Trong công ty, Cang nổi tiếng hắc ám. Nhiều nhân viên nữ làm việc dưới quyền anh đã khóc nức nở vì bị mắng khi phạm sai lầm. Họ bảo anh không có trái tim để biết thông cảm, biết thương yêu người khác. Dưới mắt nhìn của họ, Cang là một gã đáng ghét. Ghét thì ghét, Cang vốn kiêu ngạo, anh cần gì họ ưa. Với anh, công việc là trên hết. Ai được việc sẽ được trọng dụng. Ai cũng bảo Cang là người nguyên tắc, vô cảm. Thậm chí họ còn kháo nhau rằng anh không biết thế nào là tình yêu, nên thế nào cũng ế vợ. Cho đến khi anh cưới một á hậu là vợ, mọi lời ong tiếng ve đầy ác ý ấy mới bớt đi. Nếu giờ đây đám nhân viên đó biết vợ chồng anh có bất đồng, thế nào họ cũng được dịp cười thích thú. Bỗng dưng Cang nặng nề vì điều vừa nghĩ ra này. Anh không sợ dư luận, song cũng không thể đạp trên dư luận mà sống. Nằm trong bộ phận lãnh đạo của cả một hệ thống siêu thị trải dài từ Nam tới Bắc, Cang phải tạo cho mình một uy tín lớn, nếu không khó lòng lãnh đạo ai. Cang nuốt tiếng thở dài vào lòng. Có lẽ anh nên bỏ rượu, dù thỉnh thoảng buồn lắm Cang mới uống. Thật ra uống rượu có giải được sầu đâu, bằng chứng cho thấy đêm qua, vợ chồng anh ai cũng say mèm đến khi tỉnh chắc không chỉ anh mà Thục Trinh cũng sẽ hổ thẹn. Dằn gót trên hành lang bóng loáng, Cang sải những bưới dài và nghe có người gọi mình. Quay ra sau anh thấy Quân. Anh chàng cười toe: - Tối qua mày biến đi đâu mà tao gọi di động mãi không được vậy? Cang làu bàu: - Tao uống rượu một mình và không muốn bị quấy rầy bởi bất kỳ ai, nên tắt điện thoại. Quân nheo nheo mắt: - Tới giờ này điện thoại của mày vẫn... chết ngắc, là sao vậy? Cang sờ vào túi, cái Nokia chính hiệu, hàng xách tay của mẹ anh gởi về hiện nay không có trong đó. Nó đâu rồi nhỉ? Tối hôm qua tới giờ anh quên béng nó. Chắc là nó ở bên nhà má Mười thôi. Thấy anh tìm, Quân thắc mắc: - Mất rồi hả? Cang nhún vai: - Không. Chắc tao bỏ quên ở nhà rồi. Hồi này đầu óc tệ quá. Quên đủ thứ! Quân nói: - Vợ chồng mày nên nghỉ ngơi, thư giãn bằng một cuộc đi du lịch lãng mạn ở Sapa, Hạ Long hay nước ngoài nào đó để lấy lại tinh thần và sức khoẻ mà làm việc. Tao thấy mày có vẻ sa sút. Cang gạt phăng đi: - Cái gì mà sa sút? Mày chỉ tưởng tượng. Dứt lời anh bước vội về phòng làm việc của mình. Trên bàn đã có sẵn một chồng hồ sơ, chứng từ chờ anh phê duyệt. Nhìn chúng Cang ngao ngán. Quân nhận xét đúng, thời gian gần đây, Cang không hứng thú làm việc, dù anh vốn là người năng động, nhạy bén và nhiều sáng tạo. Sức làm việc của anh bằng năm, mười nhân viên giỏi, ấy vậy mà trước xấp hồ sơ này hôm nay Cang lại thấy ngán. Có lẽ anh cũng cần nghỉ ngơi thư giãn như gợi ý của Quân. Đây cũng là dịp để vợ chồng anh làm lành với nhau sau những bất đồng vẫn hay xảy ra trong cuộc sống. Thục Trinh luôn trách Cang tham công việc không quan tâm chăm sóc cô. Nếu hai vợ chồng cùng khăn gói quả mướp làm một chuyến du lịch để hâm lại tình yêu, biết đâu chừng sẽ cải thiện được tình trạng lạnh nhạt hiện nay. Cang ray rứt khi nghĩ tới Thục Trinh, ông bà thường nói: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Anh nên xem lại bản thân trước khi trách Thục Trinh lơ là với mình. Ký duyệt xong chứng từ, Cang gọi điện về nhà.Thục Trinh đã thức dậy. Cô nhận điện của anh với giọng cáu kỉnh: - Chuyện quái gì mà em gọi di động cho anh lại nghe giọng con nhỏ nào vậy? Cang cau mày: - Giọng ai? Em khéo đùa. Anh để quên nó ở nhà má Mười mà. Thục Trinh ré lên: - Anh còn dám nói láo nữa à? Đúng là vừa dối trá vừa xem thường vợ. Con điếm anh ở đêm qua nó đang cười toẹt vào mặt tôi đây này. Cang gằn: - Anh chả ôm ấp ai đêm hôm qua cả. Em đừng kiếm chuyện lu loa lên như thế. Thục Trinh chua ngoa: - Vậy thì ai giữ điện thoại của anh? Mấy con bia ôm phải không? - Không, tối qua anh... - Đừng phân trần nữa, em không tin đâu. Sẵn đây em báo với anh, em sẽ đi Đà Lạt bây giờ. - Em đi làm gì? Đi với ai? Thục Trinh lạnh lùng: - Em thấy không cần giải thích, đó là chuyện riêng của em. Thôi nhé! Cang bực bội gác máy rồi anh cáu kỉnh nhấn số cái di động của mình và nghe tiếng đài báo: "Thuê bao quý khách gọi đã tắt máy... "Anh liền nhắn tin: "Xin hãy gọi lại số... Rất cám ơn: Thì ra anh đã làm rơi cái di động trên đường từ quán về nhà mà không hay. Mà cũng có thể nó đã rơi ở trong quán. Hy vọng người nhặt được sẽ gọi lại cho Cang để anh có cơ hội chuộc nó thay vì phải mua một cái mới giá hơn cả chục triệu. Nhưng tạm thời gác vụ điện thoại sang một bên, anh cần tiếp tục nói chuyện với Thục Trinh, cô ấy đâu thể muốn đi đâu thì đi, mà không cần giải thích với chồng như vậy. Nhấn trở lại số nhà, Cang tức điên lên khi nghe bà Lình nói Thục Trinh đã lên xe du lịch với gã đàn ông đưa cô về ban tối. Rõ ràng Thục Trinh không còn coi anh ra gì, cô vờ bắt vào chuyện điện thoại để giận dỗi, ghen tuông rồi bỏ chồng đi Đà Lạt với một gã đàn ông khác. Xem ra những dự tính tốt đẹp anh định dành cho mình và Trinh sẽ bất thành, vợ chồng anh lại rơi vào bực dọc, bế tắc rồi. Cang thở dài. Xem ra cưới Thục Trinh làm vợ dễ hơn việc trông chờ cô là một người vợ tốt rất nhiều. Điện thoại reo, Canh nhấc máy và nghe giọng con gái lạ hoắc: - Tôi đã gọi lại số điện thoại theo như lời ông nhắn. Cang kêu lên: - Vâng... vâng. Xin chào cô. Rất mừng vì cô đã sớm liên hệ với tôi. - Xin lỗi, ông là ai vậy? Cang liếm môi: - Là chủ chiếc Nokia cô đang sử dụng. - Vậy sao? Có gì làm bằng chứng không? - Đương nhiên là có. Cô có thể kiểm tra qua bưu điện mà. - Kiểm tra làm gì? Tôi chỉ cần biết chính xác xem tại sao điện thoại của ông bị mất. Trả lời đi! Nếu ông nói đúng, tôi mới tin. Cang lúng túng: - Cô là tiếp viên của quán Đậu Đũa phải không? Giọng cô gái lạnh lùng: - Không. - Vậy chắc là khách của quán. Tôi cho rằng mình làm rơi hoặc để quên điện thoại trong quán Đậu Đũa. - Vậy là sai hoàn toàn. Rất tiếc ông đã nói trật chuyện bị mất điện thoại nên tôi không thể trả nó lại cho người không phải chủ nó. Cang vội vàng nói: - Tối qua tôi say, mà đã say thì quên nhiều nhớ ít... Chắc tôi làm rơi nó trên đường từ quán về nhà. - Đã nói trật thì thôi, không có chuyện nói đi nói lại đâu. Bợm nhậu như ông mất điện thoại là chuyện nhỏ, mất mạng mới đáng đời kia. Bản thân cái Nokia này cũng không muốn về với kẻ nát rượu như ông đâu. Nên chào vĩnh biệt nó đi. Cang chưa kịp nói gì thêm đã nghe tiếng tút... tút... Anh ấm ức gọi số di động của mình, nhưng điện thoại đã tắt. Chẳng hiểu con yêu quái đang cầm cái Nokia của anh muốn ra giá cỡ nào mà nó ỡm ờ thế kia. Cang nhấn lại số di động thêm lần nữa, nhưng chả ăn thua. Anh cáu kỉnh đập mạnh tay xuống bàn ngay lúc Quân thò đầu vào. Anh chàng tò mò: - Giận gì mà dữ thế? Cang buột miệng: - Mất cái Nokia rồi. - Chớ không phải quên ở nhà à? Cang không trả lời. Quân hạ giọng: - Dẹp cái Nokia qua một bên đi, tao có tin cho này cho mày. - Tin gì? Quân từ tốn: - Lão Khả sắp đưa con trai vào công ty. Mày nhớ nó chứ? Cang nhíu mày: - Con trai ông ta là... là thằng Phổ, tao có thể quên nó sao? Lâu nay nó ở đâu nhỉ? Quân thong thả trả lời: - Ở Úc. Nó qua bển mở công ty, nghe đâu cũng khấm khá lắm. Mặt Khang lạnh như tiền: - Khấm khá mà lại trở về nước à? Quân nói: - Ở đâu làm ăn được thì nó về. Hơn nữa, công ty có phần hùn của ba ruột, tội tình gì nó không nhào vô khi chỗ này đang ăn nên làm ra. Cang hỏi: - Thế bác Thiệp nói sao? Quân nhún vai: - Ông già tao đời nào hở môi những chuyện này, nhưng dĩ nhiên ông có kế hoạch của ổng. - Phổ sẽ đảm nhận việc gì trong công ty? Quân lơ lững: - Một việc gì đó mà cha con nó có lợi nhất. Ông Khả là chủ tịch hội đồng quản trị công ty thì chuyện sắp xếp cho con trai một chỗ đứng quá dễ. Ông ta chỉ cần đề ra một chi nhánh rồi phong cho thằng Phổ chức giám đốc để nó danh chánh ngôn thuận tham dự các cuộc họp để nó có ý kiến này nọ là việc dễ như trở bàn tay. Cang ngắt lời Quân: - Thêm người về để đưa công ty đi lên là điều tốt. Tao ủng hộ nếu ông Khả sắp xếp công việc cho Phổ hợp tình hợp lý. Quân hấp háy mắt: - Mày không sợ cái ghế bị lung lay sao? Cang nhếch môi: - Tao tin vào thực lực của mình. Nhưng ở đâu mày nắm được thông tin này? Quân trả lời: - Tao có gặp Phổ cách đây mấy hôm. Nó bóng gió cho tao biết ý định của ông Khả. Nó có vẻ gờm mày lắm. Cang bật cười tự đắc: - Nó vẫn còn hận chuyện ngày xưa chớ gì. Quân chép miệng: - Chắc là vậy. Nó bỏ xứ đi cũng vì chuyện đó. Nay nó về, mày nên cảnh giác. Cang nhíu mày: - Mày muốn ám chỉ điều gì? Quân cao giọng: - Tất cả những điều liên quan tới Thục Trinh và mày. Phổ bảo sẽ lấy lại những gì lẽ ra là của nó. - Cái gì lẽ ra là của nó? Công ty này hay Thục Trinh? Hừ! Cả hai đều không phải. Nó đừng có mơ. - Và mày cũng phải hết sức tỉnh táo để gìn giữ những gì đã là của mày. Bạn bè dù thân cỡ nào, tao cũng không thể nói nhiều hơn nữa. Cang nói: - Cám ơn mày. Quân nhún vai: - Chuyện nhỏ! Dứt lời, anh ra khỏi phòng và khép cửa lại. Ngồi một mình, Cang chợt thấy lẻ loi đơn độc quá. Anh đã có vợ, nhưng không được vợ chia buồn vui. Hai vợ chồng anh "đồng sàng dị mộng", Thục Trinh chả quan tâm đến công việc của anh. Anh có kể cô cũng nghe với vẻ thờ ơ thậm chí rất miễn cưỡng. Miết rồi Cang không còn hứng thú để gọi là tâm sự nữa. Trái lại, anh cũng chả ưa gì những chuyện Trinh huyên thuyên về bạn bè của cô, về những buổi tập dợt trình diễn thời trang, về những bữa tiệc tùng trong giới nghệ sĩ của cô. Điện thoại reo, Cang nhấc máy: - Tôi nghe đây. - Hì hì! Cầm điện thoại trong tay mà không biết gọi ai, thôi thì gọi chủ nhân nó cho đỡ buồn. Này, ông đang làm gì thế? Cang từ tốn: - Tôi đang làm việc. - Việc gì? Cang im lặng. Rồi anh nói nhanh: - Tôi sẽ chuộc lại máy. Là bao nhiêu, cô ra giá đi. Tôi không dư thời gian đâu. Giọng con gái cười lên đầy ẩn ý: - Tôi có nói sẽ cho ông chuộc lại máy sao? Nếu có, giá cao lắm đấy! - Tôi có nói sẽ trả rẻ sao? Tôi thích cái máy đó, nó là vật kỷ niệm. - Vật kỷ niệm sao lại làm mất trong một cuộc nhậu? Tôi rất ghét dân bợm bãi. Cang nóng mặt: - Tôi không phải dân bợm bãi. - Nhưng chắc chắn bà con với Chí Phèo. Tối hôm qua trông ông té sấp té ngửa trên đường mà xấu hổ. Cang kết luận: - Thì ra cô đi theo để ăn cắp điện thoại của tôi lúc tôi té sấp té ngửa. - Tôi biết thế nào ông cũng nghĩ như vậy, cho nên tôi đâu dại dột rơi vào bẫy của ông. Tôi mà đem điện thoại tới cho ông chuộc, đồng nghĩa với nộp mạng cho cảnh sát. Thôi, ông cứ coi như đã làm rớt nó xuống cống. Lo kiếm tiền mua cái khác đi. Chào nghen! À, nếu buồn tôi sẽ gọi đến ông cho vui. Giờ thì ông tiếp tục làm việc đi. Cang tức muốn điên lên. Anh mới thay card, con yêu tinh tha hồ gọi để chọc phá anh bằng tiền và máy của chính anh. Tức chết được! Cang vừa lầm bầm chửi thề vừa đi ra khỏi phòng làm việc. Đám nhân viên thấy anh liền lễ phép gật đầu chào rồi lẹ làng lánh sang một bên. Họ ghét và sợ Cang. Anh cảm nhận rõ điều đó. Trước đây, anh đắc ý khi thấy thế, nhưng bây giờ thì không. Anh bị cái giọng chanh chua trong điện thoại ám. "Không là dân bợm bãi cũng là bà con với Chí Phèo". Nhận xét ấy mới độc địa làm sao. Cang chợt xấu hổ khi tưởng tượng cảnh mình té sấp té ngửa trên phố rồi nghiệm ra một điều. Mất cái điện thoại di động chỉ là chuyện nhỏ, mất uy tín, danh dự rồi chức danh, địa vị mới là kinh khủng. Ngày tháng sắp tới của Cang không mấy dễ dàng nếu đúng như Quân nói Phổ sẽ về làm việc cho công ty. Giữa Cang và anh ta là một mối hận tình. Nếu Phổ từ xứ người quay về với mục đích trả thù chắc cuộc trả thù của Phổ sẽ rất thâm độc. Cang nghĩ có thể mình gặp rắc rối với anh ta, nhưng anh chả gì phải lo một khi Cang từng là người chiến thắng. Thanh Du cầm điện thoại trong tay, giọng chắc nịch: - Tóm lại, tụi tao quyết định không cho mày trả điện thoại cho lão Chí Phèo đó. Đa số đã biểu quyết như vậy. Mày phải tuân theo nội quy phòng đã đề ra trước đây. Nhã Ca phản ứng ngay: - Đâu phải lúc nào đa số cũng đúng. Tụi bây đông hiếp yếu. Tao không chịu. Ánh Dương nheo nheo mắt: - Tội vạ gì phải tử tế với thằng cha đã ói vào mặt mình chớ. Hay là mày muốn trả lại hắn để chứng tỏ mày là người tốt, nhặt được của rơi biết đem trả? Nhã Ca nhăn mặt: - Tao không chứng tỏ mình là gì hết. Tao chỉ muốn trả cái của nợ ấy cho chủ nó thôi. Tụi bây đừng khích tướng nữa. Ngọc Thùy nhún vai: - Nó đã nói thế để nó mang trả đi Du. Thanh Du lên giọng: - Tội gì trả sớm vậy? Phải gọi cho hết cái card này đã chớ. Bật nấp điện thoại xong. Du chống cằm: - Mà biết gọi cho ai đây? Mình không có điện thoại nên đâu có xin số của tụi nó. Ánh Dương xung phong: - Để tao gọi về nhà xin tiền. Thanh Du ngập ngừng: - Mười lăm phút thôi đó. Ánh Dương bối rối: - Mà tao đâu biết xài nó. Tao đọc số mày bấm nghen. Thanh Du sốt sắng: - Đọc đi. Mà gọi về nhà vào giờ này chắc ba má mày lên ruột hết không biết vụ gì đây. Nghe Du nói thế, Ánh Dương gạt ngang: - Vậy thôi đi. Má tao đau tim, lỡ có gì thì đúng là chơi dại. Tao không gọi nữa đâu. Ngọc Thùy mơ màng: - Giờ này gọi cho bồ thì đúng là lãng mạn cực kỳ. Du đưa máy cho nó, giọng hào phóng: - Mày mang nó ra sân mà gọi cho đã. - Thôi, tao sợ má thằng nhỏ nhấc máy, bà ấy sẽ mắng: "Đồ con gái mất nết" thì tiêu. Thanh Du tưng tưng cái Nokia trong tay: - Rốt cuộc mày vẫn thất nghiệp. Thế thì tao sẽ gọi cho chủ mày. Nhã Ca nhăn nhó: - Dẹp đi Du ơi. Tao xin mày đấy. Thanh Du bĩu môi: - Xin xỏ quái gì. Phải hành hạ lão ta cho bõ ghét. Sáng giờ, tao gọi cho lão mới hai cuộc nhằm nhò gì. Dứt lời nó nhấn số điện thoại lưu trong phần nhắn tin của máy rồi nghểnh cổ chờ. Đầu dây bên kia chuông đổ từng hồi hết chậm rồi nhanh khiến Du sốt ruột. Nó càu nhàu: - Thằng cha này đi nhậu nữa rồi. Để tao hỏi tổng đài số nhà lão mới được. Nhã Ca giật cái điện thoại lại: - Mày rảnh dữ vậy à? Dẹp trò chọc phá đi cho tao nhờ. Thanh Du độc địa: - Khó chịu! Tao nhớ mày cũng chả hiền từ gì trong trò chọc phá thiên hạ, sao bữa nay giả nai vậy? Hay là trúng phải hèm nên say tánh rồi. Nói thật đi! Lão Chí Phèo ấy mặt mũi ra sao? Chắc không đến nỗi đầy sẹo vì rạch mặt để ăn vạ chớ? Nhã Ca liếc xéo nó: - Sao hồi sáng mày không hỏi thẳng hắn mà bây giờ hỏi tao? - Hỏi sao được mà hỏi khi tao đang giả là mày, người đã thấy hắn té sấp té ngửa trên đường. Thanh Du lim dim mắt: - Tao đoán gã Chí Phèo này là người có cá tính mạnh. - Căn cứ vào đâu, mày dám nói thế? - Vào giọng nói. Dầu chỉ nghe qua điện thoại, nhưng tạo được ấn tượng. Ánh Dương vọt miệng hỏi: - Ấn tượng như thế nào? Thanh Du gật gù: - Tao nghĩ hắn là một người cao lớn, đẹp trai, năng động và chắc khá tự cao. Ngọc Thùy hỏi: - Mày đi làm thầy bói được rồi đó. Nhã Ca, nó tả thằng cha đó đúng không? Nhã Ca ngập ngừng: - Đúng là hắn to cao, nhưng đẹp trai hay không còn tùy thuộc vào người đối diện nữa. - Hắn đối diện gần với mày, mày thấy sao? Nhã Ca rùng mình: - Tao chỉ người thấy mùi rượu nồng nặc chớ chả nhìn thấy gì. Mà thôi, tụi bây đừng hỏi nữa. Học bài đi! Dứt lời, Ca cầm quyển vở lên. Cái di động nằm trên bàn. Căn phòng chìm trong im lặng với bốn cô gái cùng bốn nỗi niềm riêng. Chiều nay Nhã Ca đã gặp Trúc Quỳnh, chị ta ăn mặc thật sang trọng. Họ ghé quầy của Nhã Ca để mua bao đựng điện thoại. Thấy cô đứng sau quầy, Trúc Quỳnh không nói gì, nhưng thái độ khinh khỉnh rất dễ ghét. Trước khi đi, Trúc Quỳnh ném lại một câu: - Hết tháng này, mày nên xin nghỉ thì hay hơn sẽ bị đuổi. Nhã Ca tức muốn vỡ ngực vì câu dọa dẫm ấy. Chị ta chắc phải có quyền hạn nào đó trong công ty này nên mới cao giọng như thế. Mà quyền hạn gì nhỉ? Lẽ nào ông ta có phần hùn trong đây? Điều đó có thể lắm vì ông ta giàu mà. Người ta chẳng nói: "Tiền đẻ ra tiền" là gì. Nhã Ca nhức nhối trong tim khi nhớ lại vẻ kênh kiệu của Trúc Quỳnh và đám bạn. Cô xót xa cho bản thân. Cũng là con, thế mà người thì sống như ông hoàng bà chúa, đứa phải đi làm công độ nhật mà còn bị hăm sẽ mất việc. Đời thật bất công hay số phận đã dành cho cô phần thua thiệt hẩm hiu. Ca thở dài, cô không cam tâm chút nào, song làm cách nào để thoát khỏi số phận, cô chưa nghĩ ra. Mà nghĩ gì đâu khi cha mẹ đều bỏ rơi cô từ lúc mới chào đời. Nhã Ca cứ như loài cỏ dại vô tư sống, vô tư lớn lên bên gốc cây già cỗi là bà ngoại. Từ khi ngoại mất, Nhã Ca đã thui thủi càng thui thủi hơn. Ngôi nhà nhỏ hai bà cháu từng hôm sớm có nhau phải mang cho thuê, cô lấy số tiền cho thuê nhà ấy nuôi thân. Nếu chi tiêu hết sức dè sẻn, cô vẫn sống được, có điều không đào ra đâu khoản dành dụm để đóng học phí. Mấy năm trước, dì Nhã Bình lo phần học phí cho Ca, năm nay chả nghe dì ấy nói năng gì. Ca biết dì Bình cũng khó khăn vì ông chồng keo bẩn nên cô đã không hỏi. Bức bách lắm, cô mới tới tận nhà "ông ta" để đòi nợ. Số tiền đóng học phí ấy đáng là bao so với cách vung tiền của Trúc Quỳnh. Vậy mà... Giọng Thanh Du bỗng vang lên: - Quên nữa... Ba cái miệng còn lại đồng thanh: - Chuyện gì? Du nói: - Thằng cha Chí Phèo ấy đã có một mụ Thị Nở. Ánh Dương tò mò: - Sao mày biết? Thanh Du kể một hơi: - Hồi sáng tao mở điện thoại và nhận cuộc gọi đầu tiên là của vợ thằng chả. Bà ta chất vấn tao "Cô là ai mà nghe điện thoại của chồng tôi"? Ngọc Thùy nhổm dậy: - Rồi mày trả lời sao? Du gãi ót: - Bất ngờ quá, tao cúp máy luôn, chớ biết trả lời sao bây giờ. Ánh Dương bĩu môi: - Dễ ợt! Nếu là tao, ta đã phóng ra một kịch bản để Thị Nở lên cơn ghen rồi nhồi máu cơ tim mà tắt thở. Nhã Ca buột miệng: - Bà ta có làm gì nên tội đâu. Ánh Dương nhịp chân: - Tội của chồng, vợ cũng phải gánh chớ sao. Ói vào mặt người khác, theo tao là chuyện lớn đó. Bộ mày không nghĩ vậy à? Ngọc Thùy hạ giọng: - Thú thật! Chuyện của mày mà đêm qua tao lại gặp ác mộng. Trong mơ tao thấy mình bị một gã say rượt chạy trối chết. Ghê thật! Tao mơ mà còn biết sợ bị gã ói vào người. Ánh Dương, Thanh Du bật cười ha hả trong khi Nhã Ca ấm ức im lặng. Chả lẽ cô thú nhận tối qua, cô không ngủ được vì gã say ấy, thế nào lũ bạn quỷ sứ cũng sẽ cười ngạo theo kiểu hiểu lệch đi lý do khiến Ca mất ngủ. Lúc nãy Ca nói dối là không rõ mặt mũi hắn ra sao, chớ thật ra, cô vẫn nhớ như in từng nét trên gương mặt hắn. Lỡ gặp lại, Nhã Ca sẽ nhận ra được ngay, chỉ vái trời sao cho cô đừng lỡ gặp lại gã đàn ông đó.