Phần VIII

     ột tháng sau thì cưới. Vượng làm rất trọng thể, mời tất cả bè bạn. Hôm ấy, vợ chồng Hồ cũng về, và vợ chồng Hải cũng đến.
Vượng đã đành lòng với sự hy sinh của mình khi thấy Quỳ cũng đã không đau đớn mấy nữa. Quỳ trang sức thuần kim cương, át tất cả mọi người vì sự sang trọng và sắc đẹp. Bà Xuân Thái cũng xuống. Tuy bà đối với Vượng rất là sốt sắng, nhưng Vượng cũng nhận thấy trong sự sốt sắng ấy là cả một cố gắng và Vượng có cái cảm tưởng rằng bà vui thích về chỗ đã chọn được một người rể sang trọng. Chồng Quỳ đã sắp được bổ tri huyện, mọi người đã bắt đầu gọi Hải bằng quan lớn, và gọi Quỳ bằng bà lớn.
Cái khổ tâm nhất của Vượng là nhận thấy tấm lòng yêu của người đàn bà không được bền bỉ. Ừ thì nàng không yêu chàng đã đành, nhưng nàng đã yêu Đạt. Chàng không nhận thấy ở trên mặt nàng một dấu vết gì tỏ rằng nàng còn nhớ đến người thuở trước. Trong ngôn ngữ, không có một câu nào để nhắc nhở đến người cũ. Chàng tự nhủ: “Thì ra ở đời chỉ có cái tình máu mủ là có thể chắc thôi”.
Trước hôm cưới mười ngày, chàng đưa cho Tâm bốn trăm đồng:
- Chú cầm lấy mà lo liệu. Chú cứ coi anh là anh ruột lo cưới vợ cho chú, chứ chú đừng có nghĩ chú là em rể nữa.
- Nhưng nhiều quá. Chỉ hai trăm là đủ thôi.
- Không, chú cứ cầm cả lấy. Để cho rộng rãi. Chú cần phải mời họ hàng làng nước và bè bạn. Đời người chỉ có một lần.
Số tiền bán ruộng được nghìn sáu. Vượng không giữ một xu. Còn một nghìn hai, Vượng cho cả em. Nhàn không nhận.
- Anh cho hết em, sau này anh lấy gì...
- Cô đừng nói thế. Nếu cô không cầm thì anh sẽ giận cô. Sau này, anh nhờ trời còn làm ăn được, lo gì không có tiền. Mai đây, chú Ba đỗ đạt, thì rồi thiếu gì. Cô nhà chồng nghèo, cần phải lo liệu, cô cứ cầm lấy. Dù nhà chồng cô tử tế không quý cô vì đồng tiền của cô, nhưng khi mình mới về, đối với họ hàng, mình rộng rãi một chút thì họ dễ yêu và dễ quý mình hơn. Vả lại, cô bây giờ đã có chồng, cần phải có đồng ra, đồng vào, chứ anh thì cần gì đến tiền. Thầy mẹ mất đi, như thế này là cô cũng đã thiệt thòi lắm rồi, giá thầy mẹ còn sống...
- Thì thầy mẹ cũng đến làm cho em những điều mà anh đã làm cho em thôi.
Nhàn nói xong cảm động khóc rưng rức. Vượng cũng ướt nước mắt, nhưng chàng cố khôi hài:
- Thôi, gần đến ngày cưới rồi, đừng có khóc, nín đi, khóc xấu đi, chú ấy lại chê đấy.

 

Cưới xong bốn hôm thì vợ chồng Tâm ở nhà quê cùng lên. Vượng không bằng lòng:
- Anh đã bảo cô ở nhà một tháng cơ mà.
Tâm đỡ lời cho vợ:
- Nhà em định ở nhà một tháng, nhưng thầy mẹ em cứ nhất định bắt phải lên hôm nay, vì thầy mẹ em biết anh ở ngoài này không có ai trông coi cơm nước.
- À nếu thế thì lại khác.
- Thầy mẹ em chỉ ngại một điều chúng em cùng ở đây thì làm tổn phí và phiền cho anh.
Vượng cười:
- Chú học những câu nói sáo từ bao giờ đấy? Hay chú mới học được từ khi lấy vợ? Nếu thế thì không là một điềm lành. Chú phải biết thế này là anh được thêm một người em, nhà cửa vẫn như thế, chẳng có gì thay đổi cả. Mà anh lại có cái khoan khoái rằng anh đã làm cho một người em gái được sung sướng.
Vượng đưa hai vợ chồng mới lên gian phòng của Nhàn khi trước:
- Đấy vẫn y nguyên, thêm cái hạnh phúc yêu đương ở trong này. Và chú làm thế nào sang năm, có một cái giường nhỏ tí tẹo kê cạnh cái giường lớn kia thì ấy là chú làm phiền anh một chách... lắm lắm đấy.
Quay lại nhìn Thịnh đứng sau:
- Phải thế không chú Ba?
- Chính thế.
- Và nếu lại là đứa con trai nữa thì chà chà, anh sẽ là người sung sướng nhất ở trên đời.
Trong nhà không có gì thay đổi, Vượng đi làm cuối tháng lương vẫn đưa cả cho em gái. Có một điều là trước kia, cứ tuần lễ Vượng lại nhìn đến quyển sổ chi tiêu, nhưng từ đây thì Vượng không nhìn đến nữa.
Vượng thường thường dặn nhỏ em gái:
- Chú ấy cần gì, cô cứ lấy tiền mà sắm cho chú ấy. Cô cứ coi như là đối với chú Ba vậy. Tiền nhà vẫn gửi ra cho chú ấy thì bảo thôi đi, anh xem gia đình chú ấy cũng túng lắm đấy.
Vượng chỉ e một điều Thịnh nóng tính, trong anh em có điều gì xích mích, cho nên Vượng thường dặn em:
- Nó nghèo nó đến ở với mình, mình cần phải nhường nhịn, không tủi nó. Nó tủi tức là em mình tủi. Mình có thương nó thì nó mới thương em mình, chú nghe chưa?
Thấy anh cứ đưa đón dặn mình, một hôm Thịnh phát gắt:
- Em biết rồi, anh cứ phải dặn mãi, anh coi em là một thằng anh không biết thương em hay sao?
Vượng cười:
- Những sự cẩn thận không bao giờ thừa khi người ta cần phải có để bảo vệ hạnh phúc của một người em út, là khi người em út ấy lại là một người em gái. Chú không nhớ hồi còn mồ ma thầy, thầy thường bảo: “Nững sự xích mích xảy ra trong kẻ thân thích nó như những vết rạn của cái chai, cứ một ngày một rộng, một to thêm. Muốn cho không có những vết rạn ấy thì phải cố tránh làm sao cho không có những sự xích mích”. Lời thầy nói đúng lắm, vì thế cho nên, anh mới cần phải dặn chú kỹ như thế.
Vượng xét thấy cảnh vợ chồng trẻ không thể sống một cuộc đời như mình, phải cần có những cuộc vui, cho nên chủ nhật nào, chàng cũng đến đánh tổ tôm ở nhà một người bạn. Trước khi đi, chàng thường bảo các em:
- Một khi người ta đã làm việc chăm chỉ trong sáu ngày thì ngày chủ nhật người ta có quyền được tiêu khiển và cũng cần phải tiêu khiển nữa. Sự giải trí cần cho đời người cũng như sự làm việc. Các cô chú có muốn đi ciné hay đi đâu thì cứ đi, nghe không.
Người đàn bà dù thương yêu anh đến đâu thì lòng thương yêu ấy cũng không bằng lòng thương yêu chồng, lẽ trời sinh như thế. Phải có một tấm lòng rộng hiểu thì mới biết tha thứ cho người đàn bà về chỗ đó.
Nhàn dù sao cũng chỉ là một người đàn bà, vì thế nàng có nhiều cử chỉ làm cho Thịnh không bằng lòng. Nhiều khi Thịnh về chậm, Nhàn chỉ để phần cơm, chứ không chờ để săn sóc như đối với chồng. Tuy đối với các anh, nàng vẫn chăm chút, nhưng cái quần cái áo của chồng thì vẫn được chăm chút hơn.
Tuy Thịnh không bao giờ nói ra, nhưng Vượng thoáng nhìn mặt em thì cũng biết rõ tư tưởng của em. Một hôm có việc bận, tám giờ khuya Thịnh mới về. Chỉ có mâm cơm để ở bàn, chứ Nhàn không có đấy. Không biết Nhàn có biết anh về không, nhưng Nhàn không thấy xuống nữa. Thịnh cau mày khi thấy bát canh nguội. Thịnh quát thằng xe bắt nó đi hâm, cố ý là để cho Nhàn nghe tiếng.
Vượng biết thế, chàng bèn thừa dịp ấy tìm cách để chỉ dẫn cái đạo làm anh cho Thịnh. Chàng chờ Thịnh ăn xong, rồi sai thằng bếp đi gọi hàng chè sen. Thịnh tuy tức, nhưng theo thói quen, Thịnh bảo thằng xe:
- Ấy, lên gác gọi cô chú xuống ăn chè.
Vượng vội gạt đi:
- Thôi cứ mua để phần cho cô chú ấy thôi. Lúc này là lúc vợ chồng nó đang hú hí với nhau. Vì bát chè sen mà làm rộn chúng nó không nên. Tôi cứ tưởng tượng ai làm rối hạnh phúc của chúng nó thì tôi thấy như người ta làm rối sự hạnh phúc của tôi, tôi thấy khổ lắm.
Thịnh nhìn anh, hiểu ý. Từ đấy Thịnh không gắt gỏng một khi Nhàn vì quấn quýt với chồng không thể săn sóc đến mình nữa.

 

Chàng không muốn, nhưng nước mắt cứ ứa ra, chảy xuống hai gò má. Chàng đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội. Năm nay, chàng đã ngoài ba mươi rồi, mà tương lai vẫn còn cứ tối đen như mực.
Về đến nhà, các em đã đứng chờ chàng ở trước cửa. Nhàn thoáng thấy chàng, vội vã chạy ra:
- Đỗ cả rồi anh ơi!
Bao nhiêu đau đớn, buồn bực của chàng bỗng trút sạch đi như được ảnh hưởng một phép mầu của một nàng tiên. Chàng bế con Nga:
- Thế à?
Rồi chàng hôn nó chùn chụt. Hôn chán, chàng giơ tay bắt tay hai em:
- Mes félicitation! [1]
À, hôm nay thì phải nghỉ, chúng ta đi chơi. A, tôi chán cái cảnh đi làm nhà buôn rồi.
Nhàn đỡ lấy con:
- Bác chán thì sau này bác lên ở với Nga, Nga sẽ nuôi bác, bác chẳng phải đi làm gì nữa.
Vượng cười tít:
- Có lẽ thế. Bác Nga sợ đi làm rồi.
Vượng bảo Nhàn đưa tiền cho thằng xe đi mua rượu bia, và thuốc lá. Hôm ấy, chàng uống rượu, hút thuốc lá sung sướng như một người điên. Chàng hôn Nga, hôn Thịnh, hôn Nhàn, hôn cả Tâm nữa.
Luôn luôn, chàng bảo Nhàn:
- Tiếc rằng thầy mẹ không còn sống, chứ còn thầy thì phải biết. Hôm nay, thầy sẽ uống rượu say túy lúy. À, bà Huyện, bà nhớ sắm sửa cái gì để chủ nhật này, chúng ta về quê lễ nhà thờ, và cáo với gia tiên. Ha ha, ngồi đây, anh đã trông thấy cái nét mặt dương oai của chú Lý. Bây giờ mà người làng ai láo cái gì, chú Lý quát thì phải biết.

 

Hai tháng sau thì Tâm và Thịnh có giấy được bổ.
Trong nhà không bao giờ có thừa tiền mà hai người thì phải có hành trang và quần áo cho nó xứng với địa vị của mình. Một quan huyện không thể ăn mặc lôi thôi và đến ở trọ nhà bạn như một cậu học trò.
Vượng nghĩ đến điều đó đã từ lâu, từ ngày hai người đỗ. Chàng thấy cần phải xoay một món tiền cho hai người.
Có một chỗ mà chàng chắc chắn, có thể vay trong trường hợp này là bà Xuân Thái thì chàng đã không thể đến, chàng không còn mặt mũi nào mà đến nữa. Nhưng không đến đấy thì đến đâu?
Chàng bâng khuâng nghĩ đến bà phán Hữu. Giá trước kia, chàng lấy bà phán Hữu, có phải những lúc này...
Bà phán Hữu bây giờ đã lấy một ông Hàn góa vợ. Ông Hàn làm thầu khoán mà bà Hàn thì vẫn cho vay mượn ở sở như trước kia. Từ ngày Vượng làm cho bà phật ý, bà vẫn nhìn Vượng bằng con mắt khó chịu, Vượng nhớ rằng hôm đi lấy chồng, bà có mời cả sở đến, duy Vượng là không đến.
Bây giờ lại hỏi vay bà thì ngượng ngùng biết bao! Nhưng biết làm thế nào?
Buổi chiều hôm ấy, sau khi thấy Nhàn băn khoăn về chỗ không có tiền đâu để sắm sửa cho Thịnh, và sau khi nghe Tâm đề nghị đem bán vòng hột của vợ, Vượng bảo:
- Bây giờ cô ấy cần phải sang trọng hơn trước, không thể bán được. Thôi để tôi liệu xoay, rồi các chú gửi về trả người ta sau.
Thịnh mừng rỡ:
- Ồ, nếu thế thì may lắm. Em cũng phải cần vài ba trăm để sắm sửa, chứ bây giờ không thể lôi thôi thế này được, sợ người ta khinh.
Tám giờ hôm ấy, Vượng đến nhà bà phán Hữu. Ngày nay, bà đã ở một tòa nhà tây lộng lẫy trên đường Quan Thánh.
Vượng đưa danh thiếp và ngồi chờ tám trống canh mới thấy bà xuống. Bà xuống, lê đôi dép Nhật Bản lẹp kẹp. Nhìn thấy Vượng, bà hỏi ngay bằng một giọng xỏ xiên:
- Ông ký đến có việc gì đấy?
Vượng chưa kịp trả lời thì bà đã lại nói:
- Tiếc quá, hôm nay ông Hàn nhà tôi lại đi vắng.
Rồi bà gọi pha nước, gọi lấy rượu, gọi mở quạt như muốn đem sự giàu sang để trả thù sự lạnh nhạt của Vượng xưa kia.
Vượng cũng biết thế, và chính Vượng đến đây cũng là để cho bà trả thù. Vượng ngồi yên để cho bà khoe khoang, rồi sau khi thấy bà đã hả, Vượng mới bảo:
- Tôi đến đây nhờ bà chị một việc, nhưng nếu bà chị thấy có... lòng muốn giúp tôi thì tôi mới nói.
Bà Hàn đắc chí, toét miệng cười:
- Tôi thì bao giờ chả có bụng, chỉ có ông... Nhưng ông cũng phải cho tôi biết việc gì đã chứ?
Sau khi nói câu ấy, bà hình như thấy rằng mình đã dễ dãi và chóng quên thù xưa đối với Vượng, bà lại nói:
- Nhưng ông nên nhớ: bây giờ tôi không có quyền như xưa, mọi việc bây giờ đều ở nhà tôi.
Vượng tuy thương em, nhưng lúc ấy chàng đã thấy bực lắm rồi:
- Vâng, nếu bà nói thế thì thôi, tôi chả cần nói nữa.
Chàng nói xong toan đứng dậy thì bà Hàn đã đổi giọng nói ngay:
- Thì ông hãy cứ nói đi. Tôi nói thế thôi, chứ quyền thì cũng tùy từng cái.
- Chẳng nói giấu gì bà chị, tôi có hai chú nó mới đỗ tri huyện, nay vừa được giấy gọi bổ, tôi cần năm trăm bạc để các chú ấy sắm sửa. Nếu bà chị bằng lòng cho tôi vay thì bà chị lấy lãi bao nhiêu tôi cũng xin trả. Và làm giấy cho bà chị cẩn thận.
Tuy tức với Vượng, nhưng bà vẫn không thể không quý Vượng:
- Tưởng việc gì, chứ việc ấy thì được, chả phải làm giấy. Dù thế nào, tôi cũng vẫn tin ông là người đứng đắn.

 

Các em đi rồi, Vượng thuê một căn nhà nhỏ ở phố Chùa Vua, một tháng chỉ có bảy đồng. Xe nhà chàng cũng cho em gái, các đồ đạc sang trọng, chàng cho Thịnh. Chàng thuê một thằng nhỏ, và tậu một cái xe đạp xoàng.
Sự ăn tiêu của chàng không mấy tốn, chỉ hơn ba chục đủ rồi, chàng đã thấy không cần phải chịu những sự nhục nhằn gây ra bởi một ông chủ bất công nữa. Chàng chỉ chờ một cơ hội là nói trắng cùng kẻ áp bách mình những tư tưởng của mình đối với y, rồi mở cửa đi ra. Nhưng cơ hội ấy chưa đến, vì ông chủ có việc phải đi vắng xa ba tháng.
Chàng tự nhủ:
- Thôi, hãy chờ khi y về.
Mấy ngày đầu, không có các em thì Vượng buồn lắm. Lúc tiễn các em ra ga, chàng đã căn dặn phải viết thư về luôn. Trong ba tuần lễ đầu, Thịnh và Nhàn đều giữ lời hứa, cứ cách một ngày lại viết cho chàng một bức thư. Cuộc đời của Vượng bây giờ cơ hồ như chỉ thấy vui khi nào được đọc những bức thư ấy thôi.
Chàng đã quen đem đặt lẽ sống vào các em, nay các em đã không cần chàng nữa, chàng thấy như thiếu thốn làm sao. Những bức thư ấy, chàng đọc rất kỹ, như người ta đọc một đoạn văn hay, rồi xếp thành thứ tự cất đi tử tế. Chàng cũng viết thư cho các em. Những bức thư đầu cũng dài như thư của các em chàng viết cho chàng, nhưng nó cứ ngắn dần, vì chàng thấy lâu dần chẳng có gì để nói nữa. Các em chàng cũng thế. Sự sống cũng như lửa nó sẽ tắt đi khi nào không còn gì để cháy. Nó luôn luôn cần đến những lẽ sống mới để họa thành những điệu nhạc mới.
Thư của các em chàng thưa dần, vì cảnh đời mới của họ đã cuốn hút mất nhiều thì giờ của họ.
Những ngày đầu, Vượng khổ lắm; chàng viết thư trách, nhưng trách mãi cũng đến thế, lâu dần chàng cũng đã quen đi.
Xưa kia, những buổi tối, chàng sống với các em, sao thấy nó chóng thế, mà bây giờ thì sao dài thế! Xưa kia, mỗi khi về nhà, chàng thấy bao nhiêu công việc phải làm, bây giờ thì bới mãi, chẳng thấy công việc gì.
Những buổi tối và những ngày chủ nhật, chàng thấy dài đăng đẳng. Hết quay ra, lại quay vào, chẳng biết làm gì.
Đồng tiền bây giờ dư dật, nhưng chàng cảm thấy tiếc những ngày túng thiếu thuở xưa. Thuốc lá bây giờ chàng hút hết điếu này đến điếu khác, khiến cho anh em trong sở đều phải bảo: “Ông không bao giờ ngớt khói ở trong mồm”. Tuy thế, thuốc lá cũng không đem lại thỏa thích cho chàng như ngày trước.
Mà những hội tổ tôm đánh không lo thuế cũng không làm cho chàng hồi hộp nữa. Lại quái một điều, chàng đã không sợ thua thì lại cứ được luôn, được nhiều canh to lắm. Giá trước kia mà chàng được như thế này thì sung sướng biết mấy!
Đã nhiều lần, Thịnh và Nhàn viết thư mời chàng xuống chơi, nhưng chàng cứ nghĩ: “Chà, chúng nó chưa thu xếp nhà cửa xong, đến chơi thì chỉ làm chúng nó mất thì giờ”, nên chàng cứ hẹn lần.
Hôm nay là vì nhớ quá, chàng viết thư cho Nhàn, hẹn tuần này xuống chơi, và tuần sau thì xuống Thịnh. Trong thư, chàng căn dặn hai người cần dùng mua gì thì chàng sẽ mua đem xuống cho. Hai người đều viết thư về dặn mua nhiều thứ lắm.

 

Vượng lốc sốc mấy cái bồ và một đống gói ở xe lửa bước xuống, thì đã thấy vợ chồng Nhàn đứng đón ở ga. Không thấy Nga, chàng hỏi ngay:
- Cháu đâu?
- Cháu mệt, nên không dám cho cháu đi máy.
- Ồ, thế thì có lẽ tôi chọn lầm ngày hôm nay để xuống cô chú...
Nhàn tươi cười:
- Anh cứ nghĩ lẩn thẩn. Ngày nào anh xuống chơi với chúng em đều cũng là những ngày đẹp đẽ cả.
Bữa cơm hôm ấy, Tâm có mời mấy người bạn đồng sự của mình đến ăn cơm.
Trước họ còn sốt sắng đối với Vượng, nhưng sau hỏi ra thấy Vượng chỉ là một thư ký nhà buôn, họ đều lãnh đạm. Vẻ lãnh đạm ấy, Vượng cảm thấy. Chàng cảm thấy cái tính nết hiền lành và thực thà của chàng không thích hợp...
... Người ta làm khó chịu cho chàng, và chàng cũng làm khó chịu cho người ta nữa. Vì thế, cho nên Tâm đề nghị đánh tổ tôm, chàng nhất định từ chối, lấy cớ rằng buổi chiều đã phải đi tàu, không còn bao nhiêu thì giờ.
Tuy nói rằng xuống chơi với em để chuyện trò cho hả, nhưng vì Nhàn có nhiều bạn đến thăm, thành thử cứ tíu tít chẳng nói được chuyện gì với anh.
Cơm xong, Tâm đưa chàng đi tỉnh. Đến lúc quay về, thì Nhàn đã không có nhà. Đầy tớ nói cho biết bà Tuần mời nàng đến chơi.
Buổi tối hôm ấy, Vượng bước lên tàu với một nỗi buồn khôn tả. Sự đi chơi đã không đem lại những vui thú và thỏa thích như chàng tưởng. Chàng cảm thấy thấm thía rằng bây giờ đối với em, chàng chỉ là một người thừa trong công việc cũng như trong các cuộc vui. Chẳng những thế, chàng còn làm phiền các em là khác. Nhưng vốn thương em, chàng lại tự nhủ: “Địa vị của chúng nó bắt chúng nó thế, biết làm thế nào?”.
Tàu Hải Dương mười một giờ đêm thì đến ga Hà Nội, chàng uể oải bước xuống tàu, uể oải bước ra xe, uể oải về nhà, không còn đâu cái vẻ hăm hở của lúc ra đi nữa.
Chàng về nhà, thấy gian nhà lạnh lẽo. Quái, thằng nhỏ ngái ngủ ra mở cửa với một vẻ mặt cũng uể oải và khó chịu lạ lùng.
Chàng thay quần áo đi nằm, nhưng lại trằn trọc không sao ngủ được. Chàng nghĩ miên man đến những chuyện không đâu, những chuyện tỉ mỉ của thường ngày, chúng là những mắt xích kết thành cuộc đời của ta. Rồi chàng bỗng cảm thấy đời mình vô vị, chứ không còn một ý nghĩa như trước nữa. Trong khi săn sóc cho các em, chàng đã không nghĩ đến đời mình, chàng cứ tưởng rằng nó cứ ấm cúng như trước kia mãi.
Ngày nay, các em chàng đã có đủ lông cánh bay đi, đem theo cả sự ấm cúng đi. Chàng bâng khuâng nghĩ đến Đạt mà đã lâu lắm chàng không được tin tức, và cũng chẳng biết sống chết thế nào. Cái kỷ niệm của người em quả cảm lại làm cho lòng chàng sôi nổi lên một lúc. Chàng nghĩ đến những nguy hiểm mà Đạt đã trải qua và những cực khổ mà có lẽ Đạt đang phải chịu. Chàng thở dài quay mình ra ngoài cửa: trời đã sáng lúc nào mà chàng không hay!
Chàng mệt mỏi, đứng dậy. Trong người như có một cái gì ở xác thịt và cả ở tinh thần nữa nó lỏng lẻo và tan gẫy. Chàng vươn vai:
- Ồ, thế ra cả đêm hôm qua mình không ngủ!

 

Vượng hy vọng sự đi thăm Thịnh sẽ đem lại bình tĩnh cho tâm hồn mình, nhưng nó chỉ đem đến cho chàng một lo sợ.
Đành rằng Thịnh tiếp đón chàng cách sốt sắng hơn, nhưng Vượng cũng cảm thấy rằng ở đây, cũng như ở Hải Dương, cái không khí này không thích hợp cho chàng; và chàng thì chẳng tô điểm gì thêm cho cuộc đời của em cả.
Nhà Thịnh khác hẳn nhà Tâm, sang trọng lắm. Cứ nhìn những cách thức, Vượng cũng đoán ngay rằng Thịnh sống một cuộc đời rất đắt tiền. Chàng lo sợ nghĩ đến số lương trăm bạc của em.
- Như thế này thì làm sao mà đủ được, hở chú?
Thịnh nói một cách tự đắc:
- Thì cũng phải xoay cho nó đủ. Tôi không thể sống kém thế này.
- Thôi, thế thì chú không cần phải gửi số tiền về trả nợ nữa, để anh góp cho chú.
Thịnh không nghe:
- Ai lại thế. Xưa kia, em chưa kiếm tiền thì chẳng kể.
Sau những câu chuyện hàn huyên và sau khi đã đưa anh đi xem khắp tỉnh Ninh Bình, Thịnh bảo:
- Ông nghị Quý nghe tin anh lên có khẩn khoản mời anh đến ăn cơm, em đã nhận lời. Ông ta là người giàu có lớn ở đất này, và có quen nhiều người thế lực ở Hà Nội, mình có thể nhờ cậy được nhiều, cho nên cần phải giao thiệp với họ. Thôi, ta về nhà thay quần áo rồi lại thì vừa, bây giờ gần mười một giờ rồi.
- Quần áo thế này, được rồi, cần gì.
- Không được, hôm nay ở đấy sẽ có nhiều người, mình phải ăn mặc cho trang trọng.
Thịnh thay áo gấm, phủ áo đoan, rồi đeo bài ngà. Mặc quần áo xong Thịnh ngắm nghía mãi bóng mình trong gương rồi hỏi anh:
- Anh trông tôi có bệ vệ không?
Vượng cười:
- Chú thật giống chú Lý.
Đi đường, Thịnh đã dặn Vượng:
- Đến đấy, anh không cần phải nhũn nhặn và khiêm tốn quá, chẳng gì em cũng là một ông quan ở đất này.
Vượng không bằng lòng, nhưng không nói.
Nhà ông nghị Quý thật là giàu, giàu một thứ giàu có chọc ngay vào con mắt người ta. Toàn những đồ cổ và những đồ Tàu. Tuy thế, nhưng Vượng cũng nhận thấy trong cái viện bảo tàng ấy, có một cái gì nó không làm vinh dự cho chủ nhân.
Đến khi nói ông Nghị ba câu chuyện, cái cảm tưởng của chàng lúc nãy bỗng biến ra sự thực: người này chỉ là một người giàu lỏi.
Tuy ông nghị Quý chưa hẳn là một người ăn tục nói khoác, nhưng trong ngôn ngữ cử chỉ của ông, chẳng có một tí gì là sang trọng cả.
Nhà sang, tiệc sang, quần áo sang, duy chủ nhân chẳng sang một tí nào. Bà Nghị là một người hợm hĩnh, ngu dốt, không có một câu nói nào là bà không khoe đến cái giàu của bà. Chuyện của bà và chuyện của ông thật là xứng nhau. Ông khoe hết bạn trai toàn quan nọ, quan kia, mà bà thì khoe bạn gái, toàn bà nọ, bà kia. Luôn luôn, cả hai ông bà nhắc đến... chuyện người ta bầu bà làm hội trưởng một hội thiện.
Lúc tiệc tan, quan khách đã ra về, Vượng và Thịnh còn ngồi lại thì thấy một người con gái trang sức rất lòe loẹt, vàng ngọc đeo đầy mình ở nhà trong đi ra.
Bà nghị toe toét nói với Vượng:
- Cô Tư nhà tôi đấy, đã học ba năm ở Hà Nội, nếu học nữa thì cũng đã đỗ rồi, nhưng tôi nghĩ đỗ cũng chẳng làm cái quái gì, nên tội lại gọi về.
Vượng nhận thấy cô Tư có những cái nhìn và những cái cười ý nhị đối với Thịnh.
Sau một hồi khoe con gái, bà Nghị vừa cười, vừa bảo Vượng:
- Cháu nó chưa có ai thèm vời đến, ông xem ở Hà Nội có ai ông đánh mối cho cháu.
Vượng chưa kịp trả lời thì bà Nghị sợ câu ấy làm giảm giá con mình, lại vội nói ngay:
- Ấy nói thế chứ chán vạn người cầu cạnh ra rồi đấy, nhưng chẳng ai ra gì, được cái nọ thì hỏng cái kia, nên tôi với ông nhà tôi còn chờ để kén cho được đủ mọi phương diện... “hoàn toàn”. Với lại cháu nó cũng khó tính lắm, ai cũng chê.
Vượng nói đưa đẩy:
- Vâng, vợ chồng là việc hệ trọng. Các cô ấy bây giờ không như những bà mẹ cổ, cứ cha mẹ đặt đâu là ngồi đấy.
- Thì các cô ấy kén, nhưng các cô ấy cũng kén vừa vừa thôi chứ.
Cô Tư ném cho Thịnh một cái nhìn đầy tình tứ, rồi cãi:
- Có ai ra hồn người đâu mà bảo con kén. Mẹ nói thế, ông ký không biết lại bảo con quá khó tính.
Bà Nghị cong môi bắt chước con gái:
- Thôi cô, thế mà cô bảo cô chưa kén. Nếu cô mà kén nữa thì không biết còn đến thế nào.
Vượng thấy khó chịu, toan đứng dậy, nhưng liếc thấy em hình như còn thích nói chuyện, chàng lại phải cố ngồi.

 

Ở nhà ông Nghị Quý ra, Thịnh hỏi ngay anh:
- Thế nào, anh xét nhà ấy thế nào?
Vượng chưa kịp trả lời thì Thịnh đã nói luôn:
- Ông bà ấy muốn gả cô Tư cho tôi, nhưng tôi còn chờ hỏi ý kiến anh. Lấy người này thì có nhiều cái lợi. Ông bà ấy nói khi cưới, sẽ cho một cái đồn điền và hai tòa nhà. Với lại cô Tư cũng ngoan.
Vượng lặng thinh không nói.
- Ở đây cũng đã có nhiều người đến, nhưng ông bà ấy không bằng lòng. Nếu anh bằng lòng thì hôm nào anh với em về quê cho chú hay bác lên hỏi cho em.
Vượng biết em đã bằng lòng lấy nàng, còn mình chẳng qua chỉ là đứng ngoài vòng song cửa thôi.
- Tuy là quyền huynh thế phụ, nhưng việc định đoạt là ở chú, chú có bằng lòng hôn nhân thì mới được chứ.
- Em thì em cho là được, còn anh lại không thích lắm. Theo em nghĩ cuộc sống của em cần phải ăn tiêu nhiều... Cái gì bằng lấy được vợ giàu, mọi thứ đều sẵn cả.
Vượng không ưa cả ông Nghị, cả bà Nghị, cả cô Tư, nhưng chàng không phản đối thẳng ngay em:
- Đành là như thế, nhưng đức hạnh của người vợ cũng cần lắm.
- Không, cô Tư này em biết, tính nết tốt lắm, có thể là một người vợ hoàn toàn.
- Mà cha mẹ cũng là một sự cần. Nhà ta đã không phải là một nhà quan tư to tát, mà toàn những người lương thiện, thuần phát.
- Em thấy ông Nghị, bà Nghị đây thì tử tế và phúc hậu, làng xóm ai cũng khen.
Nghe nói, không biết làm sao, Vượng đành phải viện lẽ:
- Việc hôn nhân hệ trọng, nhưng thầy mẹ mất, nhà ta còn có bác và chú. Để hôm nào anh em ta trở về thưa lại với bác và chú. Hễ bác và chú bằng lòng thì anh cũng bằng lòng.
Rồi tủm tỉm cười, sợ phật ý em:
- Anh cũng như chú, mọi việc đều phải bẩm mệnh với bác cả và chú Lý. Mình là con cháu, thế mới phải đạo.
- Nhưng bác và chú nể anh, anh nói một tiếng thì bác và chú bằng lòng ngay.
- Ừ để hôm nào, anh nói.

 

Vượng nể em cũng đã nói, nhưng ông Lý Quyết không nghe. Là người phổi bò, ông không thớ lợ. Sau khi ở nhà ông Nghị Quý ra, ông nói ngay:
- Ai mà có thể dâu gia với cái giống người thô lỗ ấy. Dù nó giàu có trăm vạn cũng thèm vào.
Lúc thấy em không bằng lòng, Vượng bảo chú:
- Không, bây giờ theo cuộc đời mới, người tỉnh thì phần nhiều ngôn ngữ cử chỉ như thế cả đấy chú ạ. Con xem ra thì ông bà ấy cũng không...
Vượng chưa nói dứt câu thì ông Lý Quyết đã quắc mắt:
- Anh nói thế nào? Anh cho tôi là người ở trong lỗ nẻ bò ra hay sao? Không, không thể lấy những con cái nhà như thế được. Thiếu gì người.
Thịnh sợ chú không dám phản đối, nhưng khổ sở lắm. Vượng biết em chỉ muốn chóng giàu nên sau khi về đến nhà liền máy em lên gác rồi bảo:
- Anh biết chú Lý nói thế, em không bằng lòng, nhưng em nên nhớ rằng những lời ấy là những lời khôn ngoan. Giá còn mồ ma thầy thì thầy cũng đến nói và nghĩ như thế.
- Nhưng xưa khác và nay khác.
- Thời nào cũng phải lấy điều lễ nghĩa và đạo đức làm trọng. Sự yên vui của gia đình do đó mà ra. Đồng tiền cần thật, nhưng em nên nhớ cũng có nhiều thứ cần hơn đồng tiền. Vàng bạc trọng thật, nhưng nếu muốn có cuộc đời đẹp đẽ và ý nghĩa, phải biết trọng nhiều thứ khác hơn vàng bạc.
Thịnh cố cãi:
- Thì ông bà ấy có gì là không lễ nghĩa và đạo đức.
Vượng ngồi xích lại gần em, đặt một tay lên vai em:
- Chú nên nhớ rằng anh chỉ muốn những sự tốt lành cho chú. Hạnh phúc của chú là một điều anh mong ước hơn ai hết. Anh nói thật với chú, chính anh, anh cũng không thích cho chú lấy đám ấy, vì anh cũng xét như chú Lý, ông bà Nghị có nhiều chỗ... kém. Nhưng nếu có phải chú... đã... yêu cô Tư, và chú tin chắc rằng hạnh phúc của chú ở đấy thì để anh sẽ nói cho chú Lý xiêu lòng.
- Vâng, hạnh phúc của đời em ở đấy. Nếu em không lấy đám này thì em không lấy đám nào cả. Và em xét cô Tư có nhiều điều đáng yêu. Mỗi người chúng ta có những cảm giác và những điều nghĩ khác nhau.
Vượng ngẫm nghĩ một lát:
- Em đã suy nghĩ kỹ càng rồi chứ?
- Vâng, em đã suy nghĩ kỹ càng lắm rồi.
- Nếu thế thì được. Cái bổn phận làm anh buộc anh phải nói với em những điều nghĩ thành thật của mình. Em hẳn đã biết bụng anh. Anh không cầu mong gì hơn là em được sung sướng. Nhưng anh chỉ lo cuộc hôn nhân ấy không đem lại hạnh phúc cho em thôi. Hạnh phúc phải cần đến nhiều điều kiện khác nữa chứ tiền tài cũng không đủ.
- Em thì em nghĩ khác. Em tin rằng em tìm thấy hạnh phúc ở trong cuộc hôn nhân ấy. Vả lại, nhà mình nghèo, lấy đám khác thì cứ chạy một cái tiền cưới cũng đã vất vả, đằng này thì ông bà ấy cho ngay hai nghìn để cưới.
Vượng biết rằng ý em đã quyết, dẫu nói lắm cũng không ích gì, mà chỉ gây ra những sự bất hòa. Chàng nhìn em một cách ngao ngán rồi bảo:
- Nếu chú đã nhất định thì chú cứ nên coi như là anh chưa nói gì. Để rồi anh sẽ nói với chú Lý cho.

 

Vượng sung sướng thấy em giàu và sang, nhưng chàng không sung sướng khi nhận thấy em đã bị thế lực của đồng tiền đàn áp.
Thịnh nóng muốn cho họ hàng làng nước biết cái giàu sang của mình, nên sau khi cưới vợ được một tháng. Thịnh xin nghỉ một tuần lễ để về thăm quê và luôn thể đưa mọi người đi xem đồn điền của mình.
Vượng lúc ấy đã cự nhau với chủ xin thôi. Chàng vui lòng nhận lời mời của em. “Chúng em sẽ đem ô-tô lên Hà Nội đón anh”, bức thư của Thịnh nói thế.
Vượng đã sẵn sàng tha thứ hết cho em, chỉ cầu mong hạnh phúc của em, nên cũng sẵn sàng mọi sự nhượng bộ đối với em dâu. Nhưng cô Tư hợm hĩnh và kiêu điệu quá khiến Vượng không khỏi không đau đớn.
Chiếc xe hòm lộng lẫy đỗ trước cửa nhà Vượng một buổi chiều làm cho những người trong cái phố vắng ấy đều phải chú mục nhìn.
Vượng biết hai em về, nên đã bảo thằng nhỏ làm cơm sẵn để chờ. Vợ Thịnh bước vào thấy nhà cửa sơ sài thì coi bộ không được đậm lắm.
Sau khi uống nước xong, nàng giục chồng:
- Ta mời bác đi chơi chứ.
Thịnh biết ý anh muốn lưu lại ăn cơm nên còn dùng dằng thì Vượng đã nói:
- Ấy, chú thím hãy ở đây xơi cơm đã, rồi muốn đi chơi đâu hãy đi.
Vợ Thịnh vừa xoa lại mặt phấn, vừa nói:
- Về Hà Nội mà ăn cơm ở nhà thì chán chết, thôi mời anh đi chơi với chúng em. Em nghe bà chánh án nói có một hiệu cao lâu mới mở ở Hàng Bông, sang lắm và hầu hạ khéo lắm. Chúng ta lên đấy. Rồi xong đi ciné. Em ở Ninh Bình đã lâu lắm chưa được đi xem.
Thịnh nhìn anh cầu khẩn:
- Thôi anh chiều chúng em một tí.
Vượng phải miễn cưỡng đi mặc quần áo. Và muốn làm cho vui lòng em, chàng chọn một bộ quần áo mới thắt một cái “ca vát” đẹp.
Lên xe, Thịnh nhìn đồng hồ, rồi bảo tài xế:
- Còn sớm lắm, chúng ta hãy đi một “tua” Hà Nội đã.
Rồi Thịnh kể với anh lai lịch chiếc ô-tô:
- Đáng lẽ thì chúng em chỉ dùng một chiếc Renault cũ thôi, nhưng vì nhà em thấy bà Phủ mua một cái xe mới, nên nhà em không chịu kém người, bắt nhà phải mua cho cái xe Ford mới này.
Vợ Thịnh nói một cách tự đắc:
- Chứ lại kém người ta thế nào được. Bác tính ở tỉnh nhỏ mà kém ai một cái gì là họ bình phẩm khó chịu lắm cơ. Huống hồ thầy mẹ em lại là người có danh tiếng ở trong hàng tỉnh.
Rồi nàng chìa bàn tay cho Vượng nhìn:
- Các bà ấy thấy em có chiếc nhẫn kim cương này là khổ sở lắm. Những thứ này, mẹ em mua từ trước, bây giờ đắt lắm, các bà ấy không lấy đâu tiền mà mua được. Hôm nọ, bà chánh án mua một chiếc hai nghìn rưỡi nhưng bé hơn thế này, và nước kém nhiều.
Vượng cũng nói cho xuôi:
- Của đắt tiền có khác, trông đẹp thật.
Trong khi ở hiệu cao lâu, từ sự sai bảo bồi cho đến lúc đứng trả tiền, vợ Thịnh có những kiểu cách làm cho Vượng khó chịu. Nhưng chàng liền nghĩ lại: “miễn là em mình thích là được rồi, em mình không lấy làm chướng cơ mà”. Sau khi đi xem ciné, Vượng cứ đinh ninh rằng vợ chồng em sẽ về nhà ngủ, nên sau khi về tới nhà, thấy Thịnh bắt tay mình, chàng không khỏi kinh ngạc:
- Thế chú thím không ngủ à, còn muốn đi đâu nữa?
Thịnh muốn tìm cách để nói dối anh, nhưng vợ Thịnh đã nói trước:
- Chúng em không muốn làm phiền bác. Để chúng em đi Hôtel ngủ thì tiện hơn.
Vượng nghẹn ngào:
- Vâng, thế cũng được.
Thịnh lại gần anh:
- Sáng mai, em cho đánh xe lại sớm để đón anh về đồn điền chơi nhé.
Vượng lưỡng lự:
- Tôi tưởng giá chúng ta về quê trước thì hơn. Từ khi cưới, chú thím chưa về quê lễ tổ. Sợ chú và bác giận chăng?
Thịnh quay lại hỏi ý kiến vợ. Vợ Thịnh vừa ngáp vừa trả lời:
- Ừ, thế cũng được.
Vượng vì muốn có cơ hội để sống lại với em một mẩu đời vui sướng của thuở xưa, nên khi sắp quay vào, còn cố mời:
- Nhà cũng có giường nệm tử tế, chú thím đi đâu cho nó tốn tiền vô ích.
Thịnh hiểu ý anh, bảo vợ:
- Hay ta ngủ chơi với bác.
Vợ Thịnh gạt phắt:
- Cần gì tiền. Ở đây, mình làm phiền bác.
Vượng biết em dâu cho nhà mình “tang thương”, nên không mời nữa. Nhưng thấy vẻ mặt Thịnh hơi buồn, chàng lại vội vàng tươi cười:
- Thế sáng mai, cô chú đến sớm nhé...
Vợ Thịnh lúc ấy đang trèo lên ô-tô quay lại:
- Em không quen dậy sớm, thôi để chín giờ. Chín giờ đối với em cũng là sớm lắm rồi.

* *

Chú thích:
[1] Những lời khen ngợi của chúng tôi.