Một cái lều mới tựa lưng vào phía ngoài cái tường mới trông như một miếng giẻ rách vá cái quần bằng vải nâu mới. Ba mẹ con chị sống trong ngôi lều ấy cho đến hai năm sau Việt Minh về phá bốt hương dũng, anh Văn Yến, lúc ấy là bí thư huyện uỷ quyết định, gia đình nhà chị mới chịu vào ở trong ngôi nhà do hương dũng xây. Nhưng dù chị hay bất cứ ai có đầu óc tưởng tượng phong phú đến đâu cũng không thể nghĩ được rằng sáu năm sau, khi đội cải cách về, ngôi nhà này lại là yếu tố quyết định trong bản án tử hình của chồng chị. Hãy còn dài lắm. Còn bao nhiêu đận nổi chìm lênh đênh mới đến sáu năm sau kể từ khi ngôi nhà hoàn thành. Đấy là những ngày rậm rịch vào tết Nguyên Đán Kỉ Sửu (1949). Hàng trăm bảo an, hương dũng cầm búp đa, mã tấu và bồng súng đứng hai bên để phó tổng kiêm đồn trưởng, ông Bạt và hội đồng hương chính đi giữa tiếng pháo ăn mừng ngày cất nóc, khánh thành ngôi nhà của Quốc gia làm cho Việt Minh. Đất vẫn đi đập đất thuê bên kia sông. Mấy tháng nay chị được phép đi mót hái, làm thuê, sáng đi, tối về, nếu ở đâu qua đêm phải xin phép. Mẹ được đi làm, tối về nhìn thấy nắm cháy, nắm cơm mắt đứa nào cũng sáng lên tưng bừng, cười nói ríu rít như chim. Dù cơm hay cháy, thằng Hiếu cũng rất công bằng. Cứ nhai một miếng mớm cho em, lại một miếng nuốt xuống bụng. Thằng em khoái trí cười như nắc nẻ mỗi lần thằng anh trợn mắt giả vờ nuốt “ực” nhưng lại nhổ tọt vào mồm nó. Ăn xong, nó đưa em cho mẹ rồi ghé vào tai thì thầm: - Ngày nào nó cũng có chuyện để thì thầm - “Hôm nay lão Bạt bắt phu gánh vôi hồ về nhà nó. Bảo lấy một tí ngăn cho con lợn sề nó ỉa riêng nhưng lại xây cả cái bàn thờ ở giữa nhà”. “Hôm nay bác Từ gái bảo: Bác Mỡ sắp được tha đấy mẹ ạ. Bác Mỡ được tha trước rồi bác Từ và hàng chục người khác cũng phải được tha. Làng tề rồi. Bắt hết dân đi, quan lấy ai mà cai trị”. “Hôm nay thằng bảo an coi phu lại bóp vú cô đánh vữa người làng Nhằng. Cô ta tát cho thằng bảo an hộc cả máu mũi”. Mẹ nó gắt: - Sao con lại cứ đi để mắt vào những chuyện vớ vẩn ấy. Mẹ đã bảo con, cứ trông em, vơ rác, giặt giũ, tắm rửa cho em, kệ xác ai muốn làm gì thì làm. - Thì con bế em đứng đấy tự nhiên con thấy nó “chộp” vào cô ta chứ con có để ý đâu. Bỗng tiếng chó, tiếng người hùa vào nhau xồ lên: - Ối làng nước ơi, Việt Minh - Ối làng nước ơi! Việt Minh - Ối làng nước ôi ô ô.... Sẵn một phản ứng quen thuộc, nhanh như chớp, thằng Hiếu nghển người thổi phụt ngọn đèn dầu ở mặt hòm rồi cầm cái mồi rơm đang cháy, quay đầu vào phía trong. Tiếng chó sủa, tiếng người kêu vẫn vỡ ra oa oa. Chó nhà ai cũng phải sủa, người nhà ai cũng phải kêu: “Việt Minh! Việt Minh”. Chó không sủa, người không kêu là chứa chấp Việt Minh. Nên bất cứ ở một xó xỉnh nào có tiếng chó rồ lên và tiếng kêu Việt Minh là như một bệnh dịch lan ra cả làng, cả tổng. Những lúc ấy hương dũng, bảo an xách súng, vác búp đa, mã tấu chạy ình ịch khắp nơi. Có tiếng thì thào. Rồi tiếng bước chân rón rén phía ngoài lều của mẹ con nhà Đất. Từ khi tổng Lỡi về, chị không phải đi trình diện, lại được đi làm thuê. Rồi chúng lấy gạch, ngói của ông tổng mang về xây nhà cho chị. Rồi chánh phó đồn và bọn bảo an, hương dũng đứa nào gặp chị cũng chào hỏi, săn đón. Rồi đêm đến lại rình rập, không hở ra một phút nào. Liệu tổng Lỡi còn chút lương tâm thương tình cảnh ngộ con chị như lão nói hay: “Thằng chồng nó làm to bên Việt Minh, quan lớn muốn nó phải quy phục”. Chắc chúng nó nghĩ khi mẹ con có nhà cao, cửa rộng thì anh ấy sẽ quy hàng để được sum họp với vợ, với con nên đêm nào cũng ráo riết rình anh. Liệu anh có biết chúng nó lập mưu như thế không? Mỗi tiếng cho cắn, tiếng người kêu thét lên lại làm chị giật thót tưởng như anh về. Cứ phấp phỏng đêm đêm cho đến tận những ngày giáp tết chị mới biết tin anh bị bắt. Hôm ấy chị đi cào cỏ lúa thuê về hớt hải vứt cho con nắm cơm rồi nằm thở dài thườn thượt. Đến khi thằng Hiếu cho em vào ngủ chị mới ghé vào tai nó dặn: - Mai mẹ đi sớm. Con dỗ em chơi, trông em cẩn thận nhá. - Thế mọi ngày con bỏ em chơi một mình à? - Mẹ phải dặn thế vì mai có khi mẹ về muộn, có thể phải đến khuya. - Sao mẹ lại không về sớm như mọi ngày. - Nhà chủ người ta muốn xay giã cho người ta có gạo ăn quà tết. Mẹ có về muộn cứ cho em ăn rồi bế em đi ngủ. Còn ba bơ gạo. Đêm nay mẹ nấu một. Còn hai bơ mẹ chia làm sáu phần để ở hai mẹt. Mẹt trên nấu cháo, mẹt dưới thổi cơm cho em. Mỗi ngày bốc ở mỗi mẹt một phần. Nhỡ mẹ có đau bụng đến mai hay cả ngày kia chưa về được, con cứ thế con làm. - Đau bụng? Thôi ở nhà mẹ ạ. Không có gạo, con nhịn, cho em ăn, mẹ đừng đi làm nữa. - Mẹ phòng xa thế để có ai hỏi, cứ thế con nói. Mà nhỡ mẹ về muộn thật, con không sốt ruột. - Mẹ cứ cố về sớm mẹ nhá. Ngày nào hễ thấy xâm xẩm tối mẹ chưa về là em cu khóc đòi bế ra ngõ. Câu nói như xát muối vào ruột gan chị. Nhưng chuyện này chị không thể nói ra được. Chiều nay đi làm về đến gần bến Rạp chị gặp cô em gái của anh bạn tù cùng quê của chồng, cô ấy đã đi sang bên này “cắt cỏ” suốt bảy ngày mới dò hỏi được tin chị. Biết chị vẫn đi làm thuê ở bên ấy, ba chiều nay cô ra bến đò lân la chuyện trò, chờ chị. Cô cho chị biết anh đã bị bắt ngay từ sáng hôm chị tiễn anh đi. Tra khảo mãi không được, nó đưa anh lên mạn ngược tiếp đạn cho lính Tây. Anh bị ngã nước rụng hết tóc, người xanh bủng như tàu lá ngâm nước. Nó đưa anh về “Nhà Tiền” Hà Nội được hai tháng nay. Đi không vững nhưng hàng ngày phải đội than ở bến Phà Đen. Chị phải khai là người làng Chay, hỏi anh Mộc. - Có cơm, chị mang cho anh một nắm. Đói lắm. Là anh trai em bảo thế. Anh ấy không dặn đâu. Cô nói đến đâu, nước mắt chị trào ra đến đấy rồi khóc bật lên thành tiếng. Người chị lả đi, chân tay run rẩy, cô gái phải dìu chị xuống đò và dặn: - Nếu đi được, mờ sáng ngày mai chị ở đây em đưa chị đi. Chị lau nước mắt, “đội ơn” người bạn gái mới quen và khi lên khỏi con đò lại phải xăm xắn đi như không có chuyện gì, như mọi ngày chị vẫn phải cắp cái nón đựng nắm cơm, nắm cháy bọc trong lá chuối khô. Ngày hôm sau chị đến Phà Đen thì anh bị sốt rét nằm ở “căng”. Người bạn tù của anh khuyên chị ở lại để ngày mai anh ấy “khỏi” sẽ ra đây. Phần phấp phỏng chờ gặp chồng, phần đau thắt ruột lo cho hai con ở nhà, suốt đêm chị phong phanh manh áo cánh nâu rách, gục đầu vào đống than, nhem nhếch như một con “ăn sương” ở bến Phà Đen. Ở nhà, từ lúc tối nhọ mặt người, thằng em đã khóc đòi mẹ. Dỗ dành thế nào thằng em cũng không chịu để anh mớm cơm, mồm nó xệu xạo gọi “mẹ mẹ” hàng giờ đồng hồ làm cho thằng anh không chịu được cũng khóc thầm, nuốt nước mắt vào mồm. Nó sợ không dám nằm. Hai anh em đói meo, ôm nhau ngồi dựa lưng vào tường cùng khóc. Rồi vẫn như mọi đêm: chó cắn và người kêu. Tóc gáy thằng Hiếu dựng lên, nó lo thon thót không hiểu mẹ nó làm sao? Hay là mẹ nó biết lính lại bắt mẹ nên mẹ phải dặn dò nó. Đến quá nửa đêm, cả hai anh em nó mệt, đói, ôm nhau vừa thiếp đi, hương dũng lại đạp liếp bằng cây đay xông vào rọi đèn lục soát rồi túm tóc lôi thằng Hiếu dậy quát: - Con mẹ mày đâu. Nói ngay không ông bắn. Thằng em khóc rú lên. Thằng Hiếu ôm chặt lấy em. Nó nói cụt lủn: - Đi làm! - Làm thịt bố mày sao giờ này chưa về? - Mẹ tôi đang đi ỉa tháo dạ bên kia sông phải nhắn người về. Các ông không giúp gì thì thôi còn nói bậy. - Láo. Con mẹ mày vừa ra khỏi nhà gặp thằng Kiêm. Rồi như, không thể để cho tên Việt Minh đầu sỏ chạy thoát, mấy thằng hương dũng cũng vọt ra khỏi nhà. - Việt Minh. Việt Minh. Nó chạy ra lối này. Chính chúng nó giật cái cổng làm bằng mấy cành rào rất sơ sài chạy ra và kêu: “Nó chạy lối này”. Cả làng mới có bốn cổng, thành bốn điếm canh. Riêng nhà Đất nó để cho mẹ con chị cái cổng riêng rất sơ sài “để chị đi lại cho tiện”, nhưng nó là cái bẫy để bọn chỉ điểm hau háu nhìn vào đấy. Hơn một trăm bảo an, hương dũng và hàng chục thằng chỉ điểm “đi cày”, “bắt rắn”, “bắt cua”, “câu lươn”, “vồ ếch” rình rập suốt ngày đêm, mà lúc Đất đi vào khoảng quá nửa đêm hôm qua thì lại không thằng nào biết gì. Đến bây giờ mới mở cái “cổng” chạy ra đuổi. “Đứng lại. Đứng lại”. Tiếng hương dũng hô. “Bọn Việt Minh” vẫn chạy, trong tiếng kẻng thúc, tiếng còi thổi, tiếng chân chạy. Ba phát súng bắn lên báo hiệu tối nguy cấp. Lập tức đuốc đốt lên. Mỗi người dân một bó đuốc cùng đốt lên. Làng sáng rực như ban ngày. Những con chó đứng vểnh mõm nhìn ánh đuốc sáng, vẫy đuôi như là thích thú quên mất chức phận của chó là phải cắn và sủa. Người cũng không kêu nữa. Đã “trông thấy nó” rồi thì chỉ có đuổi, phải bao vây bốn bề, phải báo động khẩn cấp cho các xã, phải chặn đường chạy ra sông Cái. Từng xó xỉnh, bờ bụi, từ trên ngọn cây đến các ao bèo đều tỏ rõ, có thể trông thấy từng đàn kiến đen đang bò lên tổ ở ngọn tre cộc. Thấy cả con thằn lằn nằm trên những cánh bèo nghển cổ lên nhìn mà không thấy Việt Minh. Con Đất thì còn lẩn khuất ở đâu, còn ba thằng lao vọt ra cổng chạy về phía miếu Cuội. (Sáng hôm sau lính dõng đem một trung đội đến tăng viện thì “nó” có chín thằng tất cả). - “Chín thằng” nó chạy làm hai mũi. Một mũi 5 thằng có cả tiểu liên, súng trường, dao mã tấu chạy ra phía đầu Cuội Thượng; bốn thằng kia, có một thằng cầm lựu đạn chạy theo con đường lên miếu. Anh em hương dũng đuổi theo bủa vây ngay, chưa thể ra sông được. Vậy thì nó còn lẩn khuất đâu đây. Hôm ấy, các làng phải mổ lợn nấu cơm cho lính đồn Tây và hương dũng ăn, nằm phục bắt sống bọn Việt Minh cùng với con Đất. Sục xạo đến quá chiều, lính đồn rút về. Người bảo họ nghi binh để Việt Minh “lên” họ “chụp”, người nói “sục” mãi không thấy gì phải bỏ đi. Suốt ngày hôm nay thằng Hiếu không thổi nấu gì. Nó không thể dậy được, nó nằm ở ngoài góc sân. Còn thằng em cứ ngồi ở giữa ổ không kêu đói, không khóc một tiếng. Lúc 10 giờ sáng vẫn không thấy tăm tích Việt Minh và con mẹ Đất đâu, đích thân thằng Bạt vào nhà nhìn ngó, mở cả hòm ra xem rồi nó hỏi thằng Hiếu. - Sao mẹ mày không có nhà? - Đã bảo đi làm bị đau bụng nằm ở bên kia sông, các ông lại không tin. - Làng nào? - Ông sang bên ấy mà hỏi, tôi biết đâu được. - Láo. Nứt mắt ranh đã lí sự kiểu con mẹ mày. - Nó nghiến răng, rít lên: - Không tìm thấy con Việt Minh cái, ông tùng xẻo mày. Nó lôi thằng Hiếu ra khỏi lều tát rồi đạp, rồi dựng ngược lên tra khảo. Thằng Hiếu vẫn một mực bảo mẹ nó đi làm. Từ đấy thằng Hiếu nằm ngất lịm ở một góc sân mà những người ruột thịt như các bác Từ, bác Mỡ gái không ai dám bước sang cái “ổ” Việt Minh đang được bao vây vòng trong, vòng ngoài. Đến sẩm tối, đám hương dũng vừa sững sờ không hiểu bọn Việt Minh đã thoát qua sông bằng cách nào thì chính con mụ Đất lại dẫn xác xuống đò đi về bên này. Nó phờ phạc, “xọp” đi thế kia rõ ràng nó đã phải chạy trốn suốt đêm hôm qua. Lập tức tên Bạt cho lực lượng “áp sát”. Chị về đến nhà không thấy các con đâu, hốt hoảng gọi rồi ra khỏi lều đi tìm con. Lúc về thấy cửa ngõ toang toàng đã ngờ ngờ. Vừa chạy ra ngõ, chị vừa khóc gọi con. Có tiếng khóc của thằng cu con ở chỗ bụi chuối, cạnh đường sang nhà bác Từ. Chị lao về chỗ ấy bế thốc lên cuống quýt hỏi như hỏi một người lớn: “Anh đâu!”. Thằng bé chỉ tay về góc sân, chỗ xó tường giữa nhà ngói và lều. Thằng Hiếu đã tỉnh, nghe tiếng mẹ gọi nhưng đói, đau và ấm ức, tủi thân quá, nó không thưa được. Một tay bế thằng bé, một tay dìu thằng lớn vào nhà. Chưa kịp hỏi con vì sao lại đến nông nỗi này một thằng hương dũng xăm xăm vào hỏi xẵng giọng: - Từ đêm qua mày đi đâu? Lên đồn ngay. - Tao đi làm ăn. Quyền gì mà hỏi. - Đ. mẹ nó. Định ngoan cố. Chúng ông cắt họng. - Cha đẻ bố thằng mất dậy. Mày cút ra khỏi nhà tao ngay. - À... à... mày...- Nó vác búp đa xông vào gần ổ. Chị chồm dậy cầm con dao bầu ở mặt hòm, quay ra. Thằng kia lao bắn ra cửa, hét thất thanh: - Con Việt Minh có vũ khí. Vũ... Thằng Bạt đứng chẹn ngay ở cửa tát “bốp” vào mặt thằng hương dũng làm thằng ấy hơi chúi đi. Bạt bước vào nói: - Nó bố láo gì với chị đấy? - Bố nó cũng chả dám láo với tôi. Tôi hỏi ông, đứa nào đã đánh con tôi sưng cả mặt, mũi thế này? - Chị cứ để tôi hỏi xem đứa nào. Tôi trị bỏ mẹ nó. Thằng Hiếu nằm ổ nói: - Chính lão ý nó đánh và đạp con. Thằng Bạt hỏi chị cùng với lời thằng Hiếu nói, nên Đất đứng ngoài không nghe rõ tiếng con. - Bây giờ cho tôi hỏi: Tại sao chị đi vắng mà không bảo gì cho bà con xung quanh hoặc anh em chúng tôi để xem các cháu có chuyện gì? Chị để chúng nó đói lả suốt mấy ngày trời rồi. Bằng cái giọng the thé thớ lợ, thằng phòng nhì đã làm mẹ con chị bao phen khốn đốn. Với những thằng khốn nạn này, nó chỉ có quan trên, mà là quan trên đang còn thế lực. Nó có thể móp mình lại liếm vào gót ông quan trên ngày hôm qua khi ông ấy đang có quyền chức. Đến hôm nay nó lại có thể lạnh lùng quay mặt đi nếu như ông ta không còn gì có thể làm suy chuyển đến chức quyền của nó. Loại người như nó làm gì có tình nghĩa, trước sau như cái lời xoen xoét của nó. Mày đã thích quan trên, tao đem hẳn “ông cụ” quan trên của mày ra trị. Nghĩ vậy, chị lạnh lùng bảo nó: - Độ nọ quan lớn trên tỉnh không dạy dỗ gì các anh phải đối với tôi thế nào? Ai cho phép các anh đêm nào cũng rình mò mẹ con tôi. Anh có thích làm phó tổng tuần và trưởng đồn hương dũng tổng này nữa không? Nỗi uất ức bừng bừng đùn lên làm cho cái mặt nó dày ra. Quả thật, nó chưa thể hiểu do một cái gì đấy mà quan lớn tỉnh trưởng lại không cho bất cứ ai đụng đến con mẹ này. Nó đành nuốt hận xin chị bỏ qua mọi việc. Nó ra khỏi cửa quát mắng đám hương dũng. - Ông cấm chỉ từ nay thằng nào còn bén mảng đến đây! Cút! Chắc là máu nó cũng đang bầm tím lại như cái đêm 29 tết này. Nhưng, chẳng lâu la gì. Chỉ tám tháng sau nó có dịp “nói chuyện” với chị để cho cái u bầm tím trong lòng nó được “vỡ” ra. Có cái gì ném vào vách lá đã đến lần thứ ba. Chó lại cắn xồ lên. Tiếng người kêu cũng xồ lên. Không nghe tiếng bước chân chạy gấp gáp. Cũng không có động tĩnh gì để chứng tỏ vẫn có người lò dò, rón rén bên ngoài cái lều lá mía. Cái tiếng lách cách lên quy lát súng ở phía hàng rào chỉ cốt để chứng tỏ là: “Hương dũng đây”. Rồi, hương dũng đi. Tiếng chó, tiếng người lại xô nghiêng về phía cuối làng. Tiếng ồn lên rồi tiếng súng nổ cũng ở phía ấy. Có tiếng bàn tay rờ rờ lần tìm ngoài cái phên che cũng bằng lá mía. Chị cầm lấy cái dao bầu ở đầu giường sẽ sàng ngồi dậy: “Đất, Đất”. Tiếng chị quát ra: - Thằng nào muốn mất đầu vào đây với tao. - Anh đây. Cửa ở chỗ nào? - Tiên sư chúng bay, lại muốn giở trò gì hả? - Đừng nói to. Anh “nuốt hết ba con giun rồi” đây mà. Chị run bắn lên không biết là mừng hay là hoảng sợ nữa. Hai tháng trước chị lên thăm anh, anh sốt rét bủng beo. Anh bảo: “Thôi để cơm ở nhà cho các con. Lần sau lên, cho anh mấy múi bưởi và đào cho anh ba con giun anh nuốt”. Cách nửa tháng nữa, chị lên Phà Đen chờ tù ra đội than. Các bạn tù của anh cho chị biết: anh khỏi sốt, nó chuyển anh đi “căng” khác rồi. “Nuốt ba con giun” chỉ có chị và anh biết. Nhưng vẫn còn bán tín bán nghi. Biết đâu trong tù có người biết chuyện làm phản. Chị rón rén ra sát cửa. Anh biết chị đến gần, bảo: - Đừng sợ. Đã nhận ra anh chưa? - Giời ơi. Anh ơi. Vào đi. Em mở cửa đây rồi, vào đi. Anh lách mình vào, nắm lấy tay chị. Chị ôm ghì lấy chồng và gục đầu vào vai anh. Không biết vì nỗi mừng đột ngột hay sợ hương dũng ập vào, chị vẫn cứ run lập cập. Anh xiết vào người chị như là để cho chị yên tâm hơn. Anh nói: - Đừng sợ. Mấy anh cùng trốn với anh kéo nó xuống xã dưới rồi. Các con thế nào? - Khoẻ cả. Anh quay vào phía đầu ổ đứng nhìn các con. Chị cũng nhìn như để chia sẻ với anh cái giây phút đầu tiên được nhìn thấy đứa con của mình. Anh cúi rạp người xuống. Vẫn không nhìn rõ mặt con. Anh thì thào hỏi vợ, cũng đang cúi xuống cùng anh: - Con giống ai? - Cả. - Nhưng ai nhiều hơn. - Anh. Anh ôm chầm lấy chị thay cho một lời nói: “Cảm ơn em nhiều lắm”. Nhưng không nói ra được. Chị gục vào vai anh, để giữ chặt lấy cái giây phút ngây ngất đến đờ đẫn này. Chị ra hiệu cho anh trèo vào ổ bế con lên mà nhìn. Anh lúng túng chùi chân, làm theo lời vợ. Chị bảo: - Em ra ngoài kia gác. Thấy em sang nhà bác Từ kêu Việt Minh thì anh chạy lại sau nhà. À anh vào lối nào? Ừ cứ lối ấy mà ra, không được xuống chỗ cổng. Anh biết chỗ cổng chưa? Thôi để em chỉ. Dặn dò chồng xong, đợi anh rón rén bước vào cái ổ lá chuối khô, chị ra ngoài gác. Vẫn tiếng kêu, tiếng chó sủa xuôi mãi phía cuối xã. Chị thấy lạnh và cũng muốn nhìn chồng một chút nữa, chị vào nhà lấy chiếc bao tải gai khoác lên người. Anh đang ngồi giữa ổ ôm thằng Mai, “cu con”, và rờ lên người nó. Thằng Hiếu đang thì thào nói chuyện với anh. Thấy mẹ vào nó nhổm dậy bảo mẹ nói chuyện với chú để nó ra gác. Kiêm giữ tay nó lại: - Không kịp đâu con. Chú phải đi. Anh đặt “cu con” xuống rồi trùm cả người mình lên con. Thằng bé vẫn ngủ say như chó con. Anh “thơm” lên khắp người con làm thằng bé giật mình thức dậy. Thằng Hiếu vội ôm lấy em. Kiêm ôm lấy cả hai anh em nó: - Thôi, chú đi. Thằng Hiếu hút nước mũi cho khỏi chảy xuống miệng, gật đầu. Anh hỏi vợ: - Đưa anh đi một đoạn được không? Chị sẽ gật rồi cúi xuống dặn Hiếu: - Đứa nào hỏi, con lại nói như mọi hôm nhá. Thằng Hiếu biết mọi điều quan trọng mà mẹ với chú không thể biết nên nó phải dặn: - Ra khỏi hàng rào lẻn ngay xuống ruộng ngô. Luồn trong ấy mà đi. Lính đồn Tây nó hay đi “ba tui” vào tầm này đấy. Cả mẹ và chú đều gật đầu ngoan ngoãn rồi chú theo mẹ ra khỏi lều. Chui vào cánh đồng ngô, hai vợ chồng cũng chỉ dùng dằng tiễn nhau đúng mươi phút đồng hồ rồi chị phải quay về để anh bơi qua sông gặp các bạn tù trốn tiếp ra vùng tự do. Và, trên chiếc bao tải đay rải ra dõng ngô, sự “ân ái” vợ chồng cũng chỉ diễn ra chưa đầy hai phút đồng hồ ấy, chị thấy nó xoá đi tất cả những gì đã đổ xuống đầu chị hơn hai năm qua. Nhưng rồi nó lại như tất cả những hạnh phúc chơi vơi, nỗi đau đớn nhọc nhằn cả cuộc đời chị dồn lại ở đấy, từ đấy niềm vui mỏng mảnh và nỗi đắng cay nhục nhã cũng lớn dần lên dồn lên chẹn lấy từng hơi thở của chị. Thằng quan hai Pháp ở đồn Thiệt được thăng chức, trước khi đổi đi nơi khác nó bảo thằng chỉ điểm làng Cuội, tổng Bạt. - Ông Lỡi tỉnh trưởng không thể gia ân riêng cho con Đất, vợ thằng Việt Minh. Ông ấy hành động chỉ cốt để dân chúng biết nhà nước Pháp - Việt bao giờ cũng rộng lượng kể cả với kẻ lầm lỗi, kẻ dám chống lại quốc gia. Ông là người có niềm tin dễ dàng, một đức tính rất đáng yêu nhưng lại rất nguy hiểm cho giới nhà binh chúng ta. Ông tin ông Lỡi đứng ra bảo hộ cho nó hay sao? Không đâu. Ông Lỡi đã tha cho nó tội chết trong việc đâm mù mắt người thông ngôn của tôi chỉ vì ông Lỡi không muốn cái mắt chột của thằng con ông ta lại dính đến “cái” của con Việt Minh ấy. Ông có hiểu không. Tôi sẽ nói với ông thiếu uý, người thay thế tôi để ông toàn quyền xử trí con Đất, không ai có quyền ngăn cản ông thực hành công việc của mình. Có gì làm cho Bạt mừng rỡ hơn những lời của ông thầy nó. Nhưng nó lại làm theo cách của nó: ngọt nhạt, thớ lợ một cách man rợ. Hắn cho “mời” chị Đất lên đồn hỏi nhẹ nhàng: - Chị có mang cháu được mấy tháng rồi? - Thưa ông, bốn. - Từ thời gian nào nhỉ? - Từ cách đây bốn tháng. - À vâng, tôi vô duyên quá. Thế chị gặp anh ấy... - Không phải với chồng tôi. - Vậy hả. Thế chuyện đầu đuôi thế nào, chị có thể cho tôi biết được không? Chị Đất hiểu... tôi với chị cùng làng, cùng xã tắm chung nước đầm Cuội cho nên... tôi muốn biết hơi tò mò một chút về chuyện này, để có quan trên về hỏi, cũng liệu mà... - Ông muốn hỏi tôi ăn ở với ai, ở đâu chứ gì? - Chị hiểu cho thế nào cũng được. - Tôi đi làm thuê làm mướn, đêm hôm ở bến đò Rạp bên kia. Họ bức tôi nên tôi không thể biết người đó là ai. - Vậy là... - Tôi chửa với ai mà không phải với chồng mình chả là chửa hoang. - Tuỳ chị. Để các quan trên, có thể quan lớn trên tỉnh có hỏi, tôi nói có bằng cớ của chị. Chị chịu khó viết ra giấy cho tôi những điều chị vừa nói. - Tôi sẽ viết. - Ngoài cái giấy này, chị viết cho ba chữ to: “Tôi chửa hoang” để không ai có thể nghi chị đi lại liên lạc với anh ấy. - Ông muốn bắt tôi làm gì thì cứ bắt đi. - Thôi hãy tạm như thế đã. Chị ngồi dậy một chút, cho tĩnh tâm lại. Chị hơi bực rồi đấy. Với nỗi uất hận cần được trả, nó có thể “tùng xẻo” hoặc đút chị vào rọ thả trôi sông mới hả. Dẫu sao nó cũng là thằng đàn ông như bất cứ thằng đàn ông nào ở cái tổng Cuội này. Không thể, không có một thời ngơ ngẩn trước vẻ đẹp của Đất và tấp tểnh tìm cớ bắt chuyện với cô. Ngoài ý đồ trả thù “con Việt Minh”, nó còn có hạnh phúc là được nhìn sự tan hoang của con người cho bõ nỗi thèm khát vụng trộm. Ba ngày sau khi gặp chị, phó tổng Bạt đi lên đồn Tây với bốn hương dũng hộ tống. Đi từ sáng sớm. Bắn năm tràng súng. Không biết để làm gì. Chắc chuyện chó cắn người kêu ban đêm đã uể oải, chán, lại có chuyện bắn súng tiễn ông phó tổng lên đồn Tây để cả làng, cả tổng bàn tán. Cứ như là phải có những chuyện lạ, làng mới đỡ chìm lặng như chiếc thuyền đắm nằm dưới đất bùn. Chuyện bắn súng lúc tinh mơ chưa hết ngơ ngác thì lúc mặt trời lên khỏi ngọn tre chuyện xảy ra ở làng Cuội mới thực là đại sự. Đầu tiên tù và trống phách, loa, mõ, phường bát âm và kèn đám ma đều nổi lên inh ỏi ở miếu ông Cuội. Chưa ai hiểu sự gì xảy ra đã thấy hàng trăm bảo an, hương dũng tua tủa búp đa, súng ống, giáo mác chạy rầm rập từ các nơi về miếu. Dân làng cũng chạy theo. Chả mấy chốc người đã đông nghịt kín hết cả sân, cả rệ cỏ, cả các ngả đường đi vào miếu. Hai bảo an cầm búp đa và hai hương dũng cầm súng trường vẻ mặt nghiêm trọng dẫn “vợ tên Việt Minh chửa hoang” đi đến. Một người đàn bà chửa trần như nhộng bị trói hai tay quặt về đằng sau, đầu cạo trọc bôi vôi trắng, cổ đeo một cái gông và trên trán dán miếng giấy “Tôi chửa hoang” do chính tay chị viết. Phía dưới, nơi cần phải che một miếng vải thì chúng úp một miếng mo cau gài phía trong dây thừng trói ngang người. Cái mo ấy vẽ cái sự... nhăn nhở của đàn ông và đàn bà bằng mực tàu mà trẻ con bảo là... cái mồm tổng Bạt đang ngửa lên nhai tỏi gà. Cái luật lệ khắc nghiệt của làng đối với người nhẹ dạ, cả tin xưa kia, đã có phần phôi phai trong dăm bảy năm gần đây, đột nhiên tổng Bạt “khôi phục” lại hết sức dã man. Dù nó đã đi từ sáng sớm nhưng ai cũng hiểu cái trò này do nó bày ra. Để giữ cái bộ mặt “nhân nghĩa”, nó đã lánh đi từ sớm tinh mơ. Chả trách, đi lên bốt Tây nó vẫn đi lại ngày vài ba lần như cơm bữa, hôm nay lại bắn súng. Tiếng trống mõ, tiếng kèn Tàu thổi “tí toét” nhấm nhẳng xong là “a lô... a lô...” trẻ con chạy ùa ra đường đón xem. Hương dũng, bảo an dẫn chị đi vào sau miếu. Bao nhiêu người lớn đều quay mặt đi. Không biết trong đám dân chúng ai đã xô ra lấy cái khăn vuông buộc vào thừng che phía trước người chị. Nhưng bọn hương dũng giật ném phắt đi. Tưởng đem chị ra trước công chúng bêu riếu, nhục mạ chị nhưng lại chỉ nghe thấy tiếng thở dài, tiếng can ngăn, xin xỏ hoặc tiếng chửi ào ào của dân làng. Bọn hương dũng dày mặt ra như... cái mặt mo của phó tổng Bạt. Chúng hô nhị kéo, kèn thổi, trống thúc liên hồi để át tiếng ồn ã của dân chúng. Hai bà chị dâu: bà Từ, bà Mỡ bất chấp bảo an cầm búp đa cản, xông vào chửi té tát vào mặt thằng đồn phó và đám hương dũng làm cái việc thất nhân đức. Hàng chục cụ già phải xô lại ôm lấy thằng Hiếu cầm dao định xô vào chém bọn hương dũng. Người ta giữ lấy dao của nó và cũng không cho hương dũng bắt nó. Chúng làm xong cái trò “Khai mạc” rồi dong chị đi. Nhìn bà con xóm làng gạt nước mắt, hai hàm răng chị cắn lại đầu cúi xuống, nước mắt rơi lã chã trên đường ra khỏi miếu. Chúng nó dong chị ra đê quai, đi dọc hết khu ngoại bối rồi mới quặt vào đê chính. Dân chúng hai bên đường đổ xô ra xem sự nhơ nhuốc của một con đàn bà làng Cuội. Ai cũng diếc móc mắng chửi, xỉ vả và khinh bỉ nhổ vào mặt chị. Có chỗ cả hàng trăm mét, người hai bên đường thi nhau nhổ tới tấp vào mặt. Có lão ho lao vợ bỏ, đứng khòng khòng nhăm nhăm nhổ vào mồm chị. Chị đã mím thật chặt hai môi nhưng cái bãi như là mủ, như là phân có cảm giác ai cầm cái xẻng xúc từ đâu hắt vào mặt chứ không phải từ một cái mồm. Chị “oẹ” lên một tiếng rồi gục xuống nôn thốc nôn tháo, hai tay muốn ôm lấy bụng mà không ôm được. Vật vã, nôn oẹ cho đến khi người thiên hạ cõng chị về nhà thì chị đã ngất lịm mà không thấy thằng bảo an, hương dũng nào. Từ chiều cho đến đêm hôm ấy người làng Cuội đổ lại gọi hồn, đánh gió, nấu cháo đổ cho chị và ngồi quây lại quanh cái lều lá mía của mẹ con chị, phấp phỏng chờ chị dần dần tỉnh lại. Bao nhiêu người ra vào ồn ã. Nhưng đêm đó, chó không sủa và không có người làng nào kêu. Không phải chỉ dân làng Cuội, cả làng Nhập, làng Nhằng, làng Đại, làng Phù... tất cả người dân ngoại bối chứng kiến và nghe thủng câu chuyện nó rắp tâm làm nhục chị, vợ anh Kiêm, ai cũng thấy có cái gì nghèn nghẹn, không thể nói ra, không thể nhắc lại, không thể gọi nó là cái gì, nhưng rõ ràng đã có một cái gì như là kìm hãm, như là không ổn không thể tiếp tục, không thể chấp nhận sự đồng hành cả trong ý nghĩ và tình cảm, nó báo hiệu một cái gì đó không thể bình yên sắp sửa xảy ra mặc dầu tên phó tổng Bạt đang ngồi trong lô cốt đổ rượu vào mồm đám hương dũng, hết lời khen ngợi bọn đồ đệ trung thành, đáng để cho hắn tin cậy giao phó những việc hệ trọng. Như mọi đêm, đêm nay mọi trang bị súng ống đạn dược đã nai nịt gọn gàng, đã sẵn sàng chỗ nào “ới lên” của dân làng và tiếng chó “ăc ăc” là hương dũng lao tới. Mà lại im ắng. Đã quá nửa đêm vẫn không thấy tiếng chó cắn, tiếng người kêu. Sinh ra cái đám hương dũng chỉ cốt để giữ gìn “yên lành” cho làng xóm mà khi thấy làng xóm yên lặng lại thấy buồn, thấy bơ vơ như kẻ thất nghiệp. Với đám này, lúc nào trong làng cũng phải có địch mới vui, mặt mũi chúng mới hoạt bát, linh lợi hẳn lên. Cho đến đêm nay ông phó tổng Bạt mới thực sự hả dạ, thực sự mãn nguyện. Chính nhờ có cách đày đoạ bêu riếu con Đất mà dân làng phải khiếp sợ. Họ im lặng vì sợ đấy. Hắn khoái trá nghĩ mà không thể ngờ rằng đêm nay và những đêm sau bằng cách gì hắn cũng không thể bắt người dân kêu đồng loạt theo tiếng chó cắn. Cả mãi mãi sau này vẫn là thế.