Ở Đồng Quan phía đông Tây Kinh bốn trăm dặm, những năm này xuất hiện một băng những kẻ nhàn rỗi lang thang. Bọn họ thường bất mãn cái này, không vừa lòng cái kia, nôn nóng tới mức chẳng khác gì một đàn nhặng. Trong đó có một gã tên là Chu Mẫn. Thấy bên cạnh kẻ muốn làm quan đã tìm được bậc thang thăng tiến, người muốn phát tài đã có mười mấy vạn đồng gởi vào ngân hàng. Riêng mình vẫnchưa tìm được cái gì mình cần. Gần chạng vạng tối, buồn chán vô cùng, ngồi trong nhà ủê oải được được mấy trang sách, lỉền đi quán cà phê tiêu xài, xả lán một chầu, lại đi dạo tiệm nhảy. Trong tiệm nhảy đã quen biết một người đàn bà xinh đẹp. Sau đó đêm nào cũng đi, thấy chị ta đêm nào cũng đến. Chu Mẫn liền nảy ra ý định lạ lùng "Có lẽ người đàn bà này có thể gửi gắm cho mình đấy". Xong cuộc nhảy, Mẫn đề nghị được tiễn chị ta về nhà. Chị ta từ chối một lúc song không kiên quyết. Mẫn bạo phổi dùng xe đạp lái đến một phố vắng. Chị ta nhảy xuống tạm biệt, bảo anh đi đi, song vẫn cứ đứng tại chỗ. Mẫn liền bước tới hôn một cái, chị ta liền khóc hu hu, bảo: Em hận anh! Chu Mẫn nói: Anh xúc động quá, anh sẽ không bao giờ thế nữa. Chị ta bảo: Em hận lúc này mới gặp anh. Ba năm trước anh ở đâu? Chu Mẫn liền ôm chầm chị ta đặt lên bót ba ga, phóng vù vù ra bờ sông ngoài thành, khi chiếc xe đạp đỗ xuống thì hai người ngã vật ra bãi cát, cuốn chặt lấy nhau. Lúc này người đàn bà nói: Em đã có chồng, con em đã hai tuổi rồi đấy! Chu Mẫn nghe nói giật mình, nhưng không sao kiềm chế được, bảo: Mặc kệ, anh chỉ cần em. Em lấy anh nhé? Người đàn bà đó tên là Đường Uyển Nhi, từ đó không sao quên được Chu Mẫn. Về nhà đòi ly hôn, anh chồng không nghe, lại còn lột hết quần áo ra đánh. Bị đánh, Chu Mẫn không gặp được Đường Uyển Nhi ở tiệm nhảy, đã bố trí tay chân theo dõi động tĩnh ở đàng trước đàng sau nhà Uyển Nhi. Tin tức đưa về, nhân lúc anh chồng kia bước ra khỏi cửa, liền lẻn vào dẫn Đường Uyển Nhi đi, dấu vào một buồng kín. Huyện lỵ Đồng Quan cũng to rộng thế, mỗi con ruồi còn có chỗ ra vào, huống là một con người sống? Ngày thứ tư Chu Mẫn đến thăm Uyển Nhi, Uyển Nhi chỉ nói, vừa nhìn thấy một người bạn của chồng, rình mò, rình mò, nhất định sẽ tra hỏi. Nghe vậy Chu Mẫn cũng cảm thấy từ lâu mình không tiện ở một nơi nhỏ bé như thế này, liền thuê một chuyến xe chở Uyển Nhi về thành Tây Kinh, thuê hẳn một phòng để ở. Lúc mới đến Tây Kinh, hai người như cá gặp nước, mua sắm một vài vật dụng trong nhà và đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Đầu tiên đi chơi Ao Hoa Thanh và tháp Đại Yên, sau đó mấy lần đi công viên Thiên Mã và khách sạn Đường Hoa. Người đàn bà này là con người tuyệt diệu, háo ăn chơi, thích khách sạn hào hoa và thời trang đẹp, thích xem cả truyện, có tư tưởng mới lạ kỳ diệu. Hai người đi qua ngôi nhà lầu cao ngất báo giờ trong thành. Khi chiếc đồng hồ khổng lồ đang nổi nhạc báo giờ thì Uyển Nhi nói: Người ta muốn chết, cứ nhảy từ trên chiếc đồng này xuống chết thế mới là chết oanh liệt! Chu Mẫn nói: Anh muốn chết, anh không nhảy thế đâu. Anh lấy một sợi dây chão treo cổ tự tử trên đồng hồ báo giờ, vừa được chết trong tiếng nhạc, lại được cả thành phố nhìn thấy chết. Uyển Nhi bảo thế rồi sà vào lòng Chu Mẫn làm nũng, kể chuyện dạo trước hai vợ chồng cãi nhau, chị liền mở dàn loa cho hát bài Tỉêu hành khúc, có thứ nhạc nhẹ ấy, tư tưởng hai bên sẽ dần ôn hoà, nào ngờ anh chồng dơ chân đạp đổ dàn loa. Chu Mẫn bảo: Anh ta không biết thưởng thức. Người đàn bà đáp: Anh ta chỉ biết hùng hục, là một con lừa. Một tháng sau, máu hăng cuồng nhiệt của hai người nguội dần, xẹp đi, tiền của mang theo cũng không còn mấy. Chu Mẫn mới biết đối với đàn ông, đàn bà chẳng qua là thế. Quả tình, Đường Uyển Nhi xinh đẹp, mà thành Tây Kinh to lớn thế, cũng không thực hiện được nguyện vọng của anh. Ở thành phố này, được những thứ mà anh muốn, như phim mới, quần áo mới, đồ trang sức mới, không thiếu thứ gì. Song vẫn thiếu tư tưởng mới và chủ đề mới. Mỗi buổi sáng ánh nắng gặm nhấm bờ tường vẫn là ánh nắng ấy, hoa nở trong bồn vẫn là loại hoa ấy. Mặc dù oai phong của người phụ nữ đã vượt chồng, thì một năm cũng vẫn chỉ có một ngày "mùng tám tháng ba". Tuy lão già tám mươi lấy vợ làm chú rể mới, thì vẫn là ông già. Chu Mẫn chìm đắm trong buồn khổ không thể nói toạc ra với Uyển Nhi những điều đó. Duy chỉ có một việc leo lên tường thành thổi huyên hai buổi sớm tối. Thổi huyên xong vẫn phải sống. Vậy là tìm việc kiếm ăn. Chu Mẫn đã phát hiện ở cách nhà không xa có một cái am ni cô. Trong am đang sửa lại mấy gian buồng, anh đã đến đó và xin việc làm, may mà làm ngày nào trả công ngày đó. Nên ngày nào cũng mua được một con trám cỏ, nửa ký nấm tươi về nhà hầm cho vợ hờ xơi. Chu Mẫn mặt mũi sáng sủa, trông nổi hẳn giữa đám thợ. Cai đầu dài đã giao cho anh quản thêm việc đi thu mua vật lliệu. Mua vật liệu lại phải qua ni cô kiểm tra nghiệm thu thế là quen biết thêm thầy Tuệ Minh. Qua chuyện trò vài lần biết thầy Tuệ Minh về chùa Dựng Hoàng cách đây không lâu. Bởi còn trẻ lại có học vấn, tuy không phải là chủ am, nhưng chỗ nào cũng có mặt, lại tự đề xuất ý kiến, chị em ni cô ai ai cũng phục Tuệ Minh. Chu Mẫn thấy Tuệ Minh xinh đẹp, có ý gần gũi, có việc hay không cũng thường đến hỏi. Một hôm đang cầm một quyển sách đọc, chợt ngẩng lên thấy Tuệ Minh đang ở dưới giàn Tử đằng đang vẫy gọi mình. Chu Mẫn bỏ sách xuống đến gần, Tuệ Minh bảo: Anh xuất chúng lắm, đọc sách gì vậy? Chu Mẫn đáp: "Tây sương ký", trong chùa Phổ Đà này… - song không nói gì nữa. tuệ Minh hỏi: Anh cảm thấy am ni cô này không tốt bằng chùa Phổ Đà ư? Chu Mẫn ngoái đầu nhìn chung quanh, đang định nói điều gì thì khuôn mặt trắng trẻo của Tuệ Minh khe khẽ cười, trông trang trọng lắm. Tuệ Minh nói: Anh vừa đến, em đã nhận biết anh không phải là dân làm thuê lao động vất vả, quả nhiên thích đọc sách. Nếu xem cho vui thì thôi, nếu xem để nhận ra một điều gì đó, biết ý tứ sâu hơn trong sách thì có thể gặp một người. Chu Mẫn nói: Đương nhiên hay lắm, không biết người đó là ai. Có chịu gặp tôi không, còn phải nhờ thầy giới thiệu. Tuệ Minh nói: Có cái mồm ngọt xớt như anh, người trong thành Tây Kinh, ai cũng có thể gặp được. Thế là viết luôn số ngõ phố, tên họ người cần gặp, lại viết một lá thư nhỏ. Chu Mẫn mừng rơn, định đi luôn. Tuệ Minh bảo: Chờ một chút, tôi còn một lá thư nữa, anh đem tới cho anh ấy. Chu Mẫn cầm thư theo số ngõ phố thì tìm được Mạnh Vân Phòng ở sau tường bên trái chùa Dựng Hoàng. Mạnh Vân Phòng rất nhiệt tình, mời ngồi, rót nước, hỏi nhiều tình hình, chẳng hạn đã đọc sách gì? Đã từng viết văn chưa? Đã quen biết ai ở thành Tây Kinh? Chu Mẫn dẻo mỏ, trả lời từng câu. Mạnh Vân Phòng liền dẫn Chu Mẫn vào phòng sách trò chuyện, say sưa lắm. Đêm về Chu Mẫn nói chuyện với Đường Uyển Nhi. Đường Uyển Nhi bảo: Xưa nay được ở Tây Kinh không dễ đâu. Chúng mình ở đây không thân quen ai, nay được gặp nghiên cứu viên Mạnh Vân Phòng cũng là phúc to bằng trời, anh không chỉ đi một lần do Tuệ Minh giới thiệu rồi bỏ, mà nên đến nhiều lần mới đúng. Nghe lời Uyển Nhi, cứ dăm ba hôm Chu Mẫn lại đến thăm một lần. Thời gian đầu đến thăm thường lấy danh Tuệ Minh, về sau mỗi lần đến lại không tránh khỏi mang theo một con cá hay một bó rau. Hạ Tiệp cũng có cảm tình tốt với Chu Mẫn, khen anh ăn mặc gọn gàng trước mặt chồng, chê chồng lôi thôi bẩn thiủ. Hơn một tháng, đã trở thành khách đến nhà thường xuyên. Chu Mẫn bắt đầu đưa bài văn ngắn mới viết đến nhờ sửa chữa. Mạnh Vân Phòng thích làm thầy người khác, tự nhiên giảng giải từ mỹ học cổ điển Trung Quốc đến nghệ thuật hiện đại phương Tây. Nói đến mức Chu Mẫn gật đầu lia lịa, quyết tâm phải chịu khó viết cho văn hay dưới sự chỉ đạo của thầy giáo, liền than phiền đi làm mướn bỏ sức ra chưa kể, ngay đến thời gian cũng không có, thầy giáo Phòng là danh nhân văn hóa trong thành, chắc chắn là có quen biết nhiều người, liệu có thể giới thiệu đến toà soạn một tạp chí nào đó làm tạp vụ một là có thời gian đọc sách, hai nữa là cho dù không có thời gian, nhưng được tiếp xúc toàn người làm văn hóa. Riêng bầu không khí đó cũng giúp nâng cao trình độ cho mình nhanh hơn. Mạnh Vân Phòng nói một câu "Đồng Quan đa chung tú, nhân sự hữu linh khí" (Đất Đồng Quan có nhiều bậc kỳ tài, con người tự khắc có khí thiêng) rồi mỉm cười một mình. Chu Mẫn không biết ý của anh, liền thanh minh luôn, nếu thầy giáo thấy khó thì thôi. Hiện giờ tìm được một việc làm khó lắm, huống hồ toà soạn báo chí là nơi dành cho những người nào. Mạnh Vân Phòng liền cười bảo: Mình dự đoán cậu chẳng phải là tay vừa. Không nói bốc đâu, tất cả các toà sọan báo chí trong thành mình đều quen biết. Hiện giờ tuy toà soạn nào cũng ăm ắp người rồi, nhưng mình nói một câu cũng chẳng phải nước hất đi đâu. Thôi quay lại chuyện cũ đi nhé, muốn kiếm được một chân trong cái làng văn nghệ của Tây Kinh thì phải hiểu được thực trạng cái làng văn nghệ đó. Cậu đã hiểu đến đâu hả? Chu Mẫn đáp: Em đâu có hiểu gì, ra khỏi cửa là đêm đen mù tịt. Mạnh Vân Phòng nói: Trong thành Tây Kinh có hàng đống những kẻ ăn không ngồi rồi. Kẻ ăn không ngồi rồi lại chia ra làm hai loại, một kẻ là ăn không ngồi rồi, về mặt xã hội có thể có địa vị, có thể không có địa vị, có thể có nghề nghiệp, có thể không có nghề nghiệp, đều là những người có nghĩa khí, có sức lực, có tinh lực, có tài năng, coi trọng và thích làm việc. Bọn họ buôn chuyến, làm thích khách, ăn uống chơi bời cờ bạc, chỉ không hút thuốc phiện, hãm hại, che giấu lừa gạt, chỉ không trộm cắp của cải, tiền bạc, gây sự rồi lại dẹp sự. Bọn họ lãnh đạo trào lưu ăn uống, may mặc ở Tây Kinh, bọn họ kích thích phát triển kinh tế ở Tây Kinh. Đường đỏ họ chèo lái, lối đen họ cũng khống chế. Nhân vật đại diện cho số này cũng là lãnh đạo trong bóng tối, có bốn tên người ta gọi là "bốn cậu ác lớn". Loại người này đã đối xử tốt với cậu thì xẻo thịt trên người cho cậu ăn, đã nói không tốt, thì lập tức quay ngoắt, không chơi nữa. Cậu đừng có dính líu vào cái vòng này. Nói như thế nào về những người này nhỉ? Cậu thử nghe ngôn ngữ của họ là đoán biết được phần nào. Họ không gọi tiền là tiền mà gọi là "bả nhi" (cái chuôi), nói anh tốt không gọi là anh tốt, mà gọi là "cương ca nhi" (ảnh thép), chơi gái thì gọi là "đả động" (đào lỗ), con gái đẹp thì gọi là "tạc đạn" (quả bom). Mạnh Vân Phòng còn định nói nữa thì trên khuôn mặt khiêm tốn của Chu Mẫn lại nở một nụ cười. Vân Phòng hỏi: Cậu không tin hả? Chu Mẫn đáp: Tin ạ. Trong bụng thì nghĩ đến việc mình đã làm ở Đồng Quan, biết rằng thành phố lớn có kẻ vô công rồi nghề của thành phố lớn, huyện lỵ nhỏ có kẻ vô công rồi nghề của huyện lỵ nhỏ, mức độ có khác nhau song ít nhất ngôn ngữ cũng tương tự. Chu Mẫn liền bảo một câu: Ngoài xã hội bây giờ ta có thể ngồi trong nhà tưởng ra cái gì thì trong đời sống hiện thực có thể xảy ra cái đó. Những điều thầy nói em đều tin. Mạnh Vân Phòng nói: Không nên nói đến loại người đó nữa, mình muốn nói với cậu một loại người ăn không ngồi rồi khác. Người ăn không ngồi rồi văn hóa. Trong thành Tây Kinh nhắc tới "bốn cậu ác lớn" không ai mà không biết, nhắc đến tứ đại danh nhân thì người lớn trẻ con ai cũng biết rõ. Muốn bám vào giới văn nghệ Tây Kinh, cậu phải biết bốn danh nhân lớn này. Người đầu tiên trong bốn danh nhân lớn là hoạ sĩ Uông Huy Miên, năm nay bốn mươi lăm tuổi, vốn là thợ chạm của nhà máy đồ ngọc, ngoài giờ làm việc vẽ tranh, trong vài năm tranh vẽ nổi lên như cồn. Viện tranh Trung Quốc ở Tây Kinh vốn có ý định điều anh ta đi, nhưng anh ta lại đi đến tháp Đại Yên, được mời làm họa sĩ chuyên nghiệp ở đó. Người nước ngoài đến Tây Kinh phải đến tháp Đại Yên, anh sẽ bán tranh, nhất là loại tranh tờ, một tranh tờ nho nhỏ bán đến những mấy trăm đồng. Một ngày anh có thể vẽ được bốn, năm tranh tờ, số tranh bán được thì Sở quản lý tháp Đại Yên được một nửa, anh được một nửa, vậy là anh có nhiều tiền hơn hoạ sĩ thông thường. Điều lạ lùng hơn cả là anh học cái gì giống cái đó, có thể phỏng chế tất cả tranh vẽ của các hoạ sĩ tên tuổi, trên có Thạch Đào, Bát Sơn Đại Nhân, dưới có Trương Đại Thiên, Tề Bạch Thạch. Hai năm trước tranh của Thạch Lỗ bán có giá, anh đã vẽ mấy bức, ngay cả gia đình Thạch Lỗ cũng không phân biệt được thật giả. Anh lắm tiền, vợ đẹp, nói công khai khi vẽ tranh không có người đẹp ở bên cạnh mài mực trải giấy thì không có đam mê. Mùa hè năm ngóai, mời bạn bè đi chơi núi Ngũ Đài ở phía nam thành phố, mình cũng được mời, anh ấy oách lắm, thuê hẳn bốn xe taxi, một xe toàn là đàn bà. Người tình trẻ của anh bơi trong đầm, đánh rơi chiếc nhẫn vàng, ai nấy rối tinh rối mù lên, lội xuống mò, anh bảo "Rơi rồi thì thôi có sao đâu". Nghe cái giọng dường như chiếc nhẫn vàng một vạn hai ngàn đồng là hạt cáu ghét trên người kỳ ra? Ngay lập tức rút trong túi ra một xấp tiền đưa cho cô gái, hừ, xấp tiền ấy dày thế này này. Một vị nữa, cậu đi khắp phố to ngõ nhỏ ở Tây Kinh, thử nhìn chữ trên các tấm biển, cậu sẽ thấy cái tên lớn Cung Tịnh Nguyên. Thời Quốc dân đảng, tất cả các chữ hiệu đều do Vũ Hữu Nhậm viết. Vũ Hữu Nhậm cũng không phất bằng Cung Tịnh Nguyên bây giờ. Cũng như Uông Hy Miên, ông này cũng có một đống đàn bà đuổi không đi, song ông không si tình bằng Uông Hy Miên, chỉ gặp đâu chơi đấy cho vui, tốt thì tốt, tốt xong thì quên luôn, cho nên khá nhiều đàn bà tự xưng là bồ của họ Cung. Còn Cung Tịnh Nguyên thì không nói được tên cụ thể. Hiện nay khó tìm được chữ của ông. Thông thường người đi xin chữ, ông không đóng dấu, không đóng dấu thì coi như bằng không. Muốn đóng dấu đều phải do phu nhân của ông đóng, vậy thì phải tiền trao cháo múc. Một tranh chữ đóng khung dài một ngàn đồng, một tấm bỉên ba ngàn đồng. Tiền do phu nhân quản lý hết. Cung Tịnh Nguyên không có tiền tiêu vặt nhưng ông mê đánh mạt chược, một đêm thường thua từ tám trăm đến một ngàn đồng, không có tiền thì viết chữ thay thế. Cho nên ông đi đến bất kỳ khách sạn nào, muốn ăn cứ ăn, muốn ở cứ ở. Giám đốc khách sạn đón tiếp ông như tiếp Phật. Hội nấu nướng trong thành phố kỉêm tra sát hạch các đầu bếp, quan sát hạch đã hỏi trước: Cung Tịnh Nguyên đã ăn món anh nấu chưa? Nếu trả lời đã ăn thì đầu bếp ấy coi như đã qua cửa ải thứ nhất. Nếu trả lời chưa, thì coi như chưa đủ bậc. Danh nhân thứ ba là Nguyễn Tri Phi đoàn trưởng đoàn ca nhạc miền Tây. Anh vốn là diễn viên Tần Xoang, học từ thời bố được mấy ngón tuyệt vời "Thổi lửa", "Vung roi", "Nhe răng". Tần Xoang sa sút, kịch trường tiêu điều, anh đã xin từ chức, lập đoàn ca múa dân sự, diễn viên đều tuyển dụng hợp đồng, anh đã dùng những người mà đoàn kịch nghiêm chỉnh không dám dùng, anh hát những bài không dám hát, anh mặc những bộ quần áo không dám mặc, cho nên năm năm trước, đi hết đông tây nam bắc, buổi diễn nào cũng đông nghìn nghịt, tiền thu về như tuyết bay tơi tới. Những năm này ca múa lưu hành không được như trước đây, đoàn ca múa chia làm hai, một nửa từ thành thị chuyển về nông thôn, một nhóm khác mở bốn tiệm ca múa trong thành Tây Kinh. Vé vào lên tới ba mươi đồng mà người xem cứ lao vào như điên. Ba vị danh nhân này đều có đi lại với những người vô công rồi nghề trong xã hội, chỉ có điều khi hợp thì hợp, khi tan thì tan, cái chính là bên trong dựa vào quan lại, bên ngoài thì dựa vào người nước ngoài. Riêng vị danh nhân thứ tư thì sống thanh tịnh. Tuy vị phu nhân của anh cũng thuê người mở hiệu sách Thái Bạch ở đường Nhà Bảo tàng Rừng Bia, song anh là ông chủ không thiếu tiền lắm, lại không mê tiền lắm, chỉ ở nhà viết văn cho vui. Nhưng sự đời lại càng éo le kỳ quặc, anh càng không cần gì cả, thì cái gì anh cũng có hết. Trong bốn danh nhân này, coi như anh ấy cao cấp hơn, thành tựu lớn tên tuổi vang xa nhất. Đó là đồng hương của Đồng Quan các cậu! Chu Mẫn nghe Mạnh Vân Phòng nói thao thao bất tuyệt, cứ ngẩn tò tè, đực mặt ra, khi nghe nói đến "đồng hương của Đồng Quan các cậu" liền nói: Có phải là nhà văn Trang Chi Điệp không ạ? Mạnh Vân Phòng nói: Đúng đấy, không thì mình đã chẳng nói "Đồng Quan đa chung tú, nhân tự hữu linh khí". Mình thấy cậu thích viết văn, liền nghĩ tới Trang Chi Điệp. Anh ấy là niềm kiêu hãnh của quê hương cậu, cứ tưởng thế nào cậu cũng biết. Chu Mẫn đáp: Tên thì biết từ lâu, có một lần anh ấy đến Đồng Quan nói chuyện văn học, em biết tin tìm đến thì cuộc nói chuyện đã kết thúc. Thanh niên thích văn học ở Đồng Quan đông như thế cũng là do ảnh hưởng của anh ấy. Em đã nhìn thấy ảnh của anh ấy nhưng chưa gặp mặt. Mạnh Vân Phòng nói: Trong bốn danh nhân lớn mình khâm phục nhất là Trang Chi Điệp. Người tốt với mình hơn cả cũng là Trang Chi Điệp. Anh là nhân vật mũi nhọn đứng số một số hai trên văn đàn thành Tây Kinh. Nếu cậu định đến làm việc tại toà soạn báo chí, đương nhiên mình có thể giúp cậu. Nhưng mình đi tám lần mười lần chẳng bằng anh Điệp nói một câu. Anh thường đến đây uống trà uống rượu. Cậu có thể đến đây chiều thứ tư thứ bảy hàng tuần, biết đâu sẽ gặp đấy. Mình sẽ nêu ra thử xem ý kiến của anh toà báo, tạp chí nào thích hợp hơn. Từ đó mấy tuần liền Chu Mẫn đến nhà Mạnh Vân Phòng vào chiều thứ tư và thứ bảy hàng tuần, ăn mặc gọn gàng, đầu chải bóng mượt, không có sợi tóc nào bờm xờm. Nnưng tuy trong nhà Mạnh Vân Phòng ngồi khá nhiều các nhà văn, nhà biên kịch, hoạ sĩ, diễn viên, nhưng không thấy Trang Chi Điệp. Tạm thời Chu Mẫn không thể đi làm việc ở toà soạn báo chí, bởi vì kiếm sống, lại không để lỡ công việc làm thuê kiếm tiền ở am ni cô, nên cũng nản lòng. Hôm ấy, Tuệ Minh lại bảo Chu Mẫn chuyển lời đến nhà Mạnh Vân Phòng, hai người ngồi uống trà, tự nhiên nhắc đến Trang Chi Điệp. Mạnh Vân Phòng mới cho biết, thì ra Trang Chi Điệp đã không ở trong thành bấy lâu nay. Anh cũng vừa mới biết khi gặp Hồng Giang ở tiệm sách Thái Bạch chiều nay, liền oán trách Trang Chi Điệp. Gần một năm nay thanh danh ngày càng lớn, ngược lại tâm tình ngày một xấu đi, tính nết cũng cổ quái ra, đi ra ngoài một thời gian dài như vậy, ngay đến Phòng này cũng không nhắn được một câu! Chu Mẫn nghe nói, cúi đầu khe khẽ thở dài. Mạnh Vân Phòng lại cầm một bức thư ngắn hỏi Chu Mẫn có thể đích thân đến Sở văn hoá tìm một người được không, nếu tìm được người này, không đi được toà soạn khác, thì có lẽ đến toà soạn Tạp Chí Tây Kinh thì sẽ không thành vấn đề. Chu Mẫn mở thư ra xem, thì ra Mạnh Vân Phòng lấy danh nghĩa Trang Chi Điệp viết cho một người có tên là Cảnh Tuyết Ấm. Chu Mẫn không biết Cảnh Tuyết Ấm là đàn ông hay đàn bà, là lãnh đạo gì, hỏi Mạnh Vân Phòng thì Phòng chỉ tủm tỉm cười một cách ranh mãnh tránh trả lời. Chu Mẫn nửa tin nửa ngờ cầm bức thư ngắn đến Sở văn hoá. Lúc trời sắp tối lại đến gặp Mạnh Vân Phòng. Mạnh Vân Phòng đang cởi áo ngoài mặc quần cộc ngồi trên phòng khách sáng tác, mồm thì đáp lại thân không nhúc nhích. Chu Mẫn không chờ, nói to: Thầy Phòng ơi, em đây, Chu Mẫn đây! Có tiếng bước chân lẹp kẹp, then cửa được mở ra. Chu Mẫn đẩy cửa vào, quỳ sụp trước mặt Mạnh Vân Phòng.,Mạnh Vân Phòng hết sức ngạc nhiên song cũng hiểu ra phần nào, hỏi: Việc thành rồi hả? Chu Mẫn sắc mặt đỏ gay song vẫn quay đầu lại gọi: Đưa cả vào đây! Tiếp theo là một người đàn bà chân thô, xách một túi du lịch. Mở túi ra đặt trên nóc tủ một hộp trà Bích Loa, hai chai bột nước hoa quả vitamin C, một gói sợi măng, một gói vị thuốc bắc Cẩu Khởi của tỉnh Ninh Hạ và một gói nấm hương. Mạnh Vân Phòng nói: Tiểu Mẫn này, cậu làm gì thế, biếu xén mình phải không? Chu Mẫn nói: Biếu xén gì đâu cơ chứ. Trời oi bức, sáng tác lại vất vả mệt mỏi, em muốn mua cho thầy mấy thứ, thầy lại kiêng ăn chất béo, lại càng khó mua. Thầy Phòng ạ, nhờ có mẩu giấy của thầy, may quá, công việc mười phần thì thành công tám chín phần rồi. Mạnh Vân Phòng nói: Mình bảo tìm Cảnh Tuyết Ấm, tìm một cái là trúng. Chị ấy là người của Sở, trước kia đã từng làm trong ban biên tập, có ai là không biết cái mặt của chị ấy chứ. Hạ Tiệp đã đi nằm ở nhà trong, nói qua bức rèm: Cậu Mẫn ơi, cậu là người coi trọng thực tế đấy. Thầy Phòng viết cho cậu mẩu giấy, cậu đền đáp lại cho thầy Phòng phải không nào? Chu Mẫn cười đáp lại: Cô Tiệp đã đi ngủ rồi ư? Em đâu dám quên cô. Vừa rồi đi qua cửa hàng vàng bạc Lam Điền, em có rẽ vào xem trong đó có cái vòng ngọc hoa cúc. Em đã trả tiền người ta, nhưng đưa ra ba vòng, chiếc nào cũng có vết lỗi, em đã giục người ta mau mau nhập hàng, ba ngày nữa đến lấy, chỉ e không vừa mắt cô mà thôi. Hạ Tiệp nói: Tôi thấy cậu là con người lang thang làm được một đồng thì tiêu hai. Chu Mẫn vẫn đang cười, Mạnh Vân Phòng mở nắp hộp bột nước cốt trái cây vitamin C pha cho mình một cốc, lại pha cho Hạ Tiệp một cốc, đem vào. Chu Mẫn từ chối, bảo cốc trà này dành cho cô Tiệp. Mạnh Vân Phòng bảo: Đã đưa vào đây coi như là của gia đình. Bây giờ mình chiêu đãi cậu. Mạnh Vân Phòng bưng một cốc vào nhà trong. Chu Mẫn ngồi xuống hớp một hớp, rèm cửa động đậy, người đàn bà đưa hàng ra hiệu cho anh. Chu Mẫn ra ngoài, khẽ nói ở sân: Sao chưa đi? Việc của chị đã xong rồi! Người đàn bà hỏi: Thế tiền đâu? Chu Mẫn đáp: Tiền đã trả hết chị rồi cơ mà? Người đàn bà nói: Anh đã trả hết tiền hàng, em đưa hàng đi xa thế này anh cũng không chi thêm đồng nào à? Chu Mẫn nói: Có một đoạn đường ngắn tủn cũng đòi thêm tiền à? Liền trả một hào, người đàn bà bảo: Không được, anh định đuổi kẻ ăn mày phải không? Kẻ ăn mày có mở mồm cũng không cho một hào đâu. Chu Mẫn liền lộn túi cho xem, không còn một đồng nào cả, người đàn bà lầu bầu chửi bỏ đi. Chu Mẫn đi trở vào nhà, vui vẻ bảo: Cái chị họ Cảnh khí chất cao sang lắm, vừa gặp mặt, em đã bị chị ta làm cho khiếp vía, suýt nữa không dám đưa mảnh giấy ra, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Đầu tiên chị ấy dẫn em đi gặp tổng biên tập tạp chí, sau đó lại đi tìm giám đốc Sở đến. Tổng biên tập bảo ba hôm sau sẽ báo tin. Chị ấy quá là tài giỏi. Mạnh Vân Phòng nói: Cậu chưa biết đó thôi. Cảnh Tuyết Ấm tuy chỉ chỉ là trưởng phòng ở trong sở, nhưng Sở văn hoá, ngoài giám đốc sở ra, trên dưới không ai dám coi thường chị ấy đâu! Nói ra cậu sẽ sởn tóc gáy rùng mình đấy, phó bi thư phụ trách văn hoá trên tỉnh hiện nay là cấp dưới ngày xưa của bố chị ta. Trưởng ban tuyên truyền cũng từng là thư ký riêng của ông ta. Ông già hiện nay đã điều khỏi Thỉêm Tây, vẫn là quan ở bên Sơn Tây. Tuy người không ở Thiểm Tây, hổ rời khỏi núi, vẫn còn cái uy chứ? Chu Mẫn nghe xong nói: Điều đó em biết, ngày xưa Cảnh Tuyết Ấm chắc là người yêu của thầy Trang Chi Điệp phải không ạ? Mạnh Vân Phòng đáp: Sao cậu biết? Chu Mẫn trả lời: Đồng Quan có Trang Chi Điệp thì Đồng Quan lưu truyền những chuyện ít ai biết về anh ấy. Trước đây em tưởng người ta thêu dệt bịa đặt, nào ngờ có thế thật. Chị Ấm vừa xem thư xong đã nói "Trang Chi Điệp ra bộ quá nhỉ, có mỗi mẩu giấy gởi đến, người không thấy vác mặt đến". Mạnh Vân Phòng hỏi: Thế cậu bảo sao? Chu Mẫn đáp: Em bảo thầy Trang Chi Điệp dặn em hiện nay thầy đang viết một truyện dài, tới đây thầy sẽ tới thăm chị. Chị bảo thăm cái gì, già khú đế rồi, còn đẹp đẽ gì nữa. Chu Mẫn nói xong tủm tỉm cười rồi lại bảo: Thầy Phòng ơi, sự việc êm xuôi như vậy song em lo lắm. Thầy Trang Chi Điệp sẽ trách chúng ta cho mà xem. Mạnh Vân Phòng trả lời: Chính vì vậy mình mới phải viết cho kịp một bài phê bình tác phẩm của ông ấy. Chu Mẫn cám ơn rối rít rồi nói chuyện cho đến khi chuông đồng hồ điểm hơn mười hai giờ mới ra về.