Vất mấy quân bài xuống chiếu, Kiều Nga vịn đầu gối đứng lên. Hai chân tê điếng, kiến bò đau nhức, khiến chị phải cà nhắc mới lết được tới giường. Chị nằm vật ra ngay, văng tục:
- Đ.M. Bữa nay mắc cái giống gì mà xui dễ sợ. Thôi tao dẹp, hổng thèm chơi nữa.
- Trời ơi, bộ thua rồi chạy hay sao chớ? Chơi ngon vậy bà? Dô làm tiếp đi.
- Tao nói dẹp là dẹp nghe chưa? Thiếu bao nhiêu cứ tính, con này không giựt ai bao giờ mà. Đứa nào lộn xộn tao đánh bể mặt, ráng chịu.
- Thôi đừng đụng tới nó nữa. Lên cơn rồi đó à. Tao biết con này rành lắm. Tử tế cũng tử tế lắm, nhưng khi nào mắc dịch lên thì nên cho nó yên thân là hơn.
Có tiếng càu nhàu, lầm bầm, nhưng cuối cùng cũng im lặng. Cả đám bạc lại tiếp tục, chẳng ai lý tới chị nữa.
Kiều Nga xoay người nằm gác chân lên tường, phiá đầu giường, cho đỡ nhức. Nệm đã cũ lún trũng xuống ngay chỗ chị nằm. Khăn trải giường như bị vặn lại nhăn nhúm. Hai ống quần tụt xuống ngược đến đùi. Chị lơ đãng ngắm đôi chân thon trắng của mình. Bất giác cất giọng véo von một câu cải lương đã được sửa lời:
- Nếu anh thất nghiệp, anh về Trà Vinh, anh cắm câu.
Bắt con nhái bầu, cắm ngay đầu cầu
Chờ em qua đó em cắn câu
Mắc câu anh rồi, em về làm dâu má anh
- Rồi rồi đó, Bà nhập rồi đó!
Có người trong đám bạc lên tiếng.
- Tao biết mà, nhưng hôm nay bầy đặt ca nữa. Có sự lạ đó tụi bây.
Kiều Nga vẫn hộc lên câu ca duy nhất đó.Chị hát đi hát lại, giọng kéo dài, thê lương, nhão nhoẹt như cuốn băng đã cũ.
- Trời ơi, bữa nay tính làm ca sĩ nữa chớ. Yêu đời quá mà. Chết lỗ tai tụi tao luôn.
Có giọng mỉa mai, chua chát.
- Nè bà nội, tính làm dâu má thằng ngu nào đó?
Kiều Nga vẫn nằm đưa chân lên tường, tiếp tục lải nhải, không thèm trả lời. Giọng chị bỗng nhỏ dần rồi gần như rên rỉ. Chị rút chân xuống, nằm co lại, quay mặt vào tường. Nước mắt chẳng hiểu vì đâu đổ ra chan hòa mặt chị, thấm loang một khoảng nệm.
Phải đúng vậy, chỉ có mấy thằng ngu mới lấy thứ như chị. Câu nói vô tình đã nói lên hết sự thật phũ phàng như đời chị. Chẳng lẽ những Việt kiều về nước, bỏ ra chút tiền mua vui rồi về lại xứ ngoài khoe rằng chơi gái ở Việt Nam rẻ rề, họ lấy chị? Chẳng lẽ mấy tay chạy áp phe chuyên nghiệp, bất lương, hằng đêm vẫn đến nhậu nhẹt, bắt mối, gỡ gạc, họ lấy chị? Chẳng lẽ khách làng chơi thỏa mãn, xiêu vẹo ra về vào lúc thật khuya, họ lấy chị? Hay chẳng lẽ những người nghèo nàn ốm đói vẫn đứng sớ rớ chờ đợi mẹ, chờ đợi vợ, chị hay em gái trước cửa vũ trường những khi trời gần sáng, họ lấy chị? Nào có ai thèm giăng câu để chị mắc câu cơ chứ? Đời chị cô đơn sẽ vẫn hoàn cô đơn.
Hình ảnh một trại gia binh tan nát dưới đạn pháo kích của cộng sản tấn công vào ngay ngày Tết, ngay hôm chồng chị được phép về ăn Tết với đứa con trai đầu lòng vừa ra đời, như một ám ảnh chập chờn nhảy múa, như ngọn lửa đêm đó đã thiêu trụi cả hạnh phúc của chị. Đứa con chết từ lúc nào chị chẳng hay. Trong cơn bấn loạn, sợ hãi tột cùng, chị cứ ôm chặt lấy con, rồi lồm cồm vụt chạy ra kịp lúc căn nhà tôn tiêu rụi đổ đè lên xác chồng chị, bị trúng đạn khi đang nựng đứa con trai mới sinh.
Kiều Nga nằm co quắp thêm thân mình y như ngày nào chị Ôm xác con mà chui dưới gầm bàn, trong căn nhà ọp ẹp trong trại gia binh đó. Đứa con và chồng chị đã chết. Máu nóng vấy đầy mặt, nóng hổi như nước mắt hôm nay.
Giờ đây, cũng những vòng tay ôm, nhưng vờ vịt ân ái, xỗ xàng lợi dụng, không còn những vòng tay nồng ấm tình nghĩa vợ chồng, không còn vòng tay quờ quạng thơ ngây âu yếm của con. Càng nhớ tới, chị càng thèm hạnh phúc nhỏ nhoi đã mất và nước mắt lại càng âm thầm tuôn chẩy.
Canh bạc vẫn tiếp diễn. Chẳng ai đoái hoài đến chị. Chẳng ai biết chị đang khóc vùi vì thương nhớ, vì đau đớn.
Chợt Kiều Nga lại vặn mình nằm ngửa như cũ, lại hộc lên câu ca ban nãy. Chị tưởng như nhờ lảm nhảm, chị sẽ lấp đầy phần nào lỗ trống tan hoang sâu hút trong lòng chị. Giọng chị chĩu đầy nước mắt, lê thê.
- Trời ơi, mê thằng nào mà mê dữ vậy? Yêu đương làm chi cho khổ tấm thân. Cứ như tụi tao đây, có khoẻ không? Có tiền thì đậu vài chến cho vui, kẹt tiền thì nghỉ chơi ít bữa, chừng nào có lại chơi tiếp. Thương với yêu làm chi cho mệt xác mày ơi! Thôi ra đây làm tiếp đi. Hết tiền, tao cho nợ, chừng nào có nhớ trả tao. Nhớ trả thì hổng sao, còn giựt thì coi chừng. Con này không phải tay vừa đâu à nghen...
Kiền Nga vừa hát vừa trả lời. Lời ca xen lẫn lời nói:
- Ự.ự.cắn câu...thôi tao hổng chơi...làm dâu...má anh... nằm hát sướng hơn...
- Ưa nằm hát nữa đi con!
Có tiếng người nói giựt giọng vọng vào và bóng người ùa vào phòng.
- Trời thần ơi! Giờ này còn nằm hát ngon lành. Mày có biết trễ giờ rồi hay không hả con quỷ? Tao chờ mày gần chết...Mày nói tới đón tao cùng đi, mà giờ này chị hai tui còn nằm hát. Trời ơi là trời, bộ mày muốn chết rồi sao chớ? Hết gạo bỏ trong họng tới nơi rồi còn nằm ca với hát. Có lo dậy đi không?
- Nó mơ làm dâu má thằng quỷ nào hổng biết mà ca thôi là ca nãy giờ đó. Chết lỗ tai tụi tao luôn.
Tiếng người ban nãy trả lời. Cô bạn mới tới nhào lên giường kéo Kiều Nga lên. Chị lắc mình, quẫy mạnh, tránh bàn tay bạn, lăn tít vào sát tường:
- Thôi tao hổng đi đâu cả. Dẹp hết, dẹp hết. Chết thì cho chết luôn.
- Trời ơi, thôi đùng có khùng nữa mà. Dậy sửa soạn rồi đi. Ua, lại khóc nữa hả? Trời ơi, thôi đừng khóc nữa, mặt mày xưng húp híp, coi không được đâu. Kiếp tụi mình như thế đó, mày khóc hẳn được cái gì? Kiếm tiền là thượng sách, có tiền, mày muốn gì hổng được?
Cô bạn dịu dàng hẳn, nhưng tay vẫn kéo tiếp. Kiều Nga ngồi hẳn dậy. Nhìn bạn từ đầu xuống chân. Chị tưởng như thấy chính hình ảnh chị. Cũng mái tóc uốn quăn, xù ra theo đúng thời trang, cũng móng tay dài sơn đỏ chót, cũng mặt chát phấn chỗ xanh chỗ đỏ, cũng viền mắt kẻ đen thật đậm và cũng đôi môi mọng đỏ mầu máu bầm. Kiều Nga ngao ngán, quay nhìn chỗ khác. Phía chiếu bạc, cũng vẫn những khuôn mặt tiều tụy, nhợt nhạt như khuôn mặt chị, sau những đêm dài buôn hương bán phấn. Không không, đấy là các bạn chị. Còn chị, chị thì khác. Chị là ngưới vợ lính, người mẹ đứa con mới chào đời đã chết trên tay người cha lính được về phép lần đầu thăm con, chị là người đàn bà Việt Nam nghèo khó, thiếu may mắn phải sống trong biến loạn. Chị không phải gái giang hồ chuyên nghiệp. Chỗ của chị không phải ở đây. Nhưng các bạn chị nào có ai là gái giang hồ chuyên nghiệp? Họ cũng như chị, một thời có chồng, có con và rồi một thời hạnh phúc nhỏ nhoi đó đã bị hoàn cảnh trớ trêu, tàn độc, tước đoạt. Tất cả những gì chị nhìn thấy đều là giả tạo. Kể cả cái tên Kiều Nga, chị cũng mượn trong cuốn tiểu thuyết rẻ tiền mượn đọc trong lúc hết tiền đánh bạc. Kiều Nga lại ngồi thẫn thờ, bâng khuâng. Cô bạn sốt ruột giục rối lên rồi kéo xềnh xệch chị ra sân phía sau nhà. Kiều Nga rửa mặt qua loa, rồi trở vào, ngoan ngoãn ngồi vào bàn phấn cạnh giường. Mặt bàn la liệt son phấn dùng dở dang. Chị nhìn trong gương thấy một người đàn bà tàn úa, xanh xao. Theo bàn tay chị, người đàn bà thay hình đổi dạng. Thoáng chốc, như có phép nhiệm mầu, trong gương chị thấy hình ảnh một người xa lạ.
Kiều Nga chổng mông nhìn xuống gầm giường, hỏi trống không:
- Đứa mắc dịch nào lấy giầy của tao rồi?
- Ai thèm lấy của mày. Để đâu thì còn đó chớ?
Có người trả lời. Kiều Nga đứng lên, vuốt lại nếp váy ngắn cũn cỡn, xỏ đôi chân vào đôi giầy cao gót vất chỏng trơ trong góc phòng, nhún nhẩy ra đi.
Canh bạc vẫn tiếp diễn. Chẳng ai thèm đoái hoài tới ai.
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã lên đèn.
Hai chị em bạn vừa rúc rích cười vừa lách mình qua khung cửa hẹp bên hông nhà hàng lớn.
Bên kia sông bến đò Thủ Thiêm chìm trong bóng đêm cô tịch.

Hết


Xem Tiếp: ----