Những năm tháng ở phố Hàng ThanTựu trường năm 1939, tôi thi đậu vào Trường cao đẳng Nông lâm. Hôm đi thi ở trường đại học (ở phố Lê Thánh Tôn bây giờ), anh Xuân Diệu nhét 5 xu vào túi tôi để đi tàu điện. Hồ sơ thì anh Diệu đã lục trong cái rương của tôi mà nộp giùm cho tôi lúc tôi đang dạy tư ở trường Tư thục “Chính hoá” ở Vinh. Tóm lại việc thi vào trường Nông lâm là một sự tình cờ đối với tôi, do bạn xếp đặt, nhưng cũng hợp với ý nghĩ của tôi là cần có một nghề tay trái để sau này khỏi lâm vào cái cảnh bán rẻ thơ văn để nuôi sống. Thế mà tôi đậu vào trường với thứ tự khá cao (số 5/25 người trúng tuyển), nhờ bài luận Pháp văn của tôi được 18 điểm và những bài khoa học cũng không đến nỗi tồi... Tôi ở trọ trên gác 40 Hàng Than cùng với anh Diệu và một số bạn sinh viên khác như Lê Ngọc Chấn (sau này đi theo Mỹ nguỵ, có lúc làm trợ lý quốc phòng cho Ngô Đình Diệm), anh Thụ người Thanh Hoá, em vợ anh Chấn thi trượt tú tài nhiều năm và anh Ngô Nhật Quang (bạn thân của anh Diệu và tôi, hiện nay là chuyên gia về xoá nạn mù chữ của Bộ Giáo dục). Phía gác trong có anh Nguyễn Hải (sau này là bác sĩ làm việc ở miền Nam trong thời Mỹ nguỵ chiếm đóng hình như cũng chỉ làm chuyên môn) và anh Phạm Đình Sơn (sau này là Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp đã về hưu). Chúng tôi ở pôpốt với nhau và có thuê một cậu nhỏ (tên là anh Bá) giúp việc bếp núc. Anh nhỏ này người hơi gầy yếu, nhưng làm việc siêng năng, thật thà, giúp chúng tôi có đều cơm ngon canh nóng. Sau anh Bá là anh Hạp giúp việc chúng tôi. Còn ăn sáng thì chúng tôi lấy dây thòng một cái rổ đựng bát xuống lề đường để mua phở 3 xu kéo lên, phở rất thơm ngon, rất nóng, có đủ cả hành chần và chanh múi. Ông phở sáng này thành ra quen thân với chúng tôi, đêm khuya về; đi ngang nhà lại mời chúng tôi ăn xương phở, chỉ phải trả 1 xu thôi, có khi ông còn cao hứng mời ăn không cho vui, đó là những lúc chúng tôi đi xem chiếu bóng ở phố Tràng Tiền về (ở rạp Êđen), hoặc ở rạp Magiettich, trước cửa trường Đồng Khánh. Chúng tôi lại còn cái thú đi chợ Đồng Xuân (gần phố Hàng Than) ăn bún ốc, và bún thang, giá cũng chỉ 5 xu thôi. Có khi chúng tôi gặp cơn đói, còn vào ăn quán cơm bình dân, cũng ở phố Hàng Than phía bên kia đường, quán dành cho các anh phu xe kéo.Ông chủ nhà Hàng Than mà chúng tôi ở trọ là cụ Tạ Tài. Cụ là một nhân vật trong khu phố. Cụ có một số xe kéo cho thuê, và cụ cũng bóc lột đến mức các anh phu xe, xe trả chậm giờ, là cụ phạt hẳn hoi, và có khi ngày sau không cho thuê xe nữa.Nhưng cũng phải công bằng mà nhắc rằng có khi cụ thấy một anh phu xe cả ngày hẩm hiu không kiếm được tiền thì cụ cũng cho chịu tiền thuê xe và có lúc còn xoá nợ. Nhưng một điều làm cụ nổi tiếng là cụ đã dám chống cự với một thằng tây bán đấu giá đồ tầm tầm. Lần ấy thằng Tây bán đấu giá giơ lên một cái bô vệ sinh của trẻ con, và dám nói đùa: “Thưa các ngài, đây là cái bát ăn cháo của người An-na-mít, đặt giá 1 đồng ai mua xin giơ tay?”. Cụ Tạ Tài đứng gần thằng Tây nói to: “Anh đừng có láo!”. Thằng Tây sửng cồ cãi lại thì cụ lấy ba toong nện vào lưng nó một cú mạnh. Thế là cả góc phố xôn xao lên. Thằng Tây ỷ quyền, doạ gọi cảnh sát đến bắt cụ, nhưng bà con công phẫn tỏ ý bênh vực cụ nên thằng Tây cũng lờ đi. Sau đó thằng Tây bán tầm tầm đâm đơn kiện cụ Tạ Tài về việc làm mất danh dự nó. Cụ lại có đơn kiện lại là thằng Tây làm mất danh dự cả người Việt Nam hôm đó. Vụ kiện kéo dài mấy tháng, và rút cục toà án (mà chánh án Pháp chủ trì) phải xử cho cụ được kiện và cụ được bồi thường 1 đồng bạc Đông Dương, gọi là bồi thường danh dự. Thế là cụ nổi tiếng khắp cả khu phố. Cụ lại còn làm thơ chế diễu bọn Tây “mắt xanh mèo, tay quào như cáo, mũi thò lò, thô bạo nói năng.... Ở nhà dưới 40 Hàng Than là anh Lưu Trọng Lư và người vợ đầu của anh là chị Thanh Thuỷ ở một nửa phòng, che chắn bằng một cái bình phong gỗ dài. Lúc đó anh Lư mới có đứa con đầu là cháu Hải, bây giờ là một kiến trúc sư (nếu tôi không nhớ nhầm). Mỗi lúc tôi đi học về, tôi phải dắt xe đi rón rén đặt ở chân cầu thang để khỏi làm phiền gia đình anh chị Lư, nhất là sau những đêm anh đã đi chơi khuya với bạn bè, hoặc thức khuya để viết lách. Chị Lư người rất hiền, nói năng nhỏ nhẹ chúng tôi rất quí mến và nể chị. Cháu Hải thì rất ngoan và hay vẽ tàu bay và tàu lặn lên nền nhà, cả trên nền ban công trên gác chúng tôi ở. Anh Lư làm thơ (về sau in trong tập Tiếng thu) thỉnh thoảng gọi tôi xuống đọc cho tôi nghe, đoạn nào tâm đắc thì hai anh em cùng ngâm đi ngâm lại.Cụ Tạ Tài có hai cô con gái, một cô tôi nhớ là tên Tuất, hình như là cô em và tháng 10 năm 1940, vào lúc trời đã rét, rét ngọt, thì một cô con gái hoặc một cô cháu gái của cụ chết. Đám ma làm theo kiểu xưa có mời hàng kèn về thổi nhưng bài nhạc đám tang suốt ngày đêm... Tôi ngồi trên gác nghe nhạc tang này buồn không thể nói được, mỗi câu nhạc như len thấm vào từng thớ thịt, thớ da của mình. Rồi đến buổi chiều đưa đám tang đi, tôi cũng có đi đưa đám.Có hai hàng cờ đen do những người phu cờ bận toàn đen đi trước, cái xe tang cũng phủ toàn màu đen, mà con ngựa kéo xe tang cũng được phủ một tấm vải đen lên mình nó. Người ngồi xe tang điều khiển ngựa cũng bận toàn đồ đen, và điệu nhạc đám ma thì buồn xé gan xé ruột, nhất là trong buổi chiều gió lạnh hiu hắt, chân trời xám xịt thì có thể nói là cái buồn “tận thế”. Chính trong cái khung cảnh ấy mà ngồi trên gác Hàng Than tôi đã viết bài thơ Nhạc sầu, xin nhắc đây mấy câu đầu:Ai chết đó nhạc buồn chi lắm thếChiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đườngPhố đìu hiu, màu đá cũ lên sươngSương hay chính bụi phai tàn lả táTừng tiếng lệ, ấy mộng sầu úa lá,Chim vui đâu, cây đã gãy vài cànhÔi chiều buồn, sao nắng quá mong manhMôi tái nhạt nào cười mà héo vậy!...Và sau đây là những câu cuối của bài thơ:Ai chết đó nhạc buồn chi lắm thếKèn đám ma hay ấy tiếng đau thươngCủa cuộc đời? Ai rút tự trong xươngTiếng nức nở gởi gió đông quạnh quẽ...Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế.Bài thơ này, tôi cho đăng báo Ngày nay mà không kịp gởi cho anh Xuân Diệu xem trước. Đến lúc anh Diệu đọc bài thơ trên báo Ngày nay, thì bị ám ảnh bởi bài thơ, bởi cái nhạc đám ma được gợi lên trong bài thơ, và đêm ngủ phải lấy bông nhét vào tai cho khỏi nghe điệu nhạc tan hồn ấy (thư của Diệu).Lúc tôi ở phố Hàng Than, láng giềng với tôi ở số nhà 36, có anh Phạm Huy Cơ, sinh viên Trường đại học Y khoa rất mê thơ Xuân Diệu và Huy Cận. Anh Cơ thường hay sang để nghe chúng tôi đọc thơ, nhất là những bài thơ chúng tôi mới làm chưa đăng báo.Anh người hơi gù lưng, hơi rụt cổ, giọng nói rất nhỏ nhẹ, lời nói rất tế nhị, có khi hơi hoa mỹ, nhưng tấm lòng yêu thơ của anh thì thật là hiếm có và đáng quí. Về sau lúc Nhật sang, Mỹ có lúc đến ném bom Hà Nội, anh đã mời tôi về làng anh ở Chém, để tránh bom. Ở tại nhà anh bên bờ sông Hồng, chúng tôi lại thù tạc thơ văn suốt đêm. Anh Cơ sau 1954 vào Sài Gòn, nghe nói cũng chỉ làm chuyên môn thầy thuốc và thời Mỹ nguỵ thì không biết đi đâu. Lúc giải phóng Sài Gòn, tôi có hỏi thăm tin anh nhưng không ai biết tung tích anh ở đâu. Tôi nhắc anh ở đây vì tấm lòng mê thơ bền bỉ, thuỷ chung của anh.Cũng xin nhắc đến anh Nguyễn Đức Soạn, một bạn yêu thơ khác ở phố Hàng Cót (tôi còn nhớ là ở số nhà 14). Anh Soạn là một thương gia, nhưng tính tình rất nho nhã, và cũng rất sành sỏi trong việc thưởng thức thơ. Anh hay mời anh Diệu và tôi đi chơi Hồ Tây, anh thuê thuyền để ba anh em dạo trên hồ những đêm trăng thanh gió mát, và lúc đó là lúc anh đọc lại những bài thơ của chúng tôi cho chúng tôi nghe, đọc với một giọng rất thanh và rất diễn cảm. Anh Diệu có lúc nói đùa “Anh Soạn là chú lái khờ” (xem truyện cùng tên của anh Diệu), nghĩa là một nhà thương gia có tâm hồn rất tài tử tâm hồn nghệ sĩ... Anh Soạn đã lâm bệnh mất sớm trong kháng chiến chống Pháp (?) chúng tôi rất thương anh, tiếc anh như tiếc một người tri kỷ, tri âm của cái đẹp, của thơ văn, của những cái gì gọi là lý tưởng ở đời này. Cũng ở gác Hàng Than, có lúc Đinh Hùng đã đến làm quen với chúng tôi (lúc đó Đinh Hùng ở đê Yên Phụ, mới bắt đầu làm thơ, dáng dấp thư sinh, khiêm tốn, chứ chưa kênh kiệu như về sau này thời Mỹ nguỵ). Đinh Hùng lúc đó còn đọc thơ cho anh Diệu nghe, nhờ anh Diệu nhận xét, và nghe chăm chú những lời phân tích của anh Diệu, rõ ràng với lòng kính nể một bậc đàn anh. Lúc đó nhà xuất bản Tân Việt cũng đã in vài bài thơ của Đinh Hùng trong tập Lúa mới.Câu chuyện lôi thôi sau khi anh Xuân Diệu cho đăng truyện ngắn Người học trò tốt trên báo Ngày nayNăm 1938, anh Diệu cho đăng báo Ngày nay truyện ngắn nói trên. Trong truyện này anh mỉa mai một anh học trò tốt, nhưng lúc tả việc học tập của anh học trò anh có mô tả cách dạy học của một vài giáo sư ở trường Quy Nhơn, cũng là tả những nét vui trong cách giảng bài của thầy, chứ không có gì là xúc phạm đến danh dự, đến phẩm chất của các thầy cũ của mình. Ví dụ anh có ghi một nét: một giáo sư khi giảng xong vài câu lại giơ tay nói “hơ hơ”... Đó là một nét vui, hơi buồn cười, mắm muối cho câu chuyện. Đại khái là những chi tiết như vậy. Thế nhưng tờ báo vừa đến Quy Nhơn, thầy đọc trò đọc, và bỗng nhiên thành một câu chuyện khá ầm ĩ: À? Nhà thơ Xuân Diệu chê bai, châm biếm các thầy cũ của mình. Ông cụ thân sinh anh Xuân Diệu, cụ Tú Thọ, dạy chữ Hán ở trường Quy Nhơn, rất lấy làm phiền lòng về câu chuyện xoay ra chiều hướng như vậy. Một vài thầy cũng gặp cụ Tú, nói lời trách móc. Ông cụ viết thư ra cho anh Diệu hết sức phàn nàn về thái độ của con, và về sự vụng về của con nữa. Thế rồi có dư luận đồn rằng các thầy giáo cũ của anh Diệu sẽ phát đơn kiện về chuyện một người học trò cũ bêu riếu thầy của mình trên báo chí! Không những kiện mà còn sẽ đề nghị báo Ngày nay đăng bài cải chính. Anh Diệu tuy bình tĩnh nhưng với bức thư của ông bố cũng hơi phân vân, và đem câu chuyện kể lại với ban biên tập của báo Ngày nay. Ban biên tập cười ồ, và nói: “Mong cho có đơn kiện, chúng ta sẽ trả lời các thầy giáo, và lại sẽ có dịp tuyên truyền cho văn học, và riêng tuyên truyền cho nhà thơ kiêm nhà viết truyện ngắn Xuân Diệu, và làm cho mọi người rõ thế nào là chuyện thực ở đời, và thế nào là chuyện trong văn chương, thế nào là đời làm tư liệu cho văn chương.... Thế rồi câu chuyện cứ ỉm dần không có đơn kiện, cũng không có thư đòi báo Ngày Nay cải chính. Và hè năm đó anh Diệu về Quy Nhơn lại đi thăm các thầy cũ với lòng kính mến chân tình và cụ Tú Thọ thân sinh anh Diệu cũng thở phào một cái, khỏi mang tiếng là có người con bội nghĩa với thầy “tôn sư trọng đạo”, là phương ngôn mà mỗi học sinh lúc vào trường đã phải học lấy làm lòng...Xuân Diệu bênh vực Đoàn Phú Tứ về vở kịch GhenNăm 1938 Đoàn Phú Tứ viết vở kịch Ghen và sau đó nhờ đoàn kịch của Thế Lữ diễn ở nhà hát lớn, tôi còn nhớ anh Vũ Đình Hòe, anh Đoàn Phú Tứ, bà Lê Đình Quy (vợ một y sĩ công tác ở tỉnh) đều đóng vai trong vở.Anh Thế Lữ đạo diễn vở này rất đạt. Vở kịch như vậy là rất được hoan nghênh trong giới thanh niên trí thức trong giới văn hoá, văn nghệ lúc đó ở thủ đô. Nhưng liền sau đó có một số bài báo nêu vấn đề Đoàn Phú Tứ ăn cắp văn của Sacha Guitry, một nhà viết kịch và làm phim khá nổi tiếng của Pháp hồi đó, vì Sacha Guitry cũng có một vở kịch tên là Ghen (Jalousie) Mấy bài báo công kích này, có gây một chút dư luận. Anh Đoàn Phú Tứ cũng hơi khó xử, vì quả thật câu chuyện trong hai vở Ghen có chỗ giống nhau, tình huống của vở này cũng làm cho người ta liên hệ đến tình huống của vở kia. Tôi nghĩ có thể lúc anh Tứ viết vở của mình cũng có được sự gợi ý xa gần của vở kịch Pháp. Nhưng mà làm sao nói được điều này cho xuôi. Anh Tứ bèn nhờ anh Xuân Diệu viết bài trả lời hộ. Anh Diệu nể bạn và quí bạn, liền xông ra trận và viết một bài “Xung quanh vở kịch Ghen” đại khái như sau: chuyện đời có bao nhiêu chuyện giống nhau, nhưng mỗi nghệ sĩ, văn sĩ khai thác theo cách của mình, với cảm nghĩ độc đáo của mình, mà vẫn là sáng tạo riêng của mình như thường (trường hợp Corneille Racine, Molière). Và Nguyễn Du sáng tạo truyện Kiều thì sao? Nói thật ra, với uy tín của báo Ngày nay lúc đó với danh tiếng của nhà thơ Xuân Diệu bắt đầu nổi lên với cách nói có lý có tình trong bài bênh vực, cho nên sau bài báo này cũng không thấy báo nào có thêm bài công kích Đoàn Phú Tứ hoặc trả lời bài của Xuân Diệu nữa. Và như vậy là câu chuyện Đoàn Phú Tứ và Sacha Guitry tạm xếp ổn. Tất nhiên trong câu chuyện trà dư tửu hậu trong đám anh em văn nghệ sĩ hồi đó người ta còn lào xào về câu chuyện này, nhưng rồi cũng yên. Vừa rồi tôi gặp lại anh Đoàn Phú Tứ (nay đã 73 tuổi) có nhắc câu chuyện này như là một chuyện vui của quá khứ, thì anh cũng hất hàm cười khà khà như là cho qua một chuyện không đâu cách đây nửa thế kỷ...Xuân Diệu nhờ Nguyễn Cao Luyện giới thiệu với trường Thăng LongNăm 1938, anh Diệu học Luật ở Trường đại học Đông Dương, đồng thời viết báo Ngày nay. Học luật thì không có học bổng còn nhuận bút của báo Ngày nay cho những bài thơ và những truyện ngắn của anh cũng không đủ nuôi sống anh. Anh phải nhờ anh Nguyễn Cao Luyện (kiến trúc sư nổi tiếng, và có chân trong Hội đồng quản trị của trường Thăng Long mà hiệu trưởng là anh Hoàng Minh Giám, và người quản lý là giáo sư Tôn Thất Bình) giới thiệu với Ban giám đốc trường Thăng Long để xin một chân dạy văn, cả Pháp văn và Việt văn. Sau đó mấy tuần, anh Diệu được mời vào dạy ba lớp đệ nhất đệ nhỉ đệ tam ban thành chung.Những buổi dạy đầu tiên đối với anh là một sự thử thách ghê gớm, một thứ “cực hình” (theo lời anh kể lại) vì đứng trước một đám học sinh đông, mà lại là học sinh trường tư, những ngày đầu anh rất lúng túng giảng bài không tự nhiên, và có khi còn nói lặp. Nhưng với uy tín của anh trong làng thơ, với lòng yêu mến học sinh với thơ Xuân Diệu, nhất là với thơ tình của Xuân Diệu, nên anh cũng dần dần giảng bài được suôn sẻ với sự ủng hộ của đám học sinh đối với nhà thơ - thầy giáo. Lương anh lĩnh ở trường Thăng Long, cũng không được bao nhiêu, vì dạy không nhiều giờ, và thang lương dạy Việt văn vẫn thấp hơn là thang lương dạy toán và khoa học. Nhưng dù sao, thì cũng là một cái nghề trong sạch, thanh cao để nuôi thân, khỏi phải bán rẻ văn chương “rẻ như bèo” (chữ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu). Anh dạy trường Thăng Long chưa được bao lâu thì anh đi làm tham tá thương chính (tức là nhà đoan) ở Mỹ Tho. Nghề dạy học của anh tuy ngắn ngủi như vậy nhưng cũng để lại cho anh một số kinh nghiệm tốt mà sau này anh vận dụng rất tài tình vào việc bình thơ, nói chuyện thơ với những công chúng đông, với các loại công chúng rất khác nhau.Nguyễn Gia Trí vẽ chân dung Xuân DiệuĐầu năm 1945, nhà xuất bản Thời Đại (mà anh Ngô Nhật Quang, bạn của anh Diệu làm giám đốc) xuất bản tập thơ thứ hai của Xuân Diệu là Gửi hương cho gió. Tập thơ gồm hơn 50 bài, thuộc vào loại sách đẹp của nhà xuất bản Thời Đại, bìa do hoạ sĩ Trần Văn Cẩn trình bày, có một số bản quí in bằng giấy dó dầy rất đẹp, như là in trên lụa. Xuân Diệu ngỏ ý với hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí nhờ hoạ sĩ vẽ cho mình một chân dung để cho in làm phụ bản kèm vào quyển sách. Xuân Diệu và Gia Trí quen nhau đã lâu, và thường gặp nhau ở toà soạn báo Ngày nay. Xuân Diệu ăn bận áo quần sang đến gặp Gia Trí và nói: “Tôi cần ngồi bao nhiêu giờ cho anh vẽ?”. Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí tủm tỉm cười: “Không cần giờ phút nào cả, anh có bận việc thì anh cứ về, hoặc đi dạo chơi để lấy tứ thơ tôi sẽ vẽ Xuân Diệu theo trí nhớ của tôi, giống hay không giống cái đó còn tuỳ.... Nói rồi hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí đứng dậy bắt tay Xuân Diệu... Thế rồi Xuân Diệu không phải ngồi làm mẫu, và một tuần sau Nguyễn Gia Trí đưa cho Xuân Diệu bức chân dung của mình, nét vẽ rất phóng khoáng “mmớ tóc mây trên đài trán thơ ngây” (lời của Thế Lữ trong bài tựa Thơ thơ) mắt mơ màng mà suy nghĩ, tóm lại dáng dấp rất là Xuân Diệu, rát giống Xuân Diệu, không phải giống từng chi tiết nét mặt, mà giống cái thần của nhà thơ Xuân Diệu. Tôi cho đó là một trong những bức chân dung rất đạt mà Nguyễn Gia Trí đã vẽ trong đời mình. Tất nhiên là tác giả tập Gửi hương cho gió và nhà xuất bản Thời Đại hết sức hài lòng và tự hào, đắc ý có một bức chân dung của nhà thơ, do hoạ sĩ nổi tiếng Nguyễn Gia Trí vẽ làm phụ bản. Bức chân dung này in trên giấy dó đẹp chân dung in trên nền màu vàng, hiện nay tôi còn giữ được hai bản, một bản để trong quyển Gửi hương cho gió gọi là Huy Xuân, và một bản để trong cánh gương của một tủ sách trong phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu.Tháng 5-1975 khi mới giải phóng Sài Gòn, tôi và Xuân Diệu có đến thăm anh Nguyễn Gia Trí, có nhắc câu chuyện vẽ chân dung theo trí nhớ này, thì cả ba cùng cười. Anh Trí còn nói thêm: “Dáng dấp Xuân Diệu có nhiều nét độc đáo quá, ai mà quên được, nhất là các cô thiếu nữ mê thơ anh?”...Những người yêu trộm nhớ thầm Xuân DiệuHồi anh Diệu học Ban tú tài ở trường Bưởi có lúc anh ở ký túc xá trong trường, có lúc anh ở trọ ở chùa Tàu (gần Văn Miếu). Ăn ở tại chùa Tàu, cảnh vật rất yên tĩnh cho việc học và làm thơ của anh, nhưng anh thường đến chơi nhà một người bạn học sau anh mấy lớp. Người bạn anh có cô em gái là K., cứ anh Diệu đến chơi là cô chăm sóc bạn của anh mình bằng mọi động tác của một người em quý mến người anh, nhưng cũng dần dà có những cử chỉ rất trìu mến đối với anh Diệu.Thế rồi, anh Diệu về học ở Huế năm thứ ba tú tài, anh nhận được thư của cô K. mấy thư đầu còn như là em gái viết cho anh, nhưng anh Diệu đã linh tính là giọng thư sẽ chuyển điệu. Y như rằng chỉ mấy thư sau, là lời xưng em đã nồng nàn hơn, say đắm, thương nhớ, nhớ thương.Và cứ thế thư tiếp thư, mối tình yêu trộm nhớ thầm ngày càng sâu sắc, càng đắm đuối. Tôi có được xem những bức thư ấy: Quả thật là một tâm hồn đẹp, say đắm mà trong trẻo, nhưng rõ ràng cô K. không phải chỉ yêu nhà thơ Xuân Diệu, mà còn là yêu anh chàng Xuân Diệu đẹp giai. Về sau anh Diệu lại ra Hà Nội học trường Luật và dạy tư ở trường Thăng Long, giòng thư tình kia vẫn tiếp nối không dứt. Có những bức thư cô K. trằn trọc mãi mới gửi cho anh Diệu; vì cô thấy mối tình của cô gần như tuyệt vọng “vì không thấy anh Diệu có thư trả lời”, nhưng nỗi lòng tha thiết và da diết của cô không thề không bộc lộ được với người yêu lý tưởng của cô được. Mối tình yêu trộm nhớ thầm này kéo dài mấy năm trời, cô K. có lúc người như gầy hao đi, tâm thần buồn bã làm cho người anh cô cũng hơi lo lắng cho sức khỏe và tâm tư của em gái mình. Nhưng cô K. trong đời vẫn giữ thái độ bình thản, tự chủ, và tuy còn ít tuổi nhưng có tư thế như là một người đã chín tâm hồn, và đã từng trải việc đời. Có lẽ mối tình sâu sắc của cô đối với anh Diệu, mối tình thầm mà sâu nặng, đã nung nấu tâm hồn cô làm cho cô có sự trưởng thành sớm về tâm lý. Sau cùng anh Diệu cũng phải ngỏ ý rõ ràng là anh rất cảm động về mối tình đẹp đẽ và cao thượng của cô K., nhưng anh khuyên cô hãy quên anh đi, và cứ xem anh như là một người anh, và chúc “em sẽ có được cuộc đời đầy hạnh phúc xứng đáng với tâm hồn đẹp đẽ của em”. Cô K. về sau yêu một cán bộ, và chồng cô đã là một cán bộ cao cấp của ngành kinh tế quan trọng, nay đã về hưu. Hai vợ chồng đã sống một cuộc đời êm ấm, hạnh phúc và đã có con đàn cháu lũ. Tôi nghĩ ở trong đời có những tâm hồn đẹp như tâm hồn của cô K. là một điều may mắn cho cuộc đời này, nó tôn thêm sự đẹp đẽ và cao quý của cuộc sống cũng có khi quá tẹp nhẹp và tầm thường. Nay anh Diệu đã mất đi, và việc đời cũng nhiều bề đã ổn định. Tôi có thể kể lại thay bạn mối tình thầm mà tôi cho như là một bài ca trữ tình mà riêng tôi rất quí và nhớ lại rất cảm động.Trên đây là mối tình của cô K. Nhân đây tôi lại xin kể mối tình của cô Kh. L. Cô Kh. L. là một người có trình độ học vấn khá cao, và rất say mê văn chương, đặc biệt là văn thơ của Tự lực văn đoàn. Cô mê Xuân Diệu qua thơ văn, qua Thơ thơ và Phấn thông vàng, và viết cho anh Xuân Diệu hàng chục bức thư, bắt đầu là đàm luận về văn chương, rồi dần dần là tỏ tình với nhà thơ, một mối tình say đắm, nồng cháy, rạo rực không kém gì thơ tình của Xuân Diệu. Tôi có cảm giác cô Kh. L. vừa là con đẻ của thơ Xuân Diệu, vừa là một tâm hồn đồng điệu của nhà thơ. Thế rồi cô tìm đến gặp trực tiếp anh Xuân Diệu, tỏ lòng yêu đắm đuối của mình, vừa e thẹn, mà cũng vừa “tấn công”, với tất cả sự say sưa bồng bột của tuổi 20 lãng mạn. Anh Diệu có gặp cô Kh. L. một vài lần, nhưng dường như anh muốn đổi mối tình cảm “cầm sắt” ra cảm tình “cầm kỳ”. Tôi đã gặp cô Kh. L., quả thật là một con người có sức hấp dẫn lạ thường, từ lời nói cho đến khóe mắt nhìn đều có ma lực lôi cuốn người nói chuyện với cô. Anh Diệu cũng đã có lúc “cảm động” sâu sắc trước mối tình sôi nổi, nồng cháy của Kh. L., nhưng sự cảm động ấy theo tôi biết cũng không được bền.Đến ngày Cách mạng tháng Tám, cô Kh. L. đã có chồng, mà vẫn đến gặp anh Xuân Diệu, ít nữa là để đàm luận văn thơ...Một mối tình không thành mà rất đẹp trong đời tôi (Huy Cận)Năm tôi học năm thứ nhất Trường cao đắng Nông lâm, lúc bấy giờ tôi ở ngõ Tân Hưng trước ga Hàng Cỏ (nay là ngõ Tức Mạc), một hôm tôi nhận được một bức thư nét chữ cứng cáp, không ký tên, nhưng là một bức thư tỏ tình đằm thắm. Tất nhiên là tôi xem bức thư trong lòng rất cảm động, nhưng rồi cảm xúc ấy cũng qua đi vì không biết người gửi thư là ai, mà không biết có còn bức thứ hai không. Nhưng mấy hôm sau lại nhận tiếp một phong bì màu ngà ngà, nhưng nhìn nét chữ thì tôi đã biết là thư của người hôm nọ hay nói cho đúng hơn là của người mà tôi không biết là ai. Mà quả thật lần này bức thư vẫn không ký tên.Không ký tên, nhưng tình thì rất rõ rệt, rất say đắm rất thao thức, rất thổn thức nữa vì người viết thư viết rằng đã khóc nhiều lắm trước khi viết thư này. Mà quả thật, không biết tôi có tương tượng không, trên trang thứ ba của bức thư tôi thấy có những dòng chữ nhòe. Và thế là thư tiếp thư, tôi nghĩ rằng nếu ngày kia tôi biết được người viết thư là ai, thì chắc tôi sẽ yêu, vì tình cảm thổ lộ trong thư sâu sắc lắm, sự sâu sắc của một tâm hồn đẹp đẽ và sâu lắng. Người con gái này rõ ràng là có một đời sống bên trong rất phong phú, có những tầng sâu, có những chân trời xa vợi. Và qua những bức thư tiếp theo tôi hiểu đây là một nữ sinh Trường đại học Y khoa, hàng ngày tiếp xúc với khoa học, với bệnh tật của người đời, và có lẽ nhờ thế mà có những cảm nghĩ sâu thắm cả trong khi thổ lộ tình yêu. Trong một bức thư có đoạn viết: “Em yêu anh quá thì viết cho anh cốt để trút lòng mình, vì để trong lòng nó nặng quá, còn anh có biết em là ai đâu mà đáp lại tấm lòng của em”. Cho đến mấy ngày nghỉ hè tôi đi chơi Đồ Sơn với nhóm Ngày nay, mà không biết sao cô cũng tìm được địa chỉ mà gửi thư cho tôi ra tận bãi biển. Chuyện thật, mà cứ như là chuyện tiểu thuyết lãng mạn. Rồi tôi có mấy tháng vào học tại Phân viện nghiên cứu Nông lâm ở Sài Gòn, người viết thư không ký tên lại tiếp tục gửi cho tôi hàng chục bức thư. Cứ như là “người tình không quen biết” của Nguyễn Khắc Hiếu, đây là người tình có thật không ký tên.Đến mùa rét 1941, khoảng tháng 10 thì phải, một sáng tôi sắp ra đi học, thì một bưu kiện đến đề tên tôi. Tôi vội vàng mở ra xem, thì đó là một chiếc áo len, len trắng rất đẹp, đường thêu rất khéo, và ở đằng sau cổ áo có thêu bằng len đỏ thắm câu thơ của tôi “Hồn nhớ thương em dệt áo dâng anh” (câu này ở trong bài Tình tự đăng báo Ngày nay và đã in trong tập Lửa thiêng).Kèm theo chiếc áo trắng tinh đẹp đẽ ấy có thêm mấy dòng cũng với nét chữ ấy: “Em gửi anh chiếc áo em mới đan cho anh vì trời đã trở lạnh”. Và vẫn không ký tên. Tôi cảm động quá, nhà thơ cũng như thằng con trai trong tôi đều thấy lòng mình được mơn trớn êm ái. Mặc dù giờ đi học đã chậm rồi, tôi vẫn vào phòng, cởi áo vét tông ra, mặc luôn chiếc áo len trắng vào người, thì than ôi nó chật quá, mặc dù lúc ấy tôi còn thon người, chứ chưa béo như ngày nay.Nhưng tôi cũng không trách người đan áo được, vì đã bao giờ tôi để cho người ta đo kích thước của thân tôi đâu, đo vòng ngực của tôi rộng bao nhiêu đâu, đo bằng thước hoặc đo bằng những vòng tay ôm... Tôi xếp áo vào giấy của bưu kiện và cất ngay vào rương rồi lại đạp chiếc xe đạp lạch cạch lên Trường cao đẳng Nông lâm ở vườn bách thảo. Không mặc được chiếc áo quá chật, mà hôm ấy tôi cảm thấy ấm áp vô cùng, đúng là trời đã trở lạnh mà chiếc áo đến đã đúng lúc, chỉ có chút sai số về kích thước. Nhưng đó mới là kích thước của áo, của len, nhưng còn cái sai số về kích thước của cuộc đời thì còn bi kịch hơn nữa.Thế rồi một sáng chủ nhật, có người nữ sinh viên y học đến thăm một người bạn trong số ở cùng nhà với tôi. Người nữ sinh bận chiếc áo lụa trắng đơn giản, bên trong có bận áo len hồng, vẻ mặt tự nhiên không son phấn gì, nói chuyện rất có duyên với giọng nói vừa nhẹ vừa trầm lắng của vùng Bình Định, Phú Yên. Sáp mặt tôi, vẻ mặt cô hơi ừng thẹn một chút rồi hai người cùng nói chuyện qua quít nhưng tự nhiên tôi có linh cảm rằng chính người này đã viết những bức thư đắm đuối và đằm thắm cho mình. Lúc cô ra về, tự nhiên tôi tiễn ra tận cổng ngõ Tân Hưng, cô nắm chặt tay tôi, và hỏi nhỏ “anh có nhận được các thư của em không?”. Tôi gật đầu, cô nhìn tôi với một khóe mắt hơi ướt, và lên xe đạp không nói gì thêm.Và những bức thư lại tiếp những bức thư, nồng nàn hơn, đằm thắm hơn, và cũng sâu lắng hơn. Tôi chỉ trả lời ngắn gọn là đã nhận được thư và rất cảm động.Thế rồi một buổi sáng cuối năm tôi nhận được thư của cô T. (từ đây tôi có thể nói tên) nói rằng: “Em biết anh không yêu em, chính vì thế mà chủ nhật tới anh phải gặp em”, và trong thư hẹn tôi gặp ở con đường tàu bay, trước trường thú y lúc đó, vào lúc 10 giờ sáng. Tôi đến nơi hẹn gặp đúng giờ và tôi hỏi: “Đi đâu bây giờ?” (tôi hỏi trống, không gọi em, cũng không gọi cô) Cô T. đáp: “Anh đi theo em” rồi cô lên xe đạp đi trước, tôi đi theo, rồi đạp song song về phía Hà Đông, đến lúc gần Hà Đông thì dừng lại, rẽ sang tay phải vào một khóm cây um tùm, như là một khu rừng con. Hai người ở đó chuyện trò hồi lâu, cả hai đều tránh nói đến tình yêu nhưng câu chuyện vẫn rất tình tứ và tế nhị. Gần đó có một nhà thờ nhỏ. Đến lúc chuông nhà thờ đổ hồi 12 giờ thì cô hỏi tôi: “Anh có biết hát những bài hát tiếng Pháp hay trong các bộ phim không?”. Tôi nói: “Có biết một số bài”. - “Vậy em hát cho anh nghe bài “Tình yêu ơi, ta thấy lại mặt người”(1). Bài hát này tôi biết, cũng có thuộc điệu và lời, và cô hát với một giọng đầy xúc cảm, như giọng hát phát ra từ tâm can nung nấu của cô. Hát xong cô khóc nức nở, nhất là đến câu cuối cùng có nói đến “sự phản bội của lòng anh”. Tất nhiên tôi không thể sắt đá trước một nỗi lòng như vậy, và tôi đã ôm cô vào lòng; cô tiếp tục khóc, nhưng rồi cũng nín. Rồi hai đứa chúng tôi ăn bánh mì với trứng tráng như kiểu pích-ních. Mãi đến sẩm tối chúng tôi mới ra về. Ra đến đường thì trời đã tối hẳn. Cô T. mua hai thẻ hương ở quán bên đường và báo tôi thắp lên mỗi người cầm một thẻ để thay đèn, không phải để soi đường mà để cho người ta thấy, đừng đâm vào mình.Đạp về đến chỗ hẹn ban sáng (trước trường thú y), thì hai thẻ hương tắt. Cô T. mắt ráo hoảnh nói: “Thôi anh về, hương cũng vừa tắt, đó là nén hương cúng mối tình của đôi ta!” cô không khóc, nhưng lại đến lượt tôi khóc nức nở...Bẵng đi một dạo, tôi không nhận được thư của cô T. nữa. Thế rồi tháng 5-1942, tôi nhận được một bức thư ngắn “Em thi xong rồi, sắp sửa về nghỉ hè ở quê. Em muốn em được gặp anh tại ga chiều ngày... là ngày em đáp xe lửa về Nam”. Ngày hôm sau, tôi đạp xe đạp ra ga, vội vã mua vé ra sân ga, ra đến nơi thì thấy tàu bắt đầu chuyển bánh, tôi đưa mắt nhìn thật nhanh ở các cửa toa thì thoáng thấy cô T. nhìn về phía tôi. Tôi nảy ra một sáng kiến: rời ngay sân ga, lấy xe đạp đạp về chỗ chắn đường ngày nay là ngõ đi vào khu Kim Liên, và chờ cho tàu đi qua đấy. Y như rằng tàu còn làm chuyển toa, móc toa một lúc rồi mới khởi động chạy về hướng Nam. Và lúc tàu chạy qua chặng đường chỗ tôi đứng chờ, thì tàu còn chạy thong thả, đủ cho tôi nhìn rõ được cô T. ở cửa sổ nhìn ra, và cô T. cũng thấy rõ được tôi ở đường nhìn lên phía tàu. Thế là hai chúng tôi vẫy tay chào nhau lần cuối cùng. Tôi không rõ tâm tư của người bạn gái buổi chiều hôm ấy lúc rời Hà Nội nhưng riêng tôi sau khi kịp chào cô T. trong một hoàn cảnh hối hả như vậy, tôi trở về nhà trong lòng cảm thấy bùi ngùi, vì mối quan hệ giữa người bạn gái có tâm hồn đẹp đẽ ấy với tôi không trở thành mối tình, nhưng sự tiếp xúc với một tâm hồn đẹp như vậy để lại trong lòng tôi một kỷ niệm vô cùng sâu sắc và tôi cảm thấy tâm hồn tôi cũng được giàu lên, được mở rộng thêm một chân trời. Mãi về sau tôi vẫn nghĩ: tất cả mối tình trong đời, kể cả những mối tình được đáp lại, và cả những tình cảm một chiều đểu góp phần nung nấu thêm tâm hồn, tình cảm, đều nhào nặn cho tâm hồn của con người được chín thêm, được sâu đậm thêm. Vì thế tôi nghĩ trong địa hạt tình cảm, không bao giờ có “tình mất” cả.Sau này, qua bao nhiêu biến cố lịch sử xảy ra trên đất nước trong mấy chục năm, tôi không có dịp gặp lại nữ bác sĩ T. Gần đây, có dịp đi công tác nước ngoài, tôi được biết nữ bác sĩ hiện có phòng khám bệnh ở một thành phố phía Nam nước Pháp. Có người bạn biết câu chuyện của tôi và cô T. ngày xưa, gợi ý tôi đi thăm nữ bác sĩ. Nhưng tôi không đi, không nên khuấy động lại tro tàn của quá khứ, nhất là tro ấy chỉ do một ngọn lửa đốt cháy mà thôi.Chú thích: (1) Mon amour je revois ton visage