Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Hiện nay, trong bất cứ làng nào tương đối lớn ở miền Nam Nga (và chắc là người ta cũng có thể nói như thế đối với phần lớn những địa phương trong nước Nga) tình hình kinh tế của các loại dân cư đều khác nhau rất nhiều, đến nỗi hết sức khó mà coi riêng từng làng nào Pô-xtơ-ni-cốp lại còn nói rõ hơn: "Mức sống không đều nhau khiến cho hết sức khó mà nhận xét được mức sống khá giả chung của dân cư. Những người nào đi lướt qua những làng lớn trong tỉnh Ta-vrích, thường kết luận rằng những nông dân ở đây đều rất khá giả; nhưng một làng mà nửa số nông dân là những người khá giả, còn một nửa thì luôn luôn ở trong tình trạng bần cùng, như vậy có thể nói đó là một làng khá giả được không? Và căn cứ vào dấu hiệu nào để xác định mức độ khá giả của làng này hay làng nọ? Rõ ràng là ở đây những con số trung bình là những con số nói lên tình hình của dân cư trong cả một làng hay cả một khu vực chưa đủ để kết luận về mức độ khá giả của nông dân được. Muốn xét mức độ khá giả đó, thì chỉ có thể căn cứ vào rất nhiều số liệu, và phân dân cư thành nhiều loại khác nhau " (tr. 154). Người ta có thể tưởng rằng khi tác giả xác nhận sự phân hoá trong nông dân, thì như vậy là hình như tác giả chẳng nói lên được một điều gì mới mẻ cả: sự phân hoá này đã được nói đến trong hầu hết những trước tác bàn về kinh tế nông dân nói chung rồi. Nhưng vấn đề là khi người ta nhắc đến sự phân hoá đó thì thường coi nhẹ ý nghĩa của nó, người ta xem sự phân hoá đó là không quan trọng hay thậm chí còn coi là một điều ngẫu nhiên nữa, người ta cho rằng có thể nói đến hình loại kinh tế nông dân, và còn dùng những con số trung bình để nêu lên đặc trưng của hình loại đó, người ta thảo luận về ý nghĩa của các loại biện pháp thực tế đối với toàn thể nông dân. Trong cuốn sách của mình, Pô-xtơ-ni-cốp đã phản đối những quan điểm như thế. Ông nêu rõ (và không phải chỉ một lần mà thôi) "tính chất hết sức nhiều hình nhiều vẻ của tình hình kinh tế của các nông hộ ở trong công xã" (tr. 323) và ông kiên quyết phản đối "khuynh hướng coi giới nông dân là một chỉnh thể thuần nhất, như những phần tử trí thức thành thị ở nước ta, cho đến nay, vẫn coi là như thế" (tr. 351). Ông nói: "Những tài liệu điều tra thống kê của các hội đồng địa phương về mười năm gần đây, đã cho ta thấy rõ rằng công xã nông thôn ở nước ta hoàn toàn không phải là một đơn vị thuần nhất như các nhà chính luận nước ta vào những năm 70 đã tưởng; và cho ta thấy rõ rằng trong mấy chục năm gần đây, dân cư trong công xã nông thôn đều phân hoá thành nhiều loại với tình hình kinh tế hết sức khác nhau" (tr. 323). Pô-xtơ-ni-cốp đưa ra rất nhiều số liệu, rải rác trong toàn bộ cuốn sách, để chứng thực cho quan điểm của mình, và bây giờ đây, chúng ta cần phải tổng hợp những số liệu đó lại một cách có hệ thống để kiểm tra xem quan điểm đó có đúng không; để giải quyết những vấn đề sau đây: vấn đề giữa "những phần tử trí thức thành thị", là những người coi nông dân là một cái gì thuần nhất, và Pô-xtơ-ni-cốp, là người khẳng định rằng nông dân rất không thuần nhất, thì bên nào đúng? rồi đến vấn đề tính không thuần nhất đó sâu sắc như thế nào? nếu chúng ta chỉ căn cứ vào những con số trung bình thôi thì tính chất đó có làm cho chúng ta khó nêu rõ được đặc trưng kinh tế - chính trị chung của nền kinh tế nông dân không? tính chất đó có khả năng thay đổi được tác dụng và ảnh hưởng của những biện pháp thực tế đối với các loại nông dân khác nhau, không? Trước khi dẫn ra những con số dùng làm tài liệu cần thiết để giải đáp những vấn đề đó, cần thấy rõ rằng tất cả những số liệu thuộc loại ấy đều do Pô-xtơ-ni-cốp rút từ những tập thống kê của các hội đồng địa phương nói về tỉnh Ta-vrích. Trong những cuộc điều tra thì lúc đầu, cơ quan thống kê của các Hội đồng địa phương chỉ thu thập những số liệu về từng công xã nông thôn, chứ không thu thập những số liệu về mỗi nông hộ. Nhưng chẳng bao lâu người ta nhận thấy rằng tình hình tài sản của các nông hộ ấy có khác nhau, cho nên người ta liền tiến hành điều tra từng hộ, đó là bước đầu tiên nhằm nghiên cứu sâu hơn về tình hình kinh tế của nông dân. Bước tiếp theo là việc dùng các biểu đồ tổng hợp: xuất phát từ nhận thức cho rằng tình hình tài sản của nông dân trong công xã4 có những sự khác nhau sâu sắc hơn những sự khác nhau giữa các loại nông dân được sắp xếp theo địa vị pháp lý, nên những nhân viên thống kê căn cứ vào những sự khác nhau nhất định về tình hình tài sản, mà phân loại tất cả những chỉ tiêu về tình hình kinh tế của nông dân, chẳng hạn như chia nông dân thành từng loại căn cứ vào diện tích gieo trồng tính theo đê-xi-a-tin, căn cứ vào số súc vật cày kéo, căn cứ vào phần ruộng canh tác được chia của mỗi hộ, v. v.. Thống kê của các Hội đồng địa phương tỉnh Ta-vrích phân loại nông dân, căn cứ vào số ruộng đất gieo trồng? Pô-xtơ-ni-cốp cho rằng cách phân loại như thế "là rất đạt" (tr. XII), vì "trong những điều kiện kinh tế của các huyện ở Ta-vrích, thì diện tích gieo trồng là dấu hiệu quan trọng nhất nói lên mức sống của nông dân" (tr. XII). Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Trong các vùng thảo nguyên ở miền Nam nước Nga, các nghề phụ đủ mọi loại và có tính chất phi nông nghiệp, trong nông dân, hãy còn tương đối ít phát triển, và công việc chủ yếu của tối đại đa số dân cư nông thôn hiện nay là nghề nông dựa trên việc trồng ngũ cốc là chính". "Theo thống kê của các hội đồng địa phương, thì trong các huyện miền Bắc tỉnh Ta-vrích 7,6% nông dân quê quán ở đấy hoàn toàn làm nghề thủ công; ngoài ra, 16,3% dân cư còn làm thêm một nghề phụ nữa bên cạnh việc canh tác ruộng đất của mình" (tr. 108). Thực vậy, ngay cả đối với các địa phương khác ở Nga cũng vậy, phương pháp phân loại căn cứ vào diện tích gieo trồng là phương pháp đúng hơn nhiều so với những phương pháp phân loại khác đã được các nhà thống kê của các hội đồng địa phương áp dụng, chẳng hạn, như phương pháp phân loại căn cứ theo số đê-xi-a-tin ruộng đất được chia của mỗi hộ hay số ruộng đất gieo trồng được chia của mỗi hộ: một mặt vì số ruộng đất được chia không trực tiếp nói lên mức độ khá giả của nông hộ, do chỗ diện tích phần ruộng được chia phụ thuộc vào số nhân khẩu được đăng ký5 tức là phụ thuộc vào số nam giới trong gia đình, và chỉ gián tiếp phụ thuộc vào tình hình khá giả của người chủ hộ thôi; sau cùng còn vì người nông dân có thể không sử dụng phần ruộng được chia của mình nhưng lại đem cho thuê đi và không có khả năng sử dụng phần đất ấy do thiếu nông cụ. Mặt khác, nếu nghề chính của dân cư là nghề nông, thì cần phải xác định diện tích gieo trồng, mới tính toán được sản lượng, mới xác định được số lúa mì mà người nông dân tiêu dùng, cũng như mua hay bán, vì không làm sáng tỏ những vấn đề ấy thì cũng vẫn sẽ không thấy rõ được một mặt rất quan trọng của nền kinh tế nông dân: sẽ không hiểu rõ được tính chất của nền kinh tế nông nghiệp của nông dân và tầm quan trọng của nền kinh tế đó so với những khoản kiếm thêm, v. v.. Sau hết, chính là phải căn cứ vào diện tích gieo trồng để phân loại thì mới có thể so sánh kinh tế của một hộ với cái gọi là tiêu chuẩn chiếm hữu ruộng đất và tiêu chuẩn canh tác của nông dân, với tiêu chuẩn lương thực (Nahrungsflọche) và tiêu chuẩn lao động (Arbeitsflọche). Tóm lại, việc phân loại căn cứ vào diện tích gieo trồng không những là một phương pháp rất đạt, mà còn là phương pháp tốt nhất và tuyệt đối cần thiết. Căn cứ vào diện tích gieo trồng, các nhà thống kê của tỉnh Ta-vrích đã chia nông dân thành 6 loại: 1) không gieo trồng; 2) gieo trồng từ 5 đê-xi-a-tin trở lại; 3) từ 5 đến 10 đê-xi-a-tin; 4) từ 10 đến 25 đê-xi-a-tin; 5) Từ 25 đến 50 đê-xi-a-tin; và 6) trên 50 đê-xi-a-tin mỗi hộ. Những tỷ lệ chung nếu không tính số người Đức, thì cũng không thay đổi là bao, ví dụ, tác giả tính tổng cộng trong 3 huyện ở tỉnh Ta-vrích có 40% nông dân gieo trồng trên ít ruộng đất (từ 10 đê-xi-a-tin trở lại), 40% nông dân gieo trồng một diện tích trung bình (từ 10 đến 25 đê-xi-a-tin) và 20% nông dân gieo trồng nhiều ruộng đất. nếu không tính những người Đức thì con số 20% đó giảm bớt đi 1/6 (còn 16,7%, nghĩa là chỉ giảm bớt 3,3%), khiến cho con số nông dân gieo trồng ít ruộng đất tăng lên một cách tương ứng. Rõ ràng là ngoài nhân tố số người trong gia đình ra thì nhân tố quyết định quy mô của phần ruộng được chia còn là mức độ khá giả của mỗi hộ nữa. Nếu chúng ta nghiên cứu những số liệu về số ruộng đất do các loại nông dân mua được, chúng ta thấy rằng những hộ mua được ruộng đất thì hầu như chỉ là những hộ loại trên, gieo trồng từ 25 đê-xi-a-tin trở lên, và chủ yếu là những nông dân rất khá giả, mỗi hộ gieo trồng 75 đê-xi-a-tin. Bởi vậy những số liệu về ruộng đất mua đã chứng thực một cách đầy đủ ý kiến của Pô-xtơ-ni-cốp về sự khác nhau giữa các loại nông dân. Chẳng hạn như tài liệu mà tác giả đã cung cấp khi viết ở trang 147: "96 146 đê-xi-a-tin ruộng đất là do nông dân các huyện trong tỉnh Ta-vrích mua", thì hoàn toàn không nói rõ được hiện tượng sau đây: hầu hết ruộng đất ấy đều ở trong tay một thiểu số rất nhỏ đã được hưởng nhiều phần ruộng được chia hơn cả, nghĩa là ở trong tay thiểu số gồm những nông dân "khá giả", như Pô-xtơ-ni-cốp đã nói, và số nông dân này không chiếm quá 1/5 tổng số dân cư. Về vấn đề thuê ruộng đất thì cũng phải nói như thế. Biểu đồ trên kia chỉ rõ tổng số ruộng đất thuê, trong đó kể cả phần ruộng được chia lẫn ruộng đất không phải là ruộng được chia. Xem đó thì thấy rằng số ruộng đất thuê tăng lên theo đúng mức độ khá giả của nông dân, và do đó cũng thấy rằng nông dân càng có nhiều ruộng đất thì lại càng thuê nhiều ruộng đất và do đó làm cho những loại nông dân nghèo không có được đủ số ruộng đất cần thiết cho họ. Cần phải nói rằng đó là một hiện tượng phổ biến trong cả nước Nga. Giáo sư Ca-rư-sép tổng kết cho toàn nước Nga tình hình nông dân thuê ruộng đất không phải phần ruộng được chia (trong tất cả những khu vực mà các hội đồng địa phương đã tiến hành thống kê), đã nêu rõ mối quan hệ trực tiếp giữa số ruộng đất thuê và mức độ khá giả của người thuê ruộng đất, và coi đó là quy luật phổ biến°. Ngoài ra, Pô-xtơ-ni-cốp lại đưa ra những con số còn chi tiết hơn nữa về tình hình phân bố của số ruộng đất thuê (kể cả những phần ruộng đất được chia, lẫn những ruộng đất không phải là ruộng được chia), và tôi xin dẫn những con số đó ra đây: [xem bảng tr. 18. BT.] Cả ở đây nữa, chúng ta cũng thấy rằng những con số trung bình không thể nói rõ được hiện tượng: thí dụ như khi chúng ta nói rằng trong huyện Đni-ép-rơ, 56% nông dân đi thuê ruộng đất, như thế là chúng ta đã đưa ra một khái niệm rất không đầy đủ về tình hình thuê ruộng đất. Mức chênh lệch về số đê-xi-a-tin ruộng đất mà mỗi hộ thuê được, lại còn lớn hơn nữa: số ruộng đất mà loại trên thuê thì lớn gấp 30 - 15 - 24 lần số ruộng đất mà loại dưới thuê. Rõ ràng là điều đó làm thay đổi chính tính chất của việc thuê ruộng đất: đối với loại trên, thì đó đã là một việc kinh doanh thương mại rồi, còn đối với loại dưới, thì có thể đó là một việc làm do sự bần cùng cay đắng. Những số liệu về giá thuê ruộng đất đã xác minh giả thuyết sau là đúng: rõ ràng là loại ít ruộng phải trả giá thuê ruộng đất đắt hơn, đôi khi đắt gấp bốn lần so với những hộ loại trên (trong huyện Đni-ép-rơ). Về vấn đề này, cũng nên nhắc lại rằng không phải chỉ ở miền Nam nước ta, mới có tình trạng là diện tích ruộng đất thuê càng ít bao nhiêu thì giá thuê ruộng càng cao lên bấy nhiêu đâu: tác phẩm của ông Ca-rư-sép đã chứng mình rằng quy luật đó là một quy luật phổ biến. Về những số liệu đó, ông Pô-xtơ-ni-cốp đã nói: "Trong những huyện thuộc tỉnh Ta-vrích thì những người đi thuê ruộng lại chủ yếu là những nông dân khá giả, đã có đủ phần ruộng được chia và ruộng tư rồi; họ đặc biệt thuê những ruộng đất không phải phần ruộng được chia, nghĩa là những ruộng đất của địa chủ và của nhà nước, ở xa làng mạc hơn. Xét về thực chất thì điều đó là hoàn toàn tự nhiên: muốn thuê những ruộng đất xa, thì phải có đầy đủ súc vật cày kéo, còn những nông dân nghèo hơn thì ngay cả đến súc vật để canh tác phần ruộng được chia của mình, cũng không có đủ nữa là" (tr. 148). Không nên nghĩ rằng sở dĩ có tình hình phân bố đó về những ruộng đất thuê, là vì ruộng đất được đem cho từng cá nhân thuê. Dù ruộng đất là do một công xã thuê đi nữa thì tình hình cũng vẫn như thế, vì lý do đơn giản này: sự phân bố ruộng đất thuê đều tuân theo cùng những nguyên tắc ấy, nghĩa là "tuỳ theo túi tiền". Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Năm 1890, theo sổ thuế của Cục quản lý tài sản quốc gia, thì trong số 133 852 đê-xi-a-tin ruộng công của ba huyện, đã ký giao kèo cho thuê, có 84 756 đê-xi-a-tin ruộng đất tốt, tức là độ 63% tổng số diện tích, là cho những công xã nông thôn thuê để sử dụng. Nhưng ruộng đất mà công xã nông thôn thuê lại do một số chủ hộ tương đối ít sử dụng, chủ yếu là do những chủ hộ khá giả. Tài liệu điều tra từng nông hộ của Hội đồng địa phương đã làm nổi bật tình hình thực tế đó một cách rõ rệt". Pô-xtơ-ni-cốp kết luận: "Như vậy là, trong huyện Đni-ép-rơ, quá 1/2 số ruộng đất gieo trồng cho thuê là do loại nông dân khá giả sử dụng; trong huyện Béc-đi-an-xcơ trên 2/3, và trong huyện Mê-li-tô-pôn là huyện mà người ta cho thuê nhiều ruộng đất nhà nước nhất thì thậm chí trên 4/5 diện tích cho thuê là do loại nông dân khá giả sử dụng. Còn trong tất cả các huyện, loại nông dân nghèo (gieo trồng nhiều nhất là 10 đê-xi-a-tin) thì thuê tất cả có 1 938 đê-xi-a-tin, tức là độ 4% tổng số ruộng đất cho thuê" (tr. 150). Sau đó, tác giả còn kể ra nhiều ví dụ về sự phân bố không đều về ruộng đất do các công xã nông thôn thuê, nhưng bất tất phải dẫn những ví dụ đó ra đây. Nhân những kết luận của Pô-xtơ-ni-cốp về sự phụ thuộc của việc thuê ruộng vào mức độ khá giả của những người đi thuê, thì nêu ra đây ý kiến ngược lại của những nhà thống kê của các hội đồng địa phương, cũng là điều hết sức có ý nghĩa. Pô-xtơ-ni-cốp đã xếp bài: "Bàn về những tập thống kê của các hội đồng địa phương các tỉnh Ta-vrích, Khéc-xôn và Ê-ca-tê-ri-nô-xláp" (tr. XI-XXXII) lên đầu cuốn sách của ông. Trong bài này, ông có phân tích tập "Lược ghi về tỉnh Ta-vrích", do Hội đồng địa phương của tỉnh đó xuất bản năm 1889, trong đó có một bản tổng kết vắn tắt về toàn bộ cuộc điều tra nghiên cứu đã tiến hành. Phân tích phần trong tập đó nói về việc thuê ruộng đất, Pô-xtơ-ni-cốp viết: "Trong các tỉnh miền Nam và miền Đông nước ta là những tỉnh có nhiều ruộng đất, thống kê của các hội đồng địa phương đã chỉ rõ rằng ở tỷ số phần trăm nông dân khá giả thì lớn, những nông dân này, ngoài số lớn ruộng đất mà cá nhân họ được chia, lại còn đi thuê thêm khá nhiều ruộng đất ở nơi khác nữa. Họ kinh doanh không phải chỉ nhằm mục đích thoả mãn nhu cầu riêng của gia đình, mà còn nhằm thu thêm được một món, một số thu nhập dùng để sửa sang nhà cửa, mua máy móc và mua thêm ruộng đất nữa. Nguyện vọng đó cũng khá tự nhiên thôi, và bản thân nguyện vọng đó không có gì là tội lỗi cả, vì trong đó không có một yếu tố cu-lắc nào cả". [Đúng là ở đấy không có một yếu tố cu-lắc nào cả, nhưng chắc chắn là có những yếu tố bóc lột: thuê ruộng đất vượt xa nhu cầu của mình, như vậy là nông dân khá giả đã lấy mất của nông dân nghèo số ruộng đất cần thiết để nông dân nghèo sản xuất lương thực cho mình; nông dân khá giả mà mở rộng kinh doanh của họ ra thì họ cần thêm một số nhân công nữa và phải sử dụng công nhân làm thuê.] "Nhưng một số nhà thống kê của các Hội đồng địa phương rõ ràng là đã coi những hiện tượng đó trong đời sống nông dân là bất bình thường, nên ra công làm giảm ý nghĩa của những hiện tượng đó và ra công chứng minh rằng sở dĩ người nông dân thuê ruộng đất thì chủ yếu là do nhu cầu về lương thực đòi hỏi; rằng ngay cả khi nông dân khá giả thuê nhiều ruộng đi nữa thì tỷ lệ những người thuê ruộng đó cũng cứ luôn luôn giảm xuống theo mức độ tăng của diện tích phần ruộng được chia" (tr.XVII). Để chứng minh ý kiến đó, nhà biên soạn quyển "Lược ghi", là ông Véc-ne, đã căn cứ vào diện tích phần ruộng được chia của những nông dân trong toàn tỉnh Ta-vrích, có thuê một hay hai công nhân hay có hai hay ba súc vật cày kéo, mà phân loại họ. Kết quả là "hoàn toàn tuỳ theo diện tích phần ruộng được chia mà tỷ lệ số hộ thuê ruộng giảm đi một cách tương ứng, nhưng diện tích ruộng đất mà mỗi hộ thuê được thì lại giảm đi một cách không tương ứng bằng" (tr.XVIII). Pô-xtơ-ni-cốp nói rất đúng rằng làm như vậy thì hoàn toàn không được chính xác, vì làm như thế là người ta đã tuỳ tiện chọn một bộ phận nông dân nào đó (những người có hai hay ba súc vật cày kéo), hơn nữa làm như thế là tầng lớp nông dân khá giả lại chính là tầng lớp bị loại ra; ngoài ra không thể đem gộp làm một những huyện trên đất liền của tỉnh Ta-vrích với vùng Crưm, vì điều kiện cho thuê ruộng ở hai vùng đó không giống nhau: ở Crưm, từ 1/2 đến 3/4 dân cư là nông dân không có ruộng đất (gọi là "đê-xi-a-tin-sích"), còn trong những huyện miền Bắc, số nông dân này chỉ chiếm từ 3% đến 4% dân cư thôi. ở Crưm, hầu như lúc nào cũng dễ kiếm được ruộng đất để thuê; trong các huyện miền Bắc, thì đôi khi không sao kiếm được ruộng đất để thuê. Điều đáng chú ý là những nhà thống kê của các hội đồng địa phương các tỉnh khác cũng đã thử làm như thế (dĩ nhiên là những việc thử làm như thế của họ cũng đều không thành công) để che giấu những hiện tượng "không bình thường" trong đời sống nông dân, như hiện tượng thuê ruộng để kiếm lời. (Xem Ca-rư-sép, sách đã dẫn.) Thế là, nếu tình hình phân bố những ruộng đất không phải phần ruộng được chia mà nông dân thuê được, chỉ rõ sự khác nhau giữa các nông hộ, khác nhau không những về lượng (người thuê nhiều, người thuê ít) mà cả về chất nữa (người thì vì nhu cầu lương thực mà thuê, người thì vì mục đích buôn bán mà thuê), - thì về tình hình thuê phần ruộng được chia lại càng chỉ rõ như vậy hơn. Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Cuộc điều tra từng nông hộ tiến hành từ 1884 đến 1886 trong ba huyện ở tỉnh Ta-vrích, đã đăng ký được tổng cộng là 256716 đê-xi-a-tin phần ruộng được chia có canh tác do nông dân cho nhau thuê, như thế là ở đây, con số đó chiếm 1/4 toàn bộ phần ruộng được chia; ấy là người ta chưa kể đến số ruộng đất mà những người bình dân sống trong làng đã thuê của nông dân, cũng như những ruộng đất mà các viên thư ký, giáo viên, mục sư và những người khác không phải là nông dân và không ở trong diện của cuộc điều tra từng hộ, đã thuê của nông dân. Hầu hết các ruộng đất đó là do nông dân thuộc loại khá giả thuê. Phần lớn số ruộng đất cho thuê đó, và cả bản thân số người cho thuê nữa, đều thuộc loại nông dân không gieo trồng gì cả, không kinh doanh hay gieo trồng ít. Như vậy là một phần quan trọng nông dân các huyện trong tỉnh Ta-vrích (chừng 1/3 dân số) không canh tác được hết số ruộng đất họ được chia, một phần là vì họ không thích, nhưng phần lớn là vì họ thiếu súc vật và nông cụ để kinh doanh; họ đem thuê ruộng đất được chia, do đó làm tăng số ruộng đất mà bộ phận khá giả trong nông dân sử dụng. Chắc chắn là đa số những chủ hộ đem ruộng đất cho thuê, là những chủ hộ bị phá sản, suy sụp" (tr.136 - 137). Về số lượng nông cụ, thì loại nông hộ hạng trên có nhiều gấp từ 4 đến 6 lần so với loại nông hộ dưới (tác giả đã hoàn toàn loại bỏ loại nông hộ gieo trồng 5 đê-xi-a-tin trở lại); về số lượng người lao động°, thì loại nông hộ hạng trên vượt hạng dưới theo tỷ số 23/12, tức là gần gấp đôi. Do đó ta thấy rằng loại nông hộ hạng trên phải sử dụng nhân công làm thuê, còn trong loại nông hộ hạng dưới, thì một nửa số hộ không có nông cụ (N. B1). Loại nông hộ "hạng dưới" này là loại thứ ba tính từ dưới lên), do đó không kinh doanh một cách độc lập được. Lẽ tự nhiên, sự chênh lệch kể trên về số lượng ruộng đất và nông cụ dẫn đến sự chênh lệch về diện tích gieo trồng.