Những biến đổi mới về kinh tế trong đời sống nông dân
Bàn về cuốn sách của V. Ê. Pô-xtơ-ni-cốp:
"Kinh tế nông dân ở miền Nam nước Nga"
III

Trong chương trên, chúng tôi tổng hợp những số liệu nói lên mức độ khá giả của nông dân và quy mô kinh doanh của mỗi hộ, theo từng loại hộ. Giờ đây, cần phải tổng hợp những số liệu xác định tính chất của việc kinh doanh đó, phương pháp và chế độ kinh doanh đó.
Trước tiên, chúng ta hãy xét luận điểm của Pô-xtơ-ni-cốp nói rằng "quy mô kinh doanh và việc sử dụng máy móc mà tăng lên thì năng suất lao động của nông dân và năng
lực lao động của gia đình cũng theo đó mà tăng lên rất nhiều" (tr.X). Tác giả chứng minh luận điểm đó bằng cách tính số người lao động và súc vật cày kéo cần thiết cho một diện tích gieo trồng nhất định nào đó, trong các loại nông hộ. Làm như thế thì không thể dùng những số liệu về số người trong gia đình được, vì "một phần những người lao động thuộc loại nông hộ hạng dưới đi làm công nhân nông nghiệp ở nơi khác, còn những nông hộ hạng trên lại thuê công nhân nông nghiệp" (tr.114). Thống kê của các hội đồng địa phương ở tỉnh Ta-vrích không cho biết con số những người lao động đã được thuê, nên Pô-xtơ-ni-cốp tính con số đó một cách phỏng chừng bằng cách dựa vào những số liệu thống kê của các hội đồng địa phương về số nông hộ có thuê công nhân, và dựa vào sự tính toán số người lao động cần thiết để canh tác một diện tích nào đó. Ông thừa nhận rằng những số liệu phỏng tính như vậy thì không thể nói là tuyệt đối chính xác được, nhưng ông cũng nghĩ rằng ông tính như vậy thì chỉ có số người trong gia đình của 2 loại hộ hạng trên là bị thay đổi đi nhiều, vì con số những người lao động đã được thuê trong các loại nông hộ khác thì không nhiều.
"Như vậy là, trong nông dân, quy mô kinh doanh và diện tích ruộng đất gieo trồng mà tăng lên thì những chi phí để duy trì sức lao động, người và súc vật cày kéo  là số chi phí chính trong nông nghiệp,  càng giảm xuống, và trong những loại nông hộ gieo trồng nhiều thì tiền chi phí đó cho mỗi đê-xi-a-tin ruộng đất gieo trồng chỉ gần bằng một nửa số chi phí của những loại nông hộ gieo trồng ít" (tr.117).
Sau đó, tác giả chứng minh luận điểm nói rằng chi phí về người lao động và về súc vật cày kéo là chi phí lớn nhất trong nông nghiệp, chứng minh rằng ví dụ về những khoản chi phí chi tiết của một hộ men-nô-nít7: trong tổng số chi, thì 24,3% là chi cho kinh doanh; 23,6% chi cho súc vật cày kéo và 52,1% chi cho những người lao động (tr.284).
Đối với Pô-xtơ-ni-cốp, thì kết luận của ông nói rằng quy mô doanh nghiệp mà tăng lên thì năng suất lao động cũng tăng lên theo (đoạn dẫn trên kia, nằm trong lời tựa của ông, cũng cho ta thấy như thế) có một tầm quan trọng lớn, và chúng ta cũng phải thừa nhận tầm quan trọng thực tế của kết luận đó: thứ nhất là, đối với việc nghiên cứu đời sống kinh tế của nông dân ở nước ta và tính chất của các doanh nghiệp trong các loại nông hộ; thứ hai là, đối với việc nghiên cứu vấn đề chung về quan hệ giữa lối canh tác quy mô nhỏ và lối canh tác quy mô lớn. Vấn đề sau cùng đó đã bị nhiều tác giả làm cho rối tung lên và sở dĩ vấn đề đó rối tung lên như vậy thì lý do chủ yếu là vì các tác giả đó đem so sánh với nhau những doanh nghiệp không thuộc cùng một loại, ở trong những điều kiện xã hội khác nhau và theo những phương thức kinh doanh khác nhau; chẳng hạn họ đem so sánh với nhau những doanh nghiệp sản xuất nông sản để kiếm lời và những doanh nghiệp lợi dụng lúc các doanh nghiệp khác cần ruộng đất, để kiếm lời (như những doanh nghiệp của nông dân và doanh nghiệp của địa chủ trong thời kỳ tiếp ngay sau cuộc cải cách 18618). Pô-xtơ-ni-cốp hoàn toàn không mắc sai lầm đó và ông không quên nguyên tắc cơ bản để so sánh là: những hiện tượng được đem so sánh với nhau, phải thuộc cùng một loại.
Kết luận cũng vẫn như cũ: "trong một doanh nghiệp quy mô nhỏ, con số tương đối về súc vật cày kéo cần cho một diện tích gieo trồng nhất định, thì lớn hơn từ 11/2 đến 2 lần số lượng súc vật dùng trong một nông hộ "có đủ sức kéo". Việc điều tra từng hộ cũng phát hiện ra rằng quy luật đó cũng thích dụng đối với tất cả những loại hộ nhỏ khác; các hộ nông dân trước kia thuộc địa chủ, hộ phéc-mi-ê, v.v., và điều đó là đúng cho tất cả các khu vực, kể cả những khu vực nhỏ nhất, chỉ hẹp bằng một tổng hay thậm chí bằng một thôn, cũng vậy" (tr. 274).
Cả về một loại chi phí khác như: bảo quản nông cụ và nuôi dưỡng súc vật sinh sản, thì quan hệ so sánh giữa diện tích gieo trồng và chi phí kinh doanh cũng không có lợi cho những nông hộ nhỏ.
Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Thống kê của các hội đồng địa phương nói lên một cách rõ ràng không chối cãi được rằng, tính theo một diện tích gieo trồng nhất định, thì quy mô doanh nghiệp của nông dân càng lớn chừng nào, lại càng cần ít nông cụ, ít người lao động và ít súc vật cày kéo chừng nấy" (tr. 162).
Dưới đó Pô-xtơ-ni-cốp lại nói: "Như đã chứng minh trong những chương trên, trong tất cả các huyện ở tỉnh Ta-vrích, hiện tượng đó là hiện tượng chung cho tất cả các loại nông hộ và cho tất cả các khu vực. Theo những tài liệu thống kê của các hội đồng địa phương, thì hiện tượng đó cũng biểu hiện trong nền kinh tế nông dân ở các tỉnh khác mà ở đó nghề nông cũng là ngành chủ yếu trong nền kinh tế nông dân. Như thế, hiện tượng đó là một hiện tượng phổ biến rộng, và mang hình thái một quy luật có một tầm quan trọng lớn về mặt kinh tế, vì chính quy luật đó là quy luật, trên một mức độ lớn, đã làm cho doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ mất ý nghĩa kinh tế của nó" (tr. 313).
Nhận xét sau cùng này của Pô-xtơ-ni-cốp có hơi sớm một chút: muốn chứng minh rằng những doanh nghiệp nhỏ không tránh khỏi bị những doanh nghiệp lớn loại trừ, mà chỉ xác định rằng những doanh nghiệp lớn là có lợi hơn (giá sản phẩm thấp hơn) thì cũng chưa đủ, mà còn phải xác định được rằng nền kinh tế tiền tệ (nói cho thật chính xác là: nền kinh tế hàng hoá) là nền kinh tế chiếm địa vị ưu thế so với nền kinh tế tự nhiên, vì trong nền kinh tế tự nhiên, sản phẩm là để cho cá nhân người sản xuất tiêu dùng, chứ không phải để đem bán, nên trên thị trường, sản phẩm rẻ không đụng phải sản phẩm đắt, do đó sản phẩm rẻ không thể loại trừ sản phẩm đắt được. ở một đoạn dưới, điểm đó sẽ được bàn đến một cách tỉ mỉ hơn.
Để chứng minh rằng quy luật đã được xác định trên đây là quy luật thích dụng cho toàn nước Nga, ông Pô-xtơ-ni-cốp chọn những huyện mà thống kê của các hội đồng địa phương đã tiến hành phân loại dân cư một cách tỉ mỉ về mặt kinh tế, và ông tính xem trong từng loại hộ, mỗi cặp súc vật cày kéo và mỗi người lao động có thể làm được một diện tích gieo trồng là bao nhiêu. Ông cũng rút ra được một kết luận hệt như trước, tức là "trong một doanh nghiệp nông dân quy mô nhỏ, tiền chi phí về nhân công cho một diện tích gieo trồng thì lớn hơn từ 1 1/2 đến 2 lần tiền chi phí trong một doanh nghiệp quy mô lớn hơn" (tr. 316). Điều đó đúng cả với tỉnh Péc-mơ (tr. 314) lẫn các tỉnh Vô-rô-ne-giơ, Xa-ra-tốp và Tséc-ni-gốp (tr. 315), thành thử Pô-xtơ-ni-cốp nhất định là đã chứng minh được rằng quy luật đó thích dụng cho toàn nước Nga.
Bây giờ chúng ta bàn đến vấn đề những "khoản thu chi" (chương IX) của các loại nông hộ, và vấn đề quan hệ của các loại đó với thị trường.
Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Trong mỗi nông hộ với tính cách là một đơn vị độc lập, thì diện tích ruộng đất gồm có 4 phần sau đây:: một phần sản xuất ra lương thực dùng cho gia đình người làm ruộng và công nhân sống ở hộ đó; nói theo nghĩa hẹp, đó là diện tích lương thực của nông hộ. Một phần khác cung cấp thức ăn cho súc vật cày kéo của hộ đó và có thể gọi là diện tích trồng thức ăn cho súc vật. Phần thứ ba gồm vườn tược, đường sá, ao hồ, v. v. và phần diện tích gieo trồng để lấy hạt giống; ta có thể gọi phần đó là diện tích kinh doanh, vì phần đất đó phục vụ cho toàn bộ doanh nghiệp. Sau cùng, phần thứ tư cung cấp các loại ngũ cốc và cây để đem bán dưới hình thái chưa chế biến hay được chế biến rồi. Đó là diện tích thị trường hay diện tích thương phẩm của nông hộ. Trong mỗi một đơn vị kinh tế tư nhân, thì cái quyết định việc phân chia ruộng đất ra thành bốn phần nói trên, không phải là các loại cây người ta đã trồng mà là mục đích rực tiếp người ta nhằm khi trồng các loại cây ấy.
Thu nhập bằng tiền của nông hộ là do diện tích thương phẩm quyết định; diện tích này mà càng rộng và giá trị tương đối của các sản phẩm do diện tích đó cung cấp mà càng cao, thì yêu cầu của các điền chủ đối với thị trường càng lớn; trong vùng mà thị trường của nước ta phục vụ được, số lượng lao động phi nông nghiệp lại càng lớn; đối với nước ta, ý nghĩa nhà nước (thuế má) và văn hoá của nông nghiệp lại càng lớn, và cả thu nhập ròng của bản thân người nghiệp chủ và những khoản dự trữ mà người đó dùng để chi vào nông nghiệp và vào cải tiến nông nghiệp, cũng càng cao" (tr. 257).
Lập luận đó của Pô-xtơ-ni-cốp sẽ hoàn toàn đúng, nếu chỉ sửa đổi thêm một điểm khá trọng yếu: tác giả nói đến tầm quan trọng của diện tích thương phẩm đối với đất nước nói chung, nhưng rõ ràng là chỉ có thể nói như thế khi nào ta nói đến một nước, trong đó kinh tế tiền tệ chiếm ưu thế và một phần lớn sản phẩm mang hình thái hàng hoá. Quên mất điều kiện đó, coi điều kiện đó là điều dĩ nhiên, bỏ qua không nghiên cứu tỉ mỉ mức độ thích dụng của điều kiện đó với nước đang được nói đến, như thế là rơi vào sai lầm của phái kinh tế chính trị tầm thường.
Trong toàn bộ diện tích của doanh nghiệp, việc phân biệt diện tích thương phẩm là một điều rất quan trọng. Cái có ý nghĩa đối với thị trường bên trong, tuyệt nhiên không phải là thu nhập của người sản xuất nói chung (thu nhập quyết định: mức khá giả của người sản xuất) mà hoàn toàn chỉ là thu nhập bằng tiền của người đó thôi. Việc nắm giữ tiền bạc trong tay hoàn toàn không do mức khá giả của người sản xuất quyết định: một nông dân nào đó làm ruộng đất của mình mà có được một số sản phẩm hoàn toàn đầy đủ cho sự tiêu dùng của mình, song lại tiến hành kinh tế tự nhiên, thì anh ta sống sung túc, nhưng lại không có tiền; một nông dân khác đã phá sản một nửa, chỉ lấy được ở mảnh đất của mình ra một phần nhỏ số lúa mì cần thiết cho mình, và phần còn thiếu, anh ta mua (dù số lượng được ít hơn và chất lượng xấu hơn) bằng "những khoản kiếm thêm" không thường xuyên, thì anh ta sống không được sung túc, nhưng anh ta lại có tiền. Do đó chúng ta thấy rằng, nếu không căn cứ vào việc tính toán thu nhập bằng tiền của các doanh nghiệp nông dân, thì bất cứ một nghị luận nào về tầm quan trọng của các doanh nghiệp nông dân và của thu nhập của các doanh nghiệp đó đối với thị trường, đều không có giá trị gì cả.
Để xác định diện tích của bốn phần đã nói trên trong tổng số ruộng đất gieo trồng của các doanh nghiệp nông dân thuộc từng loại hộ, trước hết Pô-xtơ-ni-cốp tính số lúa mì tiêu dùng hàng năm, và ông tính tròn là 2 tsét-véc lúa mì mỗi đầu người (tr. 259), như thế là trong toàn bộ diện tích gieo trồng, thì tính ra phải cần 2/3 đê-xi-a-tin cho một đầu người.
Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Sự chênh lệnh như đã nêu ở trên giữa số thu nhập bằng tiền của từng loại hộ một, đã minh hoạ đầy đủ ý nghĩa của quy mô doanh nghiệp, nhưng thực ra sự chênh lệch như thế giữa số thu nhập của những diện tích gieo trồng tuỳ theo các loại hộ tất còn phải lớn hơn thế nữa, vì trong những loại hộ hạng trên, cần phải giả định là số thu hoạch của mỗi đê-xi-a-tin được nhiều hơn, và giá bán lúa mì được cao hơn.
Trong khi tính thu nhập như thế chúng tôi đã không tính toàn bộ diện tích ruộng đất của doanh nghiệp mà chỉ tính có diện tích gieo trồng thôi, vì chúng tôi không có những số liệu chính xác về mức tiêu dùng của từng loại súc vật làm việc trên các phần ruộng đất khác của các nông hộ trong các huyện thuộc tỉnh Ta-vrích; nhưng những số liệu đã kể ra đó cũng làm nổi bật được khá chính xác sự chênh lệch giữa số thu nhập bằng tiền do doanh nghiệp mang lại cho các loại nông hộ, vì thu nhập bằng tiền của một nông dân miền Nam nước Nga chuyên làm nghề nông thì hầu như hoàn toàn là do diện tích gieo trồng quyết định. Những số liệu đó chứng tỏ rằng diện tích gieo trồng thay đổi thì số thu nhập đó cũng theo đó mà thay đổi nhiều đến như thế nào. Một gia đình có 75 đê-xi-a-tin ruộng đất gieo trồng hàng năm thu được một số tiền mặt có thể lên tới 1 500 rúp; một gia đình có 34 1/2 đê-xi-a-tin hàng năm thu được 574 rúp; một gia đình khác ruộng đất gieo trồng 16 1/3 đê-xi-a-tin thì chỉ thu được 191 rúp thôi. Một gia đình gieo trồng 8 đê-xi-a-tin chỉ thu được 30 rúp, nghĩa là không đủ để trang trải những chi phí về tiền cho doanh nghiệp của mình, nếu không làm thêm một nghề phụ nữa. Đương nhiên là những con số trên đây còn chưa cho ta biết được thu nhập do kinh doanh mà thu được, và muốn biết được số thu nhập ròng đó, phải trừ đi tất cả các món chi phí của doanh nghiệp về thuế má, nông cụ, nhà cửa, quần áo, giày dép, v. v.. Nhưng những món chi này không tăng lên theo tỷ lệ thuận với quy mô của doanh nghiệp. Những chi phí về sinh hoạt của gia đình tăng lên theo tỷ lệ thuận với số nhân khẩu trong gia đình, nhưng cứ theo biểu đồ trên đây thì nhân khẩu của gia đình không tăng lên nhanh bằng diện tích gieo trồng trong các loại hộ. Tất cả những chi phí của doanh nghiệp (đóng thuế điền thổ, nộp tô, sửa chữa nhà cửa và nông cụ) dù sao cũng chỉ tăng lên theo tỷ lệ thuận với diện tích gieo trồng, trong khi đó tổng thu nhập bằng tiền do doanh nghiệp mang lại, như biểu đồ trên kia đã chỉ rõ, lại tăng lên nhanh hơn tỷ lệ tăng của diện tích gieo trồng. Hơn nữa, tất cả những chi phí đó lại hoàn toàn không đáng kể so với món chi phí chủ yếu của doanh nghiệp là chi phí về nhân công. Do đó, chúng ta có thể nhận thấy hiện tượng sau đây: trong kinh tế nông dân, quy mô doanh nghiệp mà giảm đi thì thu nhập do nghề nông mang lại, tính theo đê-xi-a-tin, cũng giảm dần xuống" (tr. 320).
Như vậy là theo những tài liệu của Pô-xtơ-ni-cốp, chúng ta thấy rằng đối với thị trường thì các doanh nghiệp của các loại nông hộ khác nhau về căn bản: những loại nông hộ hạng trên (mỗi hộ có trên 25 đê-xi-a-tin diện tích gieo trồng) thì kinh doanh có tính chất thương nghiệp; mục đích họ sản xuất ra lúa mì là để kiếm một món thu nhập. Trong những loại hộ hạng dưới thì trái lại, nghề nông không cung ứng đủ cho nhu cầu cần thiết của gia đình (đó là trường hợp những hộ nông dân canh tác 10 đê-xi-a-tin trở lại); nếu chúng ta tính toán một cách chính xác tất cả những món chi phí cần cho doanh nghiệp, thì chắc chắn là ở những loại hộ đó doanh nghiệp bị thua lỗ.
Dùng những tài liệu mà Pô-xtơ-ni-cốp đã dẫn ra để xác định quan hệ giữa hiện tượng nông dân chia thành nhiều loại khác nhau, với khối lượng yêu cầu đề ra cho thị trường, như thế cũng là một việc rất có ý nghĩa. Chúng ta biết rằng yêu cầu đó nhiều hay ít là do diện tích thương phẩm quyết định, và quy mô doanh nghiệp tăng lên cũng làm cho diện tích thương phẩm tăng lên theo; nhưng quy mô doanh nghiệp của các loại hộ hạng trên mà tăng thì đồng thời quy mô doanh nghiệp của các loại hộ hạng dưới lại giảm đi. Về mặt số lượng nông hộ thì những loại hộ hạng dưới lại đông gấp đôi loại hộ hạng trên: tỷ lệ phần trăm các hộ thuộc loại hạng dưới trong các huyện ở tỉnh Ta-vrích là 40%, tỷ lệ phần trăm các hộ thuộc loại hạng trên lại chỉ là 20% thôi. Nhưng nói chung, liệu sự phân hoá kinh tế nói trên đây có thể làm cho khối lượng của số cầu ở trên thị trường rút xuống được không? Nói cho đúng ra thì chúng ta có quyền trả lời rằng không, mà chỉ cần dựa vào những suy luận tiên nghiệm sau đây: thực ra trong những loại hộ hạng dưới, doanh nghiệp quy mô nhỏ quá thành thử nghề nông không đáp ứng đủ nhu cầu của gia đình; muốn khỏi chết đói, những người thuộc những loại hộ hạng dưới đó phải mang sức lao động của mình ra thị trường bán để kiếm một số tiền nào đó nhằm bù vào (được một phần nào đó) chỗ thiếu hụt do quy mô đã bị giảm đi của doanh nghiệp gây ra. Nhưng những số liệu của Pô-xtơ-ni-cốp cho phép trả lời một cách chính xác hơn về câu hỏi đã được đặt ra đó.
Chúng ta hãy lấy một diện tích gieo trồng, chẳng hạn là 1 600 đê-xi-a-tin và giả định ra hai cách phân bố: cách thứ nhất là phân bố giữa những nông dân giống nhau về mặt kinh tế; cách thứ hai là phân bố giữa những nông dân chia thành các loại khác nhau, chẳng hạn như những loại hiện có ở các huyện trong tỉnh Ta-vrích. Trong trường hợp thứ nhất, nếu giả định là mỗi hộ trung bình có được một diện tích gieo trồng là 16 đê-xi-a-tin (đó cũng là tình hình thực tế trong các huyện ở tỉnh Ta-vrích), chúng ta sẽ có 100 hộ chỉ nhờ vào nghề nông mà hoàn toàn thoả mãn được nhu cầu của mình. Yêu cầu đề ra trên thị trường sẽ là 191x100=19 100 rúp. Trường hợp thứ hai: 1 600 đê-xi-a-tin diện tích gieo trồng được phân bố cho 100 hộ nói trên theo một cách khác, theo cách giống hệt như sự phân bố thực tế về diện tích gieo trồng giữa các nông dân trong các huyện thuộc tỉnh Ta-vrích: 8 hộ hoàn toàn không có một chút ruộng đất gieo trồng nào cả; 12 hộ gieo trồng mỗi hộ 4 đê-xi-a-tin; 20 hộ gieo trồng mỗi hộ 8 đê-xi-a-tin; 40 hộ gieo trồng mỗi hộ 16 đê-xi-a-tin; 17 hộ gieo trồng mỗi hộ 34 đê-xi-a-tin và 3 hộ gieo trồng mỗi hộ 75 đê-xi-a-tin (tổng cộng là 1 583 đê-xi-a-tin, như thế là còn ít hơn 1 600 đê-xi-a-tin một chút kia). Phân bố như vậy thì một bộ phận rất lớn nông dân (40%) sẽ không thể rút từ ruộng đất của họ ra được một số thu nhập đủ thoả mãn tất cả những nhu cầu của họ. Chỉ tính riêng những hộ có trên 5 đê-xi-a-tin ruộng đất gieo trồng thôi, thì yêu cầu về tiền ở trên thị trường sẽ là: 20 x 30 + 40 x 191 + 17 x 574 + 3 x 1 500 = 21 350 rúp. Như thế là chúng ta thấy rằng dù đã loại bỏ ra 20 hộ [những hộ này chắc chắn là cũng có một món thu nhập bằng tiền, nhưng thu nhập này không phải là do họ bán sản phẩm của họ mà có], dù đã rút bớt diện tích gieo trồng xuống còn có 1535 đê-xi-a-tin, nhưng tổng khối lượng của số cầu về tiền ở trên thị trường lại tăng lên9.
Như đã nói, những nông dân thuộc các loại hình kinh tế hạng dưới đều bắt buộc phải bán sức lao động của mình; trái lại những nông dân thuộc loại hộ hạng trên đều bắt buộc phải mua sức lao động vì số người lao động trong gia đình họ không đủ để canh tác những diện tích gieo trồng lớn của họ. Bây giờ chúng ta phải bàn tỉ mỉ hơn về hiện tượng quan trọng đó. Hình như Pô-xtơ-ni-cốp không liệt hiện tượng đó vào số "những biến đổi mới về kinh tế trong đời sống nông dân" (chí ít thì ông cũng không nêu hiện tượng đó trong bài tựa ông dùng để tóm tắt kết quả nghiên cứu của ông), nhưng hiện tượng đó lại là hiện tượng đáng chú ý hơn là việc những nông dân khá giả dùng máy móc hoặc mở rộng diện tích canh tác của họ.
Tác giả nói: "Trong các huyện thuộc tỉnh Ta-vrích, tầng lớp nông dân khá giả hơn thường thường là dùng nhiều lao động làm thuê, và canh tác trên một diện tích vượt xa khả năng lao động của bản thân gia đình họ. Đem những số liệu đã kể ở trên kia về nhân khẩu gia đình trong các loại hộ không thuê người (số liệu riêng cho từng huyện trong ba huyện) và trong những loại có thuê người (chung cho cả ba huyện) mà so sánh với nhau, chúng ta thấy rằng những hộ gieo trồng mỗi hộ từ 25 đến 50 đê-xi-a-tin đã thuê người làm, nên con số người lao động trong doanh nghiệp của họ tăng lên theo một tỷ lệ chừng 1/3 (từ 1,8 - 1,9 người lao động mỗi hộ, tăng lên thành 2,4) và trong những hộ gieo trồng trên 50 đê-xi-a-tin mỗi hộ, thì số người lao động của họ đã tăng vào khoảng gấp đôi (từ 2,3 tăng thành 5), mà theo như tác giả đã tính thì thậm chí còn tăng quá gấp đôi nữa, tác giả cho rằng những hộ đó phải thuê đến 8 241 người lao động (tr. 115), trong khi đó tổng số nhân khẩu của họ đã là 7 129 người rồi. Trong các loại hộ hạng dưới có một số lớn những người lao động đi kiếm việc làm ở nơi khác, điều đó đã hiển nhiên vì nghề nông không thể cung cấp đủ số lượng sản phẩm cần thiết cho họ sinh sống. Tiếc thay, chúng ta không có những số liệu chính xác về số người lao động phải kiếm việc ở nơi khác. Con số những chủ hộ đem cho thuê phần ruộng được chia của mình đi, có thể cho ta thấy được điều đó một cách gián tiếp: trên kia, chúng ta đã dẫn ý kiến của Pô-xtơ-ni-cốp nói rằng chừng 1/3 dân số trong các huyện thuộc tỉnh Ta-vrích không canh tác hết phần ruộng được chia của mình.