Những kẻ sống sót trong cuộc dấy loạn 1917 Vân Nam-Quế Châu tản mác khắp nơi. Một số định cư tại Sip Song Bắc Việt, gồm những ông bà già, các bà mẹ dẫn bầy trẻ con, rách rưới, đói khát trên đường chạy nạn, xin phép các trưởng làng để được trú ngụ. Đêm xuống quanh bếp lửa, những người tị nạn kể lại sự tàn ác của người Thái trong cuộc tàn sát người Hmong. Khu vực Sip Song là của người Thái, một khoảnh 100 cây số vuông đất vùng cao cách biên giới Lào một tầm ném đá, cai trị bởi những lãnh chúa Thái độc tài, bạo ngược với Hmong. Câu chuyện về người Thái dã man lan truyền từ làng Hmong này đến làng Hmong khác, sự ghê tởm của họ phóng đại mỗi lần kể lại, được mọi người tin là thực. Tháng 6 năm 1918 khi đội ngũ Hmong đầu tiên từ trên những ngọn núi tràn xuống chiếm cứ Sip Song, tấn công thị trấn Lai Châu, vùng cực Bắc của sắc dân Thái và Sơn La, vùng cực Nam. Sự cuồng nộ của cuộc cướp phá ấy một phần do lòng căm ghét người Thái nhưng phần nhiều là vì niềm tin vào một hoàng đế Hmong đã xuất hiện. Hmong chuẩn bị một cuộc giải phóng. Hàng trăm người đã rời làng mạc đi tìm và bày tỏ lòng thần phục vị cứu tinh này. Tại một làng Hmong hẻo lánh, một phụ nữ tự xưng là nữ hoàng của các bộ tộc Hmong. Dân thuộc bộ tộc của bà đổ xô đến làng của bà để yết kiến. Hiếu kỳ, người Pháp mở cuộc điều tra và sau cùng nhận định rằng đó chỉ là hiện tượng quá cuồng nhiệt của quần chúng. Một tu sĩ Thiên Chúa giáo có thiện cảm với Hmong cảnh giác người Pháp rằng đó không đơn giản là một hiện tượng quần chúng cuồng nhiệt. “Toàn thể sắc tộc không thể trở nên cuồng tín một sớm một chiều mà không có nguyên nhân rõ rệt, bị cuốn hút bởi sự thuyết giảng của vị pháp sư đầu tiên của họ.” Vị linh mục khuyến cáo rằng nguyên nhân chính là sự căm phẫn vì ức chế quá lâu. Các thổ hào Thái buộc Hmong đóng thuế nặng gấp 3 lần quy định của chính quyền Pháp: 5 Đồng hay 200 grams thuốc phiện cho mỗi xuất đinh. Hmong phải chiêu đãi viên chức thuế người Thái và để họ ăn nằm với các cô gái đẹp nhất trong làng. Người Pháp làm ngơ khuyến cáo của vị linh mục. Hàng nhiều thập niên đã có một luật lệ bất thành văn làm ngơ sự bóc lột của người Thái. Nhìn nhận sự áp bức có nghĩa thừa nhận sự thông đồng của người Pháp. Nhưng một khi phúc trình bắt đầu rỉ ra khắp Sip Song xác nhận Hmong đang chuẩn bị tổng khởi nghĩa, chính quyền thuộc địa đổ xô đến mở cuộc đàm phán với các trưởng làng Hmong, hứa hẹn sẽ điều tra sự áp bức của người Thái. Người Hmong muốn hơn thế. Họ yêu sách tất cả viên chức trung gian giữa Pháp với Hmong phải được thay thế bởi Hmong, đại diện cho Hmong. Vị lãnh chúa người Thái ở Sip Song là Đèo Văn Kháng, hậu duệ của một gia phả cai trị lâu đời bộ tộc Thái. Thuế bất hợp pháp đánh trên người Hmong làm ông có thêm lâu đài, kiệu khiêng ngày một tráng lệ. Nếu cuộc đàm phán thành công và Hmong được tự trị, ông ta sẽ mất hàng nhiều ngàn thỏi bạc. Để phá vỡ hòa bình bất lợi này, Đèo Văn Kháng xua quân cướp phá các làng Hmong. Các trưởng làng Hmong khiếu nại với chính phủ thuộc địa, yêu cầu bảo vệ. Người Pháp thương cảm, nhún vai và như thường lệ, không làm gì cả. Pa Chay. Ở một làng gần Điện Biên Phủ, khoảng 300 người Hmong tụ họp thành một đội quân. Đầu lĩnh của họ là Pa Chay, một người hoàn toàn vô danh với nhà cầm quyền Pháp. Ông không có tên trong hồ sơ những kẻ phạm pháp, ngay cả trong sổ tay của xã trưởng. Tên của ông không có trong hồ sơ lý lịch của các nhà chính trị, các đảng cướp, lưu trữ trong phòng hành chánh tỉnh. Một cách thiếu may mắn, Pa Chay khó trở thành vị thiên sứ giáng thế cứu dân tộc. Mang họ Vue, sinh trưởng tại Vân Nam gần biên giới Miến Điện, ông mồ côi từ thủa nhỏ. Vừa mới lớn, ông di cư sang Bắc Việt Nam để tìm bà con ở Na Ou, một làng miền núi gần Điện Biên Phủ. Vue Song Tou, trưởng làng, nhận Pa Chay làm con nuôi. Na Ou là một làng nghèo, và trong một làng nghèo thì trưởng làng cũng phải ra đồng làm rẫy. Pa Chay cũng vất vả như bao người, đo kính trọng bằng mồ hôi và những vết chai trong lòng bàn tay. Ông không có bùa phép, không được thiên sủng mạc khải và không biết đọc biết viết. Lúc ấy là trước thời nổi loạn ở Vân Nam, Quế Châu (1917 đã kể ở trên) và trước khi có lời đồn đại về một hoàng đế Hmong sắp quang lâm. Đột nhiên Pa Chay biến đổi. Trong một giấc mơ, ông lên Trời và yết kiến với Chue Chao. Đấng cứu thế Chue Chao dạy ông đọc và viết chữ Hmong, mà một thời đã thất truyền. Vị Chúa Trời này còn ra lịnh cho ông mộ một đội quân đánh đuổi người Thái (không phải Thái Lan mà là Thái thiểu số miền núi) ra khỏi khu vực Điện Biên Phủ và kiến tạo một vương quốc Hmong độc lập. Dù mong mỏi đấng cứu thế, người Hmong ở Na Ou không thấy Pa Chay có gì lạ. Để lấy lòng tin, Pa Chay vọt lên mái nhà bằng một bước nhảy và mang xuống một rổ trứng thần diệu, tự phục hồi nguyên vẹn sau khi ông đã đập vỡ trong cái cối xay gạo. Sự việc này có thể là xảo trá nhưng khi Pa Chay viết những chữ kỳ lạ trên một mảnh vải, nói rằng đó là chữ “quốc ngữ” Hmong thì dân làng tin hẳn. Những người lân cận đổ xô đến Na Ou chiêm ngưỡng phép lạ, một số không trở về vì tình nguyện đầu quân vào đội quân giải phóng của Pa Chay. Pa Chay dẫn lực lượng nhỏ bé của mình sang hướng Tây, vượt biên giới sang Lào, chiếm đóng dọc theo đường thuộc địa 41. Đường này chạy từ đầu đến cuối Sip Song, nó là trục lộ chính vận chuyển hàng hóa thương mại và quân sự. Người Pháp không thể để nó lọt vào tay phiến loạn. Một đội quân Pháp tiến vào vùng này hầu tái chiếm con đường. Pa Chay phục kích và đuổi họ về Lai Châu (VN). 70 dặm về phía đông, ở Yên Bái, một đoàn quân đông hơn, mở cuộc hành quân giải tỏa trục lộ. Đoàn quân này hành quân trên đường 31, được vẽ bằng những dấu gạch rời, biểu hiệu đường mòn. Nó không xứng với gạch rời. Nhiều đoạn cỏ hoang mọc kín, lội bộ rất cực nhọc. Phải mất một tuần cho lính Pháp để đi đến nơi. Trong khi ấy Pa Chay càn quét Muong Phang, một thị trấn của người Thái và thiêu rụi nó. Phía Tây của làng này là thung lũng Điện Biên Phủ, một cứ điểm trọng yếu của nguời Thái bao quanh bởi những làng và thị trấn. Pa Chay xông vào tận nơi, đốt phá, cướp bóc dọc đường tiến quân. Khi quân Pháp rốt cuộc đến từ Yên Bái, Pa Chay đã rời thung lũng lên núi, cướp bóc tàn sát dọc đường. Lính Pháp đuổi theo nhưng Pa Chay nhanh hơn. Cuối cùng quân Pháp bỏ cuộc truy nã. Các viên chức Pháp đến Điện Biên Phủ ngay sau đó, kiểm điểm thiệt hại và lượng định giải pháp. Họ quyết định điều đình thay vì dùng võ lực. Qua trung gian Hmong, họ tiếp xúc với Pa Chay và bắt đầu nói chuyện. Pa Chay không nhượng bộ trên mọi vấn đề. Người Pháp dụng tâm kéo dài điều đình bằng những thủ đoạn ngoại giao hầu làm Pa Chay ngả lòng nhượng bộ. Không kềm chế được nóng lòng, Pa Chay hành quyết người điều đình. Hành động này làm người Pháp nổi giận, quyết tâm trừ khử Pa Chay bằng mọi giá. Trận đánh chính yếu đầu tiên giữa Pháp và Pa Chay trên những ngọn núi gần Na Ou. Ngưòi Pháp điều động binh sĩ thuộc địa người Việt Nam từ Sơn La, Yên Bái, trang bị hùng mạnh chỉ huy bởi các hạ sĩ quan Pháp đầy tự tin. Sau 2 ngày giao tranh đẫm máu với nhiều người chết và bị thương, lính thuộc địa rút lui không kèn không trống. Nhiều cuộc giao tranh khác tiếp theo. Du kích Pa Chay lăn đá xuống đoàn quân đang leo núi, phục kích họ ở những hiểm địa cây cối chằng chịt, bắn tên độc hay đạn súng hỏa mai vào đoàn lính, gây đau đớn lâu trước khi chết. Tổn thất phía loạn quân được coi là nhẹ. Họ tin rằng đó là nhờ phép của Pa Chay và thần linh phò trợ. Trong những đụng độ sơ khởi này, một trinh nữ Hmong dẫn đầu đội quân vào trận tuyến. Cô tên là Nzoua Ngao, 17 tuổi và đồng trinh đúng theo yêu cầu của truyền thuyết. Trong lúc chiến đấu, cô đứng giữa trận tuyến vẫy một lá cờ trắng lớm để xua đổi lằn đạn. Quân Pa Chay dắt trong túi lá cờ nhỏ vẽ bùa yểm hộ mọi nguy hiểm. Quân Pa Chay cũng uống nuớc thánh trước khi lâm chiến, một thuốc thần khiến họ không thể bị thương vì trúng đạn của Pháp. Trong khi Pa Chay tung hoành giữa chiến trường, một người Hmong thứ nhì tự xưng là Thiên Sứ trong truyền thuyết. Lý lịch trong hồ sơ thuộc địa chỉ vỏn vẹn cái tên “Camxu,” ông chiêu mộ quân sĩ và đánh phá một số làng người Thái ở Tây Bắc Điện Biên Phủ trước khi rút quân về vùng núi non hiểm trở ở Long He. Người Pháp điều thêm binh tấn công chiến khu của ông. Khi chiến trận trở nên khốc liệt, lính của Camxu rã ngũ và ông bị bắt làm tù binh. Chiến thắng của người Pháp ở Long He là bước ngoặt của chiến tranh. Sau gần 2 năm đánh trận trên vùng núi, bọn lính thuộc địa trở nên thiện chiến. Sau khi thám sát được cứ điểm của Pa Chay ở Ban Nam Ngan, người Pháp tập trung lực lượng, có cả trọng pháo được kéo lên sườn núi, tấn công lên đỉnh. Các khẩu đại bác phá tung thành lũy của Pa Chay, phơi bầy mục tiêu sống dưới họng súng của bọn lính thuộc địa. Pa Chay cố mở đường máu. Bên trái, bên phải, đàng trước đàng sau, Pa Chay thấy thuộc hạ lần lượt gục ngã. Tuy thế, ông trốn thoát trùng vây không hề hấn. Pa Chay chạy về hướng nam trên vùng cao Sơn La, nơi ông lại mộ quân, làm phép lạ, phát cờ thiêng. Trước khi ông có dịp thử thách đội quân mới trên chiến trường, người Pháp truy ra tung tích ông và dốc toàn lực tấn công. Phiến quân di chuyển sang Lào. Làng Hmong. Chú ý: luôn ở trên đỉnh núi Tháng Sáu năm 1920. Pa Chay lội bộ hết lên rồi xuống dọc Sip Song trong cái nắng oi ả nhiệt đới và cái mưa mùa tầm tã. Ông trốn tránh người Pháp và đột kích họ nhờ vào tin tình báo của dân làng, cũng chính là nguồn cung cấp lương thực, sung quân. Lòng dân tối quan trọng vì không có chỗ an toàn nào vì đây là lãnh thổ của người Thái. Cộng đồng Hmong giống như hòn đảo nhỏ trong muôn trùng người Thái. Ngang qua biên giới đông Bắc Lào người Hmong mới đông đảo và Pháp chỉ có một lực lượng tượng trưng ở đấy. Trong tình trạng quân Pháp theo bén gót, Pa Chay bỏ đồng đội và vượt biên giới sang Lào. Khi ông tới, Hmong ở Phong Saly, Sầm Nứa và Xiêng Khoảng đã trào sôi lửa hận. Chán nản vì sưu thuế, nhục nhã vì cưỡng bách lao động, nhiều người chực chờ nổi dậy, dù có Pa Chay hay không. Ông được tiếp đón như một vị vua và đấng cứu độ. Nhiều người Hmong mang cung tên, súng hỏa mai tình nguyện đầu quân cho một cuộc thánh chiến họ biết sẽ xảy ra. Việc chuyển địa bàn từ Việt sang Lào là cả một thất bại chiến lược cho Pháp. Chỉ vài năm trước họ có 5000 binh sĩ ở Bắc Lào, được điều động để đánh tan một lực lượng thổ phỉ gồm 3000 người Thái và Trung Hoa, chuyên vượt biên sang Việt Nam cướp bóc. Người Pháp dùng trọng pháo đánh bật chúng ra khỏi hầm hố rồi dồn dập tấn công bằng bộ binh. Hầu hết bọn thổ phỉ chạy sang Tàu nhưng một số bị bắt và xử tử thị uy, một biện pháp được cho là có hiệu quả trong dân chúng. Chỉ còn lại một bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ cảnh sát khu vực và như một nhắc nhở đến hình ảnh đội hành quyết người Pháp. Vấn đề bất ổn dự kiến khó có thể tái diễn. Đặt chân lên đất Lào, Pa Chay lập bộ chỉ huy trên mặt bằng núi Phoi Loi, một vị trí nhiều lợi điểm chiến thuật. Tọa lạc 30 dặm Bắc Cánh Đồng Chum, nó nằm giữa 2 tỉnh Sầm Nứa và Xiêng Khoảng, thành một trung tâm địa dư lý tưởng cho sắc dân Hmong tại Lào. Cao nguyên Phoi Loi cũng gần đường 6, trục lộ quân sự của người Pháp dùng để chuyển quân vào giữa lòng dân cư Hmong. Nếu Pa Chay làm chủ con đường, ông có thể cắt đứt nguồn tiếp liệu và chặn đứng sự chuyển quân của Pháp, trong khi tự do di chuyển lực lượng của mình dọc theo trục Bắc Nam không bị cản trở. Phoi Loi có thêm một đức tính nữa. Mọi con đường dẫn đến nó toàn là rừng rậm chằng chịt khiến tầm nhìn chỉ xa được vài mét. Mọi địa thế đều lý tưởng cho những cuộc phục kích. Lãnh thổ người Hmong ở Lào phỏng chừng 25 ngàn dặm vuông trên đỉnh núi. Rải rác vài nơi như Nong Het, gần biên giới Việt Nam định cư một số dân khoảng 1000 người. Những làng mạc thì nhỏ và cô lập, chỉ chừng 40 nóc gia hoặc ít hơn. Để xây dựng và cung cấp nhân lực cho quân đội, hàng trăm làng Hmong phải được động viên cho nhu cầu chiến đấu. Pa Chay rời Phoi Loi, vượt núi băng ngàn, gởi giao liên đi trước để thông báo cho dân làng vị cứu tinh sắp đến. Hàng trăm, đôi khi hàng ngàn từ những nơi lân cận, tụ họp đón chờ tin mừng. Pa Chay không làm họ thất vọng. Ông làm phép thuật và cắt nghĩa đường hướng chính trị trong “sách viết bằng chữ Hmong”, đọc sấm truyền về một vương quốc Hmong kiêu hùng, dậy lên từ những đồn lũy đổ nát của thực dân Pháp, và từ những tro tàn của làng mạc người Lào, người Thái. Vì mù chữ, không ai có thể đọc được sấm truyền này nhưng nó là một niềm vui mừng, hãnh diện vô cùng khi đặt ngón tay dò từng dòng chữ thiêng liêng chứa đựng khát vọng độc lập từ lâu ấp ủ. Đứng trên gò cao, có khi leo lên cây, Pa Chay luôn trong vị thế gần Trời hơn quần chúng. Từ trên cao, ông giảng dạy sự tinh tuyền văn hóa, cho rằng chỉ những ai giữ được truyền thống tổ tiên mới xứng đáng được Chue Chao (Chúa Trời của Hmong) phù hộ. Và ông tuyên bố một điều ai cũng đã tin: Ông chính là Chao Fa (Thiên Tử) Pa Chay không dám nhận danh vị này trong cuộc khởi nghĩa ở Sip Song. Nơi ấy ông chỉ nhận là kẻ dọn đường cho Thiên Sứ (Messiah.) Có lẽ một mặc khải đã làm ông đổi ý hay có lẽ sự kính trọng dành cho ông quá nhiều khiến ông thấy rằng chức vị kẻ dọn đường cho Thiên Sứ chưa đủ. Dù thế nào chăng nữa, Pa Chay bây giờ có niềm tự tin của một đấng tiên tri từ Trời xuống thế. Ông chiêm nghiệm một vương quốc Hmong trải rộng từ Điện Biên Phủ hướng Đông sang rặng núi Phu Bia hướng Nam và vươn dài thẳng lên tỉnh Phong Saly hướng Bắc. Mọi người run rẩy vì xúc động. Nước mắt chảy dài trên gò má phong sương, khổ ải của phụ nữ. Toàn thể dân chúng thề sẽ hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho cuộc thánh chiến vĩ đại giải phóng họ thoát gông cùm của người Lào và người Pháp. Thanh niên tình nguyện đầu quân. Già, trẻ, nam, nữ đảm nhận công tác tình báo cho quân đội giải phóng Pa Chay. Những ông chồng gỡ nữ trang trên cổ vợ của mình; những bô lão đào những thỏi bạc (tiền Hmong) chôn giấu trong rừng; kẻ thì lục lọi những bánh thuốc phiện đem lại chất thành đống dưới chân Pa Chay. Đoàn quân giải phóng thành lập từ lúc này. Dù người Pháo có một số ít lính chính quy trong khu vực để đương đầu với lực lượng Pa Chay, họ vẫn có 3 lữ đoàn vệ binh bản xứ ( Garde Indigène) cơ hữu để ngăn chận phiến loạn. Một lữ đoàn đặt dưới quyền viên công sứ tỉnh Xiêng Khoảng. Hai lữ đoàn còn lại đồn trú tại phía cực bắc Lào, Phong Saly và Sầm Nứa trong nhiệm vụ quân đội cơ hữu địa phương(cơ hữu là quân đội riêng, không trực thuộc quân đội chủ lực.) Từ mùa Hè năm 1920 qua mùa Thu năm 1921, các thành phần của 3 lữ đoàn đụng độ với lực lượng Pa Chay. Lính vệ binh tuần tiễu lọt ổ phục kích; đá lăn xuống hẻm từ trên cao, mảnh đại bác xé nát đội hình của họ. Đại bác là sự kiện ngạc nhiên. Người Việt Nam, Thái, Lào thuộc lữ đoàn 2, 4, 5 vệ binh chấp nhận chiến đấu và tự trấn an rằng vũ khí hiện đại của Pháp sẽ áp đảo được hỏa lực thô sơ gồm súng hỏa mai và cung tên của Hmong. Nếu đá lăn chỉ có tác hại tâm lý hơn là tổn thất nhân mạng thì đại bác hoàn toàn cướp tinh thần lính bản xứ. Thuốc súng tự chế biến cho đại bác. Pa Chay tàng trữ hàng tạ thuốc nổ, chế bằng tinh lọc nitrates từ phân dơi trộn với than và lưu huỳnh. Nó là phân lượng cổ truyền được dạy cho Hmong ở Quế Châu 300 năm trước bởi một phản tướng Trung Hoa tên Hwang Ming, đánh đổi bí mật quân sự lấy chỗ nương náu. Đại bác của Pa Chay là một khí cụ thô sơ chế tạo từ thân cây khoét rỗng, ràng lại bằng sắt, độ chính xác được vài mét và chỉ văng được ít miểng – vũ khí đáng tức cười nếu so sánh với đại bác không giật 4.5 inches với tầm bắn vài ngàn mét và đủ mạnh để phá banh những công sự chiến đấu xây bằng đá tảng. Nhưng Pa Chay không bắn từ ngọn núi này sang núi khác, cũng không xoi thủng các pháo đài. Ông dùng chúng ở tầm gần, đủ sức hủy diệt, nơi chúng có thể gieo rắc kinh hoàng trong hàng ngũ địch. Sĩ quan Pháp chỉ huy lữ đoàn chật vật lắm trong việc ngăn chận binh sĩ nổi loạn. Lính của họ cũng mê tín dị đoan như Hmong. Một khi nghe tin đồn Pa Chay có bùa phép thần thông quảng đại, họ suy đoán rằng tất cả bọn họ sẽ chết nơi chiến trường. Các sĩ quan chấm dứt tuần tiễu trong rừng. Thay vào đó, chỉ tuần phòng quanh đồn trại, tập trận giả để nhắc nhở rằng họ vẫn là chiến sĩ, ngay cả khi họ không muốn chiến đấu. Sự đình chiến giúp Pa Chay củng cố mặt chính trị. Cho tới nay, chỉ có quân đội được tổ chức có quy củ. Pa Chay chia quyền với một trợ lý Hmong làng Lao Vang, xử lý thường vụ các công việc thuộc chiến tranh. Hai quý tộc Hmong, một là bà con gần với Pa Chay ở Hoei Thong và một trưởng làng Phou Gni, với chức vụ các nguyên soái chiến trường, có quân đội riêng của họ. Có một hội đồng chiến tranh từ đaị biểu các thị tộc. Vài người chỉ huy các đơn vị du kích; vài người khác chỉ là quý tộc được phép tham mưu chiến lược quân sự. Chức năng chính của hội đồng là đóng góp hơn là thụ hưởng. Đó là sự liên lạc giữa Pa Chay với cấu trúc quyền lực bộ tộc và qua nó, đến các trưởng làng. Qua hội đồng, nhu cầu mộ quân, tiếp liệu, tiền bạc truyền đạt cho các làng. Pa Chay biến tổ chức quân sự này thành mục đích chính trị. Hội đồng chiến tranh được thành lập có chức năng kép là một cơ sở hành chính. Tất cả trưởng làng chịu trách nhiệm trước thành viên hội đồng, thành viên hội đồng chịu trách nhiệm trước Pa Chay. Để khẳng định địa hạt chiến được của người Pháp thành địa hạt của mình, Pa Chay chỉ thị các tư lịnh chiến trường ngưng tác chiến, dành sức mạnh để bình định người Khmu và thanh lý người Lào. Không có ghi nhận nào về kháng chiến Khmu. Phần đông chỉ bỏ chạy. Số Khmu còn lại trở thành nô lệ, khuân vác tiếp liệu phẩm hay lao động trong những công trường xây dựng. Số phận người Lào tệ hơn. Ai sống gần biên giới Việt Nam đều bị tiêu diệt, làng mạc bị thiêu hủy, mùa màng, trâu bò bị tịch thu. Một số lớn người Lào ngụ bên hữu ngạn sông Nam Ou, bây giờ thành biên giới thực tế (de factor, hiện thực dù đúng hay sai) phía Tây nuớc Hmong của Pa Chay. Trước khi du kích phóng hỏa đốt nhà của họ, người Lào băng qua sông tị nạn, bỏ ruộng đất cho người Hmong. Kế đến Pa Chay chú tâm đến người Hmong không chịu cộng tác trong cuộc thánh chiến. Hàng ngàn người không muốn con em thiệt mạng trong cuộc chiến chống Pháp, hay không đóng góp những thỏi bạc quý giá dành dụm cho việc cưới xin, bảo đảm việc nối dõi. Du kích đến những làng có thái độ trung lập, đạn lên nòng, tên trên ná. Rất hiếm có làng nào không tuân theo cách mạng khi nhìn thấy toán du kích này và hiến dâng thuốc phiện, bạc nén cho chính nghĩa cũng như góp vài thanh niên gọi là tình nguyện nghĩa vụ quân sự. Pa Chay cũng theo đuổi những con mồi lớn hơn. Một số trưởng làng lo ngại quyền lực của Pa Chay đe dọa đến quyền lực của họ. Vài người chống đối bằng miệng, ngăn cản dân dưới quyền tham gia phiến loạn. Kẻ chống đối dữ dội nhất là Lo Blia Yao, hạt trưởng thị tộc Lo kiêm xã trưởng Nong Het. Lo Blia Yao được viên công sứ De Barthelemy, dòng dõi quý tộc cất nhắc lên chức vụ ấy, với tinh thần nghĩa vụ cao quý. Barthelemy đơn độc tỏ bày mối quan tâm cho nhiều người Hmong trong những thông báo chính thức. Cảm nhận được sự bóc lột, áp bức truyền thống của viên chức Lào đối với Hmong, ông thúc đẩy các nhà chức trách gia tăng quyền tự trị cho họ. Nhờ Barthelemy, Lo Blia Yao tin rằng con đường giải phóng dân tộc là họp tác với người Pháp chứ không phải chống đối. Cũng một điều nguy hiểm là nếu cuộc cách mạng của Pa Chay thành công, thủ cấp của Barthelemy sẽ bị bêu, uy tín cũng như tài sản của Lo Blia Yao sẽ qua tap Pa Chay hay một trong thuộc hạ của ông. Lo Blia Yao dùng mọi cách để ngăn chận sự nổi loạn bén rễ trong xã của mình. Trợ lý của ông theo dõi mọi sự trong các làng. Hmong bị phát giác liên hệ đến phong trào Thiên Sứ, hay can dự đến việc mộ quân, đều bị đánh đập, đôi khi xử tử. Không phải ai cũng tuân theo. Cháu của Lo Blia Yao, Lo Song Zeu, nhiều năm phụ tá cho chú họ, gia nhập phong trào và mộ quân tại Nong Het ngay trước mắt Lo Blia Yao. Ông tìm mọi cách lung lạc người cháu nhưng Song Zeu đã thu phục được lòng người cho đến nỗi dù bị đe dọa hay được mua chuộc, họ không hề tiết lộ hoạt động hay lộ trình vị anh hùng dân tộc của họ. Vì mối hận thù cậu cháu, âm mưu ám sát Lo Blia Yao của Song Zeu là điều tất nhiên. Song Zeu xuống núi và lẻn đến tư dinh của cậu ở Pak Lak. Sau khi bao vây tòa nhà, Song Zeu gọi cậu ra. Lo Blia Yao đối diện với cháu đầy vẻ khinh miệt. Du kích của Song Zeu, tất cả mang họ Lo, thối lui, mắt nhìn xuống đất trước sự xuất hiện của trưởng tộc (Lo Blia Yao là trưởng tộc thị tộc Lo, một dòng họ lớn của bộ tộc Hmong). Song Zeu ra lịnh bắn nhưng không một khẩu súng nào dương lên. Lo Blia Yao bước vào nhà mặc mọi người đứng nhìn theo, trân trối.