Phần VI

     ượng ở nhà bà Xuân Thái đi ra được mấy bước thì trời đổ mưa, một cái mưa đông không nặng hột, nhưng gió rét căm căm. Cả hai, Vượng đều không nhận thấy chàng không nhận thấy cả những giọt nước mưa quất vào mắt, vào cổ, cả rét thấu xương nó lùa qua ống tà áo.
Trong người chàng nóng ra. Chàng tưởng chừng như mình sốt rét. Những người đi đường đã bắt đầu tránh vào các hiên nhà mà chàng cứ đi, chẳng biết rằng mình đi đâu. Trong cơ thể, chàng cảm thấy như có một cái gì nó sai khớp, rồi nó làm các bộ phận nẻ ra, nứt ra. Chân tay bỗng nặng như chì, chàng cho rằng mình đi được như thế này là khó khăn lắm, là chậm chạp lắm, chàng đi như một thằng người máy, do bản năng đưa dắt, chứ mắt thì không trông thấy gì hết, hay chỉ trông thấy ở trước mắt những cái gì lao xao lộn xộn, chẳng thành hình gì cả. Lúc ấy, chàng như điên vì thất vọng, điên vì đau đớn. Cái mà chàng tha thiết ao ước trong bao năm trời nay không bao giờ đến với chàng nữa! Phần đẹp đẽ và tươi trẻ của đời chàng hết rồi. Bây giờ chàng chỉ còn như con trâu già mãn kiếp bị buộc vào lưỡi cày của nghĩa vụ.
Chàng muốn khóc, chàng muốn kêu, chàng muốn lăn ra đất, chàng muốn đập đầu vào tường. Đầu chàng như bốc lửa, mắt chàng như bốc lửa, nhưng trong ngực thì một cái gì nặng không thể tả làm cho rời rã cả chân tay.
Đến Hàng Bồ thì chàng vấp phải một bà cụ già mà chàng thoáng nhìn thấy một bộ mặt hung ác. Bà cụ già mắng chàng ngay:
- Mắt mù đấy à? Đi với đứng!
Chàng cũng chẳng nghĩ đến sự xin lỗi, chàng cứ đi, đi mau. Nhưng vì việc ấy, tư tưởng chạy lộn trở lại, trở về với thực tế. Chàng bước chậm lại. Chàng thấy phải cần hút thuốc lá, thứ mà chàng đã nhịn mấy tháng nay.
Chàng vào một hiệu tạp hóa, cô bán hàng với một nét mặt tươi cười đưa cho chàng một bao thuốc lá rồi tới khi chàng đưa ra đồng bạc lại tươi cười mà bảo với chàng:
- Tôi tiếc rằng tôi không có tiền lẻ để trả lại ông.
Chàng lục các túi, rồi chàng thoáng nhìn thấy nét mặt xanh nhợt của chàng ở chiếc gương phía sau cô thiếu nữ chiếu lại, chàng giật mình. Lúc ấy, chàng mới nhận ra rằng chàng vừa qua những phút khủng khiếp.
Thuốc lá chàng hút không mấy ngon, nhưng nó đem lại cho chàng sự bình tĩnh. Chàng thấy rằng mình không thể về báo một cái tin, tin mừng như thế cho em bằng một bộ mặt đưa ma như thế này. Cái tin ấy phải được báo bằng một nụ cười, những nụ cười. Rồi chàng cười, chàng cố cười, nhưng sự cố gắng ấy chỉ đem đến cho mặt chàng những cái nhăn xấu xa và nhạt phèo.
Lúc ấy lòng kẻ làm anh đã lại hồi phục được cái bản thể của nó, chàng tự trách những đau đớn của mình. Những đau đớn ấy sẽ làm giảm cái hạnh phúc của Đạt, của Quỳ. Mà chàng thì không có quyền đau đớn bởi cái hạnh phúc của các em chàng.
Cái ý nghĩa ấy làm cho chàng tỉnh táo.

 

Chàng mở cửa bước vào nhà trong lúc Đạt đang dạy Thịnh những miếng võ Nhật dưới con mắt kính phục của Nhàn. Hai người thấy chàng hút thuốc lá đều reo:
- À anh cả hôm nay lại hút thuốc lá.
Chàng nắm ngay lấy cơ hội ấy. Chàng cười, chàng cố cười, rồi chàng nói một hơi như người muốn mau mau trút một gánh nặng:
- À, hôm nay là ngày vui mừng phải khác chứ! Chú Hai, anh có một cái tin mừng báo cho chú biết.
Đạt tiến lên, đi một đường quyền, rồi lại sát ngay trước mặt Vượng vỗ tay:
- Em biết cái tin mừng ấy rồi. Vì thế mà bà Xuân Thái cho mời anh lại.
Nhàn cũng sấn đến nắm cánh tay Vượng:
- Em cũng biết rồi.
Thịnh vốn tính người sôi nổi, ồn ào hơn:
- Em biết đã từ lâu lắm rồi.
Thịnh nhảy lên với cái bóng đèn rồi quay tròn một vòng:
- Chúng em không cầu mong gì hơn.
Vượng bỗng như thấy mình nhút nhát trước những con người tiên tri ấy. Chàng cố hết sức giơ tay lên vỗ vào vai Đạt rồi chàng tưởng chừng như mê đi sau câu nói:
- Hôm nay, bà Xuân Thái ngỏ ý muốn gả cô Quỳ cho chú, tôi đã bằng lòng.
Một tiếng “ồ” bật ra liền một lúc ở miệng ba người. Họ đều có cảm tưởng như ai vừa hắt một chậu nước trúng mặt họ.
Đạt trố mắt nhìn anh:
- Tôi? Tôi? Tôi?
Nếu không có cử chỉ của các em, có lẽ Vượng đã ngất đi. Nhưng may, những cử chỉ ấy khiến cho chàng có đủ nghị lực đi tới cùng con đường của sự hy sinh. Chàng trả lời cái nhìn kinh ngạc của em bằng một cái nhìn hân hoan:
- Ừ chú, chú. Bây giờ chú để cho anh bắt tay mừng chú.
Đạt không giơ tay ra. Đạt nhìn anh bằng một cái nhìn dò xét, rồi hình như Đạt thấy biết sự thật:
- Anh nói lạ. Nếu bà Xuân Thái mà có gọi gả thì phải gọi gả chị Quỳ - Đạt đã gọi bằng chị - cho anh bởi anh là một ông thần trước con mắt bà ấy.
Vượng vụt cảm thấy phút ấy nghiêm trọng. Tan vỡ hay thành tựu là ở phút này đây. Chàng cố điềm tĩnh:
- Nhưng chú là ông thần trước con mắt cô ấy, là một người mẹ thì phải vì con mà kén chồng, chứ không thể vì mình mà kén rể.
Đạt khoanh tay lên trước ngực rồi lại duỗi tay ra lắc cánh tay anh:
- Không thể thế được. Chúng tôi đã được nhận ở anh nhiều sự hy sinh, nhưng chúng tôi không thể nhận ở anh sự hy sinh này. Đời anh sẽ ra sao nếu anh không lấy cô ấy.
Vượng tưởng chừng như nghe chính lòng đau thương của mình đang lên tiếng. Đạt lại nói:
- Anh tưởng rằng chúng tôi không biết anh yêu cô ấy đấy à? Chúng tôi mới biết ít lâu đây, chứ em Nhàn nó biết đã từ lâu. Chúng tôi đang bàn nhau...
Vượng ngắt lời em:
- Cô nhầm, chú nhầm, tôi coi cô Quỳ cũng như cô chú thôi. Bà Xuân Thái bạn với mẹ coi tôi như con, thì tôi cũng coi cô Quỳ như em. Bây giờ bà Xuân Thái đã có lòng tốt như thế thì chú lấy đi, nhà sẽ thêm vui vẻ...
- Nhưng tôi không yêu, tôi không thể lấy được thì anh bảo sao?
- Nhưng tôi đã trót nhận lời với bà ấy thì làm thế nào. Tôi không... tôi thề... chú bằng lòng đi, cô ấy yêu chú lắm.
Sắc mặt của Đạt bỗng trở nên lạnh như dao. Vượng biết rằng sắp có những lời quyết liệt thốt ra ở miệng em, mà xưa nay chàng đã nhận thấy một khí phách ngang tàng. Khi nào mà Đạt đã dùng đến cái sắc mặt ấy thì không có gì có thể lay được sự quyết định của nó:
- Xưa nay, tôi vẫn vâng lời anh như vâng lời thầy. Mà thật ra thì chúng tôi coi anh cũng như thầy. Những ơn huệ anh ban cho chúng tôi là ơn huệ của một người cha. Nhưng lần này tôi xin phép anh cho tôi không phải vâng lời anh, bởi vì tôi không thể vâng lời.
- Nhưng tôi đã bảo với chú rằng tôi không... tôi chỉ coi cô ấy như một người em thôi mà.
- Cho dù anh không yêu cô ấy nữa thì tôi vẫn không thể lấy vợ, cô Quỳ hay người khác. Tôi không thể lấy vợ vì nhiều lẽ. Vả tôi xin phép anh cho tôi nói thẳng, bởi vì chỉ có sự nói thẳng ấy mới xứng đáng những hy sinh của anh đối với chúng tôi. Anh cũng phải để cho chúng tôi làm người chứ. Anh đã có công ăn việc làm rồi, anh lại hơn tuổi, thế mà chỉ vì chúng tôi anh không lấy vợ, thế tại làm sao tôi đang còn đi học, chưa có một kế mưu sinh, anh lại muốn cho tôi lấy vợ? Tôi có thể nhờ anh, bởi vì anh thay thầy, nhưng tôi không thể nhờ vợ. Không phải là tôi trách anh, tôi biết vì anh thương tôi mà mưu tính việc ấy, nhưng anh cũng phải cho quyền chúng tôi được chọn con đường đẹp đẽ ở đời mà đi chứ? Anh trau dồi cái nghệ thuật làm anh thì anh cũng phải để cho chúng tôi trau dồi cái nghệ thuật làm người chứ. Có thế thì chúng tôi mới xứng đáng là em của anh, là con của thầy, mới xứng đáng với sự dạy dỗ của anh trong bao lâu. Anh yêu tôi như một đứa em, nhưng anh nên nhìn tôi là một người. Khi nào nguyện vọng của tuổi trẻ chưa thành đạt, cái lý tưởng của đời người tôi chưa tìm thấy, anh muốn tôi lấy vợ tức là anh muốn cho đời tôi nhỏ hẹp lại, anh không muốn cho tôi được sống một cuộc đời đẹp đẽ và to rộng hay sao?
Vượng nắm tay em:
- Thôi anh xin lỗi chú. Nhưng chú có thể chờ đến khi chú đỗ rồi lấy...
- Mục đích của cuộc đời đâu phải ở sự đỗ đạt, nguyện vọng của tuổi trẻ đâu phải ở mảnh bằng.
- Thôi nếu chú không bằng lòng thì thôi. Lỗi tại anh không hỏi chú trước. Lỗi ở anh thật.
- Cũng bởi là lòng anh thương tôi, muốn mưu hạnh phúc cho tôi, nhưng là em của anh tôi không chịu thứ hạnh phúc nó không làm danh dự cho đời người như thế. Ít nhất tôi cũng phải tìm cho đời tôi một con đường đẹp đẽ như của anh.
- Tôi hiểu, tôi hiểu, lỗi tại tôi.
- Việc gì anh phải trách mình. Việc ấy cũng không có hại kia mà. Bây giờ tôi không lấy cô ta thì thôi, có sao?
- Có sao đâu, có sao đâu.
Miệng tuy nói thế, nhưng Vượng nghĩ ngay đến sự bà Xuân Thái có thể giận mình, Hồ có thể giận mình, Quỳ có thể ghét mình.
Đạt như hiểu ý nghĩ ấy:
- Nếu anh hỏi tôi trước thì anh sẽ biết rõ ý kiến tôi. Anh sẽ không để cho bà Xuân Thái giận anh. Nhưng giận thì làm gì.
- Bà ấy là bạn thân của mẹ.
- Thì cô Quỳ đẹp, nhà bà ấy giàu. Thiếu gì người lấy. Có vì việc này mà cô ấy ế chồng đâu! Bà ấy có giận thì cũng không lâu. Anh không nên bận chí về việc ấy.
- Không, nếu bà ấy không hiểu, giận thì cũng đành.
Vượng ngồi xuống ghế. Nhàn lại ngồi cạnh:
- Thế tại sao anh không lấy cô ấy? Em biết bà Xuân Thái quý anh lắm và muốn gả cô Quỳ cho anh hơn anh Hai.
- Nhưng anh biết chắc rằng cô Quỳ yêu chú Đạt.
Nhàn thở dài:
- Thôi thế là không bao giờ chị ấy đến đây nữa.
Câu ấy rung lên như một tiếng vang, chạm vào một sợi dây lòng bí mật mà Vượng cố nén đi:
- Thôi còn đến gì nữa!
Đạt nhìn anh, nhìn cái vẻ mặt buồn rầu của anh hỏi:
- Tôi chắc rằng hôm nay bà Xuân Thái đã ngỏ ý muốn gả cô ấy cho anh. Vả lại, có lẽ anh xét lầm đấy thôi, cô ấy không thể có cảm tình với tôi được.
- Không, anh biết chắc.
- Nhưng anh nên nói thật: có phải bà Xuân Thái...
Vượng lắc đầu:
- Không, không.
- Chúng tôi thì tin chắc như thế. Chú Thịnh, cô Nhàn có tin như thế không?
Thịnh gật đầu:
- Chắc chắn là như thế. Trong hơn tháng nay, thì bà ấy coi anh cả như là con rể của bà ấy rồi.
Nhàn chen vào:
- Giá anh cả lấy chị ấy có phải vui vẻ biết bao nhiêu không. Em cứ đinh ninh là như thế đấy.
Vượng cười:
- Anh chỉ coi cô ấy như một người em.

 

Suốt đêm hôm nay và cả ngày hôm sau, đầu Vượng bị giày vò bởi một câu hỏi:
“Trả lời thế nào cho bà Xuân Thái đây?”.
Chàng đã xếp bao nhiêu câu trả lời, nhưng chàng nhận thấy chẳng câu nào là thỏa đáng có thể làm cho bà Xuân Thái không giận mình. Chàng nghĩ đến Hồ là người bạn thân, hiểu mình. Chàng sẽ nhờ Hồ giải cứu cho mình. Chàng định viết thư mời Hồ đến chơi, nhưng chàng lại sợ các em chàng có đấy, cuộc nói chuyện không được tự do. Chàng lại định hẹn Hồ đến một chỗ nào, nhưng chàng lại cũng cho là không tiện.
Sau cùng, chàng nghĩ rằng người ta đã quý mến mình thì âu bằng nói thật với người ta.
Cơm xong, chàng lại nhà bà Xuân Thái. Từ nhà ra Hàng Bạc mà chàng đi mất nửa giờ. Chân mới nặng nề làm sao!
Dẫu trước kia chàng không tin rằng Quỳ yêu Đạt thì lần này lúc chàng bước chân vào nhà bà Xuân Thái chàng cũng phải tin, Quỳ mặt mũi hớn hở, đang thấp thỏm chờ chàng. Thấy chàng, Quỳ chào lớn một tiếng “lạy anh” giòn tan rồi ù té chạy. Điều đó chứng tỏ sự vui sướng của một tình yêu đã được thỏa mãn.
Hồ thấy chàng vội vàng nói ngay:
- Anh đoán đúng. Mợ tôi hỏi nó thì nó bằng lòng ngay. Đấy anh trông bộ diện của nó... kìa anh làm sao thế...?
- Không, không. Anh... Bà... à... sự không thành mất rồi!
- Tại sao?
Vượng ứa nước mắt, đặt tay lên đùi bạn:
- Anh tha lỗi cho tôi, anh nói với bà hộ tôi, chú Đạt chú ấy không bằng lòng.
- Không bằng lòng?
Hồ nói xong nắm bàn tay bạn:
- Có lẽ chú ấy không bằng lòng vì biết anh yêu. Mà anh thì yêu nó thật. Tôi biết rồi, anh đừng giấu.
Lúc ấy Vượng đã bị bao nhiêu phấn đấu làm cho yếu ớt, vả chàng xét không cần phải giấu người bạn chí thân của mình:
- Vì thế cũng có, mà vì nhiều lẽ khác cũng có.
Rồi chàng thuật lại cho bạn những việc đã xảy ra ở nhà.
Hồ nghe xong, nhìn bạn bằng một con mắt ái ngại:
- Thế bây giờ làm thế nào? Tôi đã nói cho nó biết rồi. Mà nó thì yêu chú Đạt lắm. Được tin này thì nó cũng khổ lắm. Biết làm thế nào. Hôm qua, tôi đã bảo anh.
- Anh đừng nghĩ đến tôi nữa. Anh chỉ nói khéo làm sao với bà cho bà đừng giận tôi thôi.
- Không, để tôi dỗ nó. Biết đâu... Con bé cũng như chú Đạt, cương quyết lắm. Và thế này thì nó cũng đã bị xấu hổ rồi, nó có thể giận anh. Ngày hôm sau, chuyện chưa vở lở, nó có thể bằng lòng, vì không phạm đến lòng tự ái của nó. Tôi tin rằng nó...
- Tôi đã bảo anh đừng nghĩ đến tôi, dù cô ấy có bằng lòng tôi cũng không thể bằng lòng được. Lấy một người không yêu mình mà mình lại biết... thì còn gì là hạnh phúc. Như thế, thì trong anh em có nhiều điều không tiện, sẽ xảy ra bao nhiêu điều e lệ ngượng nghịu. Không, tôi chỉ cần anh nói thế nào cho bà đừng giận tôi thôi.
Hồ kéo tay Vượng lên gác:
- Mợ tôi đã thương anh như con thì mợ tôi sẽ tìm cách giải quyết cho anh. Và dù thế nào tôi chắc mợ tôi không giận anh đâu.
Vượng theo Hồ đến cầu thang thì vùng bỏ chạy:
- Thôi anh nói giúp với bà hộ tôi. Tôi không dám giáp mặt bà nữa đâu.

 

Vượng ở nhà Hồ đi ra, không biết rằng mình đi đâu. Chàng đi lang thang khắp các phố Hà Nội, lòng bị gặm nhấm bởi một cái buồn ghê gớm.
Khi thấy đã mỏi chân lắm, chàng mới dừng lại thì thấy mình đứng ở trước cửa ga.
Vừa lúc ấy, một cái xe đi vụt qua, rồi có tiếng người trên xe gọi chàng.
Chàng ngửng đầu lên thì ra bà phán Hữu. Bà phán Hữu thấy chàng thì cho xe đỗ lại rồi bà bước xuống.
- Ông làm gì mà thơ thẩn ở đây thế?
Vượng nói xuôi:
- Tôi chơi mát.
- Rét chết người thế này mà đi chơi mát, mát cái gì, có muốn ấm thì lại tôi đánh tổ tôm.
Câu ấy mới làm cho Vượng biết rằng mình đang ở ngoài trời giữa một mùa đông sương mù. Chàng chưa kịp trả lời thì bà phán Hữu lại nói:
- Tôi định tháng chạp gọi bát họ năm trăm, ông chơi với tôi một bát nhé.
- Vâng.
- Bây giờ ông đi đâu đấy! Thôi lại tôi, tôi cho gọi ba tay nữa đánh tổ tôm. Trời rét thế này, tội gì đi ở ngoài đường cho khổ thân.
Vượng không ưa gì bà phán Hữu, nhưng chàng rất sợ phải về nhà với những ý nghĩ đen tối nên chàng bằng lòng.
Đến nhà, bà phán Hữu vồn vã một cách lạ lùng. Bà trùng trình pha nước, bà trùng trình đứng cạnh Vượng, thủ thỉ nói với Vượng những chuyện đâu đâu. Vượng thấy thế ngượng, cứ giục:
- Kìa bà cho đi gọi người đi.
Bà phán Hữu phát lên vai Vượng:
- Nóng thế cơ à? Hãy uống nước đã. Không có chân thì ta ngồi nói chuyện suông.
Vượng uể oải:
- Ai lại chuyện suông.
Vượng đòi về, bà phán Hữu nhất định giữ lại:
- Rét mướt thế này, mình về tôi thương mình lắm. Tôi không bằng lòng đâu.
Lúc ấy Vượng đã như người say mới tỉnh:
- Nhưng cũng phải về, chứ chả nhẽ ở đây được mãi à?
- Thì ở đây mãi cũng được chứ làm sao? Mình với tôi bây giờ đều tự do, ai cấm đoán được chúng mình.
Vượng đã não cả lòng, thứ não lòng của kẻ đã tơ tưởng một bà tiên, nay phải nằm với một người đàn bà hạ cấp, nghe nói thế phát cáu:
- Bà tưởng thế?
Rồi bà nói đến cuộc trăm năm:
- Lương mình thì cũng chả khá, mà tôi thì cũng có ít vốn. Mình lại không chơi bời, tôi thì hàn gắn. Chúng mình lấy nhau thì rồi chồng làm vợ kiếm, có cơ phát đạt. Thôi thì mình đã thương tôi thì chủ nhật này mình về Bắc nói với thầy tôi một tiếng cho phải đạo rồi chúng ta liệu gọi là mấy cái lễ cho anh em họ hàng biết, rồi mình dọn xuống đây đỡ phải tiền thuê nhà.
- Nhưng tôi còn các em tôi.
- Thì mình cho cả các cô chú ấy xuống đây ở với tôi. Em mình cũng như em tôi.
 Vượng tưởng tượng tới khi các em chàng phải có một người chị dâu như thế, bỗng cau mày:
- Gớm, mình nói lấy nhau dễ thế.
- Ồ thế chỉ thế này thôi à?
Rồi làm mặt giận:
- Như thế thì biết nhau để làm gì? Mình nên nhớ có lắm người lại xin lấy tôi mà tôi không thèm lấy. Tôi quý mình vì mình đứng đắn và tử tế.
Vượng miễn cưỡng phải dỗ bà phán Hữu, vì dù sao bà cũng có bụng mến mình:
- Ừ thì để tôi xem, rồi liệu thu xếp. Tôi còn có bác tôi, chú tôi, các em tôi. Tôi còn phải bàn với họ.
- Nhưng nếu họ không bằng lòng thì sao?
- Sao lại không bằng lòng? Nhưng nhớ đừng có đến tôi nhé, mình đến thì các em tôi nghi, rồi sau này có chỗ không tiện.
- Nhưng mình phải xuống đây luôn cơ.
- Được rồi. Thế bây giờ mình để cho tôi về.
- Không.
Vượng lòng bất nhẫn, lại nằm xuống cố ngủ. Nhưng chàng không tài nào ngủ được. Luôn luôn chàng bị cái hình ảnh của Quỳ đến ám ảnh. Chàng bâng khuâng nghĩ đến cái thiên đường mà từ đây không bao giờ chàng có thể bước tới. Rồi rút cục phải cẩu hợp với những con người mình không ưa như bà phán Hữu này.
Bất giác, chàng thở dài. Bà phán Hữu lúc ấy cũng chưa ngủ liền hỏi:
- Mình muốn gì thế, sao mình không nói với tôi. Đã là chỗ... thân tình rồi.
Vượng giả vờ ngủ không trả lời.

 

Sáu giờ sáng, Vượng lảo đảo về nhà thì thấy Nhàn đã thức dậy đang lau bàn ghế. Nhàn thấy anh thì hỏi ngay:
- Tối qua anh đi đâu thế? Anh Hồ đến tìm anh Hai lượt, sáng hôm nay anh ấy lại đến. Không thấy anh, anh ấy viết thư để lại cho anh đây này.
Vượng run run tay mở bức thư:
Anh Vượng,
Hôm qua, tôi nói chuyện với mợ tôi thì mợ tôi buồn lắm. Nhưng tấm lòng mợ tôi thương anh vẫn là mạnh hơn. Mợ tôi hết sức cầu khẩn với nó thì nó vì thương mợ tôi cũng đã bằng lòng. Vậy anh đến ngay. Tôi phải đi Thanh, thứ năm tôi về.
Bạn anh
HỒ
T.B. - À mợ tôi yêu cầu anh phải cưới ngay. Cụ chỉ lo chết. Sự yêu cầu của mợ tôi cũng chánh đáng, tưởng anh nên vui lòng.
Vượng mân mê bức thư, lòng rạo rực những tình cảm trái ngược. Cái hạnh phúc mà chàng tưởng rằng không bao giờ với tới thì nay đã đến với chàng. Chàng đứng ngây người ra vì cái bất ngờ ấy đã làm cho chàng rối loạn.
Nhàn thấy anh đăm đăm nghĩ ngợi, liền hỏi:
- Anh Hồ viết gì cho anh đấy?
- Không... anh ấy hẹn đến thứ năm này anh ấy về.
- Thế bà Xuân Thái không giận anh chứ?
- Không.
- Ừ, em đoán đúng ngay, anh Hồ đến đây với một bộ mặt vui vẻ lắm.
- Thế anh ấy có nói gì không?
- Không, anh ấy lên gác hỏi chuyện về sự học hành của anh Đạt và anh Thịnh rồi anh ấy rủ hai anh đi chơi, nhưng hai anh không đi. Mười hai giờ em đã đi ngủ, anh ấy còn đến gọi cửa, anh ấy băn khoăn không biết anh đi đâu. Anh ấy dặn anh Đạt hễ anh về thì phải bảo anh đến ngay.
Vượng đang hỏi chuyện Nhàn thì cầu thang có tiếng chân người thình thình rồi Đạt và Thịnh mỗi người chỉ mặc một cái quần cộc tươi cười chạy xuống. Xuống đến chân thang, Thịnh nhảy lên lưng Đạt, Đạt ngồi phắt ngay xuống làm cho lưng Thịnh nện đánh bịch một cái xuống sàn:
- Mày đã biết chưa? Ấy là tao còn tha cho, chứ lộn lại thì còn đau nữa và còn có khi gãy cổ là khác.
Vượng đứng ngây nhìn cái cảnh tượng vui vẻ của các em rồi cười bảo Đạt:
- Chú to như thế kia, chú đè nó thì nó còn thở làm sao được.
Lúc ấy, Đạt với Thịnh mới biết rằng anh đã về.
Đạt đứng phắt ngay dậy:
- Thế nào, anh có tập không? À tối qua anh đi đâu đấy? Anh Hồ đến đây tìm anh Ba lần. Sáng nay, anh ấy lại đến. Hình như anh ấy cần hỏi anh việc gì cần.
- Có, anh ấy có viết giấy cho anh.
Thịnh rình lúc bất ngờ, lại xô đến ôm chân Đạt, Đạt xoạc chân ra lấy thế rồi cúi xuống khóa chặt cánh tay Thịnh làm cho Thịnh đau quá kêu ai ái.
- Thằng này nó học chưa giỏi mà đã định phản thầy. Thôi đứng lên, tao dạy cho miếng ấy. Đây này... xoạc chân thế này, võ Nhật chú trọng ở chỗ bẻ cái khớp chân tay, lấy sức người mà đánh người...
Vượng đứng nhìn những bắp thịt rắn chắc vờn nhau như nhìn cuốn phim vui diễn ở trước mặt mình, chàng thấy chàng có cái bổn phận phải giữ nguyên vẹn sự yên vui ấy cho các em.
Trong khi hai người quần nhau thì Nhàn cứ lấy phất trần cù vào nách Thịnh khiến Thịnh la:
- Ờ, cái con ranh này mày không biết tao có lông buồn hay sao?
Nhàn cứ cù khỏe. Vừa cù, nàng vừa cười bảo Vượng:
- Cứ huỳnh huỵch như thế này cơm nào mà lại được. Những bắp tay kia mà đụng phải ai thì chết đi được.
Vượng búng vào tai Thịnh lúc ấy đã bị Đạt dùng thế đội lên:
- Thôi, ra sau tập cho em nó quét.
Vượng lên gác, đi lại phía bàn giấy. Trên bàn bừa bộn những sách vở. Chàng nhìn chồng sách, nhìn hai cái giường nhỏ kê liền nhau, nhìn bức ảnh của cha mẹ treo ở giữa tường rồi chàng ngồi xuống với một cả quyết. Chàng mở ngăn kéo lấy giấy viết một bức thư cho Hồ.
Anh Hồ,
Trước hết, tôi phải cảm ơn bà, cảm ơn anh đã thương tôi một tình thương không bờ bến. Nhưng một khi đã xảy ra câu chuyện như thế, tôi không thể vâng lời. Tôi đau đớn không thể vâng lời, tôi cũng sung sướng vì không thể vâng lời.
Nếu tôi vâng lời, thì trong anh em tôi sẽ xảy ra nhiều điều e lệ, mà chắc chắn là chú Đạt nó sẽ không ở đây với tôi nữa. Tính chú tôi biết. Và dù chú nó miễn cưỡng mà ở lại, thì trong chị dâu em chồng cũng có nhiều chỗ không đẹp. Trong khi cô Quỳ đem hạnh phúc đến cho tôi thì cô ấy cũng sẽ đem luôn chia rẽ đến. Với lại anh thử nghĩ coi, trong một cuộc hôn nhân mà không có tình ái thì khổ cô ấy biết mấy. Tôi không có quyền làm khổ cô ấy cũng như tôi có cái bổn phận phải giữ sự yên vui cho các em tôi.
Thôi, việc đời đã không thể hoàn toàn theo ý muốn của mình, thì tôi đành phải chọn con đường của nghĩa vụ. Anh là người bạn tâm tình, xin hiểu cho tôi.
Bạn anh
VƯỢNG

 

Nghỉ hè năm ấy, Đạt không được lên lớp.
Vượng cũng không mắng em, chỉ bảo:
- Thôi năm nay thì chú phải cố nhé.
Đạt trả lời bằng một giọng bí mật:
- Có lẽ tôi không cố được.
Đã ba tháng nay, Vượng nhận thấy Đạt cứ đi vắng nhà luôn, có khi đi cả đêm. Vẻ mặt luôn tư lự, chứ không vui tươi thảnh thơi như trước. Chàng bỏ cả tập võ, bỏ cả đàn địch. Vượng hỏi Thịnh thì Thịnh chỉ bảo:
- Không hiểu anh ấy làm sao, tôi cũng không thấy anh ấy học bài như trước nữa.
- Hay nó chơi bời phải lòng ai?
- Không, điều ấy thì không, anh có thể chắc.
Đã có một lần, Vượng trách Đạt về sự lười biếng thì chàng tủm tỉm cười trả lời anh:
- Tôi đã đến cái tuổi biết nghĩ ngợi. Tôi lo cho tôi nhiều chứ. Anh không phải quan tâm về sự... lập thân của tôi.
Thấy em nói thế, Vượng cũng bỏ qua. Nay bỗng thấy em nói không thể cố được, Vượng sửng sốt:
- Chú ốm hay sao?
- Không, tôi không ốm, tôi khỏe mạnh lắm.
Vượng cau mặt:
- Nếu đi học mà chú không chịu cố học thì còn đi học làm gì. Thế là nghĩa lý gì?
Đạt ngần ngừ:
- Tôi không thể nói cho anh hiểu được.
Vượng đang băn khoăn vì em thì một hôm trước ngày vào lớp, sau bữa cơm tối, Đạt đi mất, rồi bốn ngày hôm sau, các nhà chức trách đến khám nhà.
Vượng đã hiểu cái điều bí mật mà Đạt không thể nói với mình. Gia đình đang yên vui, từ đấy bỗng trở nên buồn tẻ. Nhàn lâu lâu lại sụt sùi khóc.
Mỗi lần thấy Nhàn khóc như thế, Vượng lại gắt:
- Ồ tại làm sao lại khóc? Khóc thì mọi việc cũng không thay đổi được. Thôi nín đi.
Đã ít nói, từ đấy Vượng lại ít nói hơn. Không bao giờ chàng tỏ một ý kiến gì về việc Đạt đã làm, nên chẳng ai biết ý kiến của chàng ra sao.
Bà Xuân Thái và Hồ từ ngày chàng từ chối không lấy Quỳ, không bao giờ xuống chơi nhà chàng nữa, mà chàng thì cũng không lên. Đến hôm nay, Hồ được đổi về Hà Nội nghe tin ấy mới xuống hỏi thăm.
Hôm ấy là buổi tối thứ sáu. Từ ngày vì Đạt làm Cách mệnh phải bỏ trốn, Vượng không ở dưới nhà nữa, chàng lên gác ở chung với Thịnh. Lúc ấy, chàng đang làm sổ mà Thịnh thì đang học bài. Nghe thằng xe lên nói có Hồ đến, Vượng vội vàng xuống.
Hồ trông thấy chàng nắm lấy hai tay:
- Thế nào, đầu đuôi thế nào? Tôi nghe tin vội vàng đến hỏi thăm anh.
- Cám ơn anh.
- Mẹ tôi nghe tin cũng toan xuống, nhưng vì mệt không đi được.
- Bà mệt làm sao?
- Cảm xoàng thôi, bệnh già ấy mà. Mợ tôi bảo mời anh lên chơi. Nay mai con Quỳ nó sắp đi lấy chồng rồi, nhà lại hiu quạnh, anh năng lên chơi cho mợ tôi vui.
- Vâng.
- Tại sao chú Đạt lại thế nhỉ? Thế có phải là uổng bao nhiêu công trình anh lo toan không?
Vượng lặng im không trả lời. Hồ vừa khơi mào toan nhắc đến các việc trước thì Vượng vội gạt đi.
- Thôi những việc ấy đã là quá khứ, ta cũng chẳng nên nhắc nhở đến nữa, thứ nhất là trong lúc này.
- Nhưng thế nào anh cũng phải lên nhé. Và đến hôm ngày cưới em Quỳ, anh phải... chứ không thì tôi có cảm tưởng rằng anh giận chúng tôi.
- Sao lại có thể thế? Bà với anh không giận tôi thì thôi chứ. Nhưng cô Quỳ lấy ai đấy?
- Lấy Hải làm tham tá ở phủ Toàn quyền.
- À, Hải thì tôi có biết. Học sau tôi hai năm, hình như cùng một lớp với anh thì phải. Thôi thế thì còn gì bằng. Vâng, khi nào cưới, tôi sẽ lên. Thế cũng may. Anh ta nay mai có thể được bổ tri huyện.
- Cũng đã rục rịch.

 

Hồ vừa ra được một lúc thì bà phán Hữu đến. Lúc ấy, Vượng đang nói chuyện với Thịnh về việc Quỳ. Thấy bà phán Hữu vào, Vượng khó chịu.
Trước kia, lúc Đạt chưa trốn đi thì thỉnh thoảng Vượng buồn, vẫn xuống nhà bà phán Hữu, nhưng đã hơn một tháng nay, từ lúc Đạt bỏ nhà ra đi, Vượng không đi đâu nữa. Bà phán Hữu vì không thấy chàng xuống mới lên tìm.
Trước mặt Nhàn, hai người vẫn làm ra như không có tình ý gì với nhau. Đã mấy lần, bà phán Hữu nháy bảo đuổi Nhàn vào nhà trong, nhưng Vượng cứ lơ đi như không biết. Sau cùng, bà phán Hữu sốt ruột phải bảo:
- Hôm nay, ông có rỗi xuống tôi đánh tổ tôm?
Vượng nhận thấy nếu cứ để bà phán Hữu ở đây thì rồi thế nào Nhàn cũng biết chuyện, vội nói xuôi:
- Vâng, bà cứ về đi rồi tôi xuống.
Bà phán Hữu hớn hở đứng dậy:
- Chắc nhé. Ông đừng nói dối để người ta phải chờ.
Rồi khi Vượng tiễn bà ra cửa, bà thừa lúc Nhàn không để ý vội rỉ tai:
- Xuống ngay nhé. Mình tệ quá. Mình để cho tôi nhớ khổ, nhớ sở.
Vượng cũng chỉ định tâm hẹn cuội thế để cho bà phán Hữu đi đi, nhưng khi bà đi rồi, Vượng lại nghĩ khác. Vượng xét rằng nói dối bà được lần này, nhưng lần sau bà lại đến. Mà trong khi các em chàng đã buồn vì thương Đạt, chàng có cái bổn phận không được làm một việc gì để cho các em chàng có thể buồn thêm.
Chàng mặc áo, định bụng xuống chuyến này nói rõ cho bà phán Hữu biết rằng từ nay chàng không thể xuống nữa, và yêu cầu bà đừng có lên nhà mình nữa.
Chàng đang thắt “ca vát” thì Nhàn cầm mười đồng lên đưa cho chàng:
- Phải đấy, anh đi đánh tổ tôm đi để tiêu khiển một tí.
Vượng cầm tiền để cho Nhàn khỏi nghi, rồi sẽ tát yêu vào má nàng:
- Anh buồn, dễ các em không buồn hay sao, mà riêng mình anh đi tiêu khiển? Anh nể quá, không nỡ từ chối. Nhưng chỉ đánh ba hội, rồi anh về. Chắc lúc ấy chú Ba cũng còn chưa ngủ.
Quay sang Thịnh:
- Anh đi nhé. Chú cứ để mở cửa buồng để khi anh về nhỡ chú có ngủ thì không phải gọi.
Chàng đến phố Hàng Lọng thì thấy bà phán Hữu đang khắc khoải chờ chàng. Thấy chàng bà chạy ngay ra nắm lấy tay:
- Mình tệ bạc thì không ai bằng. Ai đời đằng đẵng một tháng...
- Nhà tôi vừa có việc...
- Việc gì? À việc cậu Đạt làm Cách mệnh ấy à? Cái nhà cậu rõ dại. Học ra làm quan Đốc không muốn thật là điên!
- Tôi từ nay không thể xuống chơi đây được nữa. Tôi không còn bụng dạ nào đâu.
- Ô hay, chú ấy thì mặc chú ấy chứ. Thế mình không... mình chỉ xuống... tôi không ngờ mình cũng lại sở khanh?
Bà phán Hữu nói xong ôm mặt khóc hu hu.
Vượng thương hại ngồi xuống cạnh:
- Tôi vẫn bảo tôi còn phải nuôi em chưa thể lấy vợ được. Nay xảy ra việc như thế này, tôi còn xuống đây vui thú thì sao phải? Các em tôi còn coi tôi ra thế nào? Thôi mình bằng lòng vậy.
Trước kia, Vượng đã nói thật với bà phán Hữu rằng không thể lấy được nhau, nhưng bà phán Hữu vẫn hy vọng rằng nếu mình khéo chiều chuộng thì một ngày kia Vượng sẽ xiêu lòng. Nay thấy Vượng nói bằng một giọng cả quyết như thế, bà thất vọng.
Ở những con người tầm thường, sự thất vọng đưa đến tức giận, bà đứng phắt dậy túm lấy ngực Vượng:
- À, mình là đồ đểu, đồ sở khanh, chơi no rồi mình bỏ. Cái miệng trước kia thì xoen xoét.
Bà vừa nhiếc vừa toan xé. Vượng bẻ hai tay bà gỡ ra, du bà xuống phía giường.
- Này mình, đừng nên làm cho tôi khinh. Trước kia là tự mình, chứ có phải tôi quyến dỗ mình đâu? Mà tôi đã nói thật cho mình biết cả rồi cơ mà.
Bà phán Hữu lại toan xông đến thì Vượng đã bế bổng bà đặt lên giường, rồi lấy chăn quấn lại:
- Mình đừng nên làm cho tôi khinh. Cái gia cảnh nhà tôi như thế. Một người có lòng, ai có thể đi chơi trong lúc này. Mình phải nể tình cho tôi.
- À thế ra mình đến đây chỉ để chơi đấy thôi?
Vượng vẫn ôn tồn:
- Thôi nói nhau làm gì lúc này vô ích. Tôi chỉ biết rằng, tôi không thể đến đây được nữa.
- Mình chẳng đến thì thôi. Mình tưởng tôi đây ế đấy à? Chán vạn đứa cầu lấy tôi, mình đừng thấy tôi quý mình mà mình làm bộ. Rồi tôi lấy người bằng mười mình cho mình xem.
- Đó là điều tôi cầu phúc cho mình.
Vượng nói xong, xuống thang.