Khi cái chân con Hiền đi lại được thì tình bạn giữa nó và thằng Sơn càng gắn bó hơn. Thằng Sơn không kênh kiệu phách lối như mấy đứa con nhà giàu cùng lớp với con Hiền. Thằng Sơn giản dị, khiêm tốn và đặc biệt có tấm lòng thương người. Chả thế thì tại sao thằng Sơn lại thích chơi với nó? Thằng Sơn lần lượt đem hết mấy cuốn truyện cho con Hiền mượn và cảm động hơn là trưa nào nó cũng len lén dúi vào tay con Hiền một trái lựu vàng ươm. - Sao đàng ấy... tốt với tui vậy? Con Hiền ngập ngừng hỏi sau một hồi im lặng. Không gian vẫn còn lắng động bởi câu chuyện thương tâm thằng Sơn vừa kể. Một chú bé dũng cảm đã hứng lấy nhát dao của tên ăn cướp để cứu bà ngoại mù lòa, thoát chết và chú phải trả giá bằng mạng sống của chính mình. Thằng Sơn nghe không rõ nên trả lời vu vơ: - Ờ bạn ấy thật đáng khâm phục. - Tui nói... đàng ấy kìa... Thằng Sơn ngớ người ra. - Sơn... thì sao? - Ðằng ấy đối xử với tui không giống như những đứa khác. Ở trong lớp tui thường bị chế nhạo... Tự nhiên con Hiền bộc bạch, hai con mắt nó bắt đầu ươn ướt. Thằng Sơn ái ngại nhìn lướt qua bộ quần áo bạc phếch của con Hiền. Nó thầm đoán ra cái lũ rỗi hơi đã nói gì đó xúc phạm đến con Hiền nên trông con nhỏ mới khổ tâm như vậy. Thằng Sơn tìm hết lời an ủi: - Hiền đừng buồn... có ngày tụi nó phải xin lỗi Hiền. Sơn... quý mến Hiền, Sơn nghĩ Hiền như là cô bé lọ lem vậy đó. Hiền làm lụng cực nhọc lại siêng năng học hành... chỉ có những đứa ngu ngốc mới cười chê Hiền. Con Hiền cảm thấy ấm lòng khi nghe những câu nói chân tình của thằng Sơn. Nó đưa tay chùi nhanh những giọt nước mắt vừa ứa ra mi. Ít ra còn có thằng Sơn, tuy hoàn cảnh sống khác biệt nhau, nhưng sự cảm thông hiểu biết của thằng Sơn khiến nó vô cùng xúc động. - Tui biết là phải trả mấy cuốn truyện cho đàng ấy, tui chỉ mới chép được một ít thôi. Thằng Sơn mở to mắt ngạc nhiên: - Hiền chép lại à? Con Hiền gật đầu: - Mấy bữa nay tui ráng thức khuya mà mới chép được nửa cuốn “Nàng Tiên Cá”. Giá mà đàng ấy ở lâu hơn... tui sẽ chép hết để dành từ từ đọc. Thật là điều bất ngờ đối với thằng Sơn. Nó chưa bao giờ tưởng tượng nổi ở vùng thôn quê hẻo lánh này quyển sách trở thành nỗi ước mơ khao khát của những đứa bé nghèo ham học. Quyển sách đáng là bao so với cây súng nhựa, chiếc xe hơi chạy pin và thỏi kẹo xê-gum nó nhai rồi thổi thành bong bóng? Thằng Sơn bùi ngùi nhìn xuống bàn tay chai sần của con Hiền. Bàn tay ấy ban ngày phải cầm cuốc xới đất trồng khoai, đêm đến còn mày mò bên ngọn đèn chong chép từng mẩu chuyện... Ở trường thằng Sơn học, cũng có nhiều bạn hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn cố gắng đi học và học rất giỏi. Cô giáo vẫn thường đem các bạn ấy ra làm tấm gương để nhắc nhở cả lớp noi theo. Mỗi lần nhà trường mở đợt quyên góp giúp đỡ các học sinh nghèo là Sơn đập ngay con heo đất - số tiền gom góp được từ những lần nhịn ăn quà sáng, đem nộp tất cả cho cô giáo. Nhưng hôm nay, được nhìn thấy tận mắt cảnh nhà của nhỏ Hiền, và nghe nó tâm sự xúc động. Nó muốn làm một cái gì đó, để giúp con Hiền nhưng vẫn chưa nghĩ ra. Nhìn mặt thằng Sơn cứ nghệch ra, con Hiền hỏi khẽ: - Ðàng ấy nghĩ gì mà ngồi im lặng vậy? Thằng Sơn giật mình: - À, không tui... đang nghĩ, hay là Hiền cứ giữ lại cuốn truyện này mà đọc. Ðừng chép nữa mất công. - Thôi, tui sợ mẹ bạn biết lại la rầy. À, mà cái chuyện Sơn vừa kể, có trong cuốn sách này không? Thằng Sơn khẽ lắc đầu: - Không, chuyện này Sơn nghe ba kể lại. - Tui thương ngoại tui lắm. Trên đời này ngoại là người thân duy nhất của tui. Nếu tui gặp kẻ cướp tui cũng liều mình để cứu ngoại. Thằng Sơn phì cười trước câu nói ví von của con Hiền - lẻo khẻo như nó làm sao mà đánh cướp được. Con Hiền ngạc nhiên hỏi: - Sơn cười gì vậy? - Nghe Hiền nói, Sơn tức cười quá, coi “bộ vó” vậy mà cũng có máu võ hiệp dữ ha. Con Hiền phụng phịu: - Ðằng ấy khi dễ tui quá. Ðến khi gặp hiểm nguy thì ai cũng vậy thôi. Vừa lúc đó thằng Tứ ở đâu bỗng xăm xăm đi tới, theo sau là một thằng choai choai, tóc chải láng lẫy, mắt ti hí, mũi to, nước da tai tái. Nó mặc quần tây, áo sơ mi xanh, chân đi dép Lào. Thằng Tứ bô bô: - Ông nội mày réo om sòm ở đẳng. Thấy tao đi ngang ổng nhờ tao kêu mày về. Rồi thằng này cũng đòi theo. Nhận ra đứa em họ, thằng Sơn vội hỏi: - Mới qua chơi hả Bạch? Thằng Bạch không trả lời, đôi mắt ti hí của nó đang bận chiếu về phía con Hiền với vẻ tò mò thích thú. Con Hiền cũng vừa nhận ra nó, cái thằng làm phách nhất lớp mà học hành thì dốt như ma. - Anh Sơn quen con nhỏ này hả? - Giọng thằng Bạch hách dịch. - Ừ, mà sao Bạch cũng biết bạn ấy à? Thằng Bạch xì một tiếng rồi bước tới bên Sơn cười nhạo: - Nó học lớp tui đó, ở dơ quá nên đâu có đứa nào thèm chơi. Hổng ngờ nhà nó còn thua cái chuồng gà của má tui. - Bạch! Sao lại nói thế? Có im đi không? Sơn tức giận trừng mắt nhìn thằng Bạch. Nó vẫn phớt lờ, cái mặt nhơn ngơn trơ trẽn: - Tui thấy sao nói vậy hà. Mắc gì anh binh nó. Giọng Sơn gay gắt: - Như thế là xúc phạm người ta – đó là hạnh động đáng xấu hổ. - Tại... tui hổng muốn anh chơi với nó. Thằng Sơn quay lại và thấy con Hiền sa sầm nét mặt. Còn thằng Tứ thì hầm hầm như muốn tung nắm đấm vào thằng Bạch. - Ê, thằng lõi kia, ai cho phép mày khi người ta hả? Thằng Bạch hống hách cự lại: - Tao nói con nhỏ đó chớ nói mày hồi nào? Thằng Tứ hùng hổ xông tới. - À! Chính mày là thằng hay ăn hiếp con Hiền phải không? Tao đục móp mặt mày cho biết. Thằng Bạch đưa tay đỡ, miệng vẫn léo nhéo: - Mày gây sự trước nghe, đụng tới tao là mày tàn đời. - Ðồ làm phách! Mày phải bỏ tật láo toét tại đây. Hai đứa xáp vào như hai con dế lửa hung hăng. Con Hiền sợ rúm ró la lên. - Ðừng quýnh lộn! Ngoại tui về kìa, ngoại tui xách chổi ra kìa. Thằng Sơn luýnh quýnh nhảy vô can nhưng chỉ tổ hứng đòn của hai chú gà chọi đang hăng tiết, chúng đấm đá quần huỳnh huỵch. Bị thoi nhầm vào bụng, thằng Sơn ngã lăn quay, nhưng nó vẫn gượng dậy xông vào, ôm chân thằng Tứ gào to: - Buông nó ra đi, Tứ ơi! Nghe Sơn nói nè... Thằng Tứ vừa trả đòn vừa tìm cách gạt thằng Sơn. - Mày dang ra cho tao trị nó. Thằng Bạch cũng lì lợm không kém, nó xù lên như con nhím giương những chiếc gai nhọn hướng về thằng Tứ. Hai đứa đều dai sức như nhau nhưng thằng Tứ bị thằng Sơn níu kéo nên lãnh nguyên mấy cú đấm của thằng Bạch. Nổi nóng nó đạp cho thằng Sơn một cái rồi nhào tới câu cổ đè thằng Bạch xuống đất, lăn tròn giữa sân. Nghe động lũ trẻ con đổ xô chạy tới, chúng vỗ tay reo hò như những cổ động viên cuồng nhiệt trước một trận đấu gay go đầy hứa hẹn. Cái áo ngắn cũn cỡn của thằng Tứ bị đứt mất một vạt, còn bộ đồ vía của thằng Bạch cũng nhàu nát một cách thảm hại. Con Hiền thật sự hốt hoảng, lẽ nào nó đành bất lực đứng nhìn hai thằng bạn xâu xé nhau mà suy cho cùng nguyên nhân cũng chỉ vì nó. Nước mắt lưng tròng, nó bước tới gỡ tay thằng Tứ, lúc đó đang chắn ngang cổ thằng Bạch. - Tứ hổng thả bạn ấy ra... tui nghỉ chơi luôn đó. Giữa bầu không khí sôi động tiếng hét la ầm ĩ, thằng Tứ mặt đằng đằng lửa giận bất chợt xìu xuống vì những giọt nước mắt của con Hiền nhiễu trên tay nó. Nó từ từ đứng dậy lầm lũi bước ra bờ sông với chiếc áo rách vạt tòng teng và một bên mắt sưng vù. Thằng Bạch cũng lồm cồm bò dậy, phủi lớp bụi dính trên quần áo. Nó nhìn theo thằng Tứ một cách căm hờn. Ðám con nít tản ra chỗ khác, bàn tán rì rầm về cuộc ẩu đả vừa qua. Chúng thắc mắc không biết cái thằng ăn mặc bảnh chọe kia là ai? Từ đâu tới? Tại sao đánh nhau chí tử với thằng Tứ rồi cả hai lẳng lặng bỏ đi chẳng nói tiếng nào. Có đứa bám theo thằng Bạch và nhìn thấy nó rẽ vào nhà ông Tư Hổ. Thằng Sơn vẫn còn ngồi lại bịn rịn với con Hiền... Nó cảm phục tính thẳng thắn của thằng Tứ nhưng thật tình nó không muốn nhìn thấy cảnh choảng nhau giữa thằng Tứ và đứa em họ lếu láo của mình. Chần chừ một lúc Sơn quay gót ra bờ sông. Thằng Tứ đang ngồi bó gối bên gốc dừa, trông bộ dạng nó thật thểu não. Thằng Sơn ái ngại phân trần: - Quả tình... Sơn chỉ muốn hai người đừng đánh nhau. Thằng Tứ gằn giọng: - Nhỏ Hiền không cản là tao vả cho nó gãy hết răng. Nó là thứ gì của mày? - Là con cô Ba của Sơn, bữa hổm Sơn có qua nhà nó chơi. - Lát nữa về mày sợ bị rầy không? - Sơn không sợ đâu. - Còn tao bị rách cái áo, con mắt đeo thêm trái mù u chắc không yên thân với má tao. - Tứ có giận Sơn không? - Tao tức quá nên mới nện mày một đạp, mày hổng giận thì thôi, sao tao lại giận mày. - Sơn có cách này... bây giờ Tứ cởi áo ra mượn bạn Hiền vá lại, còn chỗ sưng lấy muối đắp lên, chút xíu đỡ liền. - Mày bị lần nào chưa mà rành vậy? - Chưa, chỉ bị té sơ sơ thôi. Thằng Tứ đứng dậy chép miệng thở ra. - Nãy giờ tao thấy nghi nghi. - Nghi cái gì? - Tự nhiên mấy bữa nay con Hiền không đi học, chắc phải có lý do nào đó. - Sao Tứ không hỏi thử? - Bữa trước nó có nói nhưng tao cứ tưởng nó nói chơi. Dám chừng cũng tại cái thằng mất dạy này. Sơn lặng thinh theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Biết đâu thằng Tứ chẳng nói đúng. Bởi lúc nãy con Hiền cũng vô tình bộc bạch nỗi ưu tư thầm kín với Sơn mà đâu phải với ai nó cũng tâm sự được. Con Hiền đã lau khô nước mắt, nhưng mặt mũi nó còn vằn vện như con mèo vừa chui ra từ xó bếp. Nó nhìn thằng Tứ với vẻ trách móc pha lẫn xót thương. - Tứ ham quýnh lộn quá hà. Thằng Tứ cười nửa miệng: - Từ hồi nào đến giờ mày thấy tao có đánh đứa nào khôgn? Tại thằng này nó nói xấu mày. - Kệ nó, ai biểu Tứ làm anh hùng rơm. Coi cái áo rách te tua rồi kìa. - Rách thì ở trần cho mát. Vừa nói nó vừa cởi cái áo giơ ra trước mặt ngắm nghía. Con Hiền biết mình phải làm gì. Nó chạy vô buồng lấy rỗ kim chỉ của bà Hai. Thằng Tứ quay sang Sơn giục: - Thôi mày về đi. Ở lâu thế nào ông nội cũng kiếm mày. Thằng Sơn bịn rịn như muốn nói điều gì. Lòng nó chợt se thắt khi nghĩ đến sáng mai này nó sẽ rời khỏi nơi đây. Nó trở về thành phố sống những ngày bình yên với bạn bè, sách vở sau một chuyến đi ngắn hạn. Nó không muốn nói lời chia tay với thằng Tứ con và con Hiền... những đứa bạn mà nó bắt đầu gắn bó mến thương. Thằng Tứ phải giục lần thứ hai, Sơn mới chịu nhấn chân lên sau khi dặn dò: - Tối nay Sơn đợi Tứ sau gốc dừa trụi, nhớ rủ Hiền nữa nghen! - Ừa, mày nhớ điều tra thằng ôn dịch đó. Thằng Sơn gật đầu quay gót. Bóng nó đổ dài trên con đường đất mấp mô. Trời đã ngã sang chiều. Thằng Sơn không đi thẳng vô nhà mà dừng lại bên cây lựu, ngước nhìn những trái còn xanh đeo lủng lẳng trên cành. Cây lựu này ông nội rất quý, biết nó sắp về ngày nào ông cũng canh chừng vì sợ lũ nhỏ ngứa tay hái trộm. Thấy Sơn la cà chơi với thằng Tứ, ông nội có vẻ không hài lòng. Sơn hỏi ra mới biết ông nghi thằng Tứ là thủ phạm trèo qua rào hái lựu của ông. Ông nội cho rằng những đứa khôgn được dạy dỗ như thằng Tứ sẽ không chừa bất cứ thói hư tật xấu nào. Sơn không dám cãi lại với ông vì ba nó còn sợ ông nội một phép. Sơn nghe loáng thoáng, hồi đó ông nội đã dạm hỏi cho ba một cô gái quê nhưng vì ba đã lỡ thương mẹ nó nên không chịu nghe lời ông nội. Thế là ông nổi trận lôi đình phang cho ba mấy gậy lỗ đầu rồi đuổi đi biệt xứ. Có lẽ vì vậy mà đằng đẵng mười năm trời Sơn mới được giáp mặt cùng ông. Ông còn phương phi khỏe mạnh mà đi đâu cũng chống gậy trúc. Tóc ông bới củ tỏi, ôgn thường bận bộ đồ bà ba đen đi xem xét khắp khu vườn. Tiếng ông nói rổn rảng, mỗi lần ông hắt xì hơi, thằng Sơn tưởng chừng như tiếng sấm nổ bên tai. Nó tưởng tượng lúc nổi giận, chắc ông gầm lên như hổ, chả thế mà khắp vùng thiên hạ đều gọi ông là ôgn Tư Hổ. - Sơn à, nãy giờ con đi đâu? Thằng Sơn quay lại khi nghe tiếng mẹ nó vang lên dịu dàng. - Dạ, con chơi đằng nhà bạn Hiền. Mẹ ơi thằng Bạch còn trong đó không? - Còn, nó vừa méc ông nội có đứa nào đánh nó. Thằng Sơn liếc vô nhà lẩm bẩm: - Cái thằng không biết xấu hổ, lại dám mở miệng méc. Mẹ nó nhíu mày hỏi: - Chuyện gì xảy ra vậy con? - Thằng Bạch kỳ lắm mẹ... nó chế nhạo bạn Hiền ở dơ, rồi quýnh lộn với bạn Tứ, xé rách áo bạn ấy, làm bạn ấy bầm mắt hết trơn. - Vậy mà nó nói đứa kia gây sự trước, ông nội và cô dượng đang giận lắm đó. - Ðể con nói cho họ khỏi hiểu lầm, con biết tính bạn Tứ mà, bạn ấy không tiểu nhân như thằng Bạch đâu. Mẹ nó cười hiền: - Thằng Bạch là em họ của con, sao con chỉ nghĩ xấu cho nó. - Tại vì nó không tốt, nó chế giễu bạn Hiền trước mặt con. - Con bé đó ra sao mà con bênh chằm chặp vậy? - Bạn ấy chẳng có gì hết mẹ à. Hai bà cháu sống thật là khổ. Mấy cuốn truyện con cho mượn bạn ấy phải thức khuya chép lại. Mai mình về rồi con muốn tặng cho bạn ấy, được không mẹ? - Tùy con, nếu con thấy đó là việc đáng làm. - Còn nữa... cái áo của bạn Tứ. Thấy nó ngập ngừng, mẹ nó khuyến khích. - Con nói tiếp đi. - Con muốn cho bạn Tứ... cái áo mới của con. Một tuần nay con thấy bạn ấy chỉ mặc mỗi cái áo... hồi nãy thằng Bạch đã làm rách. - Cho rồi con không tiếc sao? - Dạ không, con muốn bạn ấy nhớ tới con. Mẹ nó xúc động hỏi: - Ai dạy con làm những điều này? - Con không biết, tự con cảm thấy phải làm như vậy. Mẹ đồng ý nha mẹ. Mẹ nó gật đầu âu yếm bảo: - Con nhiều áo, cho bớt bạn một cái có sao đâu? Mẹ không hề phản đối. Thôi con hãy vô chào cô dượng, nhớ đừng nói điều gì để ông nội phiền lòng. Thằng Sơn nhìn mẹ với ánh mắt biết ơn. Song nó không thể bỏ qua cái thói trịch thượng của thằng Bạch mà vì chuyện này sẽ làm ông nội ghét bỏ thằng Tứ. Sơn nghĩ thầm, thằng Tứ bẻ lựu của ông chẳng qua là làm phần thưởng cho con Hiền. Một đứa có lòng với bạn như vậy rất đáng trân trọng. Tại sao nội không hiểu được điều đó. Sơn chậm rãi bước vô nhà. Quả như lời mẹ nói, mặt ông đang hầm hầm tức giận. Thằng Bạch đứng nép bên mẹ nó, chốc chốc đưa tay quệt mũi. Tiếng cô Ba chì chiết: - Cái xóm gì con nít mới nứt mắt đã lưu manh, mất dạy. Vậy mà ba để thằng Sơn chơi với chúng. Ông nội thở hắt ra: - Thì tao thấy tụi nó chơi với nhau êm ru, chứ có đâu như vầy. Ờ... thằng Sơn về kìa, để hỏi thử coi. - Sơn, tới đây ông biểu. Thằng Sơn vòng tay chào cô dượng rồi liếc sang thằng Bạch. Thái độ ngông nghênh của thằng Bạch đã biến đâu mất. Nó đang làm ra vẻ tức tửi như là bị ăn hiếp không bằng. Cô Ba hỏi mát mẻ: - Ðứa nào quýnh em mà con không binh vậy Sơn? Sơn từ tốn đáp: - Lỗi tại Bạch cô à, nó sinh sự trước. Cô Ba nhấp nhỏm trên bộ ván gỗ: - Con nói sao chứ... thằng Bạch của cô hiền như cục đất, hồi nào tới giờ có quýnh lộn quýnh lạo với ai đâu. Giọng Sơn chắc nịch: - Con không nói thêm cho Bạch, chính Bạch đã nói những lời rất khó nghe. Nó chê nhà bạn Hiền thua xa cái chuồng gà của cô nữa... Thằng Bạch chống chế: - Thì... có sao nói vậy. Con nhỏ đó đi học bận quần áo dơ hầy cô giáo con hăm đuổi học nó nữa kìa. Ông nội quay sang trách cô Ba: - Con cái không chịu dạy dỗ mới bây lớn đã tự cao tự phụ. Cô Ba vẫn một mực binh con: - Ba rầy oan cho nó, tính nó thật thà không thêm bớt một ly. Nó có biết cái gì là tự cao tự phụ. Kỳ cục thiệt, ruột rà thì không binh lại đi binh cho người dưng nước lã. Cô giận dỗi đứng dậy, kéo tay thằng Bạch và hối chồng ra về. Ba mẹ Sơn cố giữ lại nhưng ông nội xua tay: - Kệ nó, thương con kiểu đó có ngày nó sáng mắt ra. Sơn đến bên ông thỏ thẻ: - Ông nội ơi, bạn Tứ không phải là người xấu đâu. Bạn ấy hành động dũng cảm. Ông nội xoa đầu nó: - Ờ, ờ... - Ông nội biết không, tháng nào con đứng nhất ba mẹ cũng thưởng cho con. Vậy ông nội có thưởng cho con không? - Mày ở xa lắc xa lơ làm sao ông thưởng? - Nếu ông nội đồng ý con sẽ có cách. - Thôi được, mày muốn ông thưởng cái gì? - Ông nội cho con cây lựu trước sân. - Trời đất, cho mày bứng đem về chỗ đâu mà trồng? - Không, con sẽ để đây, lâu lâu con về. - Tưởng gì, mày xin hết vườn tao cũng cho. - Vậy ông ngoéo tay đi. Nó đưa ngón trỏ ra ngoéo vào tay ông nội. Cả hai ông cháu cùng cười. Lúc ông đang vui Sơn nói liều ra ý định của mình. - Ông ơi, bạn Hiền cũng học giỏi như con, nhưng không được ai thưởng hết. Ông nội cười trêu: - Mày muốn xí phần cho nó nữa à? - Cây lựu là của con mà, con gửi ông nội giữ dùm chừng nào trái chín, ông hái dưa cho bạn Hiền, ông nói là quà của con gởi tặng. - Thằng này nghĩ ra chuyện hay ho thật. Tưởng ông nội quở trách Sơn năng nỉ: - Ông làm như vậy nghe ông, biết đâu món quà ngộ nghĩnh này là nguồn khích lệ lớn lao đối với bạn ấy. - Ừ, rồi mày biếu cho ông món quà gì? Thằng Sơn ngắm nghía búi tóc củ tỏi của ôgn tủm tỉm cười: - Con sẽ mua cho ông cây kẹp tóc, ông kẹp lên, xa xa người ta tưởng ông là... cô thôn nữ già. Ông nội dứ dứ nắm tay trước mặt Sơn mắng yêu: - Tổ cha mày! Mày đi chắc là ông sẽ nhớ mày.