CHƯƠNG SÁU

Từng cơn gió mát thổi vào từ biển Thái Bình Dương qua những cụm lau mọc lưa thưa trên đụn cát dọc theo bãi biển chạy dài từ Lại Hà lên đến Quảng Trị. Làng Vân Trình nằm giữa con đường nối liền các làng quê rải rác cạnh con sông Ô Lâu, bên những ruộng muối gần biển và các đồng ruộng thưa thớt, không người cày cấy, chạy ra đến quốc lộ Một trên dải đất dài gần 8 cây số nối liền Vân Trình và Mỹ Chánh.
Trung trầm ngâm ngồi trên nắp chiếc hầm công sự chiến đấu, phủ kín với những cây lá ngụy trang để tránh máy bay bà già thám sát của Tây bay từ Huế lên. Anh nhìn ra phía bờ biển, từ xa những cánh chim hải âu đang vờn trên cơn sóng bạc đầu, một vài thuyền chài nhấp nhô cuối chân mây. Buổi trưa cuối tháng bảy tại một vùng biển cạnh làng Vân Trình thật yên lặng, trên bầu trời xanh lơ, mây trắng lờ lững bay trong nắng. Trung vói tay lấy bình nước chè xanh bên cạnh, uống một ngụm lớn, vị chè mát dịu chạy dài xuống cơ thể làm Trung cảm thấy thỏa mái, rồi anh chợt nhớ đến chuyến đi lần cuối trên sông Hương với đồng chí năm Dương cách đây hơn hai năm khi Trung quyết định ly khai gia đình để gia nhập kháng chiến. Anh nhớ đến Nguyên, người bạn học, đến bức tranh mà anh đã để lại tặng Huyền, cô bạn gái dễ thương mà thỉnh thoảng anh đã nằm mơ thấy trong giấc mộng đẹp trong suốt hai năm qua. Trung lơ đãng thả hồn bay theo cánh diều đang lơ lửng lượn trong gió, trở về dĩ vãng.
Ngày chia tay giữa ba người đồng chí mới quen nhưng đã trở nên thắm thiết sau gần hơn một năm cùng nhau thụ huấn tại cục “H” là một kỷ niệm làm cho Trung, Luân và Huấn nhớ mãi. Chương trình huấn luyện cực nhọc trong rừng về cách xữ dụng vũ khí, mìn bẩy mới của Mỹ, Tàu, Nhật, Tây...đã chấm dứt. Những lớp học chán ngấy về chính trị, những bài giảng hun nóng lòng căm thù thực dân Pháp, ca ngợi Hồ chủ tịch, công trạng của kháng chiến và lý thuyết xã hội chủ nghĩa Mác Lê, cũng như chiến lược “lùi một tiến hai”, hay về chiến thuật “công đồn đả viện”, đã cải biến ba thanh niên học trò trở thành chiến sĩ của Cách mạng, cán bộ Cộng sản, sẵn sàng xả thân hy sinh cứu nước, giành độc lập.
Thời gian trôi qua thật chậm chạp, cô đơn trống vắng, mặc dù chương trình của khóa huấn luyện không cho phép học viên có thì giờ riêng tư để suy tư và nhớ nhà, không chú tâm vào việc học tập và có thể làm cho họ nản chí, thay đổi thái độ về lý tưởng Cách mạng. Buổi lễ mản khóa huấn luyện căn bản được khai diễn đơn giản vì học viên phải lên đường tân đáo các đơn vị tác chiến đang cần bổ sung quân số gấp.
Những tin tức về các trận đánh lớn giữa quân đội Cách mạng và quân lính Lê Dương, cũng như thiệt hại về nhân mạng, bị cán bộ dấu kín không cho học viên biết, sợ họ phân tâm. Tuy thế Luân, Huấn, Trung và những đồng chí khác trong tổ, cũng tìm hiểu được qua các lá thư của những người đã đổi ra đơn vị tác chiến trước đây lén lút gửi về cho bạn.
Họ làm quen với tên các Sư đoàn anh hùng đang tham chiến khắp các mặt trận từ biên giới Lào tại thượng du Bắc Việt, đến ngã ba biên giới Việt Miên Lào tại vùng cao nguyên Trung phần. Những chiến công của Sư đoàn Sao Vàng, Sư đoàn 101, Sư đoàn Thép... Trung đoàn 95 tại phía đông bắc Huế, Trung đoàn 803 với chiến thắng tại An Khê trên quốc lộ 19... đã được các cán bộ chính trị viên và Sĩ quan Chỉ huy Trung tâm huấn luyện ca tụng phổ biến rộng rãi đến học viên, đang suy nghĩ và lo âu cho tương lai của mình.
Huấn được chỉ định bổ sung cho Trung đoàn 108 đang tham chiến tại vùng Pleiku. Trung và Luân đổi ra Trung đoàn 95 trách nhiệm khu vực làng Vân Trình, Lại Hà bao gồm “Huyết lộ Ô Lâu” nối liền duyên hải Thừa Thiên và tỉnh Quảng Trị.
Trung tặng hai người bạn đồng chí hướng bức tranh mà anh đã vẽ vội trong những lúc rảnh rỗi tại căn cứ huấn luyện, sau đó Huấn bùi ngùi chia tay hai bạn và theo toán quân bổ sung vượt đường rừng xuôi về nam. Luân và Trung cũng rời cục “H” vài ngày sau đó trên hai chiếc xe đạp cũ, chở hành trang cá nhân, vai mang vũ khí cùng với đồng bạn theo con đường mòn dọc theo dãy núi Trường Sơn trực chỉ hướng tây bắc về phía A Sao, A Lưới, cách căn cứ gần hai ngày đường, để nhận chỉ thị. Sau ba ngày di hành, ngày đi đêm nghỉ, ăn lót bụng bằng những nắm xôi muối mè, tráng miệng bằng trái cây rừng mọc đầy nhan nhản bên triền thung lũng màu xanh, uống nước từ những rễ sậy leo chằng chịt, bám vào thân cây cổ thụ cao lớn, che bóng con đường đất chạy ngoằn ngoèo theo chân núi. Cuối cùng Trung và Luân đến ven núi gần làng La Chữ, trình diện cán bộ Thủ trưởng tại đây và được chỉ định ra bổ sung quân số cho Tiểu đoàn địa phương, có nhiệm vụ kiểm soát huyết lộ Vân Trình- Quảng Trị, có biệt danh là “Huyết Lộ Ô Lâu” mà quân đội thực dân Pháp đã đặt tên cho huyết lộ nổi tiếng này.
Trung nhớ đến câu chuyện của Nguyên, người bạn học cũ, khi Trung đi ngang qua làng La Chữ, anh cố mường tượng lại hình ảnh những cánh đồng ruộng cò bay thẳng cánh, bao la tràn ngập lúa vàng. Trung nghĩ đến anh láng giềng mục đồng, ngày nào thơ thẩn trên mình con trâu mập mạp bên bờ đê, người đã tặng cho anh bạn Nguyên cây sáo tre mà Nguyên nói đã cho cậu Tuấn của Nguyên trong ngày cậu Tuấn từ giã gia đình để theo kháng chiến. Chung quanh Trung cảnh vật nay đã hoàn toàn đổi khác, cánh đồng lúa vàng trong câu chuyện ngày xưa, trước mặt Trung chỉ là cánh đồng không người cày cấy, lau sậy mọc lưa thưa, rải rác cạnh những hố bom đạn pháo binh chứa đầy nước bùn đục ngàu. Bờ tre xanh tươi bao quanh con rạch nhỏ mà Nguyên diễn tả, nay đã trở thành trơ trụi lá nằm dọc theo bờ đê tan vỡ bao quanh những căn nhà cháy nám, hư hại bỏ hoang không người ở.
Cảnh tượng điêu tàn tại một vùng quê chỉ cách thành phố Huế không đầy mười ba cây số đường chim bay làm cho Trung suy nghĩ nhiều về cuộc chiến mà anh sẽ tham dự. Biết đâu một ngày nào đó anh sẽ gặp lại người cha nghiêm nghị và người mẹ yêu dấu trong một trường hợp đặc biệt mà anh không dám nghĩ tới, khi chiến tranh xảy ra ngay tại Cố đô và tàn phá cung điện, đền đài của đất Thần kinh ngàn năm văn vật. Trung lắc đầu như muốn xóa đi những ý nghĩ viển vông trong tư tưởng, nhưng rồi anh cũng không quên được chuỗi ngày thơ mộng lúc ấu thơ bên cạnh Nguyên và Huyền, hai người bạn học mà anh đã từng chia xẻ buồn vui.
Không biết giờ này họ đang làm gì và Huyền có còn giữ bức tranh mà Trung đã nhờ cha mẹ đưa lại cho nàng không.
Tiếng động cơ máy bay nghe rõ dần từ phía Lại Hà, Trung vội vàng nhảy xuống chiếc hầm công sự, hai đồng chí khác ở trong tổ chiến đấu cũng đang sữa soạn khẩu đại liên phòng không, chỉa súng về phía hai chiếc phi cơ khu trục đang bay dọc theo bờ biển về phía bắc. Trung lấy ống nhòm, nằm tựa mình vào bao cát chất trên miệng hầm, nhìn về hướng hai chiếc máy bay. Đây là hai khu trục cánh quạt của không quân Pháp thường dùng để thả bom và yểm trợ các đoàn công voa với hỏa lực rất mạnh, hiệu nghiệm vô cùng.
Tiếng súng “ tạch..tạch..tạch” của các đơn vị phòng không Việt Minh từ phía nam làng Vân Trình nghe ròn rã. Hai chiếc phi cơ bay ra hướng biển để tránh đạn rồi vòng trở lại, đâm thẳng vào phía bờ biển. Trung thấy từng làn khói từ mũi chiếc máy bay phun ra khi hai chiếc này thay nhau bắn đại liên vào các công sự chiến đấu từ phía xa. Rồi khi hai phi cơ bay dựng ngược trở lên trời, những tiếng nổ long trời làm rúng động các đồi cát, nghe vọng lại từ xa. Phi cơ thả bom liên tục, sau những tiếng “đùng...đùng...” làm khói mù bay lên cao, che khuất tầm mắt quan sát của Trung. Bỗng nhiên, một trong hai chiếc khu trục bay về hướng làng Vân Trình, ngang qua hầm công sự của tổ phòng không, Trung hô lớn:
-“ Bắn...bắn...” và anh bóp cò cây trung liên, tiếng“tạch..tạch..tạch..”
cùng với những tiếng súng đại liên 50 nổ dòn inh ỏi làm nhói cả lỗ tai.
Từng làn đạn thay nhau bay hướng lên không trung về phía chiếc phi cơ đang vờn tránh, bay lộn trên bầu trời màu xanh vắt không gợn mây.
Sau hơn mười lăm phút quần thảo trên không, hai phi cơ có lẽ đã dùng hết bom đạn, bay về hướng nam, để lại phía sau dưới cánh bay, những đám cháy với ngọn khói đen bốc lên cao từ các căn nhà dân, những hầm hố tan tành, những xác chết không toàn thây đầy máu của cán binh Cọng sản, của dân lành vô tội không chạy trốn kịp khi máy bay địch tới tấn công.
Suốt mấy ngày liên tiếp, phi cơ khu trục phóng pháo của Pháp xuất phát từ Phú Bài, Đà Nẳng thay nhau oanh tạc khu vực từ Quảng Trị trở vào phá Tam Giang. Riêng pháo binh của Pháp từ các cao điểm chiến lược phía bắc thành phố Huế cũng tác xạ vào làng La Chữ, quận Hương Điền... vào những nơi nghi ngờ là căn cứ địa của Việt Minh, gây nhiều thiệt hại đáng kể cho binh lính thuộc Trung đoàn 95 và quân du kích địa phương. Dân chúng bắt đầu tản cư ra khỏi vùng này, đổ xô về thành phố Quảng Trị và Huế để lánh nạn.
Trung được gọi vào Bộ Chỉ Huy của Trung đoàn để học tập cùng với các cán bộ khác về chiến thuật mới, chống cuộc hành quân sắp tới của quân lực Pháp mà Việt Minh tiên đoán sẽ xảy ra trong tương lai gần đây. Với kinh nghiệm chiến trường trong gần mười năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các cấp chỉ huy cao cấp Việt Minh biết rằng sau khi dùng máy bay và pháo binh không tập và pháo kích để chuẩn bị chiến trường, mở đường trước, tụi Tây sẽ tung toàn lực lượng vào vùng này để tiêu diệt các đơn vị Việt Minh đồn trú tại đây. Lần này chúng nó cũng sẽ không ra ngoài chiến thuật đó, có thể đây là một cuộc hành quân qui mô cấp Sư đoàn trở lên với đầy đủ sự tham dự của Hải Lục Không quân Pháp.
Tin tức nội tuyến và tình báo địa phương cho biết Tây đã cấm trại binh lính từ nhiều ngày nay. Các quán rượu tại thành phố vắng bóng mấy thằng tây Lê Dương thường say rượu hằng đêm, làm mấy em ca ve than trời như bộng. Quán cơm âm phủ ở gần sân vận động Huế cũng trở nên ế ẩm, đĩ điếm me Tây không đến ăn khuya vì bồ bịch và khách chơi bị cấm không cho ra phố. Ngoài ra tại quân cảng Đà Nẳng, cán bộ Việt Minh nằm vùng giả dạng dân chài lưới, báo cáo thấy nhiều chiến hạm đủ các loại kể cả những Dương Vận Hạm ( LST) ít thường thấy xữ dụng tại chiến trường Việt Nam, hoặc là cặp tại cầu tàu hay neo tại vịnh Đà Nẳng. Trên các trục lộ lưu thông chung quanh Huế từ đèo Hải Vân, nhiều đoàn công voa chở quân đội Pháp di chuyển về hướng thành phố Huế. Những khẩu đại pháo được kéo sau xe quân đội mười bánh, những xe thiết giáp trang bị đầy đủ súng ống thay nhau chạy ngang qua vùng quê hẻo lánh.
Những cặp vợ chồng nông dân mộc mạc đứng lặng im bên cạnh các đứa con nhỏ gầy gò vì thiếu ăn, đôi mắt to tròn ngây thơ, ngơ ngác nhìn theo bụi mù bốc lên cao từ những bánh xe xích sắt đang kêu ồn ào, nặng nề lăn trên quốc lộ Một. Lòng họ hoang mang vì không biết vùng đất khốn nạn nào sẽ trở thành chiến địa trong những ngày sắp tới.
Với những tin tức về hoạt động của quân đội Pháp, liên tiếp được gửi tới các đơn vị Việt Minh trú đóng trong vùng Quảng Trị, Huế và Đà Nẳng, những buổi hội họp khẩn cấp được Việt Minh triệu tập để bàn định kế hoạch di tản và chống trả trong trường hợp bị Tây tấn công vào các căn cứ hậu cần.
Trung bước vào phòng họp với tư cách tổ trưởng khu vực Vân Trình, gồm hai đại đội vừa chính quy vừa là du kích Cộng sản địa phương.
Trời đêm cuối tháng bảy không trăng, những vì sao lấp lánh không đủ ánh sáng soi đường cho anh cán binh kháng chiến đang lo âu cúi đầu thả bước bên rặng tre già sau buổi họp kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Trung nhớ lại giọng nói khàn khàn của người cán bộ chính trị viên đảng thuyết trình về tình hình địch trong vùng Huế và phụ cận:
-“ Thưa các đồng chí, theo như tin tình báo mà chúng tôi nhận được từ cảm tình viên khắp nơi gửi về cho biết, hiện nay thực dân Pháp đã tập trung gần thành phố Quảng Trị, Huế và bến tàu Đà Nẳng, một quân số khổng lồ gồm có mười Trung đoàn bộ binh, hai Tiểu đoàn lính nhảy dù, ba Tiểu đoàn kỵ binh thiết giáp, trên mười chiến hạm đủ loại và hơn hai mươi máy bay khu trục phóng pháo, phi cơ chuyên chở, thám sát... Bộ Chỉ huy tối cao của chúng đặt tại đồn Mang Cá dưới quyền chỉ huy của tên Đại tướng khát máu Leblanc với Bộ Tham Mưu gồm các Sĩ quan cao cấp Hải Lục Không Quân của lũ thực dân Pháp.”
Sau khi nói về ưu và khuyết điểm của ta và địch, với lời lẽ tuyên truyền cố hữu của một cán binh chính trị Cộng sản, đồng chí chính ủy yêu cầu mọi người hãy tin tưởng vào tài năng lãnh đạo và đức độ của chủ tịch Hồ Chí Minh để hy sinh cho chính nghĩa của đảng Cộng sản Đông dương, đánh đuổi bọn thực dân Pháp và tiêu diệt bè lũ tay sai bù nhìn Bảo Đại. Trước khi chấm dứt phần thuyết trình, người cán bộ chính ủy này hô lớn nhiều khẩu hiệu hoan hô, đả đảo và có vẻ không vừa lòng vì ông ta chỉ nghe một số rất ít đồng chí khác trong hội trường hưởng ứng.
Chiếc xe ngựa cũ kỹ chở hành khách từ Mỹ Chánh về Vân Trình nặng nề lăn bánh trên đường đất, con ngựa già ốm nhom ráng sức kéo xe dưới cơn nóng buổi trưa tháng bảy. Ông già chủ xe ngựa ngồi nghiêng người phía tay phải của chiếc xe, tay cầm chiếc roi có cột sợi dây mây dài nhỏ, thỉnh thoảng phất nhẹ trên không như nhắc nhở và khuyến khích con ngựa chạy nhanh hơn.
Huyền và người mợ cùng hai đứa con của mợ ngồi trên xe phía bên trái, hai vợ chồng người dân quê ngồi phía bên phải. Tất cả mọi người im lặng lơ đảng nhìn cánh đồng ruộng cằn cỗi bỏ hoang, không người cày cấy, mang đầy dấu vết của chiến tranh. Tiếng chân ngựa lọc cọc đều đặn nhịp nhàng như muốn ru ngủ hành khách. Huyền nhìn hai đứa em họ đang lim nhim mắt, đầu gật gù theo nhạc ngựa. Lần này Huyền tình nguyện đưa mợ về làng Vân Trình theo lời yêu cầu của mẹ, khi người làng đi vào Huế báo tin cho biết bà ngoại của hai đứa nhỏ bị bệnh nặng tại đây và sắp qua đời. Mẹ Huyền sợ người em dâu khi phải trở lại làng cũ, quá đau buồn, không chịu đựng nỗi vì sắp mất một người thân yêu thứ hai và phải nhìn lại vùng quê hương nhiều kỷ niệm đau thương, nơi an nghỉ ngàn đời của người chồng quá cố.
Khi đi qua con đường làng dẫn vào căn nhà cũ của mợ, Huyền nhớ đến chuyến về thăm làng mấy năm trước đây với người bạn trai. Nàng nhớ Nguyên trong ánh nắng vàng, đạp xe song song bên cạnh nhau dọc theo con sông nhỏ. Ba ngày vui đùa hôm ấy là một chuỗi thời gian tuyệt vời trong đời người con gái đa cảm và nhiều mộng mơ. Huyền nhìn về phía trước mặt, những con chim biển đang lượn bay trên bầu trời trong xanh. Mùi thơm của biển cả phảng phất trong gió, Huyền thở vào thật mạnh như cố quên đi ý nghĩ về kỷ niệm đi tắm biển Thuận An với Trung và Nguyên.
Cổng làng Vân Trình đã hiện ra trước mặt, Huyền chợt nhớ đến câu hò mà mẹ thường ngâm nga khi dỗ nàng ngủ trưa lúc còn bé:
-“ Ai về cầu ngói Thanh Toàn, cho em theo với một đoàn cho vui.”
Trên không trung, những đám mây bàng bạc bay về hướng dãy núi Trường Sơn.
Trung vừa về đến đơn vị của mình, anh bước vào căn nhà dùng làm nơi liên lạc. Trung ngạc nhiên và vui mừng khi thấy Luân đang đứng nói chuyện với một đồng chí khác trong tổ:
-“ Chào đồng chí Luân, lâu lắm không gặp, đi công tác đâu mà lại lạc đến đây vậy? Có mạnh khỏe không?”
Luân đưa tay bắt rồi hai người đi ra sau khu vườn bên cạnh nhà để nói chuyện thân mật với nhau hơn:
-“ Cám ơn Trung, anh cũng bình thường. Anh theo đoàn văn công đi giúp vui và ủy lạo các đơn vị trong vùng nên ghé lại thăm các đồng chí? Còn Trung thế nào, vẫn dồi dào sức khỏe chứ? Trông Trung có vẻ hơi gầy và đen hơn trước đó nghe. Mấy hôm rày có thì giờ vẽ thêm bức tranh nào nữa không?”
-“ Dạ thưa không anh ạ, có rảnh rỗi được tí nào đâu, suốt ngày mấy thằng lái máy bay cánh quạt của Tây cứ bắn phá hoài, lo phòng thủ muốn chết nên làm gì có thì giờ thưa anh.”
Hai người bạn xưng hô với nhau một cách thân mật, họ không gọi nhau là “đồng chí ” khi không có sự hiện diện của những người khác.
-“ Ừ phải rồi, hôm qua lúc vừa đến Bộ Chỉ huy Trung đoàn, anh có nghe cán bộ nói về cuộc hành quân mà tụi Tây đang dự định tổ chức. Anh mong rằng điều này không đúng sự thật vì anh sợ quân mình không đủ sức chống cự lại một đạo quân Tây quá nhiều như vậy. Nghe đâu gần ba Sư đoàn lận mà.”
-“ Dạ, Trung cũng hy vọng chúng nó chỉ phô trương thanh thế để gây áp lực tại hội nghị Genève thôi, chứ nếu chúng nó thật sự tung ra một lực lượng lớn lao như vậy, Trung sợ tụi Tây sẽ gây nhiều thiệt hại cho đơn vị mình.”
Hai người bạn trẻ tâm sự với nhau dưới bóng mát của hàng cau, họ mang cùng tâm trạng với những đồng chí khác trong Trung đoàn 95, lo âu phân vân và mất dần niềm tin vào chính nghĩa kháng chiến. Nguồn tin giữa các đồng chí trẻ cho biết nhiều thành phần kháng chiến nòng cốt, những người có công trong cuộc tổng khởi nghĩa đã bị thủ tiểu, tên tuổi không còn trong danh sách lãnh đạo của đảng Cộng sản Đông dương.
Từng cơn sóng bạc đầu cuốn vào bờ biển vắng không du khách tắm nắng. Thỉnh thoảng một vài con chim hải âu bay trên bãi cát đầy cây lau sậy mọc dài, chăm chú kiếm bắt những con còng còng không chạy nhanh. Bãi biển vùng này sâu từ từ, thuận tiện cho các tàu thuyền vào ra vì sóng biển không cuồn cuộn và đập mạnh vào bờ khi trời yên bể lặng.
Huyền và hai đứa em họ đang rảo bước trên đụn cát nhìn ra biển, nắng vàng hoe soi bóng ba người. Hai đứa con trai thích thú trước phong cảnh biển trời thiên nhiên, đang tung tăng chạy lượm những vỏ nghêu sò đem đến cho Huyền. Xa xa thấp thoáng trên ngọn sóng bạc đầu, vài cánh buồm nâu nhấp nhô ẩn hiện trong bầu trời màu xanh nhạt. Biển trời đã dính liền thành một khối. Những cụm mây cao như núi bốc lên từ góc chân trời báo hiệu cơn mưa giông đang hướng về vùng đất liền phía nam, hướng quận Hương Điền.
Huyền và hai em họ đi trở về làng của mợ, cây cối mọc nhiều hơn khi đến cạnh ven làng. Ba người chợt nhìn thấy hình như có những người thanh niên trong bộ áo quần bà ba đen đang dùng xẻng cuốc đào hầm hố tại rặng cây tre. Huyền phân vân nhớ đến lời dặn dò của người em trai của mợ khi nghe nàng có ý định dẫn hai em đi ra biển. Cậu này là một du kích của đơn vị địa phương dưới quyền chỉ huy của quân đội chinh quy tại vùng này. Cậu ta khuyên Huyền nên cẩn thận vì mìn bẫy đã và đang được kháng chiến gài đặt khắp nơi để chống quân địch.
Khi đến gần những cán binh đang hùng hục đào xới, Huyền nghe hai trong ba người đàn ông nói với nhau bằng tiếng Huế, một giọng nói ỏng ẻo nghe thật là quen:
-“ Đồng chí phải đào sâu thêm một tí nữa, có như rứa mới mong sống còn khi đạn pháo binh của Tây rớt gần hầm ẩn núp.”
Huyền cảm thấy trống ngực mình đạp nhanh hơn, đúng rồi, đúng đây là giọng nói của người bạn học mà đã hơn hai năm nay cả nhà cha mẹ anh ta đi tìm kiếm khắp nơi, Huyền bỏ tay hai đứa em họ và vội vàng chạy đến. Nghe tiếng chân người chạy sau lưng, Trung dừng tay cuốc, rút khẩu súng lục ra khỏi thắt lưng, quay về hướng tiếng động, rồi khi nhận ra người con gái đang chạy tới miệng tươi cười với chiếc má lúm đồng tiền, Trung trố mắt lên, ngạc nhiên mừng rỡ:
-“ Huyền, trời ơi có thật là Huyền đó phải không? Huyền làm chi mà đến Vân Trình rứa?”
Huyền cũng vui mừng không kém, nàng quên rằng có hai người lạ mặt đang dừng tay, chống xẻng trố mắt nhìn, Huyền dang rộng hai tay và ôm chầm người bạn trai đang đỏ mặt ngượng ngùng:
-“ Trung còn sống, Huyền vui quá, cứ tưởng là không bao giờ mình gặp lại nhau. Tại răng Trung bỏ ra đi mà không một lời từ giã rứa?”
Trung không trả lời ngay, anh quay lại phía hai người thanh niên đồng chí chiến sĩ:
-“ Hai đồng chí vào trong kia nghỉ tay một lúc, tôi sẽ gọi và mình tiếp tục đào hố sau. À xin lỗi hai đồng chí, đây là cô Huyền, bạn học cùng lớp ngày trước của tôi tại Huế, mãi vui vì lâu ngày mới gặp nhau mà quên cả giới thiệu, xin lỗi nghe.”
Hai cán binh Cộng sản chào Huyền rồi nhìn nhau mỉm cười rồiø cầm cuốc xẻng đi vào khu vườn cạnh căn nhà tranh trong khi Huyền chỉ hai cậu bé trai đang đứng tần ngần bên cạnh và nói với Trung:
-“ Đây là hai em họ của Huyền, hôm nay Huyền từ Huế theo mẹ của hai em này về đây thăm bà ngoại của hai em, đang bệnh nặng sắp qua đời, mà cũng may quá, nhờ rứa mới gặp lại Trung tại đây hí.”
Huyền ngừng lại, bảo hai đứa em họ đi ra chơi ở ven làng và nhớ cẩn thận, đừng đi xa quá, rồi nàng cùng Trung ngồi xuống cạnh lùm tre tâm sự với nhau. Giây phút vui mừng hội ngộ đã qua, hai người bạn cũ ngồi kể cho nhau nghe về những đổi thay trong thời gian xa cách nhau. Huyền nói cho Trung biết về Nguyên, về việc cha mẹ Trung đi tìm kiếm con trai, về Huế, về chợ Đông Ba bị đốt cháy, thôi thì đủ thứ chuyện... và rồi cũng không quên cám ơn Trung đã tặng nàng bức tranh tuyệt đẹp.
Trung ngồi trầm ngâm nhìn say đắm người bạn gái có đôi mắt bồ câu, đôi môi ướt mọng, chiếc lúm đồng tiền. Anh bồi hồi xúc động khi nghe Huyền nói về chuyện mẹ Trung đã bỏ ăn bỏ ngủ vì buồn vắng bóng con trai.
Huyền thích thú khi nghe Trung nói về những cuộc di hành trong rừng núi Trường Sơn, những mạo hiểm mà Trung đã đương đầu hơn hai năm qua. Tuy nhiên trong thâm tâm của Huyền, nàng cảm thấy khó chịu khi nghe Trung đề cập đến kháng chiến và Cộng sản. Nàng vẫn còn thương người cậu đã chết dưới bàn tay tàn nhẫn của những cán binh núp dưới chiêu bài kháng chiến để chém giết dân lành vô tội. Tuy vậy khi thấy Trung có vẻ như tôn sùng đảng, vì thương bạn và không muốn đi sâu vào vấn đề này, Huyền xoay câu chuyện về đề tài khác:
-“ Nguyên cũng thường hay nhắc nhở đến những kỷ niệm của ba đứa mình hoài, nhất là chuyến tắm biển Thuận An cuối cùng trước khi Trung ra đi, nhớ bửa ăn còng còng nướng vĩ dã chiến ngon tuyệt do tài... nướng xuất sắc của Trung, hôm đó thật là vui, phải không Trung?”
-“ Huyền nhắc Trung mới nhớ, ừ hôm đó thật là vui quá. À mà Nguyên có mạnh khỏe không? Cha mẹ Nguyên vẫn còn ở nhà cũ hay thế nào?”
Huyền lần lượt kể cho Trung nghe về gia đình mình và gia đình Nguyên, về hai cô gái Bắc kỳ, nhất là về Hồng, cứ đeo đuổi anh bạn trai người Huế mãi. Trung biết Huyền ghen nhiều qua giọng nói gay gắt của nàng khi nhắc nhở đến lần tắm sông ngày đó, khi Huyền bắt gặp Nguyên và Hồng nhởn nhơ bơi lội bên nhau trên sông Hàng Bè.
Trời đã về chiều trên miền quê hương êm đềm, hai người bạn trẻ đắm chìm trong kỷ niệm của tuổi ấu thơ mà quên mất thực tại và thời gian. Hai cậu em họ chạy chơi cho đến khi Huyền chợt nhớ là đã trễ, kêu chúng nó trở lại, sau đó Trung đi theo Huyền về nhà bà ngoại của hai cậu này và ở lại nói chuyện với Huyền cho đến khuya mới chia tay về. Trung hẹn ngày hôm sau, nếu không có công tác gì khẩn cấp, sẽ đến đón Huyền đi ra biển chơi.
Đám tang của bà ngoại hai đứa nhỏ được dân làng tham dự rất đông đảo. Huyền và Trung cũng theo đoàn người đi đưa đám sau linh cửu, đặt trên hai đòn gánh gỗ sơn màu đỏ thật dài và được bốn người đàn ông trong dòng họ vác trên vai. Tiếng khóc than ai oán của mợ và mấy người em hòa lẫn với tiếng tụng kinh của hai ông thầy chùa vang dội trên con đường làng dẫn đến nghĩa địa gần cuối xóm, cạnh bên đình làng, nơi cha của mợ đã được chôn từ khi mợ đang còn nhỏ. Hai bên đường, những người dân quê đứng lặng yên cúi đầu khi linh cữu đi ngang qua, những trẻ con ngây thơ, vui vẻ chạy theo đoàn người đi đưa đám, như là xem hội lớn. Đời người dân quê Việt Nam trong thập niên 40 và 50 như thoáng mây trắng bay trên bầu trời mênh mông vô tận, không định hướng và tan dần theo gió cuốn muôn phương. Khi còn nhỏ, ngây thơ vô tội thiếu thốn, không đủ điều kiện dinh dưỡng, lớn lên trong cuộc chiến không tương lai, lê lất với chuỗi ngày dài lo âu, sợ sệt, rồi đến khi già cả, bệnh hoạn không phương tiện y học, thiếu thuốc men chữa trị, dần mòn nằm chờ chết trong tuyệt vọng, cô đơn.
Những thắc mắc, phân vân xâm chiếm tâm hồn Huyền, giọt lệ chảy dài khi thấy thân hình mợ run rẩy dựa vào vai người em trai, chân không lê bước, đầu mợ cúi xuống, đang nức nở dưới chiếc mũ mấn bằng vải thô màu trắng. Mọi người đứng quanh cái huyệt mới đào, chiếc quan tài từ từ hạ xuống giữa tiếng kinh cầu siêu của hai ông thầy chùa. Mợ khóc ngất khi những người phu xúc đất đổ xuống huyệt che phủ linh cửu của người mẹ hiền.
Trung kế tiếp Huyền tung một nắm đất trên ngôi mộ người quá cố rồi hai người quyết định đi ra phía bờ sông Ô Lâu, rảo bước dọc theo bờ đê, bâng khuâng thả hồn theo ngọn gió chiều bắt đầu thổi mạnh từ biển vào. Huyền thở ra thật mạnh, Trung liếc qua nhìn người bạn gái mà anh mến thương nhiều, anh cố gắng gợi chuyện để mong Huyền quên đi nỗi buồn của mợ:
-“ Khi nào Huyền trở về lại Huế? Trung ước mong Huyền có thể ở lâu thêm vài ngày nữa với Trung, vì không biết ngày nào chúng mình và Nguyên mới gặp lại nhau.”
Huyền lắc đầu nhỏ nhẹ trả lời:
-“ Ngày mai Huyền phải về Huế rồi Trung ơi, thôi thì nhờ trời giúp cho tình bạn giữa ba đứa mình được bền chặt mãi mãi, dù mỗi người một phương trời và trong hoàn cảnh khác nhau. Trung có mong muốn như thế không?”
-“ Trung mong lắm, mong tình bạn giữa Nguyên, Huyền và Trung luôn luôn trường cửu như dãy núi Trường Sơn, như biển Thái Bình Dương ngoài kia kìa.”
Trung nắm tay Huyền, say sưa nói như một lời thề nguyền kết nghĩa dưới vườn đào của Quan Công, Lưu Bị trong Tam Quốc Chí. Huyền để yên bàn tay mình trong bàn tay người bạn trai một lúc rồi bóp nhè nhẹ để tỏ cho bạn biết mình cũng chấp nhận lời hứa này. Huyền bỗng nhận thấy một sự thay đổi kỳ lạ trong tình cảm của mình, chỉ trong một khoảng khắc thật ngắn ngủi, chỉ một câu nói thành thật của một người bạn trai nhiều lý tưởng, chứa đầy lòng thương yêu những vẻ đẹp từ thiên nhiên qua các bức họa, cho đến nét đẹp tuyệt vời thiêng liêng của tình bạn. Huyền cảm thấy thương cả Trung, thương cả Nguyên, không phải thứ tình yêu trai gái mà với một mối tình cao đẹp hơn tất cả, đó là tình bằng hữu giữa ba người.
-“ Mợ của Huyền đã quyết định ở lại đây với hai đứa con trai của mợ và sẽ không trở về Huế nữa. Mợ nói là mợ có quá nhiều kỷ niệm ở đây từ thuở ấu thơ cho đến khi khôn lớn, lấy chồng, đời của mợ đã gắn liền với mảnh đất của tổ tiên này.”
Huyền ngừng lại, cố gắng không để lộ sự xúc cảm, nàng nhìn người bạn trai đang chăm chú nghe:
-“ Vì thế sáng sớm mai Huyền sẽ về ga Mỹ Chánh thật sớm để cho kịp chuyến xe lửa từ Quảng Trị vào Huế. Trung ở lại ráng giữ gìn sức khỏe và cẩn thận. Huyền sẽ nói lại cho Nguyên biết về Trung, chắc anh ấy mừng lắm.”
Trung ngồi lặng yên, không trả lời, tâm tư anh đang bị giành giật bởi những ý nghĩ tương phản nhau. Đã là một cán bộ đảng, Trung không cho phép mình bị chi phối bởi tư tưởng bi quan yếm thế, ủy mị, ảnh hưởng đến tinh thần quyết chiến, có thể bị các đồng chí chính trị viên lên án và hạ tầng công tác. Ngược lại, Trung cũng vẫn còn là một con người đầy tình cảm và thích chiêm ngưỡng những cái hay cái đẹp chung quanh mình mà tâm tình cũng như thái độ này đã diển tả và trải bày qua các bức tranh ghi lại hình ảnh tuyệt vời của những gì mà Trung thương.
Huyền vỗ nhẹ trên cánh tay bạn, nghiêng người qua, âu yếm hỏi nhỏ:
-“ Trung suy nghĩ chi rứa? Trời sắp tối rồi, chắc hai đứa mình phải đi về Trung à.”
Hai người bạn trẻ đứng dậy và hình như Trung chợt nghĩ ra điều gì, anh kéo tay Huyền dừng lại:
-“ Trung muốn yêu cầu Huyền giúp Trung một điều, xin Huyền đừng đề cập gì với cha mẹ của Trung về sự gặp gỡ của hai đứa mình tại đây. Trung không muốn khơi lại sự buồn phiền của cha mẹ thêm một lần nữa, cứ để cho nó chìm dần vào quên lãng, rồi trong tương lai, khi nào cơ hội cho phép, Trung sẽ liên lạc với gia đình của mình.”
Huyền gật đầu như thông cảm nỗi lòng của bạn. Hai người thân mật sánh vai nhau đi về hướng mặt trời đang lặn dần sau đỉnh núi trùng điệp của dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Đoàn tàu chiến lần lượt kéo lên những chiếc neo vướng đầy bùn cát của vịnh Đà Nẳng dưới tia sáng chói chan của các ngọn đèn pha rọi từ đài chỉ huy, rồi từ từ hướng ra biển Đông. Trên boong tàu của chiếc Dương Vận Hạm, binh lính Pháp sinh hoạt rộn ràng, chuẩn bị vũ khí, quân dụng cho cuộc hành quân sắp diễn ra trong Chiến dịch Camargue.
Dưới hầm tàu, những thủy vận xa LVT, xe tăng M24, xe thiết giáp... được buộc chặt vào sàn tàu bởi dây xích, dây cáp to bằng cổ tay để giữ cho các quân xa này khỏi di chuyển vì sóng biển làm lắc tàu.
Các chiến hạm vừa ra khỏi vịnh, trực chỉ đến điểm hẹn đã được chỉ định trước trong lệnh hành quân. Điểm hẹn này nằm về phía đông bắc ngoài khơi bờ biển Thuận An, trước khi tàu đổ bộ tiến vào mục tiêu lúc rạng đông. Từng cơn sóng vỗ nhẹ vào boong tàu, chiến hạm lắc lư trên những lượn sóng dài. Bầu trời cuối tháng bảy, không trăng với hàng ngàn vì sao lấp lánh trên biển Thái Bình Dương êm như mặt nước hồ thu, trong một đêm gió nhẹ thổi. Bờ biển Lại Hà đang say ngủ, không hay biết gì về những tàn khốc sắp đến trên vùng đất dấu yêu khi tia sáng đầu tiên của một ngày mới bắt đầu.
Trên quốc lộ Một từ Quảng Trị trở vào và từ thành phố Huế trở ra, người dân lành ở phía bắc làng Mỹ Chánh, ở tại Văn Xá, An Hòa, giật mình thức giấc vì tiếng động cơ ồn ào và tiếng xích sắt rầm rộ của xe tăng, xe thiết giáp đang chạy ngang qua trước mặt nhà. Những người này đánh bạo, hé liếp cửa, co ro sau bức tường phên mỏng lén nhìn ra đường. Họ phân vân và lo âu khi thấy trên quốc lộ Một, những tia đèn pha của đoàn quân xa Pháp rọi sáng rực cả màn trời đêm, kéo dài cả cây số.
Đoàn quân viễn chinh Pháp đang phô diễn trước mắt người dân quê vô tội một lực lượng hùng hậu chưa từng thấy trên chiến trường Đông Dương. Với một cuộc hành quân lớn lao và quy mô như cuộc hành quân vào những ngày cuối cùng của tháng 7 năm 1953, Bộ Tư Lệnh quân đội Pháp đã quyết tâm tấn công, ngăn chặn và tiêu diệt toàn bộ Trung đoàn 95 Việt Minh và các đơn vị du kích địa phương đồn trú giữa Quảng Trị và Huế. Từ bờ biển Lại Hà đến Cửa Việt trên dải đất gần 8 cây số nối liền bờ biển và quốc lộ Một, với những công sự chiến đấu, các hầm hồ và địa đạo dây chuyền gắn đầy mìn bẫy đã được Việt Minh xây cất kiên cố trong hơn hai năm qua, bao bọc chung quanh con đường có tên “ Huyết Lộ Ô Lâu ” mang nhiều chiến sử.
Những đụn cát lớn, bờ tre dày, bãi sình lầy rải rác và các đầm nước sâu là chướng ngại vật thiên nhiên, cản bước tiến quân hoặc gây khó khăn cho thiết giáp xa và xe tăng M24 nặng nề của quân đội Pháp. Ngoài ra tại vùng này, Việt Minh được rất nhiều cảm tình của dân làng, vì phần đông họ có con cái đi theo kháng chiến, do đó quân đội Pháp và lính quốc gia gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát trục lộ giao thông chính yếu này.
Buổi văn nghệ giúp vui của đoàn văn công Việt Minh vùng bị gián đoạn khi đồng chí Thủ trưởng lên sân khấu loan báo cho mọi người, nguồn tin tình báo vừa nhận được từ Bộ Chỉ huy Trung đoàn về việc quân đội Tây đang di chuyển quân trên quốc lộ Một và các chiến hạm Hải quân của chúng nó đã khởi hành từ vịnh Đà Nẳng. Mọi người được lệnh trở về đơn vị để chuẩn bị và sẵn sàng chiến đấu tử thủ chống quân đội thực dân Pháp bảo vệ đất nước.
Trung bước ra sau sân khấu để từ giã Luân, đang cùng các đồng chí khác thu dọn dụng cụ âm thanh, hai người bạn trẻ bắt tay thật chặt như không muốn rời nhau:
-“ Anh Luân giữ gìn sức khỏe và nên cẩn thận, nghe nói lần này tụi Tây tung toàn lực lượng quyết tâm tiêu diệt Trung đoàn của mình đó.”
Luân mỉm cười vỗ vai bạn trả lời:
-“ Đời con người ta sống chết đều có số mạng, Luân cũng không lo chi nhiều. Nói vậy thôi chứ Luân cũng muốn Trung cẩn thận, luôn luôn dùng sự hiểu biết và lý trí của mình khi đương đầu với hiểm nguy. Phải biết tùy cơ mà phản ứng cho đúng nghe Trung.”
-“ Trung cám ơn anh rất nhiều, chúc anh về hậu cứ bình an và xin hẹn gặp lại anh trong một cơ hội khác.”
Hai người ngừng nói khi thấy một đồng chí đang đi vào, người này vóc dáng hơi cao, thân hình lớn hơn Trung, khuôn mặt có vẻ khắc khổ. Trung bắt tay Luân định bước đi thì nghe đồng chí này hỏi Luân bằng tiếng Huế:
-“ Ai đây đồng chí Luân? Nghe giọng Huế làm tôi nhớ nhà. Lâu lắm mình cứ đi công tác tại các đơn vị ngoài Quảng Bình, Thanh Hóa hoài, không được nghe tiếng nói của người cùng xứ, nay mới về đây được hơn một ngày thì đã phải đi nữa vì mấy thằng Tây trời đánh phá rối.”
Đồng chí này ngừng nói và chờ Luân trả lời.
-“ Dạ thưa đồng chí Nghĩa, đây là đồng chí Trung, đơn vị 95, một người bạn cũ trước đây đã gia nhập kháng chiến cùng một lần với tôi tại cục “H”, đồng chí Trung không những là chiến sĩ kháng chiến kiên trường mà còn là một họa sĩ có thiên tài đặc biệt.”
Trung ấp úng cám ơn bạn và bắt tay người đàn ông lớn hơn mình khoảng tám chín tuổi, trong khi Luân tiếp tục giới thiệu người này:
-“ Và đây là đồng chí Nghĩa, trưởng đoàn văn công vùng, trách nhiệm chương trình giúp vui tối nay đó.”
Đồng chí Nghĩa nhìn quanh rồi khi không thấy có người khác bên cạnh, Nghĩa kéo hai người thanh niên trẻ ngồi xuống chiếc băng gỗ dài, anh cũng ngồi xuống và nói nhỏ:
-“ Các chú gọi anh bằng tên cho nó thân mật, tuổi của hai chú cũng bằng thằng em trai của tôi thôi, chú Luân thì tôi đã biết là ở làng Vân Cù rồi, còn chú Trung ở Huế mà ở đâu? Có gần phủ Thoại Thái Vương và bến đò Cồn không? Anh xa Huế gần mười năm rồi nên quên hết, không biết Huế thay đổi nhiều không và có còn giống như năm bốn ba, bốn bốn không?”
-“ Dạ thưa anh, nhà cha mẹ tôi ở gần cầu Đông Ba và vì cũng đã rời Huế hơn hai năm rồi, tôi không biết Huế có thay đổi gì khác không, chứ cho đến ngày đó tôi không thấy Huế thay đổi chi nhiều lắm. Anh cũng biết đất Huế và nhất là người Huế mình luôn luôn muốn giữ những gì đẹp đã làm cho cố đô, đã tạo cho đất Thần kinh có những nét đặc thù mà không một nơi nào trên khắp quê hương Việt Nam chúng ta có thể bắt chước được.”
-“ Chú nói rất đúng, không một người Huế nào có thể quên được kỷ niệm về Huề, dù cho ở bất cứ nơi đâu và lúc nào, cứ thấy nhớ làm sao khi nghe nhắc tới Huế. Đến ngay cả anh cũng vậy, nói để mà nghe giữa ba đứa mình thôi nhé, đôi lúc anh cũng muốn bỏ tất cả để về sống với gia đình như ngày xưa đó.”
Anh Nghĩa ngừng lại, nhìn quanh xem thử có ai nghe niềm tâm sự ủy mị của mình không, rồi tiếp lời:
-“ Nói thì nói vậy thôi chứ biết đến khi nào ước mơ đó mới thành sự thật được. Họa may chờ khi tụi Tây nhớ mấy bà Đầm ở bên Paris và sợ mấy bà đó đi lấy trai mà cặm sừng chúng nó để rồi lo quá mà bỏ Việt Nam chạy về Tây thì mình mới đoàn tụ với gia đình cha mẹ được. Đùa tí chơi cho vui mà, ha... ha...ha...”
Anh Nghĩa cười nghiêng ngửa, cười chảy cả nước mắt như người khùng. Trung hơi ngạc nhiên về thái độ của người kháng chiến quân kỳ cựu, trung kiên, đã hy sinh tất cả cho Cách mạng, tin tưởng ở chính nghĩa đấu tranh và nhất là đang ở trong ban tuyên truyền, có nhiệm vụ đi khắp các đơn vị để nâng cao tinh thần và ủy lạo cán binh, lại có những ngôn từ đi ngược lại đường lối của đảng như vậy.
-“ Anh biết hai chú ngạc nhiên lắm phải không? Anh cảm thấy chán nản lắm rồi, nhất là trong khoảng thời gian gần đây, khi nhìn thấy dân lành vô tội bị chết lây lất dọc đường, nhà cửa, mồ mả tổ tiên bị tàn phá. Còn những người Cách mạng thật sự thì đã biến mất trong hàng ngũ của đảng, không biết họ đã chết tại nơi đâu hay đang ở trong tù. Anh cũng lo cho chính bản thân của anh không biết còn được sống sót cho đến khi nào nữa đây.”
Luân và Trung cảm thấy rất bối rối và phân vân không biết phải phản ứng như thế nào cho đúng. Trong thâm tâm, hai đứa cũng rất đồng ý với anh Nghĩa nhưng ngoài mặt, vì hoàn cảnh hiện tại, họ thấy không thể chấp nhận một cách chính thức những ngôn từ đi ngược lại lời tuyên truyền của cán bộ chính trị đảng, thường nói trong những buổi học tập tại đơn vị. Luân nhìn bạn rồi đánh trống lảng:
-“Có lẽ đã đến giờ Trung phải về đơn vị để chuẩn bị tổ chức chiến đấu rồi phải không?”
Trung nhìn chiếc đồng hồ tay rồi đứng lên trả lời:
-“ Dạ tổ chiến đấu của Trung cũng gần đây thôi, nhưng nhờ anh Luân nhắc nhở Trung mới nhớ là có thể tụi Tây sẽ tấn công Trung đoàn của mình nay mai, không biết chắc chắn khi nào, nhưng mình cũng phải chuẩn bị trước.”
Anh Nghĩa cũng đứng lên theo và nói:
-“ Chú Trung tướng tá nhỏ mà giỏi hí, nếu bây giờ tôi gặp lại Nguyên, thằng em trai của tôi, chắc tôi cũng không làm gì nhận ra được nó. Có lẽ Nguyên còn cao lớn hơn chú Trung nữa là khác.”
Trung khựng lại khi nghe anh Nghĩa nhắc đến tên người bạn trai mà mình hằng quí mến, anh trố mắt ngạc nhiên, nắm lấy cánh tay trái của anh Nghĩa miệng tíu tít hỏi:
-“ Anh nói Nguyên nào, có phải là Nguyên trước đây ở tại phủ Thoại Thái Vương không? Vậy ra anh Nghĩa là người anh đã theo kháng chiến mà Nguyên đã từng kể chuyện cho tôi nghe hoài đây à.”
Anh Nghĩa và Luân cũng ngạc nhiên không kém, thế mới biết là trái đất tròn. Anh Nghĩa lại kéo tay Trung ngồi xuống bên cạnh mình, hỏi thăm rối rít về gia đình cha mẹ và về Nguyên. Luân xin lỗi hai người và mang đồ đạc ra trước căn trại, chất trên chiếc quân xa cũ kỹ chế tạo tại Nga Sô vì Luân biết anh Nghĩa cần có thời giờ riêng tư với Trung, người bạn thân của em mình.
Một lúc sau khi Luân trở vào, thấy anh Nghĩa hai tay ôm đầu, vai rung nhẹ như đang khóc. Trung ngồi lặng im bên cạnh, ngước nhìn Luân, gật đầu như đồng ý với ý nghĩ và những câu hỏi đang vấn vương trong đầu của Luân. Trung cúi xuống nói nhỏ gì với anh Nghĩa, anh ta đứng dậy, lau khô những giọt nước mắt trên gò má xương xẩu, một tay nắm lấy bàn tay của Trung, lắc nhẹ, một tay vỗ về đôi vai Trung. Anh Nghĩa nói vài lời cám ơn và dặn dò Trung như người anh cả dặn dò em mình trước khi giã biệt rồi cùng Luân đi ra ngoài chiếc quân xa, hai người leo lên và ra hiệu người cán bộ tài xế lái xe, khởi hành về hậu cứ.
Trung đưa tay lên khỏi đầu chào lại Luân, đang ngoái cổ ra vẫy vẫy chào, rồi anh đứng tần ngần một lúc, nhìn theo hai tia đèn pha của chiếc quân xa mờ dần trong màn đêm.
Rạng đông bắt đầu với những tia sáng màu hồng nhạt xuyên qua đám mây trắng. Mặt trời đỏ chói từ từ nhô lên khỏi chân trời, soi sáng biển đông, trên những làn sóng óng ánh như con suối vàng. Từ xa hình dáng của các chiến hạm màu xám, trong đội hình hàng ngang, nổi bật trên nền trời màu xanh dương, bập bồng lướt sóng, đang tiến vào vị trí đổ bộ để chiếm các mục tiêu đã định trước. Ba chiếc Dương Vận Hạm (LST) của Hải quân Pháp ủi vào bờ tại ba bãi đổ bộ khác nhau nằm dọc theo bờ biển từ Lại Hà lên đến làng An Hội.
Lực lượng hành quân tổ chức thành năm mũi dùi để bao vây và tiêu diệt các đơn vị Việt Minh tại đây. Ba mũi dùi đổ bộ từ biển vào lúc mặt trời mọc, một toán quân đổ bộ tại bãi biển giữa làng Tân An và Mỹ Thụy với xe tăng M24 và bộ binh. Toán thứ hai gồm các Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến từ các Hải Vận Hạm (LSM) ủi bãi cạnh làng An Hội và toán thứ ba với các thủy vận xa (LVT) thọc mũi dùi từ bờ biển Vân Trình tiến thẳng về phía tây hướng về sông Ô Lâu.
Tại quốc lộ Một, lực lượng Tây tung ra hai toán quân, một từ phía làng Mỹ Chánh đánh ra hướng đông và một đạo quân thứ hai từ Quảng Trị tiến xuống hướng đông nam tạo thành thế gọng kềm, với mục đích dồn các đơn vị Việt Minh về phía bờ biển để lực lượng thủy bộ của Tây tiêu diệt.
Tiếng súng hải pháo từ các chiến hạm bắn mở đường cho lực lượng đổ bộ nổ vang rền, xóa tan bầu không khí trong lành của một buổi sáng nhiều sương mù trên một dải đất nhiều chướng ngại vật, vừa thiên nhiên vừa nhân tạo, được xây cất kiên cố bởi các đơn vị phòng thủ của Trung đoàn 95 Việt Minh và các du kích địa phương tại đây. Từ những thủy vận xa, lính Lê Dương vội vàng nhảy xuống ẩn núp sau các đụn cát cao để tránh đạn bắn ra từ các công sự phòng thủ dọc theo bờ biển. Những tiếng súng “ tạch, tạch, tạch... đùng, đùng, đùng...” nổ rền vang át hẳn tiếng gọi máy ơi ới trên máy truyền tin, tiếng la lớn của các quân nhân bị thương vì trúng đạn, cát bụi bay cao dưới làn đạn đại liên, súng cối, đại bác...
“Oành....oành..oành”... từng công sự trúng pháo, gạch gỗ văng lên tung tóe cùng với xác lính Cộng sản không toàn thây, máu hồng nhuộm đỏ những lá dừa ngụy trang. Trên không những phi cơ thám thính bay quanh để hướng dẫn phi pháo bắn vào các mục tiêu của địch. Từ phía nam, khu trục phóng pháo cơ bay lên hướng bãi chiến trường, nhào lượn trên không, bắn đại liên và thả bom xuống các hầm hố, công sự chiến đấu của Cộng sản. Cuộc chiến khốc liệt kéo dài từ rạng đông, đoàn quân viễn chinh với một lực lượng Hải Lục Không Quân hùng hậu khổng lồ, lần đầu tiên được xữ dụng trong một cuộc hành quân thủy bộ của quân đội Pháp, lớn hơn bất cứ một hành quân nào trên chiến trường tại Đông Dương.
Để chuẩn bị cho những thương vong lớn có thể xảy đến cho các đơn vị hành quân, một Bệnh Viện Hạm đã neo sẳn ngoài khơi để chửa trị tại chỗ các thương bệnh binh được trực thăng chuyên chở thẳng ra tàu. Ngoài ra cấp Chỉ huy Pháp gồm có Tướng Leblan và Sĩ quan cao cấp còn đặt Trung tâm hành quân ngay trên chiến hạm để theo dõi trực tiếp và quyết định tại chỗ các đề nghị và nhận báo cáo của năm vị Chỉ huy trưởng đơn vị cấp Đại tá đang chiến đấu tại các mũi dùi trên chiến trường đã đến hồi sôi động và đẫm máu.
Lực lượng hành quân đang gặp sự chống cự mạnh mẽ của địch quân với quân số ít ỏi của Trung đoàn 95 và các đơn vị du kích đặc công cảm tử địa phương đã cầm chân đoàn quân thiện chiến trên khắp mọi phòng tuyến chung quanh một con đường chiến lược, huyết lộ nổi tiếng nối liền hai thành phố Huế và Quảng Trị.
Huyền ngồi trên chiếc xe ngựa chuyên chở hành khách và hàng hóa từ làng Vân Trình về Mỹ Chánh. Trên xe ngoài Huyền ra còn có ba hành khách đem cây trái, rau cải về bán tại chợ Mỹ Chánh. Bầu trời lờ mờ sáng, sương mù còn dày đặc trong không khí trong lành, mát dịu của một ngày cuối tháng bảy.
Chú nài ngựa và cũng là chủ chiếc xe, tuổi cũng trên dưới năm mươi, thả lỏng cương ngựa, chăm chú nhìn về phía cổng làng phía xa xa, đang đưa tay lên che miệng ngáp dài. Huyền cũng cảm thấy buồn ngủ, nàng để chiếc cặp nhỏ trong đó đựng giấy tờ và một ít tiền giữa hai chân, cất vào túi áo bà ba cành hoa lan trắng mùi thơm dịu dàng mà Trung đã ngắt từ cây lan dại leo quanh cây cổ thụ nằm bên vệ đường làng chiều hôm qua, để tặng nàng khi hai người từ giã nhau.
Huyền tựa đầu vào thành xe, mắt lim nhim, bên tai nàng nghe thoang thoáng điệu nhạc ngựa đang lóc cóc đều đặn trên con đường đất sét nện cứng, đầy sỏi trắng.
Huyền đã dậy và từ giã mợ từ bốn giờ sáng nay, nàng xách chiếc giỏ đựng mấy trái quít Hương Cần và hai cái bánh tét nhân thịt và đậu xanh, quà của mợ, rồi đón chiếc xe ngựa mà Huyền đã dặn chú nài quen biết của mợ tối hôm qua, để ra nhà ga Mỹ Chánh và đáp chuyến xe lửa sớm, trở về Huế.
Đang thiu thiu ngủ bỗng nhiên Huyền choàng tỉnh dậy vì nghe tiếng nổ lớn chung quanh mình, dọc theo hai bên vệ đường, trên cánh đồng ruộng bỏ hoang. Đất cát, nước bùn lầy văng lên cao trong không khí cùng với khói mờ mịt khi những viên đạn pháo binh nổ bùng.
Một thân cây dừa cao lớn bên đường làng gảy hai, ngả xuống sau tiếng “đùng...đoành...đùng...đoành” liên tục nghe điếc cả lỗ tai. Thân cây đổ nhào ra đường ngay phía trước chiếc xe làm cho con ngựa già hoảng sợ hí vang rồi nhảy dựng lên, đá hai chân trước lên cao, những người trên chiếc xe ngựa mất thăng bằng, té ngửa về sau, rơi xuống con đường đất, rau cải và hàng hóa rơi tung tóe khắp mặt đường.
Tiếng rít của đạn pháo binh nghe bay ngang qua đầu mọi người rồi rơi xuống cạnh chiếc xe ngựa nổ “ầm...ầm...đùng...đùng...”. Chú nài trúng mảnh đạn, thân hình đầy máu té nhào xuống chết bên vệ đường. Ba người hành khách khác cũng cùng chung số phận nằm rải rác gần xác chết của con ngựa ruột gan lòng thòng.
Huyền bị sức áp lực của tiếng nổ, thân hình bay tung lên trời, rơi xuống sát cạnh thân cây dừa, chân bên trái đau nhói như bị gảy lìa, đầu nàng bị đập mạnh vào thân cây, làm nàng như muốn bất tỉnh. Thoang thoảng trong gió sớm ban mai, Huyền nghe tiếng súng “tạch...tạch...tạch”, nhỏ dần rồi tiếng động cơ xe thiết giáp nghe tiến đến gần và trước khi nàng nhắm mắt ngất xỉu, nàng cảm thấy hình như có một bàn tay ấm đang rờ mạch máu tại cổ của nàng và rồi tiếng xí xô trên máy liên lạc truyền tin, tiếng cánh quạt phần phật của máy bay trực thăng, nghe xa dần trong giấc ngủ triền miên.
Ngọn khói từ những căn nhà tranh bị cháy bốc lên cao trên bầu trời màu xám xịt. Mây cuồn cuộn từ hướng tây nam mang theo cơn mưa giông đang tiến dần về hướng đông bắc.
Từ xa thỉnh thoảng vài tia sét chớp sáng lóe dài trong cụm mây đen, tiếp theo là tiếng sấm ì ầm dữ dội át cả tiếng súng nổ ròn rã của quân đội viễn chinh, đang cố gắng khép kín gọng kìm chiến thuật đã vạch định sẳn trong kế hoạch hành quân.
Những phóng pháo khu trục cơ và các máy bay thám thính đã rời vùng vì lý do thời tiết. Thiếu Không quân yểm trợ, quân tấn công như mất đi thế thượng phong vì quân lính của lực lượng phòng thủ Việt Minh lợi dụng địa thế sình lầy và lau sậy, tung ra những đợt phản kích cảm tử, gây thiệt hại nhiều cho các chiến xa đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển xe qua bãi sình.
Ngọn lửa bốc cháy dữ dội từ các xe tăng bị trúng đạn Bazooka của cảm tử quân Việt Minh, những lính Lê Dương đầu không đội nón sắt nhảy vội vàng ra khỏi xe, trước khi xe tăng nổ bùng, lăn lộn rên rỉ vì vết bỏng bên cạnh bãi lầy.
Những xe mang dấu hiệu Hồng Thập tự vội vàng chạy đến, trên xe nhảy xuống những Y tá, mang chiếc băng ca, lom khom cúi mình dưới tiếng súng “tạch..tạch..tạch..”, cát bụi văng tung tóe chung quanh, can đảm chạy về các quân nhân đang quằn quại vì trúng đạn, khiêng họ trở về xe tản thương.
Cuộc hành quân đã kéo dài hơn hai ngày qua, số thương vong hai bên lên rất cao. Ngoài những tổn thất về nhân mạng, lực lượng hành quân còn bị thiệt hại nhiều về quân dụng. Nhiều thủy vận xa, chiến xa bị thiêu hủy bởi súng Bazooka, chống chiến xa của Việt Minh trong ngày đầu tiên. Những chiếc xe tăng bị bỏ lại rồi Tây phải đặt chất nổ phá hủy vì xe bị kẹt trong bãi sình lầy nằm dọc theo bờ biển Lại Hà - Vân Trình - Đồng Quế.
Đám mây đen cuồn cuộn mang theo trận mưa giông thật lớn kéo dài suốt đêm cho đến sáng hôm sau. Lợi dụng cơn mưa và trời tối, thành phần nòng cốt của lực lượng phòng thủ thuộc Trung đoàn 95 đã dùng các địa đạo và các con đường tắt quen thuộc, chia thành từng toán nhỏ, lén lút né tránh các trận đụng độ, xuyên qua phòng tuyến của các đơn vị hành quân Pháp, rút về phía dãy Trường Sơn, trốn thoát vào mật khu nằm sâu trong núi. Việt Minh chỉ để lại trận tuyến các thành phần đặc công cảm tử với vũ khí và dụng cụ nhẹ, cùng với các đơn vị du kích địa phương để cầm chân lực lượng hành quân của quân đội Pháp.
Vần dương sáng chói lên cao dần từ phía chân trời, chiến hạm nhấp nhô trên những lượn sóng dài màu xanh thẩm.
Bãi chiến trường trở nên yên tỉnh so với hai ngày trước, tiếng súng nghe rời rạc chứ không ầm ĩ như lúc mới khởi đầu cuộc hành quân.
Trên không trung những thám thính cơ đã trở lại chiến trường sau cơn mưa giông sấm sét ngập trời chiều hôm trước. Vẫn không thấy bóng dáng các khu trục phóng pháo cơ trên bầu trời xanh lơ không gợn mây, có lẽ vì chiến cuộc nay đã lắng dịu xuống nhiều.
Trong ngày cuối cùng của cuộc hành quân, các đơn vị thuộc năm mũi dùi tấn công đã chiếm mục tiêu và vòng tròn của thế gọng kìm bắt đầu thu hẹp lại. Sức chống cự của Việt Minh trở nên yếu ớt dần dần với những cuộc đụng độ lẻ tẻ trên khắp các trận tuyến.
Với một lực lượng tấn công nhiều gấp gần 20 lần quân số của Việt Minh trú đóng tại đây, quân đội viễn chinh Pháp đã đánh đuổi Trung đoàn 95, lực lượng nòng cốt đã kiểm soát hơn hai năm qua, con đường chiến lược quan trọng nối liền các làng mạc dọc theo duyên hải phía bắc thành phố Huế, ra khỏi “Huyết Lộ Ô Lâu.”
Tướng Leblanc báo cáo về Bộ Chỉ Huy tối cao của Pháp là cuộc hành quân càn quét lực lượng của Trung đoàn 95 Việt Minh đã thành công mỹ mãn.
Cuộc hành quân mang tên Camargue, một địa danh của vùng bờ biển đầm lầy phía tây ngoại ô thành phố Marseilles của Pháp kéo dài trong ba ngày.
Quân lực Pháp sau đó đã thành lập được cơ cấu hành chánh cho gần hai mươi lăm làng mạc gồm cả làng đánh cá dọc vùng duyên hải từ Thuận An ra đến Cửa Việt và được đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền quốc gia.
Riêng Trung đoàn 95, sau trận đánh này, vì quân số thương vong và bị bắt làm tù binh rất lớn, vũ khí mất mát, tịch thu bởi Tây quá nhiều, nên kể từ đó vắng bóng trên chiến trường vùng Quảng Trị, Thừa Thiên.
Tàn quân Trung đoàn có lẽ đã rút về hậu cứ tại mật khu A Sao, A Lưới để dưỡng sức và tái bổ sung trước khi tung ra các trận tuyến đang sôi động tại miền bắc và cao nguyên trung phần Việt Nam.
Chiến tranh Đông Dương đang được các Đại cường quốc trên thế giới quyết định tại bàn hội nghị Genève, Thụy sĩ. Trong khi phái đoàn gồm có đại diện của các nước như Pháp, Hoa Kỳ, Trung Cọng, Nga Sô, Việt Cọng và Việt Nam Quốc gia...đang bàn cãi để đi đến một giải pháp chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, thì tại Điện Biên Phủ, quân đội Cọng sản tăng cường áp lực quân sự, vây hảm lực lượng của Pháp trú đóng tại đây.
Hội nghị quốc tế này rất được chú ý khắp toàn thế giới vì đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới về vai trò ngoại giao trên bàn hội nghị thay vì giải quyết vấn đề tranh chấp bằng vũ lực trên chiến trường.
Kinh nghiệm đắt giá trong hai trận thế chiến và chiến tranh Cao Ly với tổng số nhân mạng bị chết quá cao và những hậu quả tàn khốc gây ra bởi chiến tranh, đã làm cho các nhà lãnh đạo quốc gia phải thay đổi quan điểm để tìm đường lối giải quyết mọi vấn đề tranh chấp bằng cách thương thuyết trên bàn hội nghị.
Cọng sản quốc tế Nga Tàu đã tiếp tế quân dụng, vũ khí tối tân cho binh lính Việt Minh với quyết tâm giúp Hồ Chí Minh đánh đuổi đoàn quân viễn chinh Pháp ra khỏi vùng Đông Dương, rồi gây ảnh hưởng với Việt Nam và bành trướng lý thuyết và chủ nghĩa Cộng sản tại vùng Đông Nam Á.
Các quốc gia tự do trên thế giới đã đoán biết ý định của bè lũ Cộng sản quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, sau trận chiến tại Cao Ly, đã nhận thức và quyết định chấp nhận vai trò lãnh đạo Thế giới tự do, bằng mọi giá phải ngăn chặn làn sóng đỏ đang mưu đồ thống trị thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Việt Nam đã trở thành một vị trí chiến lược và là đầu cầu quan trọng của Thế giới tự do, được dùng để thử thách và chống trả Cộng sản. Chiến tranh Ý thức hệ đã bắt đầu giữa người Quốc gia và Cộng sản, khởi đầu cho một cuộc chiến không trận tuyến của những người đồng chủng tộc.
Một nhân vật quan trọng được Hoa Kỳ ủng hộ và giúp đỡ đã nắm giữ vai trò lèo lái con thuyền Việt Nam qua cơn sóng gió.
Ông Ngô Đình Diệm với chức vụ Thủ Tướng, được Quốc Trưởng Bảo Đại giao phó tất cả quyền hành và trách nhiệm, đã và đang cải tổ thành phần nội các.
Với quyết tâm xây dựng một Quốc gia tự do hùng mạnh, ông thành lập một Chính phủ gồm những người có tư tưởng chống cộng và thay thế Tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng để chuẩn bị đương đầu các Lực lượng giáo phái Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo...đang chia phần tại miền Nam.
Giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo đã kiểm soát vùng đồng bằng sông Cửu Long từ hơn một thập niên qua, được sự yểm trợ quân sự và tài chánh của Pháp để chống lại Việt Minh.
Họ rất hữu hiệu trong việc bảo tồn khu vực kiểm soát của giáo phái, dù Việt Minh hay chính quyền thuộc địa Sài gòn cũng rất khó xâm nhập vào địa phận của hai giáo phái này.
Riêng Bình Xuyên, dưới quyền của Bảy Viễn, kiểm soát vùng Chợ lớn và ngoại ô thành phố Sài gòn, điều hành hai sòng bạc Kim Chung và Đại Thế giới. Trong mấy năm vừa qua, thực dân Pháp phong cho Bảy Viễn chức vụ Thiếu tướng và chấp thuận cho Bình Xuyên quyền thâu thuế các thương gia Tàu giàu có đang hành nghề buôn bán tại Chợ Lớn.
Khi mới trở về nước, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã gặp nhiều khó khăn và sự bất cọng tác của mọi thành phần trong chính trường hiện tại.
Họ cho rằng ông là người công giáo, người Trung và các Sĩ quan cũng như nhân viên trong chính phủ trách ông Ngô Đình Diệm, đã bỏ quê hương ra đi trong hơn bốn năm qua, khi tất cả toàn dân đang ở trong giai đoạn tranh đấu giành độc lập cho Việt Nam.
Quốc Trưởng Bảo Đại đã rời Đà Lạt, cùng Nam Phương Hoàng Hậu và Hoàng gia lên đường qua Ba Lê trong khi chiến trường cao nguyên giữa Lực lượng đặc nhiệm Pháp và các Sư đoàn Việt Minh đã đi đến giai đoạn quyết liệt.
Những địa danh như Pleiku, Kontum, Quốc lộ 19, đèo Chu-Dreh, An Khê, Dak Doa...đã ghi lại trong trang chiến sử của những trận phục kích, tấn công và đụng độ khốc liệt, đẩm máu giữa Pháp và Việt Minh trong những ngày cuối của quân đội viễn chinh Pháp mà Hiệp định đình chiến sẽ được ký kết trong một thời gian rất gần đây.
Trong gần một thế kỷ đô hộ nước nhược tiểu tại một dải đất hình chữ S trên ven biển Thái Bình Dương xa xôi tận mãi ở viễn đông, chính phủ và giới lãnh đạo Pháp đã đương đầu hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, trong một cuộc chiến tranh không giới tuyến, sức chống cự anh dũng của dân tộc Việt Nam kiên cường đấu tranh giành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước.
Biết bao nhiêu thanh niên của thế hệ trẻ, mầm non của hai dân tộc đã bỏ thây trên chiến trường Việt Nam. Những người cha mất con, người vợ mất chồng, đau buồn khi nhận được tin từ chiến trường tận phía bên kia của nửa quả địa cầu.
Con trai của nhiều vị Tướng lảnh của Pháp phục vụ tại các đơn vị tham chiến của đoàn quân viễn chinh đã tử trận trong các cuộc hành quân từ Bắc bộ đến cao nguyên trung phần Việt Nam:
-Trung Úy Bernard de Lattre de Tassigny tử trận tại mặt trận Ninh Bình là con trai độc nhất của Thống chế De Lattre de Tassigny,
-Trung Úy Gambiez, con của vị Tham Mưu Trưởng của Đại tướng Navarre, bị chết tại Điện Biên Phủ...
Ngoài ra người ta còn được biết nhiều Tướng tá thuộc quân đội Pháp cũng đã bỏ mình trên chiến trường Việt Nam, như Tướng Chanson, Tướng Không quân Hartmann, Đại tá Blankaert...
Về phía Việt Nam, nguyên cả một thế hệ trẻ, một dân tộc bị đày đọa, khổ sở, chết chóc vì chế độ thực dân và Cộng sản núp dưới chiêu bài kháng chiến. Những mầm non tài năng tương lai của đất nước, bị tiêu diệt dần mòn vì không may đã sinh ra và sống dưới sự cai trị của dân Âu Châu đi chiếm thuộc địa cùng với chủ nghĩa ngoại lai Mác Lê, với ước mộng nhuộm đỏ toàn thế giới để tiến tới thiên đường Cộng sản.
Những kỷ niệm của tuổi ấu thơ, những mất mát trong cuộc chiến, những lời tâm sự, khắc khoải đớn đau được ghi lại và trình bày qua các sáng tác phẩm nghệ thuật thời tiền chiến chỉ nói lên một phần nào tâm trạng của một dân tộc nhiều chịu đựng, can trường. Những nấm mồ của chiến sĩ vô danh rải rác được chôn vội trên vạn nẻo đường quê hương mới thực sự diễn tả tất cả niềm uất hận của người dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh tàn nhẫn này.