Từ ngày Dung sang ở nhà bà Năm, con chó trắng vẫn nhớ cô. Nó chui hàng rào qua thăm cô luôn. Gặp Dung nó vẫy đuôi mừng tíu tít. Dung lại vuốt ve tấm lưng bằng chang của nó. Ôm nó vào lòng, Dung trò chuyện:Kina ơi, tao không phải là chủ của mày nữa rồi. Mày sang đây làm gì. Về đi!Con chó không hiểu, nó vẫy đuôi, cúp tai làm lành. Dung cười khanh khách, ôm nó vào lòng, vỗ về:- Nói vậy chớ Kina vẫn thương chị. Chị vẫn là chủ của em, phải không?!Con chó được cưng đứng im, mắt lim dim. Nhưng Dung chỉ chơi với Kina có vài phút. Em còn có công việc của mình. Từ ngày sang đây công việc của em có khác trước. Sáng dậy, Dung lau nhà, rửa ly tách, quét dọn sân vườn rồi xếp hột gà vào tụng bàng, đi đổi cám. Công việc giống in bên nhà bà Ba nhưng bây giờ vất vả hơn vì nhà bà Năm có rất nhiều gà, nhiều heo. Hai tụng bàng cám lớn, em chỉ cho gà ăn một ngày đã hết. Thức ăn của heo Dung không phải đi mua bởi nhà bà Năm xin được bên nhà máy của công ty lương thực tỉnh. Có lần bà xin cả một xe tải gạo loại phế phẩm. Heo tha hồ ăn, sướng chán. Từ ngày có Dung, bà không phải dùng xe hơi đi đổi cám nữa. Thay vào đó, Dung đi bộ và đổi lấy.Giữa Dung và bé Hiền bây giờ cũng có khác. Sáng dậy, Thu Hiền được má đưa đi rửa mặt và có ngay dĩa bánh. Tệ nhứt cũng có bánh mì kẹp thịt. Dung cũng biết ý tứ, sáng sớm rửa mặt xong, em ra vườn quét dọn, cốt để má Thu Hiền khỏi ngượng vì không cho Dung ăn. Nhiều bữa, Thu Hiền chạy ra vườn dúi vào tay Dung nửa cái bánh, khẩu phần nó dành cho Dung. Nhưng Dung sợ, không dám ăn. Tuy hai đứa không phải chơi cầu qua hàng rào như trước nhưng ở bên này Dung ít có thời gian để chơi hơn. Dù Dung đã làm hết việc nhưng hễ thấy Dung cầm vợt là bà Năm sa sầm mặt mày và cố tìm một việc gì đó để sai Dung làm. Đến bữa cơm, Hiền ăn cùng ba má. Ông bà Năm ăn một mâm riêng. Dung ăn với chú Thu, chú Thắng, chú Hải và chị Tư đầu bếp ở dưới nhà ngang. Thu Hiền dùng những món ăn mà Dung thấy cũng đủ thèm. Vẫn mặc cảm mình là đứa ở nên không bao giờ Dung so sánh với bạn cả. Dung được chú Thu giúp đỡ nhiều nhất. Một bữa em đang xách nước tắm cho đàn heo thì Thu đến. Chú nói:- Thôi bé để chú tắm cho. Xách như vầy cực lắm.Nói rồi Thu đến góc nhà kéo cầu dao điện. Chiếc máy bơm bật kêu ro ro. Nước từ dưới giếng sâu được hút lên qua ống cao su chảy tung tóe. Thu cầm ống cao su kéo lại chuồng heo. Anh bịt nhỏ ống cao su lại, nước phun ra thật mạnh, mấy con heo đứng im, ngúc ngoắc đuôi tỏ vẻ khoái chí.Thu ở cùng huyện với Dung, và biết Dung từ lâu. Ngược lại, em không biết Thu. Người lớn thường biết trẻ con - ngày đó Dung nghĩ như vậy. Thu gọi ông bà Năm bằng cậu mợ. Nhà nghèo nên Thu phải đi ở mướn cho cậu mợ.Một bữa, gà đẻ nhiều quá, có lẽ do được ăn theo chế độ mới, nhiều trứng quá. Dung phải xếp đầy vào bốn giỏ. Làm sao đưa hết số hột gà này ra tiệm? Mọi bữa hai giỏ em xách vừa hai tay nặng nhưng em ráng được. Bữa nay có ráng cũng không nổi. Từ nhà đến tiệm hơn hai cây số. Cả đi lẫn về bốn lần mất đứt buổi sáng. Còn thời gian đâu để cho gà, vịt ăn. Còn quét dọn chuồng trại, nhà cửa nữa. Nếu không làm hết những việc như thế, bà Năm sẽ la mắng.Thu hiểu Dung đang lúng túng. Anh dắt xe đạp ra nói:- Dung lên xe, chú chở cho.Dung ngạc nhiên quay lại. Thu đã ngồi trên xe đạp. Dung xách hai giỏ nặng ngồi sau ba ga. Chiếc xe từ từ chạy có hơi loạng choạng, tay Dung mỏi rã rời. Thà đi bộ còn dễ xách hơn. Được một quãng Dung phải kêu mỏi. Thu dừng xe cho Dung xuống. Hai người vừa thở vừa cười. Dung lấm tấm mồ hôi trán, Thu ướt đẫm lưng. Cứ phải vừa đi vừa nghỉ mấy chặng như thế họ mới tới nơi. Trở về với bao cám nhẹ hơn, gọn hơn, Thu đạp vù vù, gió mát làm bay bay lọn tóc Dung. Em hết ra mồ hôi nhưng lưng áo Thu vẫn ướt đẫm. Vừa đạp Thu vừa trò chuyện:- Dung nên tập đi xe đạp. - Cháu cũng thích đi xe đạp, nhưng đi làm sao - Dung đáp.- Chiều nay chú tập cho. - Thật hen chú Thu. - Thiệt. Buổi chiều hai chú cháu mang xe ra ngoài lộ. Thu ngồi sau ba ga còn Dung ngồi trên yên cầm lái. Làm như Dung chở được chú Thu vậy. Lúc xe loạng choạng sắp té, Thu nắm lấy tay lái, xe trở lại thăng bằng. Dung biết, cuộc đời của mình rồi sẽ phải có chú Thu. Lúc Dung gặp khó khăn, chỉ cần chú Thu giơ tay ra là Dung vượt được khó khăn. Chú sẽ cần cho Dung như lúc này, chú đang ngồi sau lưng Dung vậy.Sau này đã thành quen, có dịp, Thu đến giúp Dung, chở Dung đi giao hột cho tiệm. Một chuyện không hay xảy ra cho hai chú cháu. Buổi sáng, như thường lệ, Thu chở Dung đi giao hột, Dung ngồi sau xe, hai tay xách tụng bàng, mỏi rã rời. Em định để một giỏ lên đùi cho đỡ mỏi. Không ngờ tay lái của Thu loạng choạng. Đúng lúc đó một chiếc xích lô vừa đổ khách quay ra ngược chiều đụng vào xe của Thu đánh rầm. Dung ngồi sau xe, hai tay không vịn vào đâu được nên té lộn nhào. Hai tụng bàng đầy hột gà lăn lóc, bể tứ tung. Thu hốt hoảng bỏ xe đỡ Dung dậy. Chân tay Dung bị xây xát, rớm máu. Thu xé khăn mùi soa buộc vết thương cho Dung. Những người đi đường xúm lại giúp hai chú cháu nhặt hột. Hai tụng bàng đầy hột bể gần hết.Thấy hai chú cháu thất thểu quay về với hai tụng bàng hột bể nát, bà Năm chửi ngay:- Làm ăn như vậy à! Mất đứt mấy chục ngàn đồng. Tao bảo mày đi bộ sao cứ đòi leo lên xe.Dung sợ xanh mặt, đứng nép vào tường. Bà Năm chồm tới. Sẵn cái thước trên tay, bà quất túi bụi vào người Dung. Đau quá, Dung khóc thét lên. Cái thước dài, vuông cạnh được bà Năm quất thẳng cánh làm Dung quằn quại. Thu không tài nào chịu thấu. Anh xông vào nắm cánh tay bà, giằng cây thước. Bà Năm run lên, mặt đỏ, rồi tái mét, thở hổn hển, thét:- A! Thằng này hỗn láo…Thả tay ra. Bà sẽ trị tội lũ chúng mày. Nhà này không chứa quân ăn hại!…Thu gằn từng tiếng:- Lỗi do tôi! Mợ không có quyền đánh trẻ con. Nó nhỏ biết gì!- Không biết gì rồi phá hại hở!- Mợ tính đi. Hết bao nhiêu tiền tôi đền cho mợ!Thu đã đánh trúng tim đen bà Năm. Bà ném cái thước vào góc nhà nói:- Ai đền cũng được. Miễn đủ tiền cho tôiKhông nói thêm với bà Năm câu nào, Thu quay lại với Dung đang ngồi trên nền đất khóc tức tưởi. Người Dung hằn những vệt tím bầm tứa máu. Thu nghiến răng, dìu Dung vào nhà. Mọi người trong nhà sợ, không ai dám ban phát dù là ánh mắt thiện cảm cho Dung. Chợt Dung hỏi:- Má chú ở nhà trông tiền gửi về của chú…Chú đền cho bà chủ, má chú sống bằng gì?Thu thấy cay cay sống mũi. Nén nghẹn ngào, anh nói với Dung:- Chú tính toán được. Cháu đừng lo. Còn nhỏ mà lo xa như vậy là chậm lớn đó…
° °
°Về nhà ông Năm hơn một tháng Dung mới biết mặt anh út Trung, con trai bà chủ. Anh đi học tận Sài Gòn, trong một trường dành riêng cho con em cán bộ. Trông anh ngơ ngác, quần áo rách rưới, khuôn mặt hốc hác như người nghiện xì ke. Anh ngồi lì một chỗ, lúc khóc, lúc cười, như bị ma ám. Ông Năm nói với vợ:- Dám nó bị bệnh thần kinh.Bà Năm nói:- Nó lêu lổng, không chịu học hành gì nên bị lưu ban, thành ra dở điên dở dại như vậy.Ông Năm giật mình:- Nó bị đúp hả?- Ừ, tôi nghe bạn nó nói.Ông Năm khoát tay:- Kêu nó vô đây.Bà Năm ra kêu Út, song Trung cứ đứng ngoài vườn cười nhăn nhở. Ông Năm ra, thấy vậy, đâm hoảng:- Hay nó điên thật, bà?- Nó không điên, nó chỉ muốn thôi học.Ông Năm nín thinh, ông chưa biết phải làm sao với đứa con dở khôn dở dại.Người nhà ông Năm mời thầy bói đến. Ông ta cúng, vái một hồi, xem quẻ đoạn phán: “Út bị ma, phải gửi hồn anh ta vào chùa cúng một thời gian mới hết." Bà Năm bảo: "Thôi! Tốn tiền, khỏi cúng!"Út điên một thời gian rồi khỏi bệnh. Út thôi học và ở nhà chơi bời lêu lổng. Ông Năm bận rất nhiều việc, lại vắng nhà luôn nên Trung càng được tự do. Sẵn tiền cha mẹ, anh mua máy điện thoại bỏ túi, loại không dây. Nhờ uy tín của cha, anh đăng ký tần số bên công an và bưu điện dễ dàng. Lúc cần, Út lôi máy từ trong túi ra, kéo cao cần ăng ten gọi bạn. Út mua Camera, hàng ngày quay đủ cảnh, đủ chuyện mà anh ưa thích. Về nhà Út gắn băng ghi hình vào đầu máy, nằm khểnh coi lại phim của mình. Dung biết thêm về anh Hai Được. Hồi kháng chiến, anh được gửi ra miền Bắc học tập. Đang dở cấp hai thì đất nước hết chiến tranh. Anh trở về, học tiếp ở trường bổ túc văn hóa của tỉnh. Một bữa, thầy giáo kêu lên bảng, anh không thuộc bài, bị thầy la, anh túm cổ áo thầy làm thầy và cả lớp sợ xanh mắt. May thầy ốm yếu, nên anh không nỡ cho "một chưởng". Sau bữa đó anh nghỉ học luôn. Anh vô bộ đội làm đến cấp úy. Tỉnh đội báo cho ông Năm biết ý định cho anh đi học trường Sĩ quan lục quân, hệ trung cấp. Ông Năm mừng lắm. Ai dè Hai Được xin chuyển ngành về xuất nhập khẩu. Hai cha con đụng nhau ở đó. Không thuyết phục được con, ông Năm lớn tiếng:- Học hành thì thằng nào cũng dốt. Thằng nào cũng bỏ học nửa chừng. Hừm! Tính chuyển sang xuất nhập khẩu đặng theo mấy thằng tiêu cực ăn hối lộ hả?Hai Được cãi:- Con ở bộ đội, lương thiếu úy không bằng bữa nhậu của tụi nó. Ông Năm đập bàn:- Không lôi thôi gì hết. Mày phải đi học. Tao biết chỉ có kỷ luật quân đội mới kềm được mày… Cha mày mở mày mở mặt cho tụi bây cũng nhờ quân đội. Tụi bây không được phủ nhận quá khứ.- Thời của ba qua rồi… chính ba cũng chưa học hết lớp hai… Bây giờ không còn chuyện sống lâu lên lão làng…Bị chạm nọc, ông Năm lặng đi một lát, giọng chùng xuống:- Nếu hồi trước có học thì giờ ba ở cương vị lớn hơn rồi. Nhưng lúc đó học đến tú tài phải ra tận Hà Nội. Phải là con nhà giàu có mới có khả năng ăn học. Nhưng nếu ba mà đi học, lấy ai lãnh đạo cách mạng ở địa phương. Bây giờ có điều kiện con đừng bỏ học.- Con dứt khoát rồi!Ông Năm lại sừng sộ:- Mày không nghe… Tao cúp hết. Thử xem mày xoay xở thế nào!- Con không cần. Để ba xem, con làm nhà lầu ngay lập tức!Tiếng bà Năm xeo xéo:- Hai cha con cứ như gây lộn. Hễ nói với nhau là lớn tiếng.Dù ông Năm không cho phép, Hai Được vẫn chuyển ngành. Anh nhờ thế của cha nên xin được vô làm trong ngành xuất nhập khẩu. Anh được cất nhắc ở vị trí quan trọng. Sau mấy tháng, như để chứng minh cho lời nói của mình, anh mua đất, cất nhà thật. Ngôi nhà của anh vào loại đẹp nhất nhì trong thị xã. Vợ chồng anh Hai ra ở riêng. Hôm ăn tân gia, ông Năm nhất định không đến.Người con trai thứ ba của ông Năm Thọ tên là Tôn. Anh làm thủ kho cho công ty lương thực. Ba Tôn quen Nguyệt cũng tại công ty. Nguyệt làm kế toán. Bây giờ chị nghỉ ở nhà nội trợ. Tiếng là như vậy nhưng mọi chuyện trong nhà đã có mọi người lo. Ngoài thời gian chăm sóc Thu Hiền ra, Nguyệt chỉ còn việc soi kiếng, sửa soạn sắc đẹp, để tối bắt Tôn chở đi xem xi nê, xem cải lương. Nguyệt thích ngao du. Tôn không muốn cho vợ đi đâu vì Nguyệt không đẹp. Ba Tôn tính quen Nguyệt qua đường, nhưng không may cô ta có bầu. Cô định “bắt giò” Ba Tôn để được làm dâu nhà ông chủ tịch tỉnh. Tôn hết sức năn nỉ, Nguyệt vẫn không chịu phá thai. Đến tháng thứ ba, bụng bầu đã lu lu, buộc lòng Ba Tôn phải thưa với ba má. Gia đình ông Năm phải đi hỏi cưới Nguyệt. Đường đường con ông chủ tịch mà Sở Khanh, đi phá hoại cuộc đời con gái người ta sẽ thất chính trị chết. Còn Ba Tôn ngày càng tỏ ra hậm hực. Anh thường chê vợ xấu.Hôm ông Năm rầy la anh Hai ở nhà ngoài, Nguyệt và Ba Tôn nằm trong buồng, nghe hết. Tôn nói với Nguyệt:- Ông già cổ quá. Tội nghiệp anh Hai. Bây giờ chỉ đeo bám quân đội là chết đói. Lương thiếu úy của ảnh chỉ bằng số gạo kiểm phẩm anh lấy mỗi ngày.Nguyệt xích vào với chồng. Ba Tôn làm thủ kho kiêm kiểm phẩm gạo xuất khẩu. Anh ta phù phép rất tài, ăn gian được hàng chục tấn gạo của nhà nước. Nhà ông Năm quanh năm ăn gạo đặc sản, loại nàng thơm, Tào Hương. Mấy chục con heo ăn gạo trắng, còn cám thì tha hồ. Chỉ còn gà công nghiệp, phải có đủ chất trộn vào cám là anh chịu. Mỗi xe của khách hàng đưa tới, Tôn đều lấy mẫu kiểm phẩm. Mỗi bao anh rút vài trăm gam. Một ngày Tôn kiếm được vài tạ gạo, theo kiểu đó. Nguyệt nói với chồng:- Thế hệ chúng ta khác thế hệ của ba. Chúng ta không bị ý thức hệ giáo điều chi phối. Chúng ta thực tế hơn.Ba Tôn nói:- Hôm qua, một bà ba Tàu ở Chợ Lớn ra đây bàn với ba mở nhà máy chà. Bả cần ba đứng tên để nhà máy khỏi bị ai làm khó dễ. Ba khỏi bỏ ra đồng vốn nào, chỉ hùn bằng nước bọt, vẫn được chia, vậy mà ổng không nhận.Nguyệt thủ thỉ:- Em cũng nghe ba nói: thà mình nuôi heo, nuôi gà, dù số vốn gấp mười lần nhà máy chà, vẫn không ai qui cho mình là tư sản, bóc lột.- Tư duy nông dân kiểu này đất nước còn nghèo dài dài…- Có lần em theo ba vô vùng kháng chiến cũ. Bà con gặp ba đều mừng. Họ tất bật pha trà, mua thuốc. Nhiều nhà làm gà vịt đãi. Bà con vẫn giữ cảm tình với cán bộ. Trong lúc nói chuyện, bà con kêu nghèo. Ba nói: Phía tây tỉnh ta còn nhiều đất hoang, lên đó ba cho đất. Sống ở đây, chen chúc, giành nhau từng tấc đất mà làm gì? Trên đó đất rộng mênh mông, thả sức làm.Bà con nghe nói đều ham. Nghe vậy em thấy thương cô bác quá. Bà con cả tin, đâu biết tỉnh đưa lực lượng lên đó, gặp đất cằn, thời tiết khắc nghiệt, bệnh tật, không được đầu tư đến nơi, đến chốn, tan tác cả. Đến các nhà bà con ruột thịt, ba cũng nói vậy. Hóa ra, không phải ba nói dối. Chỉ tại lúc nào ổng cũng nghĩ đến việc phát triển nông nghiệp. Hễ bàn làm kinh tế là đi khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi…Ba chỉ biết có nhiêu đó thôi, khổ vậy.Hai vợ chồng cười khúc khích.° °
°Tạo hóa diệu kỳ. Những người nghèo như Dung rất dẻo dai, ít bệnh tật. Nếu họ cứ bệnh tật như con nhà giàu, sẽ phải chết vì lấy đâu ra tiền mua thuốc. Dung làm việc suốt ngày như thế nhưng cô không lần nào bị bệnh.Dung nhớ, có lần cô phải nằm viện một tuần. Đó là lần nằm viện duy nhất, suốt thời gian cô đi làm con ở. Lần ấy Dung chạy vội theo đàn vịt vừa xô đổ tấm bồ chắn để tràn sang ao cá. Dung đạp phải sợi dây thép gai, máu chảy đầm đìa. Dung sợ quá, khóc thét lên. Thu vội chạy đến bên cô. Anh xốc Dung vào nhà, rửa vết thương thật sạch rồi băng cho cô. Vừa làm thật nhanh Thu vừa dỗ:- Đừng sợ, không sao đâu. Để chú chở cháu vào chợ chích ngừa phong đòn gánh. Dưới ao đầy cứt heo, cứt vịt, ghê lắm.Tuy được chích ngừa, tối ấy chân Dung vẫn sưng. Dung sốt li bì. Thu phải chở cô vào viện. Bác sĩ nói Dung bị nhiễm trùng, sẽ qua thôi, đừng lo lắng quá. Thu ở lại bệnh viện chăm sóc Dung. Bệnh viện chật ních bệnh nhân và người thăm nuôi. Nhiều giường hai bệnh nhân nằm chung. Một phòng nhỏ có đến hai mươi chiếc giường bệnh, len chân đi còn bị vướng.Đêm đó Dung nóng, lên cơn co giật. Thu mua nước đá chườm cho cô. Anh không ngần ngại giúp cô những việc rất là phụ nữ. Ở bệnh viện lắm muỗi. Nó là vật trung gian truyền bệnh sốt rét và nhiều bệnh tật khác cho người. Ở bệnh viện này có biết bao nhiêu là bệnh tật. Nằm trong màn, Dung thấy Thu ngồi thu lu cuối giường, khuôn mặt bất động, đôi mắt thâm quầng, chỉ có cử động duy nhất là lâu anh đập muỗi, Dung thương quá. Cô không có cha mẹ họ hàng, nên lúc đó tình cảm Dung dành cho Thu là tình cảm của đứa con gái dành cho mẹ của mình. Cô gượng ngồi dậy:- Chú Thu, muỗi nó đốt chú chết mất…Chú nằm xuống với cháu đi.Tiếng Dung yếu ớt. Ráng sức, làm Dung chóng mặt, phải nằm xuống ngay. Lát sau Dung mới hồi tỉnh và cô quay mặt vào vách. Cử chỉ đó của Dung làm Thu ngỡ là cô giận dỗi anh. Thu bèn vén mùng nằm xuống và quay mặt ra, đấu lưng với Dung. Anh nằm để chiều cô bé chỉ đáng tuổi cháu lúc đang bệnh nặng. Nhưng chính vì thế cơn buồn ngủ kéo đến làm Thu hoảng sợ. Mình ngủ quên mất! Thu lẩm bẩm. Anh chợp mắt lúc nào không hay. Thu mơ thấy Dung bị bà Năm trói lại trong lúc cô đang ốm. Dung vùng vẫy trong tay bà Năm và anh lao vào nhưng không sao tiến gần để giải thoát cho cô. Anh tỉnh dậy, thấy người mình đẫm mồ hôi. Thu đưa tay đặt lên trán Dung. Trán cô nóng bừng và Dung đang lảm nhảm nói gì đó. Thu lay gọi, em không tỉnh dậy được. Thu chạy đi gọi bác sĩ. Các bác sĩ xúm vào cấp cứu cho Dung, họ nói rằng Dung bị sốt quá cao nên bị hôn mê sâu. Thu không hiểu từ ngữ của ngành y lắm nhưng anh cứ ân hận mãi về giấc ngủ ngắn ngủi của mình.Sau này Dung còn nhớ mãi những đêm nằm viện ấy. Cô cứ nghĩ, nếu không có Thu, liệu gia đình ông Năm có ai săn sóc tận tình với cô như vậy không. Nằm viện những năm ngày rồi, ông Năm mới vào thăm Dung. Chẳng là ông đi Hà Nội họp nên không biết. Ông vào thăm làm bệnh viện nhốn nháo hẳn lên. Dung được bố trí lên nằm ở tầng lầu. Tầng dành cho cán bộ công nhân viên và được chăm sóc cẩn thận hơn. Còn bệnh viện, tự dưng từ bữa ấy cũng nề nếp hơn. Dung nằm thêm hai ngày nữa thì ra viện. Ông Năm bảo anh tài đem xe đến đón cô. Hồi đó, Dung còn chưa hiểu tại sao hai ngày sau cô được chăm sóc chu đáo làm vậy. Nghĩ tới sự ân cần của bác sĩ ở khoa nội cán bộ mà Dung nằm ở đó vào hai ngày cuối, Dung cứ thấy rưng rưng…