6. NÓNG NẢY

1. Nhân định:
Nóng nảy (Sân): Là trạng thái mất bình tĩnh do bực bội khó chịu gây nên và thường khiến chúng ta phải đưa ra những phản ứng mạnh.
Trạng thái mất bình tĩnh thường có nhiều loại. Khi gặp điều gì vui mừng, chúng ta cũng có thể rơi vào trạng thái mất bình tĩnh. Nhưng mất bình tĩnh ở đây không phải do bực bội khó chịu nên không thành vấn đề, không gọi là sân.
Ví dụ, chúng ta đang ở chùa tu hành. Dĩ nhiên, vì mới tu nên ta chưa dứt được tâm luyến ái. Một hôm, nghe tin cha mẹ đến thăm, ta mừng quá, vội vàng chạy xuống, tay bắt mặt mừng. Đó cũng là trạng thái mất bình tĩnh, nhưng không phải do bực bội khó chịu nên không gọi là sân.
Hoặc do cố gắng học hành, rèn luyện, cuối năm ta được đánh giá cao, được khen thưởng. Nghe tin ấy, ta rất mừng và có những cử chỉ lúng túng, vụng về. Đó cũng là trạng thái mất bình tĩnh nhưng không gọi là sân.
Vậy, những tâm lý bực bội, khó chịu thường xảy ra khi nào?
Trước hết, tâm lý ấy xuất hiện khi chúng ta bị xúc phạm danh dự hay thân thể. Hay nói cách khác, khi ta bị đánh vào bản ngã. Nếu không đánh vào bản ngã, không xúc phạm tới bản ngã thì chúng ta không nổi sân. Nhưng như thế nào gọi là chạm tới bản ngã?ù Tùy theo cái mà ta chấp. Hễ chúng ta chấp tới mức độ nào đó mà bị người khác chạm tới thì lúc ấy gọi là bị chạm tới bản ngã và tự nhiên ta sẽ nổi sân.
Chẳng hạn, cái chấp căn bản của con người là chấp cái thân này là ta. Như vậy, ai xúc chạm tới cái thân này thì sẽ có vấn đề, sẽ làm cho mình nổi sân. Có nhiều trường hợp được coi là chạm tới cái thân này.
Ví dụ, mỗi ngày chúng ta đều soi gương hai ba lần và cảm thấy tự hào vì mình là hoa khôi của trường. Một hôm, bỗng dưng có người nhìn ta và cho rằng mặt ta trông hắc ám quá. Do chấp cái thân mỗi ngày như vậy nên khi nghe lời nhận xét, ta cảm thấy giận. Cái bực bội, khó chịu, cái cảm giác mất bình tĩnh cứ trào lên. Trạng thái ấy gọi là sân khi chúng ta bị lời nói xúc chạm đến thân mình.
Hoặc trong một lần tranh luận, ta bị người khác tát một cái vào má. Cái cảm giác bị tát đau vào má cũng là cảm giác bị xúc chạm vào bản ngã làm cho ta nổi cơn giận dữ. Trạng thái nổi sân do bị xúc chạm vào thân thể là cái chấp thô thiển nhất, căn bản nhất mà ai cũng gặp phải.
Nếu mỗi ngày chúng ta không ngồi thiền điều thân để thấy thân này là vô thường, hư ảo thì khi bị người khác xúc chạm, ta sẽ thấy khó chịu ngay. Ngược lại, nếu mỗi ngày chúng ta đều ngồi thiền điều thân, coi thân này là vô thường, hư ảo lâu ngày cho trở thành đạo lực, thì chúng ta sẽ không chấp thân, trong hòan cảnh nào cũng có thể bình thản được.
Có một cách chữa“nấc cục” theo kiểu dân gian rất hiệu quả. Đó là tìm cách làm cho người ta nổi giận, làm cho họ phản ứng mạnh, tự nhiên “nấc cục” sẽ biến mất. Có người áp dụng “mẹo” này để chữa “nấc cục” cho một Thầy trong chùa nhưng không có hiệu quả. Vì người tu hành không dễ dàng bị kích độïng. Có lẽ nhờ quá trình điều thân nên họ không mất bình tĩnh, không giận dữ trong bất kỳ tình huống nào.
Đức Phật thường dạy chúng ta ngồi quán tử thi để thấy cái thân này rồi sẽ chết, sẽù sình trương, mục tan chỉ còn lại xương không, rồi xương cũng thành tro, bay theo gió mất. Cái quán tưởng khi ngồi thiền là như vậy, chúng ta thấy rất rõ điều ấy nơi bản thân mình. Nhưng với tuổi trẻ, điều ấy sẽ hơi khó được nhận ra vì tuổi trẻ thường chấp thân. Người già hay bệnh hoạn ốm yếu dễ thấy cái thân này vô thường, tàn tạ; còn đang khoẻ mạnh, không phải ai cũng dễ dàng nhận ra điều ấy.
Chúng ta phải cố gắng bỏ chấp thân để rơi vào tình huống nào cũng giữ được thái độ bình tĩnh. Chẳng hạn, khi ra đường, nếu ai đó vô tình làm ta ngã xuống, ta vẫn bình thản, coi như không có việc gì xảy ra. Nếu thấy chúng ta đứng dậy, phủi bụi nhẹ nhàng và đi tiếp, người ta sẽ nể phục người tu mình hơn. Như vậy, đạo tâm của họ cũng tăng trưởng.
Đó là về thân thể, còn về danh dự? Danh dự là giá trị của con người. Thông thường, người ta có thể không chấp thân nhưng vẫn xem trọng giá trị, danh dự của mình. Người ta có thể chấp nhận cái chết nhưng không chấp nhận để cho danh dự bị xúc phạm. Ngày xưa, ở Nhật có một giai cấp gọi là võ sĩ đạo. Họ là những người rất trọng danh dự. Hễ danh dự không còn thì họ tự tử ngay lập tức. Chẳng hạn, trong một trận thách đấu, ai thua, người đó sẽ tự tử ngay vì họ cảm thấy nhục nhã khi danh dự không còn nữa. Có người kể rằng, vào những năm 60, tại Nhật có diễn ra một trận thi đấu bóng bàn trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng đưa vận dộng viên sang tham gia thi đấu. Sau khi thắng các nước khác, cầu thủ Việt Nam bắt đầu thi đấu với một cầu thủ người Nhật, người này vốn là vô địch thế giới về bóng bàn. Trận đấu diễn ra rất quyết liệt. Cuối cùng, đội Việt Nam thắng. Vận động viên người Nhật ấy đã tự mổ bụng chết ngay tại chỗ. Người Nhật trọng danh dự như vậy đó.
Vậy, người tu chúng ta có trọng danh dự không?
Trong đạo Phật có một hạnh là nhẫn nhục Ba-la-mật. Dù người ta có xâm phạm đến mức nào, chúng ta cũng không được giận. Có những trường hợp, không phải họ chỉ xúc phạm đến ta mà còn xúc phạm đến Thầy ta, đến cả Đức Phật nữa, chúng ta cũng phải nhẫn nhục. Nếu quá coi trọng danh dự, phản ứng một cách gay gắt khi bị xúc phạm thì chúng ta là người không nhẫn nhục.
Vì vậy, chúng ta phải sống rất đàng hoàng, giữ gìn giới luật, oai nghi tế hạnh; giữ gìn đạo đức, tác phong nghiêm chỉnh. Mỗi khi ra đường, chúng ta đều mặc áo dài. Thậm chí, khi đi khất thực cũng đi với một phong thái ung dung, không van xin hay cầu cạnh. Nghĩa là chúng ta rất trọng danh dự, luôn giữ phong cách đàng hoàng, không để người khác khinh thường. Nhưng nếu bị người ta xúc phạm mà vẫn không giận, không phản ứng có phải là chúng ta không coi trọng danh dự, không có liêm sỉ không? Và như vậy, vấn đề trọng danh dự đối với người tu hành như chúng ta phải hiểu thế nào cho đúng?
Thật ra, đặt vấn đề trọng danh dự hay không trọng danh dự là chúng ta đã bị cái vị kỷ chi phối, chỉ nghĩ về mình mà thôi. Nếu đứng trên lập trường vô ngã, chỉ vì chúng sinh thì chúng ta sẽ không đặt vấn đề trọng danh dự hay không. Như vậy, danh dự là một cái gì đó rất hão huyền. Người tu chúng ta không nên đặt vấn đề danh dự. Chúng ta đã không chấp ngã thì danh dự có nghĩa lý gì.
Tuy nhiên, dù không coi trọng danh dự nhưng chúng ta CŨNG cần phải giữ tư cách đạo đức nghiêm túc, chuẩn mực. Đó là vì lòng thương yêu tất cả chúng sinh, vì sự tín tâm của mọi người. Chúng sinh cần có Phật pháp để nuơng tựa, cần có ánh sáng để đi trong bóng đêm. Nhưng Đức Phật đã nhập Niết bàn, giáo pháp chỉ là lý thuyết, chỉ có chúng ta, những người xuất gia mới có thể thắp lên được ánh sáng cho họ, mới có thể làm cho Phật Pháp sống động giữa cuộc đời này.
Cho nên, dù người đời có chửi mắng, có xúc phạm đến mức nào chúng ta cũng phải nhẫn nhục. Chúng ta phải giữ tư cách, đạo đức, giữ sự đường bệ của mình ở mọi nơi, mọi lúc. Làm những điều ấy chúng ta hòan tòan không vì chính mình mà để chúng sinh có niềm tin với Đạo.
Bởi vậy, một khi không đặt mục tiêu hướng về chính mình mà hướng về chúng sinh, chúng ta sẽ không bị mâu thuẫn giữa cái gọi là nhẫn nhục trước sự xúc phạm của người khác với lối sống nghiêm túc, giữ gìn đạo hạnh.
Trường hợp thứ hai, tâm lý bực bội khó chịu xuất hiện khi tài sản bị xâm phạm.
Tài sản là cái chấp rất nặng của con người. Tại sao như vậy? Chúng ta biết rằng, mọi người, nhất là người đời làm nên đồng tiền rất vất vả. Họ phải đổi bằng mồ hôi nước mắt, quần quật suốt ngày này qua tháng khác mới kiếm được đồng tiền. Cho nên, họ rất quý tài sản đã gây dựng được. Chỉ có những người làm ra đồng tiền quá dễ mới không coi trọng nó. Bởi vậy, người nào xâm phạm đến tài sản của người khác, nhất là những cái mà họ chăm chút, yêu thương, là chạm đến bản ngã của họ và sẽ khiến họ nổi giận.
Ví dụ, chúng ta có một cái ly rất đẹp và hằng ngày luôn nâng niu. Một hôm, có người đến chơi, sơ ý làm rơi xuống đất, vỡ toang. Vì đó là cái ta rất quí nên chắc chắn ta không tránh khỏi sự tức giận.
Chúng ta quý cái gì nghĩa là cái chấp của ta đến mức đó nên dễ dàng nổi giận khi bị người khác xâm phạm cái đó. Bởi vậy, đã là người tu hành, chúng ta phải biết buông xả, từ bản thân cho đến tài sản, để nếu có bị xúc phạm, chúng ta không cảm thấy nặng nề. Người làm được như vậy là người có tâm tu tốt.
Chẳng hạn, khi nghe cuộc trò chuyện của hai Ni cô, chúng ta sẽ đánh giá được mức độ tu tập của họ. Trong lúc nói chuyện, một người than phiền:
-Gà hàng xóm cứ qua bới hàng rào của tôi, thật là phiền toái.
Cô kia bảo:
-Nó bới hàng rào chứ nó có bới gì mình đâu mà giận.
Qua phân tích lời nói của hai người, chúng ta thấy, cô thứ nhất chấp rằng tài sản của mình trải rộng từ nhà cửa, sân vườn, cây cỏ đến hàng rào. Cho nên, khi ai chạm đến những tài sản ấy là chạm đến bản ngã của cô. Còn cô thứ hai đã biết thoát ly dần dần tài sản nên cảm thấy việc đụng chạm đến hàng rào không liên quan đến mình. Đó là người có tâm tu tốt, tiến bộ.
Tóm lại, trong ba cái chấp của người đời, chấp thân và chấp tài sản là cái chấp thô thiển, ở mức độ thấp. Còn chấp danh dự là chấp ở mức độ cao hơn.
Người có liêm sỉ, có học thức thường coi trọng danh dự. Thâïm chí có người trọng danh dự hơn cả mạng sống, hơn cả tài sản của mình. Họ thà chấp nhận cuộc sống nghèo khổ chứ không bao giờ chịu xu nịnh, cầu cạnh người khác. Trái lại, người tầm thường không coi trọng đời sống tinh thần, nhiều khi không cần danh dự. Với họ, thân thể, tài sản là quí hơn tất cả. Đôi khi, vì tiền bạc vật chất, họ sẵn sàng chấp nhận luồn cúi, bất chấp sự xúc phạm của người khác.
Còn chúng ta, những người sống đời tu hành phải vượt lên ba điều chấp ấy. Mặc dù vẫn xác định rằng thân thể, tài sản không là gì đối với ta nhưng nếu không cẩn thận, không tu tập vững vàng, chúng ta cũng sẽ bị sự chấp thân và chấp tài sản ấy chi phối.
Ví dụ, đang đi trên đường bỗng dưng ta bị sụp chân một cái, ngãù rất đau. Ta sẽ rất khó chịu và phiền trách những người làm đường không cẩn thận, không lấp những chỗ đã đào làm cho ta ngã đau khi đi trong đêm tối. Chỉ khó chịu, phiền trách như vậy thôi nhưng rõ ràng ta đã bị chấp thân chi phối.
Còn về tài sản, nguời tu hành đương nhiên phải vượt qua. Nếu chúng ta không cẩn thận, không vượt qua được, thì chấp ngã sẽ rất nặng. Vì trong đạo Phật, Đức Phật đã dạy chúng ta không được tích lũy tài sản, tập sống một cuộc đời vô sản. Vì vậy, chấp tài sản sẽ làm cho chúng ta trở nên phàm tục. Theo luật Nhân Quả, không chấp chừng nào, chúng ta lại có chừng ấy. Nếu có của cải, tài sản chúng ta đem bố thí cho người khác thì khi cần, tự nhiên của cải lại đến với chúng ta. Đây là một điều rất lạ.
Có chuyện kể rằng, bên Thiên Chúa giáo có một vị Thánh tên là Don Bosco. Ông theo một dòng tu chuyên về giáo dục. Lúc ông đi tu, mẹ ông nói: Một ngày nào mà mẹ biết trong túi con có đến mười franc thì mẹ không nhìn mặt con nữa.
Ông là người rất thương mẹ. Vì vậy, trong suốt thời gian tu hành, ông không bao giờ dám giữ tiền vì sợ mẹ biết, mẹ sẽ từ bỏ. Khi có tiền, ông liền mang cho người khác. Vậy mà, tiền cứ mỗi lúc một phát sinh. Ông càng lớn lên, Đạo đức càng tăng trưởng. Vì một khi đã có hạnh bố thí thì các công hạnh khác cứ thế mở ra.
Ông vốn chuyên về giáo dục nên thường đưa những đứa trẻ lang thang, hư hỏng về nuôi nấng, dạy dỗ. Công lao của ông rất lớn. Một lần, ông có ý định xây một ngôi trường lớn để những đứa trẻ ấy có chỗ học hành đàng hòang. Tất nhiên, đó mới chỉ là ý định thôi vì ông không có sẵn tiền. Điều kì lạ là ý định chỉ mới nảy sinh, ông đã được một người đưa đến cho một xe tiền. Đó chính là cái phước có được do sự tích cực bố thí của ông.
Cứ thế, suốt cả cuộc đời lo cho chúng sinh và giáo dục cho mọi người những điều tốt đẹp, ông đã được phát thần thông. Ông có trực giác có thể đoán trước được nhiều việc. Sau này, con chiên đến xưng tội chỉ quỳ trước ông, chưa cần nói điều gì, ông đã biết tất cả. Khi ông qua đời, tòa Thánh Vatican đã phong Thánh cho ông, mở thành dòng Don Bosco đến bây giờ. Như vậy, nhờ phước bố thí mà ông đã được thù thắng.
Trường hợp thứ ba khiến tâm lý khó chịu, bực bội phát sinh là khi kẻ dưới không vâng lệnh.
Khi có chức quyền, chúng ta thường chấp địa vị của mình. Chấp địa vị có nghĩa là chúng ta luôn nghĩ rằng mình có quyền lực nên người dưới nhất thiết phải nghe theo, dù có khi người đó lớn tuổi hơn mình. Nếu họ không vâng lời, chúng ta cảm thấy mình bị xúc phạm vì nghĩ họ không tôn trọng chức vụ mà mình đang có. Trong khi đó, chúng ta đã xem chức vụ ấy là bản ngã của mình. Do vậy, khi người dưới không vâng lời, chúng ta thường nảy sinh tâm lý khó chịu và có khi nổi sân.
Ví dụ, khi có việc phải ra ngoài, chúng ta dặn đệ tử làm một việc gì đó. Khi trở về, việc vẫn chưa được tiến hành. Lúc đó, với tư cách là một người thầy, chúng ta cảm thấy mình bị xúc phạm và sẽ nổi giận. Đó là sự nổi giận do bị người khác xúc phạm đến địa vị, uy tín của mình.
Nhưng cần lưu ý một điều, dù giận chúng ta cũng phải bình tĩnh. Nếu nóng nảy, trách mắng đệ tử hết lời thì họ sẽ mất đi lòng kính trọng đối với Thầy mình. Chúng ta phải nêu gương tốt cho đệ tử. Nếu mình còn sân quá, làm sao giữ được lòng tôn trọng họ suốt cuộc đời. Như vậy, khi thấy một đệ tử làm điều sai trái hoặc không vâng lời, chúng ta phải xét lỗi đó từ tâm, phải bình tĩnh xét hỏi nguyên nhân gây nên lầm lỗi, đừng bao giờ chỉ dựa vào hành động mà trách mắng họ.
Đối với những trường hợp bướng bỉnh, không vâng lời hoặc thờ ơ không chú ý đến lời dặn của thầy, chúng ta phải coi đó là cái bệnh cần phải được sửa từ trong tâm. Đó là những người có đạo đức kém, sau này họ khó làm được việc lớn. Nghĩ như vậy, chúng ta mới tránh được sự nóng nảy, giận dữ. Người không biết tôn trọng vâng lời đã là sai, chúng ta giận dữ, nóng nảy lại càng sai, càng chứng tỏ là ta chấp chức quyền của mình nặng quá. Vì vậy, trong quá trình tu hành, nếu được giữ chức gì, chúng ta phải tác ý làm sao để khi gặp chuyện, chúng ta sẽ không chấp cái chức đó mà nổi sân.
Chẳng hạn, một người nào đó được bầu làm lớp trưởng, hay chúng trưởng. Người đó sẽ nghĩ rằng: mình có thể bị chấp bởi cái chức này, và khi đã chấp, nếu ai đó xúc phạm, mình sẽ bị sân. Hiểu như vậy, người ấy phải làm thế nào để đừng chấp?
Hãy nghĩ rằng, cái chức này là không có thật, cái thân này như cát bụi, cỏ rác. Đó là “câu thần chú” mà chúng ta nên luôn luôn tâm niệm. Khi đưa ra ý kiến, nếu gặp sự phản đối của người khác, chúng ta vẫn bình thản, từ tốn giải thích, thuyết phục họ. Dần dần rồi họ sẽ hiểu và lắng nghe ý kiến của ta. Nếu có gì nghiêm trọng, chúng ta lại thưa lên quý Thầy lớn. Đó là thái độ điềm tĩnh, đúng mực của kẻ tu hành.
Ngoài ba trường hợp ấy, còn có trường hợp khác cũng làm nảy sinh tâm lý bực bội, khó chịu. Đó là trường hợp bị người khác cướp ngang lời nói hoặc phủ nhận ý kiến.
Ý nghĩ, tư tưởng là cái ta của mỗi người. Đa số chúng ta đều chấp như vậy. Cho nên, ai cướp ngang lời hoặc phủ nhận ý kiến là chạm đến bản ngã của ta. Lúc ấy, không phải đơn giản là ý kiến bị phủ nhận mà danh dự của ta cũng bị xúc phạm. Chính sự xúc phạm đã đó khiến ta nổi sân. Tục ngữ Việt Nam có câu “cướp lời cũng như cướp của” cũng chứng tỏ quan điểm này.
Tóm lại, khi nào bản ngã và những cái chấp thuộc về bản ngã (tức ngã sở) bị xâm phạm, bị xúc phạm thì chúng ta sẽ nổi sân.
2. Thái độ và phân loại:
a) Thái độ:
Người nổi giận thường có nét mặt dữ dằn, lời nói to, hành động thô bạo. Có khi quá giận, người ta còn nói tục, chửi thề. Các triết gia còn cho rằng, người nóng là người ngu, người điên vì trong lúc nóng giận, họ thường có những quyết định sai lầm, những hành động liều lĩnh, không suy xét đúng sai. Sự giận dữ có thể làm mất tư cách của con người.
Kinh Phật có nói rằng: Người nào hay nổi sân thì kiếp sau sẽ trở thành xấu xí. Câu nói của Đức Phật nghiệm ra thật chí lý. Bởi khi giận dữ, tất cả vẻ xấu xí của chúng ta đều hiện ra bên ngoài: mắt trợn, mặt nhăn, miệng gầm gừ…. khiến cho người khác kinh hãi. Kiếp sau điều ấy sẽ trở thành cố định, hay gọi là quả báo. Trong cuộc sống hiện tại, nhìn gương mặt ai xinh đẹp, chúng ta sẽ nghĩ đời trước người đó hiền lành, nhân hậu. Còn những người có vẻ dữ dằn, xấu xí có thể là do đời trước họ hay nổi sân, ánh mắt giận dữ đã rớt tới đời này.
Nhìn thái độ biểu hiện bên ngoài, tưởng chừng những người hay giận dữ có một bản tính mạnh mẽ, nhưng thực chất, họ có một nội tâm yếu ớt. Vì tâm và thân vốn ngược nhau. Người có thân mạnh là người làm được nhiều việc, hăng hái, năng nổ nhưng tâm chưa hẳn đã mạnh. Tâm mạnh là tâm trầm tĩnh, không dễ dàng bị kích động.
Trong giao tiếp, chúng ta thấy người nào không biết giận, gặp việc gì cũng trầm tĩnh, người đó rất đáng sợ vì bên trong họ tiềm tàng một năng lực tinh thần rất lớn. Những người ấy rất có bản lĩnh. Nếu là người tốt, họ có thể được ví với Thánh, nếu là người xấu, sự hiểm độc của họ thật khôn lường. Ngược lại, những người hay nổi nóng thường có vẻ ngoài dữ dằn nhưng không đáng sợ.
Người tu hành thường không có mưu mô, hiểm độc, nhưng cũng không được phép sân. Vì sân là biểu hiện của sự yếu đuối trong tâm hồn. Vì vậy, cần lưu ýmột điều, trong chúng nếu người nào còn sân, chúng ta không nên cho làm việc Đạo một mình. Vì tâm hồn họ còn yếu đuối, nhu nhược, dễ xảy ra sai sót. Những người bình thản trước mọi việc, gặp chuyện không sân, gặp của không tham là người có thể làm việc Đạo một mình mà không sợ xảy ra sai sót. Đây là kinh nghiệm quý báu rất cần trong việc dạy đệ tử sau này.
Người trầm tĩnh là người có thể tin tưởng được. Đó là lý do tại sao trong cuộc sống, người trầm tĩnh, không nóng giận luôn luôn được ngợi ca, quí mến.
Trong đạo Phật, sự bình thản không nổi nóng là dấu hiệu của một công phu tu hành chín chắn. Yêu cầu không nổi sân đối với người tu hành rất cao.Vì nổi sân là biểu hiện của sự tu tập không kỹ lưỡng, công phu không vững vàng. Nhưng vượt qua cái sân không phải là điều dễ dàng. Chúng ta phải vào được sơ thiền, phá được năm triền cái mới vượt qua được cái sân. Năm triền cái đó là gì?
-Thứ nhất là tham ái, (hay là tham)
-Thứ hai là sân.
-Thứ ba là thùy miên.
-Thứ tư là trạo cử (hay là trạo hối).
-Thứ năm là nghi.
Khi học về Thiền, chúng ta sẽ phân tích kỹ từng vấn đề. Trong năm triền cái, chúng ta cần hiểu rõ hơn một chút về trạo cử. Trạo cử tách ra khỏi trạo hối nghĩa là hay máy động tay chân. Người không chững chạc, hay nhúc nhích cử động, hay hấp tấp gọi là trạo cử. Người tu thiền đến mức vào được sơ thiền sẽ thấy khoan thai, điềm tĩnh, thư thái ung dung, không còn trạo cử (hấp tấp) nữa.
Liên quan đến vấn đề này, chúng ta cần hiểu thêm về sự hối hận. Hối hận thường có ba loại:
- Một, là hạng người phàm phu không biết hối hận. Đó là những người phàm phu, không biết tội phước nên khi đã lầm lỗi, vẫn không tỏ ra hối hận.
-Hai, là người biết tu tập, biết tội phước nhân quả, khi lầm lỗi họ biết hối hận về những gì mình đã gây nên.
-Ba, là người tu có tiến bộ. Những người này dù biết rất rõ nhân quả tội phước nhưng khi lầm lỗi vẫn không hối hận. Đây là trường hợp của người đã vượt ra được cái trạo hối. Khi tâm đã vào được định sơ thiền, nếu phạm phải sai lầm, họ biết rất rõ điều đó và biết rõ nhân quả tội phước mà vẫn không hối hận. Không hối hận nhưng không bao giờ họ tái phạm. Quyết tâm không tái phạm lỗi lầm của họ rất mạnh. Điều đáng nói ở đây là những người này khi đã phạm phải sai lầm, tâm họ bình an, không bị ray rứt bởi lỗi lầm nhưng họ không bao giờ tái phạm. Đó là sự khác biệt giữa họ với hạng người phàm phu, không hối hận vì không biết nhân quả tội phước, và cứ thế, tiếp tục mắc phải lỗi lầm.
Để chứng tỏ là người tu tốt, tu có tiến bộ, chúng ta không bao giờ nổi sân. Không nổi sân là kết quả của công phu Thiền định vững chắc. Nhưng đa phần, vì không chú trọng đến công phu Thiền định, không quyết tâm phá được triền cái để vào được sơ thiền, chúng ta có thể bị nổi sân mỗi khi gặp chuyện trái ý. Người đã vào được sơ thiền, sân sẽ không còn nữay1gặp bất cứ chuyện gì, họ vẫn không hề nổi giận. Nói không hề nổi giận có nghĩa là không còn một chút bực bội nào nữa dẫu chỉ là một hạt bụi nhỏ. Khi đạt đến mức độ như vậy, họ thực sự đã vượt qua được cái sân. Hay nói cách khác, đây là cái không sân đã đạt đến mức lý tưởng của người có tu tập Thiền định.
Chúng ta cần phải hiểu rằng, giữa tứ thiền và tứ quả có sự khác nhau. Trong tứ thiền, chỉ cần vào đến sơ thiền, chúng ta đã vượt qua được sân. Còn trong tứ quả của Sa môn, phải vào đến nhị quả, người tu hành mới bắt đầu bớt được sân, và đến tam quả mới dứt được sân. Vì vậy, ở mức độ ban đầu, tứ thiền cao hơn tứ quả và sơ thiền cao hơn sơ quả.
b) Phân loại:
Sân thường có nhiều loại. Chúng ta cần phân biệt bốn trạng thái tâm lý của sân: Nổi nóng, hung dữ, thù hận và giận hờn.
Những trạng thái này có những điểm tương đối giống nhau. Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp một trạng thái tâm lý nữa là ác độc. Nhưng ác độc không thuộc về sân nên chúng ta không đề cập ở bài này.
Trong bốn trạng thái trên, nổi nóng là trạng thái đơn giản nhất và rất dễ gặp. Đó là cái sân bất ngờ, là trạng thái mất bình tĩnh khi gặp chuyện trái ý, khiến ta nhất thời có những phản ứng vụng về.
Hung dữ là thái độ mạnh mẽ dễ xúc phạm người khác. Đó là trạng thái tâm lý tương tự như sân nhưng bản chất không phải là sân. Người hung dữ là người có cá tính mạnh, có tinh thần mạnh mẽ nên thường làm cho người khác phải sợ. Mỗi khi xảy ra chuyện, thần sắc của họ, cử chỉ, lời nói của họ tỏ ra hăm dọa, đè bẹp tinh thần và ý chí người khác, làm cho người ta phải sợ hãi. Người hung dữ cũng dễ tạo nên nghiệp. Có khi, vì hung dữ, họ có những nhục hình đối với người khác.
Sự nóng nảy và hung dữ rất gần nhau. Cả hai đều là thái độ phản ứng mạnh. Nhưng hung dữ có kèm theo tâm ác độc, muốn hại người. Người hung dữ thường xúc phạm người khác bằng cách chửi mắng thậm tệ, có khi đánh đập, thậm chí có thể giết người nữa. Mặc dù bên ngoài, có khi người hung dữ rất bình thường, không biểu lộ cái sân, nhưng bản chất của họ vẫn là tàn nhẫn.
Một câu chuyện có thật xảy ra, đến nay vẫn còn làm nhiều người bàng hoàng mỗi khi nhắc lại. Đó là chuyện giết bạn của một thanh niên. Người thanh niên ấy là người Hải Phòng. Vì có sự gây gổ, xích mích với một người bạn, anh ta vác dao đi tìm người đó để giết. Người kia biết được nên trốn biệt. Tìm hoài không được, anh ta bực bội bỏ vào quán cà phê ngồi uống nước, tình cờ gặp một người bạn. Người này hỏi: Mày đi đâu vậy?
-Tao đi tìm thằng đó để đâm chết nó!
-Tướng mày mà đâm ai! Tao đây mày có dám đâm không?
Người bạn nói vừa dứt lời, anh ta rút dao đâm ngay vào bụng bạn mình.
Khi hành động giết người, rõ ràng anh ta không sân, cũng không giận hờn gì người kia cả. Nhưng vốn có bản chất hung dữ, nên anh ta dễ bị kích động, có thể hành động một cách tàn nhẫn.
Đối với những người tàn bạo, sự ác độc biểu hiện ngay ở việc dùng nhục hình với người khác. Nhiều khi sự ác độc, tàn nhẫn không bộc lộ ở thái độ bên ngoài nhưng lại gây nên đau khổ tột cùng cho người khác. Ví dụ như những lời vu khống hoặc nói xấu, chúng không hề đơn giản. Đó cũng là biểu hiện của sự tàn nhẫn, ác độc.
Thù hận cũng là giận ghét nhưng nuôi dưỡng lâu dài sự buồn bực và có ác tâm muốn trả thù. Tâm thù hận gây nên nghiệp rất lớn. Chúng ta biết rằng, tư tưởng đời này sẽ tạo ra nhân cách ở đời sau. Mỗi một ý nghĩ ở đời này đều tạo thành con người của chúng ta ở đời sau. Bởi vậy, trong hiện tại, nếu để tư tưởng thù hận kéo dài thì đời sau, chúng ta sẽ trở thành một con người hay chấp, hay thù hận. Một khi đã có lòng hận thù, chúng ta sẽ tìm mọi cách để hại người.
Trong cuộc sống, có những trường hợp xảy ra rất đơn giản. Nhưng nếu có bản chất thù hận, người ta sẽ nuôi dưỡng nó và chờ cơ hội trả thù. Cứ như vậy, oán thù sẽ chồng chất trên cuộc đời này. Điều đó thật nguy hiểm.Vì vậy, chúng ta không nên nuôi tâm thù hận. Với người tu hành, trái tim càng không có chỗ cho lòng hận thù ngự trị.
Ở đây phải lưu ý một điều, thù hận khác với nổi nóng. Nổi nóng chỉ là trạng thái tâm lý xảy ra nhất thời, sau đó chúng ta không giận nữa. Còn thù hận thường kéo dài nên mỗi khi nghĩ đến là chúng ta cảm thấy giận, thấy ghét. Nếu có ai hỏi về người mà chúng ta đang thù hận, chúng ta lại muốn nói xấu người đó, đó là dấu hiệu chắc chắn chúng ta đang nuôi một mối thù hận với họ. Sự giận ghét kéo dài quá lâu sẽ biến thành thù hận. Người đời có mối thù lớn, thường gây nên nghiệp lớn. Người tu hành không có tâm lý thù hận, nhưng ở mức độ nhẹ vẫn còn để buồn giận kéo dài. Chúng ta phải quan sát kỹ để tự hóa giải, không được nuôi dưỡng nó.
Giận hờn là sự buồn bực ở mức độ nhẹ, có khi kéo dài nếu người mình có tình cảm không làm vừa lòng mình. Tâm lý giận hờn thường gặp ở phụ nữ. Đối với nam giới, giận hờn chỉ xuất hiện trong những mối quan hệ tình cảm sâu sắc hơn( tình yêu nam nữ chẳng hạn). Vì có liên quan đến tình cảm nên giận hờn không phải là vấn đề nghiêm trọng.
Như vậy, người phàm phu dễ bị cả bốn tâm trạng đó chi phối. Trong bốn tâm lý đó, người tu hành có thể còn bị nổi nóng và giận hờn. Tâm lý thù hận và hung dữ chúng ta rất ít gặp. Nhưng nếu không kiểm soát tâm kỹ, chúng ta vẫn bị nó chi phối. Tuy nổi nóng và giận hờn là hai mức độ nhẹ nhưng chúng ta cũng phải cố gắng vượt qua vì những điều đó làm cho người tu hành bị giảm đạo lực và tổn phước. Bởi vậy, lúc nào chúng ta cũng phải trầm tĩnh, buông xả không giận hờn.
Trường hợp trong chúng có nhiều người, nhưng ta chỉ thương yêu đặc biệt một người. Nếu người đó làm điều gì không vừa ý ta là ta giận. Tình cảm như vậy hẹp hòi quá. Tình cảm hẹp hòi cũng làm ta dễ xao động giận hờn.
3. Nhân quả:
Chúng ta thường nghe: Một chút lửa sân đốt tan cả rừng công đức. Trong cuộc sống, chúng ta làm phước rất nhiều, nhưng chỉ vì một lúc nổi sân, làm một việc quá đáng, gây thành cái tội, bao nhiêu phước chúng ta đã làm cũng trở nên vô nghĩa.
Ví dụ, có một người không biết giận điều gì, châm lửa đốt nhà. Hậu quả là không chỉ nhà ông cháy mà mấy chục căn nhà bên cạnh cũng hóa thành tro bụi. Chỉ một chút nóng giận, người ấy đã gây nên nghiệp quá lớn. Bản thân kẻ đó không biết tạo phước, lại gánh thêm tội nặng vì đã làm cho bao nhiêu người rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất, họ phải trả nợ ấy cho đến kiếp nào mới xong? Sự giận dữ có thể gây nên hậu quả rất nghiêm trọng, bởi vậy, chúng ta phải hết sức cẩn thận, phải biết kiềm chế bản thân mình.
Có khi chỉ một lời nói ác, chúng ta cũng làm mất hết công phu tu tập từ lâu. Đó là trường hợp buông những câu thề, những lời nguyền rủa xúc phạm đến người khác trong khi bực bội.
Có một người mới xuất gia, khi nói về lý tưởng tu hành của mình, người ấy thề rằng: Vào chùa tu mà hoàn cảnh không đàng hoàng là quay về liền. Đúng ra, người ấy không nên nói như vậy mà phải thề rằng:
-Dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào, mình cũng phải giữ vững lòng tu.
Những người như vậy không tu được bao lâu. Đúng là sau đó người ấy đã hoàn tục theo lời thề không hay đó.
Có trường hợp, vì giận hờn chúng ta bỏ ngang những công đức mà mình đang theo đuổi, có nghĩa là quả báo lành ở vị lai cũng sẽ gảy ngang. Trong khi đó, trong đạo Phật của chúng ta, hạnh nguyện nào cũng phải đạt đến vô lượng, vô biên, đến tuyệt đối. Tu theo đạo Phật là chúng ta đi tìm cái tuyệt đối, đi tìm cái vô lượng vô biên ấy. Tích lũy phước cũng vậy. Chúng ta phải tích lũy đến khi không còn giới hạn nữa, phải đi tìm mãi hết kiếp này sang kiếp khác, đừng bao giờ cho là đủ.
Nếu đang làm việc tốt, vì một phút giây nóng nảy, giận dữ mà chúng ta không tiếp tục nữa là chúng ta đã ngừng lại công đức, đã không đi đúng con đường của Phật pháp. Phật được xưng tụng là lưỡng túc tôn, phước và huệ là vô biên. Đi trên con đường của Ngài, chúng ta cũng phải đi đến vô cùng, làm việc gì cũng phải làm đến viên mãn, đến không còn giới hạn.
Ví dụ, có một người làm việc trong Hội từ thiện. Do bất đồng, gây gổ với các hội viên, người đó không làm nữa. Điều này cũng có Nhân quả ở kiếp sau. Ứng với thời gian làm việc từ thiện, người ấy được hưởng một đoạn đời vinh quang, sung sướng. Sau đó, tự nhiên tất cả sụp đổ, họ trở lại làm một người nghèo khổ bình thường. Điều này ứng với thời gian người ấy giận dữ, bỏ ngang không làm việc thiện nữa. Bởi khi bỏ việc giữa chừng, họ đã gây ra không ít khó khăn cho người khác. Những gì họ làm quen, mọi người phải vất vả làm lại từ đầu.
Có một Phật tử làm trong ban hộ tự cho một ngôi chùa nhỏ tại một vùng quê. Một lần, vì cãi cọ bất đồng với mọi người, anh ta không đến chùa, không lo cho chùa nữa. Thấy vậy, có người khuyên anh không nên xử sự như thế. Vì nếu anh sân, bỏ công việc của chùa thì kiếp sau sự nghiệp của anh đang thành công nửa đường sẽ bị gãy đổ. Người Phật tử phải biết nhẫn nhục để thực hiện trọn vẹn công đức của mình.
Trong quá trình làm phước, không phải lúc nào chúng ta cũng gặp thuận lợi. Bởi vậy, người làm công đức phải bền tâm, kiên trì. Nhiều khi chúng ta muốn làm phước nhưng có rất nhiều khó khăn trở ngại. Trong đó có cả sự công kích chống đối, hạ nhục của người khác. Nhưng như đã xác định từ đầu, chúng ta không coi trọng danh dự bản thân mà chỉ coi trọng lợi ích của người khác. Do đó, dù gặp trở ngại, ta vẫn phải nhẫn nhục chịu đựng, vượt qua để làm trọn vẹn công đức mà mình đang theo đuổi.
Việc giảng pháp cũng vậy. Mặc dù những điều được giảng đều có ích cho người nghe, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng gặp thuận lợi. Có khi chúng ta gặp sự chống đối quyết liệt của người khác. Thậm chí, có người còn tìm ra đủ âm mưu, kế hoạch để ngăn cản. Tất nhiên, cũng có người bênh vực, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải chịu đựng để tiếp tục giảng. Bởi chúng ta biết rằng, những người nghe giảng sẽ được lợi ích, sẽ tiến bộ. Trừ trường hợp cái duyên hoàn toàn không thuận lợi, chúng ta có thể tạm ngưng, đừng bao giờ vì tự ái mà bỏ công việc nửa chừng.
Lúc nào cũng vậy, để theo đuổi công đức, chúng ta phải rất bền tâm, vững chí, không được yếu đuối. Nói rằng người hay nổi sân là người yếu đuối, chính là như vậy. Một khi đã yếu đuối, chúng ta sẽ không làm được công đức lâu dài.
Thật ra, mức độ nguy hiểm của việc nổi nóng không lớn. Nhưng về mặt nhân quả, sự nóng giận của chúng ta sẽ làm mất niềm tin nơi Phật tử, khiến họ bất mãn. Có những Phật tử rất khắc khe trong việc đánh giá, luôn đòi hỏi chúng ta phải có đạo đức vững chắc. Nếu lúc nào đó, tình cờ nghe chúng ta nổi giận cãi nhau, những Phật tử dễ dãi chỉ than phiền, nhưng những người khắc khe sẽ mất niềm tin và dần dần không đến chùa nữa.
Có một chuyện đơn giản thôi nhưng vì không biết kiềm chế nên người tu chúng ta đã làm mất niềm tin và sự kính trọng của Phật tử. Đó là chuyện hai Thầy ở chung một cái cốc vì một chuyện nhỏ đã nổi sân. Một người rất thích đọc sách, lúc rảnh rỗi thường mượn sách người kia đọc. Một hôm, phát hiện trong tủ, ngoài kinh Phật còn có một vài cuốn tiểu thuyết, nghĩ rằng người kia không đọc nên người này đã tự ý đem những cuốn sách ấy ra nhóm lửa. Người kia về giận dữ, người này cũng bực bội, nổi sân và gằn giọng: “ Tôi không đọc sách của thầy nữa”. Ngay lúc đó, một cư sĩ đứng gần chứng kiến được sự việc nên rất bất mãn. Từ đó, ông không bao giờ đến cốc nữa.
Chính vì vậy, vì thương yêu chúng sinh, để giữ tín tâm và sự tinh tấn cho họ, chúng ta phải cố gắng giữ bình tĩnh, không được nổi sân dù trong bất kỳ tình huống nào.
4. Nguyên nhân:
Có nhiều nguyên nhân làm nảy sinh tâm lý nóng nảy:
Nguyên nhân chính là do chấp ngã nặng. Cái gì chạm đến bản ngã của ta, đều làm ta khó chịu và dễ nổi sân.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là do tâm kiêu mạn. Kiêu mạn luôn luôn gây ra nóng nảy.
Nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là do nhiệt tình làm điều tốt, nhiệt tình bảo vệ điều thiện. Những người nhiệt tình làm điều tốt, bảo vệ điều thiện cũng dễ có thái độ nóng nảy.
Chẳng hạn, vì nhiệt tình bảo vệ môi trường, ủng hộ việc bảo vệ rừng nên khi nghe tin có nạn phá rừng, chúng ta sẽ rất căm phẫn, căm phẫn những người đang tiêu diệt sự sống của trái đất. Hoặc nghe chuyện người ta đi săn cá voi, chúng ta cũng nổi giận. Vì cá voi là một loài linh vật, có trí tuệ rất kì diệu mà đúng ra con người phải bảo vệ.
Có lúc, chúng ta tỏ thái độ bất bình, khinh bỉ khi nhìn thấy những người giàu có, sang trọng ngồi trên xe hơi mà vứt rác bừa bãi xuống đường một cách thiếu văn hóa… Đó là trạng thái sân xảy ra do nhiệt tình bảo vệ cái tốt.
Chúng ta phải có ý thức giữ văn hóa, văn minh tối thiểu khi ra đường: không vứt rác bừa bãi; gặp đèn xanh, đèn đỏ, phải dừng lại nơi vạch trắng, không được vượt qua….Những người tu hành tỏ ra sốt ruột, đứng vượt qua vạch trắng trong khi chờ đèn đỏ hoặc vứt rác bừa bãi khi ra đường sẽ khiến người ta nghi ngờ về Giới luật. Đó là người không giữ kỷ cương, nề nếp. Những việc đó tuy nhỏ nhưng thuộc về văn hoá, chúng ta phải luôn có ý thức giữ gìn.
Một ví dụ khác, trong chùa, một người được phân công làm hương đăng, dọn dẹp chánh điện, lau quét tượng Phật. Để biểu lộ lòng tôn kính Đức Phật, lúc nào người ấy cũng lau quét rất sạch sẽ; chăm hoa, thắp hương,thắp đèn… cẩn thận. Nhưng một hôm, một Huynh đệ vô ý băng ngang qua chánh điện và để lại những vết chân bẩn. Dù có tâm rất tốt nhưng người ấy vẫn giận sôi lên. Đó cũng là trường hợp nổi nóng do nhiệt tình làm điều tốt.
Hoặc có khi chứng kiến cảnh người khác chửi mắng Thầy, chúng ta không chịu nổi liền phản ứng lại một cách gay gắt. Bởi Thầy là người có đạo hạnh, nuôi dạy chúng ta từng li từng tí. Đối với cuộc đời chúng ta, ngoài cha mẹ ra, Thầy là tất cả. Vì lòng tôn kính Thầy, chúng ta làm như vậy để bảo vệ Thầy là việc làm đúng đắn. Nhưng không biết kiềm chế, để nổi giận là chúng ta đã bị sân chi phối.
Như vậy, người tu chúng ta cần phải khéo léo tách rời sân và sự nhiệt tình. Rất nhiệt tình làm điều thiện, rất nhiệt tình bảo vệ điều tốt nhưng chúng ta không được nổi sân. Đây là điều rất khó mà chúng ta phải cố gắng thực hiện cho bằng được.
Để làm được điều đó, chúng ta phải xác định cái sân ấy có nguồn gốc từ đâu. Phải chăng, nó xuất phát từ chỗ chúng ta ghét người ác, người xấu, người bất thiện? Hiểu được nguồn gốc gây nên sân, trong từng trường hợp chúng ta sẽ có những cách ứng xử đúng mực.
Chẳng hạn, vì thiết tha trong việc bảo vệ rừng cho trái đất này nên chúng ta phạm một lỗi là căm ghét những người phá rừng. Ở đây, cần phải tách hai thái độ này ra. Nghĩa là chúng ta rất nhiệt tình bảo vệ rừng nhưng nguyện không còn ghét họ nữa. Nếu có dịp, chúng ta phải lên tiếng để bảo vệ rừng. Đối với những người si mê không biết tội phước, tiếp tục phá rừng thì chúng ta xót thương cho họ, vì họ đã làm điều lầm lỗi.
Vấn đề giết cá voi cũng vậy. Rất nhiệt tình bảo vệ loài cá voi, chúng ta lên tiếng nói, nhưng trong thâm tâm, chúng ta không giận, không ghét người giết cá voi mà thương xót cho họ…
Khi nhìn thấy người khác xả rác bừa bãi ngoài đường phố, chúng ta nhiệt tình bảo vệ văn minh đường phố nhưng không giận ghét, cũng không tỏ ra khinh bỉ. Những thái độ khinh bỉ, hay giận ghét đều làm cho chúng ta rơi vào bất thiện pháp.
Truờng hợp lau dọn chánh điện mà Huynh đệ mình để vài vết chân bẩn lên đó thì chúng ta nên nhiệt tình, lấy khăn lau lại. Đối với những người xúc phạm đến Đức Phật, đến những bậc Thầy tôn kính, chúng ta nên nhớ một điều: Nếu Phật còn tại thế, người ta chửi trước mặt Ngài, Ngài cũng không giận. Thầy chúng ta cũng vậy, chắc chắn Người cũng không giận khi bị xúc phạm. Vậy tại sao chúng ta lại giận? Bởi vậy, chúng ta cũng không nên giận dữ, chỉ xót xa cho người không biết đã xúc phạm bậc tu hành chân chính mà thôi.
Có một Thầy trưởng chúng luôn theo công thức riêng của ông như hai với hai là bốn vậy. Ông quan niệm: “Hễ còn sân tức là còn si mê”. Mà với ông, si mê đồng nghĩa với tham ái. Bởi vậy, lúc nào ông cũng cảnh giác chúng về mặt này. Ông thường thử xem quý thầy còn nổi sân hay không bằng cách kích động, chửi mắng. Người nào bị ông kích động mà nổi sân là ông kết luận người ấy còn tham ái. Chuyện nghe có vẻ lạ nhưng đó cũng là cách để chúng ta cảnh giác, ai còn hay nổi sân phải cẩn thận.
Một nguyên nhân khác làm cho mình nóng nảy là Nhân quả chê bai, chỉ trích người nóng tính. Trước đây, chúng ta tự hào mình tu hành chững chạc, trầm tĩnh nên thường chê bai người nóng tính. Chúng ta biết rằng, theo Nhân quả, nếu chê bai, chỉ trích người, chúng ta sẽ bị quả báo phạm đúng những điều đó. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ trở thành người nóng nảy. Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta đừng bao giờ chỉ trích lỗi của người khác. Nếu biết người khác có lỗi, chúng ta chỉ nghĩ đến lòng thương xót mà thôi. Vì những điều chúng ta chê bai, coi thường ấy sẽ trở lại với chính mình.
5. Tu tập:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nóng nảy. Mỗi người chúng ta phải xem mình rơi vào nguyên nhân nào để tìm cách khắc phục.
a) Trường hợp tâm dễ xao động, dễ mất bình tĩnh:
Chúng ta phải tập tọa thiền, kiểm soát tâm, giữ tâm yên tĩnh từng giây, từng phút.
Khi ngồi thiềøn, chúng ta tập kiểm soát tâm, lúc nào cũng theo dõi kiểm soát tâm mình. Và khi bước vào giai đoạn kiểm soát tâm, trong cuộc sống, làm bất cứ việc gì chúng ta cũng chỉ biết có tâm thôi. Đó là thiền định. Đây là điều rất lạ, lúc ấy chúng ta không còn để ý tới công việc mà chỉ để ý tới tâm mình, nhưng công việc lại tự nhiên suôn sẻ.
Khi phá được năm triền cái, sắp đạt được sơ thiền thì sân sẽ mất. Như vậy, tâm chúng ta dễ nhẫn nhục, không còn nổi nóng nữa. Sau này, đến môn thực tập thiền quán, chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này.
b.Trường hợp tâm kiêu mạn:
Chúng ta phải tu tập hạnh khiêm hạ, lúc nào cũng xem mình như cỏ rác, như cát bụi. Cần lưu ý nhất là khi chúng ta bắt đầu thành công, có quyền chức, địa vị, được nhiều người tôn kính. Đó chính là lúc tâm kiêu mạn xuất hiện, chúng ta dễ rơi vào bẫy nổi sân.
Thông thường, khi có nhiều người tôn trọng, nhiều người vâng lời, ca ngợi, chúng ta cảm thấy mình là người quan trọng, lời nói của mình là chân lý, và lúc đó ai nói ngược lại ý mình, mình sẽ nổi sân. Như vậy, chúng ta đã trở nên kiêu mạn. Thử nghĩ, chúng ta đang là biểu tượng của Đạo đức, của sự từ bi, nhẫn nhục, trầm tĩnh, bây giờ tự nhiên nổi sân, người ngoài sẽ đánh giá như thế nào. Đây là điều rất đáng lo sợ. Mỗi người chúng ta phải có ý thức tu tập tâm khiêm hạ để góp phần diệt trừ sân hận.
b) Trường hợp do nhiệt tình với điều thiện:
Vì nhiệt tình với điều thiện, chúng ta trở nên nóng nảy, nhưng dù nóng nảy, cũng phải tiếp tục làm điều thiện. Nhiều điều thiện sẽ tạo nên phước để chúng ta tăng trưởng đức hạnh. Điều quan trọng là phải cố gắng tách riêng nhiệt tình và nóng nảy. Rất năng nổ làm điều thiện, bảo vệ điều thiện, nhưng chúng ta phải trầm tĩnh khi công việc không dược suôn sẻ hoặc bị người khác chống đối, không ghét bỏ người làm điều lầm lỗi.
c) Trường hợp do nhân quả khen chê:
Khi đã cố gắng sửa đổi mà vẫn không hết nóng nảy, chúng ta phải nghĩ là đời trước mình đã từng chê ai đó nóng nảy. Bây giờ, chúng ta phải làm ngược lại, nghĩa là phải biết khen ngợi những người trầm tĩnh.
Trong mười hạnh Phổ Hiền có câu: “Nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai”. Xưng tán Như Lai là ca ngợi Đức Phật, cũng có thể hiểu là ca ngợi các bậc Thánh. Khi ca ngợi tất cả ưu điểm của các Ngài, dần dần chúng ta sẽ có những ưu điểm đó. Nhân quả là vậy. Cho nên, chúng ta phải biết lợi dụng nhân quả để rèn luyện đức hạnh, vượt qua những sai lầm của mình, ở đây là vượt qua cái sân.
Đối với những người nóng tính, chúng ta cũng không chê bai hay chỉ trích mà trong thâm sâu, chúng ta âm thầm cầu nguyện cho họ được trầm tĩnh lại. Khi chúng ta cầu nguyện như vậy, họ sẽ được tốt âm thầm trong tâm linh, và dần dần trầm tĩnh. Nhưng điều tuyệt vời là có khi người ta chưa trầm tĩnh, chúng ta đã đạt điều đó trước họ. Đó là Nhân quả. Khi muốn người khác làm điều tốt và cầu nguyện điều tốt cho người khác thì tự nhiên chính chúng ta đã được hưởng điều tốt đó.
Trường hợp lỡ nổi sân, phải thành tâm sám hối trước đại chúng. Khi lỡ nổi nóng, chúng ta phải ra trước đại chúng mà sám hối. Có như vậy, chúng ta mới dừng lại được, không tiếp tục phạm lỗi nữa.
Có câu chuyện về một bậc chân tu mà chúng ta cần phải học hỏi. Người đó thật tuyệt vời, đức hạnh như một bậc Thánh. Quanh năm, suốt tháng người ta thấy ông chẳng bao giờ lầm lỗi hay phiền não điều gì. Một lần, sau khi cùng làm việc với các Huynh đệ, buổi trưa ông y áo ra quả đường đảnh lễ đại chúng xin sám hối. Ai cũng ngạc nhiên không hiểu chuyện gì. Thì ra, trong lúc làm việc có chuyện trái ý, trong lòng ông nổi sân lên. Tất nhiên, không ai biết ông nổi sân, vì không bao giờ ông lộ ra vẻ mặt bên ngoài. Như vậy, dù không nói điều gì nặng nề, không có cử chỉ gì không phải với ai, chỉ là cái sân tự mình biết thôi nhưng ông vẫn xem là cái lỗi phải sám hối với đại chúng. Con người như vậy thật đáng khâm phục.
Nếu biết sám hối, biết đem lỗi của mình ra phát lồ trước đại chúng, ta sẽ không phạm lỗi nữa. Như vậy chúng ta sẽ vượt qua được những tập khí, những cái nghiệp của mình. Công đức phát lồ trước đại chúng là công đức rất lớn. Bởi vậy, chúng ta phải nhớ, mỗi khi nổi sân, chúng ta nên ra quả đường sám hối đại chúng. Nhờ vậy, chúng ta sẽ dứt được tập khí sân.