Các sử gia xem thành ông của ông Diệm là hệ quả chính trị tất yếu của mâu thuẫn quyền lợi Pháp -Mỹ. Người dân Việt bình thường thì cho rằng ông Diệm bước vào vận số tốt như hết cơn bĩ cực đến thời thái lai. Riêng ông Diệm và một thiểu số cộng sự viên Thiên chúa giáo lúc bấy giờ (nhất là sau vụ mưu sát tại Buôn Mê Thuộc năm 1956) thì lại tin rằng Trời (dù được gọi là Chúa hay Thượng đế như ông vẫn thường dùng câu "xin Thượng đế ban phước lành cho chúng ta" ở cuối mỗi bài diễn văn) đã ban phép lành cho ông và đã trao lại cho ông và gia đình ông cái sứ mạng to lớn và thiêng liêng lãnh đạo miền Nam Việt nam. Niềm tin vừa có tính cách huyền bí tôn giáo vừa chứa đầy quan niệm Thiên Mệnh quân chủ đó đã chỉ đạo mọi suy tư và quyết định chính trị của ông suốt thời kỳ ông làm Tổng thống. Và cũng chính niềm tin thần bí chắc nịch đó đã xây dựng nên những đặc điểm tâm lý nơi ông và gia đình ông đã khiến cho chế độ sau đó bị nhân dân gán cho hai chữ “Ngô Triều” xấu xa.Niềm tin đó, ngay từ những ngày đầu tiên ông nắm chính quyền đã được hun đúc bằng một sự thiêng liêng có liên hệ đến gia đình ông. Đó là việc gia tộc Ngô Đình tìm được xác của cha con ông Ngô Đình Khôi mà sau hơn mười năm tốn nhiều công sức tìm kiếm vẫn không đạt được kết quả.Nguyên năm 1944, sau khi ông Diệm bị Pháp bắt hụt trốn vào Sài gòn thì người anh ruột của ông đang làm Tổng đốc Quảng Nam là ông Ngô Đình Khôi bị người Pháp và Thượng thư Phạm Quỳnh bắt phải về hưu. Khi Việt minh cướp chính quyền, họ kết tội cả Ngô Đình Khôi lẫn Phạm Quỳnh vào hàng đại Việt nam phản quốc và bắt đem đi mất tích. Cùng bị bắt với ông Khôi còn có người con trai độc nhất của ông là Ngô Đình Huân từng giữ chức Thanh tra lao động của chế độ bảo hộ Pháp. Ngô Đình Huân bị bắt vì tội vừa làm tay sai cho Pháp lại vừa là cộng tác viên đắc lực cho hiến binh Nhật Bản thời quân đội Thiên Hoàng chiếm đóng Việt nam. Có người đã từng thấy Việt minh áp giải cha con ông Khôi và ông Quỳnh rồi giết đi nhưng không biết chôn ở nơi nào. Năm 1955, nhờ có chính quyền trong tay, ông Ngô Đình Cẩn bèn thiết lập một hệ thống cán bộ rộng lớn đặc trách đi tìm kiếm xác người thân và cuối cùng thì tìm được tại địa phận huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên trong một cái hố chôn chung với nhiều người, trong đó có cả xác ông Phạm Quỳnh. Thật là trớ trêu: ông Quỳnh và ông Khôi khi còn sống là hai kẻ thù không đội trời chung mà khi chết thì thân xác lại cùng vùi chung một hố. Xác ông Quỳnh được nhà chức trách quận Phong Điền trao lại cho thân nhân và được chôn cất một cách khiêm tốn như đám tang hàng dân dã. Trong lúc đó xác ông Ngô Đình Khôi, nhờ có em đang làm thủ tướng nên tang lễ được cử hành vô cùng trọng thể đầy đủ nghi thức quốc tang: có toàn bộ nhân viên cao cấp chính phủ tham dự, có quân nhân dàn chào từ huyện Phong Điền đến nghĩa trang họ Ngô tại Phú Cam (Huế), có quốc kỳ phủ quan tài, có quân đội bồng súng theo hộ tống đi hai bên linh cữu, và có quân nhạc trỗi bài quốc gia và Hồn tử sỹ. Ông Võ Như Nguyện, một cộng sự viên của ông Ngô Đình Diệm và cũng là một đồng chí của kẻ viết, được giữ chức trưởng nam của ông Ngô Đình Khôi, cũng đội mũ rơm, mặc áo sổ gấu, cầm gậy tre đi theo linh cửu. (ông Võ Như Nguyên hiện ở Pháp).Đối với dân tộc và lịch sử thì ông Ngô Đình Khôi chỉ là một cựu quan lại tay sai của chế độ bảo hộ và triều đình mục nát, nhưng anh em nhà họ Ngô lại bắt nhân dân coi anh em ruột mình như là một nhà ái quốc đã hy sinh cho đất nước nên đã cử hành tang lễ cho ông Khôi như lễ quốc táng của một vị anh hùng. Cá nhân Tổng thống và gia tộc Tổng thống bỗng trở thành một trong quan niệm phong kiến "một người làm quan, cả họ được nhờ”, và gia tộc Tổng thống và quốc gia dân tộc bỗng trở thành một trong quan niệm phản dân chủ "lãnh đạo là do Thiên Mệnh trao quyền".Ông Ngô Đình Khôi tuy chỉ là thứ tham quan ô lại thời thực dân phong kiến bị Việt minh lên án phản quốc và đã được ông Diệm làm lễ quốc táng, thế mà anh em ông Diệm vẫn chưa hài lòng còn muốn tôn vinh anh mình lên hàng danh nhân vĩ đại của lịch sử. Họ lấy tên của ông Khôi đặt cho con đường lớn nối liền thủ đô Sài gòn với phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngoài ra anh em họ còn muốn đổi tên trường trung học Khải Định Huế thành trường Ngô Đình Khả. Thật ra việc xoá bỏ tên Khải Định là một việc làm hữu lý vì Khải Định là một vị vua Việt gian, nhưng xoá bỏ tên của Khải Định mà lại thay vào tên của Ngô Đình Khả, một vị quan lại của Pháp, thì quả là một việc làm khinh thị nhân dân. Trong mục đích tôn vinh cha mình, anh em họ Ngô đã định lừa dối quốc dân bằng cách phao tin rằng chính cha mình là người sáng lập ra ngôi trường trung học đó, nhưng có lẽ vì có nhiều bậc trưởng thượng và trí thức cố đô Huế biết rõ sự thật là không đúng như đã tuyên truyền nên nhà Ngô đành phải bỏ ý định đó và rồi đổi tên trường từ Khải Định ra Quốc học (Xin lưu ý rằng trong cuộc đàm luận với ký giả Robert Shaplen, ông Diệm đã nói rất nhiều đến sự nghiệp và thân thế của cụ Ngô Đình Khả thế mà ông không hề đề cập đến chuyện cụ Khả là người xây dựng trường Quốc học Huế được Pháp đặt tên là trường Khải Định. Trái lại ông chỉ cho Robetr Shaplen biết thân phụ của ông sau khi đi học ở Pénang về có mở một ngôi trường tư nhỏ để dạy mấy đứa trẻ con nhà giàu).Sau sự vinh danh cho người anh trưởng đã khuất, dĩ nhiên ông Diệm bắt đầu lên ngôi cho những người còn sống trong gia đình.Ông Ngô Đình Thục, người anh trai thứ nhì, từ khi ông Khôi chết, được gia đình tôn kính theo quan niệm "quyền huynh thế phụ". Ông Ngô Đình Thục là vị giám mục thâm niên nhất của hàng giáo phẩm đang giữ chức Tổng giám mục của Giáo hội Thiên chúa giáo Việt nam. Mặc dù không giữ một chức vụ chính thức nào trong chính quyền, nhưng với địa vị anh trưởng trong gia đình, với địa vị Tổng giám mục của Giáo hội, lại được các em, nhất là Tổng thống Diệm cung kính và vâng lời nên ông Thục trở thành một thứ tối cao Cố vấn của chế độ. Toà giám mục Vĩnh Long, và sau này toà giám mục Huế, nơi ông Thục cai quản bỗng trở thành một thứ triều đình siêu vương quốc với đầy đủ mọi quyền lực làm cho chính ông Nhu cũng phải than phiền với một linh mục thân tín khi thấy các viên chức cao cấp của ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp chăm chỉ đến cung kính hầu cạnh Đức Cha.Giám mục Ngô Đình Thục, trong cương vị đó và với cung cách của những viên chức trong và ngoài chánh quyền như thế, lẽ tất nhiên đã nhiều lần trộn lẫn giáo quyền và thế quyền làm một để dính dự vào những quyết định quan trọng của sinh hoạt quốc gia không khác gì Giáo Hoàng Boniface VIII vào ngày 18-11-1302 đã sống sượng tuyên bố: "... Cả hai quyền lực này đều nắm trong tay vị Giáo Chủ La mã". Ngay tại tỉnh Vĩnh Long, ông đặt tên mình cho đại lộ lớn nhất của thị xã này đến nỗi người bạn thân của gia đình là Cụ Huỳnh Minh Y cũng phải chê trách.Ông Ngô Đình Nhu là một Dân biểu Quốc hội không bao giờ biết đến dân chúng nơi địa phương mình ra ứng cử, không bao giờ bước chân đến toà nhà Lập Pháp để tham dự sinh hoạt nghị trường và làm trách nhiệm dân cử mà chỉ ngồi tại dinh Tổng thống để ra chỉ thị cho Quốc hội làm luật theo ý của anh em ông ta. Thực quyền như thế nhưng ông Ngô Đình Nhu vẫn cần có chức Dân biểu có lẽ là chỉ để điều khiển và kiểm soát Quốc hội cho chính danh, nhưng thật ra chính cái chức vụ "Cố vấn chính trị" của ông bên cạnh Tổng thống Ngô Đình Diệm mới thật sự là bộ não của chế độ, nơi khai sanh và điều khiển tất cả mọi sách lược của quốc gia. Với cái bề ngoài khôn khéo, tế nhị và kín đáo, ông tỏ ra phục tùng người anh Tổng thống, nhưng quyền hành thực sự lại nằm trong tay Cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Điều đặc biệt của chế độ cộng hoà Ngô Đình Diệm là chức Cố vấn chính trị của ông Ngô Đình Nhu lại không phải là một chức vụ chính thức của chính quyền như chức Cố vấn được công khai hoá và qui chế hoá như của các vị lãnh đạo các nước dân chủ trên khắp thế giới. Ông Nhu và gia đình ông ta ở trong dinh Tổng thống, ông có văn phòng riêng, ông giúp việc cho Tổng thống rồi bỗng nhiên người trong dinh gọi ông là "Cố vấn". Lời xưng hô lan rộng ra ngoài để rồi nhân dân, báo chí, người ngoại quốc đêu gọi ông là Cố vấn, một Cố vấn không chánh danh mà lại nắm trọn quyền hành quốc gia trong tay.Bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh là Trần Thị Lệ Xuân, cũng là một Dân biểu Quốc hội, bà còn được người ta xưng tụng là "Đệ nhất phu nhân”. Không biết danh từ “Đệ nhất phu nhân” xuất hiện từ đâu và từ khi nào, mà rồi báo chí Việt nam, đài phát thanh, phim thời sự của các rạp chớp bóng đều gọi bà Nhu là "Đệ nhất phu nhân”. Do đó cả nước phải gọi bà là Đệ nhất phu nhân, dù danh từ đó trong truyền thống sử dụng ngôn ngữ Việt nam không được chính xác vì ông Tổng thống là người độc thân. Tuy đã hài lòng về tước hiệu này vì bà chưa bao giờ tỏ ra ý bất mãn hay ra lệnh cấm đoán, nhưng bà Nhu vẫn chưa lấy thế làm thoả mãn. Danh xưng "Đệ nhất phu nhân” còn bị trói buộc trong chế độ và trong tương lai xa xăm, còn có thể có nhiều Đệ nhất phu nhân khác, cho nên bà Nhu còn muốn đi xa hơn và cao hơn để được gọi là "Bà Ngô", như lịch sử đã từng vinh danh các Bà Trưng, Bà Triệu.Theo ông Nguyễn Thái, cựu Tổng giám đốc Việt Tấn Xã, đã có lần bà Nhu ra lệnh cho ông phải ghi danh xưng "Bà Ngô" trên các bản thông tin của cơ quan Việt Tấn Xã nhưng ông Thái từ chối vì làm như thế trên mặt lý luận sẽ có sự hiểu lầm vô cùng tai hại. Vào tháng sáu năm 1961, khi ông bà Ngô Đình Nhu đi viếng thăm Maroc, thông báo chính thức của Bộ ngoại giao gọi bà Nhu là "Bà Ngô". Cũng theo ông Nguyễn Thái thì bà Nhu là bộ mặt then chốt của chính quyền (a key figure in the Diem regime). Không cần phải dài dòng, cứ nhìn bà ta đưa ra Luật gia đình bị dư luận và ngay cả nhiều Dân biểu phản đối quyết liệt mà Tổng thống Diệm cũng như ông Ngô Đình Nhu đều tận tình bênh vực cũng đủ nói lên uy quyền to lớn của Bà. Lại hãy nhìn hai lần đi dự hội nghị Liên hiệp nghị sỹ quốc tế Rome và Rio de Janeiro, mặc dù không phải là trưởng phái đoàn, bà ta vẫn giành lấy quyền ăn nói. Ông Phạm Văn Nhu vừa là Chủ tịch Quốc hội vừa là trưởng phái đoàn đành chỉ biết ngồi nghe. Uy quyền to lớn của bà Nhu còn được biểu lộ rõ rệt hơn vào dịp lễ Hai bà Trưng hàng năm. Đây cũng là ngày lễ phụ nữ Việt nam và được tổ chức vô cùng long trọng tại công trường Mê Linh bến Bạch Đằng, do bà Ngô Đình Nhu chủ toạ. Chủ toạ lễ này; bà Nhu có đủ mọi nghi thức trọng thể nhất dành cho một vị nguyên thủ quốc gia trong buổi lễ quốc khánh do Tổng thống Diệm chủ toạ, trừ 21 phát đại bác, cũng vì thế mà dân chúng mới mỉa mai rằng Việt nam có hai ngày Quốc Khánh.Ông Ngô Đình Cẩn, tự xưng là Cố vấn lãnh đạo các đoàn thể chính trị miền Trung và miền Cao Nguyên. Trên thực tế ông là vị chúa tể ở cả hai miền đó vì ông nắm hết mọi quyền hành, nhất là quyền bổ nhiệm nhân sự, còn các đại biểu chính phủ và tỉnh trường chỉ là những viên chức thừa hành mệnh lệnh của ông ta mà thôi. Ngô Đình Cẩn được nhân dân Việt nam và sách sử, báo chí quốc tế tặng cho hỗn danh là "Lãnh chúa miền Trung", điều đó cũng đủ nói lên cái uy quyền sinh sát của ông ta rồi.Ông Ngô Đình Luyện người em trai chót, vào năm 1955, làm đại sứ lưu động tại Âu Châu. Thật ra lúc bấy giờ ông Luyện ở Việt nam nhiều hơn ở Âu châu vì ông Diệm cần ông ta ở bên cạnh để cùng lo đối phó với những khó khăn của thời cuộc, những chống đối quốc nội của tướng Nguyễn Văn Hình, Bình Xuyên... Sau khi truất phế Bảo Đại xong, phần vì bất đồng chính kiến giữa hai ông Nhu và Luyện, phần vì Tổng thống Diệm muốn có một người ruột thịt ở Âu Châu nên ông Luyện được cử giữ chức Đại sứ Việt nam tại Anh. Vì vậy, trước khi lấy một quyết định ngoại giao quan trọng đối với bất kỳ một quốc gia nào ở Âu Châu và Bắc Phi, ông Diệm cũng thường tham khảo ý kiến trước với ông Luyện. Từ đó ông Luyện trở thành một thứ siêu Đại sứ mà các vị đại sứ Việt nam tại Âu Châu và Bắc Phi phải nể sợ và vâng lời.Về trường hợp của ông Ngô Đình Luyện, Hillaire du Berrier đã đưa ra ánh sáng một bí ẩn lịch sử vào năm 1955 như sau đây:Thật ra chức Đại sứ lưu động tại Âu Châu không cần thiết khi mà Việt nam đã có một ông Đại sứ đặt văn phòng tại số 47 bis đường Kleber ở Paris nơi mà Đại sứ lưu động Ngô Đình Luyện cũng đặt tại văn phòng. Nhưng ông Diệm phải đặt ra chức Đại sứ lưu động Âu Châu, đặt ra trong lúc tình hình Sài gòn vô cùng căng thăng, là cốt để kịp thời phái ông Luyện đến yết kiến Bảo Đại để xin Bảo Đại một lời tuyên bố tín nhiệm ông Diệm trước khi sợ bất tín nhiệm của cả Bảo Đại lẫn Đại sứ Collins tại Sài gòn đến được Bộ ngoại giao Hoa kỳ.Quả đúng với lời trình bày của Berrier vì sau khi Bảo Đại bị truất phế. Đại sứ Collins bị triệu hồi về Mỹ, chức Đại sứ lưu động tại Âu Châu cũng được bãi bỏ, ông Luyện được cử giữ chức Đại sứ Việt nam Cộng hoà tại Anh như tôi đã trình bày trong giai đoạn trên.Bà Ngô Thị Hiệp tức là bà Cả Lễ, em gái của Tổng thống Diệm chỉ là một nhà thầu khoán nhưng lại là một thứ trùm thầu khoán. Nhờ ảnh hưởng và uy quyền của em bà, tất cả những vụ đấu thầu lớn đều về tay bà ta. Những nhà thầu đối thủ muốn cạnh tranh các dịch vụ đấu thầu tại Miền Trung đều bị Ngô Đình Cẩn khủng bố giam cầm hoặc áp lực nên tự động ngưng đấu, do đó bà Cả Lễ coi như độc quyền trong mọi dịch vụ đấu thầu lớn. Bà Cả Lễ chỉ có một người con gái tên là Kim Anh được gả cho ông Trần Trung Dung, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, vì thế mặc dầu bà Cả Lễ không có một chức tước nào cả cũng vẫn được lên ngôi vừa là em Tổng thống, vừa là nhạc mẫu của Bộ trưởng quyền thế.Lúc lấy chồng, người con gái của bà Cả Lễ chỉ mới 22 tuổi trong lúc người rể quý đã 45 tuổi rồi. Vợ thua chồng đến 23 tuổi, và mặc dù có người tình thắm thiết là một đại uý không quân mà tôi chỉ nhớ tên là Cẩm, mối tình này các sĩ quan không quân thời bấy giờ không mấy ai không biết. Nhưng sau phong trào di cư năm 1954 Kim Anh lại say mê Bác sĩ Lê Quang Huy (em ruột ông Lê Quang Luật) nhưng mộng không thành vì gia đình muốn gả cho Trần Trung Dung. Do đó việc Trần Trung Dung làm Bộ trưởng là chỉ có mục đích tô điểm địa vị giàu sang cho em ruột và cháu gái của Ngô Đình. Khốn nỗi vì duyên nợ trái ngang cho nên mối tình gượng ép vì chút danh lợi phù phiếm kia đã đưa đến hậu quả đau thương cho cả hai họ Ngô-Trần. Tuy về làm vợ chính thức của Trần Trung Dung nhưng người cháu gái họ Ngô kia vẫn đeo đuổi đại uý Cẩm một thời gian rồi lại bỏ Cẩm để “chung tình với Trần Văn Đôn”, một ông tướng nổi tiếng đa tình.Ông Nguyễn Hữu Châu là chồng bà Trần Thị Lệ Chi, chị ruột của bà Ngô Đình Nhu, giữ chức Bộ trưởng Bộ phủ Tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ nội vụ. Ông Trần Văn Chương là nhạc phụ của ông Ngô Đình Nhu giữ chức đại sứ Việt nam cộng hoà tại Hoa kỳ mà vì lý do liên hệ chặt chẽ và sinh tử của hai quốc gia, chức vụ Đại sứ Việt nam tại Mỹ là một chức vụ quan trọng vào hàng siêu đại sứ. Còn bà Trần Văn Chương thì giữ chức "quan sát viên" của Việt nam Cộng hoà tại Liên hiệp quốc.Ngoài những nhân vật bà con nội ngoại của gia đình họ Ngô trên đây giữ những địa vị then chốt trong guồng máy lãnh đạo quốc gia đối nội cũng như đối ngoại, còn có những nhân vật tuy báo chí, sách sử không mấy ai đề cập đến tên tuổi, và tuy họ không mang một chức tước nào nhưng họ vẫn có quyền sinh sát làm run sợ nhiều người, kể cả những viên chức cao cấp trong chính quyền và quân đội. Tại Sài gòn và Nam phần thì có luật sư Trần Văn Khiêm, em ruột bà Nhu, một công tứ chơi bời đàng điếm chuyên dựa thế chị ruột để làm tiền những thương gia giàu có. Giới trí thức miền Nam gọi Trần Văn Khiêm là "luật sư khùng" vì tính tình bất thường là lối hành xử nửa khôn nửa dại cũng như tính khoe khoang phách lối quá độ của ông ta. Tổng thống Diệm rất ghét Trần Văn Khiêm nhưng vào mùa thu 1963, Khiêm được anh chị là vợ chồng Ngô Đình Nhu cử giữ chức Giám đốc Nha nghiên cứu chính trị thay thế bác sĩ Trần Kim Tuyến bị hạ tầng công tác, đổi đi làm Tổng lãnh sự tại Ai Cập để tê liệt khả năng chống đối của bác sĩ Tuyến có thể nguy hiểm cho chế độ.Tại Huế và miền Trung có mụ Luyến, một người bà con trong họ Ngô Đình, làm gia nhân hầu hạ Tổng thống Diệm từ thời mụ ta còn trẻ. Mặc dầu có chồng và ba, bốn người con, nhưng mụ Luyến ở với gia đình họ Ngô tại Phú Cam nhiều hơn là ở nhà với chồng. Từ ngày ông Diệm cầm quyền, người ta không còn dám gọi mụ Luyến là mụ nữa mà gọi là Bà. Dù không có một chức vụ nào ngoài nhiệm vụ quản gia nhưng nhờ sống kề lãnh chúa Ngô Đình Cẩn mà "Bà" ta có quyền sinh sát, một tiếng nói của "Bà" Luyến với ông Cẩn cũng đủ làm cho nhiều người lên voi xuống chó. Viên chức chính quyền cũng như quân đội ở miền Trung phải cung kính, sợ hãi, nịnh hót, bợ đỡ “Bà" Luyến cũng cùng mức độ như đối với ông Ngô Đình Cẩn. Dư luận công chúng Huế đã mỉa mai gọi mụ Luyến bằng cái hỗn danh "Đệ nhất phu nhân” của miền Trung.Nói tóm lại miền Nam là một nước Cộng hoà nhưng qua Hiến pháp (sẽ được phân tích ở mặt chương sau) và qua thực tế, người ta thấy ông Diệm không phải là một Tổng thống do dân bầu để cầm đầu ngành hành pháp mà là một vị vua của thời phong kiến và bà con anh em ông ta đều là "Hoàng thân Quốc thích" thứ Hoàng thân Quốc thích có quyền hành nắm hết rường mối quốc gia. Vì thế nhân dân Việt nam và báo chí quốc tế đã nặng lời chỉ trích chế độ Ngô Đình Diệm và gọi chế độ ấy là chế độ “gia đình trị", một thứ hình dung từ sâu sắc và ám ảnh tâm trí mọi người đến độ chỉ cần nói ba tiếng ấy là người ta biết ngay nói đến chế độ nào.Nhưng chế độ “gia đình trị" Ngô Đình Diệm không phải chỉ ngừng lại ở sự việc toàn thể bà con, anh em, dâu rể, ngoại nội (và cả mụ Luyến một người đầy tớ) nắm toàn quyền lãnh đạo đất nước, nắm trọn quyền sinh sát nhân dân, nắm trọn tài nguyên quốc gia mà chế độ đó đang tự biến dần để trở thành một triều đại vua chúa như các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn... Bởi vì ngoài chuyện quốc gia hoá lễ Bổn mạng Tổng thống Diệm mà Đoàn Thêm (trong "Hai mươi năm qua") đã tự hỏi ai đã dề nghị như vậy, chế độ đi dần đến việc tổ chức “Uỷ ban nhân dân lễ Khánh thọ lục tuần” của Tổng thống Diệm, lễ đầu tiên được tổ chức vào ngày 28-12-1960 (8 ngày sau khi Mặt trận giải phóng miền Nam ra đời). Hơn nữa, thứ nghi lễ vua chúa đó cũng không ngừng lại chỉ để dành riêng cho ông tổng thống mà người ta còn đi xa hơn bằng cách tổ chức lễ “Cửu tuần khánh thọ” cho bà Ngô Đình Khả, mẹ của Tổng thống (ngày 18-9-1961). Nhiều đại diện các đoàn thể, nhiều nhân vật cao cấp của chính quyền phải về Huế để dâng lời chúc mừng lên "Thái Từ" trong lúc Bộ nội vụ chính thức tổ chức lễ tạ ơn Vương Cung thánh đường tại Sài gòn.Còn nghi ngờ gì nữa: anh em ông Diệm đang sửa soạn một số nghi thức, một số danh từ, sửa soạn dư luận để hoán chuyển từ chế độ Cộng hoà trở thành chế độ quân chủ và chỉ đợi ngày ông Diệm tức vị đăng quang lên ngôi Hoàng đế. Mà nếu không thì ít nhất ông Diệm cũng đã trở thành một thứ "Tổng Đế” như Đoàn Thêm đã mỉa mai.Dù sao thì Ngô triều đang làm sống lại những lễ nghi của Nguyễn Triều chẳng hạn như "Lễ khánh thọ tứ tuần" của vua Khải Định, đang làm sống lại hai tiếng "Đức Từ” dành cho mẹ vua Bảo Đại mà thời gian chưa đủ dài để xoá nhoà tâm trí nhân gian. Điều đáng nói là mẹ vua Bảo Đại tuy được xưng tụng là "Đức Từ” nhưng Bà lại không được con bà (một vị Quốc trưởng) và chính phủ của con Bà dành cho bà những vinh dự quá lớn lao như "Thái Từ", mẹ của anh em nhà họ Ngô Đình.Tuy nhiên trong những năm đầu tiên của chế độ, khi mà thời cuộc vừa chuyển đổi qua một giai đoạn mới với mềm tin vào tương lai mà động lực là hy vọng để toàn dân cùng với chính quyền bắt tay vào việc xây dựng đất nước thì những cảm nhận của quần chúng về chính sách "gia đình trị" dễ dàng được tha thứ nhờ những thành quả ngoạn mục mà chế độ đã thực hiện được.Trước hết là việc chuyên chở và định cư cho hơn 860.000 người di cư trong đó có gần 700.000 người Công giáo. Việc chuyên chở người di cư từ Bắc vào Nam được kế hoạch và sử dụng phương tiện chuyên chở của Pháp và Mỹ, còn việc định cư thì hoàn toàn chỉ do tiền viện trợ của Mỹ đài thọ. Công cuộc định cư sở dĩ hoàn thành mau chóng và tốt đẹp là một phần nhờ vào sự hoạt động hăng hái của các linh mục và phần khác là nhờ ông Diệm dành những vùng đất màu mỡ rộng lớn cho dân di cư. Ví dụ như ông Diệm đã lấy đất Cái Sắn màu mỡ cấp phát cho 45.000 nông dân; lấy bờ biển Bình Tuy và đảo Phú Quốc, những nơi nổi tiếng nhiều ngư sản cho dân chài lưới; lấy Long Khánh, Định Quán, Gia Kiệm, Hố Nai cho dân khai thác lâm sản và làm đô mộc, lấy Ban Mê Thuộc và Cao Nguyên vùng đất đỏ phì nhiêu cho dân trồng trọt hoa màu để xuất cảng; lấy vùng ngã ba ông Tạ, Tân Bình, Gò Vấp chung quanh vùng Sài gòn cho dân thương mại và kỹ nghệ... Nhờ tiền bạc dồi dào của Mỹ, nhờ chính quyền dành cho mọi sự dễ dàng, nhờ Tổng thống Diệm chú tâm nâng đỡ, chẳng bao lâu người dân di cư miền Bắc đã hội nhập dễ dàng vào cuộc sống của dân miền Nam mà trước đó họ coi là vùng đất xa lạ. Và cũng chẳng bao lâu, đời sống dân di cư đã đi từ ổn định đến trù phú còn hơn cả dân địa phương. Công cuộc định cư mau chóng và tốt đẹp cho 700.000 người Công giáo di cư đã làm cho các quốc gia trên thế giới nhất là Hoa kỳ phải khâm phục. Một bác sĩ trẻ của hải quân Mỹ, ông Dooley, một nhân vật rất mộ đạo Thiên Chúa từng tham gia vào việc chuyên chở người Bắt di cư vào Nam, nhận thấy tinh thần chống Cộng cao độ của người Công giáo Việt nam đã tình nguyện ở lại miền Nam để thực hiện nhiều công cuộc nhân đạo, viết sách ca ngợi công trình di cư và định cư làm cho nhân dân Mỹ càng thêm kính pjục tổng thống Ngô Đình Diệm.Đây là một thành công lớn về mặt xã hội của chính quyền chỉ trừ một điều là trên mặt chính trị, và ở một khía cạnh nào đó, sự chọn lựa vào Nam của gần một triệu người miền Bắc đáng lẽ phải được coi như là một sự chọn lựa chính tri của quần chúng giữa tự do và Cộng sản thì, vì sự vụng về trong chính sách, đã trở thành một sự chọn lựa chỉ của một khối lượng Thiên Chúa giáo, nghĩa là giữa hữu thần và vô thần. Do đó đáng lẽ biến cố đó có thể tạo nên nhiều uy thế dũng mãnh cho chính nghĩa của miền Nam, thì nó lại bị giới hạn rất nhiều vào một bộ phận thiểu số của cộng đồng dân tộc. Đó là chưa nói đến những tác hại chính trị và nhân văn gây ra do sự vụng về này.Trong những năm 1955-1956, ngoài công cuộc định cư cho dân Công giáo miền Bắc, nhiều cải cách xã hội cũng như những biến cố chính trị tốt đẹp khác càng làm tăng thêm uy tín của ông Diệm:- Ngày 15 tháng 2 năm 1955, ông Diệm ra lệnh đóng cửa sòng bạc Kim Dung Đại thế giới của Bảy Viễn.- Ngày 23 tháng 10 năm 1955, ông Diệm tổ chức Trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại.- Ngày 1 tháng 12 năm 1955, ông Diệm ra lệnh đóng cửa xóm Bình Khang, nơi buôn bán mãi dâm công khai do Bảy Viễn để lại, đồng thời ra lệnh cấm hút và cấm buôn bán thuốc phiện để lành mạnh hoá và cường tráng hoá nhân dân miền Nam. Một chiến dịch đốt bàn đèn hấp dẫn vừa để làm gương cho dân chúng vừa để làm cho người ngoại quốc kính nể chế độ.- Ngày 4 tháng 4 năm 1956, chính phủ bắt ông ủng Bảo Toàn, Tổng giám đốc thương mại ở Bộ kinh tế vì tội bán gạo chợ đen.Ngày 28 tháng 4 năm 1956, quân đội viễn chinh Pháp xuống tàu về nước.- Ngày 13 tháng 7 năm 1956, xử tử tướng Ba Cụt, một vị lãnh tụ nghĩa quân Hoà Hảo, chấm dứt tình trạng bất ổn định tại miền Tây Nam phần.- Ngày 20 tháng 7 năm 1956, do sự khuyến khích và hỗ trợ của Hoa kỳ, Tổng thống Diệm bác bỏ việc Tổng tuyển cử hai miền theo quy định của Hiệp ước Genève.- Ngày 21 tháng 8 năm 1956, chính phủ bắt Vũ Đình Đa và đồng bọn về tội biển thủ mấy triệu bạc của Ngân hàng quốc gia.- Ngày 26 tháng 10 năm 1956, ông Diệm tuyên bố thành lập nền cộng hoà.Tất cả những thành công trong hai năm đầu của chế độ được xem như là kết quả của những nỗ lực của một chính quyền tuy còn yếu kém về mặt quản trị nhưng lại được một sự quyết tâm cộng tác của toàn dân.Tuy nhiên những nỗ lực này, tự nó và nếu chỉ riêng nó, cũng chưa đủ để hoàn thành việc củng cố miền Nam nếu không có sự yểm trợ tối đa và vô điều kiện của Hoa kỳ mà đặc biệt là của ba người Mỹ đã từng liên hệ chặt chẽ với ông Diệm từ trước. Đó là một vị Hồng y, một giáo sư có đầu óc xã hội gốc người áo và một nhân vật cao cấp CIA, ba nhân vật (từ đầu) đã hoán cải được quan niệm của Tổng thống Eisenhower vốn đã muốn bỏ rơi Việt nam. Vị Hồng y là ông Spellman vị giáo sư là ông Buttinger và nhân viên CIA, ai cũng biết, là ông Lansdale.Trong ba nhân vật đó thì đại tá Lansdale đóng vai trò Cố vấn bên cạnh Tổng thống Diệm. Ông ta nổi tiếng đến độ không một nhà viết sử nào khi nói đến sự nghiệp của ông Diệm mà không nhắc đến thân thế và hoạt động của ông ta. Lansdale đến Đông dương từ năm 1954 làm Cố vấn phản du kích cho quân đội viễn chinh Pháp. Vào tháng 6 năm 1954, trước tình hình khẩn trương của Việt nam, Lansdale được ngoại trưởng Foster Dulles phái đến Bắc Việt để điều nghiên tình hình và từ công tác đó đã đẩy đưa Lansdale trở thành bạn thân và Cố vấn của ông Diệm, giúp ông Diệm trở thành Tổng thống VNCH. Do đó nhiều sách sử, báo chí Mỹ gọi Lansdale là "Kẻ tạo nên những ông vua" (The Kingsmaker).Lịch sử dân tộc Việt có hai thời kỳ mà nhà lãnh đạo Việt nam có người Âu Mỹ trực tiếp làm Cố vấn, làm quân sư đặc biệt, đó là thời kỳ chúa Nguyễn ánh Đàng Trong và thời kỳ miền Nam với Tổng thống Ngô Đình Diệm.Thật vậy, giám mục Piglleau de Behaine người Pháp trong suốt mười năm ở với Nguyễn ánh thực sự đã là một Thượng thư Bộ binh và Bộ ngoại giao, đêm ngày quên cả đọc kinh, lo dịch binh thư cho Nguyễn ánh, lo giao thiệp với Pháp và các nước lân bang, lo chủ trì hội nghị các sĩ quan Pháp giải quyết việc quân sự, giúp Nguyễn ánh phần công lao to lớn trong việc đè bẹp được nhà Nguyễn Tây Sơn để sau này Nguyễn ánh thống nhất xứ sở.Miền Nam Việt nam vào những năm 1954, 55, 56, trước những khó khăn và nguy hiểm mà ông Diệm tưởng là khó lòng vượt qua được (đến nỗi ông Diệm chán nản đã định bỏ nước ra đi vào cuối năm 1954) chính nhờ Edward Lansdale làm Cố vấn giúp đỡ tận tình, ông Diệm đã chuyển bại thành thắng. Không có vấn đề chính trị, quân sự, xã hội nào mà không có ý kiến của Lansdale. Hàng ngày Lansdale vào dinh Độc lập gặp gỡ ông Diệm để thảo luận và đề nghị kế hoạch, Lansdale đã từng gọi ông Diệm là "Pa pa", sự kiện này nói lên mối thâm tình thắm thiết giữa Lansdale và ông Diệm cũng như xác định vai trò tối cần thiết và tối quan trọng của Lansdale đối với ông Diệm.Không những chỉ cần thiết và quan trọng mà uy thế của Lansdale còn to lớn đến độ đã có lần công khai to tiếng chỉ trích ông Diệm (là một hành động “phạm thượng” nặng nề nếu đó là một người Việt nam khác) khi ông Diệm đã có những lời lẽ khinh thường tướng "cách mạng" Trịnh Minh Thế.Đã rất nhiều dân ông Diệm tỏ ra lo âu trước những quyết định của Washington có vẻ muốn chấm dứt sự ủng hộ của Hoa kỳ thì chính Lansdale đã đánh điện về Bộ ngoại giao để trực tiếp thăm dò và can thiệp với ngoại trưởng Foster Dulles. Khi đó nắm được mọi dữ kiện tính cực trong tay, Lansdale lại đến gặp ông Diệm để bảo đảm rằng chính sách của Hoa kỳ không thay đổi và khích lệ ông Diệm hãy can đảm mà tiếp tục cầm quyên.Trong thời gian ông Diệm bị các giáo phái, Bình Xuyên, và tướng Nguyễn Văn Hinh chống đối, Lansdale và tiền bạc của Mỹ đã lôi kéo được một số tướng tá giáo phái về với ông Diệm và đã gây được sự chia rẽ trong hàng ngũ chống đối ông Diệm, củng cố địa vị cho ông ta đến thắng lợi cuối cùng. Đồng thời với việc ổn định tình hình miền Nam, Lansdale đã thiết định cho ông Diệm những kế hoạch trong việc tiếp thu các vùng Bình Định và Cà Mau do Việt minh để lại. Lansdale giúp ông Diệm thành lập cơ quan Công dân vụ gồm thành viên áo đen về thôn quê giúp đỡ đồng bào tái tạo đời sống mới. Ông ta còn khám phá ra và giới thiệu ông Diệm vị trưởng cơ quan Đặc uỷ công dân vụ là ông Kiều Công Cung. Lansdale cũng đã giúp cho ông Diệm tổ chức hội Cựu Chiến binh và nhà phát hành Thống nhất để ông Diệm có một hậu thuẫn vững chắc gồm những người đã từng cầm súng chống lại cộng sản. Lansdale lại còn đưa một phái đoàn Phillippines qua Việt nam trong chương trình y tế gọi là "Chiến dịch huynh đệ” (Operation Brotherhood)... để giúp dân quê Việt nam hướng về một đời sống tiến bộ hơn.Ngoài Lansdale ra còn có giáo sư Buttinger, giáo sư Fishel và một số người Mỹ khác giúp ông Diệm về những phương tiện kinh tế, giáo dục tạo sự phồn thịnh cho miền Nam. Họ đã giúp ông Diệm bành trướng Viện Đại học Sài gòn, thiết lập Viện đại học Huế, mở trường quốc gia hành chính, trường Nông Lâm Súc, trường Kỹ thuật Phú Thọ... mở các nhà máy than Nông Sơn, nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy đường Hiệp Hoà, các cơ sở kỹ nghệ bông vải, chai... tạo công ăn việc làm cho dân lao động để mở mang kinh tế cho miền Nam... người Mỹ cũng giúp ông Diệm tái tạo lại hệ thống đường sá, bài trừ nạn mù chữ, thiết lập chương trình y tế nông thôn, đào giếng cho dân quê, và thành lập những dội xịt thuốc DDT để bài trừ nạn sốt rét."Nếu chúng ta đã không phủ nhận được quyết tâm của toàn dân và chính quyền nhằm mau chóng và vững vàng xây dựng một miền Nam hồi sinh thì chúng ta cũng không thể phủ nhận được chính người Mỹ, trên tất cả mọi mặt đã yểm trợ cho chúng ta hoàn thành ước nguyện đó. Nhân, tài, vật lực chảy vào miền Nam không ngơi nghỉ. Chính sách, kế hoạch, phương tiện, tài chính đổ vào miền Nam không giới hạn".Và sau 10 năm trời chiến tranh ly loạn (1945 - 1955) trong khung cảnh hoà bình an lành và với một viễn tưởng phồn vinh trước mắt, dân miền Nam đã cảm thấy cuộc đời ấm no hơn và tương lai tươi sáng hơn.Cũng trong những năm đầu của chế độ, về mặt đối ngoại, ông Diệm đã gây được nhiều uy thế to lớn. Nhiều quốc gia thuộc khối không liên kết công nhận VNCH, mà chuyến viếng thăm của ông U Nu (Thủ tướng Miến Điện) ngày 11 tháng 11 năm 1956 là một bông hồng vô cùng quý giá cho chế độ ông Diệm. Cao Miên vốn coi Việt nam là kẻ thù truyền kiếp thế mà nay phải kiêng nể VNCH còn Lào thì kết thân với Việt nam làm anh em dựa vào nhau theo cái thế môi hở răng lạnh.Trong ba năm đầu, tên tuổi ông Diệm vang lừng trên trường quốc tế nhờ những cuộc ông du thăm viếng các quốc gia như ấn Độ, Thái Lan, Trung hoa dân quốc, Đại Hàn. Đặc biệt, ông được Toà Bạch ốc mời viếng thăm chính thức nước Mỹ ngày 4 tháng 4 năm 1957. Ngược lại nhiều chánh khách và lãnh tụ quốc tế tên tuổi như Ngoại trưởng Dulles nước Mỹ, Ngoại trưởng Couve de Murvills của Pháp, ông Pinay cựu Thủ tướng Pháp, ông Tổng thống Lý Thừa Vãn của Đại Hàn, Phó tổng thống Trần Thành của Trung hoa dân quốc cũng đã đến viếng thăm Việt nam.Cho đến mùa xuân năm 1959, mặc dù Việt cộng đã hoạt động mạnh, tình hình an ninh nông thôn bắt đầu đáng lo ngại, uy danh của Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn còn sáng chói nhờ những quan hệ đặc biệt với Toà thánh La mã và quốc gia ấn Độ, một nước đang có nhân viên làm chủ tịch Uỷ hội quốc tế kiểm soát đình chiến tại Việt nam. Ngày 16 tháng 2 năm 1959, Đức Hồng y Agagianian, đại diện Đức giáo hoàng đến Sài gòn chủ toạ lễ 300 năm thành lập Giáo hội Công giáo Việt nam và tôn vinh nhà thờ Đức Bà Sài gòn lên hàng Vương Cung thánh đường. Trong những ngày Đức Hồng y có mặt tại Việt nam với những buổi lễ ngoài trời, cờ của Toà thánh chen lẫn với cờ quốc gia tung bay trước công viên dinh Độc lập và khắp mọi tỉnh thị tạo nên một khung cảnh náo nhiệt rộn rã khắp miền Nam. Ngày 18 tháng 3 năm 1959, Tổng thống ấn Độ là ông Prasad viếng thăm Việt nam mà lại đến Sài gòn trước rồi mới đến Hà nội sau gây thêm vinh dự và tự hào cho chế độ Ngô Đình Diệm. Ngày 7 tháng 8, con đường xe hoả xuyên Việt nối liền Đông Hà với Sài gòn được khánh thành trọng thể càng tạo nên cảnh thanh bình cho đất nước.Như vậy, kể từ khi hiệp ước Genève ra đời chia đôi đất nước rồi ông Diệm về chấp hành, ít ai có thể nghĩ rằng ông Diệm có thể vượt thắng được những khó khăn, ít ai nghĩ rằng chế độ có thể tồn tại để tiếp tục điều hành quốc gia. Nhưng miền Nam đã đứng vững, đã hồi sinh. Và ông Diệm đã duy trì được chế độ để bước lên đài vinh quang. Báo chí trong và ngoài nước đã ca tụng ông Diệm là người hùng của vùng Đông Nam Á và Tổng thống Eiisenhower đã gọi ông Diệm là "người của phép lạ" (the miracle man).Nhưng bất hạnh thay cho dân miền Nam! Bức tranh màu sắc rực rỡ trên đây chỉ như cái ráng hồng của một chiều trời nắng quái trong buồi tàn thu, vì chung quanh ráng hồng đó, mây đen đã bắt đầu vần vũ báo hiệu một cơn giông tố hãi hùng sắp xảy ra. Chính đại tá Lansdale, người lạc quan nhất và nắm vững tình hình khá rõ, cũng đã bắt đầu nhận thấy nhiều hiện tượng bất ổn cho chế độ. Ông đã thấy sự ra đời của đảng Cần lao, ông đã thấy cung cách lãnh đạo độc tôn độc tài của anh em ông Diệm, ông đã nghe nói đến những cuộc đi bắt người ban đêm của cán bộ đảng Cần lao, đã chứng kiến việc bắt bớ thủ tiêu những người quốc gia đối lập. Trước khi từ giã Việt nam để về Mỹ vào cuối năm 1956, Lansdale đem tâm tình khuyên bảo Tổng thống Diệm nên noi gương Tổng thống Washington đứng trên và đứng ngoài mọi tranh chấp tôn giáo và đảng phái để cứu nước và để trở thành "vị cha già dân tộc". Nhưng than ôi? Những lời khuyên chí tình của Lansdale đã theo gió mà bay về Mỹ, để lại sau lưng một chế độ ngày càng đi sâu vào tội lỗi mà chính Lansdale cũng bị anh em ông Diệm phũ phàng quên hết công ơn... Cuối năm 1955, khi mối đe doạ và mối hiểm nghèo đã qua rồi, Trần Văn Đôn không thấy Lansdale ngày ngày bên cạnh Tổng thống Diệm nữa, bèn hỏi lý do thì được ông Diệm trả lời: “Lansdale CIA quá, ồn ào quá. Trong chính trị không có chỗ cho tình cảm". Thế là sau Trịnh Minh Thế đến Lansdale bị quên ơn.Chính vì quan niệm "trong chính trị không có chỗ cho tình cảm" này, nghĩa là không đếm xỉa đến bản vị con người trong một triết lý hành động nhân trị, mà sau này, kể từ năm 60, chế độ gia đình trị của ông Diệm đi vào con đường bạo trị bạo quản. Nhưng đó là chuyện về sau, vì trong những năm đầu chấp chánh, khi mà men quyền lực còn chưa làm say sưa cấp lãnh đạo, thì quả thật lòng dân đều đặt hết vào ông Diệm niềm tin trọn vẹn. Thể hiện rõ ràng nhất là chuyến viếng thăm lần thứ nhì 4 tỉnh miền Nam Trung Việt, nơi địa phương Duyên hải mà tôi đang là Tư lệnh vào năm 1956.Trước khi ông Diệm rời Sài gòn, Võ Văn Hải gởi công điện cho tôi thông báo lộ trình kinh lý gồm trước hết là tỉnh Phú Yên để khánh thành đập Đồng Cam, sau đó ông sẽ thăm 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, và Bình Thuận. Ngoài ra Hải còn gởi một thư riêng đề nghị tôi tổ chức thật trọng thể và thật có ý nghĩa chuyến kinh lý này vì "kỳ này ông Cụ đi thăm dân còn có ngoại giao đoàn và một số đông báo chí quốc tế tháp tùng". Muốn buổi lễ trở nên "trọng thể và có ý nghĩa" thì theo tôi không có cách nào hay hơn là biểu dương được niềm tin mạnh mẽ của quần chúng về vị lãnh đạo của mình. Vì vậy tôi bèn nhờ Phong trào Cách mạng quốc gia huy động thêm nhân dân ở hai quận ngoại biên của thành phố Nha Trang là Diên Khánh và Vĩnh Xương tham dự vào cuộc nghênh đón vị nguyên thủ quốc gia. Chương trình thăm viếng Nha Trang dự định bắt đầu vào lúc 4 giờ chiều, không ngờ cuộc lễ khánh thành đập Đồng Cam bị chậm trễ thành ra hơn 8 giờ tối ông Diệm mới tới phi trường Nha Trang. Dù bất ngờ, anh em quân nhân cũng kịp thời mua nứa làm trên mười ngàn cái đuốc phát cho dân chúng để thắp sáng thêm thành phố.Khi ông Diệm đến nơi, đã một rừng người đứng chật dọc theo các đại lộ từ phi trường về đến trung tâm thành phố, nơi có "chợ phiên triển lãm kinh tế" do ông Tỉnh trương Nguyễn Trân tổ chức để đón mừng vị nguyên thủ quốc gia. Tiếng hoan hô vang dội và đèn đuốc sáng choang tưng bừng rộn rã một góc trời. Tôi đứng chung với ông Diệm trên chiếc xe jeep đi giữa hai hàng dân chúng, thỉnh thoảng ông quay nhìn tôi với vẻ mặt vô cùng hoan hỉ, miệng luôn luôn nở một nụ cười và hai tay giơ cao đáp lại lời tung hô của dân chúng. Trong cuộc kinh lý kỳ này có cả ông Ngô Đình Luyện đi theo.Đêm đó tôi mời ông Diệm và các vị Bộ trưởng lên sân thượng khách sạn " Beau Rivage" để xem đoàn xe hoa 140 chiếc của quân đội diễu hành mừng quan khách. Trên bầu trời đen tối lấp lánh ánh sao, phi cơ L19 và phi cơ Dakoto của không quân bay theo đội hình và thả hoả châu muôn màu biến trời cao biển rộng của Nha Trang thành một tấm thảm nạm kim cương lóng lánh. Cuộc trình diễn của quân đội kéo dài từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng, các Bộ trưởng dần dần tỏ dấu mệt mỏi, riêng ông Diệm vẫn vui tươi ngồi nhìn đoàn xe hoa đi qua thỉnh thoảng ông đứng dậy giơ hai tay cao vẫy chào tỏ ý khen ngợi và để đáp lại tiếng hoan hô của quân đội. Tôi nghĩ rằng từ ngày thành phố Nha Trang được thành lập có lẽ chưa bao giờ dân chúng được chứng kiến một đêm hoa đăng tưng bừng rộn rịp như đêm ông Diệm đến viếng thăm vào mùa hè năm 1956 đó. Tôi cố gắng tạo một cuộc nghênh đón thật đông đảo, huy hoàng để chứng tỏ quân đội và nhân dân đang ngưỡng mộ nhà lãnh đạo mà có thể còn nhiều nhân vật quốc tế vẫn còn nghi ngờ là uy tín vẫn chưa thật sự ăn sâu trong lòng người Việt nam.Cuộc kinh lý của ông Diệm kéo dài trong niềm hân hoan của mọi người và trong sự đắc ý của ông Diệm cho đến khi ông lên phi cơ ở phi trường Phan Thiết để trở về Sài gòn. Trước khi phi cơ cất cánh. Ông Diệm đã bắt tay tôi thật chặt và nói thật thiết tha: "Mậu gắng làm việc nghe". Tôi biết đó không phải là một lời chào tạm biệt, lại càng không phải là lời cám ơn của một cấp chỉ huy với một cán bộ trung kiên đã chứng tỏ qua nhiều lần quyết tâm phục vụ có đất nước và cho cá nhân ông từ gần 15 năm nay, mà rõ ràng đó là một lời kết ước sâu sắc mà ông thề nguyền. Vì cũng câu nói đó, tôi đã từng nghe dặn dò nhiều lần trong những giai đoạn gian nan của ông Diệm và tôi, trong những giờ phút vinh nhục của thời kỳ đấu tranh nguy hiểm.Tổ chức cuộc nghênh đón vô cùng long trọng sau ngày ông Diệm đã lật đổ một chế độ phong kiến, sau ngày ông Diệm đã bước lên đài vinh quang tột đỉnh, tôi tự cho đã chấm dứt giai đoạn mở đầu của chế độ, giai đoạn giới thiệu nhà lãnh đạo với quốc dân đồng bào. Từ nay tôi chú tâm vào công việc đóng góp phần nhỏ mọn của mình vào ông cuộc kiến thiết và bảo vệ chế độ để phục vụ quốc gia. Tôi trở về với nhiệm vụ của người quân nhân, lo tảo thanh vùng rừng núi nghi ngờ còn Việt cộng ẩn nấp và lo việc huấn luyện binh sĩ. Một trong những cuộc hành quân quy mô được mở ra tại vùng giáp giới ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Pleiku. Bộ Tổng tham mưu biệt phái thiếu tá Nguyễn Huy Lợi làm Tham mưu trưởng cho cuộc hành quân đó. Nguyễn Huy Lợi (hiện nay ở Mỹ) là một sĩ quan trẻ tuổi, có tài, có kinh nghiệm, giỏi cả về tham mưu lẫn tác chiến. Tôi đã biết Lợi từ ngày còn chiến đấu ở Bắc Việt. Mấy tháng Lợi làm việc ở Nha Trang đã giúp tôi khám phá thấy Lợi là viên sĩ quan trẻ tuổi thông minh, có thể trở thành một tướng lĩnh ưu tú của quân đội sau này. Tiếc thay, cuối năm 1960, Lợi tham gia tích cực cuộc lật đổ chế độ nhà Ngô nhưng không thành nên phải mai một, cơ cực mấy năm trời lưu vong tại Cao Miên.Về phương diện huấn luyện binh sĩ thì dưới quyền tôi có trường Bộ binh Đồng Đế, cách Nha Trang 3 cây số là trung tâm đào tạo hạ sĩ quan lớn nhất của quân đội Một hôm, thiếu tá Lê Cẩm (do thiếu tá Huỳnh Văn Cao, Tham mưu trưởng biệt bộ Phủ Tổng thống, đặt để) chỉ huy trường hạ sĩ quan, mời tôi và ông Tỉnh trưởng Nguyễn Trân cùng phái đoàn nhân sĩ và hành chính Nha Trang đến thăm trường.Sau khi thăm xong các cơ sở doanh trại, Cẩm mời chúng tôi đến chiêm ngưỡng một ngôi "giáo đường”, to lớn và khang trang. Tôi khen ngợi Cẩm có sáng kiến tốt, đồng thời cũng hỏi xem Cẩm có thiết lập một ngôi chùa nào không, Cẩm trả lời "chưa". Tôi nổi nóng ngay và la Cẩm: "Ở đây chỉ có vài trăm binh sĩ theo Thiên Chúa giáo thì anh lo làm nhà thờ ngay, trong lúc đó đến trên 3000 quân nhân theo đạo Phật thì anh không chịu để ý lo phần thiêng liêng của họ, anh làm vậy binh sĩ sẽ ngờ rằng Tổng thống Diệm chủ trương kỳ thị tôn giáo hơn nữa anh là cấp chỉ huy có đạo Thiên Chúa, anh sẽ mang tiếng bất công. Lại nữa, việc làm của anh tỏ ra anh đã không tuân lệnh tôi. Rất nhiều lần trong các buổi học tập, tôi đã tuyên bố Tổng thống Diệm là "nhà lãnh đạo đặt tổ quốc lên trên tôn giáo... không bao giờ ông có thái độ kỳ thị, thiên vị, hẹp hòi...". Không ngờ những lời tôi la mắng thiếu tá Lê Cẩm hôm đó đã đem lại hậu quả tai hại cho tôi liền ngay sau đó.Vào khoảng tháng 7 năm 1956, thình lình tôi nhận được lệnh bàn giao lại Phân khu Duyên hải cho trung tá Nguyễn Vĩnh (thường được binh sĩ gọi là Vĩnh Hèo vì ông hay cầm hèo đánh vào đầu binh sĩ mỗi khi có lầm lỗi). Tôi được thuyên chuyển về đơn vị quản trị Sài gòn đợi lệnh mới. Nhận được lệnh tôi liền bí mật vào Sài gòn gặp Bộ trưởng Trần Trung Dung, vốn quen biết với tôi từ năm 1953 tại Hà nội, để hỏi duyên cớ vì sao tôi bị mất chức một cách vô lý và bị thuyên chuyển như một hình phạt. Trần Trung Dung cho biết việc đó là do lệnh trực tiếp của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, vì theo ông Nhu thì tôi mang đầu óc công thần và có lời lẽ thất lễ đối với Tổng thống. Mấy ngày sau trung tá "Vĩnh Hèo" cho tôi biết ông được lệnh mở cuộc điều tra về ngân quỹ của Bộ tham mưu Phân khu Duyên hải do tôi sử dụng. Nhưng vì Phân khu Duyên hải không có ngân quỹ riêng nên cuộc điều tra không đưa đến kết quả nào. Tiếp đến là một phái đoàn Cân Lao gồm có thiếu tá Công giáo Vũ Hùng Phi và một cán bộ của Tổng Liên đoàn lao công (mà tôi quên tên) đến Nha Trang để tiếp xúc với cơ quan quân dân chính để điều tra tôi về tội “phá Công giáo”. Những hiện tượng trên cho thấy mình bắt đầu trở thành đối tượng chống phá của nhóm Công giáo và Cần lao mà nguyên do chỉ vì sự mâu thuẫn giữa tôi và ông tỉnh trưởng Nguyễn Trân, người thuộc phe Công giáo Nha Trang.Tôi biết ông Nguyễn Trân lần đầu tiên vào năm 1949-1950 khi tôi còn làm việc tại Bộ tham mưu Việt binh đoàn. Ông Trân đến nhà tôi để nhờ tôi vận động với trung tá Nguyễn Ngọc Lễ cho ông ta được gia nhập Việt Binh đoàn với cấp bậc "chuẩn uý". Nhưng ông Lễ từ chối vì biết ông Trân đang bí mật làm việc cho công an Pháp tại Huế (Sureté Féderale). Tôi cũng có gặp ông Trân vài lần tại nhà ông Ngô Đình Cẩn ở Phú Cam. Nhưng như tôi đã nói ở chương trước, ông Trân đến với ông Cẩn chỉ để dò la tình hình. Thật ra ông Trân khinh ông Cần dốt nát, còn ông Cẩn thì chê ông Trân là một cựu quan lại tham nhũng, thế mà tôi không hiểu vì lý do nào ông Trân lại được cử làm Tỉnh trưởng Khánh Hoà khi ông Diệm làm Thủ tướng.Mấy tháng sau, ông Tôn Thất Toại còn cho tôi biết dĩ vãng không đẹp của ông Trân vì ông Trân đã có thời làm Tri huyện dưới quyền ông Toại khi ông Toại còn làm Tuần vũ Phú Yên. Lúc còn làm Tri phủ Tĩnh Gia thời kỳ Nhật chiếm đóng. Nhiều người còn ví ông Nguyễn Trân là một thứ Trần Mậu Trinh thứ nhì, vì ông này làm Tri huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nhân khi ông Khâm sứ Pháp đi xe hoả ra Hà nội, Trần Mậu Trinh huyện Hương Khê vì biết viên Khâm sứ đó thích trồng chuối. Nguyễn Trân không trồng chuối nhưng lại thích mở chợ phiên. Đến Nha Trang hai năm, ông mở hai chợ phiên: chợ phiên Trung Thu năm 1955 và chợ phiên kinh tế năm 1956. Vào Mỹ Tho. Ông ta lại mở chợ phiên luôn mấy tháng và bày trò đấu lý với những người cộng sản đang bị giam.Sau cuộc tiễn đưa thắm thiết tình đồng chí của quân dân Nha Trang, dọc chuyến tàu hoả đưa tôi vào Sài gòn, đêm đó tôi còn đón nhận bao nhiêu cảm tình nồng hậu của của quân dân Ba Ngòi, Ninh Thuận, Phan Rí, Bình Thuận.Đến Sài gòn, tôi tìm cách vào gặp ông Nhu mãi mà không được, bèn đi thăm một số bạn bè trong đó có ông Tôn Thất Trạch Tổng Giám đốc Bảo An. Ông Trạch nguyên là cựu Tri Huyện, theo ông Diệm từ ngày hồi cư khoảng 1949, 1950. Khi ông Diệm mới về nước làm Thủ tướng, nhờ là người liêm chính ông Tôn Thất Trạch được chọn giữ chức vụ tin cẩn là Đổng lý Văn phòng. Nhưng tính tình vốn cứng rắn, nói phô, thiếu mềm dẻo, nên ông Trạch không được ông Diệm ưa thích, sau đó ông Trạch bị mất chức Đổng lý Văn phòng và được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Bảo An.Tôi vào thăm, ông Trạch mừng lắm. Sau khi biết nguyên do vì sao tôi bị thuyên chuyển một cách bất công, Trạch lắc đầu rồi nói: “Ai còn lạ gì Nguyễn Trân nữa, tại vì Chị (tức là tôi) ở nhà không biết hàng tháng đem nem chả vào chầu hầu bà Cố vấn như vợ Nguyễn Trân!". Trạch bèn đề nghị với Bộ trưởng Nội vụ là ông Nguyễn Hữu Châu để tôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc Bảo An, phụ tá cho Trạch về phần quân sự. Nhưng chỉ độ hai tuần lễ sau thì Trạch bị ông Cố vấn Ngô Đình Nhu khiển trách tại sao lại sử dụng tôi, và đồng thời ra lệnh cho tôi sửa soạn đi nhận chức Tuỳ viên quân sự tại toà đại sứ Việt nam ở Pháp.Tôi nghĩ bụng việc chỉ định tôi đi làm Tuỳ viên quân sự thật ra chỉ là một biện pháp khai trừ những phần tử "bất hảo" bằng cách cho ra nước ngoài (như trường hợp các ông Bùi Văn Thinh, Nguyễn Đôn Tuyến, Trần Chánh Thành, Lâm Lễ Trinh, Trần Kim Tuyến sau này...), nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là tại sao lại bổ nhiệm tôi đi Pháp vì tôi vốn là phần tử có thành tích chống Pháp mà cả ông Diệm lẫn ông Nhu đều biết rất rõ. Vốn nặng tình quê hương và thích sống đơn giản nên tôi không thích những kinh thành hoa lệ, náo nhiệt và xa xăm như Paris, hơn nữa lại chán nản trước sự bạc đãi của ông Nhu, tôi đã định xin từ chức. Nhưng nghĩ lại thì dù sao còn có ông Diệm biết rõ cuộc đời mình, biết rõ công lao hạn mã của mình, biết rõ tấm lòng trung cang nghĩa khí của mình, cho nên trước khi lấy quyết định từ chức, tôi muốn biết rõ thái độ của ông Diệm như thế nào đã. Tôi xin yết kiến Tổng thống, trình bày mọi sự việc đã xảy ra ở Nha Trang, rồi xin ông Diệm cho tôi được ở lại quê nhà. Ông Diệm trả lời: "Không lẽ cha Sô mà cũng nói láo về anh hay sao? Anh cứ sang Pháp đi đã". Ông Diệm không có vẻ giận dữ tôi lắm nhưng tôi vẫn tự hỏi tại sao ông lại không có một quyết định sáng suốt hơn và đứng đắn hơn để gỡ mối oan tình cho người cán bộ trung kiên. Một ông linh mục thì thường đúng trong chuyện Đạo, nhưng trong chuyện Đời nhất là những mâu thuẫn chính trị có tính cách phe phái phức tạp, thì ông Cha có thể lầm lẫn lắm chứ. Chỉ một ông cha Sô ở Nha Trang mà đã có áp lực nặng nề như thế thì sau này những linh mục, những giám mục, những Hồng y... còn san sẻ quyền lực và chi phối chính sách đến mức nào!Tôi rời quê hương ngày 25.10.1956, một ngày trước lễ Quốc Khánh đầu tiên của miền Nam Việt nam. Ngày mai, ông Diệm sẽ tuyên bố thành lập nền Cộng hoà và chính thức ban hành Hiến pháp, sẽ chủ toạ lễ Quốc khánh trên đại lộ Trần Hưng Đạo huy hoàng cờ quạt. Ngày mai, bạn bè ở đó, đồng bào tôi ở đó và lãnh tụ tôi ở đỏ cũng sẽ được mang chung niềm vinh dự lớn, còn tôi thì sau 15 năm gian truân đấu tranh cho dân tộc và cho tổ chức ông Diệm, lại là kẻ độc hành giã từ quê hương đi đến một phương trời xa ngái. Dẫn theo đứa con trai trưởng mới 16 tuổi cho đỡ đơn côi tại xứ người, tôi bước lên chiếc phi cơ Constellation 4 động cơ của hãng Air France và buồn ông Diệm hiểu lầm mình thì ít, nhưng giận ông Nhu mới qua sông đã chặt cầu thì nhiều.Trời Paris cuối thu lành lạnh, sương trắng giăng mắc suốt đoạn đường từ phi trường Orly về đến trung tâm thành phố. Hai cha con chúng tôi được nhân viên Toà đại sứ đón về tạm trú tại một khách sạn ở khu La tin. Đêm đầu tiên trên xứ người thật là dài và sâu.Mặc dù được Đại sứ Phạm Duy Khiêm hết lòng vận động nhưng tôi vẫn không được chính phủ Pháp thừa nhận là nhân viên thuộc ngoại giao đoàn. Tôi không ngạc nhiên và cũng không có ý trách người Pháp vì làm sao họ có thể có thiện cảm với một người có thành tích hung hãn chống lại quyền lợi của quốc gia họ, và đe doạ tính mạng kiều dân của họ tại Việt nam. Trong bữa tiệc thết đãi đại sứ Pháp Jean Payart từ Sài gòn về công cán tại Paris có sự tham dự của hai ông Bùi Xuân Bào và Bửu Kỉnh với mục đích tạo một tiếng dội về Bộ ngoại giao Pháp, Đại sứ Phạm Duy Khiêm đã giới thiệu tôi không phải là một con cọp hung dữ với Đại sứ Payart, nhưng chính phủ Pháp vẫn coi tôi là phần tử nguy hiểm. Tuy nhiên lúc bấy giờ vì chính phủ Pháp chưa muốn tạo ra quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Việt nam nên họ đã để cho tôi ở vào cái thế không ở trong quy chế ngoại giao đoàn mà cũng không coi tôi là một personna non grata để trục xuất về nước. Cuối năm 1956, nhân có các ông Trần Chánh Thành và Nguyễn Hữu Châu đi công cán ở Pháp, tôi nhờ hai ông về trình lại với Tổng thống Diệm cho tôi được hồi hương. Trong lúc chờ đợi sự giải quyết của chánh phủ Sài gòn, tôi lại phải kéo dài chuỗi ngày vô vị chán nản của một người mang tâm trạng bị vắt chanh bỏ vỏ, một người bị phản bội, sống vất vưởng nơi quê người mà tâm huyết đóng góp cho đất nước thì vẫn sục sôi theo ngày tháng.Trong thời gian ở tại Paris, tôi lại tình cờ mà biết được về tư cách của vợ chồng Ngô Đình Nhu, sự hiểu biết cần thiết của một cán bộ về cấp lãnh đạo quốc gia đang cầm vận mạng đất nước. Ông bà Ngô Đình Nhu đến Pháp ở một tuần lễ tại ngôi nhà riêng của ông bà ta tại quận 16 của thủ đô Paris. Ông Bùi Xuân Bào vừa là Cố vấn của toà đại sứ, vừa là chủ tịch của Phong trào Cách mạng quốc gia hải ngoại, đại diện cho ông Đại sứ, thường đến gặp ông Nhu để trình bày công việc. Một hôm tôi cùng đi với ông Bào đến gặp ông Nhu để trình bày trường hợp khó xử của tôi. Gặp ông Nhu, ông Bào mới nói được vài lời thì ông Ngô Đình Luyện đến, chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện với ông Nhu trong khi ông Luyện nói chuyện với bà Nhu trong cùng một phòng khác. Do đó dù không muốn tôi vẫn nghe câu chuyện của họ, trong đó ông Luyện không gọi bà Nhu bằng chị mà chỉ gọi bằng tên "Lệ Xuân" (ví dụ: "Lệ Xuân nói vậy là sai" hay là "Lệ Xuân hay cãi bướng"...). Câu chuyện giữa hai người lúc đầu còn êm thắm, dần dần đi đến cãi vã, tuy lời lẽ chưa đến độ thô lỗ nhưng bầu không khí cuộc nói chuyện đã nặng nề lắm rồi. Ông Bào và tôi ra dấu cho nhau để cáo từ ra về.Ngày ông bà Nhu lên đường về nước, ông Bào và tôi lại đến chào tạm biệt ông Nhu và để tiễn ông lên phi trường Orly. Vào nhà, chúng tôi thấy ông Nhu đang ngồi ủ rũ một mình, trong khi đó thì chuông điện thoại reo vang thúc giục ông bà lên phi trường gấp vì đã gần tới giờ phi cơ cất cánh, nhưng bà Nhu vẫn "biệt vô âm tín". Một lát lâu sau thấy bà Nhu về tay xách tay ôm mấy gói đồ. Thấy mặt vợ, ông Nhu đứng bật dậy như chiếc lò xo, miệng lẩm bẩm: "Mình đi đâu để tàu bay hối thúc hoài...". Ông Nhu nói chưa dứt câu thì bà Nhu đã nổi cơn thịnh nộ, ném mấy gói đồ xuống sàn nhà làm tung tóe mấy chai lọ, toàn là đồ trang sức đàn bà, và to tiếng nạt lại ông Nhu: "Mấy bữa nay bận rộn, hôm nay mới rảnh để mua một ít đồ dùng sao mình ồn ào quá thế, có gấp thì về trước đi, tôi về sau”. Bà Nhu cứ tiếp tục lải nhải như thế ngay cả trước mặt chúng tôi trong khi ông Nhu mặt xìu xuống, đứng im lặng. Ông Bào và tôi lại làm dấu cho nhau bước ra khỏi phòng đứng đợi.Tôi được nghe kể nhiều giai thoại về chuyện bà Nhu nạt nộ, hỗn láo với chồng và tôi đã chứng kiến hơn một lần cái cung cách "vô hạnh" của bà vào năm 1962 nhân đi họp ở Bộ quốc phòng Sài gòn khi tôi ghé thăm ông Nhu ở số 8 đường Ypres. Đến nơi tôi thấy có ông Tôn Thất Cẩn, một bạn thân của nhà họ Ngô, chủ tiệm "Table des Mandarine" ở Paris, đang ngồi với ông Nhu trong phòng khách. Trong lúc ông Nhu, ông Cẩn và tôi đang nói chuyện thì bỗng nhà trong nổi lên tiếng bà Nhu quát tháo ồn ào. Nghe tiếng vợ, ông Nhu đưa lời khuyên can, nhưng tiếng quát tháo của bà Nhu càng lúc càng lớn hơn, ông Nhu bèn kéo ông Cẩn và tôi ra mái hiên ngồi nói chuyện. Hôm nay, tại Paris, ông Bào và tôi có cơ hội chứng kiến cái tư cách yếu hèn của một nhà đại khoa bảng, của một lãnh tụ quốc gia, chỉ vì quá chiều chuộng người vợ trẻ mà đành phải mất hết sĩ diện trước những người lạ. Từ khi chứng kiến được cảnh ông Nhu bị vợ làm nhục trước mặt khách, sau này tôi không ngạc nhiên về việc bà Nhu trở thành "Nữ Hoàng" tại dinh Tổng thống, dám la mắng cả người anh chồng là một vị nguyên thủ quốc gia.Đúng một năm trôi qua vào giữa tháng 10 năm 1957, tôi nhận được thư của đại tá Đinh Sơn Thung, Giám đốc Nha nhân viên Bộ quốc phòng và là một người bạn rất thân với tôi.Thung cho tôi biết ông Diệm đã ra lệnh làm giấy tờ để gọi tôi hồi hương và đại tá Trần Văn Trung (sau này là Cục trưởng Cục CTCT vào năm 1975) sẽ qua Pháp thay tôi. Đinh Sơn Thung là một cựu chánh quản khố xanh, thời kháng Pháp, tuy Thung làm sĩ quan Việt Binh Đoàn nhưng vẫn bí mật hoạt động cho Việt minh trong tổ chức của nhóm trí thức Huế với bác sĩ Lê Khắc Quyên, Thung đã bị sở mật thám Pháp bắt vài lần nhưng can thiệp nên khỏi bị tội tù. Nguyên tôi với Thung là bạn láng giềng tại cửa Đông Ba (Huế) nên ngày ngày thường cùng nhau thảo luận tình hình chiến tranh và tương lai đất nước. Cuối cùng tôi thuyết phục được Thung ủng hộ ông Diệm. Khi ông Diệm về nước, tôi giới thiệu Thung với ông Ngô Đình Cẩn. Do đó Thung được là giám đốc Nha nhân viên Bộ quốc phòng. Thung lớn tuổi hơn tôi, có mái tóc bạc như cước, lại cũng đã đỗ được bằng Thành Chung nên ông Diệm có vẻ nể nang. Trong thư Thung gởi qua Pháp cho tôi có câu: " Cụ vẫn nhắc đến anh, có vẻ nhớ thương anh lắm”. Đồng thời với thư của Thung, tôi lại nhận được thư của Võ Văn Hải bảo tôi khi về nước nhớ mua cho “ông Cụ” một ít Melon, thứ trái cây mà ông Diệm ưa thích. Việc nhắn mua Melon, tôi đoán không phải là do sáng kiến của Võ Văn Hải mà chính là của ông Diệm, nghĩ vậy, tôi rất mừng vì cho rằng trong cái việc nhắn mua Melon đã gói ghém rất nhiều sự hồi tâm của ông Diệm.Về Sài gòn, vào yết kiến Tổng thống Diệm sau hơn một năm xa cách, tôi thấy ông bệ vệ và mập mạp ra một cách rõ ràng. Ông vui cười và có thái độ cởi mở, thông cảm với hoàn cảnh của tôi đã không được chính phủ Pháp chấp thuận là nhân viên của ngoại giao đoàn. Tuy nhiên ông trách Đại sứ Phạm Duy Khiêm bất lực và bảo rằng Khiêm là một nhà trí thức thân Pháp, từng làm thông ngôn cho Pháp trong đội lính thợ (Ouvrier non-specialisé) thời Đệ Nhị thế chiến, mà không vận động nổi cho tôi làm tuỳ viên quân sự. Ông Diệm bảo tôi về Nha Trang nghỉ ít ngày rồi vào nhận chức "Tổng Giám đốc công binh”. Ông giải thích sẽ hợp nhất ngành "công binh tạo tác" và "công binh chiến đấu” làm một cho dễ chỉ huy và đỡ tốn công quỹ Tôi rất ngạc nhiên vì hợp nhất hai ngành công binh làm một đã là một sự lạ, và cử tôi chỉ huy ngành công binh lại càng vô lý hơn. Tôi lễ phép từ chối vì tôi có biết gì về chuyên môn công binh đâu. Nhưng ông Diệm bảo tôi đừng ngại vì tôi chỉ lo phần vụ điều hành cho đúng chính sách và ông sẽ cho một số kỹ sư có khả năng chuyên môn về phụ tá cho tôi, rồi ông nói tiếp một cách giận dữ: "Anh sang đó đuổi hết mấy thằng Bắc kỳ đi cho tôi”. (Ông Diệm rất khinh ghét người Bắc, trừ ra thành phần người Bắc Công giáo là ông tin tưởng).Nói chuyện với ông độ hơn một giờ, tôi xin từ giã để đến trình diện tại Bộ quốc phòng và trình bày lại cho ông Trần Trung Dung biết quyết định của Tổng thống và quan điểm của tôi. Ông Dung thông cảm ngay và tìm cách "hoãn binh chi kế" để khỏi làm cho ông Tổng thống vốn rất ghét "Bắc Kỳ" nổi giận. Ông Dung bàn với Đổng lý Nguyễn Đình Thuần (hiện ở Hải ngoại) cử tôi đi thanh tra công binh để rút kinh nghiệm trước khi nhậm chức Tổng giám đốc công binh. Làm thế độ vài tháng thì Tổng thống Diệm sẽ quên đi và khi đó sẽ kiếm một sĩ quan chuyên môn thay vì đại tá đương kim giám đốc công binh người Bắc cho Tổng thống vừa lòng. Cũng may cho tôi, nhờ được đi thanh tra công binh mà tôi có dịp tham quan khắp các nẻo đường đất nước và tiếp xúc với khá nhiều đơn vị nên biết rõ nỗi lòng quân dân đối với chế độ Ngô Đình Diệm thế nào.Độ ba tháng sau, tôi được gọi gấp về trình diện Tổng thống. Đang lo âu vì cái nợ "Tổng giám đốc công binh" thì được Tổng thống cho biết đã quyết định bổ nhiệm tôi giữ chức Giám đốc nha An ninh quân đội thay tướng Mai Hữu Xuân làm chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện Quang Trung.Từ ngày đi Pháp về, tôi vẫn không muốn gặp lại ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, nhưng từ khi được Tổng thống giao cho nhiệm vụ chỉ huy ngành An ninh quân đội, xét thấy cần phải đến chào ông ta để nhận chỉ thị vì dù sao ngành An ninh quân đội cũng chịu ít nhiều trách nhiệm về sự tồn vong của chế độ, của quốc gia. Vẫn cái nhìn cao ngạo và vẻ mặt lạnh như tiền, ông Nhu trình bày một số quan điểm của ông về nhiệm vụ của tôi và cuối cùng chỉ thị cho tôi là phải đuổi hết bọn tay sai của Pháp và tay chân của Mai Hữu Xuân mới có thể bảo mật được công tác và hồ sơ.Nha An ninh quân đội có 4 nhiệm vụ chính yếu là phản gián, chống Binh vận, chống Phản loạn và "Bảo vệ tinh thần binh sĩ". Tất nhiên tất cả nhiệm vụ đêu khó khăn, đòi hỏi người chỉ huy trước hết phải có ý thức chính trị, phải am hiểu cộng sản, phải có ý thức tình báo, nhưng điều khó khăn của tôi lại là điều “bảo vệ tinh thần binh sĩ”. Nhiệm vụ không những đòi hỏi phải có công tâm đối với toàn thể các cấp trong quân đội mà còn thể hiện sự công tâm đó ra bằng hành động cụ thể. Khốn nỗi quân đội VNCH được khai sinh trong hoàn cảnh ngang trái, phối hợp với kết hợp bởi rất nhiều thành phần thuộc các giáo phái, đảng phái và hoàng phái vốn có rất nhiêu mâu thuẫn chính trị và ân oán lịch sử với chế độ.Mâu thuẫn đó và ân oán đó lại phát triển và chồng chất thêm kể từ khi chế độ khai sinh thêm một thứ "quân đội” song song có tên gọi là Cần lao. Một thứ quân đội không nằm trong định chế, không xả thân ngoài chiến trường nhưng có đặc quyền kiểm soát, điều động và khống chế quân lực. Là một lực lượng chìm khi ẩn khi hiện lại chỉ chịu mệnh lệnh và chịu trách nhiệm với ông Ngô Đình Nhu là trung tâm quyền lực cao hơn cả vị Tổng tư lệnh quân đội (là ông Diệm) nên tình trạng lạm quyền và bè phái đục khoét tinh thần binh sĩ tạo khó khăn cũng như nguy hiểm không cần thiết cho việc quản trị và điều động quân lực trong đại công tác đối đầu với lực lượng võ trang của Cộng sản. Ba lần quân đội đứng ra phát động và tổ chức binh biến làm lung lay và cuối cùng lật đổ chính quyền đã đủ nói lên sự căm phẫn của thành phần quân nhân đối với chế độ Diệm - Nhu.Cho nên từ khi về nhận chức, tôi đã không thay đổi một sĩ quan nào như ý muốn của ông Nhu, tôi chỉ tăng cường thêm nhân viên theo đà cải tổ chung của quân đội. Tôi không muốn có sự thay đối, sự xáo trộn tạo chia rê, bè phái, chỉ gây tai hại cho tinh thần quân đội. Về nhậm chức được hơn một năm tôi chỉ đổi viên chánh văn phòng là đại uý Tống Tấn Sĩ vì ông ta đã ăn cắp cuốn băng ghi âm cuộc điều tra một vị Trung tướng. Còn số nhân viên được xin thêm hầu hết là người theo Thiên Chúa giáo do Ngô Đình Cẩn, Nguyễn Văn Châu, Lê Quang Tung và các đảng viên Cần lao giới thiệu. Về chính trị, tôi chủ trương đối với Cộng sản là phải thẳng tay quyết liệt, đối với các sĩ quan thuộc các giáo phái hay đảng phái thì phải gây tình đoàn kết, còn về nhiệm vụ "bảo vệ tinh thần binh sĩ", tôi chủ trương chính sách "nặng giáo hoá nhẹ trừng phạt". Tôi không thể đề nghị đưa ra toà án những binh sĩ chỉ ăn cắp ít tấm tôn, vài chục lít xăng, trong lúc các tướng tá và cả anh em ông Diệm lại hết sức tham nhũng, bóc lột, dĩ công vi tư hối mại quyền thê.Chức vụ Giám đốc An ninh quân đội đối với tôi là một chức vụ bạc bẽo. Tôi vừa bị các sĩ quan tham nhũng, vừa bị các sĩ quan thuộc phái đối lập với chính phủ coi là kẻ "hung thần", là "tay sai của chế độ”; trong lúc đó thì nhóm Cần lao cũng coi tôi như kẻ thù chỉ vì tôi đã khinh bỉ Ngô Đình Cẩn ra mặt, tôi bất phục Ngô Đình Nhu, và không bao giờ tôi gặp mặt, khúm núm chầu hầu bà Cố vấn và giám mục Ngô Đình Thục. Ngay các dịp lễ, Tết, cúng ky của họ Ngô, toàn thể nhân viên cao cấp của chính phủ rất nhiều tướng tá ra Phú Cam để chầu hầu, ngoại trừ tôi. Tôi bị toàn thể anh em ông Diệm coi như cái gai phải nhổ, bọn Cần lao xem như kẻ thù nên nhất cử nhất động của tôi đều thường bị Cần lao báo cáo lại cho ông Nhu. Nếu không có ông Diệm bênh vực và thông cảm thì có lẽ tôi đã vào tù hay bị ám sát từ lâu rồi.Cho đến cuối năm 1958 và còn kéo dài thêm một năm nữa, chế độ Ngô Đình Diệm quả thật đã bước vào giai đoạn cực thịnh. Dù riêng cá nhân tôi có một thời gian bị bạc đãi, dù mầm mống độc tài đã bắt đầu xuất hiện, dù lực lượng Cần lao tàn độc đã manh nha khống chế sinh hoạt chính trị, và cuối cùng, dù nền dân chủ tối cần thiết để xây dựng sinh lực lâu dài cho quốc gia không được thực thi, những thành quả của chế độ trên mặt ngoại giao, kinh tế và xã hội cũng đã là những khích lệ lớn cho quần chúng tiếp tục tin tưởng ông Diệm, tiếp tục nhắm mắt bỏ qua những tội mà chế độ đã phạm phải.Nhưng những căn bệnh ấu trĩ của nền dân chủ này lại có sức tàn phá độc hại, khốc liệt sau này vì thành phần lãnh đạo đã không xem đó như những lỗi lầm cần sửa chữa ngay, trái lại anh em ông Diệm lại tin tưởng mãnh liệt rằng đàn áp đối lập, khuynh loát quân đội, áp bức chính trị, trung ương tập quyền vào gia đình và phe nhóm là những sách lược hiệu dụng để chống Cộng và bảo vệ quốc gia. Họ không biết rằng để đối đầu với cộng sản, sách lược trường kỳ và bảo đảm nhất là phát triển và khai dụng sinh lực của dân tộc, một nguồn sinh lực chỉ được khơi dậy bằng một sinh hoạt dân chủ, bằng đoàn kết dân tộc, nhất là trên mặt chính trị và đặc biệt trong giai đoạn qua phân đó của đất nước.Mỹ có yểm trợ, cộng sản Hà nội có đe doạ xâm lăng, đảng Cần lao có là bức tường đồng của chế độ thì cũng chưa đủ để bảo vệ chế độ chứ đừng nói đến bảo vệ miền Nam. Nếu không muốn nói rằng chính những yếu tố đó lại phá nát lực lượng quần chúng, tạo mâu thuẫn giữa chính quyền và nhân dân, giữa bộ phận dân tộc này với bộ phận dân tộc khác.Từ năm 1956 đến 1958, say sưa với những thành công ngoạn mục, lộng hành vì thái độ quảng đại của nhân dân, ông Diệm và chế độ gia đình trị của ông đứng trước bờ vực thẳm của lịch sử mà không biết, để từ đó về sau trở thành những kẻ đại tội làm nhơ uế chánh nghĩa dân tộc và làm suy nhược sức mạnh miền Nam.