Thế là bà ăn cơm một mình.
Cái kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong gia đình ông Lâm, thường xảy ra như cơm bữa. Hai vợ chồng nói chuyện với nhau một lúc, là có hục hặc. Sóng gió lại nổi lên. Ông Trời thật quái ác! Máng chi một con trâu, một con bò kéo chung chiếc xe đời nặng nhọc. Không lúc nào ông cảm thấy thoải mái. Lòng ông, hình như có một nỗi gì gút mắc chông gai, một bất toàn trong tình chồng vợ. Có lúc ông nghĩ đến giải pháp tách riêng ra, mỗi người đi một hướng, làm lại cuộc đời. Nhưng chuyện này đâu dễ. Chẳng phải bà và ông trì kéo chi nhau. Chính mấy đứa con ràng buộc hai người ở lại. Cứ nghĩ tới hoàn cảnh con ông phải sống trong sự lạnh nhạt, nhiều khi đến khắc nghiệt của cha ghẻ hoặc mẹ ghẻ, làm ông chùng lòng. Trên đời, đâu có ai rộng lượng tới mức thương con ghẻ như con ruột của mình? Thôi thì vì con, ông hy sinh một kiếp đời khốn nạn này. Nhiều khi ông tự hỏi, có phải ông mắc cái quả báo nào đó, từ kiếp trước? Chứ kiếp này, ông đâu phải thằng đâm cha chém chú. Cũng chưa từng chặt đầu lột da ai. Thế sao ông vẫn khổ? ông tin vào thuyết luân hồi. Nghe đồn ở California, có cái Hội Huyền Bí. Một số hội viên có khả năng huệ nhãn, thấy được tiền kiếp. Ông tìm đến, nhờ họ giúp ông, soi rọi lại cái quá khứ tội lỗi của mình. Pháp môn nhìn ngược về quá khứ, được đặt tên là Soi Kiếp. Sau khi Soi Kiếp, họ cho biết, kiếp xưa vợ chồng ông là hai kẻ thù. Mối thù chưa thanh toán xong, thì mãn phần vì tuổi già. Đầu thai lại kiếp này, cả hai cũng quyết tìm đến nhau, tiếp tục ăn thua đủ. Họ khuyên, ông nên xóa bỏ mối thù truyền kiếp ấy đi, để mà hòa hoãn sống với nhau.
Về nhà, ông Lâm thuật cho vợ nghe. Rồi nói: “Thôi. Tôi mệt mỏi lắm rồi. Tôi chịu thua bà. Tôi xin đầu hàng vô điều kiện.”
Bà bảo: “Từ lâu, tôi đã treo miễn chiến bài. Nhưng ông cứ khiêu chiến mãi.”
“Tôi khiêu chiến thế nào?”
“ông nói những lời mắng nhiếc. Trút lên đầu tôi bao nhiêu oan khiên tiền kiếp.”
“Tính tình bà ngang bướng. Tôi muốn tu theo lục hạnh Bồ Tát, cắn chữ nhẫn giữa hai hàm răng mà sống với bà. Nhưng có lúc dằn lòng không được, cũng phải chắp tay xin phép Phật, cho con nghỉ tu năm phút. Kiếp này, tôi không thành chánh quả, cũng tại bà cản trở.”
Bà xách mé: “Trời ơi! ông mà tủ Không khéo thiên hạ thành Phật cả rồi, ông còn làm ác tăng.”
“Tôi lạy bà!”
“Tôi cũng đã lạy ông, từ ngày mới kết hôn.”
“Hồi trẻ bà hiền lành, chứ đâu chằn ăn trăn quấn như bây giờ. Bao nhiêu năm sống chung, tôi khám phá ra mình bị lừa. Mắc mưu một lần, là đi tàu suốt cả cuộc đời.” ông thở dài.
Bà hỏi: “Ai lừa ai? ông còn nhớ không, hồi mới đám cưới xong, ông kể cho tôi nghe chuyện nhà hiền triết Hy Lạp gì đó?”
“Hiền triết nào? Trên đời này, thằng đàn ông nào có vợ, cũng đều trở thành nhà hiền triết cả.”
“à, tôi nhớ ra rồi. Ông lập lại lời của Socratẹ Dù sao, thì bạn cũng lấy vợ. Nếu may mắn gặp vợ hiền, bạn là người hạnh phúc. Nếu gặp vợ dữ, bạn trở thành nhà hiền triết. Tôi hỏi, còn anh thì sao? Lúc đó, mình còn gọi nhau bằng anh em, chứ không phải ông tôi như bây giờ. Ông bảo, nếu gặp vợ dữ, anh sẽ trở thành võ sĩ. Mới về nhà chồng, ông dằn mặt tôi bằng câu nói xanh dờn. Tôi biết mình đã trao duyên lầm tướng cướp.”
ông la: “Đấy! Tôi lạy bà rồi, nhưng bà cũng xỏ xiên. Người Mỹ gọi thế là bạo hành bằng tinh thần. Trong gia đình, thường xuyên tôi bị bà bạo hành.”
Nói xong, ông Lâm mang mền ra phòng khách. Đêm đó, ông ngủ trên salon.
Dù giận vợ, nhưng vấn đề Y2K có liên quan đến sự an nguy của mọi người trong gia đình, buộc ông Lâm phải làm lành với bà. Ông định một lúc thuận tiện, giải thích cho bà hiểu cái tầm quan trọng của Y2K. Bà ít chịu đọc báo, làm sao hiểu được vấn đề trọng đại? Nếu chữ nghĩa không phải là kẻ thù của bà, thì cũng là người dưng. Cầm tờ báo, hoặc quyển sách lên chừng vài phút, bà bắt đầu ngáp. Chẳng bao giờ nghe bà than mất ngủ. Sách báo là liều thuốc an thần cực mạnh đối với bà. Đêm nào trằn trọc khó ngủ, bà quơ vội tờ báo nào đó, dán mắt vào. Vài phút sau đã nghe tiếng ngáy rồ rồ rồ... O... rồ rồ rồ... O... Ông Lâm vốn khó ngủ, lại nghe tiếng thở nghèn nghẹt của bà, ông càng không ngủ được. Ông lay bà. Bà ú ớ, nằm nghiêng qua phía khác. Tiếng thở nghèn nghẹt tạm lắng một lúc, rồi lại rồ rồ o o nữa. Ông thúc cùi chỏ vào hông bà. Bà tỉnh ngủ.
“Cái gì vậy?”
“Ngáy.”
“Làm gì có.”
“Chẳng lẽ tôi nghe tiếng bò rống?”
“Tôi van ông. Xin cho tôi yên. Tôi cần giấc ngủ, để mai đi làm.”
“Nhưng bà phải tội nghiệp tôi chứ?”
“Tội nghiệp thế nào?”
“Đừng ngáy nữa.”
“Trong giấc ngủ làm sao kiểm soát?”
“Thế thì ngày mai đi bác sĩ, cắt cục thịt dư hay cái lưỡi gà gì đó trong cuống họng, vất đị”
“Cắt cái lười gà, như cắt lưỡi người tạ Làm sao nói được?”
“Không nói được, đỡ xốn lỗ tai. Người đàn bà câm, là người vợ lý tưởng.”
Bà rên thống thiết: “Trời ơi là trời! Tôi đang ngủ. Ông đánh thức dậy, để gây sự. Không biết kiếp trước, tôi làm nên tội gì?”
“Phải để tôi hỏi ông Trời câu đó. Không biết kiếp trước tôi làm nên tội gì, mà bị bà quấy rối triền miên, kể cả khi vào giường ngủ? Hồi trẻ, hơi thở bà êm ái. Về già sinh tật.”
“Tôi thế đấy. Ai không chịu, thì tối mai vào phòng thằng Cu Đen mà ngủ.”
“Sao bà không đỉ”
“Phòng này của tôi.”
Cu Đen là thằng con út của ông Lâm. Nó mười tuổi, đã có phòng riêng. Người trong nhà, ai cũng có phòng riêng. Nhưng ông Lâm, không có một giang sơn nào riêng biệt. Trước kia, ông thường ngủ với Cu Đen. Tối, nó dần lưng đấm bóp cho ông. Xong, hai cha con nằm ôm nhau, nói chuyện.
Nó nói: “Hai người đàn ông ngủ chung là bệnh đó, ba ơi.”
ông Lâm ngạc nhiên: “Sao lại bệnh?”
“Người Mỹ sợ homosexual.”
“Nói bậy. Mày là con bạ Cha con ôm nhau là chuyện thường.”
“Không. Ba ôm mẹ. Còn con ôm con gái.”
“Trời đất! Mày muốn ôm con gái hả?”
“Con nói khi nào con lớn, con ôm con gái. Bây giờ, con còn nhỏ, cha con mình được ôm nhau. Nhưng ra đường, ba đừng ôm con. Bạn con nó cười.”
“Cười gì? Mấy thằng Mỹ bệnh hoạn. Nó tưởng ai cũng bệnh như nó.”
“Mai mốt con lớn, không ngủ chung với ba nữa đâu.”
“Tại sao?”
“Con mọc lông nách, con trở thành đàn ông. Hai người đàn ông không ngủ chung.”


Chương 4

Ông nói gà, bà nói vịt. Cứ thế mà đôi bên dằn co nhau mãi. Ông có cảm trưởng, ông và bà là hai đối thủ đô vật, gài thế quyện lấy nhau, vô phương tháo gỡ. Ông mệt nhoài tâm lực. Bà vẫn khỏe re cười cười, gần như không biết nỗi khổ của ông.
ông nói: “Người Mỹ đưa quân vào cuộc chiến Việt Nam. Sa lầy trong chiến tranh du kích. Liệu bề thắng không được, họ chọn giải pháp điều đình, rút quân trong danh dự. Tôi cũng muốn hòa giải với bà, chịu thua trong danh dự."
Bà hỏi: “ông muốn ám chỉ tôi là bọn du kích chứ gì?”
“Vâng. Bà là du kích chiến thắng.”
“Thấy chưa? ông lại nói xóc hông tôi rồi.” Bà giẫy nẫy.
ông hỏi: “Xóc hông thế nào?”
“ông thường bảo, du kích là bọn tiểu nhân. Không dám chường mặt ra ánh sáng. Chuyên môn chơi trò đánh lén. Rồi ông lại bảo tôi là quân du kích, có khác gì ông chửi cha tôi?”
“Nhưng tôi chịu làm người bại trận.”
“Bại trận mà chửi phủ đầu người tạ Ai chịu nổi?”
“Tôi nói thế nào, bà cũng bắt bẻ. Thôi, tôi thua bà. Tôi sợ bà.”
“ông nói sợ tôi, mà còn hung dữ đến thế. Nếu không sợ, chắc ông đã nhai nuốt tôi vào bụng mất rồi.”
“Sợ vợ cũng ở mức độ nào thôi chứ. Chẳng lẽ tôi để bà thừa thắng xông lên ngồi trên đầu tôi?”
“Tôi chỉ mong được bình đẳng. Hơn thua với ông làm gì?”
ông hòa hoãn: "Bà nói thế là tôi yên tâm. Mỗi người nhường nhịn nhau một chút, cho yên nhà yên cửa. Bây giờ, bà chịu nghe tôi nói không?”
Bà dịu giọng: “ông nói đi. Tôi nghẹ”
ông ngồi im, ra chiều suy nghĩ.
Bà giục: “Nói đị”
ông hắng giọng: “Vấn đề Y2K.”
“Lại cũng vấn đề mắc dịch này nữa.” Bà nhỏm lên, sừng sộ.
ông đưa tay ngăn: “Đừng ngứa miệng. Hãy nghe tôi nói đã.”
“Nhưng tôi không muốn nghe chuyện Y2K gì đó của ông.”
“Sao lại của tôi? Phải nói là của mấy thằng chuyên viên điện toán.”
“Của thiên hạ, dính mắc chi tới ông?”
“Thôi được. Không nói Y2K. Tôi muốn đưa gia đình đi du lịch, cho bà nghỉ xả hơi vài bữa.”
“Chừng nào?”
“Trước năm hai ngàn, một tuần.”
“Đó là thời điểm hái ra tiền. Sao không chọn dịp khác?”
ông Lâm nhăn mặt: “Khổ qua! Nói khô cuống họng, mà bà không hiểu. Tôi muốn làm một công hai chuyện. Du lịch là lý do để tránh cái lạnh miền Đông Bắc, nếu bị mất điện cũng khỏi bị chết cóng.”
Bà muốn phản đối, nhưng thấy ông xuống nước, bà phân vân: “Những ngày gần tết, đắt khách lắm. Làm một ngày bằng mấy ngày thường. Bỏ đi cũng uổng.”
Bà phân vân cũng phải. Cái nghề o bế cắt dũa sơn phết móng tay của bà, làm ăn khấm khá vào những ngày lễ tết. Bỏ đi là mất một món lợi to.
Từ mấy năm nay, bà làm nghề móng taỵ Nhưng nói thế, nghe tầm thường quá. Nếu ai hỏi, chị làm nghề gì? Bà uốn lưỡi trả lời rất dịu dàng, em làm nghề nail. Bà cho rằng, cái tiếng “nail” nghe có vẻ sang trọng, văn minh hiện đại hơn hai tiếng “móng tay”.
Ngày mới qua Mỹ, vợ chồng ông Lâm đi làm cu lị Tiếng Anh nói đớ lưỡi, thì làm cu li là phải rồi. Nhưng kiếm được đồng tiền quá chật vật. Bà rên. Ông bảo, vẫn còn dễ thở hơn ở xứ mình. Thời đó, ông còn là nhân vật quyền hành số một trong gia đình.
Vài năm sau, có người rủ bà học nghề làm móng taỵ Cái nghề tằn mằn tỉ mỉ, nhẹ nhàng khỏe thân, lại dễ kiếm tiền, thích hợp với bà. Và bà cũng muốn lôi ông vào nghề cho đỡ khổ tấm thân. Ông lắc đầu, nói tôi già rồi, da nhăn má hóp, chân tay vụng về. Có vào nghề, tôi cũng chỉ ngồi ngáp từ sáng đến chiều. Bởi một người đàn bà dễ tính, cũng không chịu đưa bàn tay cho một người cục mịch, hom hem như tôi mài dũa. Thế là ông tiếp tục làm cu lị Bà làm móng tay.
Nếu so sánh lợi tức thu nhập, thì bà cao hơn ông. Tiếng nói của bà bắt đầu bình đẳng với ông. Mọi chuyện trong gia đình, ông không còn tự quyết định một mình nữa. Phải có bà góp phần bàn thảo. Đã có bàn thảo là có ý kiến ngược nhau. Vợ chồng lại cãi vã. Bà manh nha tiếm quyền làm chủ gia đình. Các đứa con có khuynh hướng theo bà, vì bà hay nuông chìu con cái, nên chinh phục được cảm tình. Phe của bà, đồng minh đông hơn. Chế độ độc tài quân phiệt của ông bị cô lập, yếu thế, lỗi thời.
Dù thường cãi vã, nhưng có lúc bà nói một câu nghe được. Rằng, ông đi làm cực nhọc, lại chẳng kiếm bao nhiêu. Thôi, ở nhà lo việc gia đình, và trông nom mấy đứa nhỏ. Để một mình bà làm cũng đủ. Hơn nữa, tuổi của ông lớn rồi, nên nghỉ hưu sớm mà hưởng nhàn. Ông đồng ý ngay ý kiến của bà. Từ đó, ông biến thành nội trợ. Ai nắm kinh tế gia đình, thì người ấy làm chủ. Khi phát giác ra chân lý này, thì ông đã bị tụt xuống hàng thứ yếu. Muốn điều gì, ông phải đưa ra đề nghị. Nhiều lần ông cay đắng nói nửa đùa nửa thật, là dâng kiến nghị lên bà.
Với tính lơ đãng, lại thêm vụng về, việc nhà ông không vén khéo. Bà chê, ông làm người nội trợ bất tài. Ông giận, hất đổ mâm cơm. Bà im lặng hốt dọn. Mấy mươi năm chung sống, bà biết ông hơn ai hết. Khi ông đổ quạu, bà không nên hó hé nói năng. Sau đó, bà than phiền rằng, ông còn giữ nguyên bản chất của người đàn ông Việt Nam, với cái quan niệm chồng chúa vợ tôi. Và ông cũng chỉ trích lại rằng, mới qua Mỹ không bao lâu, bà đã bắt chước cái thói hỗn láo với chồng của đàn bà Mỹ. Vừa nói ông vừa đưa ngón tay điểm mặt bà, theo kiểu cảnh cáo đối phương. Bà nhịn. Không là nhà quân sự, nhưng bà biết tiến thoái đúng lúc. Khi đang giận, mà gặp phải sự khiêu khích, ông sẽ dốc toàn lực ra tấn công, bất kể hậu quả. Chuyện đâu còn có đó. Từ từ rồi bà sẽ dùng đường lối chính trị, lấy kinh tế làm biện pháp, buộc ông phải nhượng bộ yêu sách của bà.
Nhiều lần ông Lâm đã nhượng bộ. Nhưng lần này, bà thấy ông có vẻ quyết liệt giữ vững ý kiến của mình. Bà đề nghị một phương cách giải quyết. Trước năm hai ngàn, ông đưa các con du lịch về phương nam. Bà ở lại trông coi nhà cửa, đồng thời đi làm kiếm thêm tiền vào những ngày lễ tết đắt khách.
ông ái ngại: “Nếu vấn nạn Y2K xảy ra, bà sẽ không sống nổi.”
Bà nói: “Cùng lắm là tôi chết. Ông tục huyền với người đàn bà khác.”
“Trên đời này, không dễ kiếm được người nào như bà.”
Lâu lâu, nghe ông nói một câu chí tình, bà cảm động, cầm tay ông: “ông cũng biết thương tôi hả?”
ông choàng tay ôm bà: “Thương thì chưa chắc. Nhưng biết tìm đâu ra một người bạn đời chịu khó cãi vã với tôi, suốt mấy mươi năm không hề mệt mỏi?”

Hết


Xem Tiếp: ----