THÁNG SÁU
59.- Đắm tàu
( Truyện đọc hàng tháng cuối cùng )

Cách đây vài năm, trong một buổi sớm mùa đông, một chiếc tàu lwón rời bến Livơpun để sang đảo Malta. Kể cả 60 thuỷ thủ, thì trong tàu có tất cả hơn 200 người. Viên thuyền trưởng và những thuỷ binh phần hiều là người nước Anh cả.
Trong số hành khách có mười người Italia, ba thương gia, một linh mục, vài nhạc công. Ở đầu tàu, trong số hành khách hạng ba có một cậu bé người Italia trạc 12 tuổi ; coi nét mặt nghiêm trang và quả quyết của cậu, người ta có thể biết cậu là người ở đảo Sicile. Cậu ngồi một mình trên đống dây tàu, tựa vào một cái vali cũ. Da nâu, tóc đen, quần lấm rách, vai đeo túi dết, cậu nhìn tàu, nhìn bể với một nét mặt âu sầu, nét mặt của những kẻ bị đau đớn vì cảnh ngộ suy vi của gia đình.
Tàu đi được một lúc lâu, một thuỷ thủ người Italia dắt một em gái nhỏ ra đầu tàu, lại chỗ cậu bé, bảo:
_ Mariô ơi! Ta đã kiếm cho em một người bạn đồng hành đây.
Rồi người thuỷ thủ đi.
Mariô hỏi cô bé:
_ Em đi đâu?
_ Em đi về đảo Malta, để thăm thầy đẻ em đang mong đợi, tên em là Giulietta Phagiani.
Mariô không nói gì.
Một lúc sau cậu lấy bánh và quả khô ở túi dết ra. Giulietta cũng mở gói bánh "bít - quy", hai em cùng ăn vui vẻ.
_ Thú quá! Sắp được khiêu vũ bây giờ!
Người thuỷ thủ Italia đi qua nói thế, rồi gió thổi càng mạnh, tàu tròng trành ghê sợ.
Nhưng hai em chưa nếm mùi say sóng bao giờ nên không để ý.
Cô bé cười nụ. Cô bằng trạc tuổi bạn, nhưng cao hơn da cũng nâu quần áo cũng tầm thường như cậu, tóc buộc khăn mù soa đỏ hai tay deo vòng bạc con, người coi mảnh dẻ, yết ớt, có lẽ cô cũng đã chịu nhiều nỗi gian truân.
Lúc rồi, hai em kể chuyện nhà cho nhau nghe. Cậu bé, mồ côi cha mẹ. Cha cậu làm thợ, mới mất ở Livơpun được mười hôm nay. Ông lãnh sự Italia thấy cậu bơ vơ liền cấp giấy cho cậu về quê ở Palermô. Cậu định về tìm mấy người họ hàng để nương nhờ.
Còn cô bé năm ngoái có bà dì đưa cô sang Luân Đôn, làm con nuôi để bớt cho cha mẹ một miệng ăn vì nhà cô thanh bạch. Được vài tháng, dì cô bị tai nạn ô tô, chết không để lại một đồng nào. Ông Lãnh sự Italia ở đây cũng cho cô về nước.
Vì thế cả hai đều được gởi người thuỷ thủ Italia trông nom.
Cô bé nói:
_ Như thế là em trở về tay không, mà thầy đẻ em cứ yên trí là sau này thế nào em cũng có một cái vốn to. Nhưng dù sao thầy đẻ em vẫn thương yêu em và thấy em trở về được mạnh giỏi thì vui sướng biết dường nào! Các em em cũng thế. Chúng nhớ em lắm. Em có bốn em mà em là chị cả.
Nói xong cô hỏi bạn:
_ Thế anh cũng về tìm bà con?
_ Anh cũng định thế, song không biết có ai chịu giúp đỡ anh không?
_ Những người ấy không yêu anh à?
_ Anh chưa thể biết được.
Cô bé nói tiếp:
_ Đến lễ Giáng sinh này, em vừa đúng 12 tuổi.
Suốt ngày, hai trẻ ngồi cạnh nhau, khi nói chuyện tâm sự, khi nhìn mặt bể khơi, ai cũng tưởng là hai anh em. Lúc buồn, cô bé lại giở bít tất ra đan, còn cậu bé thì tư lự nhìn ra mặt bể.
Một buổi chiều kia, khi cậu đang đứng tựa bao lơn xem "động bể" bỗng một lớp sóng bạc đầu kéo đến vỗ vào mặt cậu, đồng thời tàu tròng trành, làm cậu ngã vập đầu vào ghế, máu chảy rỏng ròng.
Cô bé vội chạy hỏi:
_ Anh có việc gì không?
Rồi cô tháo mù soa trên đầu buộc vết thương cho bạn. Một giọt máu ở trán cậu rỏ xuống làm ố chiếc áo vàng của cô.
Cậu bé lấy làm cảm động và xin lỗi cô.
Trời tối, Mariô và Giulietta vừa xuống phòng ngủ được một lúc thì trời nổi bão.
Trên mui gió giật đùng đùng làm gãy cột buồm, rứt đứt ba chiếc sà lúp treo ở cạnh tàu và đánh bay bốn con bò buộc ở đằng mũi.
Tình trạng lúc bấy giờ thật là lộn xộn, không thể tả được. Một sự kinh hoàng lớn trên tàu:tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng cầu nguyện nổi lên mọi chỗ nghe rất thương tâm. Đêm càng khuya gió càng mạnh. Đến gần sáng thì phong ba lại càng kịch liệt.
Sóng ngang nước ngược trùm lấp cả tàu, gặp cái gì là đánh gẫy và cuốn đi. Nóc buồng máy bị gió đánh sụp xuống, nước tràn vào ồ ồ làm tắt cả lò, khói bay mù mắt ; tài xế đều phải bỏ chạy, rồi bốn bên nước cứ cuồn cuộn chảy vào như suối, như thác.
_ Bơm nước ra!
Viên thuyền trưởng vừa ra lệnh thì bỗng một trận gió giật phi thường làm đứt hết dây và phá tung các cửa, tức thì một cây nước lớn đổ vào đầy tàu.
Hành khách ai nấy rụng rời, mặt xám như gà cắt tiết, gào khóc như điên. Viên thuyền trưởng không để chậm một phút, sai buông luôn chiếc thuyền xuống bể.
Năm người lính thuỷ vào ngồi... Nhưng thuyền vừa chấm mặt nước bể thì một con sóng lớn đánh chìm nghỉm! Hai người lính thuỷ chết đuối. Còn ba người kia hết sức bình sinh phấn đấu với sóng mới với được dây leo lên tàu.
Lúc ấy, nước đã gần tới bao lơn.
Một tấn thảm kịch diễn ra ở trên boong. Mẹ thất vọng ôm chặt con vào lòng. Bạn bè hôn nhau để vĩnh quyết. Mấy người nhát gan lánh vào trong phòng để khỏi nhìn thấy cái chết không tránh được. Một hành khách tự tử bằng súng lục lăn xuống chân thang. Một số đông người nữa chen chúc vào nhau đợi chết.
Tiếng kêu khóc lẫn trong gió gào nghe rất kinh hồn.
Mariô và Giulietta, hai trẻ lúc ấy đều ôm vào cột buồm gẫy, mắt đăm đăm nhìn bể.
Bây giờ, gío đã bớt mạnh, sóng đã hơi yên, nhưng con tàu cứ dần dần chìm. Chỉ trong vài phút nữa là đắm xuống đáy bể.
_ Cho sà lúp xuống bể, mau!
Theo lệnh thuyền trưởng, người ta thả chiếc sà lúp mà gió còn để sót lại. Mười bốn thuỷ thủ và hành khách được phép xuống.
Viên thuyền trưởng ở nguyên trên tàu.
Bọn thuỷ thủ kêu to:
_ Mời đại uý xuống đây với chúng tôi!
Viên thuyền trưởng đáp:
_ Ta phải chết tại nhiệm sở của ta.
Bọn thuỷ thủ kêu nài:
_ Xin đại uý cứ xuống, mau gặp tàu đến cứu thì ta thoát nạn. Xin đại uý cứ xuống mau! Không thì nguy đến tính mệnh!
_ Ta ở lại.
Bọn thuỷ thủ nhìn hành khách trên tàu gọi:
_ Còn một chỗ cho một người đàn bà.
Không thấy có ai trả lời. Bọn ấy lại kêu:
_ Một trẻ em vậy!
Nghe tiếng ấy, Mariô và Giulietta đều nhảy bổ ra mạn tàu như hai con thú dữ và tranh nhau kêu:
_ Tôi! Tôi!
Tiếng dưới thuyền kêu lên:
_ Đứa bé xuống, đứa lớn ở lại vì thuyền đã nặng lắm rồi.
Thấy nói thế, cô bé kinh ngạc, sững người nhìn Mariô bằng đôi mắt của kẻ hấp hối.
Mari ô lại nhìn cô bé, trông thấy giọt máu đỏ ở vạt áo cô, nhớ ngay cái cử chỉ quí hoá của bạn, rồi một ý định cao thượng qua nét mặt cậu như một luồng chớp, cậu trả lời:
_ Cô này nhẹ hơn tôi!....Em Giulietta ơi! Em còn cha, còn mẹ. Anh chỉ có một mình... Anh nhường chỗ cho em. Em xuống mau!
Người dưới thuyền kêu:
_ Chùng chình mãi! Quăng nó xuống đây!
Mariô liền ôm ngang Giulietta ném xuống.
Cô bé kêu lên một tiếng là rơi tòm ngay bể. Một người thuỷ thủ mau tay cứu được và lôi lên thuyền.
Mari ô đứng trên mạn tàu trông theo, trán cao ngạo tóc phất phới, vẻ bình tĩnh và trang nghiêm.
Thuyền từ từ xa, Giulietta ngoảnh nhìn Mariô khóc thổn thức và đưa tay ra vĩnh biệt.
_ Anh ở lại!
_ Vĩnh quyết em!
Thuyền đã rời xa, nhấp nhô trong muôn nghìn lớp sóng. Trời u ám. Trên tàu không còn một tiếng kêu, nước ngập đến mui... Giulietta không dám nhìn, giấu mặt trong hai bàn tay. Khi cô bé ngẩng đầu lên, thì con tàu đã biến mất!...

Truyện TÂM HỒN CAO THƯỢNG Lời người dịch 1.- Ngày khai trường 2.- Thầy giáo mới 3.- Một tai nạn 4.- Cậu bé miền Nam 5.- Bạn tôi 6.- Lòng hào hiệp 7.- Trên rầm thượng. (1) 8.- Học đường 9.- Lòng yêu nước của cậu bé thành Pađôva (1) 10.- Em bé quét mồ hóng 11. Người bán than và ông quý phái 12. Mẹ tôi 13.- Học trò nghèo 14.- Ân nhân của bạn Nelli 15.- Em bé trinh sát 16.- Kẻ khó 17.- Tính khoe khoang 18.- "Chú phó nề" 19.- Quả cầu tuyết 20.- Các cô giáo trường tôi 21.- Thăm ông già bị nạn 22.- Chàng viết mướn thành Phirenzê 23.- Lòng biết ơn 24.- Thầy giáo phụ 25.- Đứa con người thợ rèn 26.- Phranti bị đuổi 27.- Chú lính đánh trống, người đảo Xarđenha 28.- Lòng ái quốc 29. - Bà mẹ anh Phơranti 30.- Chiếc xe hoả máy 31.- Một kẻ tù phạm 32.- Làm khán hộ cho cha 33.- Chú hề con 34.- Ngày cuối cùng hội Giả trang 35.- Những trẻ em mù 36.- Lớp học tối 37.- Đám đánh nhau 38.- Người tù số 78 39.- Trước ngày 14 tháng Ba 40.- Lễ phát phần thưởng 41. Lòng cháu 42.- Chú phó nề trong phút hiểm nghèo 43.- Viện dục anh 44.- Thầy học cũ của cha tôi 45.- Kỳ dưỡng bệnh 46.- Bạn ta là thợ 47.- Bà mẹ anh GARÔNÊ 48.- Lòng nghĩa hiệp 49.- Hy sinh 50.- Một vụ hoả tai 51.- Quê người tìm mẹ 52.- Trường câm điếc 53.- Đi ngoài phố 54.- 32 độ 55.- Cha tôi 56.- Thú quê 57.- Cuộc phát thưởng cho thợ thuyền 58.- Lời cảm tạ 59.- Đắm tàu 60.- Trang cuối cùng của mẹ tôi