Phần II : Trong vòng kiềm tỏa
20. Đổi mới? Mây Đầu Non

Sau khi gặp học giả Nguyên Bạt Tụy, Minh Hương và Hoài hết sức quan tâm đến trường hợp của ông. Ông là một nhà nghiên cứu kỳ dị, có những quan điểm hết sức độc đáo về ngôn ngữ học. Những bài viết trước đây của ông đã gây ra tranh luận giữa các nhà chuyên môn không những trong nước mà cả ở nước ngoài. Tuy chưa được xem công trình của ông cũng như chưa có điều kiện sưu tầm lại các tư liệu cũ liên quan đến những hoạt động trong học thuật của ông trước đây, Minh Hương và Hoài cảm thấy có trách nhiệm trong việc nêu vấn đề của ông ra trước công luận, từ đó, tìm cách xuất bản công trình nghiên cứu một đời của ông mà hai anh dự đoán sẽ là một đóng góp không nhỏ cho học thuật ở một lãnh vực không mấy người có điều kiện dấn thân vào. Nếu ông không muốn tự viết về trường hợp của mình, hai anh sẽ viết hoặc thực hiện dưới hình thức cử phóng viên đến phỏng vấn. Tuy nhiên, dự tính của hai người đã không thành. Tạp chí La Ban chỉ mới đăng một bài nghiên cứu về phong tục tập quán của ông, sau đó sau khi ra số 3, tạp chí La Ban đã bị rút giấy phép xuất bản. Việc rút giấy phép xuất bản tạp chí La Ban hầu như là một việc đương nhiên phải đến. Người ta cảm thấy không thể chỉ đạo được tạp chí này cũng như những người phụ trách nó. Người ta đã khó chịu khi đại hội thành lập hội nhà văn đón tiếp nhà thơ Hữu Lần một cách nồng nhiệt, khó chịu hơn khi La Ban đăng thơ Trần Dần, càng không thể chịu đựng được khi La Ban số kế tiếp lại đăng thơ Hữu Lần, một bài thơ tố cáo mạnh mẽ trước đây chưa hề được công bố.
Bài thơ "Tục đèo Cả" nói về người anh hùng đèo Cả năm xưa sau khi chiến thắng trở về thành phố:
Giữa thủ đô Hà nội
Có một anh xe ba gác
ngực
đầy
huân
chương
trên chiếc áo sợi đôi
màu cổ chiến trường
màu
bết
khô
quánh
đỏ
như đem đóng
vinh quang
vào ngực
bằng đinh!
Cả Hà Nội vỉa hè
theo sát
vây quanh
Công an
xông dùi cui
đến quát
Đeo huân chương
để
chủ
tâm
bôi bác?
Anh ba gác kia
cúi nhìn xuống ngực
trả lời:
là đeo
vinh
đeo
dự
sáng
ngời
Công an trợn mắt
nghiến mồm:
- là
thâm độc
bôi
đen
chế độ!
Anh ba gác
bình
tĩnh
Ta làm gì có màu đen hơn
ta
chỉ
nguyên...
và anh rũ rượi ho ra
máu đỏ
Im lặng rùng mình
Người công an
định lấy tư thế
quát
thật rắn
thật to
và phát ra thất thanh
tiếng méo
mồm cùng méo
- Người là ai?
Anh ba gác
vẫn bình tình
từng lời
từng lời.
Ta là ta
cũng
đã
mi.
- Ta là lịch sử
đóng
chặt
hơn đinh
dù chậm hơn rùa!
Trong chế độ này sao có người dám làm thơ như thế, hơn nữa là một lay "Nhân văn" cũ, La Ban lại dám cho đăng. Đã thế còn in theo kiểu bậc thang xuống dòng liên tục, giấy đâu đem đăng thơ bôi đen chế độ? Đó là chưa kể các bài vở khác ở La Ban số 2 và 3 càng ngày càng tỏ ra một quan điểm cấp tiến đáng ngại, muốn xem xét, lập lại mọi vấn đề đã được khẳng định lâu nay theo quan điểm chính thống của đảng. La Ban số 3 đã công bố lần đầu tiên một tư liệu cũ gọi là "Đề cương đề dần thảo luận ở hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học" trước đáy đã bị cấm phổ biến và những người chuẩn bị nó đã bị trù dập.
Bên cạnh đó, hội nhà văn và tạp chí La Ban chính thức lên tiếng về vụ Nguyên Ngọc, tổng biên tập báo Văn Nghệ trung ương, bị phê phán và cách chức, lại là một dấu hiệu đáng ngại nữa trong quan điểm của những người hoạt động văn nghệ ở đây.
Từ khi Nguyên Ngọc về làm tổng biên tạp báo Văn Nghệ của hội nhà văn Việt nam, tờ báo đã có những khởi sắc theo hướng đổi mới thực sự. Những phóng sự đi sâu điều tra các tội ác, đặc biệt ở nông thôn, những truyện ngắn lấy nguyên mẫu từ các nhân vật lịch sử để từ đó đặt vấn đề xem xét lại quá khứ, những bài thơ chống tiêu cực mạnh mè, những bài lý luận phê bình văn học công khai xem xét lại các giáo điều, đánh giá lại các thành tựu văn học đã qua... Xu hướng này được đông đảo bạn đọc hoan nghênh nhưng những người lãnh đạo bắt dàu lo ngại. Văn nghệ vốn là một lãnh vực rất nhạy cảm và sự chuyển động trong văn nghệ chính là báo hiệu của những chuyển động xã hội. Thế là người ta chỉ đạo để dập tắt xu hướng nguy hiểm này. Ban chấp hành hội nhà văn Việt nam đã họp, ra nghị quyết, phê phán tuần báo Văn Nghệ đã có "những lệch lạc nghiêm trọng", phân tích một số tác phẩm được đăng tải để chứng minh, cho rằng tờ báo đã "làm đổ vỡ lòng tin vào sức sống của chủ nghĩa xã hội" và quyết định "uốn nắn, chẩn chỉnh tuần báo Văn Nghệ về nội dung và tổ chức". Đây là một đòn nặng giáng xuống văn nghệ đổi mới. Nếu là trước đây, khi mọi chuyện còn bưng bít và uy quyền của đảng còn tuyệt đối, sự việc đã xong xuôi, nhưng ngày nay tình thế đã khác. Các nhà văn, trí thức, độc giả bình thường khắp cả nước đã lên tiếng phản đối nghị quyết sai trái của ban chấp hành hội nhà văn Việt nam. Ban chấp hành hội nhà văn thành phố Sương Mù và tạp chí La Ban là một trong những tổ chức đầu tiên chính thức lên tiếng với tư cách tập thể, sau một cuộc tọa đàm và đưa ra một kiến nghị mạnh mẽ. Kiến nghị yêu cầu luận báo Văn Nghệ phải là diễn đàn đổi mới, không bị quy chụp về chính trị đối với những quan điểm cấp tiến. không đồng phục, lên án việc làm của ban chấp hành hội nhà văn Việt nam và kêu gọi toàn xã hội cùng lên tiếng ủng hộ cho đổi mới mà vụ việc tuần báo Văn Nghệ chính là một điểm nóng.
Sau cuộc tọa đàm, Minh Hương và Hoài đang ngồi trao đổi về các biện pháp đấu tranh đòi tiếp tục xuất bản tạp chí La Ban, thì Mây Đầu Non xuất hiện. Anh ta lại đi xe đạp từ huyện lên để nhổ thông con về trồng tiếp. Sau lần đầu gặp Hoài ở cơ quan hội, Mây Đầu Non đã đi mấy lần nữa và cũng đã làm quan, chuyện trò về văn nghệ với Minh Hương. Vừa lên khỏi cầu thang, thấy Minh Hương và Hoài đang ngồi ở ban-công, anh ta la lớn ngay:
- Các ông dở quá! Các ông dở quá? Tạp chí La Ban sẽ không ra gì nếu không đăng lại bài "Ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ" của Nguyễn Minh Châu đã đăng lên tuần báo Văn Nghệ trung ương. Bài này quan trọng và có giá trị hơn tất cả các nghị quyết của đảng. Các ông thấy không? Văn chương mà chỉ biết mặc đồng phục, hát tụng ca thì còn gì là văn chương nữa. Hãy đọc ai điếu, hãy chôn vùi nó đi. Tay Nguyên Minh Châu này khá quá.
Tôi vốn không thích các nhà văn bắc kỳ nhưng ông Nguyễn Minh Châu này được lắm. Có thế chứ. Rồi có lúc người ta cũng phải tỉnh ngộ. Tôi hy vọng một thỏi kỳ mới đã bắt đầu mở ra. Bài viết như thế mà được đăng thì những sáng tác của tôi may ra có thể xuất hiện. Lâu nay các ông bảo tôi gởi bài nhưng tôi vẩn chưa tin các ông dám đăng nên tôi không gởi. Đây tôi đưa các ông xem mấy bài thơ mới làm.
Mây Đầu Non lục tung chiếc túi cũ kỹ rất hài hòa với bộ quần áo xập xệ sờn cũ anh đang mặc, đưa cho Minh Hương và Hoài một xấp giấy khổ lớn. Hoài mở ra, trang đầu tiên là một bài thơ hai chữ, chữ viết tay to và phóng khoáng, chiếm hết trang giấy:
Đụ mẹ
Cây bông
Hắn không
Lao động
Ai trồng
Chật chỗ
Mày nhổ
Xem sao
Máu trào
Thiên cổ
Những bài thơ còn lại theo nhiều thể loại khác nhau nhưng bài nào cũng có giọng điệu ngang tàng rất đặc biệt kiểu Mây Đầu Non, không thể lẫn với ai được.
Hoài chuyển mấy bài thơ cho Minh Hương. Minh Hương xem qua rồi thở dài:
- Muộn rồi ông Mây Đầu Non ạ! Ông ở chốn hẻo lánh nên hơi thiếu thông tin. Bài viết của Nguyễn Minh Châu đã bắt đầu bị phê phán và tạp chí La Ban đã bị rút giấy phép xuất bản. Mây Đầu Non trợn mắt, nổi sùng lên, lắp bắp:
- Đ M... Thế... mà nói đổi... đổi mới cái con c. gì?

Truyện Nửa đời nhìn lại Tựa của Đặng Tiến Đoạn mở đầu 1. Dấu hỏi đầu tiên 2. Một nét ưu tư 3. Nguồn gốc bi kịch 4. Chính trị và tình cảm 5. Xung đột 6. Chính trị và tình cảm 7. Chủ nghĩa xã hội 8. Tôn giáo 9. ích kỷ 10. ý đồ 11. Mây Đầu Non 12. Nỗi đau 13. Thực chất một chi bộ 14. Bài giảng trong nhà thờ 15. Giữa hai sức ép 16. Linh mục và tôn giáo 17. Thương cảm 18. Kiểm điểm 19. Né tránh trách nhiệm 20. Vĩnh biệt 21. Giọt nước làm tràn ly 22. Mây Đầu Non 23. Nhức nhối 24. Căm giận 25. Bất lực 26. Giã biệt. Những dấu hỏi Phần II : Trong vòng kiềm tỏa 2. Lại về với nhau 3. Đối thoại với tỉnh ủy 4. Tạp chí La Ban 5. Bên bờ vực hư vô 6. Cú đấm trong bóng tối 7. Sơ Huyền ngày gặp lại 8. Âm mưu và đố kỵ 9. Ngựa hoang bị xiềng 10. Thủ đoạn 11. Bi kịch 12. Mây Đầu Non 3 13. Điều kiện 14. Đuổi bắt đến hư vô 15. Nhà văn và quyền lực chính trị 16. Tự do và ràng buộc 17. Sự thật ơi 18. Xót xa êm dịu 19. Câu chuyện một học giả 20. Đổi mới? Mây Đầu Non 21. Thêm một lần giã biệt Đoạn trung chuyển Phần III Cuộc đấu không cân sức 2. Đảng 3. Dưới mưa đêm 4. Tranh thủ hay đấu tranh 5. Bước đầu sôi động 6. Cơn lốc xoáy vào trong 7. Sức mạnh từ chân lý 8. Trước khi quá muộn 9. Chuyên chính vô sản 10 Phản trắc 11 Bút ký của người bị khai trừ đảng 12. Thung lũng mai anh đào 13. Ai đáng bị cách chức 14. Nguồn gốc của tai họa 15. Gốc thông trăm năm 16. Dân chủ và quyền lực 17. Con đường của quyền lực 18. Ân tình và khổ lụy 19. Sương mù 20. Mê đồ trận cuối cùng 21. Tiếng ngân dài trong hư không Đoạn kết Bạt ( của Hà Sĩ Phu) Phụ Lục 1 Phụ Lục 2