Chương 10


Chương 7

Ông Triệu Lân rít một hơi thuốc nữa rồi vứt mẫu tàn xuống đất. Ông di di gót giày lên đóm lửa đỏ mãi đến khi cái đầu lọc bẹp dí và tua ra những sợi mỏng như tơ, ông mới thôi. Với cái đầu lọc này người ta an tâm hơn khi hút thuốc, vì họ nghĩ rằng chất nicotin độc hại đã bị cản lại phần nào rồi. Với cách sống hai mặt khôn ranh của mình, ông cảm thấy yên tâm hơn, dù thừa biết đó là cảm giác giả nhưng ông tin rằng mình giữ được mực thăng bằng cần thiết. Ông thỏa thích sống cho ông ở những nơi sang trọng khác nhưng giữ được "vai trò, vị trí" của mình trong lòng mọi người thân nơi gia đình.
- Còn ba mươi phút nữa là sáu giờ.
Ông bồn chồn đi tới đi lui chờ người tài xế đem xe đến cho ông mượn. Giám đốc Triệu Lân không thích đi xe du lịch đời mới, lúc nào ông cũng đi làm bằng chiếc cúp tàn tàn, trừ những lúc đi công tác... và những lúc đặc biệt như chiều nay chẳng hạn!
Triệu Lân bỗng háo hức như cậu con trai mới lớn, ông hồi hộp, lo âu, sợ hãi khi nghĩ đến Thục Như, cô gái có sức sống mãnh liệt, buông thả mà ông trót say mê mấy tháng nay. Với Thục Như ông ham muốn cuồng nhiệt rồi sôi sục ghen tuông. Cô gái này cho ông dư vị ngọt ngào, chua cay, đắng chát khiến ông như sống bằng một trái tim khác. Và ông tin đó chính là tình yêu thực sự của đời ông, do tự ông tìm thấy chớ không như cách đây 32 năm, cha mẹ ông cưới cho ông một cô gái, ông làm chồng rồi làm cha mà chưa biết thế nào là yêu, yêu như bây giờ ông đang yêu.
Thế nhưng ông sẽ sống thân phận như vầy đến chừng nào nhi?
Tiếng chuông điện thoại vang lên, ông vội bước tới cái bàn bureau:
- Triệu Lân đây!
Ông không nghe trả lời ở đầu dây mà chỉ nghe tiếng cười khúc khích, tiếng cười làm trái tim ông rộn ràng. Hấp tấp Triệu Lân hỏi:
- Đang chờ anh phải không? Khó ghé giờ này mà xe chưa tới.. sao? Em không đi được à?
Mặt Triệu Lân thuộn ra, ông dằn mạnh cái điện thoại rồi câu cơ ngồi xuống ghế. Thế là hết cả buổi chiều thứ bảy tuyệt vời. Con bé này ranh như quỷ, vậy sao ông khổ vì nó đến thế... Chiều nay có thể Thục Như đang lả lướt với thằng Việt kiều trẻ khỏe và nhiều tiền nào đó, cô ta bỏ ông ở lại thành phố này để bay ra Vũng Tàu một cách ồn ào, công khai, nhộn nhịp chớ tội tình gì phải lén lút trong căn phòng hẹp chẳng thấy biến trời với ông, một ông già là ba của bạn gái cô ta.
Ngao ngán, Triệu Lân bước ra nhà xe rồ ga chiếc cúp, không đến với Thục Như được thì chỉ còn nước về nhà ngủ thôi, ông không thích lu bu nơi này, nơi nọ. Với ông dẫu sao mái nhà cũ vẫn là nơi nương náu tốt nhất.
Thục Như và Bảo Hân cùng một tuổi, nhưng xem ra con gái ông còn khờ khạo quá, ngay trong yêu dương cũng ngốc!
Bất giác ông Lân hơi ngượng ngượng với chính mình. Từ dạo cho rằng mình yêu thật sự với Thục Như đến giờ, ông luôn tránh đề cặp tới chuyện tình của người khác. Cũng có thể vì có tật giật mình, nhưng Bảo Hân là con gái ông kia mà. Thật lòng mà nói, Triệu Lân không thích Thuấn, gã thanh niên đẹp trai, hào hoa lịch lãm nói năng khôn ngoan chải chuốt nhưng ông không có lý do gì cấm đoán khi Thuấn đến nhà chơi đàng hoàng, lịch sự và lễ phép với mọi người.
Cái kinh nghiệm dùng người, mách với ông rằng Thuấn là một đứa không ra gì. Nhưng chỉ dùng cảm tình để bác bỏ chuyện tình của Hân thì chưa đủ, ông phải có cách nào đó chứ, khi nó đã tiến một bước đòi hỏi cưới con ông. Nó có thật lòng yêu con bé không, hay yêu cũng là một trong nhiều yếu tố mà Thuấn và bà mẹ khôn ngoan của nó đã rắp tâm lựa chọn nhầm vụ lợi.
Qua lời nỉ non kể lể của Thục Như, ông biết Thuấn không vừa gì, anh ta "mánh mung" đủ loại từ môi giới mua bán xe cộ, nhà cửa, đất đai, đến lam trung gian chạy các "quota" gạo, xăng, dầu để ăn huê hồng. Một gã xông xáo cũng tốt thôi, nhưng không cần có, không phù hợp với gia đình ông. cũng theo lời Thục Như, ông biết được bà Hoàng Yến hiện đang là người tuyển chọn, giới thiệu các cô gái trẻ, đẹp có ăn học vào làm ở các vũ trường, khách sạn. Các cô gái này thuộc dạng đặc biệt, đặt biệt như bản thân Thục Như vậy đó. Điều này làm ông hết sức lo lắng. Không ai dám đưa con gái mình vào hang hùm, nhất là hang hùm ăn mật. Không lôi thôi gì hết, tối nay ông sẽ trả lời thẳng với mẹ con Hân rằng ông không đồng ý thằng Thuấn. Con Hân sẽ buồn, sẽ khóc và sẽ phải chấp thuận ý ông, vì trong gia đình này ông là người có quyền quyết định tối cao.
Gió từ bờ sông mát rượi thổi ngược mái tóc mềm điểm muối tiêu, dài phủ gáy của ông ra sau. Tuổi năm mươi là tuổi thành đạt nhất của đàn ông, nhưng ở nơi ông, tuổi này người ta sang giai đoạn xế chiều của đời người. Hơn ai hết ông Triệu Lân biết điều đó, nó là điểm yếu mà địa vị và quyền lực cỡ nào con người cũng không thay đổi được. Con bé Thục Như ranh mãnh đã nắm bắt được cái nhược điểm của ông, cô nàng làm tình làm tội ông đủ cách. Thục Như dứt khoát không chịu lệ thuộc vào ông, cô ta chỉ muốn dùng tiền moi được từ túi ông để đú đởn với tụi thanh niên đồng trang lứa. Triệu Lân biết thế nhưng ông nào có quyền gì để cấm cản, ngoài cái quyền tốn hao là "Chi cho thật đậm vào để... em đoái hoài tới tấm thân già".
Đời là thế đấy! Nhưng Triệu Lân vẫn thấy tiếc sao mình có đủ quyền lực, địa vị để đi vào cuộc đời đầy đổi chác lọc lừa này qúa trễ.
Đợi Triều để thau cơm to nghi ngút khói xuống bàn rồi Bảo Hân mới lạnh lùng lên tiếng:
- Cảm ơn anh. Tôi làm một mình được mà.
Không vội trả lời, Triều lấy chồng thau nhựa gần đó, xới cơm ra từng bàn cho trẻ. Anh vừa làm vừa lầm bầm ra vẻ bực dọc để trêu cô:
- Cô nghĩ là tôi thích làm... phụ giáo cho cô lắm à? Tại tôi lỡ hứa với chị Trúc thì phải làm cho trọn chứ! Thời gian rảnh để cuốc đất trồng hoa còn thích hơn, vì xem chừng họ còn có hồn...
Nghe Triều láp váp, Hân sẳng giọng:
- Người ta đã không cần, phụ hờ làm chi rồi kể lể.
Triều buồn cười trước thái độ của Hân hơn là bực. Không hiểu sao anh vẫn thấy thích thích khi nhìn cô giận dỗi. Cô y như đứa trẻ con quen được chiều chuộng bỗng dưng gặp chuyện không vừa lòng nên vùng vằng tức tối, thay vì phải làm màu nũng nịu để đạt được điều mình muốn như những cô gái khác, cô lại xù lên như con sẻ nâu trước đối thủ.
Thản nhiên bới tiếp cơm, Triều mỉa mai:
- Cũng phải để bạn bè đặt danh hiệu thi đua với chớ! không làm... phụ giáo cuối học kỳ mất toi lao động tiên tiến, uổng lắm!
Bảo Hân tức lắm, cô làm ngơ như chả nghe gì cả. Quay ra ngoài sân, cô gọi to:
- Tổ trưởng các tổ đem chén về bàn cho bạn.
Triều vừa truyền thau cơm cuối cùng ra các bàn cuối lớp vừa huýt gió bài: "Giờ cơm tới rồi, Giờ cơm tới rồi... ". Anh biết Hân rất ghét vừa làm việc vừa huýt gió ồn ào, vì có một lần anh nghe cô cố ý nói to điều này. Dĩ nhiên Hân cố ý nói với anh. Nhưng mặc kệ cô ta, nội quy lớp này làm gì có mục cấm huýt gió. Trái lại học trò của Hân thường bu quanh chú Triều trong giờ chơi để yêu cầu chú Triều "thổi" biết bao nhiêu bài hát mẫu giáo mà cô Hân của chúng chỉ biết hát chớ không biết "thổi"... bằng mồm như chú.
- C... ô... H... ân... có... khách...
Giọng Lê Trí cà lâm vang lên làm Triều ngó về phía cửa lớp. Bảo Hân cũng đang vội vã bước về đó.
- Chắc là hắn ta!
Triều ném ngay cái ấn tượng Út Tẹo đã gieo vào lòng anh xuống tận đáy, để cố một cái nhìn thật dụng về người yêu của Bảo Hân.
Vẻ bề ngoài hẳn nhiên hắn hơn anh về mọi mặt. Và cái hơn làm tim anh trỉu nặng là hắn được Bảo Hân yêu tha thiết đến mức gần như cô "lạnh lùng, phớt tỉnh với những người đàn ông khác". Đó là ý kiến nhận xét của chị Trúc khi chị bào chửa cho Hân về việc cô luôn quá quắt, cự nự chống đối anh. Theo chị Trúc thì Bảo Hân mù quáng khi yêu vì vậy anh đừng trách cô ấy, tội nghiệp!
Đương nhiên có bao giờ Triều trách cứ Hân nhưng anh luôn muốn cho cô hiểu rằng trên đời này không phải chỉ có người cô yêu là nhất, đừng thần tượng quá có ngày sẽ chết khổ vì thất vọng. Nhưng bằng cách nào anh sẽ làm cho Hân khôn ra, quả thật Triều không biết.
- Anh Triều ơi!
Bỏ tô canh chua xuống bàn, Triều ngạc nhiên đến tột cùng vì cái giọng ngọt khác hẳn thường ngày của Hân. Thế đấy, sắp nhờ vã chớ gì!
Lạnh lùng anh chã thèm quay lại nhìn cô:
- Có gì không Hân?
- À! Anh cho trẻ ăn, rồi cho nó ngủ dùm tôi... À dùm Hân được không? Hân bận phải đi chừng hai tiếng. Chậc! Đột xuất quá. Thật khổ.
Triều khô khan nhái lời Hân khi nãy:
- Không sao đâu! Tôi làm một mình được mà. Đừng kể lể, cứ đi đi.
Tiếng Bảo Hân bật ra như reo vui:
- May qúa! không có anh, Hân chẳng biết nhờ ai. Làm ơn phụ Hân một chút... nhé anh Triều. Thế nào cũng có quà cho anh đó!
Vừa dứt lời Hân đã biến mất sau cánh cửa, cô đã quên vừa rồi cô xua anh như xua tà rồi lại nhún mình nhờ vã Triều. Chỉ tình yêu mới đủ sức khiến cô Hân kiêu căng, phách lối chịu phép xuống nước như vậy.
Tự dưng Triều cảm thấy mình bải hoải, anh ngán ngẩm nhìn mấy chục đôi mắt tròn và mấy chục chiếc mồm đợi đang chờ đợi mình ra lệnh ăn.
- Chú mời các con dùng cơm.
Hình như chỉ đợi anh nói như vậy là đồng loạt cả lớp cùng hét vang:
- Mời các bạn dùng cơm. Chúc các bạn dùng cơm ngon.
Triều bước tới chỗ của Thúy Vi, con bé có gương mặt nhỏ xíu và đôi mắt to đen:
- Sao không ăn mà khóc hả Vi? Canh chua ngon lắm nè! Chú Triều đút Vi ăn nhé?
Con bé lắc đầu, gương mặt nhìn anh rồi thút thít khóc:
- Không chịu chú Triều đút đâu. Cô Hân ơi, cô Hân!
- Một chút nữa cô Hân vào ngay! Vi không ăn cơm, cô Hân về cô Hân sẽ buồn Vi đó. Ăn ngoan đi, chú Triều đút cho. Nào! Há mồm ra.
Con bé làm thinh nhìn anh với mắt nghi ngại, Vi nhút nhát và yếu đuối nhất lớp, nó ít nói và thường ngồi yên một chỗ dò xét mọi cái xung quanh. Nó vẫn chưa chịu quen với Triều, dù anh hay chú ý đến nó. Cái tên Thúy Vi và đôi mắt đâu đâu ấy gợi cho Triều nhớ đến một người con gái. Thúy Vũ, mối tình đầu thơ dại của anh. Lâu lắm rồi anh không gặp cô. Nghe bạn bè kể rằng Vũ đã có chồng sau ngày anh đi ít lâu, nhưng chẳng hiểu vì đâu cô lại bỏ chồng để theo người đàn ông khác lớn tuổi hơn cô rất nhiều.
Khi nghe chuyện Triều đã say khướt mất một đêm, chẳng biết anh uống vì buồn cho thân anh, cho người chồng của Thúy Vũ, hay cho bản thân cô nữa. Có điều rõ ràng là anh buồn, buồn dai dẳng đến tận bây giờ, mỗi khi nhìn gương mặt và đôi mắt Thúy Vi. Không biết Thúy Vũ có con không?...
- Ở nhà ai đút cơm cho Vi ăn?
- Ba.
- Ai đưa Vi đi học?
- Ba.
Triều nhớ ngay tới người đàn ông có nụ cười khá tươi, ngày ngày chở Vi đến lớp, rồi rước về, anh không bao giờ thấy mẹ con bé. Nhưng Thúy Vi không phải là con của Thúy Vũ ngày xưa của anh đâu. Mà nếu là con của Thúy Vũ thì đã sao? Anh sẽ dành cho con bé Vi một tình cảm đặc biệt hơn những đứa trẻ khác chắc?
Để chén cơm xuống trước mặt Vi, Triều nhỏ nhẹ căn dặn:
- Vi ăn một mình cho thật ngon nhé! Cấm ngậm cơm, cấm cắn đầu muỗng. Vi phải ăn đua với Phú Hữu, coi bạn nào ăn hết cơm trước. Chiều chú Triều nói cô Hân thưởng bông hoa cho.
Thuý Vi im lặng gật đầu. Tại sao con bé ít nói, ít đùa quá, và tại sao nhìn nó, anh lại vẫn nghĩ tới Thúy Vũ.
Ông Triệu Lân hết sức ngạc nhiên khi người khách mà cô thư ký mời vô gặp ông là Hân. Hừ! Nó định vào tận nơi ông làm việc để khóc lóc van xin hay sao?
Nhìn con gái ngồi lọt thõm trong chiếc ghế bành, ông đanh giọng nghiêm khắc:
- Tại sao lại vào đây làm phiền ba? Muốn xin việc gì thì về nhà. Ba không thích lôi thôi ở cơ quan, con hiểu chứ?
- Vâng!
Hân trả lời vỏn vẹn một tiếng. Cô im lặng quan sát căn phòng giám đốc của ba mình. Sang trọng quá! Tiện nghi quá! Không khí mát lạnh nhờ máy điều hoà nhiệt độ làm cô quên khuấy cái nóng như thiêu bên ngoài.
- Con không đời nào tưởng tượng ra ba làm việc trong căn phòng như vầy!
Ông Lân sốt ruột:
- Ba nghĩ con đến đây không phải để khen nơi ba làm việc. Chiều nay con nghĩ dạy à?
Hân dán mắt nhìn tấm tranh thêu tay cảnh chùa Thiên Mụ tuyệt đẹp, treo trên tường rồi hờ hững trả lời:
- Dạ có, nhưng con nhờ người khác giữ lớp giùm.
Ông Lân gõ gõ ngón tay xuống mặt bàn có lớp kiếng thật dầy, rồi đi ngay vào vấn đề.
- Ba không muốn nghe con đề cập tới chuyện thằng Thuấn. Vì chuyện đó coi như xong, ba đã giải thích hết lời rồi. Sống phải biết nghĩ tới người khác, phải biết hy sinh cho gia đình chứ. Cứ khư khư yêu đương phần mình đâu được. Mẹ con thằng Thuấn sẽ phá nát cái nền nếp đạo đức của nhà này. Con thử tưởng tượng xem, thiên hạ, bà con sẽ nói gì khi biết ba mẹ làm sui với một người chuyên giới thiệu con gái vào làm ở khách sạn, vũ trường.
Thấy Hân nhìn mình bằng đôi mắt khác thường và đôi môi nhếch lên đầy mai mỉa, ông Lân nhíu mày khó chịu. Rõ ràng những lời ông nói như "nước đổ lá khoai". Con bé không thấm được chút nào đâu, nó đã rơi vào cõi u mê ám chướng rồi. Bực mình, ông gằn giọng:
- Con đang nghĩ gì trong đầu hả, Hân?
Khác với vẻ sợ sệt kính trọng ông thường ngày, Hân chống tay dưới cằm tư lự như một người có tuổi đang suy tư điều gì đó rất dữ, rồi nhẩn nha, chậm chạp cô trả lời:
- Con nghĩ về nền nếp, đạo đức của gia đình mình... Nó có lâu đời và được gìn giữ từ nhiều thế hệ phải không ba?
- Ừ! Con hiểu được như vậy là tốt! Và con không làm hỏng nó đi chứ?
Hân ngoan ngoãn gật đầu, cô không biết mình sẽ bắt đầu tấn bi kịch này như thế nào, trong khi ba cô đang sốt ruột muốn biết con gái út của ông đến tận nơi ông làm "chúa tể" nhằm mục đích gì. Đương nhiên Hân đến đây vì Thuấn, cô không thể mất anh chỉ vì những giáo điều mà ba cô lải nhãi mãi, trong khi bản thân ông đã làm ngược lời mình nói từ lâu.
Tựa người dựa lưng vào ghế cho vững vàng, Hân nắm chặt đôi tay mà vẫn nghe giọng mình run rẩy vì sợ:
- Trưa nay con tới đây vì muốn hỏi thăm ba số phận của một đứa bạn con.
Nhỏm ngồi dậy, ông Lân cảnh giác:
- Ai? Làm sao ba biết gì về đám bạn của con mà thăm với hỏi.
Hân mỉm cười, cô chợt thấy can đảm hơn khi đoán chắc là cô đã nắm được điều ba mình đang lo lắng. Biết rằng quan hệ cha con và tất cả những điều như nề nếp gia đình, nho phong gia giáo, đạo đức... lương tâm sẽ trở thành bèo bọt trên sông, nhưng cô vẫn không thể nào không lật con chủ bài của mình lên đuôc.
- Con chỉ muốn biết số phận của Vương Thục Như thôi, chớ đâu hỏi ba ai khác, vì ba sẽ chẳng biết ai ngoài con bé lai Tàu ấy đâu. Nó nổi tiếng hoa khôi ở khối 12 mà!
Mặt mày ông Lân bỗng đỏ lựng rồi tái đi thật nhanh làm Hân cảm thấy ớn. Trước đôi mắt nhìn trân trân của ba mình, cô chợt giao động, động lực khiến cô tới đây như yếu hẳn, Hân hiểu những gì Thuấn nói với cô là có thật. Hân bỗng chới với... Cô lắp bắp gào lên bằng giọng lạc hẳn đi:
- Tại sao ba làm như vậy, tại sao?
Ông Lân im lặng, căn phòng òa vỡ theo tiếng tức tưởi của Hân. Một lúc sau ông mới cất giọng khàn khàn:
- Đi về đi con. Đi đi!
- Không! Con không về đâu hết khi con chưa đạt được mục đích của con.
Triệu Lân lặng người khi nghe Hân khăng khăng nói. Mới cách đây vài phút thôi ông là một người khác, không ngờ con ông lại lật ngược thế tương quan giữa cha và con một cách đột ngột vậy. Đã thế nó còn nói tới mục đích gì đó nữa...
Ông Lân thở dài:
- Con muốn gì cứ nói. Ba không ngờ trưa nay cha con mình lại như thế này. Con căm thù ba lắm phải không Hân?
- Con chỉ căm thù những lời chỉ dạy về đạo đức, về lương tâm của ba, nhưng con lại không muốn phá vỡ nền nếp gia phong nhà mình. Tội nghiệp mẹ, tội nghiệp anh Lâm, chị Quỳnh, hãy để ba luôn luôn còn đúng là ba của mẹ, của anh chị. Con muốn ba đồng ý anh Thuấn... Sau đó con sẽ đi Mỹ với ảnh. Suốt thời gian còn lại con sẽ im lìm, như không hay biết gì những buổi tối phải họp hành về khuya của ba.
Mỉm cười khổ đau, Hân nói tiếp:
- Gia đình mình rồi sẽ có thêm một bằng khen gia đình gương mẫu, hay gia đình tiên tiến gì đó, cho mẹ hãnh diện treo ngay phòng khách, phải không ba? Con nghĩ mình nên biến mất để mọi thứ tự trong nhà từ xưa tới giờ đâu vẫn ở đó. Từ giờ trở đi ba có thể xem như không có con. Vì bắt đầu giây phút này, con chỉ làm theo ý con thôi.
Ông Lân gục đầu, ngồi rũ ra. Con ông đã về rồi. Thật khủng khiếp! Nó đã làm một cuộc đổi chác, thương lượng, ngắn gọn, thần tốc đến mức ông chưa kịp nghĩ tới những hậu quả mai sau, thì nó đã đi như chạy ra khỏi phòng rồi.
Rùng mình, ông nhớ từng lời của Hân. Có thể nó sẽ không bao giờ động chạm tới chuyện ông và Như đâu khi ông đã làm theo yêu cầu của nó, nhưng từ nay ông không còn được yên thân với cách sống hai mặt mà ông từng cho là khôn ranh của mình... Đáng kiếp cho ông, một kẻ chơi bạc bịp, dẫu biết mình không thắng nhưng ông vẫn muốn không khí canh bạc kéo dài chớ không muốn nó chấm dứt.
Triều giật mình khi Hân bất ngờ ào vô lớp như một cơn giông nhỏ. Bỏ cây cọ đang vẽ vào ly nước, anh hỏi:
- Ủa! Sao Hân về sớm vậy? Bọn trẻ mới vào ngủ thôi.
Anh chợt im lặng vì nhận ra gương mặt cô tái xanh tái mét, đôi mắt thì đỏ hoe ướt đẫm... Có lẽ Hân không nghĩ rằng Triều sẽ ngồi tại lớp trông chừng trẻ ngủ, nên khi thấy anh nhìn mình trân trối, cô mới gượng gạo quẹt nhanh lên mắt.
- Đúng là còn sớm! -- Cô ngơ ngẩn nói theo Triều.
Lẽ ra Hân đã đi ăn cơm với Thuấn sau khi từ văn phòng của ông Lân ra, nhưng bắt gặp nụ cười tươi rói của anh, tự dưng Hân ngao ngán đến ê chề. Cô căm phẫn khi nghĩ rằng cô đã dại dột ngu ngốc làm theo lời Thuấn gợi ý, tự tay cô đã hất ào xuống đất tất cả những gì thiêng liêng của tình cảm cha con, của quan hệ gia đình bằng một cuộc đổi chác mà phần thắng chắc chắn nghiêng về cô.
Mặc cho Triều nhìn mình với vẻ tò mò quan sát, Hân gục đầu vào đôi tay, một hành động quen thuộc tự dấu mình khi cùng đường bí lối của người yếu đuối cùng cực.
Tại sao Hân lại làm như vậy? Nếu chỉ để được Thuấn, thì việc làm đó quả là quá đắt. Hân bỗng hoảng hồn khi nhận ra cô đã đánh đổi tất cả niềm yên vui, hạnh phúc và một chút gì đó không có mặt mũi thường được gọi là danh dự của gia đình cô nói chung, và ba cô nói riêng để lấy cho bằng được tình yêu của mình.
Bây giờ rõ ràng không còn gì nữa rồi ngoài nụ cười ngạo nghễ của Thuấn. Anh biết rằng Hân bây giờ chỉ còn mình anh, duy nhất mình anh và trên hết cũng là anh, nên anh không thèm dấu niềm vui của mình trước nỗi đau khi phải đánh đổi lựa chọn một cách độc ác của cô.
Chính vì nụ cười đó mà Hân dứt khóat đòi về lớp, mặc cho Thuấn năn nỉ chở cô đi ăn. Dọc đường cô đã khóc tức tưởi, cô giận Thuấn ghê gớm. Nếu không vì yêu anh, nếu anh đừng hé mồm cho cô biết chuyện ba cô quan hệ với Thục Như, thì có đời nào Hân phải nhìn thấy gương mặt thất thần sợ hãi như hoàng đế sắp mất ngôi của ba mình.
Đúng là ba mang bộ mặt hốt hoảng của người sợ mất địa vị đang có, ông không hề nghĩ tới mẹ và các con của ông chút nào. Hân chua xót với phát hiện của mình. Thôi thì cứ để mình cô khổ sở vì sự thật, cứ để những người khác nhất là mẹ nằm mơ trong hạnh phúc, trong danh dự của gia đình từng được gìn giữ từ bao đời.
- Sao vậy Hân? Cô khó chịu trong người hả?
Nén sự mệt mỏi, Hân khó khăn nói:
- Không! Tôi cần được một mình. Cảm ơn anh nhiều lắm!
- Nếu mệt, Hân có thể xuống phòng y tế nghỉ, tôi coi lớp được mà.
Hân lắc đầu chậm chạp, cô ngước nhìn Triều nhưng không thấy gì cả ngoài những đốm tối đen. Hân gượng đứng dậy, người túa mồ hôi đầm đìa. Đưa tay ra, Hân định tựa vào tường, thật ra tay cô níu vào hư không, hụt hẫng. Cô nghe tiếng u... u... vang dài, và rơi vào cõi mịt mù, mặc cho giọng ai đó gọi "Bảo Hân! Bảo Hân!" sao mà tha thiết.