7.- Trên rầm thượng. (1)
Thứ sáu, ngày 28

Chiều hôm tôi và em Xinvya cùng đi với mẹ tôi đem quần áo cho một người đàn bà nghèo mà người ta đã mách trong một tờ báo. Tôi mang gói, em tôi đã ghi sẵn tên tắt và địa chỉ người đàn bà ấy ra mảnh giấy cầm tay. Chúng tôi leo lên gác thượng một toà nhà cao lắm. Tới nơi, chúng tôi thấy một hành lang dài, hai bên có những căn phòng liên tiếp nhau. Mẹ tôi gõ cửa buồng cuối cùng. Một người đàn bà còn trẻ mặt bủn vóc vầy ra mở cửa. Trông cái khăn vuông trùm trên đầu, tôi nhớ hình như đã gặp bà này ở đâu thì phải.
Mẹ tôi hỏi:
_ Có phải bà là người mà người ta đã mách trên báo?
_ Thưa bà vâng, chính chúng tôi.
_ Đây, tôi mang lại cho bà ít quần áo.
Người đàn bà nghèo khó kia cám ơn chúng tôi mãi không thôi.
Lúc ấy, tôi trông thấy trong một góc nhà không đồ đạc và tối mò, có một cậu bé quay lưng ra phía chúng tôi. Cậu quì trước một cái ghế hình như đang mãi viết. Giấy để trên mặt ghế mà lọ mực thì dưới sàn. Không biết cậu ta làm thế nào mà viết được trong xó tối như vậy.
Tôi đang tự hỏi thế, chợt trông thấy mớ tóc vàng hoe và cái áo dài lụng thụng, tôi nhận ra ngay anh Crôtxi, con bà bán hoa quả, tức là cậu bé liệt tay. Tôi bảo sẻ mẹ tôi, trong lúc mẹ anh đang gỡ gói quần áo.
Mẹ tôi bấm:
_ Im, đừng gọi, cậu ấy sẽ ngượng chăng.
Nhưng, ngay lúc ấy Crôtxi quay ra ; tôi bối rối, anh mỉm cười với tôi. Mẹ tôi liền đẩy tôi lại. Anh giơ hai tay chạy ra. Tôi liền ôm lấy anh hôn.
Mẹ anh nói:
_ Thưa bà, bà đã rõ, nhà chỉ có mình cháu với tôi. Cha cháu đi sang Mỹ đã sáu năm nay, không may vừa rồi tôi lại bị ốm không đi hàng được, phải bán dần đồ đạc để ăn. Cả đến cái bàn viết của cháu cũng không còn. Đèn đuốc cũng thiếu, cháu phải học mò trong bóng tối rất hại mắt. Nhưng cũng may là tôi còn có thể cho cháu ra trường và cháu được sách vở phát không. Thương hại cho cháu! Cháu chịu khó lắm! Có khi nhịn đói đi học. Thưa bà, tình cảnh chúng tôi thật là khổ sở quá!...
Mẹ tôi lấy tất cả tiền trong ví bỏ vào tay người đàn bà khốn khổ, hôn anh Crôtxi rồi dân dấn nước mắt trở ra.
Về nhà, mẹ tôi khuyên tôi rằng:
Con ơi! Con hãy trông gương đứa trẻ nghèo khổ ấy đã phải học hành trong cảnh thiếu thốn và khó khăn. Về phần con, con có đủ mọi thứ cần dùng mà đôi khi con còn kêu sự học vất vả. Này! Enricô ơi! Một ngày làm việc của Crôtxi còn đáng công hơn cả một năm học của con. Chính những hạng học trò ấy phải cho phần thưởng danh dự mới phải.
Cha tôi đã nghe được những lời mẹ tôi khuyên bảo tôi, vì thế ngay chiều hôm ấy, tôi thấy để trên bàn viết của tôi lá thư sau này:
----------------------------------
(1) Ở bên Âu, những dân nghèo thường phải thuê nhà ở trên rầm thượng, tức là tầng gác sát mái nhà, cho được rẻ tiền.

Truyện TÂM HỒN CAO THƯỢNG Lời người dịch 1.- Ngày khai trường 2.- Thầy giáo mới 3.- Một tai nạn 4.- Cậu bé miền Nam 5.- Bạn tôi 6.- Lòng hào hiệp 7.- Trên rầm thượng. (1) 8.- Học đường 9.- Lòng yêu nước của cậu bé thành Pađôva (1) 10.- Em bé quét mồ hóng 11. Người bán than và ông quý phái 12. Mẹ tôi 13.- Học trò nghèo 14.- Ân nhân của bạn Nelli 15.- Em bé trinh sát 16.- Kẻ khó 17.- Tính khoe khoang 18.- "Chú phó nề" 19.- Quả cầu tuyết 20.- Các cô giáo trường tôi 21.- Thăm ông già bị nạn 22.- Chàng viết mướn thành Phirenzê 23.- Lòng biết ơn 24.- Thầy giáo phụ 25.- Đứa con người thợ rèn 26.- Phranti bị đuổi 27.- Chú lính đánh trống, người đảo Xarđenha 28.- Lòng ái quốc 29. - Bà mẹ anh Phơranti 30.- Chiếc xe hoả máy 31.- Một kẻ tù phạm 32.- Làm khán hộ cho cha 33.- Chú hề con 34.- Ngày cuối cùng hội Giả trang 35.- Những trẻ em mù 36.- Lớp học tối 37.- Đám đánh nhau 38.- Người tù số 78 39.- Trước ngày 14 tháng Ba 40.- Lễ phát phần thưởng 41. Lòng cháu 42.- Chú phó nề trong phút hiểm nghèo 43.- Viện dục anh 44.- Thầy học cũ của cha tôi 45.- Kỳ dưỡng bệnh 46.- Bạn ta là thợ 47.- Bà mẹ anh GARÔNÊ 48.- Lòng nghĩa hiệp 49.- Hy sinh 50.- Một vụ hoả tai 51.- Quê người tìm mẹ 52.- Trường câm điếc 53.- Đi ngoài phố 54.- 32 độ 55.- Cha tôi 56.- Thú quê 57.- Cuộc phát thưởng cho thợ thuyền 58.- Lời cảm tạ 59.- Đắm tàu 60.- Trang cuối cùng của mẹ tôi