Bấy giờ tôi còn ở đường Ký Con gần khu Cầu Ông Lãnh. Cạnh nhà tôi ở là một cái ngõ hẻm. Trong đáy cùng của cái ngõ bẩn thỉu mọc lên như một cây nấm dại tiều tụy, hèn mọn, ở ngoài vùng tráng lệ của thành phố, có một túp lều. Túp lều ấy chỉ vừa đủ chỗ cho một cái ghế bố gãy chân nằm chỏng chơ. Trong túp lều có một người đàn bà tàn tật: chị Năm Chừng. Và chị Năm Chừng có một đứa con trai trên là thằng Tám Cục Đất. Chị Năm Chừng trước kia làm phụ ở một xưởng máy bên vùng Khánh Hội. Một buổi, chị Năm đứng lớ ngớ thế nào để cho máy tiện cán đứt lìa một cánh tay. Từ đó, thất nghiệp, rơi ngã xuống đến tận đáy của khốn cùng, chị Năm Chừng chỉ còn là một thứ người-vật, nửa sống nửa chết trong cái ngõ hẻm hằng đêm chỉ có lũ chó mèo hoang lai vãng. Ngày tôi dọn đến Ký Con, chị Năm Chừng dắt thằng nhỏ đen nhẻm, trán dồ như bướu, mắt thao láo, sang nhà tôi ngỏ ý xin cho chị quét dọn nhà cửa mỗi buổi sáng sau khi tôi thức dậy. Nhớ buổi sáng hôm đó, nhìn thằng nhỏ dĩnh ngộ, cái dĩnh ngộ dữ dằn và ngỗ ngược của bầy trẻ lấy hè đường, cống rãnh và những gốc cây làm thế giới tuổi nhỏ, tôi xoa đầu Tám Cục Đất và hỏi nó: “Mày thích gì, Tám?” Nó lùi bật về đằng sau, đứng dạng hai chân chắc nịch, hai bàn tay chặt thành hai trái phật thủ khuỳnh khuỳnh, đáp như dao chém đá: “Đánh nhau”. Chị Năm Chừng cau mặt nhìn con, cười hiền hòa: “Cháu nó hư lắm ạ! Đánh nhau tối ngày”. Tôi mỉm cười nhìn Tám, nghĩ đến cái luật yếu mạnh tàn nhẫn của lề đường, và cho rằng Tám Cục Đất đánh nhau chỉ là để biểu tỏ sự có mặt của nó và dành một chỗ đứng dưới mặt trời. Tôi vẫn yêu những đứa nhỏ ngỗ ngược. Uốn nắn chúng cho khéo, dễ trở thành những người lớn khá lắm đấy nhé! Thế là từ đó, chị Năm Chừng sáng sáng cầm chổi, một mảnh bao bố, theo sau là Tám Cục Đất lễ mễ bưng một thùng nước, hai mẹ con lúi húi lau chùi nền đá hoa căn buồng ngủ của tôi cho đến khi nhẵn như gương. Tôi rất có cảm tình với Tám Cục Đất. Nó giúp mẹ nó như một người lớn vậy. Đôi khi lại còn ra cái điều dạy mẹ, khiến chị Năm Chừng lại cau mặt nhìn tôi cười và nói: “Cháu nó hư lắm!”. Nhưng tôi biết Tám Cục Đất thương mẹ nó lạ thường. Nó thương cái lối thương đặc biệt của nó. Trợn mắt lên. Lầm lầm lì lì chẳng thưa chẳng gửi. Nhưng mà thương. Từ ngày gặp nhau, chị Năm đau yếu luôn. Chị ho thúng thắng, đầu tóc lúc nào cũng trùm kín dưới một tấm khăn bông lớn. Mấy tháng đầu, sáng nào cũng đủ mặt hai mẹ con. Rồi mấy tháng sau, tôi mở cửa không thấy chị Năm bước vào nữa, mà chỉ còn một mình Tám Cục Đất sang làm thay cho mẹ. Càng ngày, biết nó rõ hơn, tôi càng thấy phát hiện ở Tám Cục Đất một đức tính quý và hiếm như vàng trong cái xã hội nghèo khổ đầu đường xó chợ. Đó là sự thật thà. Tiền tôi để trên mặt bàn viết, trong túi quần vắt trên thành ghế, những lúc mở cửa cho Tám vào rồi bỏ nhà sang ngã tư bên kia đường ăn sáng, trở về tiền để đâu vẫn còn nguyên đó, không mất một đồng nào. Tám đã không ăn cắp, tôi còn nhờ Tám không đến nỗi bị mất cắp một mẻ lớn nữa. Chả là một đêm đi chơi uống rượu say về quên khóa cửa, tôi ngã vật xuống giường ngủ thiếp đi, nửa đêm bỗng giật mình thức dậy vì một tiếng kêu vỡ tai, tiếng kêu của Tám Cục Đất ở ngoài đường: “Ăn cắp! Ông ơi! Nó ăn cắp của ông”. Bóng đen chạy từ giường tôi chạy vụt ra, hốt hoảng ném trả lại cái quần. Trong túi quần, có hai chục ngàn đồng buổi chiều tôi vừa lấy ở nhà phát hành Thống Nhất về. May quá, Tám vừa đi qua cửa đúng lúc nó nhìn thấy thằng trộm lẻn vào. Trộm chạy rồi, Tám còn rượt theo như một mũi tên, vừa đuổi về la đến tận đầu phố. Sáng hôm sau, tôi gọi Tám sang cám ơn nó và thưởng cho nó năm trăm. Nó nhận nhưng không tiêu một đồng nào mà đưa hết cho mẹ. Cử chỉ đó của trẻ con tưởng người lớn nào cũng phải ngạc nhiên và mến phục. Tám Cục Đất chỉ có một cái tội: nó hiếu chiến vô tả. Tôi không trông thấy nó gây sự với một đứa nhỏ nào bao giờ, nhưng lạ thay, Tám đến đâu là có võ đài lộ thiên dựng ngay tại đó. Đứa nào trêu, nó đánh liền không oong đơ gì. Máu nóng, máu anh hùng tứ chiếng chảy thao thao và chảy thật đầy trong cái thân thể chuột nhắt và đen cháy của Tám Cục Đất. Tôi chính mắt thấy nó sáp trận nhiều lần. Nhanh như cắt vậy. Và đã lao vào kẻ thù là lao vào bằng những đòn chí tử. Cho nên lần nào nó cũng đánh thắng. Kẻ thù nguy hiểm và ghê gớm nhất của Tám là bọn ba anh em thằng Tàu lai ở cuối phố. Ba anh em này, đứa nhỏ nhất thấp hơn Tam một đầu, đứa lớn nhất lại cao hơn Tám cũng đúng một đầu. Cuộc tỷ thí chừng đã diễn ra nhiều lần lắm. Đánh với từng đứa một, Tám thắng dễ dàng không khó nhọc. Nó chỉ cần bình tĩnh vung một quả đấm thôi sơn tay phải của nó là kẻ thù đã lăn cù ra. Nhưng phải xem Tám Cục Đất đơn thương độc mã đấu với cả ba như một chàng Triệu Tử Long tí hon, mới thật sướng mắt. Mới thấy sự gan dạ liều lĩnh của nó, so với những đứa nhỏ cùng tuổi, ghê gớm đến thế nào. Có phải dân tay chơi gọi đó là đòn ất giáp, thứ đòn hội chợ phải không? Sáp trận, khi phải đương đầu với ba anh em kẻ thù hợp lại thành một thế tam giác gườm gườm, tôi nhận thấy, lần nào cũng vậy, Tám gan dạ xông pha vút ngang vào giữa. Nó tả xung hữu đột, tay này thoi, chân kia đá, quay tròn như cơn lốc, quyền cước phát ra liên chỉ hồi điệp, và chỉ một loáng mắt ba anh em kẻ thù kia đã sững sờ thất kinh và kéo nhau chạy tan tác về nhiều ngả phố. Một buổi sáng, chờ cho Tám Cục Đất lau nhà xong, tôi giữ nó lại: “Cháu đánh nhau như thế không sợ mẹ buồn ư?” “Chúng nó trêu tức cháu. Chúng nó gọi mẹ cháu là con mẹ què”. “Nhịn đi có được không?” Tám Cục Đất mở lớn đôi mắt thao láo nhìn tôi, hình như cái đầu óc trẻ thơ của nó từ phút ra đời không hề hiểu chữ “nhịn” là cái lý cố gì. Nó đứng lên, lẳng lặng xách thùng ra đi, không thèm nói chuyện với tôi nữa. Bỗng một hôm, tôi xem xinê về đến xế cửa, lúc đó đêm đã khuya lắm, hè đường yên tĩnh và tôi lại trông thấy bốn cái bóng nhỏ thó huỳnh huỵch quần thảo dưới một gốc cây. Tám Cục Đất lại phải đương đầu với ba anh em kẻ thù của nó. Nhưng lần này, một điều chưa từng xảy ra bao giờ cho Tám đã xảy ra khiến tôi giật mình: Tám thua. Nó trúng đòn như mưa vào mặt mũi, ngã vật xuống một bờ tường. Tôi thấy Tám vùng đứng dậy, lại loạng choạng lao vào vòng chiến để liền đó lại bị đánh văng vào một gốc cây. Lần ngã này xem chừng nặng lắm. Tám nằm lìm không ngóc được đầu dậy nữa. Khi tôi chạy đến và cúi xuống đỡ nó lên cho tựa lưng vào thân cây, nỗi ngạc nhiên của tôi về sự bại trận khó hiểu của Tám Cục Đất mới được cắt nghĩa: cánh tay trái của Tam buộc chặt vào quần bằng một sợi dây. Thì ra nó chỉ sử dụng có độc một nắm đấm tay phải mà thôi. Nó đã chấp kẻ thù một tay và cột chặt cái tay đó lại. Tôi nhăn mặt kêu lên: “Sao cháu dại thế. Một đánh ba còn chấp một tay”. Khuôn mặt Tám sưng húp. Nó mím môi nhìn đi chỗ khác, nín thinh. Tôi phải gặng hỏi mãi, nó mới chịu nói, tiếng nói còn hổn hển vì đau đớn: “Chúng nó nói tức, cháu chấp chúng nó”. “Nói tức mà chấp liền? Chết thật. Lần sau thôi nhé!” Tám nhổ một đống nước miếng có lẫn máu xuống đất, rồi ngước nhìn lên cao, nó lắc đầu. “Cháu đã hứa chấp chúng nó, chỉ đánh bằng một tay, cho đến khi nào được, chúng nó phải thôi không dám gọi mẹ cháu là con mẹ què nữa”. Tôi ngao ngán lắc đầu thở dài, biết nó đã định là làm, nó anh hùng như thế đó và trời cũng không thay đổi được. Mấy tuần sau, ngày nào Tám Cục Đất cũng giao chiến với những kẻ thù làm nhục mẹ bằng cách trói lại một cánh tay. Cố nhiên lần nào nó cũng thua. Tôi không được chứng kiến nhưng cứ nhìn thấy nó, buổi sáng sang lau nhà, môi vều lên, mắt sưng húp là đủ để đoán được rằng Tám lại thảm bại. Tôi khuyên nhủ thế nào nó cũng khăng khăng không chịu nghe theo. Khối óc trẻ thơ mà dũng cảm như Tám Cục Đất nếu đã không chịu hiểu nghĩa chữ “nhịn” là gì, giờ tôi còn biết thêm là không chịu hiểu nghĩa chữ “lùi” là gì nữa. Tám còn chấp một tay thì còn thua nữa, thua mãi. Làm thế nào? Tôi cố moi óc tìm cách giúp nó, như giúp anh chàng tiểu Vô Kỵ liều lĩnh và bướng bỉnh của cái hạt ngọc nơi trang trọng là truyện Cô gái đồ long vậy. Nhưng nghĩ mãi mà diệu kế không chịu nẩy ra. Mãi đến một hôm, đi ngang qua rạp chớp bóng Casino, nhìn lên một tấm áp phích có tên tài tử cao bồi Randoph Scott, một tia sáng vụt lóe trong đầu tôi. Phải rồi, diệu kế đã tìm thấy bởi tôi vừa nhớ lại một bộ phim của của Scott. Đó là một phim đấm đá và trả thù rất dã man. Trong lúc ngất đi, Scott bị kẻ thù kéo lết đến một bờ suối, đặt tay lên một tảng đá và dùng giầy đinh giẫm nát. Nhưng rồi, tỉnh dậy Scott đã đánh ngã gục kẻ thù sau đó. Không bằng tay vì hai bàn tay đã nát nhừ. Mà bằng cách liều lĩnh lao đầu như một con tê giác điên cuồng xung phong vào đối thủ. Về đến nhà, tôi liền gọi Tám Cục Đất sang và mách cho nó cái thế đánh chí mạng của Scott. Tôi cắt nghĩa cho nó về cái tác dụng tâm lý của cú đánh chí mạng: “Cháu trói một tay lại, nhưng vẫn phải đánh bằng tay kia nên vẫn chưa đủ làm chúng khiếp sợ. Cháu thử liều chấp chúng hơn nữa, bằng cách cho chúng trói cả hai tay xem sao. Húc bằng đầu. Húc một cái thôi. Và chọn húc chính thằng lớn nhất”. Tám Cục Đất nhìn tôi đăm đăm. Nó ngẫm nghĩ, nín thinh không nói gì và bỏ đi. Sáng hôm sau, nó xách thùng nước sang lau nhà. Tôi vùng dậy. “Sao Tám?” Nó mỉm miệng cười gật đầu, hai tay thu cả về sau lưng làm hiệu như bị trói. Đoạn nó cúi xuống thản nhiên lau nhà. Tám đã nghe lời tôi và nó đã thắng. Từ hôm đó, tôi không còn thấy ba anh em thằng Tàu lai lảng vảng đến con phố này của Tám Cục Đất nữa. Tám đã sử dụng cái đòn chí mạng của Randolph Scott. Và nó đã làm khiếp vía kẻ thù, không còn đứa trẻ nào dám riễu mẹ nó là con mụ què nữa. Từ hồi tôi bỏ Ký Con đi ở phố khác đến nay đã ba năm. Năm ngoái đi qua phố cũ chơi, nhớ đến mẹ con Tám Cục Đất, tôi vào thăm chị Năm Chừng. Người trong ngõ cho biết chị Năm đã chết ở nhà thương thí, và Tám Cục Đất cũng đã bỏ khu Cầu Ông Lãnh đi đâu mất tích. Tôi nghĩ: Tám Cục Đất chỉ còn một thân một mình, nhưng nó ở đâu đó chứ không mất tích đâu. Nó có mặt ở trong đời sống gai lửa, nhưng ở đâu thì nó cũng không sợ, nó cũng san bằng trở lực và đánh thắng kẻ thù. Đánh thắng, vì lòng ngay thẳng và sự dũng cảm của nó, mà tôi đã nhìn thấy những bằng chứng chói lòa, ngay từ tuổi thơ.