Sau đám cưới, chị Huyền về nhà chồng, căn nhà bình thường vắng vẻ nay lại càng thêm vắng hơn. Chiều nay Trúc ngồi dưới gốc cây khế và lật xem những tấm hình chụp hôm đám cưới mà chị Huyền đã rửa riêng ra một bộ để lại nhà làm kỷ niệm. Tập album dầy cộm, toàn hình màu, gần như chụp lại toàn bộ cảnh đám cướii. Và tấm nào cũng có hai cô phù dâu theo sau. Hôm đó Trúc và Bích Hồng thật xinh xắn bên cạnh cô dâu chú rể. Ðám cưới của chị Huyền tổ chức ở một nhà hàng lớn, sang trọng và không khí thật vui. Hôm nay thì chị Huyền đã sống trong hạnh phúc của chị, cô dâu chú rể đã đi hưởng tuần trăng mật ở Ðà Lạt. Một gương mặt hiện ra trong vài tấm ảnh làm Trúc giật mình, đó là Bách. Hôm đó Bách lại làm phù rể, cho nên lúc nào cũng gần gũi Trúc và làm anh ta không bỏ lỡ cơ hội để tán tỉnh cô. Mới đầu Trúc bực mình, nhưng về sau cô cũng lờ đi và rồi tự nhiên có một cảm giác dễ chịu xen vào lòng cô khi mọi người chú ý tới Bách. Phải nói anh ta cũng đẹp trai, dáng học thức, ăn mặc đúng thời trang và nịnh đầm thuộc loại điêu luyện. Trong lúc ngà say Bách đã gọi Trúc bằng "em" xưng "anh" ngọt lịm và nhảy vào đứng chung với Trúc lúc chụp hình. Bích Hồng đã hỏi Trúc: - Thằng cha phù rể này.. hắc ám quá. Chỗ con gái người ta chụp hình cũng nhảy vô nhăn răng cười. Vô duyên. Trúc đã trêu bạn: - Thằng chả muốn đứng gần Bích Hồng đấy. - Chứ không phải anh ta mết Trúc ra mặt hả? - Ðâu có. - Thôi đừng có giả vờ ngây thơ cụ cô nương ơi. Làm sao lấy vải thưa mà che mắt thánh được. - Vậy mắt thánh của Bích Hồng đã thấy gì? Bích Hồng cười: - Thấy anh chàng bị chết đuối trong đôi mắt bồ câu của nhỏ, anh ta đang bơi đang chới với và kêu la cầu cứu. Trúc hãy làm ơn làm phúc cứu hắn đi. Ra tay tế độ mà với hắn lên đi kẻo hắn chết chìm mất. Trúc cười: - Ở không đâu mà vớt, cho hắn chết chìm luôn. Trúc xếp tập album lại, nhưng gương mặt của Bách như vẫn hiện ra. Trúc ngồi thừ người, lòng cô vừa buồn bã, vừa nôn nao với một tâm trạng phức tạp. Bất ngờ có tiếng chuông ngoài cổng. Nhóc Phục chiều nay lại đi bơi, do đó, Trúc phải đi ra mở cổng. Cô ngạc nhiên đến sững người khi thấy BÁch. - Sao, ngạc nhiên lắm à, mở cổng cho anh vào coi cô bé? Trúc nhăn mũi: - Anh tìm anh Nghiêm hả? - Trời ơi, hôm này mà tìm anh ấy làm gì. Ông ấy đã bị bà Huyền xỏ mũi dắt đi Ðà Lạt hưởng tuần trăng mật rồi. - Anh tìm mẹ em hả? - Không, tìm cô bé. - Tìm em? - Trúc giả vờ ngạc nhiên. - Mở cổng đi, đừng bắt khách phải đứng ngoài lâu mà thành con người bất lịch sự. - Em không ham làm người lịch sự đâu. - Thôi mà... Trúc mở cổng, Bách cho xe vào sân. Giọng anh thật tự nhiên khi đi với Trúc về chỗ gốc cây khế: - Chiều đẹp như thế này mà Trúc không đi đâu sao? - Bộ anh tưởng em lúc nào cũng rảnh rang để đi chơi như anh vậy sao? - Em bận học à? - Học và nấu cơm, coi chừng nhà. Bây giờ chị Huyền ở riêng rồi, em lên chức... quản lý ngôi nhà và cái bếp. - Như vậy càng vui chứ sao. - Anh vào nhà chơi - Trúc mời - có mẹ em ở nhà. - Thôi, ngồi ngoài này nói chuyện cũng được lại mát mẻ. Trúc bỗng lúng túng, cô không biết làm gì hơn là trao quyển album cho Bách xem để kéo dài thời gian. Bách lật xem qua loa gần như chẳng chú ý gì tới những tấm ảnh đám cưới. - Chị Huyền có chồng rồi. Trúc còn lại một mình trong căn nhà rộng mà trước đây thường có hai chị em trò chuyện, vui đùa. Bây giờ em có thấy buồn không? - Dĩ nhiên có buồn một chút xíu. - Buồn hoặc không sao lại buồn có một chút xíu? - Bách liếc Trúc cười. - Tính em vẫn vậy, ít rõ ràng một điều gì. Buồn cũng chút xíu, vui cũng chút xíu, giận hờn cũng một chút xíu. Bách hỏi một cách bất ngờ: - Tại sao Trúc có vẻ.. ghét anh chút xíu vậy? - Ghét anh không có chút xíu đâu, ghét rất nhiều - Trúc cười tủm tỉm. - Ðồng ý, nhưng mà tại sao? - xXn miễn trả lời. - Thế mà anh vẫn thắc mắc hoài đấy, kể từ hôm gặp em lang thang ngoài bãi biển Vũng Tàu. - Em lang thang hồi nào? Ngừơi ta đi dạo trên biển mà anh bảo lang thang, kỳ chưa. - Ði một mình tức là lang thang. Ðừng có cãi nữa cô bé bướng bỉnh ơi. Trúc chớp mắt cười khúc khích: - Bây giờ tới phiên em hỏi, tại sao anh cho rằng em ghét anh? - Còn tại sao nữa, thực tế đã chứng minh. - Thực tế nào? - Tự em hỏi lại mình xem. - Bách nhún vai - Anh đâu phải là trẻ con mà không biết chuyện ấy. - Rồi sao? - Trúc có vẻ thách thức. - Chẳng sao cả. Anh cũng chẳng giận gì em. Vì anh xem Trúc là một cô bé, đơn giản vậy thôi. - Người ta lớn rồi. Năm nay em học lớp mười hai, năm tới sẽ là sinh viên. Bách cười giòn, anh móc thuốc ra châm lửa hút. Thái độ rất tự tin. Giữa những hơi thuốc, thỉnh thoảng Bách lại liếc nhìn Trúc, anh cười cười: - Trúc vẫn thường hay ngồi dưới gốc cây khế này lắm à? - Em là bạn thân của cây khế mà. - Thích nhỉ, thế có bao giờ em trò chuyện với người bạn thân này không? - Có chứ. - Hai người nói gì? - Nhiều chuyện lắm. Và hoàn toàn những chuỵên bí mật mà không thể tiết lộ cho kẻ thứ ba biết đựơc. Bách nhìn lên cây khế. Mắt anh mở lớn như để chiêm ngưỡng tàn khế um tùm, cành nhánh chi chít, rậm rì. Mùa này khế có nhiều bông nên quyến rũ mấy chú ong bầu tới tìm mật. Những chú ong bầu kêu u u tạo thành một âm thanh quen thuộc trong khoảng không gian phía trên đầu. Bà Phán bỗng hiện ra ở thềm nhà, bà thoáng ngạc nhiên khi nhìn thấy Bách. Anh ta vội vàng đứng lên lễ phép chào. Bà Phán hỏi: - Cậu Bách tới bao giờ thế, sao không vô nhà uống nước? - Dạ, cháu ngồi ngoài này cũng được ạ. - Trúc mời anh vào nhà đi chứ? Trúc đành phải mời Bách và cùng theo anh vào phòng khách. Bà Phán cũng ngồi xuống ghế sa lông và vui vẻ hỏi: - Hôm nay cậu không đi làm sao? - Dạ, cháu nghỉ. - Cậu làm việc mà xem ra rảnh rang quá nhỉ? - Công việc của cháu có lúc bận bù đầu, có khi lại rất rảnh, coi như người nhàn hạ. Bà Phán vốn là một giáo viên có tiếng, từ ngày nghỉ hưu vì mất sức bà chỉ loanh quanh trong nhà thỉnh thoảng mới tới thăm những người bạn cũ từ hồi con ở trong rừng. Bà có cuộc sống khép kín và gần như nhìn mọi vấn đề dưới con mắt của một nhà giáo. Bà rất mực yêu chồng, thương con, nhưng so với ông Phán, bà không "đổi mới" cho lắm. Ðiều này cũng dễ hiểu vì ông Phán là một bác sĩ, đã đi nhiều nơi, kể cả nước ngoài, còn bà Phán sống theo khuôn khổ của một gia đình nề nếp. So với chồng, bà Phán như già hơn, mái tóc của bà bạc nhiều và bao năm gian khổ ở chiến trường đã ăn mòn sức khỏe của người phụ nữ vốn không được khỏe mạnh. - Ngày nghỉ cậu không đi chơi đâu sao? - Dạ, cháu chỉ loanh quanh trong thành phố. Vả lại muốn đi chơi xa cũng không có bạn. Ði một mình thì buồn chán lắm bác ạ. Ðây là một câu trả lời không thành thật của Bách. Trúc nhìn anh ta và mỉm cười. Trong khi bà Phán lại có vẻ rất có cảm tình với Bách, không phải lúc sau này, mà từ trước kia, khi anh tới nhà chơi cùng với anh Nghiêm. Ðiều này không khỏi làm cho Trúc nảy ý so sánh, và tự nhiên Trúc cảm thấy buồn phiền trong lòng. - Hôm nay cậu tới chơi hay có việc gì không? - Dạ... cháu tới chơi với Trúc. - Ừ, lúc này Trúc nó cũng ít đi đâu, cứ loanh quanh trong nhà. Nếu cậu tới chơi thì em nó có bạn càng vui. Phải không Trúc? Câu hỏi bất ngờ của mẹ làm Trúc sững sờ, không biết làm sao khác hơn là gật đầu. Bách có vẻ cao hứng: - Cháu có thể kèm cho Trúc học thêm nếu Trúc đồng ý và bác cho phép. - Ðiều này thì tốt quá đi chứ, dạo này Trúc nó học sút và làm bác lo ngại. Năm nay Trúc phải thi tốt nghiệp. Trúc cắn môi, cô không thể ngờ Bách lại tự tiện đề nghị một việc như vậy, và mẹ cũng thiếu tế nhị khi tỏ ý chấp nhận lời đề nghị của Bách. Dù sao Trúc cũng là một cô gái nhiều tự ái. - Trúc nghĩ thế nào? - Bách tươi cười hỏi. - Em thấy là chưa cần thiết ạ. Em còn cố gắng được. - mẹ thấy việc này rất tốt, có lẽ con nên thu xếp để học thêm. Thôi nhé, hai anh em nói chuyện, mẹ bận tí việc. Bà Phán cố ý để Bách được tự do nên tế nhị cáo từ. Còn lại hai người trong căn phòng rộng tự nhiên Trúc cảm thấy mất tự chủ trước Bách. Cô phải giả vờ mở nhạc. - Trúc thích loại nhạc nào? - Bách hỏi. - Tình cảm. Bách cười: - Anh tưởng mấy cô gái trẻ thường thích nhạc giật chứ. - Cũng tùy. - Nghe chị Huyền bảo Trúc biết khiêu vũ. Hôm nào anh mời Trúc đi chơi nhé? - Nếu Trúc rảnh và mẹ cho phép. - Ồ, anh sẽ trực tiếp xin bác. Chẳng có sao hết. Trúc tưởng đâu cô từ chối khéo như vậy Bách sẽ hiểu nhưng Bách đã tới nhà vào chiều thứ bẩy và đã xin phép mẹ đưa Trúc đi chơi. Bà Phán đồng ý và có vẻ khích lệ. Cô muốn khóc quá chừng và tự nhiên muốn đập phá cái gì đó cho hả giận. Tuy nhiên cuối cùng rồi cô cũng nhân lời đi chơi với Bách. Có lẽ cô "giận lẫy" mẹ thì đúng hơn. Lúc đưa Trúc đi lên những bậc thang của khách sạn có mở khiêu vũ, Bách nói giọng tình tứ: - Ðể tối nay anh xem em nhảy như thế nào. - Em nhảy dở ẹc. - Thôi, đừng có xạo cô bé, Huyền đã báo cáo lại với anh hết rồi. Sợ anh "quậy" không lại với em đó thôi. Buổi tối cuối tuần khiêu vũ trường đông nghẹt. Cũng may Bách tìm được cái bàn trống gần ban công nên không khí tương đối dễ chịu. Trong ánh đèn mờ ảo Trúc nhìn những cặp tình nhân đưa nhau ra sàn nhảy và một bản nhạc tình tứ vang lên. Bách gọi thức uống, một gói thuốc ba số 5. - Em không uống đựơc bia đâu, anh đổi cho em ly cam tươi tốt hơn. - Xong ngay. Bách uống từng ngụm bia, còn Trúc uống từng ngụm nước cam. Trúc thấy đôi mắt Bách sáng lên trong đóm lửa của điếu thuốc cháy. Ðôi mắt đã từng nhìn Trúc trên bãi biển. Trúc rùng mình. - Tối nay người ta đưa nhau đi nhảy đông quá nhỉ? Bách nói một cách bâng quơ. Trúc làm thinh ngậm chiếc muỗng nhìn về một góc của sàn nhảy. Trúc thoáng thấy một gương mặt quen thuộc. Và Trúc giật thót mình sững sờ. Có thể như thế được sao? Trong bóng mờ, Trúc nhìn thấy Thường đang nhảy với một cô gái. Thọat đầu Trúc tưởng mình lầm, nhưng khi bản nhạc chấm dứt, Thường đưa cô gái về chỗ ngồi ở chiếc bàn trong góc khiêu vũ trường gần với bàn của Trúc, cô mới biết là mình không lầm. Tự nhiên Trúc run lẩy bẩy như người bị cảm lạnh, mắt cô mờ tối, cảm giác hai giọt nước mắt đang ứa mà không khóc được. Trúc cắn chiếc muỗng. Cắn đến nhói đau hàm răng. - Anh mời em bản này. Ðó là một điệu tango tình tứ. Trúc nhả chiếc muỗng ra cho nó rơi vào ly đánh "keng" một tiếng và đứng lên. Bách nắm tay Trúc đưa cô ra sàn nhảy. Bách thì thào: - Tay em lạnh quá. - Tự nhiên như vậy đấy. Thường cũng đưa cô gái ra sàn nhảy. Trong một thoáng sững sờ hai người nhận ra nhau. Mắt Thường tối sầm lại mà mặt anh thì đỏ gay, có lẽ Thường đang say. Còn Trúc bước sai nhịp, dẫm lên Bách và cô gục đầu luôn vào vai Bách. Cô khóc nức nở làm Bách ngạc nhiên. Anh không hiểu sao Trúc lại như thế, và bỏ dở bản nhạc, Bách đưa Trúc về chỗ ngồi. o0o Bức địên tín của chú Hiển làm cả nhà hoang mang. - Anh cho phép Trúc và Phục ra ngay. Trường bị bắt, nhà cần người. Càng sớm càng tốt. Sau bữa cơm tối ba quyết định cho Trúc và Phục sáng đó đi ngay Vũng Tàu. Bức điện không nói rõ được thực trạng của gia đình chú Hiển, nhưng ba đoán đó là một việc hết sức cần thiết, chú ấy mới đánh điện tín hỏa tốc như thế. Trúc nói: - Nhưng con còn đi học, Phục cũng đi học chứ bộ? - Ba sẽ xin phép cho hai đứa nghỉ một tuần vì việc gia đình. Trúc ra ngoài đó viết thư về cho ba ngay về tình hình của chú Hiển nhé. Ngồi trên xe đò ra Vũng Tàu, Trúc nhìn ra cảnh vật hai bên đường mà nôn nao với những kỷ niệm của mùa hè đã trôi qua. Lòng Trúc nặng trĩu, vừa hoang mang lo sợ không biết chuyện gì đã xảy đến với Trường, vừa buồn bã khi nhớ tới Thường, có lẽ nào tình cảm ban đầu của hai người chỉ trong một thời gian đã như những vụn cát đã bị sóng cuốn trôi trở lại biển khơi? - Sao chị có vẻ buồn vậy? - Phục hỏi. - Lần này đâu phải đi nghỉ hè mà vui? - Trúc đáp. - "Ông" Trường chắc quậy quá nên bị bắt chứ gì. - Chị cũng đang lo đây. - Nhưng chú Hiển và thiếm Loan không lẽ để cho con mình bị bắt sao? - Thôi, ra ngoài đó sẽ biết. Phục đừng hỏi làm chị rối óc thêm. Phục cụt hứng, nó làm thinh ngả đầu vào thành ghế nhắm mắt như dỗ giấc ngủ. Bác tài xế mở băng cassette, những bản nhạc Ấn Ðộ thịnh hành vang lên trong xe. Phục mở choàng mắt và lầu bầu: - Bác tài mở nhạc ồn ào làm khó ngủ quá. - Người ta không kêu mà nhỏ kêu. - Trúc nói. Phục mỉm cười. Và sau đó một lúc hình như Phục chìm vào giấc ngủ, mãi đến khi xe vào tới bến Trúc lay gọi Phục mới tỉnh dậy. Nó dụi mắt và ngơ ngác hỏi: - Ủa, tới rồi à? - Tới rồi. - Mau quá, vậy mà em tưởng còn lâu lắm mới tới. - Em ngủ say có hay gì đâu. Hai chị em đón chiếc xe xích lô về nhà chú Hiển. Chỉ có thím Loan ở nhà, thấy Trúc và Phục ra tới, thím Loan mừng rỡ nói: - May quá, thím định chạy đi công việc đây, nhà đang rối lắm, có Trúc và Phục ra trông nhà giùm mới an tâm được. - Nhận được điện tín của chú, ba bảo cháu và Phục đi ngay. Cả nhà hoang mang không hiểu chuyện gì mà điện tín thì nói vắn tắt quá. - Khổ quá đi. Trường nó dính vào một vụ tổ chức vượt biên và đã bị bắt. Chú thím phải chạy lo hết hơi. Nhà lại không có ai. - Có chuyện đó thật sao thím? - Trúc ngạc nhiên hỏi. - Thoạt đầu thím cũng không tin, nhưng sự thật lại đúng như vậy mới khổ, con với cái... - Ðã có hy vọng gì chưa thím? - Cũng đang lo đây. Khổ nỗi là chú Hiển lại phải vừa đi công tác gấp, mình thím ở nhà mới mệt chứ. Tối đến thím Loan mới có thì giờ kể lại đầu đuôi câu chuyện về Trường. Thì ra, sau ngày ba chị em Trúc ở Vũng Tàu về lại Sài gòn, chú Hiển và thím Loan bận lo chuyện làm ăn, ít có thì giờ quan tâm tới Trường nên anh ta càng hư đốn, Trường tiếp tục lao vào con đường ăn chơi trác táng với một đám bạn bè xấu, bỏ học và tham gia vào một vụ tổ chức đưa người vượt biên để lấy vàng chia nhau. Một đêm cuối tuần trăng trên bãi biển vắng người, Trường và đồng bọn đã bị dân chài phát hiện việc đưa người vựơt biên nên báo cho công an vây bắt tại trận. Thím Loan than thở: - Tại nó là con một nên chú thím nuông chìu thái quá thành ra hư đốn đến thế, thật không còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ ở xứ Vũng Tàu này nữa. - Ở trong trại giam, Trường có vẻ hối hận việc mình làm không thím? - Ai biết nó có hối hận hay không, khi chú thím vào thăm nó vẫn tỉnh khô như không có chuyện gì xảy ra. Rồi thím Loan lại thở dài. Trúc không ngờ việc của Trường làm lại mang tính chất nghiêm trọng đến thế. Hóa ra lời chị Huyền nói đã trở thành sự thật. Trúc rất tiếc là trong thời gian đó cô không có ở đây, nếu có, chắc chắn Trường sẽ nghe lời khuyên của Trúc mà kịp dừng lại mọi chuyện. Trúc tin là thế, vì thực ra Trường bị ảnh hưởng bởi bạn bè xấu, trong khi đó chú thím lại vắng nhà luôn.. thế mà khi vào dự đám cưới của chị Huyền, Trường vẫn tỉnh bơ, không có biểu hiện gì sa chân vào tội lỗi. Nhìn vẻ mặt khổ sở của thím Loan, Trúc không biết an ủi thím thế nào. Trúc cũng mong cho trời mau sáng để cùng với thím Loan vào thăm Trường ở trại giam. Ðêm đó Trúc phải thức khuya để viết một bức thư dài cho ba kể rõ mọi chuyện. Và báo cho ba biết có thể hai chị em sẽ lưu lại Vũng Tàu coi giùm nhà chú Hiển lâu hơn dự kiến. Sau khi đi thăm Trường về, thím Loan đi lo ngay công việc. Chỉ còn hai chị em Trúc ở nhà. - Phục trông nhà, chị đi lại đây một chút nhé? - Trúc cười phát vào vai nhóc Phục nói. - Ði đâu? A, thôi em biết rồi, chị đi tới nhà anh Thường phải không? - Ðúng đấy. - Em sẽ trông nhà với một điều kiện - Phục cười. - Ðiều kiện gì? - Chị phải xách về giỏ nhãn. - Xời, lạc hậu quá Phục ơi, mùa này làm gì có nhãn. - Ủa, bộ nhãn cũng có mùa nữa sao? - Nhà "lý sự" thông minh mà chẳng hiểu cái gì cả. - Trúc cười - Nhưng thôi, chị sẽ có quà khách cho Phục, cứ yên chí. Trúc vào dẫn chiếc xe đạp mini của thím Loan và đạp xe về hướng nhà Thường. Con đường vẫn như xưa, không có gì thay đổi nhưng sao trúc thấy nó lạ lùng như lần đầu tiên cô biết. Có lẽ Thường vẫn còn ở Sài gòn và chắc chắn Thường không ngờ Trúc đang ở đây, sắp sửa tới nhà anh, sắp sửa gặp lại những kỷ niệm còn ngùi ngùi trong thương nhớ. Chú bé Ngoan đang ngồi vá lưới trong sân, thấy có người vào nhà, Ngoan hất chiếc nón nỉ che tầm mắt để nhìn ra. Ngoan tròn mắt và đứng vụt lên reo to: - Trời ơi, chị Áo Vàng. Chị ra bao giờ thế? Trúc dựng xe trong bóng cây và ôm lấy vai Ngoan cười: - Chị ra hôm qua. - Vậy mà hôm nay mới tới. - Chị bận công việc, hôm nay mới rảnh. Ngoan ở nhà một mình à? - Ba má em đi biển rồi. Anh Thường thì ở trong Sài gòn, em không ở nhà một mình thì ở với ai? - Ngoan cười nói. - Lâu gặp Ngoan, chú cũng tiếp tục "lý sự" nữa rồi. - Chị ra ngoài này anh Thường có biết không? Trúc buồn bã lắc đầu: - Chị không gặp anh Thường. - Sao thế? A, em biết rồi, hình như lâu nay chị và anh Thường giận nhau phải không? - Sao em biết. - Làm sao mà em không biết. Dễ quá mà. Lần nào về ngoài này thấy anh Thường thở vắn than dài, đi ra vườn nhãn như người mất hồn là em biết ngay thôi. - Anh Thường có nói gì với em không? - Không bao giờ, có hỏi anh ấy cũng không nói. Trúc ngồi xuống chiếc băng ghế dài nhìn quanh ngôi nhà chìm trong bóng nắng. Khu vườn nhãn rì rào gió, mùa nhãn đã hết nên hương thơm cũng tàn lụi trong không gian thinh lặng. Lũ chim bay vào vườn ăn trái chín cũng bay đi... Trúc lặng lẽ thở dài. - Chị lại thở dài nữa rồi. Sao ai cũng thở dài hết vậy? - Ngoài này có cái gì vui kể lại chị nghe? - Trúc nói. - Chẳng có gì vui, xứ biển thì một ngày cũng như mọi ngày. Chuyện chị điên nhảy xuống biển tự tử em đã kể chị nghe hôm trước trong một bức thư rồi. - Ngoan vẫn đi học chứ? - Lúc này em học bết lắm chị ơi. Tại anh Thường vào Sài gòn nên ở nhà có một mình em lo, ít có thời gian học bài. - Chị cũng học hết vô - Trúc cười nói. - Tại sao thế? - Buồn. - Anh Thường về đây cũng kêu buồn. Có hôm về ảnh dẫn em đi uống bia ngoài quán Thùy Vân, cái quán mà chị với anh ấy thường ngồi đó. - Ngoan mà cũng uống bia à? - Chứ sao. Trúc nhại giọng Ngoan làm chú bé phì cười. - Ngoan tiếp tục công việc đi, chị ra vườn nhãn một chút. - Mùa này chẳng có gì, buồn tanh. - Có cây lá chứ sao không? - Trúc cười và đi vào vườn nhãn. Ngoan không tiếp tục vá lưới, chú bé cũng theo Trúc vào vườn. Vô tình Trúc dừng lại dưới bóng cây nhãn mà ngày nào Thường đã hái những chùm nhãn đầu mùa tặng cô. Tự nhiên Trúc muốn khóc. - Anh Thường có nói gì về chị không, Ngoan? - Trúc chớp mắt hỏi. - Anh ấy không nói gì cả, nhưng mà như đã nói thật nhiều. - Nghĩa là sao? - Anh ấy cũng ra ngoài vườn nhãn, tới đứng dưới gốc nhãn này, như chị vậy, và thở dài. - Như thế sao lại nói rất nhiều? - Vì con người ta khi im lặng là nói rất nhiều. - Ngoan lại "lý sự" nữa rồi. - Em hỏi thật, bộ chị và anh Thường giận nhau à? - Không. - Như vậy tại sao cả hai lại buồn khủng khiếp vậy? Trúc ngó Ngoan cười: - Bộ Ngoan thấy chị buồn "khủng khiếp" lắm sao? - đúng như vậy đấy. - Tuần này anh Thường có về nhà không? - Em cũng không biết nữa, lúc này anh ấy đi về bất thừơng lắm. Giống như "thằng cha" té giếng. - Sao Ngoan lại nói vậy? - Chị trúc không biết đâu, trong xóm em có một ông đó hồi nhỏ bị té giếng, được người ta vớt lên kịp, lớn lên ông ta khùng ngơ ngơ ngác ngác như "ông Thừơng" bây giờ vậy. Trúc cười: - Ngoan mà nói anh Thường như người bị té giếng thế nào cũng bị anh ấy.. búng lỗ tai đấy. - Búng lỗ mũi em không sợ, cho anh ấy búng cả ngàn cái cũng không sao. - Bao giờ mới tới mùa nhãn nữa Ngoan? - Năm sau. - Năm sau thì lâu quá nhỉ, biết chị có ra ngoài này nghỉ hè nữa không? - Sao lại không, trừ khi chị đi lấy chồng. Ừa nhưng mà lấy chồng ngừơi ta lại càng phải đi nghỉ mát, tắm biển hơn. Do đó kết luận rằng, thế nào mùa hè năm sau chị cũng lại ra đây nữa coi. Trúc mỉm cười trước suy nghĩ ngây ngô của chú bé. Từ chỗ này Trúc cũng có thể nghe được tiếng sóng theo gió vọng tới. Tiếng sóng biển buổi chiều nghe vừa xa xăm vừa gần gũi, giống như một thứ tiếng nói của kỷ niệm nào đó vọng về. - Mình ra ngoài bãi biển đi Câu hỏi của chú bé không được trả lời. Bởi lúc đó Trúc đã như người mất hồn, cô nhìn ra mặt biển xanh thẳm, chìm sâu trong sự im lặng và đôi mắt thật buồn o0o Trong lúc ngồi uống cà phê sáng. Phục hỏi Trúc: - Tối qua chị uống bia ở đâu vậy? - Sao em biết chị uống bia? - Trúc cười cười - Mặt chị đỏ rần. Em vừa mở cổng cho chị vào là biết ngay thôi. - Thím Loan biết không? - Lúc đó thím Loan ngủ mất tiêu rồi. - Mặt chị đỏ lắm hả? - Ðỏ như mặt trời mọc ban đêm. - Chị uống bia ngoài quán Thuỳ Vân với chú bé Ngoan. Nhưng mà em đừng nói cho ai biết hết nhé? - Bộ.. chị... khùng sao, tự nhiên đi uống bia với thằng bé ấy. - Chị buồn. - Tại sao chị buồn? - Nỗi buồn của người lớn, em còn nhỏ không hiểu được đâu, vì vậy đừng hỏi nữa. Phục cười, nó "lý sự"? - Bộ có nỗi buồn người lớn và nỗi buồn tre con nữa sao? - Thôi, đừng hỏi chị nữa mà. Thím Loan đi lo công việc rồi phải không? - Thím đi từ sáng sớm lận kia. Lúc chị còn ngủ - Thím có dặn gì chị không? - Không, chỉ nói rằng trưa nay thím không về ăn cơm, chị em mình đừng đợi. Trúc gật đầu, cầm tờ báo đi luôn ra ngoài sân nằm trên ghế xích đu. Vừa lúc đó có tiếng chuông gọi cổng, Trúc nhổm dậy gọi Phục: - Ra ngoài cổng xem ai đấy PHục ơi. - Sao chị không mở mà gọi em? - Phục đi ra ngó Trúc hỏi. - Thôi mở cổng cho khách đi, đừng có "lý sự " nữa. Một lúc sau Trúc ngạc nhiên đến tròn mắt khi thấy Phục đi vào với Bách. Trúc không hiểu cô mừng hay lo lắng, ngẩn người giây lâu, Trúc mới hỏi được: - Ủa, sao anh biết nhà này mà tìm tới? - Có gì khó khăn đâu khi người ta đã quyết đi tìm? - Bách cười nói. - Nếu anh không biết địa chỉ thì làm sao tìm được? - Dĩ nhiên. Trúc biết ai cho địa chỉ không? - KHông. - Mẹ em đấy, hôm qua anh tới chơi nhà, biết được em có việc phải ra Vũng Tàu, anh hỏi bác địa chỉ nhà chú Hiển, bác cho ngay. - Anh đi chơi à? - Trúc giả vờ hỏi. - Di tìm chứ đi chơi nỗi gì. Vũng Tàu có xa lạ gì với anh đâu mà phải bỏ công đi chơi. - Anh Bách vào nhà uống nước - Trúc mời. - Em hết trốn anh rồi nhé - Bách vừa theo Trúc vừa cười nói. - Việc gì mà phải trốn? - Lần trước hỏi địa chỉ nhà này em không nói. Hoá ra rồi cũng không giấu được lâu. Bây giờ anh bắt được em ở đây. - Tuy nhiên anh vẫn là người khách không mời mà tới - Trúc cười. - Vậy mới ngon. - Em hỏi thật, anh đi chơi, đi lo việc làm ăn hay có việc gì? Bách nhìn thẳng vào mắt Trúc, nói: - Anh đi tìm em. - Tìm em? - Ðúng như thế. - Nhưng mà để làm gì? Em ra ngoài này có công việc nhà chứ không phải rảnh rang đi chơi đâu. - Anh biết chứ. Và chính vì vậy mà anh ra đây, vì anh nghĩ rằng trong việc này anh có thể giúp em được - Bách cười - Ðúng hơn là có thể giúp gia đình chú Hiển được. Trúc bối rối hỏi: - Anh đã biết chuyện gia đình chú Hiển rồi à, ai nói với anh? - Mẹ em. Trúc thầm nhủ "anh ta đã mua chuộc được mẹ mình mất rồi". Và trông Bách, anh ta có vẻ hãnh diện khi nói rằng chính mẹ Trúc đã cho anh ta biết điều đó mà lẽ ra phải giấu. Chứng tỏ anh ta cũng là một người được tin cẩn trong gia đình. Trúc xẳng giọng: - Anh giúp bằng cách nào? - Anh có quen với một vài nhân vật có quyền lực ở đây, có thể giúp cho Trường ra được. - Việc đó chú Hiển cũng thừa sức làm, nhưng chú đã không làm. - Sao chú ấy lại đánh điện tín khẩn cấp vào Sài Gòn và nhờ em ra coi nhà để vợ chồng chú ấy chạy lo? - Không phải chú Hiển đánh điện tín đâu, mà là thím Loan mạo danh chú để đánh đấy. Từ khi biết Trường tham gia vào vụ tổ chức vượt biên và bị bắt, chú Hiển giận, bỏ nhà không thèm bước chân về nữa, cũng không thèm chạy lo cho Trường. Bách cười: - Như vậy sự giúp đỡ của anh lại càng hữu ích. Có sao đâu? Ðúng là không có sao thật, nói một cách nào đó trong trường hợp này sự giúp đỡ của Bách hết sức cần thiết. Mấy ngày đã trôi qua, thím Loan chạy tứ tung nhưng ở đâu cũng hứa nhưng rồi Trường vẫn còn ở trong trại giam. Tội nghiệp thím Loan vì thường con nên không nghe lời chú Hiển, hạnh phúc của thím Loan có thể bị tan vỡ vì chuyện này. - Ngày mai em đi với anh đưa Trường về. Ðược chứ? - Ðể em hỏi lại ý kiến của thím Loan đã. - Em cứ hỏi. Nhưng anh tin chắc là thím Loan sẽ rất vui vẻ nhận lời. - Cũng chưa biết. - Còn tối nay anh mời em đi ăn, ở ngoài này anh biết có một nhà hàng khá lắm. Trúc phân vân không biết có nên nhận lời mời của Bách không. Ðây không phải là lần đầu tiên. Bách mời Trúc đi ăn, hoặd đi khiêu vũ, nhưng hầu hết những lần Bách mời trước đây đều có vợ chồng chị Huyền, còn hôm nay.... - Em ngại à? Anh sẽ không để em về khuya đâu, và sẽ đưa em về tận nhà. Trúc ngẫm nghĩ một lúc rồi nhìn Bách mỉm cười, nói: - Thôi, em không hứa chắc đâu, tối anh cứ tới nếu không có gì trở ngại thì em nhận lời. Buổi tối, đúng bảy giờ, Bách tới nhà đón Trúc bằng chiếc Dream 100 bóng lộn. Anh ta rút cho Phục một xấp tiền và cười vỗ vai Phục nói: - Công "chú" coi nhà. Khi về anh sẽ có quà. Ở nhà một mình có sợ ma không? - Chỉ sợ ma sống chứ không sợ ma chết - Phục nói. - Giỏi - Nhưng anh cho tiền chi nhiều vậy, định "hối lộ" hả? - Ðế Phục mua đồ chơi. - Xời, làm như tui còn nhỏ tí không bằng. Người ta lớn rồi ông ơi. - Vậy để rủ bạn đi uống cà phê. - Nghe còn có lý hơn. - Thôi, anh và chị Trúc đi nhé. Bách chở Trúc chạy hết con đường cặp biển rồi quẹo vào một con đường tối om om, vắng tanh. Trúc hỏi: - Bộ hết đường rồi sao, con đường gì mà tối thấy ghê. - Ở đây phần lớn đường phố đều tối như vậy cả. - Chắc anh ra Vũng Tàu thường lắm phải không? - Cũng thường, phần lớn là do công tác. - Chứ không phải đi chơi? - Vừa công tác, vừa tranh thủ đi chơi, tội gi em. - Sao anh không lấy vợ đi anh Bách? - Trúc cười khúc khích hỏi. - Cũng sắp lấy rồi. - Ai thế, nói cho em mừng coi? - Bí mật. Nhưng bảo đảm là không xa lạ với em đâu. - Chà, làm em hồi hộp. - Khi biết được người đó là ai, em sẽ còn hồi hộp hơn nữa. Không chừng em cũng sẽ đứng tim luôn. - Coi vậy chứ trái tim em vững vàng lắm, đá ném ào ào cũng không nhằm nhò gì đâu. Anh đừng có lo. Bách cười, tăng ga cho chiếc xe chạy nhanh hơn. Trúc không quen với lối chạy xe bạt mạng này nên hoảng hồn nói: - Chạy từ từ thôi anh Bách ơi. Nhanh qúa vậy? - Em vịn chặt nghen, coi chừng té đấy. - Vịn ở đâu bây giờ? - Ai biết. Trúc bấu chặt vào mép yên xe, trong khi Bách vẫn giữa nguyên tốc độ. Con đường có nhiều ổ gà, Bách cũng không tránh, cho nên chiếc xe cứ lao đi, Trúc có cảm tưởng như mình đang ngồi trên những con sóng biển. Trúc mím môi, cố giữ cho khỏi bật lên tiếng kêu hoảng sợ để chứng tỏ cô không sợ, chứ thật ra thì trong bụng run như con thằn lằn bị ngắt đuôi. Hai bên tai Trúc nghe cây lá lào xào, cứ tưởng nếu bị ngã, chắc sẽ khó mà sống được. Mãi đến khi ra một con phố sáng ánh đèn, đường tốt; chiếc xe chạy bình thường. Trúc mới thở phào. Bách cười: - Coi Trúc vậy mà cũng gan quá nhỉ? - Ðể anh đừng có hù người ta - Trúc giận dỗi nói. Bách đưa Trúc tới một nhà hàng lớn, có khiêu vũ. Hai người chọn chiếc bàn chỗ khuất, Bách lịch sự kéo ghế mời Trúc ngồi. - Chúng ta ăn tối nhé? - Tuỳ anh. - Sao lại tuỳ anh? - Em sao cũng được, không có ý kiến. Với lại ở đây em không rành. Anh cứ gọi đi. Em thuộc vào loại dễ nuôi, cái gì ăn cũng được hết trừ món lươn. - Sao thế? - Em rất sợ lươn.Hôm nào mà ở nhà mẹ nấu canh chua lươn cho ba ăn là coi như hôm đó em nhịn cơm. - Rồi em ăn gì? - Ăn hủ tiếu - Trời, nhịn cơm kiểu đó càng ngày càng mập. Người phục vụ tiến lại bàn, Bách trao cho Trúc tấm thực đơn chọn món ăn, nhưng Trúc lắc đầu: - Ðã bảo tuỳ anh, em nói thật chứ bộ - Vậy anh gọi cái gì em ăn cái đó nhé. - Dĩ nhiên là không có cái món mà em ăn không được. - Yên chí, ở đây không có món lươn đâu. Bách gọi thức ăn xong quay qua hỏi: - Uống gì bia nhé. Anh và em uống bia chơi. - Tuỳ anh. - Bà Huyền bảo em cũng uống bia cừ lắm. - Em uống được một lon. Bách cười, gọi thêm bốn lon bia và trao lại tấm thực đơn cho người phục vụ. Một lúc sau trên bàn đã bày đủ các món ăn Bách gọi. Chủ yếu là cá biển. Cá biển nấu canh chua, cá biển chiên, cá biển kho tộ. Trong lúc BÁch khui bia rót vào ly cho hai người, Trúc cười hỏi: - Sao anh không gọi cho em món ghẹ luộc - Cái gì? - Bách ngạc nhiên trợn mắt. - Món ghẹ luộc, bộ anh chưa bao giờ ăn món này à? - Món ấy ai ăn ở đây. - Em ăn. - Nhà hàng chắc không có đâu. - Sao không, ghệ luộc ăn với muối tiêu chanh. Em vẫn thích ăn món ấy ở nhà. - À.. anh hiểu rồi. Dĩ nhiên Bách làm sao hiểu được ý của Trúc. Thật ra Trúc cũng chỉ nảy ra ý ấy khi vào đây thôi, tự nhiên Trúc muốn nhìn mấy con ghẹ để nhớ lại ngày đầu tiên Trường vào Sài Gòn đã mang tới tặng Trúc những con ghẹ đã luộc sẵn. Bách gọi người phục vụ lại nói yêu cầu của mình. Ông ta lắc đầu cười: - Ở đây đâu có món ghẹ luộc? - Nhưng cô này thích món đó, ông giúp dùm được không? - Ðược chứ, mua ngoài chợ thiếu gì? - Vậy nhờ ông mua giùm. Một chục ghẹ. - Ông bà đợi cho hai mươi phúc sẽ có ngay. Khi người phục vụ quay đi, Bách cười nói: - Cái nhà hàng này ngạc nhiên vì món ăn đặc biệt của em. Trúc mỉm cười. Và khi Bách mời cụng ly. Hai người bắt đầu ăn, Bách lịch sự gắp thức ăn bỏ vào chén Trúc và mời Trúc ăn một cách ân cần. Bách luôn miệng nói: - Ăn đi cô bé ạ Càng lúc người ta càng kéo nhau ngồi chật những chiếc bàn trống trước giờ chương trình khiêu vũ bắt đầu. KHông khí căn phòng càng trở nên náo nhiệt khi ban nhạc bắt đầu những bản vui nhộn như mời mọi người ra sàn nhảy. Tuy nhiên chỉ có ít cặp hưởng ứng. - Mời cô bé. Trúc lại cạng ly với Bách. Cô uống cạn ly bia của mình và cảm thấy gương mặt mình nóng bừng lên, mọi vật xung quanh trở nên bừng sáng, long lanh và như nhảy múa cùng với điệu nhạc. Mới đầu là một tâm trạng buồn bã xâm chiếm Trúc, rồi dần dần tan biến theo từng ly bia. Mới đầu Trúc thấy trong đáy ly gương mặt Thường hiện ra cùng với đôi mắt, nụ cười quen thuộc của anh rồi dần dần gương mặt ấy cũng tan biến, trong ly chỉ còn những viên đá cục trong suốt, sóng sánh với bọt bia trắng, xốp, đầy hấp dẫn. Trúc lại uống, và cảm thấy có một niềm vui, sự hưng phấn đưa cô lên cao dần. - Mời em bản này. Ðó là một bản Boston tình tứ mà Bách đã chờ đợi. Anh ta dìu Trúc ra sàn nhảy và nhìn vào đôi mắt long lanh của Trúc, Bách mỉm cười hỏi khẽ: - Em say à? - Không - Trúc lắc đầu. - Mặt em đỏ, và đẹp lắm. - Xạo - Cứ nhìn vào gương xem, hay nhìn vào mắt anh cũng thấy. Trúc ngượng ngùng đinh giấu mặt mình sau mái tóc, nhưng Bách đã khéo léo hôn phớt qua đôi môi hé mở của Trúc khiến cô giật thót mình. Bách tỉnh bơ dìu Trúc theo điệu nhạc và xiết chặt cô trong vòng tay cứng rắn. - Em muốn biết người anh sắp cưới là ai không? Trúc chớp mắt hỏi: - Ai thế? - Em đấy. - Là em. - Sao, ngạc nhiên à, đã bảo khi em nghe anh nói, thế nào em cũng ngạc nhiên mà. - Ðúng là ngạc nhiên thật. Em còn nhỏ quá, còn đi học - Năm nay em sẽ thi tốt nghiệp cấp ba, em sẽ vào đại học. Lớn rồi cô bé ơi. - Em không chịu đâu. Và anh cũng đừng có đùa như thế. - Anh nói thật, không đùa đâu. Và Bách cúi xuống mặt Trúc, cô giấu gương mặt của mình sau mái tóc làm Bách cụt hứng. Trong cơn say lâng lâng, người Trúc như đang đi trên những ngọn sóng biển, cô cảm thấy hơi thở Bách nóng hổi trên mặt mình và hiểu những lời Bách nói không phải là lời đùa cợt. Nhưng Trúc thì sao? Cô mơ hồ, chơi vơi trong một tâm trạng khó phân biệt. Bản nhạc dứt, Bách dìu Trúc về chỗ ngồi. Trúc ngã đầu vào thành ghế, mỉm cười: - Thôi em không uống được nữa đâu. - Em mệt à? - Mệt - Chương trình khiêu vũ còn kéo dài đến tận khuya. - Nhưng em không thể đi khuya được. Một chút xúi nữa em phải về, không nên để Phục ở nhà một mình. - Ðược Bách uống cạn ly bia của mình, anh khui tiếp một lon bia khác và ngửa cổ uống. Mặt Bách cũng đỏ rần, đôi mắt anh cứ nhìn Trúc một cách lạ lùng Sau khi nhảy thêm ba bản nhạc nữa Bách mới chịu đưa Trúc về. Ðồng hồ chỉ 10 giờ đêm, Trúc ngồi phía sau xe mà người cứ lâng lâng, mơ màng trong tâm trạng nửa say nửa tỉnh. - Vịn chặt nhé, không té đấy. - Ðừng có hù em. - Nói thật đấy, không tin chút sẽ biết. Bách tăng tốc độ, Trúc nghe tiếng gió lướt qua tóc mình mát rượi và chiếc xe lao nhanh trên con đường vắng. Mới đầu Trúc vịn vào mép yên xe, nhưng khi chiếc xe trở lại con đường đầy ổ gà lúc nãy Trúc suýt té mấy lần nên bắt buộc phải ôm eo ếch Bách cho khỏi rơi xuống đường. Phục ra mở cổng, nó ngái ngủ, gương mặt sật sừ. Bách cũng quên mất lời hứa của mình. Anh ta vỗ vai PHục nói: - Chú vào ngủ đi, để anh đóng cổng cho. PHục lững thững đi vào nhà. Bách đóng cổng lại và dìu Trúc về phòng. Thím Loan chắc cũng chưa về, nhà vắng tanh. Trúc ngồi ngả đầu vào thành ghế, nói: - Khuya rồi, anh Bách về đi. Bách làm thinh, anh ta bật quẹt châm điếu thuốc lá gắn lên môi. - Trúc mệt lắm à? - Không. Bách rít thuốc, cười: - Không mệt mà đi không muốn nổi. - Tại mấy ly bia. Anh ác lắm,bắt em uống bia làm chi? - Anh có bắt đâu, chính em uống đấy chứ. Làm sao mà Trúc nhớ được chính cô tình nguyện uống hay Bách đã nài ép? Trúc chỉ mơ hồi nhớ lại gương mặt nào đó, gương mặt của Thường, rồi của Bách, cứ lẫn lôn vào nhau như một tấm kiếng có hai mặt xoay hết mặt này tới mặt kia trước mặt mình. - Anh về đi, khuya rồi, em buồn ngủ qúa. - Hút hết điếu thuốc anh về. - Thật nghe, để em đi ngủ. - Thì em cứ ngủ đi. Anh sẽ ngồi nhìn em ngủ. - Xí đừng có làm bộ - Thật mà. Khi nào em ngủ say anh sẽ về. - Thôi anh về đi, không ở đây được đâu, chút nữa thím Loan sẽ về tới rồi. Và thay vì Bách về, anh ta bế xốc Trúc lên và mang đặt cô xuống giường. - Ðừng anh Trúc đẩy Bách ra khi anh ta cúi xuống mặt cô nhưng hai bàn tay cứng như sắt của Bách đã ghì mặt Trúc thật chặt, không cho Trúc lẫn tránh và đặt lên môi Trúc một chiếc hôn dài bất tận. Trúc giẫy nẫy, cuối cùng thì cô bật khó rấm rức như một đứa trẻ tủi thân. Và Bách không dừng lại, anh ta tham lam, điên cuồng, lợi dụng Trúc đang chơi vơi trong cơn say để chiếm đoạt cô.