Quyết định của Tổng Thống Kennedy nhằm khuyến khích và hỗ trợ việc lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm tỏ cho thấy một bước ngoặc định mệnh trong sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Ba tuần lễ sau cuộc đảo chánh, vào ngày 22.11.1963, bản thân vị Tổng Thống Mỹ ấy cũng bị ám sát. Tiếp theo đó là ba năm xáo trộn và kinh hoàng của Miền Nam.Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của tướng Dương Văn Minh giải tán quốc hội, bỏ hiến pháp. Ngay sau hôm đảo chánh 1.11.1963, chương trình Ấp Chiến Lược bị hủy toàn bộ, như lời vị tướng cầm đầu phe đảo chánh tuyên bố: “Ấp Chiến Lược không cần thiết, không ích lợi, những hàng rào quanh ấp là hàng rào nhà tù.” Sau ngày đó, tình hình an ninh Nam Việt Nam suy sụp hẳn. Cộng Sản làm chủ nông thôn; hệ thống giao thông đường bộ bị cắt vụn; cơ sở hành chánh và dân vệ cấp xã ấp gần như tê liệt toàn bộ. Bên cạnh đó, mạng lưới biệt kích được Ngô Đình Diệm rải ra Miền Bắc để thu thập tin tình báo cũng bị vỡ. Từ nay, muốn có tin tức, “người nhái” biệt hải của Mỹ phải tìm cách đổ bộ vào duyên hải Miền Bắc, bắt cóc người dân hoặc cán bộ sống ở đó, đem ra tàu đậu ở ngoài khơi. Nạn nhân bị khai thác ấy chỉ có thể còn sống và được thả về địa phương nếu chịu xé cờ đỏ sao vàng, dẫm lên hình của Hồ Chí Minh và thề chấp nhận sẽ hợp tác.Chính phủ của tướng Dương Văn Minh chỉ kéo dài được ba tháng thì bị lật đổ bởi một hội đồng quân nhân khác. Lần này kẻ làm “chỉnh lý” là Nguyễn Khánh, nguyên tư lệnh Quân đoàn II. Ông cáo giác rằng Minh Cồ chịu ảnh hưởng của mấy viên tướng do Pháp đào tạo như Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim... có khuynh hướng trung lập hóa Nam Việt Nam theo chủ trương của De Gaulle, Tổng Thống Pháp. Trong vòng 18 tháng tiếp đó, diễn ra một chuỗi sôi động với năm cuộc đảo chánh và phản đảo chánh, cùng với tình trạng hoang mang bất ổn, xuất hiện những chính quyền kế tiếp nhau nhanh như chớp và bất lực. Thừa thế xốc tới và có thanh thế thêm nhờ kết quả cuộc vận động lật đổ Diệm, Phật giáo bành trướng thành một lực lượng đáng sợ với tham vọng khống chế chính quyền các cấp. Tại các thành phố, việc truy lùng dư đảng Cần Lao, những cuộc biểu tình, bãi khóa công khai chống cả Mỹ lẫn chính phủ, xảy ra hằng ngày và trở thành quen thuộc. Cuộc đấu tranh cho dân tộc và đạo pháp của Phật giáo đi quá đà, bị lũng đoạn bởi các phần tử cư sĩ, giáo sư và sinh viên đại học Huế khuynh tả thời thượng, ngụy hòa, hoạt đầu hoặc phiêu lưu chính trị, v.v. đưa tới việc thành lập Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc rồi Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng. Hai tổ chức này có những hành động vô chính phủ, bạo động và khủng bố tại căn cứ địa ở Huế và Đà Nẵng cùng các tỉnh duyên hải miền trung và Sài Gòn, khiến chính quyền trung ương phải cử đại diện ra Huế điều đình. Cuối tháng Tám năm 1964, xảy ra một biến cố bi thảm trong đó các tín đồ Phật giáo và Công giáo đụng độ nhau, chém giết nhau trên đường phố tại Đà Nẵng, Qui Nhơn và thủ đô Sài Gòn. Qua năm 1965, có bằng chứng các tỉnh thị bộ Cộng Sản, ngoài việc nhanh chóng khai thác tình trạng xung đột và hoang mang đó, đã cài được cán bộ thành vào hàng ngũ lãnh đạo các cuộc xuống đường đấu tranh cho “dân chủ và hòa bình” ở Đà Nẵng và Huế. Đặc biệt ngày 6.6.1966, từ Huế, TT Thích Trí Quang vận dụng tới phương thế cuối cùng là kêu gọi gia đình Phật tử tại đó và các thành phố miền trung đem bàn thờ Đức Phật ra đặt giữa lòng đường trước mặt nhà để làm phương tiện đấu tranh và phát động chiến dịch tự thiêu. Một phần vì tham vọng quân phiệt tạo thêm kích thích tố cho các cuộc biểu tình bãi khóa đòi hỏi dân chủ của sinh viên, một phần vì các chính phủ mới ở Sài Gòn không dám đụng tới Phật Giáo và không muốn bị cáo giác là thô bạo, sử dụng những phương pháp cảnh sát trị thời Ngô Đình Diệm nên họ chỉ đối phó nửa vời với các xáo trộn đó. Càng đấu tranh quá đà càng bất đồng nội bộ, tới cuối năm 1966, Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất — được thành lập đầu năm 1964 bởi 11 Giáo hội và Hiệp hội thuộc Ủy ban Liên phái trước đây trong tổng số gần 40 tổ chức Phật giáo lớn nhỏ — bị vỡ làm hai: một bên trụ sở là chùa Ấn Quang, chủ yếu gồm các Giáo Hội Miền Trung; một bên trụ sở là chùa Việt Nam Quốc Tự chủ yếu gồm Giáo Hội Miền Bắc di cư năm 1954 và Tiểu thừa Tịnh Độ Tông Miền Nam. Vào tháng 3.1964, trong khi Hoa Kỳ chuẩn bị nắm trọn quyền chỉ huy cuộc chiến, Lê Duẫn và Lê Đức Thọ cũng chuẩn bị để lần đầu tiên đưa các đơn vị quân chính qui Miền Bắc vào Miền Nam qua ngả Lào và Cambodia hòng dứt điểm chiến trường. Khi Tổng Thống Diệm bị lật đổ, chủ tịch MTGPMN là Nguyễn Hữu Thọ mừng rỡ tuyên bố: “Người Mỹ đã làm dùm chúng tôi điều mà suốt chín năm nay chúng tôi không làm được” và ngày 1.11.1963 “chẳng khác nào quà tặng từ trời rơi xuống.” Hà Nội khai thác tận tình cơ hội đó. Nhận thấy thời điểm chiến thắng gần kề, Bộ Chính Trị Cộng Sản Hà Nội bắt đầu đưa người vào tiếp quản Miền Nam. Theo họ, trong tình trạng rối ren chính trị, suy thoái quân sự, và cái gọi là HĐQNCM được Mỹ ủng hộ chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi của Mỹ và thế giới tư bản, chế độ Miền Nam đã mất chính nghĩa. Để có đủ tài nguyên theo đuổi cuộc chiến, Hà Nội vừa vay mượn vừa tiếp nhận viện trợ ồ ạt về vũ khí của Liên Sô, về quân trang quân dụng của Trung Quốc, tận dụng tối đa hải cảng Kampong Thom ở Cambodia để vận chuyển quân khí. Và như thế, góp phần đẩy cuộc Chiến Tranh Đông Dương Lần Hai vào thật sâu trong vòng quay của cuộc Chiến Tranh Lạnh toàn cầu. Trong hoàn cảnh đó, đối với Hoa Kỳ, một cuộc rút lui được người ta mong đợi đã trở nên không thể thực hiện. Dù Tổng Thống Lyndon Johnson gia tăng số lượng cố vấn Mỹ tại Việt Nam lên tới ba chục ngàn người, tới đầu năm 1965, rõ ràng Cộng Sản đang đứng bên bờ chiến thắng với hai phần ba lãnh thổ Miền Nam bị họ làm cho ung thối; chính lúc đó ông quyết định thay đổi tận gốc sự can dự của Hoa Kỳ.Trước hết, vào tháng Hai năm 1965, Johnson ra lệnh cho máy bay Hoa Kỳ bắt đầu oanh tạc thường xuyên các mục tiêu tại Miền Bắc lẫn Miền Nam Việt Nam. Các sư đoàn quân chính qui và các đoàn chuyên gia được Hà Nội đưa vào nam trở thành mục tiêu cho pháo đài bay B-52 của Hoa Kỳ trải thảm sát hại. Chỉ một tháng sau, không cần tham khảo ý kiến của chính phủ Sài Gòn lúc ấy do Phan Huy Quát làm Thủ tướng, Hoa Kỳ cho hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng; đó là đơn vị chiến đấu Mỹ đầu tiên đến để tác chiến độc lập bên cạnh người Nam Việt Nam. Từ ngày đó tới cuối năm 1965, lính Mỹ ở VN lên tới 184.314 người – với số tử trận 1.369; số bị thương 5.300. Ngoài ra, còn có sự hiện diện các đơn vị tác chiến của Nam Hàn, Thái Lan, Úc, Tân Tây Lan. Kể từ lúc ấy, với các hàng không mẫu hạm và các khu trục hạm của Hạm Đội Bảy đang tuần tra sẵn ở ngoài khơi vùng có chiến tranh, Hoa Kỳ cương quyết sử dụng sức mạnh Hải Lục và Không quân để tham chiến. Dù sự can dự ấy được xem là “có tính giới hạn” và được quyết định bằng một sự thầm lén chính trị, không thông qua lời tuyên chiến chính thức nào, cũng không cần một hiệp ước hỗ tương với chính phủ Sài Gòn.Sở dĩ có thể thực hiện được một sự can dự như thế là do những biến cố khó hiểu xảy ra ngoài khơi Bắc Việt Nam, tại Vịnh Bắc Việt, vào tháng Tám năm 1964. Chính Tổng Thống Johnson đưa ra lời tuyên bố rằng dù không bị khiêu khích, các tuần tiểu đỉnh của Bắc Việt đã đột nhiên tấn công hai khu trục hạm Maddox và Turner Joy của Hoa Kỳ; để trả đủa “hành động gây hấn ấy của Cộng Sản”, ông ra lệnh oanh kích các căn cứ tuần tiểu hải quân và các kho xăng dầu tại Bắc Việt. Sự tiết lộ đầy kịch tính ấy được trình bày cho các thông tín viên vào lúc nửa đêm mồng 4 tháng Tám. Trong bầu không khí đầy xúc động, ba ngày sau, Quốc Hội Hoa Kỳ gần như nhất trí thông qua một nghị quyết do Nhà Trắng soạn thảo, chấp thuận cho Tổng Thống có toàn quyền sử dụng mọi biện pháp để ngăn không cho Bắc Việt “gây hấn thêm nữa.”Luâït ấy — thường được gọi là Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt — còn ghi rõ rằng Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ xem Việt Nam là quan trọng cho lợi ích quốc gia của Mỹ lẫn hoà bình của thế giới, đồng thời nó cho phép Tổng Thống Johnson, vài tháng sau đó, khởi sự oanh tạc và bắt đầu gởi một số lượng binh sĩ tới Việt Nam — rốt cuộc lên tới nửa triệu người — mà không cần tham khảo thêm ý kiến của Quốc Hội hoặc của nhân dân Hoa Kỳ. Về sau, người ta biết ra rằng các tàu hải quân Mỹ ấy không là nạn nhân hoàn toàn vô can và bị gây hấn, nhưng dù sao Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt cũng đã có hiệu lực tới sáu năm, cho đến khi tình cảm chống chiến tranh dâng cao tới độ sự thật bị phanh phui và rốt cuộc, phải hủy bỏ nó.Cuộc chiến tranh kéo dài trên ba mặt trận: oanh tạc Miền Bắc; các cuộc hành quân của lính Mỹ, QLVNCH và các đơn vị đồng minh tham chiến; và các chương trình bình định xây dựng nông thôn Miền Nam.Việc oanh tạc Miền Bắc leo thang dần. Nó khởi sự vào ngày Johnson ra lệnh không tập Đồng Hới và Vĩnh Linh để trả đủa vụ Vịnh Bắc Việt (4.8.1964). Tới tháng 3.1965 bắt đầu dội bom thường xuyên. Hai tháng sau đó, là giai đoạn vượt vĩ tuyến 18 đánh rộng ra bắc với số phi vụ tăng lên gấp bốn năm lần. Rồi tới cuối năm 1966, oanh tạc liên tiếp và dữ dội vào các mục tiêu quân sự ngay khu ngoại thành Hà Nội. Xen kẽ các giai đoạn oanh tạc là vài tuần lễ tạm ngừng để đưa ra các đề nghị hòa bình với Hà Nội. Johnson đề nghị nếu Hà Nội đình chỉ gởi người và vũ khí vào Miền Nam, Mỹ sẽ ngưng ném bom và ngưng tăng cường quân lực ở Miền Nam; sau đó hai bên sẽ đàm phán trực tiếp để giải quyết chiến tranh. Hà Nội trả lời bằng cách đòi Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom Miền Bắc trước đã.Chủ trương của Mỹ từ đầu tới cuối cuộc chiến là không muốn đổ bộ ra Miền Bắc vì sợ mở rộng chiến tranh sẽ gặp phản ứng mạnh của thế giới Cộng Sản, đặc biệt Trung Quốc. Mỹ chỉ gia tăng oanh kích để ngăn chận việc việc đưa người và vũ khí vào nam, và đặc biệt oanh tạc Miền Bắc để làm cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội tin rằng Hoa Kỳ kiên quyết đánh bại họ. Thế nhưng sự gia tăng oanh tạc không làm HCM và Bộ Chính trị ở Hà Nội nao núng. Ngược lại tình cảnh chết chóc, đổ nát khốn đốn do các cuộc dội bom gây ra lại khiến cho chế độ toàn trị tại Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền và xách động tối đa, làm cho nhân dân Miền Bắc càng oán hận “đế quốc Mỹ xâm lược”, đoàn kết và quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc chống lại “kẻ thù ngoại xâm”, vốn ám ảnh họ suốt cả chiều dài lịch sử dân tộc. Tính tới ngày 31.12.1967, lính Mỹ có mặt tại Nam VN khoảng nửa triệu người, số thương vong trong năm là 9.353 tử trận và 99.742 bị thương. Tình hình chiến trường có phần cải thiện nhưng tương đối chậm và hầu như không có trận chiến thắng ngoạn mục nào vì chiến tranh Việt Nam không thuần túy đánh trận địa như ở Triều Tiên và nhất là, không thể tìm thấy và đánh bại một đối phương thường tìm cách lẩn tránh như ma, chờ dịp thuận tiện để chủ động chọn chiến địa. Dù được sự hỗ trợ của các tiểu đoàn chính qui Cộng Sản Bắc Việt, Việt Cộng hầu như vẫn chỉ có thể chiến đấu bằng các hoạt động theo kiểu du kích, sử dụng tối đa phương pháp tuyên truyền và khủng bố. Lính Mỹ, đồng minh và QLVNCH phải “lùng và diệt” địch; suốt cuộc chiến, một phần ba binh sĩ thương vong đều do bởi pháo kích, bắn tỉa hoặc mìn bẫy.Trong khi đó, kể từ tháng 6.1965, sự lãnh đạo chính trị tại Nam Việt Nam dần dần ổn định, thoạt đầu dưới nhiệm kỳ thủ tướng của Thiếu tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ và kế đó, dưới nhiệm kỳ Tổng Thống của Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu. Tới năm 1967, Nam Việt Nam lại có hiến pháp, bầu cử Tổng Thống và quốc hội, các hội đồng tỉnh thị. Tuy nó được đánh giá như một khởi điểm có tinh pháp chế cho nền Đệ nhị Cộng hòa để thoát ra khỏi chế độ độc tài quân phiệt nhưng nó tiến triển rất chậm vì Thiệu và các tướng lãnh không thật tâm xây dựng một chế độ dân chủ đủ mạnh để hổ trợ chính nghĩa chống cộng. Bên cạnh đó, các đảng phái chính trị quốc gia thiếu trình độ và bằng lòng với việc phát triển cơ sở, chia chác chức vụ ở một số địa phương. Sự thiếu trưởng thành về chính trị khiến họ không thể đoàn kết với nhau: trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1967, có tới 10 liên danh dân sự tranh cử với liên danh của hai tướng Thiệu Kỳ! Nói chung, người dân bỏ phiếu bầu kẻ đại diện cho mình vào các cơ cấu dân cử không phải vì tin tưởng hoặc ủng hộ kẻ đó; họ chỉ làm theo lời chỉ bảo của giáo hội mà mình là tín hữu hoặc đoàn thể chính trị mà mình là cảm tình viên. Vì thế, về mặt căn bản, các cấp chính quyền vẫn không thật sự phục vụ dân chúng — đặc biệt giới trí thức, sinh viên và tầng lớp trung lưu — tham nhũng công khai và gấp bội chính quyền của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và họ không bao giờ tranh thủ được sự tín nhiệm và ủng hộ rộng rãi của quần chúng nông thôn.Qua năm 1967, cùng với việc Tổng Thống Johnson tăng số lượng lính Mỹ tham chiến, ngân khoản viện trợ Mỹ dành cho Việt Nam cũng tăng theo, với các chương trình được gọi bằng những danh xưng khác nhau, như “phát triển nông thôn,” “bình định và xây dựng” hoặc “cuộc chiến tranh khác”. Chúng bắt đầu đạt được một số kết quả trong nỗ lực cách ly dân quê Nam Việt Nam khỏi ảnh hưởng tuyên truyền hoặc khủng bố của Việt Cộng. Hiệu quả hỗ tương của các cuộc hành quân lùng-và-diệt địch của Mỹ, khai quang rừng núi bằng hoá chất diệt cỏ dại hay còn gọi là chất độc màu da cam, cùng các cuộc oanh tạc, đã đưa tới tình trạng hàng triệu người tị nạn chiến tranh, không nhà không cửa. Họ lũ lượt kéo nhau về các thành thị vốn đã chật ních người, để sống trong các khu vực tị nạn lụp xụp và nghèo nàn. Ở đó, tuyï không còn sợ hãi bom đạn và khủng bố nhưng phải đương đầu với một cuộc phấn đấu mới để mưu sinh trong tình trạng kinh tế lạm phát trầm trọng, phát sinh bởi tình hình sản xuất nông nghiệp suy sụp và các chương trình viện trợ ồ ạt hàng tiêu dùng của Hoa Kỳ.Chiến tranh được các ký giả phương tây tiếp tục trình bày một cách sốt dẻo trên báo chí và truyền hình tại Hoa Kỳ và khắp thế giới như một vũng lầy của người Mỹ và bất lực của quân dân VNCH, làm sôi động thêm các phong trào phản chiến. Trong khi trên thực tế, việc điều hành cuộc chiến đã đạt được những bước tiến nhất định. Sự ổn định chính trị tại đô thị và việc mở tộng vòng đai an ninh tại nông thôn, xây dựng lại chính quyền xã ấp cùng các hoạt động quân sự của Mỹ, QLVNCH và đồng minh khiến Hà Nội nhận thấy không còn cơ may chiến thắng bằng vũ lực hoặc khai thác bất ổn chính trị. Tuy Hà Nội vẫn tuyên truyền rằng MTGPMN đang chiếm được 3/4 đất đai và 4/5 dân số nhưng hầu hết các đơn vị từ Miền Bắc xâm nhập vào nam chỉ hoạt động lẩn khuất tại các vùng sâu và vùng xa, làm mồi cho phi pháo và những cuộc hành quân truy lùng của QLVNCH và đồng minh. Tới cuối năm 1967, tướng Westmoreland, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Việt Nam, tuyên bố tình hình quân sự đang khả quan và chương trình bình định nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực. Ông chủ trương chấm dứt giai đoạn “lùng và diệt địch” để chuyển sang giai đoạn “tảo thanh và bình định.” Phản ứng lại, Bộ Chính trị Đảng Lao Động họp và lại ra nghị quyết khẩn trương hơn: ”Chuyển cuộc Chiến tranh Cách mạng Miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi và quyết định.” Trên thực tế, song song với việc MTGPMN đang thăm dò Hoa Kỳ về việc trao đổi tù binh, mệnh lệnh ấy của Trung ương có hàm ý liều lĩnh sửa soạn một cuộc tổng tấn công được họ tuyên truyền là để đưa tới một cuộc tổng khởi nghĩa trên khắp Miền Nam. Cũng trong những năm ấy, con số các phi công không quân và hải quân Mỹ bị bắn rớt ngày càng nhiều trên Miền Bắc và bị bắt làm tù binh chiến tranh tại Hà Nội. Khi số lượng tù binh đó ngày càng tăng thì bắt đầu lọt ra ngoài những lời đồn đải rằng họ là đối tượng của những cuộc hành hạ dã man, kiểu trung cổ, trong quá trình “tẩy não”. Và hậu quả là nhóm nhỏ người Mỹ ấy trở thành mục tiêu cho mối quan tâm đầy xúc động và mãnh liệt tại Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Phong trào đòi hỏi hòa bình và chống lại sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam ngày càng lan rộng trên thế giới, cuốn hút vào đó các đoàn nhóm Việt kiều yêu nước, chủ lực là sinh viên Miền Nam được đi du học và không trở về tại Paris, Tokyo và Montréal.- 1 -Vào thời điểm có oanh tạc, đèn đóm khắp trung tâm Hà Nội phải tắt hết hoặc che chắn thật kín để ánh sáng không chút nào lọt ra ngoài. Mặt nước Hồ Gươm, quả tim của thủ đô, bát ngát và sâu lắng chỉ phản chiếu yếu ớt ánh sáng lờ mờ của bầu trời mây giăng thật mỏng khi chiếc công xa Tatra già nua, hai chục tuổi đời, khục khặc đầu máy và dí mũi thận trọng lăn bánh dọc mạn bắc bờ hồ trong một đêm hạ tuần tháng Giêng năm 1968.Như thường lệ, giờ này đường phố thủ đô đông nghẹt nông dân Miền Bắc với xe đạp thồ, xe cải tiến và xe bò trên đó nông sản chất thành đống cao nghễu nghệu. Nhờ bóng tối che chở, họ hối hả tiếp tế cho thủ đô và họ gan lì không chịu nhường tấc đường nào cho chiếc ô-tô con đang bóp còi inh ỏi. Tình thế mỗi phút một khẩn trương vì ai cũng vừa nghe vẳng lại từ một chốn rất xa âm thanh o o quen thuộc của những chiếc pháo đài bay B-52 và đoàn oanh tạc cơ Cánh xòe F-105 của Mỹ, như họ đã phải nghe từng đêm suốt cả tuần nay. Tiếng máy bay làm chân họ bước nước rút, vai kê thật sát và hai tay đun xe đẩy cộ mạnh hơn.Trong không khí chưa hết oi bức, các khung cửa kính của chiếc xe Tiệp Khắc cũ kỹ được hạ xuống, nghiến vào bản lề rỉ sét kêu ken két. Chẳng biết tiếng động của đàn máy bay có vọng hay không tới tai của trung úy Mark Sherman lúc này đang ngồi khom lưng nơi băng ghế sau của chiếc xe Tatra, giữa hai công an Việt Nam có vũ trang. Nhưng dù có nghe ra, Mark cũng chẳng để lộ chút dấu hiệu nào cho những kẻ đang canh giữ mình biết.Hai cổ tay nằm yên trong còng thép. Hai mắt cá chân cột lỏng khỏng xích sắt. Thờ ơ ngó ra ngoài cửa xe, Mark đưa mắt trống rỗng nhìn vệt bóng lờ mờ của những đền cùng đài quanh hồ và từng đoàn nông dân đang đua nhau lướt qua rất vội. Trên người Mark vẫn y nguyên bộ đồ bay dày và mềm, màu ô-liu, mặc từ đêm cất cánh lần cuối tại Đà Nẵng vào đầu năm 1966. Cùng với ngày tháng nặng nề trôi, bộ quần áo độc nhất mặc suốt bốn mùa xuân hạ thu đông ấy nay xơ xác, từ cổ áo xuống lai quần mòn trơ chỉ. Ngoại hình của Mark giờ đây chỉ phảng phất đôi chút vóc dáng của viên phi công tuổi trẻ hào hoa từng hăm hở leo lên chiếc chiến đấu cơ Thần sấm Thunderchief F-105D hai năm trước. Đầu cạo nhẵn thín. Da xanh xao vàng vọt dán sát khuôn mặt hốc hác trơ xương với hai con mắt thâm quầng, thò lỏ và thụt sâu trong hai hố mắt. Vai xuôi xị. Mắt không chút sinh khí với tia nhìn lờ đờ. Hai bàn tay đeo còng chuồi hờ hửng giữa hai bắp đùi dang rộng như biểu lộ một thái độ vô vọng. Thỉnh thoảng mùi xăng Liên sô lợn cợn và ngập ngụa hơi ben-den của chiếc Tatra thốc lên làm Mark nhíu mày. Anh hỉnh mũiù, tỏ vẻ khó chịu, và sau đó, bộ mặt lại trở về vẻ hoàn toàn dửng dưng.Ngồi đằng trước trên chiếc ghế bên cạnh tài xế, Trần Văn Kim thỉnh thoảng ngoái đầu lui quan sát Mark Sherman nhưng viên phi công Mỹ không nhìn lại. Tuy tuổi ngoài năm mươi nhưng trên vành cao cổ của chiếc áo đại cán, bộ mặt đầy đặn của Trần Văn Kim vẫn trẻ trung kỳ lạ. Nếu Mark có thể nhìn người phụ tá cao cấp ấy của Hồ Chí Minh bằng đôi mắt của cha mình, hẳn anh sẽ nhanh chóng nhận ra trên bộ mặt cân đối và hài hòa đó dấu vết tinh anh của một gia đình từng cho ra đời một người nữ xinh đẹp tuyệt vời là Lan, em của Kim. Nhưng không chút để ý tới sự có mặt của Kim, Mark tiếp tục ngó trống rỗng vào màn đêm bên ngoài cửa xe, như suốt chuyến đi dài này anh vẫn nhìn như thế kể từ thời điểm xuất phát tại trại giam tù binh ở Sơn Tây, phía tây bắc Hà Nội.- Trung úy Sherman này, chẳng lẽ anh không muốn biết người ta đang đưa mình tới chỗ nào sao?Kim hỏi bằng tiếng Anh với giọng lơ lớ và suỵt soạt nhưng Mark không trả lời dù bị hai công an kèm cặp thọc mạnh mũi súng vào be sườn. Kim đưa tay khoát nhẹ, có ý bảo thuộc hạ đừng làm thế. Rồi anh quay mình và tiếp tục ngồi ung dung trên ghế trước.Được che bốn phía bằng lá gồi và trên cắm tua tủa cành cây rừng, chiếc Tatra với hình thù ngụy trang dị dạng, khật khưỡng lăn bánh qua một nửa chu vi của bờ hồ. Tiếp đó, xe chạy vào khu vực có mấy hàng phố thủ công nghiệp xưa cổ của thủ đô rồi hướng mũi ra một vùng ngoại ô ven đô ở phía nam. Thêm lần nữa, các đám đông dày đặc ken đầy đường làm xe phải dừng bánh. Người tài xế công an thò đầu ra ngoài cửa xe, lắng nghe tiếng máy bay. Chốc lát sau, đầu vẫn để yên tại chỗ, anh ta hỏi vọng vào:- Chắc hẳn lại cảng Hải Phòng, phải không đồng chí Kim?Thay vì trả lời, Kim dỏng tai lắng nghe âm thanh máy bay kêu o o trên mây. Tiếng gầm rú nghe mỗi lúc một gần khi những phi vụ phối hợp, phát xuất từ các căn cứ của Hoa Kỳ ở Bắc Thái Lan và các hàng không mẫu hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội đậu ngoài khơi Biển Đông vào điểm hội tụ. Đến khi tiếng ầm ầm đột nhiên tăng mạnh hơn cũng đúng là thời điểm súng phòng không và các ụ tên lửa bố trí quanh thủ đô bắt đầu khai hỏa.Kim điềm tĩnh ra lệnh cho tài xế cho xe tiếp tục lấn đường đi tới:- Nghe như thể tối nay chúng nó bắn phá đúng ngay con đường này. Mình cho xe chạy tới điểm đến càng sớm càng tốt.Tài xế đề máy xe trở lại rồi nhấn ga. Anh ta chăm chú nhìn qua kính chắn gió khi kềm tay lái vượt quá những bóng người lúc nhúc và lờ mờ trước hai ánh đèn le lói nơi đầu xe vì bị lưới sắt bọc kín để đề phòng máy bay không tập. Dọc lề đường hai bên, cứ cách vài thước lại có một bức chân dung thật lớn của Hồ Chí Minh đang nhìn xuống, trên một tấm bảng treo giữa những bích chương in hình các o du kích Việt Nam bắn tan xác máy bay chiến đấu Mỹ bằng chỉ một phát súng trường. Thấy các chân dung và bích chương đó, Kim lại từ ghế trước ngoái ra sau và nói:- Trung úy Sherman này, vì anh tỏ ra không để ý tới mục đích của việc chúng tôi đưa anh về thủ đô lần này nên tôi sẽ nói cho anh biết tại sao anh được đem tới đây. Anh có vinh dự được vị lãnh tụ vĩ đại và kính mến của nhân dân Việt Nam tiếp kiến. Chủ tịch Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà chúng tôi, Bác Hồ mà anh thấy chân dung được treo khắp mọi nơi ở đây, Bác muốn đích thân nói chuyện với anh.Kim quan sát thật kỹ tù nhân của mình nhưng trên vẻ mặt trơ trơ của Mark không gợn lên chút quan tâm nào. Rồi trong bầu không khí im lặng tiếp đó, tiếng bom rơi vun vút từ xa nghe càng lúc càng rõ dần. Trên khuôn mặt đầy đặn của Kim lại loé lên một nụ cười tươi tắn:- Trung úy này, có lẽ anh không tin tôi. Có lẽ anh thấy không thể nào tin nổi rằng một nhà lãnh đạo quan trọng ngần ấy của cả nước mà vẫn tiếp tục ở lại giữa lòng thủ đô Hà Nội vào thời điểm bọn đế quốc các anh bỏ bom bắn phá cực kỳ nguy hiểm như thế này. Mà anh không tin cũng phải vì người Mỹ không thể nào hiểu nổi tính cách vĩ đại của Bác Hồ chúng tôi. Bác nhất định chia xẻ tất cả những gian nguy mà nhân dân và các đồng chí của bác đang đối mặt...Thình lình, ánh chiếu của một ngọn lửa màu da cam chói lọi làm lòng xe sáng rực khi bom dội trúng một kho nhiên liệu cách đằng trước họ một hai dặm, làm bùng lên tia chớp thật lớn. Tài xế lập tức thắng xe ngay giữa lộ và tự động phóng như bay ra khỏi xe. Trong một thoáng, Kim quan sát đám cháy rồi cộc lốc ra lệnh cho hai công an ngồi nơi băng sau, trước khi anh lao người qua cửa xe phía bên mình. Chung quanh xe, nông dân bỏ xe cộ chở hàng, vọt lên vĩa hè và nhảy lẹ xuống hố núp cá nhân làm bằng ống bê-tông lớn và cao cỡ thùng phuy hai trăm lít, được đặït chìm thành từng dãy hai bên đường. Ngồi lọt thỏm trong lòng hố, họ thò tay kéo nắp đậy lên đầu kín mít. Chưa đầy một phút, khắp khu vực trở nên vắng lặng, không một bóng người.Lóng cóng lôi Mark ra khỏi lòng xe, hai công an đẩy cái thân xác cao kềnh và gầy nhom của anh xuống một hố cá nhân nhỏ xíu. Họ cố đè nhưng Mark không chịu ngồi sụp xuống. Người anh vẫn thẳng đơ trong bàn tay túm chặt của họ, để mặc họ muốn làm gì thì làm. Thấy không thể làm cho Mark khòm lưng ngồi chồm hổm, hai công an bắt đầu hét lớn vào hai lỗ tai anh và vừa nhảy lên đè vừa trở ngược báng súng nện tới tấp lên hai vai anh. Tới khi có một đợt bom khác nổ quá gần làm đất và gạch đá rơi như mưa khắp mặt đường chung quanh, họ lật đật buông Mark ra rồi nhào xuống hai chiếc hố gần đó.Cả hai vừa kéo kín nắp hố thì ánh chớp và tiếng bom nổ ầm ầm, rền lên như sét đánh. Gạch đá càng lúc càng bay rào rào, trúng chiếc Tatra nằm trơ vơ giữa đường. Từ dãy nhà kho nhiên liệu đang bốc cháy, ánh sáng đỏ rực làm loang lên bầu trời một màu da cam chất ngất và nóng bỏng. Mark Sherman ngước mắt nhìn lên, bộ mặt anh đanh lại, khốc liệt. Rồi từ trong hố núp bom chỉ đào vừa vặn cho người Á Đông nhỏ thó, Mark đột nhiên đứng thẳng lưng. Anh chụp nắp hố, liệng ra xa. Chiếc nắp hố quay tròn như bánh xe, lăn qua bên kia mặt đường cho tới khi rớt xuống rảnh nước bên đường, kêu lẻng kẻng. Đưa hai nắm đấm lên trời cao vời vợi và mù mịt khói, Mark lảm nhảm gào thét với những chiếc oanh tạc cơ Mỹ đang bay khuất dạng đâu đó trên mây.Tiếng của Mark tuôn ra từng tràng, lộn xộn, không đầu không đuôi. Không ai biết anh muốn nói gì. Chúng tự động vọt ra khỏi cổ họng. Ban đầu nhỏ hơn tiếng kêu của một loài thú, kế đó biến thành những âm thanh chửi bới mê loạn. Đôi khi tiếng la hét ấy chìm lĩm trong tiếng ầm ầm cuồng nộ của cuộc oanh tạc. Đôi khi chúng ré lên chói tai nhức óc trong không khí im ắng bất chợt giữa hai đợt bom. Có lần, nắp hố bên cạnh Mark bị rón rén hé lên và qua vành hố, hai tròng mắt của Trần Văn Kim giật mình đảo quanh. Rồi một đợt gạch đá khác lại văng tới tấp làm Kim phải kéo sập nắp hố của mình lại.Khoảnh khắc sau, một cục gạch to cỡ nắm tay văng đến, đập vào trán Mark làm anh ngất xỉu. Anh gục xuống, nửa thân người dưới lòng đất, nửa thân người vắt ngang miệng hố. Mark nằm không nhúc nhích trong khi tiếng gầm rú của lũ máy bay oanh tạc xa dần rồi mất hút trên mây. Và sau cùng, khi đường phố yên tĩnh trở lại, trong mấy giây ngắn ngủi, tiếng thổn thức yếu ớt của Mark là âm thanh duy nhất của con người trong trời đêm thinh lặng.