Phần II - Hòa bình Vào những ngày tháng hòa bình đầu tiên sau bao năm dài chiến tranh, nhà thơ Tố Hữu đã viết: ... 29 năm dằng dặc xa quê nay mới về thăm mừng tái tê mới được nghe giọng hờn dịu ngọt Huế giải phóng nhanh, mà anh lại muộn về...(trích Bài Ca Quê Hương, tháng 5.1975) Trong Vui Thế, Hôm Nay ông viết tiếp: ...Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ Tổ Quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển xanh trời, xanh của những giấc mơ tôi bay giữa màu xanh giải phóng tầng thấp, tầng cao, chiều dài, chiều rộng Ôi Việt Nam! yêu suốt một đời nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!... (tháng 8.1975) Những nỗi mừng tái tê, những giọng hờn dịu ngọt, những giấc mơ xanh và những cú bay với đủ mọi tầng nấc, kích cỡ kia thì ai mà không muốn. Thế nhưng để đánh đổi chúng thì đại bộ phận dân tộc đã phải trả giá quá đắt. Bởi vì chiến tranh nào phải trò đùa! Chẳng phải đâu xa, ngay ở Huế quê hương ông thôi cũng có biết bao người ở cả hai phía đã phải ngã xuống. Trong đó có hàng ngàn thường dân vô tội đã bị chết oan khiên, tức tưởi trong dịp tết Mậu Thân năm 1968, với những hố chôn người tập thể lấp vội vã. Ông không biết hay cố tình không biết, mà đã quá thờ ơ với những nỗi đau của đồng loại như vậy? Theo tôi có lẽ đó là do cái " Tinh thần Ba Đình" đã nhiễm quá nặng vào trong ông, kể từ năm 1954 khi ông về Hà Nội. Ở Việt Nam hôm nay có bao nhiêu người?giầu tinh thần Ba Đình? như Tố Hữu? Trong Chân Dung Và Đối Thoại, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét: "...Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sỹ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh nào và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang vang tiếng trống, tiếng kèn,...nghĩa là không có chỗ nương náu cho những nốt lạc điệu, xa lạ và trầm buồn. Đôi khi những nỗi vu vơ có ở thời Từ Ấy lại lần theo một con đường riêng nhuốm màu thiên nhiên, chìm lẩn trong tiềm thức mà tìm về với ông, thì ông lại tự xoá đi, để tiếng hát ông chỉ còn một âm hưởng chủ đạo. Âm hưởng vui bất tuyệt...". (Chân Dung Và Đối Thoại, NXB Thanh Niên 1998, Tr.9). Thế nhưng có đúng là con đường đi của cả dân tộc ta từ tháng 8.1945 đến nay là luôn"vui bất tuyệt"hay không? Đã có nhiều người viết về nó, tôi cũng đã cố gắng bổ xung thêm trong những bài viết trước của mình, nhưng chúng ta hãy tạm gác lại những nỗi buồn của chiến tranh. Ở phần này tôi xin được trình bày về sự khác nhau giữa những ước mơ lãng mạn năm xưa trong thơ Tố Hữu so với thời hòa bình hôm nay, theo cách nhìn riêng của mình và của hai nhà thơ khác. Trong bài Lão Đầy Tớ, chàng trai 18 tuổi Tố Hữu đã viết: ...Ông đã nghe ai nói có một xứ mênh mông nửa Tây và nửa Đông mạnh giầu riêng một cõi? nơi không vua, không quan không hạng người ô uế không hạng người nô lệ sống đau xót, lầm than. nơi tiêu diệt lòng tham không riêng ai của cải hàng triệu người thân ái cùng chung sức nhau làm để cùng nhau vui sướng ai già nua tật nguyền thì cứ việc ngồi yên đã sẵn tiền nuôi dưỡng... ai cũng có nhà cửa cũng sung sướng bằng nhau? đã không ai đè đầu làm chi có đầy tớ? cậu bảo: cũng không xa? - nước Nga? - ờ nước ấy và há mồm khoan khoái lão ngồi mơ nước Nga...( Huế tháng 6.1938) Ông lão đầy tớ chắc đã chết từ lâu rồi, mang theo những giấc mơ đẹp nhưng cũng quá ư viển vông của lão. Còn nhà thơ năm ấy thì hơn nửa thế kỷ sau đã chứng kiến cảnh cả Đông Âu và Liên Xô XHCN sụp đổ. Thế mà hôm nay bất chấp những gì đã diễn ra, ông lại tiếp tục một giấc mơ huyễn hoặc: " Cho sáng lại quê hương Cách Mạng Tháng Mười"! Theo tôi vùng đất ấy nhất định sẽ sáng lại và đổi mới thành công theo con đường dân chủ đa nguyên - Đó là xu hướng tiến bộ của nhân loại ngày nay. Dân tộc Nga vĩ đại, từng chịu nhiều đau thương xứng đáng được hưởng những giá trị ấy. Xong dứt khoát dân tộc ấy sẽ không bao giờ quay trở lại con đường của CNXH nhất nguyên, độc đảng như Tố Hữu hy vọng. Bởi vì hơn ai hết, họ cũng như nhân dân ở tất cả các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu quá thấm thía những gì mà CNXH đã gây ra. Nó thoạt nghe thì tưởng là nhân ái và "sung sướng bằng nhau", là"nơi không vua, không quan, không hạng người ô uế", v.v... nhưng trong thực tế thì hoàn toàn khác. CNXH rất dễ thâm nhập vào giai cấp cần lao, vào những người như ông lão đầy tớ kia, đó là sự thật không ai chối cãi. Nhưng lại rất khó khăn để những người dẫn dắt nó chịu tự nguyện rời bỏ thế độc quyền lãnh đạo, khi mà họ đã nắm được quyền lực. (mặc cho tình hình đất nước có bi đát và tang thương đến đâu đi chăng nữa). Và cũng chính giai cấp cần lao là giai cấp bị phản bội nặng nề nhất ngay sau đó, kể cả việc phải gánh chịu những nỗi đau đớn của" sự phê phán bằng vũ khí ", theo cách nói của Ăng Ghen do bộ máy chuyên chính vô sản gây ra. Thực tế 4 nước XHCN còn sót lại đến ngày nay, trong đó có Việt Nam vẫn đang tiếp tục chứng minh rất rõ điều này. Cũng ngày xưa trước cách mạng, Tố Hữu đã từng xót xa cho những cô gái phải bán mình trên dòng sông Hương: ... Trên dòng Hương Giang em buông mái chèo... trăng lên trăng đứng trăng tàn đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng... trời ơi em biết khi mô thân em hết nhục dày vò năm canh tình ôi gian dối là tình thuyền em rách nát còn lành được không? răng(sao) không, cô gái trên sông ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài thơm như hương nhụy hoa lài sạch như nước suối ban mai giữa rừng ngày mai gió mới ngàn phương sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân ngày mai trong giá trắng ngần cô thôi kiếp sống đày thân giang hồ ngày mai bao lớp đời dơ sẽ tan như đám mây mờ đêm nay cô ơi tháng rộng ngày dài mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng... (Tiếng Hát Sông Hương - Huế tháng 8.1938). Thế rồi cái"ngày mai huy hoàng"ấy như nhà thơ mong đợi cũng đã đến. Và cứ giả sử rằng lúc này với tuổi 81, ông không còn đủ điều kiện để tiếp tục...xuống thuyền lấy tư liệu viết bài nữa! Nhưng ít ra ông cũng có thể hình dung được phần nào bức tranh về các nàng Kiều Việt Nam hiện đại, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở ngay trong nước. Bức tranh ấy là: Những "đám mây mờ" đêm xưa trên dòng Hương Giang mà ông từng xót xa, chẳng những đã không tan đi mà còn tích tụ thêm cơ man nào những đám mây mới. Những nàng Kiều Việt Nam hôm nay không đơn thuần chỉ là?lính thủy đánh thủy? nữa, mà còn có?lính thủy đánh bộ?, rồi?lính bộ đánh thủy?! Kiều có mặt ở cả?ba vùng chiến lược? với đầy đủ?các mũi giáp công?! Kiều?xuất khẩu tại chỗ? và Kiều lặn lội sang đất lạ xứ người. Lại có những nàng Kiều?đã dùng qua nhưng vẫn còn y như mới?! Có người tuy đã bước vào tuổi 50 rồi, nhưng vì không còn cách mưu sinh nào khác nên vẫn đành phải... yêu nghề! Xong nhìn chung là tuổi đời của họ đã ngày càng giảm xuống. Thậm chí ở thủ đô Phnompenh - Campuchia, có 4 chị em ruột tuổi chỉ từ 13 đến 16, quê ở một vùng đất thuộc miền Tây Nam Bộ - Việt Nam đều?công tác cùng ngành?! Theo tôi bất cứ một người Việt Nam nào, dù đang sống ở trong hay ngoài nước, chỉ cần có một chút lòng tự hào dân tộc thôi, cũng đều phải cúi mặt xấu hổ trước tình trạng các cô gái Việt Nam bị hành hạ nơi đất khách quê người, như thực tế đã và đang diễn ra ở Campuchia, Trung Quốc, Hồng công, Đài loan,... Tôi rất muốn những trang viết này đến được tay nhà thơ Tố Hữu để nhắn gửi với ông rằng: nếu hôm nay ông vẫn còn một chút gì của sự xót xa như năm xưa trên dòng Hương Giang, thì tốt hơn cả là ông hãy làm một điều gì đó, dẫu chỉ là về mặt tinh thần thôi, để an ủi những em bé đáng thương hơn là đáng trách kia - Chúng chỉ đáng tuổi cháu ngoại ông. Chứ không phải là Nguyễn Du thì khóc quanh thân Kiều, còn ông thì cứ khóc quanh Nguyễn Du! ( cho dù là khóc thật đi chăng nữa). Riêng tôi, tôi cầu mong sao cho các em bớt bị khinh miệt, đánh đập, trả được hết nợ, tránh được bệnh tật để một ngày nào đó có thể trở về được trên đất Mẹ Việt Nam thân yêu. Những nàng Kiều thì đã là như vậy, thế còn tình hình của những em Phước thời nay thì sao? Chúng ta hãy quay trở lại với em Phước của Tố Hữu hơn 60 năm trước: ...Rứa(thế) là hết chiều ni em đi mãi còn mong chi ngày trở lại Phước ơi! quên làm sao, em hỡi, lúc chia phôi bởi khác cảnh hai đứa mình nghẹn nói em len lét cúi đầu tay xách gói áo quần dơ, cắp chiếc nón le te vẫn chưa thôi, lời day dứt nặng nề hàng dây tiếng rủa nguyền trên miệng chủ! biết không em, nỗi lòng anh khi đó? nó tơi bời đau đớn lắm em ơi!... thì em hỡi! đi đi, đừng tiếc nữa! ngại ngùng chi nấn ná chỉ thêm phiền! đi đi em, can đảm bước chân lên ừ đói khổ đâu phải là tội lỗi! anh mới hiểu: càng ngậm ngùi khổ tủi càng dày thêm uất hận của lòng ta nuôi đi em, cho đến lớn, đến già mầm hận ấy trong lồng xương ống máu để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng!... (Đi Đi Em - Huế, tháng 2.1938). Em Phước ra đi, rồi ông anh có nỗi lòng"tơi bời đau đớn" ấy cũng ra đi, rồi cách mạng thành công trên nửa nước và sau đó là cả nước theo đúng ước vọng của "ông anh"! Thế nhưng hôm nay hãy thử làm một bản thống kê trong cả nước xem tất cả có bao nhiêu em Phước? 50 ngàn? 100 ngàn? 200 ngàn hay bao nhiêu? Báo chí trong nước có đăng về trường hợp một em bé gái tuổi mới lên 10, vì cuộc sống quá khó khăn nên cha mẹ em đã không thể nuôi nổi em. Dời gia đình ra đi, em xuôi từ một tỉnh thuộc miền núi phía Bắc về một thành phố phương Nam xa xôi. Tôi không biết là số phận của em giờ đây ra sao, nhưng bé bỏng như thế, lại là con gái, mà phải ly hương tự mình kiếm sống, thì chắc chắn là lành ít dữ nhiều thôi. Vào tháng 8.1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Trên đường về lại thủ đô Hà Nội, với tâm trạng "phơi phới, náo nức như đi trẩy hội", nhà thơ Tố Hữu đã làm bài Ta Đi Tới, trong đó có một câu hỏi: Các em ơi, đã học chưa? Và hôm nay - gần nửa thế kỷ sau, nếu chịu để ý nắm tình hình xã hội một chút thì ông sẽ thấy ngay là nhiều em chưa học lắm! Tiền đâu mà đóng kinh phí xây dựng trường sở? Rồi lại còn học phí, sách vở, giấy bút? Thời gian đâu mà đến trường? trong khi các em phải ưu tiên lo toan đến miếng cơm manh áo trước đã? Đúng! Chế độ ấy rõ ràng đã làm ông thỏa mãn, nó là miếng Bánh Thật của ông: Miền Bắc thiên đường của các con tôi! (Tố Hữu - Bài Ca Mùa Xuân 1961) Nhưng nó lại là những miếng Bánh Vẽ, Những Thiên Đường Mù của biết bao nhiêu triệu con người Việt Nam, trong đó có rất nhiều các em thơ. Tôi cũng không rõ là hôm nay ông có còn muốn các em nuôi những"mầm hận ấy", hoặc nhóm lên những "hồn chiến đấu" ngày xưa nữa hay thôi? Và nếu có thì hướng vào ai đây? Cũng may là dân tộc không phải ai cũng như ông. Một người cùng thời với ông - nhà thơ Chế Lan Viên vào những năm tháng cuối của cuộc đời mình đã có những suy tư khác. Tập Di Cảo với những bài như Bánh Vẽ, Trừ Đi!...được những người vốn yêu tác giả của Điêu Tàn thuở tiền chiến, lại càng trân quý và cảm phục ông hơn. Có người nhận xét rằng đấy là miếng"võ độc", là miếng"đà đao" cuối đời của nhà thơ tài danh này. Nhưng theo tôi đấy chính là sự nhận thức lại - Một sự nhận thức lại đau đớn xong cũng thật dũng cảm, dẫu có là muộn màng nhưng vẫn còn hơn không. Trong bài Bánh Vẽ ông viết: ... Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn cầm lên nhấm nháp chả là nếu anh từ chối chúng sẽ bảo anh phá rối đêm vui!... rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn như không có gì xảy ra hết... Và trong Trừ Đi!: ... Có phải tôi viết đâu? một nửa cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi! giết một tiếng đau, giết một tiếng cười, giết một kỷ niệm, giết một ước mơ... anh bảo đấy là tôi? không phải! nhưng cũng chính là tôi - người có lỗi! đã giết đi bao nhiêu cái có khi không có tội như mình!... Nhưng điển hình nhất trong tập Di Cảo ấy, theo tôi có lẽ là bài Ai, Tôi? ông viết năm 1987 (xin xem phần phụ lục 1 cuối bài). Chính những sự ú ớ, xấu hổ trong nỗi buồn tủi chua cay của ông khi gặp lại người lính cũ, 12 năm sau hòa bình, lại toát lên tính nhân bản muôn vạn lần hơn những"âm hưởng vui bất tuyệt" kia. Nếu ai đã từng đọc thơ ông trong chiến tranh lại càng thấy rõ hơn sự thay đổi này. Nào đâu phải trước đó thơ ông không có những âm hưởng"vang vang tiếng trống, tiếng kèn" tưng bừng ca ngợi cách mạng và cổ vũ mọi người xông lên phía trước. Ví dụ: ... Hỡi sông Hồng tiếng hát 4000 năm Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng chưa đâu! và ngay cả trong những ngày đẹp nhất khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc. Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn, khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc, Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng... những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!... chọn thời mà sống chăng? Anh sẽ chọn năm nào đấy nhỉ? cho tôi xin ra buổi Đảng dựng xây đời... cho tôi sinh giữa những ngày diệt Mỹ... vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy bên những dũng sỹ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi. (Tổ Quốc Bao Giờ Đẹp Thế Này Chăng,1965.) và: Giết chúng đi, chỉ còn một đường thôi: giết chúng Ôi hôm nay lòng ta như họng súng (!) ( Suy Nghĩ, 1966.) hoặc là: Miền Nam ta ơi, cái hầm chông là điều nhân đạo nhất! (Cái Hầm Chông Giản Dị.) Cũng cùng tinh thần nhận thức lại như thi sỹ họ Chế, một người thuộc thế hệ sau ông - nhà thơ Nguyễn Duy đã có bài Nhìn Từ Xa...Tổ Quốc! ( xem phụ lục 2 ). Bài thơ là một sự tổng kết khá đầy đủ, làsự đan quyện chặt chẽ giữa những gì đã diễn ra của thời đạn bom xưa với thời hòa bình nay. Cũng chính vì bài thơ này mà trên báo Nhân Dân số ra ngày 11.9.1989 đã đăng một bài bình luận, trong đó có những lời kết tội tác giả của nó như sau: "...Thóa mạ Tổ Quốc không tiếc lời, chửi bới hung hãn đến nỗi nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng những lời mỉa mai, cay độc,...". Nhưng theo tôi Nguyễn Duy chỉ thóa mạ những giá trị không có thực, đánh đổ những thần tượng giả?>Một người đi chật cả con đường", lột trần những mặt nạ " Dù dối nữa cũng không lừa được nữa, khôn và ngu cũng có tính mức độ" và đập tan những ngụy biện,...thông qua bút pháp thơ thật sâu sắc và độc đáo của anh. Anh cho rằng tất cả những điều ấy chẳng có ích gì cho dân tộc hôm nay, mà ngược lại chỉ có hại hoặc ít ra là ăn bám, một sự ăn bám bình phương, lập phương hoặc hơn thế nữa. Ai càng yêu Tổ Quốc mình lại càng cần phải có tinh thần suy nghĩ lại như Nguyễn Duy, như Chế Lan Viên và như biết bao những chiến sỹ dân chủ Việt Nam khác. Họ đang xuất hiện ngày càng nhiều, họ chính là những niềm hy vọng của một nước Việt Nam mới khác hẳn về chất: không phải là một CHXHCN Việt Nam đã và đang tìm đủ mọi cách" tu sửa vặt "như hiện nay. Cũng không phải là quay trở về với một Việt Nam DCCH trước kia hay một Việt Nam Cộng Hòa bị đứt quãng nay nối lại. Tất cả những chế độ này tuy mức độ có khác nhau, nhưng xét về thực chất đều là mất dân chủ và chịu sự phụ thuộc nặng nề vào nước ngoài. Một nước Việt Nam mới phải là một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, đa đảng và pháp trị, phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại mới. Chừng nào còn chế độ độc đảng như ở Việt Nam hiện nay, thì chừng đó ngay cả những mục tiêu của Cuộc Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ Nhân Dân, xét về thực chất là vẫn chưa đạt được. Để kết luận, tôi xin được trở lại với một vấn đề của lịch sử: năm 1924 từ Mátxcơva chàng trai Nguyễn Ái Quốc, tức chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã phát biểu: "... Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên mặt triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Nó chưa phải là toàn thể nhân loại,..., xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các Xô Viết đảm nhiệm..." (Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ 1924. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội - 1995, tập 1, Tr. 465 ). Sau đó 22 năm, khi đã nghiên cứu, học tập kỹ lưỡng học thuyết của Mác, và như ông nói là" củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông ", ông đã có kết luận sau: "...Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác. Cách đây 2000 năm, Đức chúa Giêsu đã nói là ta phải yêu mến các kẻ thù của ta. Điều đó đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Còn khi nào thì chủ nghĩa Các Mác thực hiện được thì tôi không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi, những điều ấy chưa có đủ...". (trả lời các nhà báo ngày 12.7.1946 - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội 1995, tập 4, Tr 272.). Thế nhưng kết luận đúng đắn trên của ông đã bị chính ông và các đồng chí sau ông ngang nhiên vi phạm nặng nề trong"thực tiễn cách mạng Việt Nam"suốt hơn nửa thế kỷ qua. Sự vi phạm ấy vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay dứt mãi chưa ra. Theo tôi lịch sử dân tộc ta chưa từng xảy ra một điều gì tương tự, mà chỉ nội trong hòa bình thôi, lại dẫn tới hậu qủa nhiều máu và nước mắt bằng sự kết hôn gượng ép, sống sít giữa hai khái niệm: lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội. Đây chính là vấn đề lớn mà mọi người Việt Nam lúc này cần phải nhận thức lại, từ đó sẽ có một mẫu số chung đoàn kết được các lực lượng dân chủ Việt Nam. Nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn với những thế lực bảo thủ hiện đang nắm thực quyền trong ĐCS Việt Nam. Nhất định trong một tương lai không xa đất nước ta sẽ thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, tụt hậu và cực kỳ mất tự do dân chủ như hiện nay. Để 80 triệu người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước sẽ cùng đoàn kết bên nhau, xây dựng thành công một nước Việt Nam mới như trên đã trình bày. Phương Nam - Australia. Tháng 6 năm 2001.