Gói ca-rô đỏ

Ký sự này, cho đến nay, chẳng có gì hấp dẫn. Đi Tây, đúng thì phải mơ màng, mà đến giờ tôi chưa nói được chuyện gì đáp ứng được cái đó cả. Tôi nhớ lại, ngày trước có lần gặp chị bạn ở Mỹ nhắc đến Paris chị dại ngay cả nửa tâm hồn, mắt lim dim “À... Paris... Tour Eiffel, Điện Versailles và Tati”. Tour Eiffel thì ai cũng biết, Điện Versailles đi thăm cũng đáng đồng tiền nhưng mà Tati, nếu bạn chưa sang đây lần nào thì rất là bí mật.
Được chị bạn này xếp hàng thứ ba trong các kỳ quan của thủ đô ánh sáng ắt Tati phải là ghê gớm lắm. Mà Tati ghê gớm thật, ngay trong sách hướng dẫn của du khách Nhật cũng có đề. Tati không phải là viện bảo tàng, bảo tàng phải kể Musée d’Art Moderne Georges Pompidou, tức Centre Beaubourg, xanh đỏ cất theo hình nhà máy lọc dầu và được nhiều người thăm viếng nhất (Lần đầu tiên đến Los người quen đưa đến Redondo Beach ăn cua tôi cứ tưởng cái nhà máy lọc dầu ở bờ biển là viện bảo tàng Paul Getty ở Malibu).
Bảo tàng phải kể đến Louvre, phòng khảo cổ Ai Cập bức tượng cụt đầu “Chiến thắng Samothrace” và bức tượng cụt tay Vệ Nữ Milo. Phải kể đến Musée d’Orsay vừa mới mở trong cái nhà ga bỏ hoang cũ, phái ấn tượng và tranh giáo đường Rouen lốm đốm bốn thứ ánh sáng khác nhau vào bốn giấc trong ngày. Phải kể đến Orangerie, phòng Manet dưới hầm với tranh hồ sen ở khắp các mặt tường panoramique, phải kể còn nhiều lắm, Paris là thành phố lắm viện bảo tàng. Ôi, nụ cười Mona Lisa bất hủ chẳng hạn, nếu được trực diện mà chiêm ngưỡng thì cũng thấy con người mình trở thành văn hoá hẳn. Nhưng Tati lại không là một viện bảo tàng, dù một loại ít được biết đến hơn như Musée Marmottan hay là Viện Bảo tàng Quốc gia Mỹ thuật Phi Châu và Thái Bình Dương.
Tati cũng không phải là một thứ đền đài đã cũ, điện Invalides của nhà binh, đền Panthéon néo-classique để táng vĩ nhân dân tộc. Không phải là thánh đường Trung Cổ, di tích La Mã hay công trình kiến trúc mới đây và đáng quan tâm; Như Hí viện Bastille còn đang xây dang dở, cột Buren ở Palais Royal hay Kim Tự Tháp bằng kính ở Cour Carré điện Louvre do kiến trúc sư Pei vừa mới hoàn tất xong. Tati nói thẳng, khỏi lòng vòng, là một cửa hàng quần áo. Nhưng cửa hàng quần áo ở Paris thì vô khối, riêng một mục này viết mười cuốn sách cũng chưa nói đủ, nào sang trọng Haute Couture, nào trung lưu Department Stores, nào thời trang trẻ boutiques. Paris là thủ đô ăn mặc của thế giới (tuy là chiều hướng này đang lung lay). Tati nếu kể về quần áo thì cũng có đủ. Ở thành phố cái gì cũng đắt này, ngôi vị sáng chói của Tati chẳng ai địch nổi, đặc tính của cửa hàng này do một giòng họ Do Thái Bắc Phi gầy dựng từ ba mươi năm nay là cái giá. Rẻ. Không đâu rẻ hơn Tati được, có dậy sớm mấy cũng chẳng tìm ra nơi nào hời hơn. Cửa hàng đầu tiên mở ra ở khu đại bình dân Barbès trong quận 18 là nơi nhiều người Bắc Phi chui rúc, thành công tột bực khiến nó cứ phải lan dần ra từ căn này sang căn khác, lem nhem ngõ hẻm chẳng giống gì. Ngày thứ bảy, trạm métro Barbès-Rochechouart có nghẹt người cũng là vì khách đến Tati từ mọi nơi đổ xô đến, gây ra cảnh tượng hỗn hoạn không sao tả xiết, ứ đọng xe cộ ở trên đường, cả mấy xe cảnh sát không cách nào vãn hồi được lưu thông lại cho trật tự. Vào Tati shopping phải gồng mình nín thở, như vừa đi tắm hơi (người), lại vừa được massage. Thật tình mà nói, các bà các cô can đảm chứ tôi chỉ ở xa đứng nhìn không thôi cũng đã xanh xám, đi mua hàng Tati còn hơn tản cư chạy loạn, giống như những cảnh kinh hoàng rạp hát cháy hay là Kinh Kong trước khi trèo lên nóc Empire State Building. Nó rẻ đến thế nào tôi không biết tả, rẻ như là cho không. Có năm sau khi trình diễn collection một mùa đông, nhà đại thiết kế nào đó túng tiền trả thợ may cho chở nguyên xe tải quần áo người mẫu vừa mới mặc đến tháo khoán cho Tati. Nhãn không kịp cắt, mỗi một cái túi có một bộ, ở trong còn cả phụ tùng đi với quần áo, khăn, vòng tay, vòng cổ và đôi giày. Một năm thời trang người ta trình diễn hai lần, Prêt à Porter mùa hè thì trình diễn vào mùa đông, có người may mắn mua được, đến cửa tiệm của chính vị designer đó để đọ giá thì ở cửa tiệm đó chưa kịp bày bán nữa. Cả tháng sau, hàng đến cửa tiệm sang trọng này, bày ra trên kính, người khách hên của Tati mới đỡ thắc mắc. Cô ta khoe thành tích, áo bán 4500F (700 USD) mà cô ta mua có 200F (30 USD), còn trước được những bà mệnh phụ nhiều tiền mấy tuần lễ. (Đây cũng là chuyện thật, tôi không ưa phóng đại và làm ký sự tôi luôn luôn kiểm chứng, cái áo mua hời này nhân vật nói trên có mặc cho tôi xem cẩn thận, 700 USD thì tôi không biết nghĩ gì chứ 30 USD thì rất xứng đáng. Ai thắc mắc tên nhà đại thiết kế này là gì gửi cho tôi một bao thư đề địa chỉ có dán tem sẵn tôi hứa sẽ trả lời riêng). Dĩ nhiên là kỳ đó cả xe hàng bán sạch trong vòng nửa tiếng, ai không đứng tình cờ ngay tại chỗ thì không biết, sau nửa tiếng đồng hồ Tati bình thường trở lại, nghĩa là vẫn còn rất rẻ tuy là hàng đa số xấu.
Thành thử ra, đến Tati người ta phần đông mua những thứ phụ tùng và phụ tùng ở Tati nổi tiếng nhất là quần áo lót phụ nữ. Dân lao động di cư đàn ông vào đây rất nhiều lựa soutien, sì-líp gửi về cho hiền thê ở xứ, phu nhân các vị bộ trưởng các nước nhược tiểu đến đây ẵm về làm quà đồ lót từng va-li một. Tại nói thật, áo quần Tati cũng phải kén lắm mới tìm ra được thứ tươm tất, tuy là rẻ thì vô địch nhưng của nào hàng nấy, trừ những chuyện bất ngờ. Tôi có quen một bà ngoại quốc lịch lãm và học thức, lấy chồng giàu và tính cũng ăn tiêu. Fifth Avenue, Via Condotti, Bond Street, Rue du Faubourg St Honoré bà đều có vào cửa tiệm, bà sang Paris để shopping lại có người dẫn bà vào... Tati. Đây cũng lại là một chuyện tôi chứng kiến, tuy là như đã nói, tôi không vào theo mà chỉ ngồi ở café đợi ở xa xa cho dễ chịu. Bà này lúc đầu còn ngần ngại vì thể diện, những nơi này bà không quen mua sắm. Vài tiếng sau tôi thấy bà trở ra, mồ hôi nhễ nhại, chân tay run rẩy như vừa qua cơn xúc động lớn. Trong ánh mắt bà tôi thấy có cái gì của người hôn mê lên cơn dại, cần tịnh dưỡng một thời gian dài. Bà vừa túm vừa lê theo có đến cả hai chục cái bao giấy Tati đầy những hàng, trông bà như người vừa mới ở trong kho tàng Ali Baba và bốn mươi tên tướng cướp chạy ra, miệng bà lẩm bẩm như không tin là có thật “Tại sao lại hời thế, tại sao lại hời thế á...” Đợi bà hoàn hồn trở lại, uống vài ba ngụm nước tôi mới đề cập đến một vấn đề rất là hệ trọng mỗi khi mua bán ở Tati ra. Đó là thủ tiêu các bao giấy gói đồ trên đường về.
Tati, sau khi hết chỗ để mà bành trướng ở quận 18 thì mở thêm hai cửa hàng khác ở Paris nội thành. Một cửa hàng ở khu République và một cửa hàng khác ở ngay Rue de Rennes gần Montparnasse. Rue de Rennes từ ngày khủng bố liệng bom trở thành nổi tiếng trên thế giới nhưng từ lâu đã là con đường mua sắm phồn thịnh ở khu La-Tinh. Ở đầu đường, phía gần Place St. Germain thì nó lịch sự rõ rệt, có chi nhánh của những hiệu giày, hiệu quần áo đắt tiền. Ở cuối đường, phía gần Place Montparnasse thì nó trở thành bình dân hơn với những cửa hàng chuyên bán “Sale” hay quần áo designer cắt nhãn đi (dégriffé) nhưng tựu chung vẫn rất thời trang và thanh lịch. Ngoại trừ Tati là cửa hàng đặc biệt, ở xa đã thấy vì vỉa hè đằng trước hiệu chật cứng không ai qua lại được. Từ ngoài không gian có nhận được ra không thì tôi không dám chắc nhưng đi máy bay trên đầu Paris tôi nghĩ chỉ có mình cửa tiệm Tati là biết ngay. Khách chen vào hiệu đứng chặt vỉa hè không đủ, còn lan ra cả đường dành cho xe chạy mất mấy làn và chung quanh Tati Rue de Rennes, trong vòng kính có cả chừng cây số, tơi tả trên mặt đường hay nhăn nheo trong những thùng rác giấy, những cái bao gói đồ kẻ ca-rô đỏ của hàng này la liệt như là xác pháo toan hồng trong sân nhà cô dâu vào ngày cưới. Hiện tượng này ở chung quanh cửa hiệu Tati nào cũng có, nhưng nổi bật nhất là ở Tati Rue de Rennes. Rue de Rennes là nơi đại khái thời trang, dập dìu tài tử giai nhân, người ta vào Tati phải ngó trước ngó sau, xấu hổ như là vào Sex-shop, Peep Show. Ra đến ngoài, việc đầu tiên là người ta quẳng cái bao ca-rô đỏ này đi, bỏ vào bao giấy khác để không còn tung tích chứ những cánh tay ngà mà lủng lẳng loại túi ai cũng biết này thì cũng hơi kỳ. Đi sắm đồ Tati thì ai cũng đi được nhưng lê theo tang vật bao giấy đỏ này trong khắp thành phố thì chẳng ai muốn làm. Cũng như chuyện cái lưng vậy, lưng thì ai chả có, nhưng vạch áo cho người đấm bóp thì lại khác phải không. Thành thử ra, muốn đi tìm Tati rất dễ, chỉ việc theo vết những cái bao giấy người ta xé bỏ trên đường phố, như chú bé sợ lạc đi theo con đường đã rắc những mẩu ruột bánh mỳ. Cái bao Tati thiết kế thật là đặc biệt, làm bằng một loại giấy có lẽ tồi nhất trong các loại giấy làm bao, không có đề chữ ở trên mà chỉ kẻ ca-rô nhỏ đều màu đỏ. Cái đỏ của Tati cũng đặc biệt, nó đỏ không ra đỏ, hồng không ra hồng nên nhìn bằng đuôi con mắt cũng nhận được, dễ hơn là nhìn ra hàng lụa Hermès nhiều. Thế mà ông Tati cũng giàu vậy, có lẽ chả thua ông Hermès mấy, chắc tại nhờ ông bà này và các con dậy sớm không thua gia đình kia để mà kẻ ca-rô cho đều trên giấy gói hàng.
Cái bà hồi nãy, lần đầu tiên được dẫn đến Tati mua sắm nên còn chưa rõ cái lệ ra đến ngoài phải huỷ ngay bao. Lần đó tôi phải ngồi một lúc ngoài quán với bà với mấy chục cái bao cũng ngượng. Nhưng thôi, còn chịu đựng được, bà làm sao thì làm, tôi không muốn phải đưa bà về cái khách sạn bốn sao bà ngụ ở sau Champs Elysées mà tay, nách còn ôm những gói đồ xuất xứ lộ liễu này.
Ở trên đường métro Répubique đi đến Place des Fêtes, vấn đề bao ca-rô đỏ ít nặng hơn. Đây là khu bình dân ở Paris có lẽ chỉ sau có Barbès, tuy là dần dà, rồi cũng đến lượt nó đang trên đà lột xác.

Truyện Ký sự đi Tây Đi là về Chiếc khăn vuông lụa Cô Papae Fiu Căn nhà ba bếp Chuyến tàu đầu năm Gói ca-rô đỏ Người bạn chưa chồng nếu vào trung tâm thành phố thì giữa đường tôi có thể xuống đổi lấy RER nhanh gấp bội nhưng tôi không vào trung tâm và không tiện đường. RER (Réseau Express Régional) là một cải tiến mới có độ mươi năm nay, vẫn còn tiếp tục lan ra chằng chịt các ngoại ô, đặc biệt ở cái mùi (chẳng hiểu tại sao nhưng có cái mùi RER rất khác mùi métro, có lẽ để giúp người mù khỏi lạc), và như mọi phát minh, đang mang lại một nền văn hoá mới, đẩy xô thành phố. Nhưng chưa nói đến RER vội, tôi là người hoài cổ, tôi đi xe lửa rù rì, những chuyến tàu ngoại ô cũ mình bạc một từng (loại mới mình màu cam hiện đại hai từng) như trong bài hát của anh chàng nhà quê mặt ngố Gerard Lenorman: “Những chuyến tàu ngoại ô/ Như là cười ngạo em/Như là cười ngạo anh”. (“Michèle”, tương đương với “Tàu đêm năm cũ” với những sân ga năm 17 tuổi, uống ly chanh đường, uống ly chocolat chaud v.v... và v.v...) Chuyến tàu không đưa tôi trở về năm 17 tuổi, chuyến tàu đưa tôi đến métro.
Nếu ở Mỹ, kỳ quan là xa lộ thì ở Paris kỳ quan là métro. Hình như ở ngoài không gian chỉ có hai công trình nhân tạo trên quả đất mà mắt trần nhìn thấy được. Đó là Vạn Lý Trường Thành và Freeway 5 (chính nó, San Diego-Sacramento). Dĩ nhiên, métro ở Paris tuy cũng là công trình vĩ đại nhưng ở ngoài không gian dù có đeo kính viễn vọng cũng không cách nào nhìn thấy được vì nó ngầm. Métro đồng nghĩa với đường ngầm, chỉ có một vài đoạn nổi lên, chạy ở trên cầu và là đoạn thơ mộng nhất. Nhưng phần lớn nó ngầm, là một kỳ quan giấu kín do người Pháp phát minh và đến Paris nếu không viếng métro thì cũng như không uống rượu và ăn bánh mỳ, không dẫm phải phân chó và không ngồi café. Nhật Hoàng vừa mới chết - Hiro Hito gần sáu mươi năm giữ mãi trong bàn giấy một cái vé tàu điện ngầm ở Paris. Bà tỉ phú Cristina Onassis vừa mới chết, cũng từng xuống métro để người ta chụp hình, đua đòi với công chúa Caroline của Monaco (bà này còn sống, nhưng nhân tiện đây, để cho ký sự của tôi bớt phần nhợt nhạt nhẽo, tôi xin nhắc lại câu nói của một tờ báo Tây Ban Nha “Có ba loại công chúa tất cả: Công chúa trong truyện thần tiên, công chúa mang máu hoàng tộc và công chúa Monaco”). Cựu Tổng thống Giscard d’Estaing, khi ra ứng cử vào năm 74 chỉ vì không biết giá một cái vé métro dạo đó là bao mà trên truyền hình nhợt nhạt cả mặt mày không còn giọt máu tưởng tí nữa thì thất cử. Métro ngày nay, giá một vé mua lẻ là năm quan (0.75 USD), mua một carnet mười là hai mươi chín quan (4.50 USD). Người ngoại quốc ít biết khác biệt này nên những nơi nhiều du khách có nhiều người lương thiện làm nghề bán vé lẻ để kiếm lời, bán được chục cái lời ba đô la mà không hại ai tuy là business này hoàn toàn trái luật. Mười lăm năm về trước, Giscard d’Estaing lúc đó đang làm Tổng trưởng Kinh tế và Tài chánh được cả một thập niên rồi, trên truyền hình đoán mò là cái vé năm quan. Mọi người cười mãi, không ai ngờ ông này nhìn xa và giỏi tài tiên tri.
Năm quan để đi khắp hết nội thành Paris, đâu cũng có thể đến được. Trong Paris, không có trạm métro nào cách nhau quá năm trăm thước đường bộ trong khi kiếm chỗ đậu xe có thể mất cả hàng cây số. Về nhà với vợ thì nên lái xe, có hẹn với đào nên dùng métro. Phỏng vấn tìm việc, nên dùng tàu điện, sáng thứ hai vào sở, lái xe chẳng sao. Nhanh, tiện, rẻ, métro lại vừa an ninh (RER thì khác về mặt này), tạo cơ hội trau dồi kiến thức (mỗi chuyến tàu đọc xong tờ báo), métro là cả một xã hội riêng chiếm hai tiếng một ngày. Người ta hẹn hò nhau ở trong métro, có khi làm quen nhau nữa (điều này hiếm hơn), đan áo, chơi ô chữ, dò bài, mua bán từ trái cây đến mỹ phẩm, quần áo, nghe nhạc sống, xem trình diễn ảo thuật, coi T.V. chương trình cable đặc biệt của RATP, chạy tập thể thao trong hành lang và bắt mạch đời sống. Thành ngữ “métro, boulot, dodo” (Tàu điện, đi làm, về nhà ngủ) ở đây dùng để diễn tả cái nhàm chán của sinh hoạt thường ngày nhưng métro, chán hay không, vẫn là quan trọng. Như làm, như ăn. Nhiều khi chán quá, chán đời, người ta chán cả métro, (“Métro c’est trop”). Métro là cuộc sống, mùa đông métro cho kẻ không nhà hơi ấm, thời chiến métro dùng để tránh bom, làm hầm. Métro tiện dụng, nhưng yêu métro phải là người mới đến, phải là người ở xa về. Dân Paris no ấm, ngày hai bữa métro đầy đủ, chẳng còn thấy quý nữa.
Một năm rồi, tôi mới thấy métro trở lại nên không lấy đó làm khó chịu. Ở đây, phía Đông thành phố, bình dân lao động, uyên ương Tàu mặt nghệt ra cầm tay nhau, những bà mẹ Phi Châu tay bồng tay bế, những người đi làm về mặt thừ ra vào trước giờ cơm. Không có những cánh tay ngà đeo túi Vuitton, không có bọt champagne sủi, Ký sự đi tây gì chán ngấy, lại vào dịp Tết nữa nhưng có ai thấy gì là Tết đâu. Tôi cũng chán nữa, và ngày mùng Hai xuất hành, ở trạm République hướng đi về Porte des Lilas, tôi cũng chẳng thấy gì Tết hết, có sao tôi nói vậy. Có cái gì thay đổi, một năm người ta lợi dụng lúc tôi vắng mặt đem đặt những thùng rác màu vàng chanh tươi mát đầy khắp nơi. Cứ mươi thước trong hành lang lại có một cái để mà vất giấy, gạt tàn. Ngoài ra vẫn vậy, đường tàu chạy về xóm dân cư nghèo vẫn những người mặt mày thiếu ngủ, lương tối thiểu có tăng lên chắc cũng chẳng được là bao, những cánh tay ngà lủng lẳng bao plastic, những cái mũi đỏ vì cảm cúm, thiếu vitamine C hay vì lạm dụng rượu. Nhưng mà tôi không ghét, Paris này tôi yêu. Không yêu sủi bọt sâm banh, yêu, yêu vậy vậy, yêu bợt bạt như những bộ mặt tái mét mùa đông, nhưng thôi, đừng đòi hỏi, bợt bạt cũng là tình cảm. Như bà cụ già mặc áo choàng xám ngồi cuối bến, bày dăm gói đậu phộng trên cái xe đi chợ kéo theo được để một bên. Ba quan một gói, chữ “3F” cụ run rẩy kẻ bằng tay trên mảnh giấy học trò xé không đều. Bà cụ này năm trước tôi vẫn gặp, tôi vắng mặt một năm, cụ vẫn đến chỗ cụ lụi cụi bỏ lạc vào bao giấy bóng kính, bán lậu cho người đi tàu, không môn bài và không giấy phép. Một năm rồi mà chưa chịu chết, vẫn loại vớ giày con nít, đôi giày thứ dùng ở trong nhà có độn bông. Bà cụ hơn tám chục, làm sao tôi yêu được như là người mẫu trên tờ tạp chí, lạc rang có ba quan một gói, chẳng ví được với catalog của những cửa hàng Duty Free ngoài phi trường quốc tế liệt kê nào nước hoa, xì gà, rượu quý. Chỉ có mỗi một món hàng, ba quan mà tôi cũng chưa lần nào mua giúp. Tôi chỉ yêu bợt bạt, chắc để đợi bà cụ chết rồi mình mới có chuyện để mà tiếc. Tiếc món lạc rang bà già bán trên bến tàu điện ngầm buổi tối, đường đưa đến nhà cô bạn mà mình chưa bao giờ được ăn.
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy& Hiệu định: Mõ Hà Nội
Nguồn: NXB Văn Hóa th$ông tin 2003
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 7 tháng 9 năm 2006

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--