Ngày đầu tiên đi làm, tôi được sự hướng dẫn tận tình của chị Khanh, đó là một người đàn bà khoảng 33 tuổi. Chị Khanh không đẹp một cách nổi bật, nhưng ở chị toát lên một vẻ gì đó thật quyến rũ, cái đẹp của "gái một con trông mòn con mắt", cái đẹp của người phụ nữ sớm vào đời, phải chống chọi và vật lộn với những khó khăn, phải bương chải với cuộc sống. Đôi mắt đen trong trẻo đầy nghị lực, chiếc miệng xinh luôn mỉm cười dù khuôn mặt chị ướt đẫm mồ hôi vì cái nóng oi bức giữa trưa và phải tất bật ngược xuôi với công việc. Chị chạy đi, chạy lại vừa phân phát hàng cho từng tổ, vừa hướng dẫn những công nhân mới như tôi. Chị làm tôi yên tâm và cảm thấy yêu công việc, yêu nơi mà tôi mới bước chân vào làm việc ngày đầu tiên.
Lâu dần tôi yêu mến Chị Khanh như người Chị ruột của mình, nhất là sau khi biết được hoàn cảnh của Chị. Chị đã là một hình ảnh khiến tôi khâm phục và tôi đã nguyện sẽ học hỏi theo tấm gương của chị Khanh, sẽ sống tốt và có nghị lực vững vàng như Chị...
°

*

Sau khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm, Khanh trở thành một cô giáo và tự nguyện về dạy tại một trường ở Trị An - một vùng kinh tế mới. Lúc đó Khanh mới 21 tuổi. Cô giáo tên Khanh ngày đó mõi sáng đến lớp dạy các học trò lớp 3, buổi chiều lại đứng lớp dạy các em lớp 4. Chưa hết, có những tối Khanh lại tiếp tục đứng lớp bổ túc văn hóa dành cho người lớn. Thời gian đó ở Trị An thiếu giáo viên trầm trọng, vì không ai muốn về vùng kinh tế mới.
Chính những buổi học từ lớp bổ túc văn hóa, Khanh đã quen và yêu Hùng, một thanh niên chăm học, ít nói và luôn sống khép kín. Gia đình Hùng nghèo như tất cả những gia đình lập nghiệp ở các vùng kinh tế mới như Trị An. Cha mất khi Hùng mới 3 tuổi. Mẹ Hùng tần tảo nuôi con bằng những gánh rau. Họ không có nhà, sống vất vưởng nay đây mai đó ở Sài Gòn Mẹ không có đủ tiền cho Hùng đi học, nên chỉ học hết lớp 3 Hùng đã phải nghỉ học và làm đủ nghề phụ giúp Mẹ... Và họ đã được cấp đất, được bà con phụ giúp cất nhà ở vùng kinh tế mới này. Nơi đây đất đai rộng nhưng khô cằn, sỏi đá, mọi người khai hoang từng tất đất để trồng tỉa kiếm ăn, hai Mẹ con Hùng cũng vậy, cuộc sống khó khăn, cơ cực, nhưng vẫn còn hơn cuộc sống nay đây mai đó ở Sài Gòn.
Hùng cảm thấy rung động và yêu ngay cái vẻ nhiệt tình, đáng yêu của cô giáo trẻ tên Khanh, nhưng bản tính nhút nhát, hơn nữa cảm thấy mình thua kém Khanh nên Anh chỉ dám thầm yêu, trộm nhớ.
Khanh ở trong khu tập thể của trường một mình, Khanh là dân thành phố nhưng nhà cũng rất nghèo và có hoàn cảnh đáng thương. Ba Mẹ Khanh chia tay nhau khi Khanh còn rất nhỏ, Khanh sống với Bà Ngoại, lúc Khanh nhận bằng tốt nghiệp, cũng là lúc Khanh được tin Bà Ngoại mất... và Khanh đã tình nguyện đi dạy học ở Trị An - nơi mà Khanh nghe cái tên lạ oắc lần đầu tiên và Khanh chỉ nghe nói: không xa nhưng ít người sinh sống.
Khanh và Hùng yêu nhau sau 1 năm "tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Họ cưới nhau, sau lễ cưới mọi người lại góp công, góp của lại cất cho họ một căn nhà nhỏ. Tình yêu của họ thật giản đơn, lễ cưới cũng giản đơn, nhưng cả Khanh và Hùng đều ngập tràn hạnh phúc. Và càng hạnh phúc hơn khi trong ngôi nhà nhỏ đó oa oa tiếng khóc của đứa con trai đầu lòng. Mọi người ai cũng khen mỗi khi đi ngang qua ngôi nhà nhỏ lung linh ánh đèn và lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười của hai vợ chồng trẻ cùng đứa con ngoan. Khanh và Hùng những tưởng không gì có thể hạnh phúc hơn và họ cảm thấy thật mãn nguyện.
Khanh ở chung nhà với Mẹ chồng, Mẹ chồng Khanh ốm đau luôn. Hùng mỗi ngày ra rẫy trồng tỉa mọi thứ, bất cứ thứ gì có thể trồng được ở vùng đất khô cằn này Hùng đều trồng. Những năm mất mùa, tiền thu hoạch hoa màu của Hùng và đồng lương giáo viên ít ỏi của Khanh cũng không đủ trang trải cho 4 miệng ăn và tiền thuốc thang cho Mẹ, tiền sữa cho con. Ngoài giờ dạy học ở trường Khanh ra chợ mua bán để tăng thêm thu nhập. Bé Duy cũng đau ốm luôn và bị suy dinh dưỡng. Cuộc sống ngày một khó khăn, nhưng cả Hùng và Khanh vẫn không ngại khó nhọc. Tình Yêu của hai người ngày một nhân đôi. Họ thề nguyền sống chết có nhau.
Hùng thương vợ phải bôn ba, vất vả kiếm sống, muốn có thật nhiều tiền để cuộc sống đỡ chật vật hơn. Thấy các bạn bỏ rẫy đi đào vàng. Hùng bàn với Khanh sẽ theo mọi người đi đào vàng, may ra sẽ kiếm tiền nhanh hơn để đỡ đần vợ con. Lúc đầu Khanh không đồng ý, nhưng thấy Hùng tha thiết qúa Khanh đành gật đầu, dù trong lòng cảm thấy lo lắng không yên.
Hôm Hùng khăn gói ra đi, Khanh thức dậy sớm chuẩn bị cơm nước và đồ đạc cho chồng, nước mắt Khanh rơi lã chã, vì đây là lần đầu tiên phải xa Hùng. Phút chia tay thật ngậm ngùi... Khanh chợt thấy những giọt lệ rơi nơi khoé mắt sâu hoắm nhiều vết chân chim, rơi xuống đọng trên đôi gò má nhăn nheo của Mẹ, rồi Mẹ vội kéo tay áo lau nước mắt như sợ để Khanh nhìn thấy... Thằng Duy cũng khóc thét đòi Cha... Khanh như muốn ngã qụy trước cảnh chia ly này... Khanh khóc suốt từ 4 giờ sáng, đôi mắt sưng húp và nhoà lệ... Hùng bước vội vã ra sân như trốn chạy không dám ngoái đầu nhìn lại.
Cả ngày hôm đó Khanh thẩn thờ như người mất hồn. Đứng trước lớp nhưng có lúc Khanh không chủ động được, nước mắt lúc nào cũng chực trào ra. Khanh nhớ Hùng da diết và không hiểu sao cảm giác mất chồng vĩnh viễn cứ lãng vãng trong đầu óc của Khanh.
Hùng đi đã 3 ngày đêm, cả ba ngày đêm Khanh không thể chợp mắt, bên kia vách ngăn Mẹ cũng trở mình suốt đêm. Mẹ cũng không ngủ được vì nhớ con, vì lo lắng cho Hùng.Thằng Duy khóc dòi bú làm Khanh giật mình, pha sữa cho con, lòng Khanh tê tái vì nhớ thương chồng. Khanh thầm gọi "Hùng ơi, Anh ở nơi đâu, có biết Mẹ già, Vợ trẻ, Con thơ đang thổn thức mong chờ và lo lắng cho Anh không?".
Hùng đi đã 5 ngày mà Khanh không nhận được tin tức gì của Hùng. Mẹ có lẽ vì quá lo lắng cho Hùng mà bệnh nặng. Khanh gầy rạc vì nhớ thương và lo lắng cho chồng. Bệnh Mẹ ngày càng nặng, không còn cách nào khác Khanh phải gởi con cho hàng xóm để đưa mẹ đến bệnh viện. Trước khi đi Khanh đã chạy ngược chạy xuôi hỏi tin tức của chồng và nhờ mọi người nhắn dùm với Hùng mẹ đang bệnh nặng.
Suốt mấy ngày Khanh lo lắng, chăm sóc Mẹ... Mỗi khi Mẹ ngủ Khanh lại tranh thủ chạy về thăm con. Tất cả tiền bạc dành dụm được đều lo thuốc thang cho Mẹ, Bác sĩ bảo Mẹ bị cao huyết áp, suy nhược thần kinh... Khanh không biết phải làm sao, chỉ biết cầu xin Trời Phật cho mọi chuyện chóng qua, cầu mong Hùng sớm trở về với Khanh và cầu mong Mẹ mau lành bệnh.
Ngày thứ 9 kể từ khi Hùng xa nhà, Mẹ chưa khoẻ hẳn nhưng Bác sĩ cho về nhà. Khanh rất lo lắng vì vẫn chưa nhận được tin của Hùng, nhưng sợ Mẹ buồn, Mẹ lo, Khanh đã nói dối Mẹ là đã nhận được tin và Hùng nhắn sắp về nhà. Mẹ xuất viện Khanh đỡ vất vả hơn, nhưng Khanh vẫn bồn chồn, lo lắng, đứng ngồi không yên. Mẹ bệnh tiền bạc hai vợ chồng dành dụm bấy lâu lo chạy chữa thuốc thang hết, may mà mọi người trong xóm thương cho hoàn cảnh gia đình Khanh, người cho chén gạo, kẻ cho mượn tiền... Nếu không Khanh cũng không biết phải xoay sở thế nào. Hùng vẫn biền biệt không tin tức. Khanh xin nghỉ không hưởng lương ở trường, hàng ngày chạy chợ kiếm ăn. Đêm Khanh lại lo lắng nhớ nhung Hùng không thể nào chợp mắt nên chỉ có mấy ngày mà Khanh gầy gò, xanh xao...
Ngày thứ 23 kể từ ngày Hùng ra đi Khanh nhận được tin dữ, Hùng đã bị tai nạn và đang cấp cứu ở bệnh viện. Khanh vừa chạy hớt ha hớt hải từ chợ về, vừa khóc... Khanh không dám vào nhà gặp Mẹ, chỉ ghé bác Tư hàng xóm nhờ bác chăm sóc Mẹ già và con thơ, rồi chạy thẳng ra bến xe tới bệnh viện. Hùng nằm thiêm thiếp như đang ngủ trong phòng cấp cứu, Khanh gào khóc gọi tên Anh... nhưng Hùng không thể nghe. Bất giác Khanh cố gượng đứng dậy, im bặt không khóc nữa, Khanh tự nhủ Khanh còn được nhìn thấy Hùng, Hùng còn về đây, dù chỉ nằm bất động nhưng như thế đã là quá may mắn, qúa diễm phúc với Khanh rồi. Khanh tự nhủ "trong cái rủi, có cái may" và cuối cùng chồng cô đã trở về, dù có như thế nào thì Hùng vẫn là của Khanh.
Từ ngày Hùng bị tai nạn, Khanh đã trở thành một con người khác. Trước đây Hùng là trụ cột chính trong gia đình, thì bây giờ mọi việc to nhỏ đều do một mình Khanh gánh vác. Khanh đã nghỉ hẳn việc dạy học ở trường, dù Khanh rất yêu và tha thiết với nghề, nhưng với đồng lương giáo viên ít ỏi của một mình Khanh không thể nào trang trải đủ cho gia đình, nhất là tiền thuốc thang chạy chữa cho chồng. Tất cả mọi đau khổ, bất hạnh, mất mát đã đổ dồn lên đầu người phụ nữ mới 24 tuổi. Khanh đã làm tất cả mọi việc có thể làm, suốt từ 4 giờ sáng đến tận khuya, miễn sao kiếm được tiền lo thuốc thang và viện phí cho chồng.
Hùng nằm viện được 2 tháng thì Mẹ mất, Mẹ mất vì quá thương con trai bạc số, mất vì thương con dâu khổ sở, xuôi ngược vừa lo kiếm miếng ăn, vừa lo thuốc thang cho người chồng tật nguyền. Một đêm đau nặng, Mẹ gọi Khanh vào phòng nói trong nước mắt " Số con khổ quá Khanh ạ! Mẹ tuổi già, sức yếu không thể đỡ đần, phụ giúp gì con, lại bệnh tật luôn, chỉ thêm gánh nặng cho con. Giá như thằng Hùng nó chết đi thì có lẽ sẽ tốt hơn cho nó và đỡ khổ thân con...". Nói đến đây Mẹ nghẹn lời, còn Khanh thì lệ trào ra như suối... Khanh cảm thấy nghẹt thở và không biết phải an ủi Mẹ như thế nào. Khanh muốn nói "con yêu anh Hùng hơn cả sinh mạng của con và con yêu Mẹ hơn cả Mẹ ruột của con. Từ nhỏ con đã thiếu tình thương của Cha Mẹ, Mẹ là Mẹ của con và chính Mẹ đã cho con biết thế nào là tình mẫu tử, cho con hơi ấm tình thương của người Mẹ". Khanh cố nói, nhưng không thể thốt nên lời, cổ họng mặn đắng, khô khốc. Sau khi thở gấp Mẹ nói tiếp " Thằng Hùng tốt phước lấy được một người vợ như con, Mẹ chắc kiếp trước ăn ở đức hạnh nên kiếp này mới có một đứa dâu con thảo hiền như con, có được đứa cháu nội đích tôn khôi ngô, tuấn tú, với Mẹ như thế là qúa đủ rồi, Mẹ có nhắm mắt cũng yên lòng, chỉ cầu Trời khấn Phật rũ lòng thương cho thằng Hùng chóng bình phục để còn có thể làm tròn trách nhiệm làm chồng, làm cha..." Mẹ còn nói nhiều nữa..., nhưng tai Khanh như ù đi và không nghe thấy gì cả, mắt Khanh nhòa lệ, lòng Khanh đau như đứt từng khúc ruột vì Khanh biết chắc rằng Hùng không thể nào lành lặn lại như xưa. Nói xong những lời đó Mẹ ngủ thiếp đi, Khanh nhẹ nhàng đắp chăn cho Mẹ, bỏ mùng xuống cho Mẹ... Khanh không biết rằng những lời Mẹ vừa nói với Khanh là những lời từ biệt cuối cùng. Khanh cũng không biết rằng đó là những phút giây cuối cùng Khanh được ngồi bên giường chăm sóc cho Mẹ.
Mẹ ra đi nhẹ nhàng thanh thản, Mẹ ra đi mà không hề nhìn thấy đứa con trai duy nhất của Mẹ. Sáng hôm sau, như thường lệ Khanh dậy sớm nấu nước nóng cho Mẹ rửa mặt, nấu cháo cho Mẹ ăn... nhưng Mẹ đã vĩnh viễn không bao giờ thức dậy nữa. Khanh đã khóc thét như đứa trẻ lên ba mất Mẹ và ngất đi không biết gì.
Những người hàng xóm tốt bụng đã lo việc tang lễ và chôn cất Mẹ. Bao nhiêu cú sốc đã xảy ra với Khanh trong một thời gian ngắn. Đã 2 ngày Khanh không thể vào bệnh viện chăm sóc cho chồng mà trăm sự nhờ bác Tư hàng xóm. Khanh dặn Bác ấy đừng cho Hùng biết chuyện, chỉ nói với Hùng rằng Khanh bị cảm nên không vào bệnh viện được. Khanh nói dối vì sợ Hùng không thể chịu đựng nổi nỗi đau mất Mẹ, sợ Hùng đã quá kiệt sức vì phải chống chọi với nỗi đau thể xác và cả nổi mất mát tinh thần...
Hùng nằm bệnh viện hơn 6 tháng, nhưng kết quả vẫn không khả quan, Anh bị chấn thương cột sống, nằm bất động một chỗ không thể di chuyển được. Mỗi khi thấy Hùng nhăn mặt chống chọi với cơn đau thể xác, tim Khanh lại nhói đau và ứa nước mắt. Khanh hiểu rằng nỗi đau thể xác của Hùng vẫn không đáng sợ bằng nỗi đau tinh thần, vì vậy Khanh chỉ dám khóc thầm, trước mặt Hùng Khanh vẫn tươi cười không bao giờ dám khóc. Hùng đã biết chuyện Mẹ mất, thật ra hai ngày Khanh không vào bệnh viện Anh đã đoán biết chuyện gì đã xảy ra. Ngay đêm Mẹ mất, Hùng trằn trọc không thể nào chợp mắt và cảm thấy bồn chồn khó tả, Anh không biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng linh tính báo cho Anh biết có chuyện chẳng lành. Biết Khanh cố tình giấu. Thương vợ và hiểu rằng Khanh không muốn Anh đau khổ, nên Hùng cũng không gạn hỏi Khanh.
Hùng về nhà nằm liệt trên giường, mỗi khi trở mình cũng phải có Khanh giúp. Tất cả mọi việc từ vệ sinh cá nhân, ăn uống, tắm rửa đều phải nhờ đến Khanh, Hùng không thể ngồi dậy được vì cột sống của Anh đã bị chấn thương nặng. Mỗi khi trời trở gió Hùng lại đau nhức toàn thân không thể ngủ được phải nhờ đến thuốc giảm đau... Nhưng tất cả nổi đau về thể xác Anh đều cắn răng chịu đựng được... Chỉ khi Khanh đi làm, con đi học, nằm ở nhà một mình, đối diện với chính mình mới là lúc nỗi đau tinh thần dày vò Anh khủng khiếp nhất. Từ một người đàn ông khỏe mạnh là chỗ dựa, là trụ cột của gia đình, Anh đã trở thành người tàn phế, thành kẻ ăm bám vợ con. Có lúc Hùng nghĩ thà Anh chết đi sau tai nạn đó có thể cuộc đời của Khanh sẽ đỡ vất vả hơn. Khanh có thể sẽ làm lại cuộc đời và không phải vừa làm lụng vất vả kiếm ăn, vừa phải chăm sóc, phục vụ cho một người chồng tàn phế như anh suốt đời. Hùng đã nghĩ đến cái chềt, để tự giải thoát cho mình và giải thoát cho cả Khanh. Nhưng Hùng nghĩ đến Duy, đến thằng con trai duy nhất của Hùng... nghĩ đến Tình Yêu và sự hy sinh của Khanh dành cho Anh, nghĩ tới vong linh của Mẹ...
Khanh vẫn tần tảo sớm hôm làm lụng nặng nhọc để kiếm miếng ăn và lo thuốc thang cho Hùng. Không bao giờ Khanh than vãn một lời. Trước mặt Hùng, Khanh luôn tỏ ra vui vẻ và tự tin: ngọt ngào, trìu mến như một người Mẹ thương con, dịu dàng yêu thương như một người vợ yêu chồng, chu đáo như một người chị lo cho em và tận tâm như một người thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân. Khanh muốn làm mọi điều miễn sao Hùng vui, muốn làm tất cả để bù đắp nỗi đau về thể xác và tinh thần mà Hùng đã và đang phải gánh chịu, muốn được chia sẻ nổi đau với Hùng và bằng tình yêu Khanh muốn hy sinh cả sinh mạng của mình để Hùng có thể tồn tại, có thể vui sống những ngày còn lại với vợ con.
Hùng yêu Khanh nhưng nỗi mặc cảm ăn bám vợ, nỗi mặc cảm là người tàn phế, vô dụng... ngày càng ám ảnh Anh và Hùng luôn cảm thấy mình là gánh nặng cho Khanh, cảm thấy Hùng là kẻ đã hại cuộc đời Khanh. Không biết từ lúc nào Hùng đã thay đổi tính tình, thường hay cáu gắt và to tiếng, nặng lời với vợ. Bao nhiêu khó nhọc, cực khổ Khanh đều có thể vượt qua, nhưng cứ mỗi lần bị Hùng quát mắng, nặng lời lòng Khanh lại đau tái tê và nước mắt chỉ chực tuôn trào. Vẫn biết Hùng đã và đang phải đấu tranh với nỗi đau tinh thần, nỗi đau mất mát một phần thân thể, nỗi mặc cảm, tự ái của một người đàn ông sống phận tầm gởi ăm bám vợ... Nhưng những lần thấy Hùng tự dằn vặt mình và dằn vặt Khanh như vậy, lòng Khanh lại đau tái tê.
Thế rồi thời gian khủng hoảng cũng trôi qua Hùng đã hiểu và thán phục Tình Yêu vĩ đại, nghị lực phi thường của Khanh. Hùng vẫn nằm liệt giường như thế nhưng những cơn đau về thể xác cũng dần nguôi ngoai, Hùng đã không cần dùng đến thuốc giảm đau nữa. Và cả nỗi đau tinh thần cũng lành lặn dần theo thời gian. Khi Khanh đi làm Hùng đọc sách, làm thơ, viết truyện ngắn và đã có nhiều tác phẩm được đăng. Hùng vẫn là người tàn phế nhưng ít nhất tâm hồn Anh vẫn tha thiết sống và sống có ích. Mọi người lại khen mỗi khi đi ngang qua ngôi nhà nhỏ thấp thoáng ánh đèn và tiếng cười hạnh phúc của gia đình Khanh.
°

*

Năm 1999 nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã tìm đến vùng đất khô cằn này đầu tư và Chị Khanh đã trở thành một cán bộ quản lý giỏi của một công ty sản xuất các sản phẩm ron, phốt cao su xuất khẩu. Và tôi là một công nhân làm việc ở bộ phận của Chị Khanh. Tôi thường xuyên tới nhà Chị, giúp Chị những công việc nhỏ nhặt, cùng làm thơ, phân tích thơ và góp ý cho các truyện ngắn của Anh Hùng, là cô giáo dạy cho bé Duy học,... Không biết tự lúc nào tôi đã trở thành một thành viên nhỏ trong gia đình ấm cúng và tràn ngập hạnh phúc đó.
Mùng 8 tháng 3 năm đó, công ty phát động phong trào báo tường chủ đề ca ngợi những tấm gương tốt của người phụ nữ. Truyện ngắn "YÊU CHỒNG" của tôi đã được chọn đăng và tôi nhanh chóng trở thành người "nổi tiếng" ở công tỵ Ngoài phần thưởng, Bà Tổng Giám Đốc công ty (gọi là Bà theo thói quen chứ thật ra Bà ấy còn rất trẻ) mời tôi lên phòng và hỏi thăm về truyện ngắn "Yêu chồng". Khi được biết đó chính là câu chuyện thật viết về cuộc đời của Chị Khanh, Bà ta đã xúc động rơi nước mắt và muốn đến thăm gia đình Chị Khanh.
Tôi vẫn còn nhớ đó là một trưa hè nắng nóng ngày Chủ nhật. Tôi ngồi trong căn nhà trọ và thấy bóng Bà Tổng Giám Đốc đang hỏi thăm nhà Chị Khanh, không kịp thay quần áo cho chỉnh tề, tôi vội chạy ra nắm lấy tay Bà và tình nguyện làm người dẫn đường.
Chị Khanh có lẽ đang bán hàng ngoài chợ, Anh Hùng đang nằm ngủ trưa, mồ hôi nhễ nhại bởi cái nắng trưa hè hắt xuống từ mái tôn thấp lè tè. Tôi tìm mãi mới thấy một cái ghế đẩu duy nhất mà chị Khanh thường ngồi đút cơm cho anh Hùng. Anh Hùng thức giấc và ngạc nhiên vì đã lâu nhà không có khách. Tôi vội lấy một tấm áo đắp ngang người Anh khi thấy Anh đỏ mặt vì mắc cỡ. Tôi cáo lỗi và chạy vụt ra chợ gọi chị Khanh về, bỏ mặc Anh Hùng ở nhà một mình tiếp Bà Tổng Giám Đốc.
Sau lần viếng thăm đó, Bà Tổng Giám Đốc giàu tình cảm và lòng thương người đã gởi tặng Chị Khanh một số tiền lớn để sửa sang lại nhà cửa. Anh Hùng cũng đỡ khổ vì cái nóng hắt từ mái tôn những trưa hè. Bé Duy đã có phòng riêng và bàn học. Tôi cảm thấy vui vì truyện ngắn " Yêu Chồng" của tôi đã thực sự có ích, ít nhất là cho gia đình Chị Khanh. Nhờ truyện ngắn của tôi mà mơ ước có một ngôi nhà khang trang - mơ ước mà có thể suốt cả cuộc đời Chị Khanh cũng không thực hiện nổi, đã bỗng chốc trở thành hiện thực.
Cái Tết năm đó cũng là cái Tết đầu tiên tôi xa nhà và đón giao thừa trong không khí tràn ngập niềm vui với gia đình chị Khanh. Chị Khanh có lẽ là người hạnh phúc hơn cả, chị thắp nén hương và lầm rầm khấn vái trước bàn thờ Mẹ Chồng, có lẽ Chị muốn chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc với Mẹ...

Gởi tặng Chị Nguyễn Thị Kim Khanh


Xem Tiếp: ----