Phần 3

3.4 - Một số điểm cần làm rõ hơn:
- Ý kiến 1: Những năm qua đã có sự trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo từ trung ương xuống địa phương và cơ sở, mang lại sức sống mới cho Ðảng và cho dân tộc đấy thôi. Ðúng là có như vậy thật, nó khác với trước là có những người nắm quyền lực tới lúc chết mới thôi. Nhưng đó vẫn không phải là sự đổi mới mà dân tộc cần. Vì ở một góc độ nào đó, điều này giống như trò chơi "ô ăn quan" của con trẻ: tuy "quân" được rải vào các "ô" có thể đã phần nào khác trước, nhưng "cơ chế rải quân" thì vẫn chỉ là một. Có khi còn rải nhầm (?) cả vào các cơ sở tôn giáo hữu thần.
- Ý kiến 2: Gần đây tỷ lệ những người ngoài Ðảng được nắm giữ các cương vị lãnh đạo trong nhiều cơ sở kinh tế, xã họâi, kể cả trong Quốc hội đã tăng lên. Ðấy chẳng phải là biểu hiện của sự mở rộng dân chủ rồi còn gì! Cũng đúng là có như thế thật, nhưng thử hỏi liệu họ có làm được gì nhiều không cho dù họ muốn, để thay đổi những vấn đề lớn của đất nước? Một khi đã được Ðảng quyết định tất cả trước đó? Vì vậy chỉ một thời gian sau khi ra nhập vào bộ máy ấy, thì họ sẽ thấm thía ngay rằng: hoàn cảnh của mình sao giống như của chàng An Tiêm xưa trên hoang đảo là vậy. Giả sử mình có trồng được "dưa hấu", thì rốt cuộc cũng chỉ đủ cho mình và để "Tiến Vua" mà thôi! Ðấy là chưa kể đến những khó khăn mà họ cần vượt qua trước đó: cứ phải nhặt hết thóc ra khỏi gạo thì các cô Tấm ngày nay mới được đi dự hội "Vua mở"! Ai không tin điều này, xin hỏi tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang, người mà năm 1993 đã tự ra ứng cử đại biểu Quốc hội khoá IX tại Hà Nội.
- Ý kiến 3: Nhưng ở Việt Nam cũng có những trường hợp thành công bằng chính tài năng và sức lực của họ đấy thôi. Cũng đúng là như vậy thật - chính họ là những niềm tự hào và hy vọng của đất nước. Họ có thể là những nhà doanh nghiệp quốc doanh hay tư nhân, nhà khoa học hay vận động viên thể thao, nhà kỹ thuật hay một ngư dân, một văn nghệ sỹ hay một lão nông. (tất nhiên số này là không nhiều so với những gương "đại thành công" khác.). Nhưng không bao giờ họ có thể là một nhà chính trị thực sự thành công, nếu họ không phải là đảng viên cộâng sản. Mặt khác với tài năng ấy, nếu được sống trong một xã hội thực sự dân chủ thì nhất định mức độ thành công của họ sẽ lớn hơn nhiều. Sự rủi ro sẽ giảm hẳn bởi một môi trường cạnh tranh lành mạnh, cùng với một hệ thống bảo hiểm tốt. Họ sẽ không phải chi ra những món tiền rất vô lý nhưng cũng rất khó từ chối. Không phải tiếp nhưng vị khách không mời đeo bám rất dai, mà nếu chỉ sơ ý "thấùt lễ" một lần thôi thì cũng có thể phải trả bằng một giá đắt. Muốn được yên thân nhiều người đã đành chịu khuất phục trước những sự đeo bám kia.
Gần đây Ðảng và Nhà nước Việt Nam có chủ trương lấy ý kiến đóng góp của nhân dân cho "Dự án xây dựng và phát triển đất nước từ năm 2000 - 2020", nhưng theo tôi trước đó phải lấy ý kiến nhân dân về đường lối. Nếu chỉ cho phép làm cái sau mà khoanh đỏ cái trước lại không cho ai được động đến, thì một khi đường lối đã sai rồi, ắt sẽ kéo những dự án là con đẻ của nó cũng sai theo, và đất nước do vậy vẫn không có lối ra. Chúng ta không sợ đất nước không có những dự án đúng, mà chỉ sợ đường đi của cả dân tộc bị chọn sai!
Từ những trình bày trên ta rút ra kết luận:
Ðường lối mới hiện nay, xét cả về lý luận lẫn thực tiễn vẫn không phải là "cái cần thiết cho chúng ta", nó cũng không phải là "con đường giải phóng dân tộc chúng ta " thoát khỏi ách nghèo nàn và lạc hậu. Ðể rồi hôm nay, 25 năm đã trôi qua kể từ khi đất nước thống nhất, nhưng Việt Nam vẫn là một trong 10 quốc gia nghèo nhất trong tổng số gần 200 nước trên thế giới. Thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ quanh quẩn ở mức 1USD/ngày, ở các vùng nông thôn, vùng sâu, cao, xa,… lại còn thấp hơn nữa. Trước đây nghèo chỉ khổ nhưng ngày nay nghèo còn là nhục nữa. Chậm một thời gian ngắn đã thấy thua thiệt, đằng này đất nước đã chậm từ hết "năm bản lề" này sang "năm bản lề" khác, hết kế hoạch nọ đến kế hoạch kia. Ðể hôm nay con đường đi của dân tộc vẫn loằng ngoằng, quờ quạng như đường đi của một người bị khiếm thị nặng, đã đi trên con đường lạ thì chớ, mà lại còn bị mất kính, mất gậy!
Giả sử có ai lúc này còn khẳng định trước nhân dân rằng: chủ nghĩa Mác - Lê Nin vẫn là "chân lý sáng ngời", là "bách chiến, bách thắng" và tiếp tục dùng nó làm "kim chỉ nam" hay làm "ngọn đuốc soi sáng đường cho cách mạng Việt Nam", v.v … thì tôi cho rằng bằng cách đó họ đã làm cái công việc giống như của những người dùng chiếc sào của con đò ngang để chống cho con tầu … Titanic! Sau khi nó đã bị đâm vào tảng băng định mệnh. Những chiếc sào kia dù là của con đò ngang hay con đò dọc cũng không thể dùng làm "Giải pháp cho Titanic" vào cái đêm tháng tư năm 1912 ấy được.
Nếu nhớ lại những lời sang sảng ngày nào của cố tổng bí thư Lê Duẩn đọc tại hội trường Ba Ðình, trong đại hội IV ÐCS Việt Nam năm 1976 rằng: "Nước ta có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới." (ông nhắc lại những lời trong di chúc của CT Hồ Chí Minh) và kể từ đây thì: "Ðường lên chủ nghĩa xã hội thênh thênh rộng mở, chúng ta đoàn kết, chúng ta xây dựng, chúng ta cải tạo, chúng ta tiến lên!".
Rồi đối chiếu với hôm nay thì ai cũng thấy là kết quả đã lộn ngược:
Chúng ta không đoàn kết - Dân tộc đã bị phân hóa sâu sắc và toàn diện.
Chúng ta không thắng lợi - Ðất nước đã bị thất bại cả trong xây dựng và cải tạo, với hàng loạt các kế hoạch 5 năm liên tiếp bị phá sản.
Chúng ta không tiến lên - Chúng ta đã bị tụt hậu toàn diện và quá xa so với thế giới.
Mà vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là: cho đến nay ÐCS Việt Nam vẫn là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo đất nước!
4 - Nền dân chủ Việt Nam và một ý kiến đề nghị.
4.1 - Nền dân chủ Việt Nam.
a) Thực trạng:
Năm 1999 tại hội nghị 7 BCHTWÐCS Việt Nam khoá VIII, tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định trong diễn văn bế mạc như sau: "Lịch sử thời đại và nhân dân ta không cho phép chia xẻ quyền lực chính trị cho một thế lực nào khác. Mọi luận điểm tuyên truyền về dân chủ tuyệt đối, về nhân quyền cao hơn chủ quyền, đa nguyên, đa đảng, … đều là dối trá, lừa bịp.".
Ở nước ngoài tôi có điều kiện được đọc hầu hết những bài viết, kiến nghị của các chiến sỹ dân chủ Việt Nam còn sống hoặc đã mất như: Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Ðan Quế, Ðoàn Viết Hoạt, Nguyễn Ðình Huy, Phạm Thái, Trần Ðộ, Lê Giản, Lê Hồng Hà, Nguyễn Trung Thành, Ngô Thức, La Văn Lâm, Nguyễn Văn Ðào, Phạm Quế Dương, Trần Dũng Tiến, Dương Thu Hương, Hà Sỹ Phu, Phan Ðình Diệu, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Thanh Giang, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hoàng Tiến, các hoà thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ, Linh mục Chân Tín, ông Nguyễn Ngọc Lan, lãnh tụ các tôn giáo Cao đài, Hoà hảo, … cùng rất nhiều người khác nữa. Tôi không thấy ai trong số họ đòi một thứ dân chủ tuyệt đối, đòi nhân quyền cao hơn chủ quyền cả. Nhưng tại sao nhiều người trong số họ vẫn bị đàn áp? Chưa kể đến việc gia đình, bạn bè, người thân của họ có khi cũng bị vạ lây. Chính vì yêu tha thiết chủ quyền quốc gia, nên những con người can đảm ấy đã dùng ngòi bút của mình viết lên những yêu cầu, kiến nghị với ÐCS Việt Nam hãy đổi mới chính trị song song với đổi mới kinh tế. Tôn trọng những quyền tự do căn bản của người dân. Trong đó có rất nhiều điểm mà nhóm Nguyễn Ái Quốc ở Paris ° đã viết trong "Yêu sách 8 điểm gửi hội nghị Véc-xây (Versailles)" năm 1919, mà đến nay vẫn chưa được tôn trọng ở Việt Nam. Nhưng tất cả đều đã không được đáp ứng.
Nếu nói về đặc điểm của thời đại ngày nay thì chính là: Thời đại của sự sụp đổ các chế độ độc tài lớn, nhỏ với đủ mọi hình thức trên phạm vi toàn thế giới. Là sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự xuất hiện ngày càng nhiều các dân tộc tiến lên trên con đường dân chủ, đa nguyên, đa đảng và pháp trị. Ðấu tranh vì hoà bình, độc lập, dân chủ và không chủ nghĩa xã hội. Nó ngược hẳn với những điểm cơ bản trong "Nội dung thời đại", được khẳng định trong Tuyên Bố Chung của Hội nghị 81 ÐCS họp tại Mátxcơva - Liên Xô tháng 12 năm 1960. Cũng chính lịch sử của dân tộc ta đã chứng minh rằng: có những triều đại đã bị suy vong dẫn tới mất nước vì sự thoái hoá của hệ thống chính trị, dù lúc đầu có thể là những triều đại mạnh. Nếu tổng bí thư Lê Khả Phiêu thực lòng muốn nghe những ý kiến ngược lại với ông, như trong một buổi trả lời phỏng vấn báo chí tháng 4/1998 đã phát biểu, thì ông có thể coi đây là một trong những ý kiến như vậy từ nhân dân.
Ngoài ra còn một số luận điểm nữa cũng cần làm rõ, ví dụ: "Văn hoá và con người phương Ðông là khác với phương Tây nên không thể đem những giá trị của nền dân chủ phương Tây mà áp dụng vào phương Ðông, vào Việt Nam được". Tôi cho rằng nếu như ai đó vẫn còn say mê với những luận điểm thuộc dạng này thì cũng xin được lưu ý: Những giá trị tư tưởng của Mác, Ăng Ghen, Lê Nin, Stalin, v.v… cũng như những giá trị về nhân quyền và dân quyền đạt được sau hai cuộc cách mạng tư sản ở Mỹ năm 1776 và ở Pháp 1791, mà CT Hồ Chí Minh đã long trọng trích dẫn trong Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2.9.1945 là của phương Ðông hay phương Tây? Tại sao cái này thì được mở còn cái kia lại cứ bị đóng chặt mãi như vậy? Theo tôi những nền văn hoá có thể khác nhau, nhưng những giá trị về tinh thần nói chung và dân chủ nói riêng đã được nhân loại khẳng định là tốt, thì chỉ có một, nó không có biên giới. Nếu chỉ muốn tiếp nhận những giá trị vật chất mà khước từ những giá trị tinh thần tiến bộ của phương Tây, thì đấy là biểu hiện của chủ nghĩa thực dụng sống sượng. Chính điều này đang làm hại dân tộc: những cái hay, tiến bộ thì bị ngăn chặn và phải đứng ngoài. Còn những cái tiêu cực, xấu xa thì đang tràn vào ồ ạt bằng đủ mọi con đường khác nhau, không sao cản được.
Một điểm nữa là cứ giả sử nền dân chủ XHCN gấp triệu lần nền dân chủ tư sản đi, nhưng nếu bây giờ có một nhóm người Việt Nam yêu nước nào đó cũng muốn ra báo Người Cùng Khổ, như nhóm Nguyễn Ái Quốc đã làm 80 năm về trước ở Paris giữa lòng nước Pháp TBCN thì có được không? Chưa nói đến việc được quyền như CT Hồ Chí Minh và các đồng chí cộng sản Pháp của ông: họp đại hội Tours giữa ban ngày, tán thành Quốc Tế III với chủ trương rõ ràng là: Dùng bạo lực để giành chính quyền từ tay giai cấp tư sản. Nhưng rồi vẫn được an toàn sau đó? Chẳng lẽ số 1 lại lớn hơn 1 triệu ư? Chẳng lẽ nền dân chủ ở thế kỷ 21 lại thấp hơn nền dân chủ trong thế kỷ 20 hay sao? Từ thực trạng đó mà nhiều người dân Việt Nam hôm nay chỉ ao ước làm sao cho hiến pháp hiện hành có được những giá trị về nhân quyền và dân quyền như Hiến pháp Việt Nam năm … 1946! Bao giờ cho đến … ngày xưa đây? Chẳng lẽ trình độ dân chủ của các đại biểu quốc hội khoá X năm 2000 lại thấp hơn của các ÐBQH khoá I năm 1946 hay sao? Vì vậy có thể nói rằng dân tộc Việt Nam tính cho đến nay, khi mà thế kỷ 21 đã bước qua, nhưng dân tộc ấy vẫn chưa có tự do, dân tộc ấy vẫn chưa có công bằng và dân chủ thực sự. Toàn thể dân tộc phải đoàn kết lại cùng quyết tâm làm thì mới có được những giá trị thiêng liêng và cao quý ấy.
b) Một trào lưu dân chủ mới:
Ðể cho những mùa xuân Việt Nam đến sớm hơn phải là nỗ lực chung của toàn dân tộc. Bao năm qua có rất nhiều chiến sỹ dân chủ Việt Nam đã dũng cảm đi đầu kêu gọi những người nắm thực quyền của ÐCS Việt Nam hãy vì quyền lợi chung của dân tộc mà thay đổi thực sự về chính trị. Ða số họ đã bị trả giá với nhiều hình thức và mức độ khác nhau: có người bị quy chụp, quản thúc, cách ly. Có người bị khai trừ, hăm doạ, theo dõi, bắt bớ, giam cầm,… nhưng đội ngũ ấy đã không chùn bước. Ngược lại đã phát triển ngày càng đông để trở thành một lực lượng chính trị thực sự. Bởi vì họ có cơ sở lý luận vững chắc và khoa học. Họ đang ngày càng được nhân dân Việt Nam ở cả trong, ngoài nước cùng thế giới tiến bộ biết đến và hết lòng ủng hộ, bảo vệ.
Theo tôi nếu xét về những mục tiêu cần hướng tới của một nước Việt Nam mới, thì hầu hết các lực lượng dân chủ đều đã đạt được sự đồng thuận cao. Ðây là một thuận lợi rất lớn và rất cơ bản. Nhưng nếu xét về cách làm để đạt được chúng thì lại có những điểm khác biệt, đôi khi cũng rất lớn. Ðiều này cũng là bình thường bởi tính đa nguyên vốn có của cuộc sống. Ở phần này tôi xin mạnh dạn viết ra những suy nghĩ của mình, nó có những điểm giống và cũng có những điểm khác so với những gì đã có từ trước tới nay. Nhưng dù là khác thì rất mong quý vị độc giả hiểu cho rằng: lòng kính trọng cùng sự ngưỡng phục của tôi đối với các chiến sỹ dân chủ Việt Nam cả hữu danh hay còn đang thầm lặng là luôn trọn vẹn, trước sau như một. Ðó là những tình cảm xuất phát từ đáy lòng mình.
- Những điểm giống nhau là: chúng ta vẫn cùng nhân dân kiên quyết đấu tranh để yêu cầu các cấp đảng, chính quyền Việt Nam tôn trọng những điều đã được ghi rõ trong hiến pháp hiện hành, trong các hiến chương, tuyên ngôn, công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, nhưng nay vẫn bị vi phạm kéo dài và thường trực. Ðể hỗ trợ tốt hơn, chúng ta có thể đề nghị với các nhà lãnh đạo Việt Nam hãy cho phép các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến rộng rãi bản Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới Của Liên Hiệp Quốc Về Nhân Quyền năm 1948 mà Việt Nam đã cam kết tôn trọng. Chứ nếu ký xong lại mang về cho vào tủ khoá kỹ lại, rồi tự mình nghĩ ra cách riêng để "làm nhân quyền" với nhân dân thì không ai có thể chấp nhận được. Ðiều mà dân tộc cần là những giá trị nhân quyền đã được quốc tế hóa, chứ không phải là "Việt Nam hóa" những giá trị ấy như bao nhiêu năm qua. Cả nước có trên 500 tờ báo nhưng ít báo nào đăng lại đầy đủ nó. Hệ thống phát thanh, truyền hình cũng hiếm khi nhắc đến hoặc nếu có thì thường là để tố cáo những người khác, nước khác vi phạm! Chính sự khiếm khuyết này đã làm cho người dân Việt Nam thiếu hẳn đi cơ sở pháp lý đấu tranh, khi nhân quyền của họ bị chà đạp. Chẳng hạn điều 19 của Bản tuyên ngôn trên có ghi: "Mọi người đều có quyền tự do tư duy và ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền không bị gây khó khăn vì quan điểm của mình và quyền được tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức, ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông và qua mọi biên giới". (xem website: http://www.lmvntd.org/dossier/tnqtnq.htm.)
- Những điểm khác nhau là: theo tôi có cái gì đó không ổn về cách thức đấu tranh. Ví dụ như đòi hủy bỏ điều 4 hiến pháp hiện hành, trong đó quy định ÐCS Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo đất nước. Tất nhiên với một quốc gia đã có nền dân chủ đích thực thì hiến pháp của họ sẽ không bao giờ có điều nào tương tự như vậy, và chúng ta phải đấu tranh đến cùng để nó không còn nữa. Nhưng có điều là với những nét đặc thù Việt Nam, cũng khó có gì để bảo đảm rằng nó sẽ được đa số nhân dân mong muốn và ủng hộ? Chúng ta chỉ mới có cảm tính là như vậy thôi. Tất cả vẫn chưa được định lượng cụ thể, chưa thật sự lấy dân làm gốc trong cách làm.
Tương tự với những vấn đề khác như: yêu cầu tổ chức một cuộc Bầu cử tự do có quốc tế giám sát, muốn đổi tên nước, quốc kỳ, quốc ca. Muốn tách sự lãnh đạo của Ðảng ra khỏi quân đội, công an, v.v… Chính những sự khác nhau ấy đã nảy sinh ra nhiều cuộc tranh luận, có khi trở thành tranh cãi làm tiêu hao biết bao thời gian, sức lực và lòng nhiệt tình của nhau, mà đa số đều là những người có tâm huyết với đất nước và dân tộc. Thậm chí có một số người "chém thớt" lại còn nhiệt tình và hiệu quả hơn là "chém cá"! Ðể rồi tình trạng "Tọa sơn quan hổ đấu" đã diễn ra, nhiều người trong số "quan hổ đấu" kia đã chuyển từ "múa tay trong bị" ra "múa tay ngoài bị", bởi vì họ đã "Bất chiến tự nhiên thành".
Ngay cả đối với bạn bè quốc tế, những người thường xuyên quan tâm đến tình hình Việt Nam cũng vậy: tuy đều mong muốn thúc đẩy tiến trình dân chủ cho Việt Nam tiến lên phiá trước, nhưng mỗi người khác nhau cũng có những nhận thức và hành động khác nhau. Nếu chỉ vì sự khác nhau ấy mà chúng ta lại đi phê phán hay chỉ trích họ sẽ làm phân hóa các lực lượng dân chủ Việt Nam, trên cả bình diện quốc gia và quốc tế. Trong khi hơn lúc nào hết vấn đề đoàn kết lúc này là rất quan trọng và rất cần thiết. Nó là sức mạnh và nó cũng là lực lượng.
4.2 - Một ý kiến đề nghị:
Từ những trình bày trên tôi xin được đề nghị một ý kiến sau: Giữ nguyên bộ máy hiện có ở Việt Nam hiện nay, bao gồm tất cả các cơ quan: lập pháp, hành pháp và tư pháp từ trung ương xuống địa phương, cơ sở để tổ chức một cuộc TRƯNG CẦU DÂN Ý đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Câu hỏi cần trả lời là: Việt Nam nên hay không nên theo chế độ đa đảng? Nếu ai cho rằng nên thì ghi CÓ - không nên thì ghi KHÔNG.
Ðây chính là công việc nhằm định lượng hoá lòng dân Việt Nam. Nó không đòi ai cái gì mà chỉ đề nghị một cách làm là hãy hỏi ý kiến nhân dân về một vấn đề lớn và rất bức xúc của đấùt nước hiện nay.
Cũng có thể có những câu hỏi khác, với những yêu cầu khác cao hoặc thấp hơn. Nhưng theo tôi yêu cầu trên là trung bình, mà nếu đạt được thì nó sẽ tạo cơ sở tốt cho những bước dân chủ tiếp theo. Tuy là trung bình nhưng nó cũng đủ tầm mức quan trọng cho một cuộc Trưng Cầu Dân Ý(TCDY). Tất nhiên theo đúng tinh thần đa nguyên và nguyên tắc đa số. Tôi sẵn sàng ủng hộ cho một câu hỏi khác thích hợp hơn, miễn là nó được đa số dân tộc ủng hộ. Sau đây là phác họa một số nét lớn của nó:
- Thành lập một Ủy Ban Quốc Gia Trưng Cầu Dân Ý (UBQG về TCDY), mà bước đầu có thể là một Ban trù bị.
- Thành phần của ủy ban bao gồm cả những đảng viên cộng sản và người ngoài đảng. Tỷ lệ chẳng hạn là 50/50, trong đó có đầy đủ đại diện của các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, sắc tộc, vùng, miền,… trong cả nước và đại diện cho các cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài gần 3 triệu người. Bởi vì đây là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc, hơn nữa rất nhiều người trong số họ còn mang quốc tịch Việt Nam. Tuy uỷ ban cần bảo đảm đầy đủ các thành phần được nêu trên nhưng cũng không nên quá cồng kềnh, hình thức. Ðiều này Ban trù bị sẽ quyết định cụ thể. Các thành viên trong uỷ ban phải là những người thực sự có tinh thần dân chủ, có năng lực làm việc và có đủ sức khoẻ.
- Sau khi được thành lập, UBQG về TCDY sẽ tiến hành các công việc chuẩn bị như: xây dựng điều lệ, phương án hoạt động, nội dung tuyên truyền trong nhân dân cả nước về mục đích, ý nghĩa của công việc này, trong đó kể cả việc thành lập các ủy ban TCDY ở địa phương và cơ sở. Thời gian thành lập UBQG TCDY cần được tổ chức càng sớm càng tốt. Tinh thần là không nên quá nóng vội, nhưng cũng không nên quá chậm chạp. Giả sử cuộc TCDY trên được tổ chức sẽ có hai khả năng sau đây:
a) Nếu đa số phiếu trả lời là KHÔNG thì ÐCS Việt Nam sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước, cho đến khi nào nhân dân thấy cần thiết là nên có một cuộc TCDY mới.
b) Nếu đa số phiếu trả lời là CÓ thì ÐCS Việt Nam cần phải chấp nhận kết quả ấy. Hiến pháp hiện hành cũng phải được Quốc hội sửa đổi, bổ sung và thông qua những điểm liên quan, sao cho phù hợp với tình hình của đất nước sẽ có nhiều đảng hoạt động trong tương lai. ÐCS Việt Nam cũng vẫn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước cho đến khi có một đảng nào đó tỏ ra xứng đáng hơn và giành được chiến thắng trong một cuộc Bầu cử tự do. Bằng cách này đất nước cũng sẽ tránh được những khoảng trống quyền lực của một cuộc khủng hoảng tiềm tàng. Mọi sự phát triển đều có tính kế thừa, tuần tự trong khuôn khổ pháp luật.
Tôi tin rằng nếu cuộc TCDY như vậy được diễn ra, nhất định thế giới tiến bộ sẽ nhiệt tình ủng hộ Việt Nam. Nhưng chúng ta chỉ cần bạn bè giúp đỡ về mặt kỹ thuật, vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Chẳng hạn như nước Úc hào hiệp đã từng tổ chức 45 lần TCDY từ ngày thành lập liên bang (1901) đến nay. Trong đó người dân Úc chỉ 8 lần bầu có và 37 lần bầu không cho những câu hỏi. Tất cả những việc còn lại, với một luồng dân khí mới, tôi tin rằng chúng sẽ được tiến hành tốt đẹp.
Một môi trường chính trị lành mạnh sẽ có một môi trường kinh tế - xã hội trong sạch, kể cả môi trường đầu tư. Lúc ấy nó mới có khả năng kết hợp được sức mạnh tổng hợp của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Ðưa đất nước ta cất cánh. Nó còn có tác dụng ngăn chặn và xử lý tốt những nhà đầu tư nào có mưu đồ làm bậy và mở đường cho các ngành khoa học xã hội, khoa học quản lý tiến lên.
Mặt khác nó còn có tác dụng đẩy nhanh tiến trình hòa giải và hòa hợp dân tộc. Muốn vậy, chỉ có cách là phải cải thiện thực sự chế độ chính trị hiện nay, thông qua những cách làm dân chủ mang tầm vóc toàn dân tộc.
Trên đây chỉ là một ý kiến phác thảo cho một cách làm. Nó chỉ có thể trở thành một phương án có tinh khả thi nếu được được đa số dân tộc ủng hộ. Tôi rất mong bạn đọc xa gần chia sẻ cùng tôi ý kiến này.
Tuy TCDY vẫn còn xa lạ với nhiều người Việt Nam, nhưng nó đã là một sinh hoạt chính trị quen thuộc trên thế giới hàng thế kỷ qua. Ngay ở miền Nam Việt Nam vào ngày 23/10/1955 dưới thời của thủ tướng Ngô Ðình Diệm cũng đã có một cuộc TCDY được tổ chức, nhằm lựa chọn giữa nền Quân chủ hay nền Cộng hòa. Kết quả sau đó là nền Ðệ Nhất Cộng Hòa của miền Nam đã ra đời, với việc truất phế ngôi Quốc trưởng của cựu hoàng Bảo Ðại và thủ tướng Ngô Ðình Diệm lên làm tổng thống. Ở đây tôi không có ý nhắc tới khiá cạnh chính trị của vấn đề, mà chỉ quan tâm đến mặt kỹ thuật của nó, (vì khía cạnh chính trị này rất nhạy cảm và dễ gây ra những tranh luận không cần thiết lúc này). Nếu ai đó có kinh nghiệm hoặc bất cứ kiến thức gì liên quan, xin hãy nhiệt tình đóng góp vì lợi ích chung của đất nước.
Có thể có những ý kiến xung quanh vấn đề này như sau:
a - Cơ sở kinh tế - xã hội của cuộc Trưng Cầu Dân Ý?
b -Nếu vẫn giữ nguyên bộ máy hiện có ở Việt Nam thì lấy gì để bảo đảm cho sự khách quan, vô tư?
c - Liệu ÐCS Việt Nam có chấp nhận hay không? v.v…
Tôi sẽ cố gắng giải đáp chúng ở mức độ cao nhất có thể và cũng mong quý độc giả cùng làm giàu thêm và chính xác hơn cho nó.
a - Cơ sở kinh tế - xã hội:
Như chúng ta biết thì nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay thực chất đã là nền kinh tế nhiều thành phần, tất cả đều đã được bảo đảm bằng luật pháp hiện hành. Như vậy tính đa nguyên trong xã hội đã có cơ sở vững chắc từ chính bản thân của nền kinh tế ấy. Từ đó xuất hiện những người cùng chung chí hướng, tư tưởng. Họ có nhu cầu tập hợp lại dưới một chính đảng có cùng tôn chỉ mục đích, được pháp luật công nhận. Nhu cầu ấy là hoàn toàn chính đáng. Nó cũng phù hợp với tinh thần của những bản tuyên ngôn, hiến chương, công ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam đã ký kết.
Ðó chính là cơ sở cho sự đa đảng, trong một xã hội đã có sự đa nguyên.
Sẽ thật là vô lý nếu như ở dưới thì cứ "chia ra", còn ở trên thì cứ "hội tụ" mãi như thực tế Việt Nam hôm qua và hôm nay được.
Cũng cần lưu ý là: vào giai đoạn đầu nếu có sự đa đảng thì tình hình có thể sẽ tương tự như ở các nước Ðông Âu, Liên Xô cũ 10 năm về trước. Tức là sẽ có nhiều đảng ra đời, nhưng cùng với sự sàng lọc của thời gian, con số này sẽ giảm xuống.
b - Sự bảo đảm cho tính khách quan, vô tư?
Cội nguồn của sự ưu tư này có nguyên nhân lịch sử của nó. Nhưng theo tôi có 3 cơ sở sau đây để tin tưởng:
- Thứ nhất là do tính đa dạng và phẩm chất tốt của các thành viên trong UBQG TCDY. Nó sẽ là một cơ sở tốt để tạo ra một cơ chế làm việc thực sự dân chủ, từ đó cũng sẽ có những cách thức để các thành viên trong ủy ban kiểm tra chéo công việc của nhau, vì lợi ích chung của quốc gia.
- Thứ hai là cuộc TCDY này chỉ bầu một nguyên tắc, chứ không bầu những con người cụ thể, như trong các cuộc bầu cử thông thường rất có thể sẽ bị nhiễu loạn thông tin mà quyết định sai đi. Tức là cử tri chỉ đi bầu CÓ hay KHÔNG cho một câu hỏi. Vì vậy nếu có ai đó muốn đánh tráo cái "nỏ" giả của cha con Triệu Ðà, Trọng Thủy lấy chiếc nỏ thật của thần Kim Quy cũng khó mà thực hiện được mưu đồ. Không ai lại tự đi làm nhiễu loạn chính mình cả. Nó cũng tương tự như hai cuộc TCDY năm 1999 vừa qua đã diễn ra trên thế giới:
Ở Úc với câu hỏi: nước Úc nên hay không nên trở thành một nước Cộng hòa?
Và ở Ðông Timor với câu hỏi: Ðông Timor chọn nền Ðộc lập hay tiếp tục phụ thuộc vào Indonesia? (Kết quả như chúng ta đã biết: nước Úc bầu KHÔNG cho nền cộng hòa và Ðông Timor bầu CÓ cho nền độc lập.).
- Thứ ba là vai trò kiểm soát và giám sát của nhân dân: Có thể ví rằng bao nhiêu người dân sẽ là bấy nhiêu những ngọn đèn đứng gác, sẵn sàng soi rọi vào những ý đồ đen tối nếu có nào đó.
c - Liệu ÐCS Việt Nam có chấp nhận hay không?
Nói chính xác hơn là liệu những người nắm thực quyền hiện nay trong ÐSC Việt Nam có chấp nhận hay không? Theo tôi đây chính là vấn đề nan giải nhất và cũng đoán rằng nó được nhiều người quan tâm nhất. Ðể trả lời câu hỏi này chúng ta cần trở lại với lịch sử: một điều có thể khẳng định rằng trong suốt 55 năm qua, kể từ ngày tuyên bố độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chưa có một lần nào CT Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo trong ÐCS Việt Nam sau ông, có ý định hỏi nhân dân Việt Nam xem liệu họ muốn hay không muốn đất nước đi theo con đường XHCN.
Ðã có những cột mốc lịch sử lớn để làm điều này, nhưng tất cả đều đã bị né tránh không làm. Ðó là: - Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Ðình - Hà Nội, trong toàn bộ nội dung của Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập là không hề có một câu nào về CNXH hay CNCS cả. Cũng không có một chữ nào về quyền lãnh đạo đất nước của ÐCS Việt Nam. Lời thề của hơn nửa triệu nhân dân Hà Nội và các vùng phụ cận, thay mặt cho nhân dân cả nước hô vang trong buổi chiều hôm ấy là lời thề ÐỘC LẬP! Nếu có một lần CT Hồ Chí Minh dừng lại hỏi nhân dân, thì đó là câu hỏi:"Tôi nói đồng bào nghe rõ không?" mà thôi, tuyệt đối không phải là một câu hỏi nào khác.
Có ý kiến cho rằng: nhưng hôm đó đồng bào cả nước đều đã đi mít tinh và nhiều người đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, là lá cờ của nước Việt Nam XHCN sau này đấy thôi. Ðiều đó chẳng đã chứng minh sự ủng hộ của nhân dân cho CNXH rồi là gì! Ðúng chuyện vẫy cờ là có thật. Nhưng đấy là lá cờ mà dân tộc lúc ấy coi nó có ý nghĩa như một biểu tượng cho nền độc lập quốc gia còn non trẻ, vừa mới giành lại được sau gần một trăm năm dưới ách nô lệ của Thực dân, Phát xít. Rằng: "Nước Việt Nam của người Việt Nam!", "Ðộc lập hay là chết!". Dân tộc đã ủng hộ lá cờ ấy, vào những khoảnh khắc lịch sử ấy là theo những ý nghĩa ấy mà thôi. Sau này dân tộc sẽ đi theo con đường nào thì những người lãnh đạo quốc gia phải hỏi ý kiến của họ!
- Những cột mốc quan trọng khác nữa như: tháng 10 năm 1954 có nhiều đồng bào miền Bắc đã đón chào Chính Phủ Kháng Chiến của CT Hồ Chí Minh, cùng đoàn quân chiến thắng trở về, sau chiến dịch Ðiện Biện Phủ. Nhưng trong những khẩu hiệu được giăng lên hoặc hô vang, cũng không có một câu chữ nào về CNXH hay CNCS cả. Dĩ nhiên lại càng không có một cái gì đó tương tự với đồng bào miền Nam vào những ngày tháng 3, tháng 4 năm 1975. Ai không tin điều này xin xem lại những thước phim tài liệu hiện còn lưu giữ ở trong nước hoặc đọc lại Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập năm xưa.
Khi còn sống CT Hồ Chí Minh cũng đã từng một lần ủng hộ cho cách làm này. Ðó là khi ông thay mặt cho Chính Phủ Liên Hiệp nước Việt Nam DCCH ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 với đại diện của Chính Phủ Pháp tại Hà Nội lúc ấy là tướng Xanh-tơ-ni (Jean Saiteny). Một điều khoản trong hiệp định đó đã xác định: Việt Nam chấp thuận nằm trong Liên Bang Ðông Dương thuộc khối Liên Hiệp Pháp, và Nam Bộ có trở về với Việt Nam hay không sẽ thông qua một cuộc trưng cầu dân yù. Trước ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 ông cũng nhắc lại điều này tại điểm 4 trong lời kêu gọi gửi Liên Hiệp Quốc, nhằm tố cáo phía Pháp vi phạm hiệp định trên. (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 4 - NXB chính trị quốc gia Hà Nội 1995, trang 467).
Ở đây tôi không có ý nhận xét gì về tư tưởng Hồ Chí Minh (nếu ông có). Tôi cũng luôn tôn trọng những người lương thiện vốn tôn kính hoặc thần tượng ông. Nhưng chỉ có ý kiến rằng: nếu ai đó vẫn quan niệm rằng "Thế giới còn biến đổi nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi" thì theo tôi, một trong những việc làm để họ tỏ lòng tôn kính ông chính là ủng hộ cho một cuộc TCDY như trên được diễn ra. Vì đây là một cách làm dân chủ, mà CT Hồ Chí Minh cũng đã muốn làm hơn nửa thế kỷ trước. Nhưng vì tấm lòng quá… yêu thuộc địa cũ lúc ấy của người Pháp nên đã không được thực hiện. Ngược lại, ai đó cứ "Giữ gìn và bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh" theo cách: cái gì có lợi cho mình thì đưa ra dùng, còn nếu bất lợi thì phớt lờ hoặc giấu nhẹm đi là rất thiếu tử tế với nhân dân. Ðồng thời, chính họ đã xúc phạm tới vong linh của CT Hồ Chí Minh.
Cũng lại có ý kiến cho rằng: nhưng sau đó các Nghị quyết đại hội Ðảng III năm 1960 và ÐH IV năm 1976, đều đã xác định rõ con đường đi lên CNXH. Rồi lại có những cuộc mít tinh ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân cho thành công của các đại hội trên là gì! Cũng đúng là có như vậy thật, nhưng đấy chắc gì đã là đa số và thực chất? Hơn nữa thử hỏi nhân dân còn có sự lựa chọn nào khác một khi mà chính quyền cách mạng đã được thiết lập, nền chuyên chính vô sản đã được củng cố với chức năng thứ nhất của nó là: bạo lực và trấn áp! Ðiều này đã được Lê Nin căn dặn rất kỹ lưỡng trong tác phẩm Nhà Nước Và Cách Mạng của ông. Mít tinh ủng hộ thì được, nhưng thử biểu tình phản đối xem điều gì sẽ xảy ra? Bất cứ người dân Việt Nam nào dù là thờ ơ với gông cùm, xiềng xích nhất cũng có thể trả lời được câu hỏi này. (Một điểm nữa để thấy rõ hơn: nếu so sánh mức độ cự tuyệt CNXH của đồng bào miền Nam, ta sẽ thấy là mạnh hơn nhiều so với đồng bào miền Bắc. Ðơn giản là vì tuy nền dân chủ ở miền Nam trước năm 1975, vẫn chưa phải là một nền dân chủ đích thực nhưng nó đã có mầm mống. Còn đồng bào miền Bắc sau năm 1954 là không có gì tốt hơn để so sánh, ngoài chế độ thực dân, nửa phong kiến trước tháng 8/1945 của những kiếp người dân nô lệ. Với cái đói kinh hoàng năm Ất Dậu.).
Vì vậy có thể nói rằng: Trong suốt 55 năm qua kể từ ngày 2.9.1945 đến nay, trước dân tộc, ÐCS Việt Nam vẫn luôn là tự xướng danh chứ không chính danh! Nếu muốn chính danh thì ÐCS Việt Nam cần phải thắng trong một cuộc Bầu cử tự do. Khi đất nước đã có những lực lượng chính trị khác ra tranh cử. Một cuộc TCDY như trên sẽ là bước khởi đầu quan trọng.
Tổng bí thư ÐCS Việt Nam Lê Khả Phiêu cũng đã có lần tuyên bố: "Sẽ bảo vệ sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, sẽ duy trì định hướng XHCN. Những người khuyên nên từ bỏ CNXH và vai trò lãnh đạo của ÐCS là sai lầm, vì đây là sự chọn lựa của nhân dân và của lịch sử ". Theo tôi ông sẽ đúng nếu như cuộc TCDY trên được diễn ra và đa số nhân dân từ chối có sự đa đảng ở Việt Nam.
Trường hợp xấu nhất nếu cuộc TCDY bị khước từ thì trước dân tộc ÐCS Việt Nam vẫn là không chính danh. Lúc ấy toàn bộ sự thật đã được bóc trần đến cực độ là: Những người nắm thực quyền trong ÐCS Việt Nam, do lo sợ thất bại trước một luật chơi hoàn toàn công bằng và dân chủ, nên đã khước từ nó vì duy nhất quyền lợi của bản thân và gia đình họ. Họ chỉ là số ít chứ không phải là số nhiều. Họ vừa tự cô lập mình, vừa bị nhân dân Việt Nam cùng các lực lượng dân chủ trên thế giới khép chặt vòng vây, để danh sách của họ ngày càng ngắn lại và lộ dần ra. Họ thực sự là những người đã và đang ra sức tìm mọi cách, dù là tuyệt vọng để ngáng đường dân tộc muốn đi. Họ không có cơ sở để tồn tại cả về lý luận và thực tiễn, trừ súng đạn. Họ là phi nghĩa. Họ không nên cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu nói của CT Hồ Chí Minh 40 năm về trước "Ðảng ta là đạo đứùc, là văn minh" nữa. Họ giống những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống ở chỗ là cùng bán nước. Chỉ khác là những kẻ kia thì bán trọn gói một lần. Còn họ thì tìm cách câu giờ, xé dần đất nước ra để bán lẻ và bán rẻ mà thôi!
Dĩ nhiên họ không phải là tất cả hơn 2 triệu đảng viên cộng sản, cũng không phải là toàn bộ 170 UVTW Ðảng hiện nay. Mà chỉ là một thiểu số bảo thủ nắm thực quyền cùng những kẻ bấu xấu, lươn lẹo, ăn theo, nói leo. (số này không hẳn đã là ÐVCS, tình hình đất nước cùng những vụ án lớn vừa qua đã chứng minh rõ điều này.). Họ cần phải bị vạch mặt, chỉ tên, cần những người có lương tri hoặc công khai tố cáo, hoặc âm thầm sao chụp, lưu giữ những hồ sơ tội ác mà họ đã, đang hoặc sẽ làm. Ðể trong tương lai đưa ra xét xử công khai, đúng pháp luật như các nước Ðức thống nhất, Chi lê, Nam Hàn, Philippines, Indonesia,... đã và đang làm. Dù họ là ai, tuổi tác thế nào, từng nắm chức vụ gì đi chăng nữa.
Và cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam mới của toàn dân, trong đó có rất nhiều những đảng viên cộng sản chân chính sẽ vẫn còn tiếp diễn cho đến khi nào đạt được thắng lợi cuối cùng mới thôi. Một trong những khẩu hiệu đấu tranh trong giai đoạn mới có thể sẽ xuất hiện là:
"Nhân dân Việt Nam cần một nền dân chủ thật sự.
Nhân dân Việt Nam không cần thứ dân chủ một triệu lần bịp bợm".
Với sự kiên trì, lòng quyết tâm của khối đoàn kết toàn dân, được sự ủng hộ quốc tế, lại có chính nghĩa và phương pháp đúng đắn. Chắc chắn cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ cho Việt Nam sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn, trừ khi:
Nếu mọi người tốt đều lặng im
Giữ nguyên bàn tay sạch
(thơ Lưu Quang Vũ)
Nhưng tôi tin rằng điều đó sẽ không xảy ra, bởi vì cái tốt nhất định cuối cùng phải thắng cái xấu, cái thiện phải thắng cái ác, chính nghĩa phải thắng phi nghĩa và trí nhân phải thay cho cường bạo. Lịch sử dân tộc Việt Nam ta và thời đại ngày nay đã chứng minh rất rõ những điều đó. Và cũng bởi vì: "Chỉ có súc vật mới thờ ơ với những nỗi đau của đồng loại để chăm sóc cho bộ da của mình!". (lời của Mác)
5 - Vấn đề đoàn kết dân tộc - những niềm tin tưởng.
Trong những phần trên thỉnh thoảng tôi cũng chen vào đâu đó một vài điểm tạm gọi là có tính cười cũng không ngoài mục đích muốn làm rõ hơn những nội dung mà mình cần trình bày và cũng để cho bạn đọc khỏi buồn ngủ! Thực tế khi đi tìm tài liệu cũng như khi ngồi viết bài này, đã hơn một lần dù cố gắng tự kiềm chế nhưng tự nhiên mắt mũi tôi cứ cay cay. Những lúc ấy nếu là đang viết tôi phải dừng lại để cho cơn xúc động qua đi.
Ðúng! Số phận đau thương của dân tộc ta trong hơn nửa thế kỷ qua không có gì đáng vui để mà cười cả. Nỗi đau ấy vẫn đeo đẳng dân tộc đến tận hôm nay dứt mãi chưa ra. Nếu như trước kia là những nỗi đau của sự mất mát, chia ly thời chiến tranh, thì nay là những áp bức và bất công, đói nghèo và tủi nhục của thời hoà bình. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng có cơ sở rằng một ngày không xa nhất định mùa đông và mây mù sẽ tan trên quê hương Việt Nam. Cơ sở của lòng tin ấy là: tình tự dân tộc và tính nhân bản của con người Việt Nam sẽ dần được phục hồi và chiến thắng tất cả.
Nó sẽ vượt lên trên mọi cái ác, nó lấp bằng mọi hố sâu ngăn cách của quá khứ chính trị, hoàn cảnh xuất thân, sự giàu - nghèo, tôn giáo, sắc tộc, trình độ, tuổi tác, vùng, miền… để đoàn kết muôn triệu người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước thành một khối vững bền. Nó băng qua mọi khó khăn, thử thách để tiến lên giành thắng lợi bằng con đuờng dân chủ, nhằm xây dựng một nước Việt Nam mới với các mục tiêu: Hoà bình và độc lập, dân chủ và tự do, dân giàu và nước mạnh, công bằng và văn minh, đoàn kết, hữu nghị và tiến bộ xã hội.
Chỉ có khi ấy dân tộc Việt Nam mới có thể ngẩng cao đầu để làm bạn với tất cả mọi người. Chỉ có khi ấy những nụ cười trong niềm vui đoàn viên toàn dân tộc mới thật sự đến. Và cũng để cho những con người Việt Nam đang yêu có thể yêu như những lời tâm sự của chàng RốtSin với nàng Cachia: "Rồi năm tháng sẽ trôi đi, những cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, chỉ còn lại tấm lòng em dịu dàng, nhẫn nại và tràn đầy tình yêu thương là mãi mãi không phôi pha." (trích trong bộ tiểu thuyết Con Ðường Ðau Khổ của văn hào Nga A.Tolstoi.).
Chúng ta đã thấy tình dân tộc được thể hiện thật cảm động trong cơn bão lụt cuối năm 1999 vừa qua. Ðó là tinh thần "lá lành đùm lá rách", cả nước hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt, giúp nhau trong cơn nguy khó. Trong đó có những trường hợp phải nói chính xác hơn là "lá rách đùm lá tả tơi" mới đúng. Ðặc biệt hơn chúng ta thấy có những đoàn cứu trợ của đồng bào ta từ nước ngoài về đã đến với các nạn nhân thuộc tỉnh Quảng Bình. (những người trong thời kỳ chiến tranh đã sống ở bờ Bắc của con sông Bến Hải, với cây cầu Hiền Lương lịch sử chia đôi đất nước). Mặc dù rất nhiều người trong số họ đã từng là nạn nhân đau khổ của chế độ cộng sản.
Chúng ta cũng thấy đại tá QÐND Việt Nam Phạm Quế Dương cùng một số người khác, đã cố gắng tìm được hài cốt của trung tá Phạm Phú Quốc - phi công thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hoà, sau hơn 30 năm máy bay của ông bị rơi trên bầu trời Hà Tĩnh. Và cả những tấm lòng nhân hậu của các má, các chị ở Sài Gòn, đã tự động đứng ra tổ chức những bữa ăn phát không cho bệnh nhân nghèo đang nằm viện. Các chị hiện công tác tại trại tạm giam Hà Nội lại phải đảm nhận thêm việc chăm sóc các cháu bé là con của những phạm nhân nữ, do nhiều hoàn cảnh éo le khác nhau cũng phải vào tù ở với mẹ. Ngoài ra còn rất nhiều những tấm gương khác nữa mà trong một bài viết không thể liệt kê ra hết được.
Có lần tôi được nghe một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh SBS của Úc - chương trình Việt ngữ giữa một phóng viên với nhạc sỹ Nguyễn Ðình Toàn hiện đang định cư tại Mỹ: sau năm 1975 cũng như hàng trăm ngàn công chức, sỹ quan khác của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông phải đi học tập cải tạo và mới rời nước vài năm gần đây, nhưng nay thì ông tâm sự rằng ông buồn và muốn về lại quê hương, khi được hỏi là về để làm gì? Thì ông trả lời rằng về để... chết, nhưng chết bây giờ là có thủ phạm chứ không còn âm thầm, uất ức như trước nữa! ("Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên, như dòng sông nước cuộn quanh buồn, như người đi cách mặt xa lòng, ta nhủ thầøm em có nhớù không? Sài Gòn ơi! Ðâu những ngày khi thành phố xôn xao, trong niềm vui tiếng hỏi câu chào, sáng đời tươi thắm vạn sắc mầu, nay còn gì đâu…" - Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên - nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn ).
Không! Ðất nước và dân tộc vẫn còn đó, Sài gòn cũng vẫn còn đó.
Chỉ có ai tự đánh mất mình rồi đánh mất Sài gòn, mất đất nước và dân tộc mà thôi. Những người có tấm lòng với quê hương như ông lại càng cần cho đất nước và dân tộc hôm nay. Nhất định một ngày hội lớn của dân tộc sẽ mở ra. Ðể trong ngày vui chung ấy, 80 triệu người Việt Nam sẽ cùng nắm tay nhau mà nghẹn ngào trong niềm vui ban đầu của sự hòa giải và hòa hợp dân tộc. Vì ai cũng cảm thấy tự hào rằng trong chiến công chung ấy đều có phần đóng góp của riêng mình.
Một luồng dân khí mới sẽ đến với mọi người Việt Nam. Hàng triệu đồng bào ta từ các nước Ðông, Tây, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Úc, New zealand, Liên Xô cũ,... sẽ cùng trở về trong ngày hội non sông ấy, để cùng với đồng bào ruột thịt của mình ở trong nước hát vang những bài hát hào hùng đã từng có tác dụng đoàn kết muôn triệu người Việt Nam năm nào. Ðó là Quốc Dân Hành Khúc với tên ban đầu là Tiếng Gọi Sinh Viên của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước:
Nào dân Việt Nam, tiến lên đến ngày giải phóng!
Ðồng lòng cùng đi! đi! đi sá gì thân sống
Nhìn non sông nát tan, thì nung tâm chí cao
Nhìn muôn dân khóc than, hờn sôi trong máu đào …
Và của Tiến Quân Ca với nhạc sỹ Văn Cao:
… Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
Tiến mau ra xa trường
Tiến lên! cùng tiến lên!
Nước non Việt Nam ta vững bền!
Dù sau đó trong cuộc sống đời thường anh hát: Biển mặn, Rừng lá thấp, Người ở lại Charlie, Hát cho một người nằm xuống, Áo lụa Hà Ðông, Ngày tạm biệt, Bây giờ tháng mấy, Nỗi lòng người đi, Thương về miền Trung, Diễm xưa, Ướt mi, Ðêm nhớ về Sài Gòn, Sài Gòn niềm nhớ không tên, v.v … còn tôi hát: Hà Nội niềm tin và hy vọng,Trường Sơn Ðông -Trường Sơn Tây, Việt Nam trên đường chúng ta đi,Tiếng chày trên sóc Bom bo, Những ánh sao đêm, Tình ca, Xuân chiến khu, Vàm cỏ đông, Chào em cô gái Lam hồng, Trước ngày hội bắn, Tình đất đỏ miền Ðông, Mặt trời bé con, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, v.v… thì tất cả cũng đều tốt. Vì mỗi người đều có những sở thích và kỷ niệm vui buồn riêng của mình. "Quốc - Cộng" … đề huề! Nhưng phải là có điều kiện khi mà những luật chơi công bằng đã được thực hiện. Nếu như số phận đã nghiệt ngã với dân tộc ta hôm qua, thì hôm nay bằng những lá phiếu của mình dân tộc ấy đã có điều kiện bước đầu để "cải số" cho mình. Ðây là một cơ hội lớn để cả dân tộc có thể tránh được việc phải cùng nhau đi "tìm lá diêu bông", "uống xuyên tâm liên", v.v... nhưng ít ai dám khóc lớn, mà chỉ dám khóc thầm.
Bạn bè thế giới cũng sẽ đến chung vui cùng chúng ta, họ sẽ thật sự khâm phục chiến công này của dân tộc ta, hơn bất cứ một chiến công dân chủ nào mà dân tộc ấy đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Nó chứng tỏ rằng dân tộc Việt Nam đã đủ trưởng thành cả về trình độ dân chủ và dân trí. Nó sẽ kết hợp với luồng dân khí mới để cùng bắt tay vào xây dựng một đất nước Việt Nam mới, từ điểm xuất phát là diễn biến hòa bình, chứ không phải diễn biến chiến tranh hoặc bạo loạn. Một dân tộc thông minh phải là một dân tộc như vậy. Và cũng bởi vì sau những đau thương mất mát quá lớn lao, có lẽ không có người Việt Nam nào lại muốn đất nước mình tiếp tục rơi vào khủng hoảng, hỗn loạn thêm một lần nữa, để rồi:
10 phần chết 7 còn 3
Chết 2 còn 1 mà vẫn... chưa ra thái bình!
Nếu những ai còn có ý định cổ vũ cho bạo lực họ chính là tội phạm của dân tộc, dù ho có bao biện bởi bất cứ lý do nào đi chăng nữa. Thế giới văn minh, luật pháp quốc tế cũng đã từ lâu chống lại điều này.
Tôi đã cố gắng trình bày hết cả 5 phần được nêu ra từ đầu của bài viết này. Tôi viết nó một mình chứ không hề "câu kết với các thế lực thù địch" nào. Tôi không phải là một người cầm bút chuyên nghiệp nên viết rất vất vả. Tôi có công việc chuyên môn của mình và tôi yêu thích nó. Giả sử sau này có phải xa nó thì tôi cũng sẵn sàng làm bất cứ công việc nào khác, miễn là lương thiện để sinh sống. Tôi cũng có may mắn hơn nhiều người Việt Nam khác, vì không phải là nạn nhân của chế độ nào.
Xong như ông bà ta thường nói: "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", nếu tôi là một thợ cầy, thợ cấy, thợ lò, thợ mỏ. Một sinh viên, một người lính, một cảnh sát hay một người đã nghỉ hưu bình thường mà để cho quốc gia của mình suy vong như hiện nay thì tôi đã rất đáng trách. Nhưng nếu anh lại tự cho mình là thuộc "tầng lớp sỹ phu" Việt Nam mà cứ im lặng mãi. Hoặc tệ hại hơn là lợi dụng tình trạng lôm nhôm, nhuộm nhạo lúc này để "Ngư ông thủ lợi" thì anh còn đáng trách hơn tôi nhiều lần. (không phân biệt " sỹ phu " trong hay ngoài nước). Bởi vì hễ anh/chị càng có nhiều tri thức bao nhiêu, lại càng có "năng lực tiềm tàng" để "hút" vào mật ngọt và "nhả" ra mật đắng cho đời bấy nhiêu. Nếu tất cả đều im lặng là đồng lõa với tội ác, là nuôi dưỡng sự áp bức như ý tưởng của cố tổng thống Pháp Phơ-răng-xoa Mít-tơ-răng (Francois Mitterrand), và lúc ấy thì:
Ai là người dọn đi bùn rác
Ai là người gieo hạt
Cho ban mai tươi lành?
(thơ Lưu Quang Vũ)
Xin cảm ơn quý vị độc giả xa gần đã đọc bài viết này. Tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý vị và các bạn trên các phương tiện thông tin đại chúng về cả 5 phần, nhất là phần 4 với ý kiến về cuộc TCDY. Dù những ý kiến là đồng tình hay không đồng tình đối với tôi cũng rất đáng quý, miễn là chúng ta đến với nhau vì đều cùng có tâm và có tấm lòng yêu đất nước Việt Nam. Tôi hy vọng bài viết này đến được với càng nhiều độc giả càng tốt và cũng sẽ cố gắng gửi nó đến các nhà lãnh đạo trong nước hiện nay, với tư cách là một công dân Việt Nam.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn quý vị độc giả và hẹn gặp lại trong những bài viết tới. Xin cảm ơn các chiến sỹ dân chủ Việt Nam và quốc tế. Cảm ơn nhân dân Thọ Ðà - Hà Nội, Xuân Lộc - Ðồng Nai, Quỳnh Phụ - Thái Bình, Sa Ðéc - Ðồng Tháp và nhiều nơi khác trên khắp đất nước đã tiếp thêm cho tôi kiến thức về dân chủ và lòng tự tin. Xin cảm ơn đất nước Australia thanh bình và tươi đẹp đã cho tôi một môi trường đầy đủ thông tin để hoàn thành bài viết này.
Văn hào Nga Boris Pasternak - tác giả cuốn tiểu thuyết Bác Sỹ Zhivago nổi tiếng đã viết: "Cánh rừng, bãi cỏ của mùa đông nước Nga không ai trông thấy cỏ mọc, nhưng một buổi sáng đầu xuân nhìn ra tất cả đã xanh rờn". Những mầm sống cho cái buổi sáng đầu xuân ấy đã, đang và sẽ tiếp tục sinh sôi trên đất nước Việt Nam quê hương tôi. Ðó là quy luật không gì có thể cưỡng lại được!
Phương Nam - Australia.
Tháng 6 năm 2000.
______________
° Khi tôi đang chuẩn bị gửi bài này đi thì được biết một tin do các báo, đài Việt ngữ tại Úc loan tải: 5 nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng trong nước là các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Trần Dũng Tiến đã cùng ký vào một bức thư đề ngày 19/5/2000 gửi tới các đại biểu Quốc Hội khoá X kỳ 7 để báo động khẩn cấp: "Tiến sĩ Hà Sỹ Phu (tên thật là Nguyễn Xuân Tụ) ngụ tại số 4E Bùi Thị Xuân, phường 2, thành phố Ðà Lạt - Lâm Ðồng vừa bị khởi tố hình sự một cách phi lý và hoàn toàn vô căn cứ, bất chấp các quy định của luật pháp và hiến pháp". Theo bức thư trên thì anh bị ghép vào tội danh "phản bội tổ quốc" mà theo bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam có thể bị kết án từ 7 năm tù đến tử hình.
Anh sinh tại Bắc Ninh năm 1940, tốt nghiệp phó tiến sĩ sinh học tại Viện Hàn Lâm Khoa Học Tiệp Khắc, về nước công tác tại Viện Khoa Học Việt Nam - phân viện Ðà Lạt, nay đã nghỉ hưu. Anh là người đã có những bài viết rất sâu sắc và khách quan về Ý thức hệ cộng sản, cùng hiện tình đất nước như: "Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ" - 1988, "Biện chứng và ngụy biện trong công cuộc đổi mới" - 1989, "Ðôi điều suy nghĩ của một công dân" - 1993 và bài "Chia tay ý thức hệ" - 1995. Trong số đó có những câu: "Không phải như những nguời cộng sản thường nói rằng chủ nghĩa luôn luôn đúng, chỉ có con người thi hành sai, mà ý thức hệ cộng sản sai từ căn bản. Phải từ bỏ ý thức hệ đó thì mới xây dựng được đất nước." và:
"Ý thức hệ Mác-xít là một ý thức hệ phong kiến trá hình của triều đại phong kiến cuối cùng, đang kìm hãm sự tiến bộ xã hội và được dùng làm bình phong cho những yếu tố tiêu cực ẩn nấp, … nếu giật bỏ được thì cả cõi Việt Nam này bừng sáng, vì chỉ từ đó mọi việc mới có thể bắt đầu một cách trong sáng, mọi sự vật mới mang ý nghĩa thật của nó.".
Tổ chức quốc tế chuyên đấu tranh cho nhân quyền trên thế giới (Human Right Watch) cũng phát đi từ New York một bản tuyên bố ngày 31/5/2000, trong đó có đoạn ghi rõ: "Ðó là sự vi phạm luật quốc tế và vi phạm hiến pháp Việt Nam". Ðồng thời bản tuyên bố kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy ngưng ngay sự đàn áp này. Nếu như không tìm thấy chứng cứ gì về việc phạm tội hình sự, mà chỉ tìm thấy những chứng cứ về sự bày tỏ quan điểm chính trị riêng một cách ôn hoà của công dân. Nhiều tổ chức, nhiều nhà chính trị, khoa học trên thế giới cũng đã lên tiếng phản đối sự đàn áp này.
Cùng bị truy tố trong đợt này còn có nhà báo Mai Thái Lĩnh, vì công an tìm thấy trong nhà anh ở Ðà Lạt bản thảo "Kết ước năm 2000", có nội dung như một bản tuyên ngôn chung đòi dân chủ cho Việt Nam và tình nghi đây là công trình tập thể, trong đó có liên quan đến nhóm trí thức Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh, v.v… Như là một hành động thiết thực góp phần bảo vệ các anh, tôi xin được ghi tên mình vào Bản lên tiếng bảo vệ Hà Sỹ Phu. Tôi nghĩ rằng bảo vệ Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh và các chiến sĩ dân chủ trong nước hiện nay, kể cả đã có danh hoặc bình thường chưa có danh, cũng là bảo vệ cho nền dân chủ Việt Nam. Và đó là trách nhiệm chung của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước hôm nay.