Những vì sao thứ nhất

Năm mười bảy tuổi, tôi đã sống rất nhiều với những vì sao. Tôi đã gọi chúng là những vì sao của Diệu. Tại sao và tại sao bây giờ tôi nhắc lại những vì sao cũ, tôi sẽ nói ở dưới. Dạo ấy, chúng tôi ở phố Hiến. Căn nhà lá của cụ lý Bằn – người chủ trọ – khoảng vườn nhỏ cạnh bờ ao biến thành một đài thiên văn nhỏ, đêm nào chúng tôi cũng ra ngồi ở đó, tâm hồn thơ dại mở những lối đi lên những đỉnh trời. Tập thơ đầu tiên của tôi với bài đề tựa của Diệu – không bao giờ được in ra – lấy tên là Phương Sao. Những vần thơ thứ nhất viết vào những giờ phút thao thức dưới ngọn đèn nhỏ, trong đêm tỉnh lẻ không cùng, trang giấy trắng muốt là một khoảng không gian rộng bằng thế giới của những vì sao. Thường thường tận khuya chúng tôi mới từ ngoài vườn trở vào nhà. Đêm lạnh buốt. Liếp mỏng. Hoa lá ngoài vườn thơm một hương thơm quái đản. Những ngọn cỏ tối chân bờ ao thân mật gần gũi như những linh hồn người. Không khí liêu trai xuất ra từ những gốc rêu đất ẩm lạnh. Những vì sao tưởng như còn đi xuống nói chuyện vũ trụ và đời hành tinh lạnh lùng với những khoảng tuyết băng ngời ngời trên cao.
Tuổi mê sao, coi trăng là bạn và đường đi là con sông Ngân Hà lấp lánh, ánh sáng mơ màng choán ngập tâm tưởng tôi, trên những trang sách tôi, vào tận giấc ngủ. Trường chúng tôi ở Hà Nội dọn về sau mấy trận oanh tạc kho đạn Nhật Bản ở Gia Lâm, bấy giờ là vào khoảng cuối năm 1944. Nên trời đã thẫm màu của một thời chiến đã bén lửa có bóng những chiếc pháo đài bay hai thân từ duyên hải tiến vào không phận thành phố phòng thủ. Trái bom dữ dội làm phát hỏa cả một góc cổng thành Cửa Bắc. Hai hôm sau chúng tôi đóng cửa trường ra bến Phà Đen.
Tôi gặp Diệu lần đầu tiên trên chuyến tàu đêm dời Hà Nội lúc hai giờ sáng. Nếu Diệu còn sống, tôi cũng vẫn nhớ được trọn đời chuyến tàu đêm ấy. Nước chảy bồng bềnh. Bóng tối dăng dăng. Tiếng còi dời bến nức nở. Diệu chết, chuyến tàu, tiếng còi, bóng tối sống lại trong tôi thành những hình ảnh vĩnh cửu của tuổi mười bảy. Đêm nay tưởng nhớ lại những vì sao cũ tôi đi lại trong tưởng tượng một chuyến tàu trong đêm Hồng Hà. Tôi đã mất Diệu, xa Hồng Hà và những vì sao cũ.
Vậy là buổi chiều ấy, một chuyến tàu đã dời Hà Nội. Còi hú dài đập vào những bãi vắng không nhìn thấy. Tiếng nức nở là những âm thanh vĩnh biệt. Nhịp đẩy đưa bồng bềnh của nước chảy dưới gầm cầu. Nước chảy xuôi, bánh lái chân vịt quay trở lại. Tôi đón nhận ấn tượng thứ nhất về thời gian trong chuyến đi lần đầu. Tôi nhớ lại từng chi tiết. Tàu đi đã lâu. Những ánh nến được đồng loạt đốt lên. Chúng tôi là bốn trăm người không ngủ. Tiếng nói chuyện thì thầm từ đầu đến cuối mũi tàu. Đêm mùa đông vải bạt phủ kín tứ phía. Từ buồng máy hơi than lửa bốc lên ngột ngạt. Tôi không ngủ được cũng không xem được cuốn tiểu thuyết mang theo và cũng không góp chuyện được với lũ bạn hữu. Sau cùng tôi đứng dậy lách khỏi đám thân thể nằm ngổn ngang vén bạt đi ra, lần về phía mũi tàu.
Tôi trông thấy Diệu lần thứ nhất. Anh ngồi quay lưng lại trên đống dây sắt. Lúc đó tôi chưa biết Diệu là ai nhưng một cảm giác thân thuộc đã vụt đến. Sự gần gũi của hai người cùng có một cái gì giống nhau trong một giờ phút đặc biệt vì nếu không có Diệu ngồi đó tôi cũng sẽ đến ngồi trên đống dây xích sắt và cũng quay lưng trở lại. Tôi đứng lại, không động, tay vịn vào thành sắt vây quanh đai tàu. Về sau, có một lần tôi cũng trông thấy một người ngồi như thế, trong một sân ga nhỏ đêm mưa phùn, chờ một chuyến tàu chưa đến, như một cái bóng một pho tượng đắm chìm trong im lặng. Tôi yêu những con người với những bóng hình thành tượng như vậy. Sự suy nghĩ triền miền lúc đó như đẩy ra khỏi hiện tại có giới hạn đến một thế giới nào chỉ có mình với mình không một liên lạc một vướng bận với chung quanh. Rodin lúc nặn tượng người suy tưởng chắc cũng có những phút tách rời như thế để sáng tạo trong những hình nét điêu khắc thần kỳ một con người đối diện với thế giới nội tâm của mình. Phút ấy tôi chắc Diệu cũng chưa lắng được hẳn vào suy tưởng. Bờ vai bờ lưng kia còn như bị đè nặng dưới một tâm sự: Hà Nội. Tôi cứ đứng yên lặng mà nhìn Diệu, thấy rằng một tiếng động nhỏ lúc đó cũng không thể tha thứ. Bóng Diệu in lên mặt sông đêm khuya thoáng gợn những bọt nước trắng như những sợi chỉ đứt. Tôi nghĩ đến một cái gì tương phản. Bên trong, bốn trăm gã học trò tản cư chụm đầu trên những trang tiểu thuyết, thì thầm nói chuyện hoặc đã ngủ say sưa mê mệt. Và bên ngoài, một người ngồi nhìn đêm, nhìn thời gian, ngồi trong một thế giới. Tôi thấy Diệu lạ lắm. Lúc đó tôi không còn nghĩ Diệu là một gã học trò nữa. Tôi vừa ngạc nhiên vừa kính trọng. Sau cùng, tôi tiến lại gần. Bước chân tôi vướng vào một cái gì, làm thành tiếng động và Diệu quay lại. Anh nhìn tôi thản nhiên, nhưng hai con mắt sáng lên như hai vì sao nhỏ. Tôi lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh, trên đống dây xích sắt đã lạnh buốt. Còn tàu vẫn chuyển đi. Một lát sau tôi đoán vào lúc tàu về qua vùng Bát Tràng, Gốm gì đó thì tôi đã được biết ít nhiều về Diệu. Tên anh, quê ở Sơn Tây và mới xin nhập học được nửa tháng thì trường phải thuyên chuyển. Thảo nào cùng trường mà chúng tôi chưa quen nhau. Tôi hỏi Diệu:
“Ngồi ngoài này lạnh lắm. Anh không buồn ngủ sao”.
“Không, Diệu cười. Ngày nhỏ đi thuyền trên sông Đáy tôi vẫn thức suốt đêm cho đến lúc ghé bến. Tôi thích nhìn sao”.
Yên lặng một lúc, Diệu nói tiếp:
“Không gì đẹp bằng những vì sao”.
Câu chuyện giữa chúng tôi thỉnh thoảng lại bị cắt đứt bằng những im lặng dài. Chúng tôi cùng nhìn xuống khoảng tối của sông dưới mũi tàu. Một lát, nhìn lên, tôi bắt đầu thấy những vì sao là đẹp. Nhìn sang Diệu, tinh tú đựng trong mắt anh và tôi không biết anh đang nghĩ đến điều gì. Người anh gầy, nhỏ. Anh mặc một chiếc áo dài đen rộng lùng thùng. Thôi nhìn sao, Diệu lại kể chuyện Sơn Tây cho tôi nghe. Thành đá cổ cũ hoang vắng, hào sâu cỏ lấp kín, buổi trưa tỉnh lẻ nắng mệt mỏi ngủ giữa những bóng bàng cao vút, tiếng bánh xe ngựa lăn vòng quanh cửa Tiền cửa Hậu và buổi chiều gió sông Hồng thổi vào thành phố với những chuyến xe hàng nặng nề từ mạn Trung Hà vào đỗ trong bến. Tôi hơi buồn cười về lối thuật chuyện của Diệu lúc đó. Sau này tôi mới khám phá thấy những tiếng xe cửa Tiền cửa Hậu ấy, những rãnh hào cỏ hoang ấy là những trang tiểu thuyết đẹp nhất tôi đã đọc được ở Diệu.
Đêm theo trường về phố Hiến sao cũng sáng và cũng nhiều lạ lùng. Sông Ngân Hà vắt qua chạm vào lòng sông cắt thành một ngã tư hào quang. Con tàu đi lâu vẫn không hết ngã tư ánh sáng. Một lúc nào đó Diệu chỉ tay bảo tôi:
“Chỗ kia sao xúm xít dễ đến hàng triệu”.
Quả thật chưa bao giờ tôi lại có cảm tưởng sao nhiều đến như thế. Về sau, đêm nào tôi cũng gặp những vì sao nhưng tôi chỉ gần chúng nhất, thấy chúng đẹp nhất riêng trong đêm đi tàu và gặp Diệu. Nền trời đen thẫm ở trên, con sông ở dưới sâu hút, tàu chuyển mình giữa hai màn sao, một của trời và một của nước. Chúng tôi ngồi ở giữa. Sương xuống càng nhiều, đêm càng lạnh, sao càng sáng rực rỡ. Vẻ đẹp của tinh tú đêm ấy nằm trong tâm tưởng người. Nhìn lên, vẽ những con đường tưởng tượng đến một hành tinh xa lạ hoặc là dạo những bước chân tưởng tượng giữa hai bờ sông Ngân, cảm xúc tôi đêm đó không phải thuộc về một ý niệm khoa học. Vũ trụ chỉ là một cảnh tượng đẹp lãng mạn, tôi không phân tích nổi với những vì sao bí mật quyến rũ. Con tàu vẫn đi. Tôi đã thức với Diệu như thế, nói chuyện thì ít ngắm sao thì nhiều, cho đến khi tầu cập bến Hưng Yên. Ánh sáng của lửa bến khác hẳn, đục, buồn và tầm thường. Rồi con đường lên thành phố hiện ra tăm tối qua những bãi ngô. Đất bồi ven sông rộng mênh mông. Đoàn học trò kéo dài. Diệu lùi xuống cuối đoàn đi bên cạnh tôi và câu chuyện về những vì sao vẫn chưa dứt. Tôi gợi chuyện. Diệu lại kể cho tôi nghe những đêm ở Sơn Tây, anh đứng ngắm sao hiện lên trên cổng thành. Anh nhớ có một vì sao lớn đêm nào cũng mọc rất muộn ở góc thành cửa Hậu, anh đã chờ đón như chờ một người bạn, ở một chỗ nhất định. Mấy năm sau anh không nhìn thấy vì sao ở chỗ cũ và khoảng trời thiếu vắng một điểm sáng như một sự thương nhớ đen. Tôi nghe chuyện càng thấy Diệu kỳ lạ.
Trời sáng mờ mờ khi chúng tôi đặt chân vào phố Hiến. Nền trời hồng hồng không còn một vì sao nhưng mà những vì sao đêm qua đã làm chúng tôi thân nhau. Tình bằng hữu giữa tôi và Diệu sau này vẫn có cái ánh sáng lạnh và hình ảnh thương nhớ của những vì sao đêm thứ nhất.
Nỗi buồn của Diệu thường trực. Trong suốt mười bốn tháng – thời gian lưu trú ở phố Hiến – không bao giờ tôi thấy Diệu vui. Trường học mới rất thích hợp với Diệu. Đó là một tu viện ba tầng màu xám đứng sừng sững giữa một bãi cỏ rộng sau chợ cách xa thị xã bằng một con đường đất đỏ lúc nào cũng lầy lội. Phía sau trường, thật xa, một con đê chạy dài, bóng những cây nhãn cao đều nhau kéo đi với những khoảng cách đều đặn. Tôi không quên được những đêm sao ở phố Hiến, cũng không quên được những bờ đê phố Hiến. Cỏ xanh mướt, lúc nào cũng tươi nõn, từ mặt đê thoai thoải đổ xuống chân đê, chỗ nằm lý tưởng cho chúng tôi những buổi trưa đến đó chia nhau mỗi người một gốc nhãn, nằm nhìn bầu trời biếc giữa những khoảng lá trống động nắng. Thật là những cánh lá thon mình thuyền của Huy Cận. Chúng đi vào tâm hồn Diệu u ẩn hoang vu mà tôi đã muốn so sánh với một tháp Chàm của Chế Lan Viên khi tâm hồn tôi mới chỉ có được cái thơ dại bỡ ngỡ của một vần thơ Nguyễn Nhược Pháp. Trong lãng mạn của tuổi thơ đã có tượng trưng của hồn. Tác dụng từ con người từ nếp sống của Diệu gửi tới chúng tôi, sắc thái sâu đậm nhất là bao giờ ở Diệu cũng như mở ra một cửa ngõ của suy tưởng chúng tôi theo đó đi vào những thế giới ảo tưởng vừa đẹp và vừa buồn. Đẹp vì nhiều ánh sáng. Buồn vì ít tiếng động. Ánh sáng của những vì sao, trong sự im lặng của đêm của vũ trụ. Nhiều khi nằm ở chân đê – chọn những góc khuất vắng, tôi đã mất hẳn ý niệm về thời gian, đến lúc rũ áo ngồi đây, buổi chiều đã xuống từ bao giờ mà không hay biết. Nắng xế thoi thóp trên mái tu viện. Những bờ ruộng kéo dài và trời sâu hơn. Một buổi chiều, Diệu đã chỉ cho tôi một dải nắng sắp tàn trên mặt cỏ. Và nói:
“Một đời được nhìn nắng đẹp vài lần thế này cũng đủ”.
Tôi không hiểu chữ “cũng đủ” của Diệu. Có lẽ bởi một linh tính nào đã báo trước cho Diệu, anh nằm xuống sớm, để những dải nắng chiều trở nên quý báu vì vĩnh viễn con người anh không nhìn thấy nữa, không lâu gì. Bấy giờ tôi mới thấy Diệu có lý và hiểu thấu đáo ý nghĩa hai chữ cũng đủ của anh. Hàng nghìn hàng vạn con người sống lâu gấp ba bốn lần cuộc đời ngắn ngủi của Diệu, chưa từng bao giờ ý thức và xúc cảm được về cái đẹp của một dải nắng, một vì sao. Họ chỉ biết là có nắng đấy có sao đấy, nhưng không biết thế nào là đẹp, và bởi vậy trời đất thiên nhiên chỉ là những đối tượng thờ ơ của một cái nhìn khách quan, vô nghĩa và ở ngoài. Điều càng làm cho tôi quý mến Diệu lúc sống, và sau cái chết của Diệu, thương xót anh mãi mãi, là bản chất buồn, nhưng sức sống của Diệu thật mãnh liệt. Chỉ như một cái bóng đi vào và ra khỏi rất thoáng rất mau giữa cuộc đời như là một cái bóng đựng một lượng sống chan hòa phát triển. Ở chỗ: Diệu chẳng những đã thao thức tìm kiếm một lối đi vào sâu trong sự vật, anh còn gửi cho sự vật lòng yêu mến chân thành. Thái độ này gắn Diệu vào với sự vật làm một. Những vì sao với anh là một. Dải nắng chiều bờ cỏ xanh với anh là một. Lúc anh là một thân cây. Lúc anh là một vì sao.
Sống với Diệu một thời gian, tôi đã viết những vần thơ thứ nhất. Tự nhiên, dễ dàng như gã học trò làm bài giữa trời đất. Cái gì thúc đẩy tôi? Có phải là trong lớp học thiên nhiên tôi ngồi chung ghế với Diệu? Tập thơ Phương Sao không bao giờ được in ra – tôi coi như là một phúng viếng gửi cho người bạn đã khuất – tôi đã đánh rơi xuống dòng sông Mã trước bến đò Lèn một buổi chiều có phi cơ oanh tạc vụt đến. Những dòng thơ mơ hồ không nhớ được nữa, nhưng mà những xúc cảm ghi nhận trong đó tôi nhớ chính là sự tiếp xúc đầu tiên của tôi với giấy mực với thiên nhiên qua con người Diệu. Ví như những âm thanh tôi nghe được qua hồn Diệu là tiếng vang núi. Bây giờ thì những xúc cảm tôi đã có thể tiếp nhận thẳng ở sự vật nhưng Diệu vẫn cứ còn nguyên vẹn là một sự thiếu vắng những lúc tôi chợt đứng sững một mình giữa một cảnh tượng đẹp làm mình ngây ngất. Diệu mang hình ảnh một ý niệm tổng hợp. Nếu mà người đàn bà thứ nhất vẫn gửi lại cảm xúc qua những người đàn bà khác tôi gặp nhiều về sau, thì Diệu cũng là cái đẹp đầu tiên ấn tượng tôi vẫn luôn luôn gặp lại trong những cái đẹp tôi đón nhận được bây giờ và mai sau. Trên nền trời của riêng tôi, những vì sao vẫn thay phiên nhau mọc lên trong ánh sáng tinh tú muôn vạn. Nhưng Diệu thì vẫn là vì sao thứ nhất.
Diệu chết năm 19 tuổi. Không phải ở Sơn Tây, cũng không phải ở phố Hiến mà trong cái ngõ hẻm số 5 cuối đường Khâm Thiên ngoài Hà Nội. Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Chúng tôi bỏ trường, người về Hà Nội người về quê. Bẵng đi khá lâu tôi không gặp Diệu. Đến lúc lên Hà Nội mới biết tin Diệu đã mất. Tôi hỏi thăm và tìm đến chỗ Diệu ở. Lúc bây giờ vào buổi trưa. Qua một phố lớn, ngõ hẹp mất hút giữa hai bờ tường xám. Tôi đã đứng lại rất lâu giữa lòng ngõ, nhìn lên khoảng trời cao. Một khoảng trời thành phố bé nhỏ lạ lùng. Tôi nghĩ đến những ngày cuối cùng của Diệu, ở ngõ hẻm, với một vài vì sao hiếm hoi họa hoằn mới hiện ra giữa hai chiều tường. Tôi gõ vào một tấm cửa đóng kín. Một bà cụ già ra mở cửa. Bà ngó tôi chăm chú. Sau khi tôi tự giới thiệu, bà gật đầu nói:
“Phải, cháu nó mất đã hai tháng. Bị bệnh đau phổi đấy ông ạ! Theo lời cháu dặn tôi chôn cất cháu ở một nghĩa địa ngoại ô. Cháu có gửi tôi một lá thư dặn giao lại cho ông”.
Tôi nghĩ thầm: Một vì sao đã tắt ở đây. Tôi theo bà cụ vào nhà. Căn buồng tối mờ mờ. Tường mái long lở cũ kỹ. Mấy chiếc bàn ghế đứng im lặng trên nền đất tối và lạnh. Tôi đứng rất lâu, cả người tê đi trong sự đợi chờ tiếp nhận lại một cái gì. Một cái gì của Diệu, một hình ảnh, một màu sắc quen thuộc. Cảm giác đau đớn rức buốt nổi lên trong tôi. Căn phòng không để lại một dấu tích nhỏ bé nào có thể chứng minh với tôi Diệu đã về sống và đã chết ở đây. Có thể nào được không? Nếu để tìm đến cái chết Diệu có thể về đây để chết, nhưng chỗ này anh không thể sống được, ở đây chẳng khác gì một tu viện bưng bít như một hầm kín. Căn nhà lạnh thiếu ánh sáng, bóng tối đọng lại trong mắt. Tôi nhớ cùng một lúc đến những đêm sao lấp lánh muôn triệu những bờ đê cỏ mướt những phiến da trời xanh trên đỉnh cây cái thế giới tâm hồn của Diệu ở ngoài kia, bên ngoài thành phố bên ngoài ngoại ô, bên trên mặt đường bên trên mái nhà, chỗ những khoảng rộng mà tầm mắt không bị thu hút, cái nhìn không bị giới hạn, ở đó con người thấy mình nhỏ như một hạt cát và cũng lớn như vũ trụ, bởi sống và ý thức được đầy đủ thế nào là cái đẹp của khoảng cao rộng, bên trong và bên ngoài mình.
Bà cụ mở một ngăn tủ trao cho tôi lá thư. Trang giấy ngắn cũng không có gì quan trọng. Diệu chỉ vắn tắt viết cho tôi, anh biết anh sắp mất và hy vọng tôi sẽ ra thăm chỗ anh nằm ở ngoài trời, một mình. Tôi gập thư lại. Hỏi chuyện bà lão già về những phút cuối cùng của Diệu, bà cho biết Diệu thao thức ít ngủ. Và trong tuần lễ sau cùng, luôn luôn đòi ra nằm gần cửa sổ. Diệu muốn thu vào trong đôi mắt hấp hối những vì sao một đời? Nhưng ngõ thì hẹp tường thì cao anh chỉ thể đoán thấy mà không nhìn thấy. Tôi nghĩ vậy. Nếu được lựa chọn, chắc Diệu đã muốn được nhắm mắt ở một mũi tàu trong chuyến đi đêm trên sông, hoặc trên một bờ đê cao, giữa những khoảng rộng. Trong một đêm rất nhiều sao sáng.

°

Nhiều năm qua đi. Phố Hiến cổ cũ, Sơn Tây đẹp buồn, những bờ đê cỏ mướt, không có bước chân tôi trở lại thăm viếng, vì xa cách và thiếu cơ hội. Tôi cũng đi nữa những chuyến tàu đêm trên Hồng Hà. Nhưng trước khi dời Hà Nội vào Nam, tôi có đến thăm mộ Diệu. Chia tay với người chết vậy mà cũng rưng rưng đau đớn như với người còn sống. Bà cụ già đã làm theo ý muốn cuối cùng của đứa cháu ngoại mất sớm. Mộ Diệu đặt trên một thửa ruộng cao. Trước mộ là đất trải đi mênh mông, và trời xanh không vướng khuất. Chiều đến thăm mộ bạn, tôi đã ngồi xuống bên cạnh nấm đất. Cỏ úa màu nắng chiều. Tôi quay lưng với Diệu trở lại thành phố. Cuộc sống của người ở đây ngắn ngủi vụt đi như một hành tinh lạc đường. Nhưng đẹp và trọn vẹn. Bây giờ Diệu, có thể hoàn toàn theo dõi những vì sao của anh. Nếu cõi chết là hình ảnh của đêm thì những vì sao đã thuộc của riêng anh. Tôi trở lại thành phố trên những con đường đã chạng vạng bóng tối. Đầu óc tôi váng vất một nhịp đẩy đưa bồng bềnh. Thời gian. Bánh xe lăn. Đôi cánh trắng muốt. Ý nghĩa trường tồn của một cái gì không vĩnh cửu. Và người bạn, như một vì sao, còn sáng mãi trong tôi.

°

Tôi sẽ không bao giờ nói trở lại những vì sao của Diệu – có những cái đẹp, đẹp đến nỗi người ta chỉ muốn giữ một mình và không muốn nhắc nhở tới – nếu tôi không tình cờ đọc một đoạn văn của một người bạn trong cuốn sách anh vừa tặng tôi chiều nay. Đoạn văn nói rằng thái độ trở về với dĩ vãng là một triệu chứng tâm hồn yếu đuối. Nhưng mà dĩ vãng nào? Đoạn văn không làm tôi để ý nếu người viết không đả động tới những vì sao: “Những vì sao đã tắt đêm qua như những sự gục ngã tối tăm. Con người phải đi trên đường đi của mặt trời”. Tôi lấy bút chì gạch dưới câu văn. Tự nhiên tôi nhớ đến Diệu, đến những vì sao cũ. Tôi mặc áo ra khỏi nhà. Qua những dãy phố chật hẹp, chồng xếp lên nhau ở trung tâm thành phố, tôi đi dần ra mạn bờ sông. Phố thưa dần. Mái nhà bờ tường cái nọ cách xa cái kia hơn. Những hàng cây những bóng điện thấp xuống. Rồi thì là sự hiển hiện cao vút đột ngột của vòm trời. Vẫn là một vòm trời thành phố nhưng một cảm giác rộng rãi đã trải ra trước mắt tôi nhìn lên. Tôi dừng bước trước bờ sông. Tôi ngồi trên một chiếc ghế đá. Đã lâu lắm, qua rất nhiều năm nhiều tháng ngày, những vì sao mới lại trở về qua ấn tượng thứ nhất. Chúng đang đi xuống tôi. Nhấp nháy, linh động như những tiếng nhắc nhở thầm. Tôi sống lại với Diệu. Tuổi mười bảy tập Phương Sao với những vần thơ không bao giờ được in ra. Giá trị của những sự kiện đã tàn hủy những ý nghĩa còn tồn tại. Cái đẹp khởi từ nguồn gốc cũ vẫn như một dòng ánh sáng thiết yếu cho đời người hôm nay. Tôi sống hôm nay, cũng không tách biệt được với những cái gì đã chết những người đã chết, với lịch sử với tâm hồn người đời đời. Nhát dao chặt đứt mình mẩy quá khứ thì thi thể của hiện tại cũng rách nát đau đớn. Ba phần thời gian chỉ là một. Tôi nghĩ miên man như vậy. Chung quanh tôi là thành phố, dòng nước chảy, những hàng cây, những mái nhà, vòm trời cao, đáy nước sao. Chúng tổng hợp lại thành một thực thể tổng hợp. Tôi không thấy một khởi điểm riêng lẻ nào. Những vần thơ tôi sẽ viết và sẽ được in ra sẽ còn cái hơi thở của tập thơ buổi đầu. Làm cái việc ôn lại đời mình qua những điều chắt gạn ở cuộc sống một người đã khuất, tôi muốn tự đặt cho mình một thái độ. Con người phải đi trên đường mặt trời hướng vào tương lai. Nhưng quá khứ đã làm tôi lớn lên. Tôi tưởng rằng nếu tôi có hàng ngàn năm để làm cái việc thu lượm những cái đẹp, những vì sao từ quá khứ gửi tới thì cái việc thu lượm đó sẽ không bao giờ hết. Và tôi đi đến một kết luận: Cái đẹp nào cũng chứa đựng một hình ảnh của quá khứ.

°

Cho tới lúc tôi dời bỏ chiếc ghế đá theo đường cũ trở về nhà thì đêm đã khuya. Gió mát rượi thổi qua thành phố ngủ yên. Trời đất bây giờ như đã hòa mình hẳn vào với những lòng đường. Bóng lá bóng nước. Những vì sao ở cùng với những hàng cây, những bờ tường, những biển số trong một khung cảnh gần gũi thân mật. Tôi đi giữa sự gần gũi thân mật này. Tôi tự bằng lòng tôi. Tôi thấy tôi bớt lẻ loi. Chợt nghĩ đến một cuốn phim xem đã lâu. Chuyện thuật lại những ngày trở về buồn rầu của một người quân nhân sau trận đánh nhau lớn, những đợt trọng pháo sấm sét dữ dội đã làm y mất trí nhớ. Y không nhận được gì nữa. Y không biết mình là ai, ở đâu. Người vợ chưa cưới ngày xưa chỉ là một trong muôn nghìn người đàn bà xa lạ. Gian phòng cũ, chỗ ngồi cạnh lò sưởi buổi chiều, chỗ ngồi buổi sáng ở ngoài vườn, những hàng cây những bờ thềm, tất cả những những hình ảnh quen thuộc ấy đều không giúp y nhận lại được nhà cửa quê hương, những người yêu dấu, mặc dù ở đó y đã sống những ngày thần tiên và thơ mộng. Y như giống người đến từ một hành tinh khác. Y đã mất quá khứ, như một thân cây mất rễ. Những ngày tháng về trước đã nhạt nhòa dấu tích, ấn tượng xa xưa chỉ là một vực đen sâu không cùng. Y sống cũng như chết. Y chết giữa cuộc sống. Tôi không muốn làm người quân nhân trở về sau cơn mê hoảng ấy, mất quá khứ, khiến cho hiện tại chỉ còn là một nghĩa địa một sa mạc và đời sống là một cực hình. Tôi muốn nhớ lại, luôn luôn được nhớ lại. Tôi nghĩ đến một thành phố hủy phá. Nhà đổ cây sập. Gạch đá ngổn ngang. Tôi trông thấy cái cảnh tượng hoang tàn đó những bầy thợ thuyền đang xây dựng lại nhà ở và đường đi. Tôi cũng trông thấy những đoàn người lang thang lần mò từ đống gạch này sang đống gạch khác trong một thái độ lầm lì đầy ý nghĩa, tìm kiếm lại những dấu tích cũ. Một tấm ảnh. Một chiếc khăn quàng. Một chiếc giày cũ. Họ muốn nhớ lại. Họ không muốn mất quá khứ. Vì họ còn muốn sống. Vì họ biết rằng những bông hoa rực rỡ nhất của sự sống không thể nở được, không bao giờ nở được, trên khoảng đất héo hon và giá buốt là sự lạnh lùng thản nhiên và sự lãng quên nhau.

Xem Tiếp: ----