Phần II - Sự đổi mới hôm nay và một số vấn đề của nó. 1- Về tính duy nhất của đảng cầm quyền: Có ý kiến cho rằng: hôm nay ÐCS Việt Nam đã quyết tâm đổi mới, mọi việc đều đang biến đổi hàng ngày hàng giờ. Rồi Ðảng sẽ mở rộng dân chủ trong nội bộ cũng như ra ngoài xã hội hơn nữa, sẽ cải cách hành chính, trẻ hóa, trí thức hóa đội ngũ của mình và nghiêm túc tiếp thu ý kiến phê bình của mọi tầng lớp nhân dân. Xử lý nghiêm khắc mọi hiện tượng tiêu cực trong Ðảng, v.v... Ðất nước nhất định sẽ tiến lên! Nhưng theo tôi tất cả những thay đổi đó nếu có, cho dù là thực tâm cũng không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Bởi vì nguyên nhân sinh ra chúng, xuất phát từ thể chế chính trị là vẫn còn nguyên. (tức là chỉ có duy nhất một ÐCS Việt Nam lãnh đạo đất nước, được ghi rõ trong điều 4 hiến pháp hiện hành). Vì vậy cái cơ chế do thể chế chính trị ấy sinh ra dứt khoát sẽ không chống được tham nhũng. Cũng chẳng chống được buôn lậu và tất nhiên nó cũng không xóa được những áp bức, bất công trong xã hội đã và đang càng ngày càng sâu sắc, kể cả những bất công trong nội bộ đảng. (cứ cộng cộng, trừ trừ một hồi thì ai cũng thấy rõ là chỉ có một thiểu số tìm được những thiên đường, mùa xuân cho họ và gia đình. Còn đại bộ phận dân tộc thì đã phải gánh chịu Những Thiên Ðường Mù, những Mùa Hè Ðỏ Lửa thịt nát xương tan.). Tương tự đối với việc giải quyết những vấn đề lớn khác của đất nước như: xây dựng và thực hiện các quyền tự do căn bản của con người: tự do tư tưởng, báo chí, ngôn luận, tín ngưỡng, lập hội, hòa giải và hòa hợp dân tộc, v.v… nhưng lại phải luôn thỏa mãn nguyên tắc là:‘‘ Ðoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của ÐCS Việt Nam’’! Thì theo tôi chính điều này mới là không tưởng. Vì vậy tất nhiên nó cũng không thể xây dựng được một xã hội dân chủ được đa số nhân dân Việt Nam chấp nhận. Ðiều này chẳng những đúng với Việt Nam mà còn đúng với toàn hệ thống XHCN nói chung, hãy lấy trường hợp Cu Ba với vấn đề tuổi tác làm ví dụ: Năm 1959 - khi Phi Ðen (Phidel Castro) và các đồng chí của ông tiến hành khởi nghĩa vũ trang, lật đổ được chế độ Batista và sau đó bắt đầu công cuộc xây dựng CNXH ở Cu Ba, thì tuổi đời của họ đều chỉ trên dưới 30, nghĩa là còn rất trẻ. Nhưng không phải vì thế mà hôm nay sau hơn 40 năm, những người cộng sản của nước này đã xây dựng được một nền dân chủ thực sự, nếu như không muốn nói là ngược lại: sự độc tài. Thậm chí chính những người trẻ tuổi một khi đã nắm được quyền lực rồi lại có nhiều cơ sở để "yêu tha thiết" chế độ độc đảng hơn cả, bởi vì là trẻ hơn nên thời gian nắm quyền lực của họ cũng sẽ lâu hơn. Ở Việt Nam, trước những quốc nạn tham nhũng và buôn lậu ngày càng lan tràn như hiện nay, đã làm cho nhiều người dân cùng có chung một suy nghĩ: ông nào lên thì cũng vậy thôi. Có khi cứ để mấy ông già làm lại còn đỡ hơn, vì các ông ấy… ăn đủ rồi nên biết đâu các ông ấy còn... thương dân! Chứ bây giờ lại đưa mấy "bố trẻ" lên, các bố ấy ăn chưa đủ thì còn báo dân, hại nước nữa! Theo tôi bất cứ một hệ thống quyền lực nào từ cổ chí kim, nếu nó chỉ được xây dựng bởi một lực lượng chính trị duy nhất, lại không có khả năng thay thế, thì dẫu ban đầu lực lượng ấy được tập hợp bởi đa số những con người có tấm lòng trong sáng, sự dấn thân và cùng có chung một lý tưởng cao đẹp cũng không bao giờ trở nên tử tế lên được, chắc chắn cùng với thời gian nó sẽ dẫn tới sự thoái hóa, biến chất của toàn bộ hệ thống. Bởi vì là duy nhất nên nó không thể tạo được một Cơ Chế Hãm thực sự hữu hiệu: một khi mà anh luôn được nắm quyền lãnh đạo" trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối" đất nước; lại "cương quyết không chia xẻ với ai”! Thì dù "tam quyền" có "phân lập" theo kiểu gì rồi cũng nhập một mà thôi. Ví dụ ở Việt Nam, dư luận cũng thường bàn tán rằng: mỗi lần có những vụ án lớn mang tầm cỡ quốc gia thì trước khi tòa nghị án, lại nghe Bộ chính trị… họp khẩn! Nền dân chủ hiện đại đã tìm ra những công cụ rất sắc bén để tạo ra một cơ chế hãm hữu hiệu lên đảng nào đang cầm quyền. Ðó là những lá phiếu của cử tri - những người đóng thuế. Là sự kiểm tra, kiểm soát và chất vấn thường xuyên của các đảng đối lập. Là vai trò quan trọng của giới truyền thông, v.v... để nếu đảng cầm quyền có làm sai điều gì, thì cũng sớm bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nhưng ở các nước XHCN thì tất cả những công cụ trên hoặc là không được phép xuất hiện, hoặc nếu có thì cũng thường chỉ là hình thức, mang nặng tính trình diễn. Do vậy đã nảy sinh một mâu thuẫn rất dễ nhận ra là: khi những nghị quyết của ÐCS ban hành thì chúng tác động, ảnh hưởng lên toàn xã hội, tức là rất mở. Nhưng khi đề cử và bầu nhân sự của Ðảng - những người sẽ làm và thông qua những nghị quyết kia, thì lại là "công việc nội bộ của đảng" - tức là rất đóng và tất nhiên là họp kín! 2- Kiên trì với tính định hướng XHCN - những mâu thuẫn giữa quan điểm và thực tiễn: Trong chương trình cầu truyền hình đón chào năm 2000, khi điểm qua những sự kiện lớn trên thế giới của thế kỷ thứ 20 vừa qua, một nữ phát thanh viên của Ðài truyền hình trung ương đã đọc một đoạn văn sau đây: "…Vào thập kỷ cuối của thế kỷ, những biến động xã hội dẫn đến sự tan rã của hệ thống XHCN ở Liên Xô và các nước Ðông Âu, tuy nhiên phải nói rằng đây chỉ là cuộc khủng hoảng của những mô hình phát triển, chứ không phải là thất bại của CNXH như một hình thái kinh kế - xã hội. Những mô hình phát triển trung thành với ý tưởng của CNXH và mang bản sắc riêng vẫn đang phát triển thành công ở Trung Quốc hay Việt Nam. Các nước TBCN cũng đang phải tự điều chỉnh mọi phương diện để tự tồn vong. Biểu hiện là con đường thứ 3 hay Chủ nghĩa tư bản mầu hồng đang lên ngôi ở một loạt nước Tây Âu..."! Hãy khoan nói đến cách lập luận luẩn quẩn theo kiểu "con kiến mà leo cây đa" của đoạn văn trên, (có người còn nhận xét là nó tuy nghèo cơ sở thực tiễn, nhưng lại rất giầu "tinh thần"... cà cuống!) mà chỉ nói đến nội dung của nó: con đường thứ 3 nào, CNTB mầu hồng nào đang lên ngôi? Và cái gọi là "bản sắc riêng" của Trung Quốc hay Việt Nam hôm nay là gì? Cũng lại thôi không nói đến chuyện đúng hay sai của‘‘ Chủ nghĩa xã hội khoa học’’ nữa. Nhưng thử hỏi xem, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam hôm nay còn thực sự trung thành được bao nhiêu phần trăm với những "Ý tưởng của CNXH" mà những nhà cộng sản tiền bối đã vạch ra, còn lại bao nhiêu phần trăm là của thứ " Tư bản lưu manh và bệnh hoạn "? (chữ của anh Hà Sỹ Phu). Cũng cùng một quan điểm trên, trong dự thảo nghị quyết đại hội ÐCS Việt Nam lần thứ 9, đang được đưa ra cho nhân dân đóng góp ý kiến, thì quan điểm bao trùm có tác dụng quyết định đến phương hướng, nhiệm vụ của cả đất nước trong giai đoạn tới vẫn cứ là: "…Lịch sử thế giới đã, đang và sẽ còn trải qua những bước quanh co, xong loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử…"! Hay nói tương tự như Lê Nin hồi đầu thế kỷ trước: "Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là cái phòng chờ của chủ nghĩa xã hội"! Nhưng chúng ta hãy thử hình dung một chút: nếu đúng là quy luật tiến hóa của lịch sử diễn ra như vậy, thì một ngày nào đó nước ta sẽ từ một nước đang đi đằng đuôi sẽ nhảy phắt lên hàng đầu! (theo những số liệu điều tra gần đây thì Việt Nam xếp hàng thứ 8/13 nước nghèo nhất hành tinh. Tức cũng thuộc 1 trong những nước thuộc khối "G8", nhưng là sắp theo thứ tự từ dưới lên!). Ðể một lần nữa, Việt Nam lại tiếp tục được gánh vác cái "sứ mệnh mà lịch sử giao phó" là dẫn dắt nhân loại tới cái tương lai tươi sáng kia! cái tương lai mà không hiểu vì sao nhân loại ‘‘chậm hiểu’’ này ngồi mãi trong cái "phòng chờ" ấy nhưng vẫn không chịu nhận ra! Chỉ có điều trước khi được hưởng cái hạnh phúc "vui gì hơn làm người lính đi đầu" ấy, thì dân tộc ta vẫn phải trải qua "những bước quanh co", vẫn phải "đẩy mạnh hơn nữa nhiều mặt công tác". Trong đó có công tác xuất khẩu lao động sang các nước "Tư bản đang giẫy chết"! phải làm sao để những chiếc "vòi bạch tuộc" ở chính quốc kia "cơ bản hoàn thành" việc hút cạn kiệt sức lực dân ta thì lúc ấy "xét về thực chất" nhân loại đã có chủ nghĩa xã hội! Quả thật, vẫn biết là mình không phải, nhưng nhiều khi tôi vẫn cứ thầm trách hồn thiêng sông núi sao mãi không về để phù hộ cho dân tộc thoát ra khỏi cơn mê này. (trong hội nghị về xuất khẩu lao động kéo dài 2 ngày 8 và 9.6.2000 tại Hà Nội. Thủ tướng Phan Văn Khải tuyên bố: "… Xuất khẩu lao động và chuyên gia là một chiến lược trước mắt và lâu dài...", và cũng theo nguồn tin từ báo chí trong nước thì năm 2000 Việt Nam đã xuất khẩu được 38.000 lao động. Dự kiến chỉ tiêu thực hiện năm 2001 sẽ là 50.000 người). Dỹ nhiên nói như vậy không có nghĩa là tôi phản đối việc xuất khẩu lao động. Bởi vì có khi đây là cứu cánh cuối cùng của nhiều gia đình Việt Nam hôm qua và hôm nay. Mà chỉ muốn nói lên sự mâu thuẫn giữa quan điểm của những người bảo thủ trong ÐCS Việt Nam với thực tiễn cuộc sống. Chính môi trường chính trị đã và đang diễn ra trên đất nước ta mới là nguyên nhân sâu xa, khiến cho những người lao động Việt Nam phải chịu muôn vàn đắng cay ở ngay trong nước cũng như khi ra nước ngoài. Ai không tin điều này xin tìm hiểu thêm tình trạng của những người công nhân Việt Nam trên đảo Samoa thuộc Mỹ, mà báo chí trong nước gần đây cũng có đăng tải, hoặc tìm hiểu thêm rất nhiều ví dụ khác đã phát sinh trong các xí nghiệp do người Nam Hàn, Ðài Loan, v.v… làm chủ ở Việt Nam hiện nay. Theo tôi hệ thống XHCN đã có một giai đoạn hội được những điều kiện tốt nhất để thực hiện những ý tưởng cộng sản của mình. Ðó là những năm từ đầu thập niên 50 đến cuối thập niên 70 của thế kỷ 20 vừa qua. Vì lúc ấy là còn cả một hệ thống với rất nhiều con người tin vào sự tất thắng cuối cùng của nó, một lòng một dạ đi theo. Nhất là lớp trẻ với tấm gương sáng ngời của chàng thanh niên Nga - Paven Corsaghin cổ vũ (trong tiểu thuyết Thép Ðã Tôi Thế Ðấy). Tất cả đều "hăng hái tiến lên dưới ngọn cờ của Ðảng tiền phong và của lãnh tụ tối cao."! (thậm chí ở Trung Quốc khi "Người cầm lái vĩ đại" bảo làm thép thì người người làm thép, nhà nhà làm thép. Bảo đi diệt chim sẻ thì cả nước ra quân đi săn lùng, tận diệt cho kỳ được đàn chim tội nghiệp kia. Ở Việt Nam cũng vậy, có những lúc, những nơi người ta đã từng đưa ra khẩu hiệu: "Bát cơm, quả cà cộng với tinh thần cộng sản chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội"!). Rất nhiều người lương thiện với nhiệt tình cách mạng đã không nề hà gian khổ và quyết dấn thân. Tất cả những điều được cho là "phi XHCN" thuộc mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều bị bao vây, ngăn chặn, thậm chí còn bị bức hại trên quy mô toàn hệ thống. Tức là mọi điều kiện cho "cuộc thực nghiệm" những ý tưởng của CNCS đều đã được thỏa mãn với khả năng cao nhất có thể. Xong một khi đã "tận nhân lực" đến như vậy rồi mà kết cục vẫn là sự sụp đổ của tất cả các nước Ðông Âu và Liên Xô, thì vấn đề là phải lật ngược những ‘‘ hòn đá tảng ’’ kia lên xem ở bên dưới nó là cái gì? (đấy là chưa kể đến cái gọi là nước Campuchia Dân Chủ dưới thời của bè lũ PolPot -Ieng Sary được chính quyền Bắc Kinh giật dây và nuôi dưỡng. Ởû đó nếu ai không chịu tuân theo lệnh họ thì cứ lấy cuốc mà bổ vào đầu nhau, nhằm xây dựng một thứ " CNXH thuần khiết "! Khiến cho chỉ trong 4 năm từ 1975 - 1979 đã có khoảng 1.5 - 1.7 triệu người bị giết, chiếm 20% dân số nước này.) Do vậy sẽ thật là nhẫn tâm và độc ác với những ai ở Việt Nam, đến hôm nay rồi mà vẫn còn mưu toan đem cả dân tộc ra để thực nghiệm tiếp những ý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Bằng cách đó họ đã làm cái công việc giống như của tầng lớp vua quan phong kiến nhà Nguyễn gần 2 thế kỷ trước: luôn trung thành một cách mù quáng với Khổng Tử, Mạnh Tử. Một lòng một dạ hướng về " Thiên triều ", để rồi đất nước đã bỏ lỡ chuyến tầu văn minh công nghiệp xuất phát từ phương Tây, dân tộc tiếp tục chìm đắm trong đói nghèo lạc hậu, và sau đó là bị người Pháp đô hộ gần 100 năm. Có điều là những vua quan nhà Nguyễn xưa thì thực sự tin rằng: " cái bọn Phú Lang Sa, bọn Tây Phương kia là man di mọi rợ ". Chứ không phải như nhiều người trong tầng lớp vua quan thời nay, dù chẳng còn mảy may tin gì vào các cụ Mác, Lê nữa, nhưng cứ vờ vờ vịt vịt để đánh lừa cả một dân tộc. Họ chính là những người luôn tìm cách chơi trò "đạo đức" với nhân dân: miệng thì nói rằng lấy dân làm gốc, nhưng thực chất là họ chỉ muốn lấy gốc làm thớt mà thôi! Ðây mới là điểm khác nhau lớn giữa người xưa và người nay cần làm rõ. Dỹ nhiên tôi không có ý nói đến những người cộng sản chân chính mà tôi luôn kính trọng. Thực tế thì đa số họ cũng đều đã thuộc tầng lớp bị trị rồi. Bởi vì cái hệ thống"sàng" kia rất tinh khôn và lão luyện trong việc "lọc" người. Chúng ta cũng nên khách quan mà nhìn nhận rằng trong số bốn nước XHCN còn lại, thì chính hai nước Cu Ba và Bắc Triều Tiên (Bắc Hàn) mới thực sự là "chính chuyên" với những ý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin hơn cả. Nhưng hôm nay đời sống của nhân dân hai nước này khó khăn như thế nào ai mà không biết. Còn với Trung Quốc và Việt Nam thì động lực chính làm nên sự chuyển biến tích cực trong những năm qua, là do sự vận hành của cơ chế thị trường, dựa trên căn bản sự tư hữu về tư liệu sản xuất. Là sự tiếp nhận nguồn vốn và công nghệ, mà chủ yếu là đến từ các nước TBCN, chứ đâu phải là xuất phát từ "quyền làm chủ tập thể XHCN của nhân dân lao động"? (cái điều mà cả hai dân tộc đã buộc phải lao vào xây xây, đắp đắp bao năm trời, tốn biết bao mồ hôi công sức, kể cả cơ man nào là máu và nước mắt. Nhưng rồi cuối cùng thất bại vẫn hoàn thất bại.). Những năm qua tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của cả 2 nước đều đạt khá cao (từ 5 đến 10% / năm), nhưng đây là điều bình thường đối với những nước mới bước vào giai đoạn phát triển. Ðiều này 30 -40 năm về trước, các nước trong khu vực cũng đã trải qua khi họ được tiếp nhận nguồn vốn và công nghệ của Mỹ và các nước phương Tây, v.v... Nhưng cùng với thời gian, tỷ lệ trên sẽ giảm dần theo quy luật. Rất nhiều người đã bị nhầm lẫn về tính " ưu việt " này. Một sự nhầm lẫn tương tự và cũng rất phổ biến là nếu lại đi so sánh mức sống chung của nhân dân hay của bản thân mình hôm nay với thời kỳ trước đổi mới. Thậm chí còn là trước...cách mạng tháng Tám năm 1945 (!) rồi lấy đó làm sự hài lòng. 3- Vấn đề nhận thức lại: Theo tôi vấn đề là phải làm sao thoát ra được phương pháp tư duy xưa, cùng những vùng miền của não trạng cũ. Một khi đã thoát ra được rồi thì chúng ta hãy thử đặt ra cho mình những câu hỏi sau: - Vì sao trước đây, năng suất lao động trong những mảnh ruộng 5% mà các hộ xã viên được tùy ý sử dụng lại luôn cao hơn năng suất trên những cánh đồng hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam, chiếm tới 95% qũy đất đai còn lại? (thường là ở miền Bắc.). - Ai đã tạo ra cái cơ chế cũ và duy trì nó bao năm trời? Ðể ngày nay mỗi khi nhớ về nó ta vẫn thường chậc lưỡi: ôi cái "thời bao cấp" ấy mà, nhắc lại làm gì! - Nếu anh bị người ta trói lại, rồi nay do tình thế họ buộc phải nới lỏng cho anh một chút, anh vội vàng cảm ơn họ như ơn cứu mạng thì điều đó có ổn không? - Nếu như trước kia, khi Việt Nam xây dựng CNXH còn cả một hệ thống XHCN hỗ trợ, kết cục ra sao đã quá rõ ràng. Còn nay trong cảnh "chợ chiều" này - khi toàn hệ thống đã tan đàn, xẻ nghé mà vẫn cứ phải tiếp tục "định hướng" vào đấy thì rồi đất nước sẽ đi về đâu? (hay ta cứ làm theo lời dạy của Lê Nin là: "… Mượn tiền đề từ các nước tư bản phát triển. " để vừa được việc ta, vừa kết hợp "đào mồ" chôn họ luôn? Vì đằng nào thì những mâu thuẫn vốn có của CNTB cũng có giải quyết được đâu. Ðằng nào thì lịch sử cũng sẽ tìm ra con đường đi cho mình, cuối cùng tương lai của nhân loại cũng sẽ thuộc về CNXH thôi!). Riêng tôi thì không nghĩ rằng những nhà tư bản từng dày dạn bao năm trời trên thương trường quốc tế, lại kém thông minh hơn những trò láu cá vặt của ta. - Tại sao hễ cứ càng " định hướng XHCN " bao nhiêu thì tốc độ tích lũy tài sản của các nhà tư bản đỏ thời nay lại càng tăng vọt lên bấy nhiêu? Tại sao chống buôn lậu và tham nhũng không đạt hiệu quả? Tại sao mọi chiến dịch " Xây dựng và chỉnh đốn đảng " đều đã bị đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột? (theo một cuộc khảo sát gần đây của Tổ Chức Tư Vấn Về Các Rủi Ro Chính Trị Và Kinh Tế (P.E.R.C), có trụ sở đặt tại Hồng Công đã cho ra kết quả: Việt Nam đứng đầu trong bảng sắp hạng các nước có guồng máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu qủa và khó làm ăn nhất thuộc khu vực châu Á, với O điểm là không có khó khăn, 10 điểm là khó khăn tối đa, nước ta đạt 9. 5 điểm! - xem chi tiết trong website: www.lenduong.net ngày 27.2.2001.) Ở trong lĩnh vực văn hóa - thông tin cũng vậy: - Vì sao những chuyện rất nên kể cho nhân dân biết, ví dụ như Chuyện Kể Năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn thì lại bị cấm? Còn chuyện "vơ vào" nói ở phần I, vốn bị ông bà ta ngày xưa rất ghét, cho là điều cấm kỵ với con cháu thì lại cứ kể, mà lại còn kể rất nhiều và rất dai? - Vì sao với những biến động lớn về tôn giáo, sắc tộc, đất đai, v.v… diễn ra gần đây ở Huế và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên thì báo, đài lại chỉ cho đăng những ý kiến phê phán những người đã tham gia vào đấy? Thế còn những ý kiến ủng hộ họ có hay không? Nếu có tại sao không cho đăng? Có phải họ là " Những phần tử lợi dụng quyền tự do dân chủ của nước CHXHCN Việt Nam’’ để chuyên gây rối. Rồi lại bị " Các thế lực thù địch từ bên ngoài kích động và giật dây," v.v… hay họ là những tầng lớp nhân dân bị áp bức, bóc lột quá lâu ngày, nay không thể chịu đựng được nữa và quyết vùng lên đấu tranh? - Vấn đề cũng tương tự đối với loạt bài của nhà báo Nguyễn Như Phong đăng trên tờ An Ninh Thế Giới hồi tháng 1 năm 2001 vừa qua, với những chỉ trích nhắm vào các ông Hà Sỹ Phu và Mai Thái Lĩnh. Theo tôi chưa nói đến chuyện đúng sai thuộc về ai, nhưng ít ra là sau đó, nếu không phải là tờ ANTG thì cũng nên là một tờ báo khác tạo cơ hội cho họ được tự bảo vệ, như vậy mới là phải lẽ. Chứ nếu lại đi "hướng dẫn dư luận" bằng cách anh thì được quyền viết, nói và đăng báo thoải mái, còn tôi thì bị trói tay, bịt miệng lại, thì lo gì mà anh không "toàn thắng"? Với điều kiện ‘‘ đấu tranh với địch ’’ thuận lợi như thế thì cũng sợ gì mà không tạo ra những người cầm bút đã viết một câu nịnh rồi lại viết tiếp những câu nịnh nữa, chứ làm gì có nửa câu trung nào! Ai là Mặt Thật còn ai là Mặt Nạ đây? Thông tin như vậy là đa chiều, hai chiều hay chỉ có một chiều? v.v… ( xem thêm chi tiết trên các websites: www.thongluan.org và www.lmvntd.org ). Nếu mở rộng tầm nhìn hơn nữa, ta có thể đặt tiếp những câu hỏi sau: - Vì sao nếu đem các cặp Ðông và Tây Ðức, Bắc và Nam Triều Tiên, Trung Quốc lục địa với Ðài Loan, Hồng Công, Ma Cao ra để so sánh, thì ưu thế rõ ràng là nghiêng hẳn về các vế sau? (xét cả về mức sống, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.) - " Ðó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được "! ( những lời trong Tuyên Ngôn Ðộc Lập ngày 2.9.1945). - Vì sao chúng ta chỉ thấy những dòng người di cư từ những vùng đất " 1 triệu lần dân chủ hơn" sang những vùng đất đối nghịch phía bên kia, mà không phải là ngược lại? - Vì sao người Mỹ lại chọn Việt Nam mà không phải là một nước nào khác làm điểm nóng để nhảy vào can thiệp từ đầu thập niên 50 của thế kỷ thứ 20 vừa qua? Liệu có đúng là do nguyên nhân: " Ðế quốc Mỹ vì sinh sau đẻ muộn nên phải đi xâm chiếm thêm thuộc địa, nhằm thiết lập nên một thứ chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở Việt Nam" hay là do những nguyên nhân nào khác? v.v. Và một khi đã giải đáp được cho mình những câu hỏi đó rồi, thì chúng ta cũng tự giải đáp được luôn sự mâu thuẫn giữa quan điểm:‘‘ Xây đựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ’’ với thực tiễn hôm nay. Nó vì dân tộc hay chỉ vì một thiểu số nắm đặc quyền, đặc lợi? ( chưa kể đến việc nó còn mâu thuẫn với bất cứ một luận điểm nào trong học thuyết của Mác. Ai còn không tin cứ mang bộ Tư Bản Luận của ông ra mà đối chiếu.). Cũng cần nhắc lại rằng vào tháng 8 năm 1989, tức là chỉ 3 tháng trước khi bức tường Berlin ở Ðông Ðức sụp đổ, " Cuộc Cách Mạng Nhung " ở Tiệp Khắc giành được toàn thắng (tháng 11.1989), v.v… thì tại hội nghị lần thứ 7 BCHTƯ ÐCS Việt Nam khóa 6, đã ra một nghị quyết có tên là Một Số Vấn Ðề Cấp Bách Về Công Tác Tư Tưởng Trước Tình Hình Trong Nước Và Quốc Tế, trong đó ngay ở điều 1 ghi rõ: "…Khẳng định tính tất yếu lịch sử của CNXH và những thành tựu vĩ đại của hệ thống XHCN thế giới…"! (xem website: http://www.cpv.org.vn, mục Ðại Hội ÐCS Việt Nam). Ðiều này khiến cho mọi người dân Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước lại càng thấy lòng mình như có lửa đốt: một khi mà trí tuệ của cả một BCHTƯ vốn được coi là đổi mới, thế mà gần 3 năm sau còn đưa ra một nhận định lớn, có kết quả bị thực tiễn phủ nhận ngay như vậy, thì nội BCH ấy chỉ đại diện cho ÐCS Việt Nam không thôi cũng đã không xứng đáng rồi. Chứ nói gì đến chuyện lại còn đại diện cho trí tuệ và bản lĩnh của cả một dân tộc? Nguy cơ ấy nay còn không? Với tất cả những gì đã và vẫn đang diễn ra và với phát biểu sau đây, tôi cho rằng chẳng những nó vẫn còn, mà lại còn lớn hơn nữa: "Thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã đấu tranh giành độc lập, thống nhất hoàn toàn đất nước, quá độ đi lên CNXH. Thế kỷ 21, chúng tôi quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập, thống nhất của tổ quốc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, tiếp tục đi theo con đường đã chọn dù 50 năm, 100 năm hay lâu hơn nữa, chúng tôi cũng không bao giờ nao núng, CNXH nhất định thành công."! (phát biểu của TBT Lê Khả Phiêu tại hội thảo quốc tế Việt Nam Trong Thế Kỷ 20 - tháng 9 năm 2000 - website: http://www.mofa.gov.vn, phần chính sách ngoại giao/ phát biểu và diễn văn.) Nghĩa là giả sử một đứa trẻ được sinh ra vào đầu thế kỷ 21 này, thì đến cuối thế kỷ khi tròn 100 tuổi, có thể nó vẫn chưa nhìn thấy mặt mũi của CNXH ra sao cả! Biết đâu trước lúc lâm chung, nó lại vẫn "được" nghe một ông TBT ÐCS Việt Nam nào đó lúc ấy (của Ðại hội lần thứ 29 chẳng hạn!) tiếp tục thao thao: rằng "chúng tôi sẽ không bao giờ nao núng", "chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường đã chọn dù 50 năm, 100 năm hay lâu hơn nữa, CNXH nhất định thành công."! Ði với tốc độ ấy là "…Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH…" hay là cứ nhẩn nha, đủng đỉnh mà đi? Theo tôi, họ là những người đã mất hẳn mối liên hệ với nhân dân. Họ không còn biết, hoặc cố tình không biết nguyện vọng tha thiết của đại bộ phận dân tộc hôm nay là gì nữa rồi. 4 - Suy nghĩ thêm về một ý kiến đã đề xuất: Với mong muốn được góp sức mình cùng với nhân dân tìm lối ra cho đất nước, trong bài Việt Nam Ðất Nước Tôi viết tháng 6 năm 2000, tôi có nêu ý kiến đề nghị tổ chức một cuộc Trưng Cầu Dân Ý ở Việt Nam với câu hỏi: Việt Nam nên hay không nên theo chế độ đa đảng? Tôi cho rằng để giải quyết được tận gốc những quốc nạn của đất nước hôm nay và cũng để mở đường cho đất nước tiến lên, thì cách tốt nhất là hướng tới một nền dân chủ đa nguyên đích thực, trong đó yếu tố đa đảng là không thể thiếu được. Dỹ nhiên tôi cũng không chủ quan cho rằng sự đa đảng như một chiếc đũa thần mà có nó là có tất cả, nhưng nó là điều kiện cần. Bởi vì chỉ khi dựa trên nền tảng ấy nó mới tạo được tiền đề cho những bước dân chủ tiếp theo. Từ đó mới có đủ điều kiện để lựa chọn được những con người, những lực lượng chính trị tốt nhất, tùy theo từng giai đoạn phát triển của đất nước. Bởi vì cuộc sống vốn đa dạng và biến đổi hàng ngày hàng giờ, chứ không phải là giáo điều và cứng nhắc như những gì mà Mác đã nêu ra từ hơn một thế kỷ rưỡi qua. Nếu xét trên bình diện quốc gia để đánh giá, sự đa đảng khi nó có, nhất định sẽ làm cho đất nước tốt hơn. Dân tộc đoàn kết hơn, chứ không thể xấu đi được. Còn một khi những giải pháp được đưa ra cứ theo kiểu chắp vá, nửa vời như hiện nay, (tức là chỉ chấp nhận đổi mới kinh tế nhưng cương quyết không chấp nhận đổi mới chính trị) do xuất phát từ việc luôn đặt quyền lợi của ÐCS Việt Nam lên trên hết, thì nó không thể chống, cũng chẳng thể xây được cái gì cho đến đầu, đến đũa. Chính nó là nguyên nhân lớn nhất, sâu xa nhất đã và đang từng ngày, từng giờ triệt phá biết bao sức lực, tiền bạc của nhân dân cùng tài nguyên, vốn vay mượn,… của đất nước. Thậm chí có khi phải chịu nhượng bộ cả những vùng lãnh thổ hoặc lãnh hải thiêng liêng mà tổ tiên ta để lại cho con cháu hôm nay, như nó đã từng diễn ra trong quá khứ. Tóm lại nó chỉ làm cho đất nước càng ngày càng tụt hậu thêm so với thế giới, mất dần những khả năng cạnh tranh vốn đã rất yếu kém trong điều kiện toàn cầu hoá. Ðể rồi có thể sẽ mãi mãi không ngóc đầu lên được như nhiều nước ở châu Phi hôm nay. (theo tiến sỹ Lê Ðăng Doanh - viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương: trong một cuộc nghiên cứu gần đây về khả năng cạnh tranh kinh tế, thì Việt Nam đứng thứ 53/ 59 nước được điều tra, tức là tụt đi 5 bậc so với năm 1999 - xem website: www.vnn.vn ngày 1.4.2001). Ở trong nước những năm qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã có nhiều bài viết, nói chuyện của các nhà lãnh đạo trong ÐCS Việt Nam hoặc của các nhà lý luận thường cho rằng: Sự đa đảng là chỉ phù hợp với những xã hội đã phát triển như ở các nước Bắc Mỹ, phương Tây, Úc, v.v... thôi, chứ dứt khoát nó chưa thể đem áp dụng vào Việt Nam được, do những khác biệt về lịch sử, văn hóa, con người,... và cảnh báo rằng nếu không khéo rồi lại xảy ra mất ổn định chính trị, đi kèm với nó là những xung đột và hỗn loạn, đói nghèo và bệnh tật như nhiều nước châu Phi và một số nước khác. Từ đó đi tới kết luận: Ðảng ta cương quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng! Theo tôi đây là một vấn đề lớn cần được nhiều người phân tích kỹ hơn, xong cũng chỉ xin lưu ý với những ai có ý kiến này là: nguyên nhân sâu xa của những xung đột, đói nghèo,... ở các nước trên đã có quá trình lịch sử lâu dài từ nhiều trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm trước, nhưng khi ấy thì nền dân chủ đa nguyên, cũng như sự đa đảng là chưa hề ló dạng ở bất cứ nơi nào trên thế gian này. Hơn nữa với một vấn đề quan trọng liên quan tới sự thịnh - suy của đất nước, thì không thể chỉ căn cứ vào duy nhất một ý kiến như trên được. Nếu đã nói là "không phù hợp" thì tại sao không để cho chính lịch sử ấy, nền văn hóa và dân tộc ấy khẳng định rằng chúng quả là như vậy đi thông qua một cuộc Trưng Cầu Dân Ý? Nói cách khác, nó là một cuộc Tổng điều tra xã hội học, một Hội Nghị Diên Hồng mang tầm vóc toàn dân tộc. Nó không đòi ai một cái gì ngay lập tức, mà chỉ đề nghị một cách làm là: ÐCS Việt Nam với vị trí chính trị đang có của mình, hãy tạo điều kiện để nhân dân được hỏi xem ý chí và nguyện vọng của họ hôm nay là gì? (dù là với câu hỏi trên hay bất cứ một câu hỏi tương đương nào khác.). Còn nếu không thì ý kiến trên chỉ là rất chủ quan và phiến diện. Thực chất là sự ngụy biện, để hoặc vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho những điều giả dối, ác độc tiếp tục hoành hành trên khắp đất nước. Và do vậy, những điều mà dân tộc đã bị nghe mãi bao năm trời đại loại như " Ðảng ta là của dân, do dân và vì dân. Mọi hy sinh phấn đấu cũng đều là vì hạnh phúc của nhân dân, v.v…"! Chỉ là nói lấy được, nếu như không muốn nói là trơ trẽn và dối trá. 5 - Hai điểm cần làm rõ thêm: - Có người cho rằng: thế nếu cụ Hồ không tìm đến được với Lê Nin vào năm 1920, để rồi 10 năm sau sáng lập và rèn luyện ÐCS Việt Nam, thì lấy lực lượng nào mà tổ chức và lãnh đạo dân tộc ta chiến thắng được hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, giành lại được độc lập tự do, thống nhất được đất nước, trên cơ sở vũ khí lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê Nin? Ở đây tôi không có ý trình bày về những nguyên nhân và tính chất của hai cuộc chiến ấy, và liệu đất nước có thể tránh được chúng hay không ( nhất là cuộc chiến tranh sau với người Mỹ), nếu như CT Hồ Chí Minh không mang con đường của chủ nghĩa Mác - Lê Nin về Việt Nam, mà chỉ xin lưu ý tới vấn đề "Vũ khí lý luận" nói ở trên: Ðối với lịch sử giữ nước của dân tộc ta thì việc chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm, kể cả nhiều lần phải đương đầu với những thế lực rất hùng mạnh, không phải là chuyện mới mẻ chưa từng xảy ra. Bằng chứng rõ ràng nhất là việc chiến thắng giặc Nguyên vào thế kỷ thứ 13 đời nhà Trần, gắn liền với tên tuổi của vị tướng lừng danh thế giới Trần Hưng Ðạo: vó ngựa của quân Nguyên đã từng chinh phục nhiều dân tộc từ châu Á sang châu Âu, nhưng khi đến Việt Nam thì chúng đã gặp thất bại. Chẳng những thất bại 1 lần mà thất bại tới 3 lần. Chỉ có điều là ông cha ta thuở ấy nào đã biết đến các ông Mác, Lê Nin là ai? Bởi một lẽ giản đơn là phải đến 6 thế kỷ sau thì các ông kia mới ra đời. Một điểm quan trọng nữa là trong cả 3 lần chiến thắng ấy, tổ tiên ta không hề phải nhờ đến sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Bởi vì chính họ cũng bị quân Nguyên đô hộ, kể cả các nước lớn như Nga, Trung Hoa. Những chiến thắng trước và sau đó như Bạch Ðằng, Chi Lăng, Ðống Ða,... gắn với tên tuổi của những vị anh hùng dân tộc khác như: Ngô Quyền, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, v.v… càng khẳng định thêm cho điều này. Tất cả đều diễn ra trước khi các ông kia sinh ra. - Sau sự sụp đổ của Liên Xô và Ðông Âu, nhiều nước trên thế giới lo ngại về một trung tâm sức mạnh tuyệt đối, không có đối trọng xuất phát từ nước Mỹ. Những nhà lãnh đạo trong ÐCS Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng về điều này và ủng hộ cho một thế giới đa cực, có đối trọng. Nhưng nếu đã như vậy thì nên công bằng và nhất quán. Chứ không thể về mặt quốc tế thì chống sự đơn cực quyết liệt, còn ở trong nước thì lại "sắt son" tới cùng với sự đơn đảng được! Như trong bài Việt Nam Ðất Nước Tôi đã có dịp trình bày, và nay tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình rằng: Trong suốt 56 năm qua kể từ ngày 2.9.1945 đến nay, trước dân tộc ÐCS Việt Nam vẫn luôn là tự xướng danh, chứ không chính danh. Nếu muốn chính danh ÐCS Việt Nam cần phải giành được chiến thắng trong một cuộc Bầu cử tự do. Còn nếu thua thì phải nhường quyền lãnh đạo đất nước lại cho các đảng khác đã thắng, rồi chờ đến kỳ bầu cử sau. Như vậy mới là công bằng và phù hợp với nền dân chủ của thời đại mới. Tức là phải chấp nhận một sự đua tranh trên chính trường như tất cả các ÐCS ở các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Úc,... hàng trăm năm qua, hoặc như ở các nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô, Ðông Âu hơn 10 năm qua. Xét ở một góc độ nào đó, nó cũng giống như trong một giải bóng đá tranh chức vô địch quốc gia mà ở đó, những điều luật đem ra áp dụng phải tạo được sự bình đẳng thực sự cho những đội tham gia. Còn cơ hội có chiếm được vị trí số 1 hay không thì lại tùy thuộc vào khả năng của mỗi đội: Nếu thành tích thi đấu của anh là cao nhất anh sẽ là đội vô địch, nếu không thì phải chịu đứng thứ hạng thấp hơn, còn nếu kém quá thì có khi phải xuống hạng. Thậm chí phải chấp nhận cả chuyện giải thể hay sát nhập (nếu như có đội nào đó đồng ý sát nhập cùng anh). Nhưng những cầu thủ giỏi và có phong cách thi đấu tốt thì vẫn luôn được khán giả tin yêu và ủng hộ. Họ không có lý do gì để lo ngại thất nghiệp cả. Một số sẽ nghỉ thi đấu và chuyển sang làm các công việc khác thích hợp hơn Còn những ai vẫn quyết tâm ở lại để xây dựng và củng cố đội mình thì cũng là điều tốt. Nếu chỉ xét riêng về tính quân tử và lòng trung thực, họ xứng đáng được mọi người vị nể. Một nền bóng đá quốc gia nếu muốn phát triển thì không thể chấp nhận tình trạng chỉ có một đội bóng nào đó, do muốn chiếm mãi ngôi "vô địch" bằng cách cứ nói khơi khơi rằng: " Trong điều kiện hiện nay cũng như trong tương lai, không có sự cần thiết khách quan nào để tạo dựng nên những đội bóng khác! Mọi ý kiến đòi sự "đa đội" đều là lạc lõng và xa lạ với thực tiễn, là dối trá và lừa bịp. Vì "đơn đội" đã là sự lựa chọn của khán giả rồi! Lịch sử thời đại cũng đã chứng minh như vậy.”! Nhưng theo tôi có lẽ không có khán giả nào bỏ tiền vào sân mà chỉ để xem có mỗi một đội bóng cứ xắn quần xắn áo, tất tả chạy ngược chạy xuôi, rồi sau đó là xăm xăm lên nhận Cup bao giờ. 6 - Những lời thay cho kết luận: Ngày nay dân tộc ta hoàn toàn có đủ điều kiện để chọn lại đường đi cho dân tộc mình. Chắc chắn cả dân tộc cùng chọn sẽ tốt hơn một người hoặc một lực lượng chính trị nào đó chọn. Nếu những ai đang nắm thực quyền trong ÐCS Việt Nam vẫn tìm đủ mọi cách để cố bám víu đến cùng vào sự duy nhất nói ở trên, thì chính họ đang chống lại cả một dân tộc và trào lưu dân chủ mới trên thế giới. Kể cả việc phản bội lại chính những đồng chí cũ của mình hiện còn sống, cùng biết bao người đã ngã xuống trên khắp các nẻo đường mặt trận. Họ cũng chẳng thực sự tôn kính gì chủ tịch Hồ Chí Minh qua việc cứ đem tư tưởng của ông ra làm chiếc bình phong, nhằm che đậy cho những việc làm khuất khúc của mình. Bởi vì khi còn sống chính CT Hồ Chí Minh đã hơn một lần khẳng định rằng ông không hề có tư tưởng gì đặc biệt cả, mà chỉ có năng lực hoạt động thực tiễn thôi. Càng "đeo râu đội mũ" cho ông họ càng làm khổ ông. Chính họ đã và đang là những người vừa trực tiếp, vừa gián tiếp quấy rối giấc ngủ của ông, chứ không phải là "giữ yên giấc ngủ của Người" như họ vẫn thường nói. Ngay với Mác và Ăng Ghen họ cũng chẳng trung thành gì, bởi vì cả hai ông lúc sinh thời, ít ra cũng đã đều thừa nhận sự tồn tại của những đảng công nhân khác bên cạnh đảng cộng sản: "…Những người cộng sản ở mọi nơi đều phấn đấu cho sự đoàn kết và sự liên hiệp của các đảng dân chủ ở tất cả các nước..." và "…Những người cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, đối lập với các đảng công nhân khác…". (trích Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản 1848 - phần I I ). Trong thực tiễn, tất cả các ÐCS ở các nước XHCN đều đã cố tình nhập nó lại làm một, và mọi người Việt Nam hôm nay đang cùng với thế giới tiến bộ bền bỉ đấu tranh tách cho được nó ra. Ðể sao cho trong tương lai gần, trên chính trường của một nước Việt Nam mới, chẳng những chỉ có các đảng công nhân mà còn có các đảng khác nữa, theo sự đòi hỏi của cuộc sống sinh động. Tôi cũng viết bài này như những lời trần tình cùng với những độc giả nếu có của mình. Chúng hoàn toàn không phải là để đả phá hay công kích bất cứ một cá nhân nào, dù là trong những bài viết có thể tôi đã nhắc đến họ. Tôi nghĩ rằng mong muốn của tôi cũng giống như của biết bao người Việt Nam khác là được góp một phần công sức dù nhỏ, nhằm chuyển biến được căn bản tình hình đất nước trong một diễn biến hòa bình, đưa nước ta hòa nhập tốt vào thế giới đang biến đổi mạnh mẽ. Sự hòa nhập về kinh tế tự bản thân nó đã chứa đựng những điều kiện tự nhiên cho sự hòa nhập về chính trị và ngược lại; giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ và biện chứng để thúc đẩy hoặc kìm hãm lẫn nhau. Ðiều đó tùy thuộc vào khả năng tận dụng hay bỏ lỡ của mỗi quốc gia. Nếu đất nước vẫn phải tiếp tục chịu đựng tình cảnh như hiện nay là: run rẩy chấp nhận sự hòa nhập của vế trước và phủ nhận hoàn toàn vế sau, thì nguy cơ lớn nhất chính là sự gặm nhấm, ăn mòn do đủ các loại "axít" gây ra. Nó không phải là sự hòa nhập mà dân tộc đang thiết tha mong đợi. Nó chính là sự hòa tan trong đau đớn, tủi nhục. Và do vậy cơ hội mà thời đại mới đang mở ra cho dân tộc ta có thể rút ngắn được phần nào khoảng cách đã bị tụt hậu quá xa so với thế giới. Với các nước trong khu vực Ðông Nam Á (ASEAN) - những nước mà phần lớn trước Cách Mạng Tháng 8.1945 đều có hoàn cảnh tương tự như Việt Nam, cũng sẽ bị tiêu tan. Nếu tình hình diễn ra đúng như vậy thì trách nhiệm ấy, những người bảo thủ hiện đang nắm thực quyền trong ÐCS Việt Nam hôm nay, sẽ phải trả lời trước dân tộc và lịch sử trong nay mai khi dân tộc ấy chuyển mình. Chính họ chứ không phải ai khác lại một lần nữa cố tình bỏ lỡ chuyến tầu văn minh trí tuệ mà lẽ ra dân tộc đã được hưởng sớm hơn. Với lịch sử và dân tộc họ là tội phạm chứ không phải là nạn nhân! Nền dân chủ thực sự cho Việt Nam dẫu phải trải qua những gian nan thử thách, nhưng nhất định cuối cùng dân tộc cũng sẽ giành được nó. Bởi vì quy luật muôn đời của con người là: cùng tắc biến, biến tắc thông - Không có điều gì bị dồn nén đến cùng cực mà không biến và một khi đã biến thì ắt sẽ thông!