HỒI THỨ 59
Trong lúc đau buồn, đọc thư Vạn Hạnh
Đấu cùng Đồng Tử, Thanh Ngân mắc kế Nạp Lan.

    
Ba cô gái vào trại, Thanh Ngân tìm một gốc cây ngồi điều tức, nhưng tâm thần không thể nào ổn định được. Thanh Ngân suy nghĩ không biết cách nào để tìm Tam Nhãn trả thù cho Thiên Kiều. Nhìn  qua phía lều trại của người Miêu cung thấy họ vẫn rộn rịp. Thanh Ngân đứng lên thất thểu trở lại lều cung của Thiên Kiều.  Thanh Ngân mới rời trong chốc lát, lều của nàng bây giờ đã có bài vị, hương trầm toả ngát. Bốn cô gái hầu bốn góc giường bất động không hỏi, không nói một lời. Thấy con hồng linh vẫn nằm trên người Thiên Kiều, Thanh Ngân bắt nó lên ve vuốt và  bỏ vào áo mình. Cho tay vào áo hắn lại đụng quyển sách và hai phong thư bị ướt khi đùa giởn với Thiên Kiều lúc đầu hôm, lấy ra xem.
Lật quyển kinh thì thấy mấy trang đầu ẩn hiện nét chữ son, còn tất cả quyển kinh chẳng còn chữ nào cả. Trang nhất là bài thơ:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn đóa hân khai nhật mộ khô
Nhậm lý tử sinh hà khổ lụy?
Tử sinh như lộ thảo đầu phô.
(Thân như bóng chớp có rồi không
Hoa nở mờ sương chiều đã khô
Biết lẽ tử sinh đâu phải khổ
Tử sinh như cỏ hạt sương phô)
Lẩm bẩm đọc bài thơ mấy lượt, tâm tình Thanh Ngân tự nhiên thấy vơi bớt những nổi khổ đau, buồn bực.
Tinh thần phấn chấn trở lại, Thanh Ngân lật trang thứ hai. Đó là một bài sấm, có câu rất dễ hiểu, có câu không thông được ý nghĩa:
Thập bát tử thành
Cửu truyền đoạn nghiệp
Trần tịnh nam thiên
Công tuyên vạn đại
Tam chương quang khải
Nhất, thất, ngũ trường
Nhân nhân quả quả
Nhân quả tương tương
Lý Trần nhật nguyệt
Xã tắc miên trường
(Nhà Lý thành công
Chín đời mất nghiệp
Nhà trần lên thay
Công lưu vạn đại
Ba chương rực rỡ
Dài một, bảy, năm
Nhân nhân quả quả
Nhân quả giống nhau
Lý Trần ngày tháng
Xã tắc dài lâu)
Đọc bài thơ sấm trong trang thứ hai, Thanh Ngân thở dài, vì như sư Vạn Hạnh đã lưu bút, việc phục Lý mà chính phái giang hồ Đại Việt đang mưu tính là đi ngược lại mệnh trời. Giai đoạn hiện nay là giai đoạn nhà Trần và nhà Trần sẽ là triều đại sẽ có nhiều công lao lớn với đất nước. Hình như Thiền sư cũng đã nhắc nhở mình phải coi đất nước làm trọng, không nên câu chấp chỉ nghĩ đến triều đại nhà Lý hay nhà Trần.
Thanh Ngân giở trang thứ ba, lại là một bài thơ nữa:
Hiển hách bình Mông dị
Nam thiên hữu lưỡng tài
Quốc Tuấn, thừa nhung ấn
Công đức tải thiên thu
Thanh Ngân, nam-bắc hiệp
Nhất tự bất danh lưu
Thùy tri chân hiếu hữu
Đồng tạo khí thôn ngưu...
(Bình được quân Mông dễ dàng, nhờ trời nam có hai người tài. Người tên Quốc Tuấn, lãnh mệnh mang ấn nguyên nhung, công đức vạn thế lưu danh, Thanh Ngân, là người võ hiệp cả hai nước bắc nam, đời chẳng có một chữ nào lưu lại trong sử sách. Nhưng có ai biết đâu họ là hai người bạn, cùng làm cho khí thế xông đến tận sao ngưu, sao đẩu)
Thanh Ngân đọc bài thơ này lòng phân vân không hiểu Quốc Tuấn là ai? Ông ta là người thế nào mà nhờ ông ta lãnh ấn nguyên soái cầm binh, công nghiệp vĩ đại, vạn thế lưu danh?
Thanh Ngân lật trang kế tiếp, thì chỉ thấy viết một chữ tâm thật lớn. Chữ tâm trên giấy đỏ hồng, nhưng rồi tan thật nhanh, và hắn coi lại thì những gì còn ở các trang trước cũng không còn. Tất cả quyển kinh đều trở thành giấy trắng.
Để quyển kinh còn ướt sang một bên, xé thư của Tam Nhãn gởi cho Phan Ma Lôi, thì mực đã nhoè nhoẹt không còn đọc được. Thơ Phan Ma Lôi gởi Tam Nhãn thì còn đọc được một phần, đại ý rất vui lòng chịu nhận vàng bạc của vua Mông để chiêu binh mãi mã, nhưng nếu thành công thì sẽ trả lại gấp đôi số vàng bạc, chứ không chịu lệ thuộc. Ma Lôi còn nói nghe danh võ công của Tam Nhãn mà chưa được tỉ thí, rất mong có ngày hai người ấn chứng  võ công xem ai cao thấp.
Đọc một phần lá thư của Phan Ma Lôi, Thanh Ngân thấy ông ta là người đã làm nhiều âm mưu tàn ác để mong thống nhất võ lâm Đại Việt, lo việc đồ vương, nhưng không tán tận lương tâm đến độ mưu đồ bán nước.
Thanh Ngân ngồi bên Thiên Kiều một lúc thì trời sáng. Người Miêu cung nhộn nhịp đi lại,  bước ra khỏi lều thấy họ đang đón cây, xẻ gỗ. Ngô Công trưởng lão gặp mặt khom lưng thi lễ rồi cho biết họ đang xây dựng một cái đài cao để cung thỉnh Hồng Ngọc tế cáo trời đất, thánh thần lên ngôi động chủ. Ông ta lại thưa, hai ngày sau khi Hồng Ngọc đăng quang, thì bắt đầu lo hoàn thành tâm nguyện cho Lam Thiên Kiều. Ông ta cũng nói rằng, nghe Thanh Ngân có nhiều người yêu, cho nên Miêu cung để  bảy tám ngày hoàn tất việc dùng độc, mỗi ngày một thứ, giúp Thanh Ngân có thể vận công kháng độc chứ không phải dùng hết trong một lần. Thanh Ngân vận chân hoả trong người đốt quyển kinh của nhà Lý chỉ còn lại giấy trắng và hai lá thư, bình thản:
- Cứ sắp xếp cho ta chỉ một lần mà thôi. Hiện tại, Tam Nhãn Thần Quân đang rình mò mọi cơ hội để ám toán, thủ tiêu hay có thể tấn công mọi người ở đây. Ta không thể ngày nào cũng bận rộn với chuyện dùng độc được.
Ngô Công trưởng lão trố mắt:
- Minh chủ nghĩ mình có thể..?
- Hãy yên trí. Ta chưa thể chết đâu?
- Còn việc nhập phòng cùng tân động chủ?
- Hãy an ủi tân động chủ các ngươi. Còn ta thì chẳng có gì phải quan tâm.
Ngô công trưởng lão nghe Thanh Ngân không phản đối, mặt lộ vẻ mừng rỡ. Luôn miệng:
- Thiên Kiều động chủ thật là thần nữ của chúng tôi.
Thanh Ngân:
- Nàng nhất định là người động chủ không có ai bằng về tài sắc và công lao đối với Miêu tộc. Trưởng lão lo dùm việc tang cho nàng. Tại hạ phải lo công việc phòng thủ nơi đây.
Ngô công trưởng lão:
- Đài sẽ dựng xong trong chốc lát, và trưa nay tân động chủ đăng quang, minh chủ nhớ đừng đi đâu xa.
Trở lại trại mình, Thanh Ngân đã nghe tiếng Tuyết Như ra lệnh cho đệ tử của mình sắp bày các thế trận phía trước, bèn bước ra xem. Thanh Ngân chưa đến chỗ, thì tai nghe tiếng chân của một con vật lạ, phi nhanh và nhẹ nhàng hơn thiên lý mã cùng tiếng bước chân phi hành của một cao thủ tuyệt đỉnh hướng về phía trại.
Thanh Ngân vội lại chỗ bọn Bảo Ngọc. Bấy giờ bọn Bảo Ngọc cũng vừa nghe tiếng chân, quay ra nhìn. Chỉ trong chốc lát, một con la đen tuyền, nhỏ hơn la thường rất nhiều nhưng phi như bay, bốn vó không chấm đất, hướng về phía họ. Trên mình con la là một cậu bé mười hai, mười ba tuổi. Chạy theo sau là một người đàn bà rất xinh đẹp, trạc độ ba bốn chục.
Thấy đứa nhỏ trên mình la mặc áo quần xanh, mặt mày rất khôi ngô, sáng sủa. Còn nhỏ mà phảng phất nét uy nghi, trong đầu Thanh Ngân còn ảnh hưởng những câu thơ mới đọc trong quyển kinh Kim Cương Lý triều, nên khi họ đến nơi, lại buột miệng hỏi bằng tiếng Việt:
- Đại tẩu và tiểu huynh đài là?
Đứa bé ngồi trên mình la cau mày, hỏi người đàn bà phía sau:
- Như nhi! Nó nói gì vậy?
Người đàn bà lắc đầu:
- Thưa sư phụ, con không hiểu hắn nói gì.
Thanh Ngân cùng bọn Bảo Ngọc nghe người đàn bà và đứa bé đối đáp với nhau lấy làm kinh dị.
Thằng bé cau mày, hỏi Thanh Ngân:
- Bé con! Thấy tướng của ngươi ta coi bộ võ công cũng khá lắm. Bọn mi là người xứ nào?
Độc Cô Thánh nghe thằng nhỏ gọi sư phụ mình là bé con quát:
- Ngươi là ai mà hỗn láo lắm vậy? Có biết lớn bé là gì không?
Thằng nhỏ nghe Độc Cô Thánh quát tháo, cười:
- Thằng nhỏ này coi bộ cũng có căn cơ luyện võ, nhưng hơi nóng nảy.
Tiếng nói của thằng nhỏ trên mình la thật ôn hoà, nhưng Độc Cô Thánh nghe câu nói mặt mày tái mét, thân hình run rẩy. Thanh Ngân bèn cười nhẹ mấy tiếng. Tiếng cười làm cho Độc Cô Thánh bình ổn lại ngay.
Thanh Ngân thấy võ công của thằng nhỏ lấy làm quái dị, khoát tay cho người mình lùi ra sau, rồi hỏi:
- Các vị là ai? Đến đây có việc gì?
Chú bé trên mình la không trả lời mà cười có vẻ thích thú:
- Nhai nhi! Võ công ngươi cũng khá lắm. Được lắm! Để ta thử với ngươi một lúc xem sao nhé!
Dứt lời, chú bé lộn người khỏi mình la, cái lộn nhẹ nhàng, nhưng thân ảnh bay cao mấy trượng. Khi chân chấm đất, không làm bay lên một hạt bụi. Bọn Bảo Ngọc thấy thân thủ của chú bé càng mở to mắt kinh ngạc.
Từ lúc chú bé dùng tiếng nói nhẹ nhàng làm chấn động huyết mạch của Độc Cô Thánh mà người khác đứng bên không cảm thấy ảnh hưởng, Thanh Ngân đã biết gặp tay địch thủ, nên khi chú bé phóng khỏi mình la, đã hít một hơi chân khí, chuẩn bị.
Chú bé đặt chân xuống đất, miệng cười vui vẻ, nhưng nhìn thân thủ của Thanh Ngân, tiếng cười im bặt. Đôi mắt to tròn của chú nhìn Thanh Ngân không chớp rồi từ từ thu liễm. Và rồi, chú cũng như Thanh Ngân, cả hai trở nên hai hình tượng bất động. Họ chưa ra tay, họ chỉ đứng yên, nhưng những người đứng chung quanh cảm thấy không khí căng thẳng tột cùng.
Toàn trường im phăng phắc. Ai cũng không dám thở mạnh. Việc xảy ra đã kinh động quần hùng trong các trại, họ lũ lượt đổ đến. Tiền bang chủ, Giác Minh thiền sư, Lục Kỳ đều có mặt. Giác Minh thiền sư nhìn chú bé, liên tiếp nhíu mày.
Thanh Ngân và chú bé tiếp tục đứng yên. Họ đứng cho đến mặt trời đứng bóng, cũng không ai ra tay. Thanh Ngân đã có kinh nghiệm dụ địch với lão quái nhân Thiên Trúc trước đó, và cũng không muốn làm thiệt hại đến chú bé chưa biết rõ lý lịch nên vẫn tiếp tục thu liễm tinh thần, quyết lấy tâm ý, định lực mà thắng hắn.
Trời đã trưa, đã đến giờ người Miêu cung tế cáo cho Lam Hồng Ngọc lên ngôi  động chủ. Nhưng quần hùng chẳng có ai đến dự. Thanh Ngân cũng không thấy đâu. Bấy giờ họ mới hay Thanh Ngân đang đối địch. Lam Hồng Ngọc nghe nói không màng sự ngăn cản của các trưởng lão, chạy ra xem, và người Miêu cung cũng phải chạy ra theo.
Những trưởng lão của Miêu cung ra tới, nhìn thấy người đàn bà theo chú bé chạy lại reo mừng. Người đàn bà cũng tỏ ra rất mừng rỡ gặp lại họ. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Miêu, trong sự trao đổi khuôn mặt người đàn bà không ngớt thay đổi, rồi phi thân ra giữa chú bé và Thanh Ngân:
- Sư phụ! Hãy ngừng tay ngay, người nhà cả! Hãy ngừng tay!
Sự can thiệp của người đàn bà, làm cho Thanh Ngân và chú bé tự động thu thế, xả công.
Chú bé bị cản trở không mấy bằng lòng, nên lại lớn tiếng:
- Chuyện gì mà ngươi làm ồn lên thế? Tránh sang bên để ta được tỉ thí một trận thích chí nào!
Và chú ta hướng vào Thanh Ngân:
- Nhỏ kia! Hãy đánh với ta một trận. Ta không cần biết ngươi là ai, nhưng đã quen với đồ đệ ta, thì chúng ta đừng đả thương nhau là được rồi. Lấy ba ngàn hiệp là chuẩn. Ai bị đánh cháy rách áo quần nhiều hơn, thì thua, ngươi có chịu không?
Thanh Ngân không biết chú bé già trẻ thế nào, nhưng võ công so ra cũng không thua mình, mà một người đàn bà bốn năm chục tuổi lại là đệ tử của chú, thì tin chắc là cũng là người có lý lịch ly kỳ, nên đáp:
- Tùy các hạ. Muốn sao cũng được!
Chú bé nghe Thanh Ngân nói, cười lớn, và phóng mình lên không. Thanh Ngân cũng phóng mình lên. Họ như hai bóng mờ xoắn vào nhau, lúc tan, lúc hợp, lúc như hai con  đại bàng cất cánh nhào lượn trên không, lúc quần nhau dưới đất, lúc đứng yên thủ thế. Tay chân họ lúc thì nhanh không ai thấy họ ra chiêu như thế nào, lúc thì chậm như hai kẻ chưa từng học võ múa máy. Trận đánh của họ, không thoát ra chưởng kình xô non xẻ núi, rung chuyển cỏ cây, nhưng mọi người thấy rõ trên nền đất đá cứng khi mà kẻ trên đánh xuống, người dưới đỡ lên, thì đôi chân của kẻ đứng dưới lún sâu xuống cả thước. Gặp vật trở ngại, một thân cây to, một hòn đá lớn, một cái phẩy tay của họ thân cây ngã đổ, đá thành đống bụi.
Quần hùng mới đấy rất chú ý đến người đàn bà quen biết của Miêu cung, thì giờ không còn ai để ý gì nữa. Họ ngất ngây nhìn trận đấu mà xưa nay họ chưa từng thấy. Những cao thủ như Tiền bang chủ, Giác Minh thiền sư, Lục Kỳ, anh em Cao Thừa Minh thì nhìn trận đấu không nháy mắt. Khi hai đấu thủ dụng nhanh không thấy hình bóng, thì họ rán nhìn cho thấy chiêu thức. Khi hai đấu thủ chậm như đùa giởn, thì họ mở to mắt để mong nhìn thấy những sự cao siêu thần diệu trong những chiêu thức kỳ lạ đó. Quần hùng say sưa, không để ý gì khác, ngoài hai đấu thủ trước mắt. Hết cả ngày, rồi tới đêm.
Trong lúc mọi người say mê quên hết ngoại cảnh đó, thì người Miêu cung đang trải qua những giây phút từ cảm động nhất, đến hốt hoảng nhất. Người đàn bà sau khi ngăn cản Thanh Ngân và chú bé, thì chạy đến Hồng Ngọc. Bà ta là Lam Hồng Như, mẹ ruột của nàng. Nói sao hết những bùi ngùi, cảm động của giây phút mẹ con găp lại nhau. Vì mãi mê trận đấu giữa chú bé và Thanh Ngân, quần hùng, ngay cả Bảo Ngọc, Tuyết Như, Ngạc Lan, không ai quan tâm đến buổi trùng phùng chan hòa nước mắt sung sướng, cảm động của mẹ con Lam Hồng Ngọc.
Sau giây phút trùng phùng, thì họ lại đối diện với sự đau đớn trước cái chết của Thiên Kiều. Họ kéo nhau về lều trại của họ. Lam Hồng Như đến bên giường ngồi sụp trước thi hài Thiên Kiều nức nở mãi không thôi. Hồng Ngọc phải an ủi, bà ta mới cầm được giọt lệ.
Hồng Như bình tĩnh lại, Hồng Ngọc thuật lại những liên hệ của nàng với Thanh Ngân như thế nào, di chúc của Thiên Kiều ra sao và mong mẹ giải quyết cho mình một cách hợp lý, nàng không muốn Thanh Ngân phải miễn cưỡng vì tục lệ của Miêu cung bó buộc. Còn nàng thì cũng không muốn vì tục lệ mà phải hiến thân cho một người chỉ đối đãi với nàng trong tình thầy trò. Không phải là tình yêu chân chính.
Lam Hồng Như rán khuyên con:
- Mẹ được gặp con tưởng như được sống lại lần thứ hai. Ta không muốn con miễn cưỡng. Nhưng mẹ thấy hắn rất đẹp trai, còn võ công ngang hàng với thái sư phụ con, thì trên thế gian này con khó có thể tìm người con trai nào như hắn được.
Hồng Ngọc cúi đầu:
- Con rất kính phục sư phụ.. nhưng con thấy không tiện chút nào! Rồi nàng hỏi:
- Mẫu thân làm động chủ có phải... nhập phòng không?
- Mẹ là vai trên, không khác gì mẹ của Thiên Kiều, nên làm động chủ thì hắn lại bị bắt buộc phải uống vạn độc hoàn để chết theo Thiên Kiều. Tuy nhiên mẹ không thể làm động chủ được. Như thế là trái di mệnh. Hơn nữa, khi được thái sư phụ con cứu sống và nhận làm đồ đệ, mẹ đã chịu lời thề là phải học cho hết võ công và hầu hạ người suốt đời. Nhưng hiện nay, dù trên mười mấy năm khổ luyện, mẹ vẫn không thể nào chống đỡ với thái sư phụ quá trăm chiêu. Mẹ không thể làm cho thái sư phụ thất vọng.
Hồng Ngọc tha thiết:
- Vậy thì mẫu thân cứ nhận làm động chủ, rồi khi mẫu thân phải theo thái sư phụ, con thay mặt cán đáng công việc Miêu cung... để cho hài nhi khỏi phải..
Lam Hồng Như thở dài:
- Thiên Kiều thật ra có lòng tác hợp cho con và hắn mới di mệnh như vậy và các trưởng lão cũng thấy có được một động chủ phu quân như hắn sẽ lợi ích cho Miêu cung nên tán thành cách chọn lựa này. Trường hợp như Thiên Kiều chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Miêu cung. Nhưng trong hoàn cảnh này có hai chọn lựa. Một là chỉ dùng một số độc mà kẻ võ công cao có thể chế ngự được cho hắn uống, nếu chết thì thôi, không chết thì tân động chủ là con phải thay thế bổn phận còn lại của Thiên Kiều, làm lễ nhập phòng với hắn. Còn nếu trước khi chết, Thiên Kiều không muốn có việc thay thế, nàng uống nguyên thi đan, thân thể sẽ tươi nhuận như còn sống trong thời gian năm ngày, và trong thời gian đó..
Hồng Ngọc kêu lên kinh dị:
- Trời đất! Chẳng lẽ thành hôn với xác chết?
Hồng Như lắc đầu:
- Trong thời gian đó, người tình phu có thể nhìn ngắm, ôm ấp nàng trong ba ngày để gọi là nàng hoàn thành bổn phận đối với hắn. Hắn ở với nàng trong ba ngày, nhưng lúc nào cũng có thể nữ  chung quanh.
Hồng Ngọc nghe nói hớn hở:
- Con nghĩ mẫu thân làm động chủ là tốt hơn hết. Nhưng mẫu thân bắt con phải làm thì.. để hắn ở với Lam tỷ tỷ ba ngày là tốt nhất.
- Nhưng Thiên Kiều trước khi mất không uống nguyên thi đan, mà chỉ định con thay thế bổn phận của nàng.
Hồng Ngọc qùy gối:
- Mẫu thân! mẹ con chúng ta bao năm xa cách, con xin mẫu thân giúp con một lần là chịu làm động chủ thế con. Lam tỷ tỷ không biết mẫu thân còn sống lúc ấy. Nếu biết, thì đã không di mệnh cho con thừa kế.
- Nhưng mẹ làm động chủ, mà Thiên Kiều trước khi mất lại không uống nguyên thi đan, thì hắn phải uống vạn độc hoàn. Vạn độc hoàn là độc đan trấn sơn của Miêu cung. Dù người làm bằng gỗ đá cũng không thể sống. Con muốn hắn chết theo Thiên Kiều?
Hồng Ngọc nghe Hồng Như nói, nước mắt lăn dài:
- Nếu vậy thì..
Hồng Như vuốt tóc con:
- Cứ nghĩ như số phận đã an bài. Dù sao mẹ cũng rất mừng có một người nghĩa tế như hắn.
Giờ đăng quang cho Hồng Ngọc đã trễ, nên nhóm trưởng lão lại đến thúc giục. Hồng Như và bốn đại trưởng lão của Miêu cung hộ vệ nàng lên đài cao tế cáo trời đất. Tuyên bố nhận mệnh làm động chủ cai trị Miêu dân.
Sau khi Hồng Ngọc đã hoàn tất lễ đăng quang, người Miêu cung có mặt nhảy múa ca hát, uống rượu để chúc mừng.
Hồng Như nóng lòng sư phụ, Hồng Ngọc cũng lo cho Thanh Ngân, hai mẹ con liền phi thân trở lại trận đánh để xem thắng bại thế nào. Người Miêu cung cũng lục tục theo ra để chứng kiến trận đánh vô tiền khoáng hậu.
Họ cùng quần hùng say sưa theo dõi dù bấy giờ màn đêm đã buông phủ, những kẻ võ công thấp không thể nhìn thấy được gì, ngoài những tiếng khen ngợi hay la hét của hai đấu thủ. Khi đã đến gần nửa đêm, quần hùng nghe Thanh Ngân la:
- Đã trên ba ngàn chiêu rồi! Hãy dừng tay đi thôi.
Chú bé hét:
- Ngươi đã đánh rách hai tay áo của ta, nhưng ta chưa chịu thua đâu. Hãy đánh thêm ba ngàn nữa.
Thanh Ngân cười lớn:
- Các hạ cũng đã làm rách vạc áo của tại hạ. Chúng ta huề nhau, không ai thắng bại.
Chú bé hét:
- Không được là không được! Ngừng ngay bây giờ là ta thua ngươi. Ta không chịu. Nhất định ta không chịu đâu!
Thấy chú bé có tính như trẻ con, làm quần hùng bật cười.
Chú ta nghe quần hùng cười, quát:
- Đứa nào hỗn láo dám cười lão phu đó?
Tiếng quát của chú lần này làm rung rinh cây cối, mặt đất rung chuyển. Quần hùng bị chấn động khí huyết, cả kinh, đứng im thin thít trở lại. Chú bé lại hét lớn, phóng chiêu và họ lại tiếp tục đánh nhau. Họ đánh nhau được một lúc thì người Miêu cung hốt hoảng, nhốn nháo.
Hồng Như và Hồng Ngọc được thông báo là thi thể của Thiên Kiều đã bị cướp mất, và kẻ cướp thi còn lưu lại một phong thư cho Thanh Ngân.
Hồng Như nghe tin sét đánh hét lớn:
- Sư phụ! Minh chủ! Xin ngưng tay ngay, có việc vô cùng khẩn cấp.
Hồng Như la hét mấy lần, lúc ấy chú bé và Thanh Ngân mới cùng hét lớn rồi ngưng tay.
Chú bé ngưng tay, la mắng Hồng Như:
- Nhai nhi! Chuyện gì như cha chết vậy?
Hồng Như qùy gối:
- Xin sư phụ tha lỗi. Minh chủ phải liệu lý cho Miêu cung gấp, vì thi thể của Lam Thiên Kiều đã bị kẻ thù cướp đoạt.
Thanh Ngân nghe nói rụng rời, lướt tới Hồng Ngọc, nói như quát:
- Sao lại có việc này xảy ra?
Hồng Ngọc chợt sợ hãi, chẳng nói ra lời, nửa qùy, nửa đứng, bật khóc. Hồng Như xấn lại:
- Ngươi! Ngươi lớn tiếng với con gái ta?
Thanh Ngân nghe bà ta quở trách, vội vàng:
- Chỉ vì xúc động nhất thời, xin tiền bối miễn trách.
Và hắn cung tay:
- Mong Ngọc muội tha lỗi cho ta.
Thanh Ngân quay sang quần hùng:
- Thi thể Lam tỷ tỷ đã bị cướp mất. Tại hạ phải đi tìm ngay, mong chư vị cẩn thận.
Thanh Ngân phóng mình lên không, thì Bảo Ngọc, Ngạc Lan đã song song quát:
- Ngân đệ! Quay lại đã.
Thanh Ngân hạ chân quay lại, Hồng Ngọc vội vã đưa bức thư của kẻ cướp thi để lại:
- Có thư cho sư.. cho..
Thanh Ngân vội vàng xé thư ra xem, thì kẻ cướp viết: “Minh chủ muốn lấy lại thi thể, đến kim thạch nhai vào sáng mai. Đi chỉ một mình, không có người thứ hai”.
Bảo Ngọc lấy bức thư trên tay Thanh Ngân đọc, rồi đưa cho Ngạc Lan:
- Lan muội và Như muội xem thư. Nhất định là cô công chúa Mông Cổ.
Tuyết Như nhún vai:
- Vậy thì không có gì nguy hiểm đâu. Người ta.. hình như lưu tâm đến minh chủ lắm!
Ngạc Lan nghe giọng dấm dẳn của Tuyết Như, cười nhẹ:
- Tam Nhãn đã ám toán, còn cô ta cướp xác Lam tỷ tỷ, thì không còn lòng dụ dỗ Ngân đệ nữa đâu. Nếu đi lần này nguy hiểm khôn cùng.
Quần hùng đã kéo lại bao quanh họ. Thanh Ngân vò đầu khổ sở:
- Trận đấu đã làm hư hết mọi việc. Tại hạ đi ngay bây giờ, dò xem động tịnh, xuất kỳ bất ý cướp lại thi thể Lam tỷ tỷ thì tốt nhất.
Giác Minh thiền sư:
- Tính như minh chủ rất đúng. Tuy nhiên, cũng nên có người tiếp trợ.
Lam Hồng Như:
- Để ta đi với hắn!
Bảo Ngọc:
- Ta đi với Ngân đệ.
Tuyết Như và Ngạc Lan:
- Chúng tôi cũng đi.
Thanh Ngân lắc đầu:
- Chuyến đi này tránh đụng độ là tốt hơn hết, đi nhiều người càng dễ bại lộ. Để tiểu đệ đi một mình.
Gia Luật Cao Củng tán đồng:
- Ngân đệ nên đi ngay đi. Có nhiều người đi theo, trong trường hợp Ngân đệ phải lo chiếu cố, thì càng gây trở ngại.
Thanh Ngân nghe Gia Luật Cao Củng tán đồng ý kiến của mình. Hỏi Hồng Ngọc phương hướng rồi phóng mình đi ngay. Thân pháp của Thanh Ngân quá nhanh, bọn Bảo Ngọc biết không thể theo kịp, đành lấy mắt nhìn. Họ không theo, nhưng chú bé đấu với Thanh Ngân đã phóng mình vọt theo, kêu réo:
- Để ta phụ ngươi một tay. Chúng ta thi khinh công với nhau xem ai thắng bại.
Mọi người lại nghe Thanh Ngân lớn tiếng:
- Hãy để lúc khác. Tiền bối võ công không thua vãn bối, nên ở lại để phụ với quần hùng, đề phòng kế điệu hổ ly sơn của Tam Nhãn Thần Quân. Nếu tiền bối chạy theo thì vãn bối suốt đời không đấu nhau với tiền bối nữa.
Hồng Như nghe lời Thanh Ngân thấy hữu lý, gọi lớn:
- Sư phụ hãy trở lại ngay.
Bà ta dùng thuật thiên lý truyền âm, tiếng gọi vo vo trong tai quần hùng. Bấy giờ họ mới nhận Hồng Như có nội công thâm hậu, không thua bọn Lục Kỳ.
Chú bé có lẽ nghe tiếng Hồng Như, phút chốc đã bay trở lại. Tiền bang chủ, Giác Minh và Nam Cung Thuật bấy giờ mới cúi đầu làm lễ:
- Không ngờ tiền bối vẫn khang kiện.
Chú bé khoát tay, thở dài:
- Ta tiềm tu dịch cân kinh bảy mươi năm. Vẫn không hơn thằng bé đó. Nó là ai vậy?
Và chú cau mày:
- Khi ta tuyệt tích giang hồ, thì các ngươi..
Giác Minh thiền sư niệm phật hiệu:
- Vãn bối mới sinh, nhưng việc tiền bối mượn dịch cân kinh của Thiếu Lâm, người của Thiếu Lâm phải biết. Chỉ có điều không biết tiền bối nơi đâu mà tìm kiếm.
Chú bé cong môi:
- Các ngươi có dịch cân kinh, nhưng không ai biết tập luyện thì để mãi làm gì cho mục sách? Hối Không còn sống hay đã..?
- Ngài đã viên tịch năm mươi năm trước.
- Ngươi là Huyền Không hay Huyền Từ?
- Hai vị sư phụ và sư thúc cũng đã về đất Phật.
Chú bé lộ vẻ buồn:
- Mới đó mà người ta quen biết chẳng còn ai nữa.
Tiền bang chủ hỏi:
- Tiền bối vẫn còn khang kiện sao lại ẩn tích những bảy tám mươi năm?
- Cũng do Hối Không mà ra. Lúc ta cướp Dịch cân kinh do thủ bút của Đạt ma tổ sư truyền lại, võ công của Hối Không, Hối Minh, Hối Ân, Hối Kiến không cản trở được ta, nhưng ta không thắng được La hán trận của Thập bát la hán chùa Thiếu Lâm. Tuy nhiên, Hối Không lại giải trận đồng ý để ta mang Dịch cân kinh ra đi với điều kiện khi nào chưa luyện đến độ xuất chiêu không phát ra kình lực, chưởng phong, thì lúc đó mới có thể xuất hiện trở lại giang hồ. Hừ! Thanh y đồng tử ta đã hứa, thì phải giữ lời. Ta mới luyện tập đến độ này cách đây không lâu, rồi tình cờ gặp Như nhi, cứu nó và truyền võ nghệ cho nó cũng tốn một thời gian. Ta không muốn, nếu có bề gì, bình sinh sở học của ta bị mai một. Mới đây ta ra giang hồ, nghe Vô cực thiên tôn mất tích, Trường xuân tử, Thiên Sơn Thần Ni, Huyền Linh chân nhân đều không còn.. Hừ! Ta chẳng biết đi đâu tìm đối thủ, thì nghe có hai thằng nhỏ, một thằng minh chủ, một thằng tên Tam Nhãn gì đó võ công rất cao. Ta vội đến đây tìm.
Thanh y đồng tử chợt tỏ ra bực dọc:
- Thì ra Dịch cân kinh cũng không phải là môn võ học cao nhất trên giang hồ. Ta trả nó cho ngươi đây.
Thanh y đồng tử, cùng với tiếng nói, lấy một quyển sách mỏng bằng da ném cho Giác Minh.
Giác Minh mừng rỡ chụp lấy, nhưng Thanh y đồng tử lại lăng không chụp lại, cầm trong tay:
- Nhưng ngươi là người gì của Thiếu Lâm?
Giác Minh cung kính:
- Tiểu tăng là Giác Minh, thủ tọa Đạt ma đường. Sư huynh Giác Không hiện là phương trượng chưởng môn.
Rồi thiền sư nói tiếp:
- Sách đã được tiền bối giữ bảy chục năm, thì lúc nào tiền bối đem trả lại Tàng kinh các cũng được. Thái sư phụ có di huấn cho bọn tiểu tăng là khi tiền bối hoàn lại Dịch cân kinh, thì cũng phải nhắc cho tiền bối nhớ lại lời hứa năm xưa, thế phát qui y, hộ trì Phật pháp.
Thanh y đồng tử vò đầu, gãi tai:
- Ta làm sao xuất gia được? Ta làm sao bỏ thói quen thích ăn bánh nhân thịt được?
Giác Minh chắp tay, ngâm:
Bất thiện, bất ác
Thanh y đồng tử
Tham võ như mạng
Nhất ngôn ký xuất
Tứ mã nan truy...
Thanh y đồng tử tiếp tục gãi đầu, một lúc xua tay:
- Ngươi không cần nhắc nữa. Ta đã hứa thì phải giữ lời.
Giác Minh mừng rỡ:
- Thiện tai! thiện tai! Thiếu Lâm và giang hồ có thêm được cây cột chống trời.
Thanh y đồng tử nhận giữ lời hứa, xuất gia làm đệ tử Thiếu lâm, làm cho không phải chỉ Giác Minh thiền sư vui vẻ, mà quần hùng Trung nguyên cũng sung sướng vô cùng. Thanh y đồng tử, không ai biết thân thế như thế nào, người ta chỉ biết trên giang hồ Trung nguyên lúc bấy giờ, trong hai ba chục năm liên tiếp, hễ ai có võ công nổi tiếng, thì trước sau cũng bị Thanh y đồng tử, một người lúc nào cũng như một chú bé mười hai, mười ba tuổi tìm đến thách đấu. Cao thủ nổi tiếng giang hồ hai đạo hắc bạch lúc bấy giờ không biết bao nhiêu người chết vì tính chuộng võ của ông ta. Người ta đồn rằng lúc mười hai, mười ba tuổi ông ta đã lọt xuống một hố sâu trong núi Tuyết Sơn. Dưới hố sâu này lại mọc rất nhiều linh chi. Ông ta phải dùng linh chi đỡ đói cả năm, và lại luyện đồng tử công nên thân thể không bao giờ thay đổi. Vì gặp kỳ duyên như vậy nên Thanh y đồng tử công lực rất cao, trở thành một nhân vật tuyệt đỉnh trong võ lâm lúc bấy giờ. Lúc bấy giờ, Vô Cực Thiên Tôn là một ác ma, võ công siêu thần nhập thánh. Thanh y đồng tử đã tìm Thiên Tôn để so tài và bị đánh bại. Nghe nói bị thương nặng. Từ đó, giang hồ không còn thấy Thanh y đồng tử xuất hiện nữa. Mọi người tưởng ông ta đã chết, không ai biết việc ông ta lên Thiếu Lâm đánh cắp Dịch cân kinh và vì có lời hứa với Hối Không thiền sư mới mai danh ẩn tích luyện thêm võ nghệ.
Với sự mừng rỡ, Thanh y đồng tử được quần hùng Trung Nguyên mời vào trại, hết lời chúc tụng. Còn Bảo Ngọc, Ngạc Lan, Tuyết Như thì bấy giờ mới chúc mừng Hồng Ngọc, một ngày mà có hai niềm vui lớn là lên làm động chủ và gặp lại mẫu thân. Hồng Như kể lại việc mình là hôm đó bà ta bị Huyền Linh nhất tiên, đánh một chưởng rất nặng, nhưng nhờ trong người có mang thiên tầm giáp nên chưa chết. Tam Nhãn khi bồng Hồng Ngọc đi, thì cũng đá bà ta xuống sông Hoàng Hà. Giòng nước cuốn trôi bà ta và tấp lại bờ sông, nơi Thanh y đồng tử đang nằm nghỉ. Ông ta đã cứu bà ta sống và nhận làm đồ đệ. Lúc Thanh y đồng tử ngỏ ý muốn nhận bà ta làm đệ tử, Hồng Như rất bực dọc, nhưng khi thấy ông thi thố võ công, thì vô cùng kính phục, bái làm sư phụ. Cho tới nay, bà ta mới biết sư phụ mình là Thanh y đồng tử, nổi tiếng cả trăm năm trước.
Nói về Thanh Ngân dùng thuật phi đằng vượt núi tới Kim thạch nhai thì cũng đã quá nửa đêm. Khắp vùng gọi là kim thạch nhai vách đá thẳng tắp. Trời đêm vân vụ mờ mịt, dù cặp mắt như điện cũng không thấy được rõ rệt khung cảnh chung quanh cách xa vài trượng. Đôi tai thiên lý của Thanh Ngân cũng chỉ nghe được tiếng côn trùng rỉ rả mà không phát hiện được tiếng động nào chứng tỏ có người. Thanh Ngân phi thân quanh một vùng cũng chẳng thấy có gì khả nghi, bèn ngồi dựa lưng vào vách đá điều tức.
Khi ánh dương quang rực rỡ nhô lên ở phương đông, chim hót véo von, Thanh Ngân đi thám thính khắp nơi, thì cũng chẳng tìm ra một manh mối gì chứng tỏ đây là căn cứ của công chúa Nạp Lan.
Lúc mặt trời lên thật cao  mới thấy đôi chim điêu xuất hiện. khi chúng chao  cánh qua đầu núi, Nạp Lan từ lưng một con nhảy xuống. Nàng đứng trên sườn đá cao, xiêm y phất phơ theo gió núi, tưởng như tiên tử hạ trần. Thanh Ngân không thể tưởng tượng nàng chỉ đơn độc một mình dám đến gặp mình.
Đã xem xét địa thế từ trước, Thanh Ngân biết sau lưng nàng là một hố sâu, nhưng vân vụ che khuất chẳng biết sâu bao nhiêu trượng. Nạp Lan đứng trên gành đá, miệng cười như hoa, rất tự nhiên:
- Không ngờ minh chủ đến sớm như vậy. Nạp Lan ta thành thật xin lỗi đã làm minh chủ chờ đợi.
Thanh Ngân không biết nàng muốn gì, gài những cạm bẩy gì, nhưng cũng phi thân lên hòn đá đối diện, không chào hỏi, khách sáo mà trách ngay:
- Công chúa đã giết người, rồi cả thi thể cũng không để yên? Thi thể Lam tỷ ta bây giờ ở đâu?
Nạp Lan có vẻ không bằng lòng:
- Ta chưa có dịp tỏ bày thì minh chủ đã trách! Tam Nhãn đã không tuân lệnh ta, ám toán Lam động chủ, nên ta cho người đi lấy thi thể của nàng, nhờ thần tăng Thiên Trúc giở thần thông để cứu nàng sống lại. Ta vẫn chưa muốn đối địch cùng minh chủ, nên đã phải làm như vậy. Minh chủ hãy theo ta, biết đâu giờ này người yêu của minh chủ đã hồi sinh. Đang chờ gặp minh chủ.
Thanh Ngân đã từng chứng kiến tài nghệ của hai quái nhân Thiên Trúc, nên nghe nói nửa tin nửa ngờ. Đành nói:
- Nếu họ có thể cứu nàng sống lại, thì..
Nạp Lan cười nhẹ:
- Thì tạ ơn ta có phải vậy không? Không cần lắm đâu. Ta trị binh bất nghiêm, thì phải chuộc lại lỗi mình mà thôi.
Nàng lại tiếp:
- Chúng ta đi thôi. Địa thất ở dưới đáy vực sau lưng ta. Nếu minh chủ sợ ta dở mưu ám toán, thì nắm tay ta, chúng ta cùng phi thân xuống. Nếu lòng minh chủ không lo sợ, thì theo sau ta.
Thanh Ngân lấy làm khó nghĩ, muốn nắm giữ lấy nàng đề phòng bất trắc, nhưng cũng rất lo ngại phải dính dấp thêm nhiều nữ nhân nữa trong đời. Nắm tay nàng biết đâu lại phải sa vào chuyện tình cảm không lối thoát. Đành nói:
- Tại hạ theo sau công chúa.
Nạp Lan:
- Đa tạ minh chủ đã tin ta.
Nàng phóng mình lên không, một giải lụa đào trong người nàng được bung ra làm sức cản và nàng từ từ hạ mình xuống đáy vực. Thanh Ngân lưỡng lự giây lát, khi giải lụa đào khuất dạng trong làn vân vụ bên dưới,  mới đề khí xử dụng Lạc Long khinh thân chao mình xuống vực. Thanh Ngân vừa phóng ra, thân thể lơ lửng trong không khí thì hai luồng áp lực trầm trọng lăng không từ hai bên dồn tới mãnh liệt vô cùng. Hai luồng áp lực mạnh bạo đó Thanh Ngân biết ngay là ám kình của hai quái nhân Thiên Trúc,  không thể nào chống đỡ mà không bị thương trầm trọng. Để tránh, Thanh Ngân chỉ còn cách hét lên một tiếng lớn, trầm mình rớt nhanh xuống bên dưới. Và với trớn rớt đó, không còn cách gì đề khí khinh thân bay lên nữa, chỉ còn cách hét thêm  một tiếng nữa, dùng chưởng kình đánh ra hai bên để làm lực cản tốc độ rơi. Đây là tình trạng tan xương nát thịt, dù cao thủ thượng thừa cũng không thoát chết. Nhưng võ công đã thuộc vào hàng tuyệt đỉnh, Thanh Ngân phối hợp toàn bộ công phu khinh thân và sức phản lực của chưởng kình đánh ra đã bảo toàn được tính mạng.
Đáy vực là một lớp bùn dày do nước mưa và lá mục tạo thành nên hôi thúi vô cùng. Thanh Ngân vừa đặt chân lên lớp bùn, liền nghe bên trên có tiếng chuyển động như trời long đất lở, cát bụi lại rơi xuống mờ mịt. Bản tính cầu sinh tự nhiên, Thanh Ngân phi thân nép vào vách đá. Tuy nhiên, đất đá chỉ rơi lát đát giây lát rồi ngừng. Thanh Ngân thở phào, mừng chưa bị người bên trên xô đá chôn sống. Bấy giờ Thanh Ngân mới quan sát chung quanh, thấy chu vi đáy vực chỉ vài chục trượng, vách đá thẳng tắp, nhìn lên trên không thấy ánh sáng mặt trời.
cúi xuống kiểm soát thấy thân thể nàng vẫn trọn vẹn, chứng tỏ được đem xuống và đặt nằm ở đây. Bên cạnh Thiên Kiều là một bình rượu lớn, một bọc thịt khô và một lá thư, lấy đọc:
“Minh chủ nhã giám, Lam động chủ chết đã quá lâu, nên không thể cứu sống lại được. Thành thật chia buồn cùng minh chủ. Ta sẽ trừng trị Tam Nhãn Thần Quân về tội làm hại đến minh chủ phu nhân. Ta rất mến minh chủ và rất ước mong minh chủ sẽ nghĩ lại những gì ta trình bày, lợi ích cho Đại Việt và Đại Mông. Xin minh chủ tha thứ vì ta phải dùng hạ sách này. Đáy vực này bùn đất hơi u ám, nhưng chỗ này không khác chi một chiếc thạch sàn treo. Minh chủ có thể dùng làm chỗ nghỉ ngơi. Bên trên vực này, ta đã phủ bằng nhiều lớp lưới sắt, và đặt hai thánh nhân Thiên Trúc canh giữ. Miệng vực ngày đêm lúc nào cũng có vân vụ che phủ, hai thánh nhân Thiên Trúc ẩn mình trong đá, không hô hấp như người thường, thì dù bạn bè minh chủ có biết minh chủ bị nạn ở đây cũng chẳng ai có thể tìm ra, cứu giúp. Minh chủ tạm ở đây uống rượu và chung tình với phu nhân. Khi nào minh chủ thấy không thể tiếp tục gần gũi với phu nhân được nữa, muốn ra, thì điều kiện là như thế nào, hẳn minh chủ đã rõ. Lần nữa, ta rất tiếc phải dùng hạ sách này. Ta hy vọng minh chủ nghĩ kỹ, trước là đem phu nhân lên để tống táng theo tang lễ, thân thể không phải bị rữa mục trong đáy vực tối tăm, không quan quách, sau là chọn cho minh chủ một con đường công danh rạng rỡ mai sau. Ta không bao giờ muốn dưới hố này là nơi chôn cất một bậc anh tài võ học. Ba ngày sau ta sẽ thăm viếng minh chủ.”
Thanh Ngân đọc lá thư thở dài. Nghĩ đến Thiên Kiều đã mất mà thi thể không được bình an lòng đau như cắt, không đành để thi thể nàng nằm lạnh lẽo trên mặt đá, nên ôm lên, xiết nhẹ vào người. Và lúc này mới lấy làm ngạc nhiên vô cùng, thấy nàng chết đã lâu mà mặt mày vẫn xinh đẹp, tựa như đang nằm ngủ, thân thể không cứng lạnh, da thịt vẫn còn mềm mại, ấm áp.
Thấy việc lạ, Thanh Ngân lại hy vọng, cho rằng hai quái nhân Thiên Trúc đã làm phép lạ gì đó. Nhưng hắn nghĩ lại lá thư của Nạp Lan, nàng dụng ý để xác Thiên Kiều hôi thúi mình không chịu nổi phải qui thuận nàng, thì lý đâu hai quái nhân Thiên Trúc dùng pháp thuật gì để cứu Thiên Kiều. Trầm ngâm giây lát Thanh Ngân mới nhớ ra trong Dược Vương thần thư đã có nói đến cách chế tạo hồi thiên đơn. Trong các loại thuốc hiếm qúi nhất thế gian dùng để chế hồi thiên đơn có Thanh huyết thảo, có công hiệu làm lành thịt, tươi xương.
Thanh Kiều bị nội thương quá nặng, viên hồi thiên đơn cho nàng uống không thể cứu mạng, nhưng sức thuốc được công lực của Thanh Ngân thúc chuyển vào máu trước khi nàng trút hơi thở cuối cùng, đã có tác dụng làm cho da thịt nàng tươi nhuận trong nhiều ngày. Biết được điều đó, Thanh Ngân thở ra nhẹ nhõm, ít nhất trong ba ngày chờ Nạp Lan trở lại, không đến nổi phải khó khăn với mùi hôi của một tử thi. Qua hai đêm không ngủ và một ngày phải thi triển võ công tỉ đấu với Thanh y đồng tử, Thanh Ngân cũng cảm thấy mỏi mệt, nghĩ cũng chưa thể tìm cách thoát ra được, để xác Thiên Kiều gối đầu lên cánh tay, nằm xuống mặt đá nhắm mắt ngủ.
Thanh Ngân ngủ một giấc, thì giựt mình nhổm dậy, và nhìn con hồng linh đang phóng trong không khí có lẽ đang bắt côn trùng.
Nhìn con rắn nhỏ, nhớ lại lúc bị Thiết tháp Dã Ưng bắt cột chung với Kiều Linh, Kiều Loan trong lưới, Kiều Loan đã sai con Thanh trúc xà đi cứu viện. Thanh Ngân mừng rỡ, dùng Điểu thú diệu âm, thử sai con Hồng Linh tìm đường ra ngoài. Con rắn thông linh của Miêu cung, sau khi hiểu ý, rít lên một tiếng nhỏ, phóng vụt lên vách đá.
Dù sai được con Hồng linh bay ra ngoài, Thanh Ngân cũng để Thiên Kiều nằm xuống mặt đá, rảo đi khắp nơi xem xét đáy vực. Thấy vách đá cứng như sắt thép, không nơi nào chứng tỏ có thể đập vỡ để thông với nơi khác. Thanh Ngân hiểu Nạp Lan đã biết võ công của mình, thì nàng đã đề phòng. Hơn nữa, phải mang theo Thiên Kiều, thì càng khó khăn hơn nữa, nên không muốn phí công. Thanh Ngân quyết định, chờ đủ ba ngày, khi Nạp Lan xuất hiện, sẽ tìm cách.
Đã có chủ ý, Thanh Ngân trở lại phiến đá. Nhìn xác Thiên Kiều lại cảm thương, bồng nàng lên, ôm lấy với tất cả lòng thương tiếc, xót xa.
Đáy vực lúc nào cũng tối tăm, u ám,  nhưng theo mức độ ánh sáng Thanh Ngân cũng  hiểu lúc nào là ngày là đêm. Ban ngày vẫn làm đáy vực sáng hơn một chút.
Ngày qua, đêm tới, lúc đói thì dùng tạm lương khô, rượu Đại Mạc. Lúc thì nằm quay bên cạnh Thiên Kiều ngủ một giấc ngủ dài. Thanh Ngân không muốn nhọc tâm nhọc trí lo tìm cách thoát thân, nhưng chỉ mới qua hai ngày, chưa tới cái hẹn của Nạp Lan, thì trời mưa lớn, nước từ bên theo vách đá đổ xuống vực ào ào như thác. Nước cuốn trôi theo những viên đá to làm cho cả lòng vực rung rinh như địa chấn. Thanh Ngân vận khí kình che chở cho mình và Thiên Kiều, cũng như phải vận dụng tất cả nhãn lực ngước nhìn phía trên để đánh bật đá gỗ rớt xuống. Nước đổ xuống đáy vực không lối thoát dâng nhanh vùn vụt, phút chốc ngập phiến đá to đang trú chân. Thanh Ngân bắt buộc bồng Thiên Kiều đứng lên, thầm kêu khổ. Với sức nước dâng lên nhanh như vậy cũng không làm hại Thanh Ngân được, có thể vừa bồng Thiên Kiều vừa dùng thuật ngự thủy để nổi trên mặt nước, nhưng như thế, thì khó lòng chống đỡ với gỗ đá rớt xuống. Thanh Ngân đang lo thì phát hiện bên một vật khổng lồ như cả một hòn núi đang rơi xuống nhanh như chớt giật, khí thế như núi sập. Thanh Ngân biết không thể nào chống đỡ nổi vật đang rơi xuống, hét lên một tiếng lớn, ôm Thiên Kiều nhảy xuống nước, ẩn mình phía dưới phiến đá. Thanh Ngân vừa lặn xuống nước, thì vật bên trên cũng đã đổ ập xuống đánh lên phiến đá như thiên băng, địa chấn. Thanh Ngân ở sâu dưới nước nhưng sức xao động của nước do vật bên trên đổ xuống ép vào người muốn nghẹt thở. Ngay trong lúc ấy,  Thanh Ngân cũng thấy phiến đá bị đánh bể, và người  bị hút vào vách. Nước đang tràn chảy vào những vết nứt. Thanh Ngân đạp chân ngoi lên, thì lại đụng đầu vào vật cứng,  lấy lần mò xem xét, thì thấy là một tấm lưới sắt. Bên trên còn những tảng đá lớn nữa.
Thanh Ngân một tay ôm chặt Thiên Kiều, một tay vận lực để bẻ tấm lưới tìm chỗ ngoi lên. Tấm lưới đan không dày, song sắt chỉ bằng ngón chân, nhưng ở dưới nước, không thể điều khí dễ dàng nên lay hoay một lúc chỉ bẻ được vài chỗ, cũng chưa đủ rộng để đem Thiên Kiều theo,  kiên nhẫn bẻ tiếp, nhắm vừa đủ rộng,  cạy lớp đá bên trên, thấy nó dày đặc, đè lên nhau rất khó đẩy. Không biết lớp đá này dày bao nhiêu, Thanh Ngân thầm nghĩ nếu nó quá dày, thì dù nội công thâm hậu, cũng sẽ bị chết ngộp.
Thanh Ngân đang lo âu, thì nghe chung quanh chuyển động, một sức đẩy mãnh liệt đẩy vào vách đá. Đang ở trong nước, không thể nào cưỡng được sức đẩy này, đụng vào đá, Thanh Ngân thấy cả đá cũng bị sức nước đẩy đi, vội ôm chặt Thiên Kiều. Rồi khi thấy mình bị ép sắp muốn ngạt thở, thì nghe như trời long đất lở, cả thân hình  bị nước cuốn theo với đất đá bằng một tốc độ mãnh liệt, Thanh Ngân vận hết cả sức lực còn lại để che chở cho mình và Thiên Kiều, nhưng rồi biết mình thể không chịu đựng nổi nữa,  vẫn là con người bằng xương bằng thịt không thể chống lại sức mạnh thiên nhiên. Quyết định cuối cùng  là nằm chung một chỗ với Thiên Kiều, không đành lòng để nàng để nàng chôn vùi một nơi, mình một nẻo.