị Đỏ Câu thắp ngọn đèn dầu lạc, treo bên khung cửi rồi bắt đầu dệt cửi. Dừng tay để nối sợi chỉ bị thoi dứt đứt, chị nghe tiếng chân thình thịch, bèn hé cánh cửa sổ cạnh chỗ ngồi, ghé mắt nhìn. Một bác đàn ông vác một chiếc quan tài nhỏ trên vai, chạy nhanh như một bóng ma trong ngõ hẻm đằm bóng tím hoàng hôn ảm đạm. Đằng sau, cách dăm bước, hai người khiêng một cái đòn, dưới treo lủng lẳng một bó chiếu tròn quá ngắn, để lòi hai bàn chân đen sì của xác chết. Họ bước thất thểu, chân nam quàng chân xiêu. Mùi men rượu bay nồng nặc. Độ này, dăm anh trai tráng trong làng sống phong lưu nhờ nghề đi chôn, mỗi đám họ chỉ xin dăm tiền hay một quan, tùy lòng tang chủ, nhưng thế nào cũng phải có một bữa rượu. Uống rượu cho tiêu sợ mà làm việc, họ bảo thế. Đã một lần, một cậu say túy lúy vác xác chết chạy khắp mọi ngõ hẻm, không lần ra được đến ngoài đồng; sáng hôm sau, người ta thấy hắn nằm trên đường, đầu gối lên xác chết.
Chị Đỏ vội khép cửa, chị rùng mình và lờm lợm trong miệng, nhưng không dám nhổ nước bọt: người ta bảo càng nhổ càng lợm. Đưa mắt nhìn quanh, thấy mình trơ trọi trong gian nhà trống trải, chị Đỏ rờn rợn.
Nhưng lắng tai, chị nghe tiếng lão Năm Xười từ nhà trên đưa xuống. Lão nói to lạ thường, giọng ồm ồm, thỉnh thoảng lại cười ha hả rất dài. Tiếng cười nói ấy khiến chị vững dạ. Từ độ bệnh đậu hoành hành trong làng, nhà chồng chị thuê lão ta canh gác ngày đêm ở đây. Và chị Đỏ nhân đó được đôi ba lúc chuyện gẫu trong gia đình nhà chồng mà chị vẫn giữ thói coi như xa lạ.
Chị Đỏ đương đưa thoi, chợt giật mình nghe tiếng kẹt cửa. Hú vía! Chỉ là lão Năm Xười. Gài then cẩn thận rồi, lão tới ngồi ở chõng, cạnh khung cửi. Lão hỏi:
- Khiếp không? Đến bên nhà rồi đó!
Thấy chị Đỏ ngước mắt hỏi, lão tiếp, giọng thì thầm:
- Ma đậu, chứ ai. Thằng Xòe bị rồi; bởi thế nhà ta bữa nay mới phòng giữ cẩn thận thế đó chứ.
- Giữ cũng chẳng khỏi. Số bắt chết là phải chết.
- Cứ nói thế thôi. Có giữ cũng có hơn. Từ rày đi đâu về phải cẩn thận, đóng cửa gài then cho hắn khỏi lọt vào. Ma đậu khôn lắm kia. Có khi hắn chui cả dưới váy đàn bà mà vào nhà kia đấy. Bởi thế phải xông khói lá mỳ ky cho hắn chết ngạt. Hắn sợ khói lá mỳ ky lắm. Khi hắn bám trên áo, trên đầu, phải lấy roi dâu vụt tứ tung cho hắn sợ, hắn chạy. Có nhà dùng mẹo thế này, cũng thông: họ rải nứa khắp sân; hắn có lỏn vào được thì cũng phải bước trên nứa, nứa kêu rạc rạc, thế là người nhà biết, lấy roi ra vụt mãi, cu cậu phải phót qua rào mới thoát thân.
Chị Đỏ đã ngừng hẳn tay dệt, trố mắt nghe. Chị hỏi:
- Thấy được hắn phót ra kia à?
- Thấy sao được ma quỷ, nhưng mà nghe lạc xạc đầu ngọn rào là biết liền. Thấy thì chưa thấy, chứ tôi đã nghe ma đậu nói chuyện rồi đó. Độ ấy tôi nằm nghe rõ ràng hai con ma bàn nhau vào bắt tôi. Tôi cầm roi liền, xoay người như chong chóng vụt tứ tung. Thế mà cũng chẳng thoát, hắn tài lắm. Bữa sau tôi lên đậu, cho nên bây giờ mặt mới có hoa thế này đấy chứ.
Lão cười khà khà, sờ đôi má rỗ chằng chịt.
Chị Đỏ sợ co chân, bảo:
- Cười nho nhỏ ấy.
- Cần gì. Sợ hắn nghe tiếng, hắn vào à? Tôi chẳng cần. Những người lên đậu mà khỏi được, là âm phủ bắt nhầm, những người ấy là không có số chết về bệnh đậu. Nhầm một lần thì thôi, bởi thế có ai lên đậu lần thứ hai đâu.
Chợt có tiếng động ở cửa. Lão Năm Xười đứng vụt dậy, hỏi:
- Ai?
- Tôi.
- à, anh Đỏ, thế mà làm người ta hết hồn.
Lão mở cửa cho anh Đỏ vào. Anh Đỏ tới chống nạnh cạnh vợ, ra ý muốn gợi chuyện. Chị cúi mặt lia lịa đưa thoi. Lão Năm nói:
- Anh Đỏ bữa nay phải coi chừng cẩn thận đó. Tôi phải về qua nhà một tí: con cháu tôi đã ớn sốt. Sáng mai tôi lại đến.
Anh Đỏ tiễn lão ra, gài cổng, rồi trở vào. Biết rằng đứng câm miệng hến bên cạnh vợ càng thêm trơ trẽn, anh bèn đi vào buồng. Chị Đỏ vẫn lia lịa đưa thoi, cũng không thèm nhìn lên. Chợt chị mỉm cười lắng nghe tiếng con gái hát ngoài đường:
Lạnh lùng tối tối nằm không,
Em muốn lấy chồng ớ mụ mối ơi!
Chị biết tiếng hát trong eo éo ấy chỉ là tiếng lão Năm Xười. Lão có tài đổi giọng đặc biệt. Có lần vào nhà chị đã bị một bữa hết hồn khi nghe tiếng chó sủa gâu gâu: chị cuống lên, nhưng không biết con chó ở đâu mà tránh: mãi sau nó mới ló mặt ra một cái mặt người rỗ chằng. Người ta lại kể chuyện rằng một đêm hè, lão tới chơi nhà hàng xóm, tắt đèn nằm vắt chân chữ ngũ trên giường, lấy giọng con gái hát mấy câu đưa tình. Dăm anh trai tráng mắc lừa lần đến, đứng ngoài cổng hát vào. Hai bên ca tụng nhau là nam thanh nữ tú, là mây là rồng, và hỏi nhau sao không cùng kết giải đồng tâm, cho đến khi lão cười phá lên như lệnh vỡ.
Nhưng cái im lặng đột ngột tiếp theo tiếng hát của lão Năm gieo sợ hãi vào hồn chị Đỏ. Hình ảnh ảm đạm những người khiêng xác chạy lặng lẽ lúc ban chiều lại tới ám, và chị lởn vởn nghĩ đến ma đậu. Chị nhớ lại một bức tranh trên chùa, chung quanh đức Phật Bà, loăng quăng những hình thù quái dị, đầu chẻ sừng, người ngợm đỏ lửng hoặc xanh lét, chân tay khẳng khiu tựa vòi mực. Đó là quỷ sứ dưới âm cung, nhưng chị nghĩ hẳn con ma đậu cũng na ná thế.
Chị dệt vải thực khuya. Vì nếu đi ngủ tất phải tắt đèn, ma đậu sẽ nhân bóng tối đến hại chị dễ dàng.
Bởi từ ngày có chồng, chị vẫn nằm một mình trên chõng tre đặt cạnh khung cửi và để mặc anh Đỏ lạnh lẽo phòng không. Có lần nhà chồng cất chõng đi, nhưng chị cứng cổ, trải một chiếc chiếu ra đất mà ngủ. Sau cùng họ lại phải đặt chõng vào chỗ cũ.
Chị sống đã được năm tháng trong cảnh khó tin như thế, vẫn làm đủ bổn phận nàng dâu, nhưng không bao giờ bước chân vào buồng chồng. Chị cho đó là một cách trả thù sự chuyên chế của gia đình: chị là con một; cha mẹ chị nóng lòng mong có cháu bồng bế, dù chỉ là cháu ngoại.
Chị Đỏ Câu dệt mãi đến khuya, mí mắt đã trĩu nặng, thoi rơi luôn xuống đất. Mỗi khi dừng tay để cuộn vải hay chải go, chị nghe tiếng rên rỉ của thằng Xòe văng vẳng. Ma đậu đã đến cạnh nhà; liệu chị có thoát khỏi những bàn tay ghê gớm ấy không?
Nhưng rồi chị mệt mỏi quá, tay không đưa được thoi nữa, đầu gục dần xuống. Chị bèn thổi phụt đèn, trườn ra khỏi khung cửi rồi ngả lưng trên chõng, hy vọng rằng sẽ ngủ thiếp đi ngay. Nhưng vì luống cuống, chị làm cử động ấy mạnh quá, đầu gối chạm ngay phải thành chõng. Cái va đụng đau đớn khiến chị tỉnh hẳn đi.
Đêm đã thực khuya vắng, tiếng rên rỉ đưa rõ mồn một. Chị co dúm lại như con tôm trong nồi kho, người chỉ chiếm một góc nhỏ của chõng. Chị định với lấy cái áo dài vắt trên khung cửi để đắp cho bớt sợ, nhưng không dám giơ tay.
Bỗng chị lạnh toát người, nằm im thin thít tưởng chừng ngột mất hơi. Cạnh tường gần đó, những tiếng bịch bịch vang lên, những tiếng chân giậm đất mạnh mẽ, rồi bịch bịch... bịch bịch, tiếng chân mau và hỗn độn như có dăm người cùng bước.
Chị Đỏ ghì mạnh móng tay vào thành chõng, trống ngực đập vang lên thái dương, chị tưởng đầu mình bật phần phật trên cánh tay co làm gối. Chị định thắp đèn lên cho đỡ sợ. Nhưng trong lúc luống cuống, chị quên là mình nằm đè lên bao diêm cất ở túi tay mặt, lại cứ lúng túng tìm ở túi kia mãi.
Bây giờ tiếng chân im hẳn. Nhưng những tiếng khác nổi lên. Tai lùng bùng, chị mơ hồ nghe thấy tiếng cào tường, như có ai muốn bám trèo vào, rồi tiếp theo là những câu vấn đáp sau đây, nói bằng giọng khìn khịt như thốt từ mũi:
- Nhà ai đây?
- Đỏ Câu.
- Vào không?
- Có, trong giấy Đức Ngài phán bắt con mẹ.
- Thế ta làm liền đi.
Rồi tiếp đến tiếng cười hà hà, rợn một vẻ đắc chí độc dữ.
Rồi im lặng, cái im lặng chứa bao ý nghĩa ghê gớm đè trĩu xuống hồn chị. Chị tưởng như bọn ma đậu đương rón nhẹ bước tìm cách trèo vào nhà. Thế là xong một đời! Diêm vương đã định, ai còn cưỡng được số mệnh. Chị sẽ lên đậu và rồi nhắm mắt, buông tay... Miệng lầm bầm khấn vái Trời Phật che chở, chị đã thấy nguôi nguôi nỗi sợ. Nhưng rồi lòng chị lại rộn lên, cuồng động khi óc gợi lại những khổ hình ghê gớm dưới địa ngục như chị đã thấy trong bức tranh: chỗ này mấy đứa trẻ bị cưa đôi, máu đỏ lênh láng; chỗ kia một mụ đàn bà trần truồng, mặt méo như khỉ, giãy giụa trong vạc dầu sôi.
Chị Đỏ nghĩ đến kêu cứu. Nhưng mở miệng chị mới biết không thể thốt ra tiếng qua cổ họng khô tắc. Vả lại, kêu chưa chắc đã ích gì. Nãy giờ tiếng ma đậu huyên náo thế kia mà có đánh thức ai trong nhà dậy đâu. Cha mẹ và các em chồng ngủ ở nhà trên, không biết đã đành. Nhưng anh Đỏ nằm trong buồng ngay cạnh đó, sao cũng không thấy nhúc nhích?
Thốt nhiên nghĩ đến chồng, chị vùng dậy, chạy lạch bạch vào buồng, đóng cửa đánh rầm, nhẩy xổ tới bên cạnh anh Đỏ. Vì không quen cữ, chị vấp phải thành giường, bổ nhoài. Chị vội trèo lên giường, và khi đầu gối chạm vào bàn chân anh Đỏ, chị bình tĩnh hẳn đi.
- Mẹ Đỏ đó à?
Chị Đỏ giật mình: thì ra anh Đỏ chưa ngủ. Ban đầu chị nghĩ rằng chồng chị đã thức giấc vì tiếng đóng cửa hoặc vì động giường. Nhưng không phải, giọng anh không có vẻ gì là ngái ngủ. Nãy giờ anh vẫn thức ư?
- Mẹ Đỏ đó phải không?
Anh Đỏ lặp lại câu hỏi, và chị nhận thấy trong giọng nói có vẻ mỉa mai chế giễu. Chị nằm im thin thít: chị chợt nhận thấy cử chỉ của mình trơ tráo quá. Khéo mà chồng lại nghĩ nhầm. Nghĩ thế chị đã thấy bừng bực. Nhưng cái sợ át mất tất cả. Chị định bụng đành nằm đấy một lúc, bọn ma đi rồi chị sẽ ra ngay nhà ngoài.
... Nhưng rồi mãi đến sáng bạch chị mới giật mình thức dậy. Chị vừa ngủ một giấc ngắn nhưng rất say.
Và hơn một năm sau người ta thấy chị bồng một đứa bé hồng hào mũm mĩm. Anh chồng đang vót mấy cái ống suốt cho vợ, giơ dao dứ dứ dọa yêu thằng bé, chửi đùa:
- Con mẹ mi!
Lão Năm Xười đi qua trước cổng, thấy cảnh tượng ấy, đứng lại, chốnh nạnh nhìn bằng đôi mắt nheo vui sướng và tự đắc.
Lão nói vào:
- Đó là công tôi đó, nhá!
- Anh Đỏ - à không, bây giờ lên anh Cu rồi - anh Cu ngước mắt trông ra rồi nhìn vợ tủm tỉm cười. Chị Cu đỏ mặt trách:
- Biết rồi! Nhắc mãi!
Lão Năm cười khà khà:
- Phải nhắc để anh Cu thêm tiền thưởng cho tôi chứ. Tôi đóng trò có hệt không?
Đoạn, chạng chân, rụt người xuống, lão vừa giậm bịch bịch vừa bóp mũi nói giọng khìn khịt:
- Nhà ai đây?
Đổi sang giọng mũi khác:
- Đỏ Câu. Ta vào bắt con mẹ.
Rồi kết luận:
- Thế là "con mẹ" chạy vô ôm lấy chồng. Khà khà khà!...
1940
Rút trong tập truyện ngắn Nằm vạ,
Nxb.. Đời nay, Hà Nội, 1941

Xem Tiếp: ----