Đi kiện nhauCó lần bố đánh bạc thua nợ bà Kế mấy chục bạc. Bà Kế là mẹ chồng o Đản, và là một chủ nợ đanh đá già mồm, ai đã vào tròng bà khó lòng mà thoát ra được. Thầy viết giấy khất nợ, bà ta không chịu, một hai đòi viết giáy gán ruộng trả nợ mới xong. Bố khi túng thế thường hay liều, nhưng lần này lại không dám, sợ mẹ biết làm lôi thôi, vỡ chuyện thì mất thể diện. Mẹ biết được tức tốc sang nhà o Đản và xin sẽ chồng tiền trả nợ cho chồng. Nhưng lúc đó cũng xin khất đã và định lôi bố về. Nhà nợ nhất định không chịu, cả nhà đứng quây vòng lại canh bố sợ bố chạy thoát. Và trong những người canh gác ấy có cả o Đản nữa than ôi! Mẹ tôi chỉ giận nhất có thế. Bôi vôi mặt nhai đến nỗi anh em mà như bẫy nhau vào tròng! Mẹ đành phải để cho bố viết gán ruộng vào nợ bạc. Lúc ấy bà Kế và dượng Đản mới chịu yên mà buông cho bố về. Sau ít lâu, không hiểu sao lại định dắt nhau ra đi kiện về chuyện ruộng nương. May mà bố bàn êm chuyện, không thì nhà tôi đã dắt nhau đến cửa quan để bêu xấu sự suy vong, bạc nhược của tình cốt nhục.Từ đó, dượng Đản không về thăm bên nhà tôi nữa. Vả lại dượng cũng đã bỏ o lên ở trại với một bà khác, nên tình ràng buộc cũng bớt thắm thiết hơn nữa giữa hai gia đình cũng không còn chặt chẽ như xưa. Còn o thì o tránh né mẹ, mẹ nói giọng quảng đại: “Họ đã sợ ta thì ta tử tế như thường”.Nhân đây tôi kể thêm về đám ruộng dưỡng lão. Suốt đời bố tôi chỉ có một tội là đôi khi thua bạc rồi bán ruộng nhà, đến nỗi có lần viết giấy cầm ruộng dưỡng lão của bà nữa. Bà không hay, mẹ cũng không biết. Nhưng ông Lý Cầu không chịu áp triện nhận thực cho cái khế bán ruộng và lên tin cho mẹ biết. Thế là ruộng dưỡng lão không bán được, bố tiu nghỉu đi về nhà, bị mẹ đay nghiến cho thậm tệ. Bà cảm ơn mẹ. Tính những đám ruộng bố bán là hơn nửa gia tài ông để lại. Cây mít càCây mít cà là của bà tôi, cây nhỏ, trái nhỏ và tròn, múi nhỏ mà rất ngọt. Thường bà lấy sào nứa đâm thử, thấy trái chín thì bà gọi cháu leo lên cây bẻ trái xuống. Bà cháu xúm lại, bổ mít ra, lấy rơm lau mét (tức là nhựa). Múi sây, ăn mãi không hết, ngọt khay nên không ăn được nhiều. Mẹ kiêng cây mít cà ấy; mít chín cũng không chọc, chờ bà sang lấy không thì thôi. Sau này có cây trầu leo bám cây mít, trầu của mẹ trồng. Do đó mẹ và bà gần nhau hơn một chút, nhờ thảo mộc bình tĩnh làm nguôi lòng quá “sôi nổi” của hai con người. Hắt hủiNgày tôi còn nhỏ, tôi ở với bà và chú bên nhà lớn, còn bố mẹ ở riêng bên nhà nhỏ làm ra sau. Bà ít lai vãng đến nhà bố mẹ, và chừng như mẹ cũng ít sang bên này. Hai nhà sát gần nhau, không cách một hàng giậu một bức tường nào cả, thế mà thành hai thế giới riêng biệt. Dường như xa lạ hẳn đi. Bà tư vị, thương con không đều, có ý săn sóc đến o Ngoéch nhiều hơn cả, thương o Duẩn vừa vừa, vị nể chú Cu, còn đối vối bố tôi bà dường như dửng dưng, lãnh đạm. Bà nhẹ dạ, nhẹ lòng, ưa những lời ngọt ngào đường mật, mà tính mẹ tôi lại thẳng bà không chịu được, rồi sinh ra mỉa mai, soi mói nàng dâu như trẻ con. Tôi phải chép nguyên vẹn lịch sử nhà tôi dần có phải nói nặng nề về bà chăng nữa. Tôi cũng phải nhớ ghi điều này: một lần bà giận mẹ tôi đến nỗi bà đã thốt ra một lời ác nghiệt: “Ác thế mà trời không vật con nó chết đi!”. Bà đi nộp cháu! (tức là nói rủa). Mẹ tôi chết điếng cả người, tức uất đến tột cùng, cũng không khóc được nữa. Tôi không tin rằng lời nói ấy là biểu hiện đúng tâm địa bà tôi. Không, bà thương tôi lắm, thương các em tôi lắm. Giận dâu mà hoá ra rủa con cháu đó thôi. Có khi bà nuôi cháu như nuôi con, lẽ nào bà lại có thể độc địa được. Đến khi bố mẹ về nhà lớn, chú mợ Cu sang ở nhà con, thì bà ở lại với bố mẹ mấy năm. Nhưng bà hay qua lại bên nhà chú, coi lo bếp núc, nấu giùm nồi nước hay quét cái nhà, những chuyện vặt vãnh ngụ lòng thương con. Nhưng bà không sao nhãng chuyện nhà bên này cũng lo lắng sớm khuya với mẹ và mẹ tỏ ra quý trọng bà đến mực. Nhưng về sau bố tôi ra làm việc làng, có lần sa đà bài bạc, vắng nhà hàng tháng, cảnh nhà buồn và mẹ hay than thở. Bà cũng buồn nản mà bỏ sang nhà o hàng tuần, biệt tăm hơi. Có lúc bà dắt cả tôi đi theo bà sang thăm o. Sau đó ít lâu bà dọn sang ở bên nhà chú, “hủ hỉ” với chú mợ, bỏ bừa công việc nhà lớn cho mẹ con tôi. Mẹ tôi can đảm, không hề oán thán và chẳng một lần ngỏ ý mời bà về. Bà tôi như “con chim ưa vui rộn” nên ở đâu tấp nập thì về, thành thử ít lâu và lại về bên nhà lớn, mẹ chẳng nói gì. Sau bà lại đi, và ít lúc sau bà lại muốn trở về ở với bố mẹ cho vui cảnh già thì mẹ tôi nhất định từ chối. Mẹ hắt hủi bà cho đã cơn giận mấy năm xưa. Bà tủi cực trong lòng, chờ bố khuyên răn mẹ để mẹ mời bà về nhà. Nhưng mẹ đây đẩy một hai xua đổi bà ra. Mẹ nói: “May có chú Cu, không thì nhà đã cháy rồi, còn đâu nữa mà về với đến!”. Bà cũng hay mủi lòng dễ khóc như mẹ. Có điều mắt bà đã bắt đầu loà, “đã thành gương”, nên giọt lệ già ảo não hơn! Cái thân khô tàn tiết ra những giọt đau thương cuối đời. Bố tôi nói với mẹ: “Người lạ đời quá, nhà bà thì bà muốn ở khi nào thì ở, cấm sao được!”. Mẹ không thèm cãi, chỉ cười trừ, mai mỉa cười, oán giận và tủi nhục. Bố yếu thế cũng cười và nhắm mắt, cong lưỡi hắt bã trầu như hắt những ý nghĩ rầy rà xui bố quẫn trí: sức phản ứng của bố xưa nay vẫn yếu như vậy mà!... Tướng sốMẹ tôi đi rất mau, bước ngắn nhưng hấp tấp, vội vàng. Đi thì hơi ẩy ra phía trước, tay đánh xa không đều, dáng đi hoá ra mệt nhọc. Họ hàng thường vẫn nói rằng cái dáng đi đứng thế chả trách số kiếp long đong, cả đời mẹ ít được lúc thong thả. Mẹ tôi nghe nói cười going, rồi nghĩ tủi thân lại ứa nước mắt khóc liền. Nhưng dần dần dáng mẹ đi càng khoan thai, thong thả lại; nhất là nước bước càng ngày càng đàng hoàng. Đời mẹ tôi về sau đã có một chút yên vui chăng? Một đôi lần muốn an ủi mẹ, tôi nhắc mẹ điều đó, và tỏ ý rằng tôi tin ở tướng số. Mẹ vui hẳn lên, cái vui nấy chỉ tôi mới nhận thấy được. Mắt mẹ sáng một cách ngậm ngùi, và mẹ liếm môi trên hai ba lần mới nói: “Chỉ có con hiểu cho mẹ, bố con thì có cũng như không”. Khi nào mẹ cũng có một lối tâm sự ấy, lòng tôi là một bình lệ sắp tràn, chỉ một lời mẹ buông ra là nghiêng đổ. Cuối năm tú tài nhất niên tôi bị cắt học bổng vì tham gia biểu tình đi đón Gôđa, đại diện của Chính Phủ Mặt trận bình dân Pháp đến Huế hồi tháng 4-1937. Tin về dưới Hạ (quê mẹ) ông ngoại tôi chửi mắng ầm lên. Mẹ tôi hay tin tướng số về nhà nằm liệt ba ngày không muốn làm lụng gì nữa. Bố đi vắng, mẹ khóc cay khóc đắng, như dứt từng mảnh thịt. Mẹ nghĩ đời mẹ làm một cái chết lăng trì. Hết hy vọng ở chồng, mẹ tin tưởng vào con. Nay con bị mất học bổng, liệu con có học đến nơi đến chốn không. Mẹ bảo: “Hy sinh hết cho con đi học như đánh số với trời. May trời thương mà con học đến nơi; nếu trời ghét, đoạ đầy thì thôi, thế là hết!”. Chưa bao giờ mẹ tôi lại chán nản đến nỗi bỏ cả công việc hai ba ngày như lần ấy. Thậm chí năm tôi học lớp ba (1928) tôi đau thập tử nhất sinh mà mẹ còn giữ bình tĩnh hơn. Lúc ấy mẹ sợ tôi chết đã hơi hối hận, nhớ lại ngày hai mẹ con xuống Hạ (đi theo mợ Vân vào Huế), vào ngày nước lụt. “Đi ngày con nước, thôi chắc là trôi nát hết rồi!”. Mẹ tôi lại quy cho số mệnh và cho là có điềm báo trước. Nhưng sau này tôi học mỗi năm một lên, năm tôi đậu tú tài toàn phần mẹ tôi nhớ ngày tôi ra đi mà nói: “Té ra điềm tốt, nước lụt càng ngày càng lên cao, cho nên con học mới ngày càng tấn tới”.Trong buổi thanh niên tôi hay buồn, sầu não vô cớ. Bản nhất tôi có thực sầu chăng? Tôi không tin như vậy vì lòng yêu đời của tôi âm âm mà mãnh liệt. Dẫu sao nếu hồi đó không có một cớ mà bám vào đời nữa, thì tôi cũng phải sống, sống để mẹ tôi mát lòng một chút. Tôi là cuộc thử thách cuối cùng của mẹ tôi chọi với số mệnh. Các em tôi thành thân, mẹ tôi sung sướng lắm. Nhưng chỉ có tôi mới là câu trả lời.