Mồ hôi ứa ra nhễ nhại rồi chầm chậm đọng thành từng giọt, lăn xuống đầy mặt Ngô văn Học khi cậu bụm kín hai tai bằng cả hai bàn tay, nằm co ro trong nhà giam tại doanh trại Lính Bảo An Khố Xanh của tỉnh lỵ Yên Bái. Lúc này chỉ mới bốn giờ sáng ngày 17 tháng Sáu năm 1930, không khí xà lim ẩm thấp, ngột ngạt, nồng nặc hơi đất và mùi lá cây thối rữa lâu ngày.Học ấn chặt thêm hai lòng bàn tay vào tai để đừng nghe ra tiếng búa chan chát từ cánh đồng bên ngoài vọng vào. Lúc nãy, vừa bắt đầu nghe tiếng búa thứ nhất, cậu lật đật đu mình lên song sắt cửa sổ, nhìn sâu vào bóng đêm bên ngoài. Và người bỗng chới với tê dại khi thấy công việc toán cu-li đang làm ngay giữa cánh đồng. Dù với ánh sáng lờ mờ của mấy ngọn đèn bão treo trên mặt ruộng, chỉ có thể thấy một phần bộ phận giàn giá cao, hai cột trụ song song thẳng đứng họ vừa dựng nhưng Học chẳng còn chút hồ nghi nào. Công trình ấy xác định chính xác nỗi sợ hãi trùm kín Học tối qua, lúc cậäu và mười hai người tù Quốc Dân Đảng bị áp tải lên chuyến xe lửa có lính canh gác cẩn mật, sau khoảng thời gian bốn tháng bị giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò Hà Nội. Không ai nói cho biết người ta chở họ đi đâu nhưng khi bánh tàu nghiến ken két, bắt đầu cuộc hành trình dài năm tiếng đồng hồ ngược châu thổ sông Hồng và dừng lại trên sân ga Yên Bái vào lúc quá nửa đêm, những người tù câm lặng ấy bắt đầu đoán ra sự thật.Sau cùng, tiếng búa ngừng, Học cất tay khỏi màng tang và đứng dậy. Trong một hai phút cậu đi loanh quanh, xoa xoa chỗ dưới bả vai nơi viên đạn bắn trúng trong đêm khởi nghĩa. Vết thương nay đã lành nhưng Học vẫn cảm thấy rêm nhức mỗi khi phải gập người. Thỉnh thoảng, Học dừng chân nghe ngóng; chỉ có tiếng râm ran của lũ ve sầu trên các lùm cây chung quanh cánh đồng và đôi khi, tiếng ếch nhái kêu ồm ộp làm lay động cảnh đêm dài tịch mịch.Học thả mình nằm xuống mặt giường ván, cố dỗ giấc ngủ, nhưng chốc lát sau, có tiếng động khác làm cậu lại bật dậy, chạy tới đu người lên cửa sổ. Cậu thấy dưới ánh sáng bập bùng của mấy ngọn đuốc có năm sáu cu-li đang lui cui đẩy chiếc xe bò chở thứ gì đó rất nặng vào sân nhà giam. Khi giở hàng họ đã không gượng nhẹ còn nặng tay thả những chiếc rương vừa dài vừa rộng xuống mặt sân lát đá. Tới khi chúng được xếp liền nhau thành hàng ngang Học mới nhận ra đó là những cỗ áo quan sần sùi, làm bằng gỗ tạp. Cậu chầm chậm đếm rồi tim rụng xuống đáy lồng ngực: cả thảy mười ba cái.Rên thành tiếng khốn khổ, Học buông chấn song, người té phịch, mặt úp lên sàn xi-măng của xà lim, co hai chân không hơi sức lên và hai cánh tay khẳng khiu ôm thân thể tiều tụy. Cậu nằm yên trong tư thế ấy, mắt mở thao láo, cho tới gần hết đêm. Mãi tới lúc trời gần sáng, trí óc tê dại và thể xác cùng kiệt, cậu mới mơ màng thiếp ngủ đôi chút. Trong giấc mơ, Học chập chờn thấy mình về lại xà lim cô đơn lạnh lẽo và tối tăm ở đồn binh Ngả Ba Ông Đồn, bị tống biệt giam thêm lần nữa vì cố trốn khỏi đồn điền cao su Vị An. Nhưng dù chiếc cùm sắt rất nặng và cơn sốt làm toàn thân run lẩy bẩy cậu vẫn cảm thấy mừng húm. Rốt cuộc, cậu không sắp bị chết. Chẳng bao lâu nữa, cậu và anh Đồng lại được ở bên nhau trong nhà lán mái dột, rúc vào người nhau trong bóng tối, giúp nhau vượt qua những gian nan cơ cực từng ngày trong cuộc sống phu cạo mủ. Thậm chí những bức tường đá sần sùi của xà lim Ngả Ba Ông Đồn, trước đây cậu chỉ sờ vào chúng chứ chưa bao giờ thấy rõ, cũng có vẻ thân mật và quen thuộc. Hai bàn chân sưng vù vì bị roi quất nhưng toàn thân cậu chẳng có vết thương nào do đạn bắn trúng. Học đưa tay bóp chỗ phía dưới bả vai mình thật mạnh, thấy không, chẳng rêm nhức chút nào! Tất cả chỉ là một ác mộng kinh hoàng. Bỗng có tiếng động âm trầm, rầm rập và nhịp nhàng từ một chốn rất xa vọng tới, trong bóng tối hình như nghe càng lúc càng vang hơn, dội tới gần hơn. Tuy không biết đó là thứ âm thanh gì nhưng nó làm cậu sợ hãi. Cậu lật đật trở người, tin chắc rằng mình đang bị nó đe dọa.Học choàng tỉnh, nhận ra giấc mơ đã dứt hẳn nhưng tiếng động âm trầm ấy vẫn kéo dài. Run lẩy bẩy, cậu ngồi lên, thấy bóng tối xà lim đã bớt dày đặc. Lim dim đôi mắt, tập trung hết tâm trí, cậu nghe ra đó là tiếng thình thịch của một ngàn bàn chân đang nối gót nhau đi đều bước bên ngoài nhà giam. Ba đại đội của Tiểu đoàn Hai Trung đoàn Bốn thuộc Khinh Binh Khố Đỏ Bắc kỳ vừa từ đồn binh trên đồi rầm rập đi xuống — chính họ là những người anh em từng được Thanh Giang và các nghĩa quân của Việt Nam Quốc Dân Đảng kỳ vọng sẽ đứng lên khởi động cuộc toàn quốc khởi nghĩa — nay vâng lệnh các sĩ quan Pháp, nhịp bước chân ngoan ngoãn và đều đặn trên mặt cỏ ẩm ướt, tới tập họp làm thành một vòng đai chung quanh bãi hành quyết! Học lại đu người lên song cửa sổ. Trong trời tờ mờ, cậu thoang thoáng thấy họ. Súng trường ngay ngắn trên vai, nón hình tam giác thẳng thớm trên đầu, từ đầu gối tới cổ chân quấn xà cạp xanh. Năm trăm lính khố đỏ im lặng, đứng ngay ngắn theo đội hình, đưa mắt bất động nhìn vào điểm chính giữa thửa ruộng.Tiếng chân quân hành của các lính khố đỏ vừa lắng xuống, Học nghe dọc hành lang nhà giam bỗng vang lên tiếng đế giày nện cồm cộp và tiếng chìa khóa kêu lách cách. Tiếng một cánh cửa xà lim kẻo kẹt mở và lọt tới tai cậu những giọng nói bằng tiếng Pháp đầy hơi gió, đều đặn và rất thì thầm. Sau một hai phút, những bàn chân ấy cất bước. Lại một cánh cửa kẻo kẹt mở và những giọng ấy lại nói thì thầm. Khi những tiếng chân đó chầm chậm tới gần xà lim của Học, cậu bật khỏi giường, lóng cóng đứng lên, ngay giữa xà lim, rồi đờ người chờ đợi.Cửa tù bật mở, hiện ra viên công sứ Pháp tỉnh Yên Bái, người gầy, đeo kính trắng, ria lưa thưa. Không nhìn Học, y đưa một tờ giấy lên trước mặt và đọc bằng giọng trịnh trọng, đều đều, khô khốc: “Tổng thống đã ký Sắc lệnh ngày 10 tháng Sáu bác bỏ mọi đơn xin khoan hồng. Do đó, bản án của Hội Đồng Đề Hình sẽ được thực hiện ngay lúc này.”Người thông ngôn An Nam dịch chưa xong lời tuyên bố ấy, công sứ đã lật đật xoay mình bước ra khỏi xà lim, không thèm xem phản ứng của tử tù. Học mãi ngó theo viên công sứ, không để ý tới một hình bóng mặc áo chùng thâm của linh mục tuyên úy nhà tù Hoả Lò Hà Nội vừa nhẹ nhàng bước lên, điền vào chỗ đứng của công sứ. Ông làm xàm trong cổ họng điều gì đó Học nghe không ra, nhướng lông mày dò hỏi. Sau khi người thông ngôn dịch những lời ấy ra tiếng An Nam Học vẫn không hiểu mình đang bị hỏi về cái gì. Nhưng cậu lờ quờ gật đầu, hi vọng nhờ ưng thuận mình được ân xá hoặc ít ra cũng được tạm hoản đôi ba phút. Thấy Học gật đầu, linh mục ra hiệu cho cậu quì xuống trước mặt mình. Ông rảy nước thánh lên vầng trán run rẩy, đọng mồ hôi lạnh của Học, và đặt vài hạt muối lên chót lưỡi cậu. Ông vừa làm vừa lầm rầm đọc lời làm phép rửa tội cho cậu trở thành tín hữu của Hội thánh Công giáo La mã. Kế đó, như một cái máy, Học vẫn đờ đẩn tiếp tục gật đầu trong suốt nghi lễ xá tội tân tòng được cử hành cho hợp thể thức. Khi xong mọi sự, linh mục thấp giọng hỏi cậu có nguyện vọng chót nào muốn thông báo cho gia đình không. Và ông dịu dàng nói thêm:- Nếu con muốn gởi thư ta sẽ tìm cách chuyển cho.Từ lúc bị bắt tới nay Học không biết chút tin tức nào về cha và anh. Tại Hà Nội, cậu bị tra điện cho tới khi khai địa chỉ căn buồng nhỏ ba cha con thuê ở chung trên xưởng của một người dệt chiếu trong phường Thanh Nhàn tại ô Đống Mác. Tuy sau đó các tù nhân khác kể với cậu rằng cha cậu và Đồng không bị bắt và đã tránh không về lại địa chỉ đó nhưng Học vẫn tự thấy rất hổ thẹn và hối hận về sự phản bội của mình. Lúc này, nghi ngờ rằng đây chỉ là một trò gian xảo mới nhằm lường gạt và giăng bẩy để cậu giúp họ bắt cha và anh, Học lắc đầu lia lịa.Linh mục đi ra. Một thợ hớt tóc đi vào. Các cai ngục giữ chặt Học ngồi yên trên ghế trong khi người thợ bôi xà phòng, cạo sạch mớ tóc sau gáy của cậu. Lúc người thợ làm xong, những giọt nước mắt tuyệt vọng của cậu ứa ra đầm đìa mặt. Học đứng im lìm bất động khi theo đúng truyền thống, người ta đưa cho cậu một ly rượu mạnh. Rồi họ lấy một sợi lòi tói bện bằng dây gai buộc vào hai cổ chân Học, nối lỏng khỏng giữa hai chân để cậu chỉ có thể đi bước ngắn. Xong, họ để cậu ở lại một mình trong xà lim. Tới năm giờ thiếu mười lăm phút, đã hoàn tất mọi thủ tục chuẩn bị cho cuộc hành quyết tập thể; nhà giam lại bị trùm kín bởi bầu khí im ắng kỳ dị.Bên ngoài, một đám không đông lắm người Bắc kỳ đứng tụ tập trên một mô đất cao ngó xuống thửa ruộng hành quyết, trong đó có cha và anh của Học. Đồng đứng trầm ngâm nhìn, mặt khắc khoải tái xanh. Mình trần, đầu quấn khăn xếp thổ cẩm cải trang làm dân quê vùng thượng du Bắc kỳ, và không khác những đàn ông chung quanh, hai cha con cầm cuốc. Từ chỗ đứng trên cao, họ có thể phóng tầm mắt qua đầu hai đại đội lính khố đỏ bản xứ để nhìn rõ hiện trường. Cảnh tượng những người lính châu Phi cao lớn, chủ lực của Bộ binh Thuộc địa Pháp và những chiếc mũ lưỡi trai của Đạo binh Lê Dương đứng sát nhau làm thành một vòng tròn an ninh chung quanh đoạn đầu đài là một nhắc nhở xốn xang cho hai cha con về dự tính táo bạo trong những ngày sắp tới nhằm trả thù nhà và giải phóng tổ quốc, bất chấp sự thất bại mới đây của cuộc khởi nghĩa Yên Bái.Tới rạng sáng, các sĩ quan Pháp và Đại đội Tám lính khố đỏ trung thành với Pháp từ đồn binh trên đỉnh đồi kéo xuống đánh tan tác nghĩa quân một cách dễ dàng. Bộ binh Thuộc địa và lính Lê dương tiếp viện được xe lửa nhanh chóng chở từ châu thổ sông Hồng lên mạn ngược, chận đường rút của nghĩa quân. Bản thân Thanh Giang bị bắt. Ngô văn Lộc và con trai ở trong số ít ỏi những người thoát được, xuôi theo sông Hồng về tới địa điểm an toàn trong một khu vực ba mươi sáu phố phường đông đúc của Hà Nội. Ở đó, lần đầu tiên họ hay tin đảng trưởng Nguyễn Thái Học, thủ lãnh toàn quốc của Quốc Dân Đảng, vào giờ chót đã cố hoản cuộc khởi nghĩa nhưng người liên lạc không thể báo kịp cho các nghĩa quân ở Yên Bái. Tại vùng thượng du, có phóng ra những cuộc tấn công dùng dằng khác và cũng bị thất bại. Những cuộc đột kích rải rác bằng lựu đạn ném vào các cơ sở chính quyền tại Hà Nội ngay hôm sau đó cũng không gây được tác động nào. Tuy nhiên, tiếp liền vụ tàn sát đẫm máu các sĩ quan ở trại binh Yên Bái là một luồng sóng kinh tởm tràn qua Đông Dương và Pháp. Và nó giáng xuống đầu Quốc Dân Đảng một cuộc báo thù ghê rợn. Quốc hội ở Paris hằng ngày ngân vang tên Yên Bái, đã biểu quyết nhiều biện pháp trả thù khốc liệt. Toàn quyền Đông Dương tới cứ điểm Yên Bái dự lễ an táng các nạn nhân. Bên mồ họ và trước mặt các quả phụ mặc tang chế, hắn lớn tiếng thề sẽ phục hận cho họ.Vài ngày sau đó, khi thủ lãnh Nguyễn Thái Học phóng ra cuộc tấn công tuyệt vọng vào một đồn Lính khố xanh ở vùng trung du, lực lượng nghĩa quân của chính anh trở thành nạn nhân cho trận oanh tạc đầu tiên tại Đông Dương. Năm chiếc máy bay cánh hai tầng bằng gỗ và vải, hiệu Potez 25 của Không Quân Pháp, sà xuống làng Cổ Am nơi các nghĩa quân đang ẩn núp, dội tan nát những ngôi nhà tranh, bằng sáu chục quả bom loại mười ki-lô. Khi nghĩa quân và dân làng sợ hãi chạy ra khỏi những ngôi nhà đang bốc cháy, các phi công dùng súng đại liên Lewis xoay đủ bốn hướng, đặt trong khoang lái, bắn xối xả và bừa bãi xuống các nạn nhân. Khoảng hai trăm đàn ông đàn bà và trẻ em bị giết. Cùng với Cổ Am, trong khi truy lùng nhằm báét giết thêm nghĩa quân hoặc người giúp đỡ hay che giááu các đảng viên Quốc Dân Đảng, Pháp triệt hạ thêm mười làng quanh vùng. Hôm sau, Thống sứ Pháp ở Bắc kỳ tuyên bố công khai trên báo chí rằng “Bất cứ làng nào cho bọn nổi loạn ẩn núp đều sẽ bị chúng tôi oanh tạc không chút xót thương như thế.”Vì không đành lòng rời xa tổ chức và không chịu vượt thoát sang Tàu, bản thân đảng trưởng Nguyễn Thái Học cũng bị bắt tại làng Cổ Vịt, Đông Triều, Hải Dương. Dựa theo tin tức gạn lọc từ các cuộc tra khảo và lần theo đường dây mật thám của mã tà lính kín, Nha Liêm Phóng tiếp tục bắt hàng trăm đảng viên thường. Trong số đó, tám mươi đảng viên bị kết án tử hình và năm trăm đảng viên khác bị kết án cấm cố chung thân hoặc khổ sai biệt xứ. Thế là phân rã cơ ngơi của một hội kín có tổ chức qui củ nhất và mạnh mẽ nhất tính từ đầu thế kỷ 20, đánh dấu con đường vận động giải thực từ trung quân sáng ái quốc. Khi sa cơ, Nguyễn Thái Học mới 29 tuổi. Anh quê làng Phổ Tang, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay là Vĩnh Phú. Con đường cách mạng của anh tiêu biểu cho lối đi của người đương thời theo đuổi chủ nghĩa dân tộc. Từ hoài bão thu hồi độc lập, đấu tranh cho tự do bằng cách thế ôn hòa với những đề nghị cải cách, anh bị nhà cầm quyền ép phải buộc lòng chuyển sang giai đoạn chọn lựa bạo động làm cách thế duy nhất. Thuở còn sinh viên trường Cao Đẳng Sư Phạm rồi trường Cao Đẳng Thương Mại Đông Dương ở Hà Nội, anh từng viết thư yêu cầu nhà cầm quyền Pháp sửa đổi về xã hội và chính trị, cải tổ nền hành chánh thuộc địa, ban hành tự do ngôn luận, v.v. Các sáng kiến ấy chẳng những không được xem xét nghiêm chỉnh, bản thân anh còn bị nghi ngờ, theo dõi. Kế đó, anh cùng các bằng hữu thanh niên trí thức thành lập Nam Đồng thư xã để in những sách báo nhằm nâng cao dân trí, khích lệ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc trong nhân dân, đồng thời làm nơi thu hút và tụ họp trí thức, thanh niên, sinh viên tại Hà Nội.Năm 1926 là điểm mốc thời gian với hai biến cố chấn động. Một năm trước đó, Phan Bội Châu, người chủ trương giải pháp bạo động và là ngôi sao sáng nhất trong các nhà vận động cách mạng ở hải ngoại, bị bắt tại tô giới của Pháp ở Thượng Hải. Ban đầu Pháp định âm thầm thủ tiêu ông nhưng bị lộ, phải đem về Hà Nội đưa ra xử trước Hội Đồng Đề Hình và kết án khổ sai chung thân. Sự việc ấy khích động nhân dân toàn quốc đấu tranh đòi ân xá cho ông. Pháp phải đưa ông về an trí tại Bến Ngự, Huế. Sự việc thứ hai là Phan Châu Trinh, người chủ trương giải pháp ôn hòa, có ảnh hưởng lớn lao trong các nhà trí thức cựu học lẫn tân học, vừa từ Pháp về nước được một năm thì từ trần tại Sài Gòn. Giới trí thức thanh niên vận động cả nước để tang ông. Ngoài đám tang lớn chưa từng thấy ở Sài Gòn còn có các buổi lễ tưởng niệm ông tại các thủ phủ và trường học lớn trên khắp nam trung bắc; tất cả là cơ hội tự phát để dân chúng toàn quốc dũng cảm biểu lộ và đề cao lòng yêu nước. Cao trào ái quốc đó đưa tới việc ba năm trước đây, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí thanh niên tân học thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, mô phỏng đảng cương tam dân chủ nghĩa của Trung Hoa QDĐ — “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc” — tiếp tục theo đuổi giải pháp đấu tranh bạo động để giải phóng đất nước, nhưng chủ yếu dựa vào nội lực bản địa. Thật ra, ba năm trước cũng đã có một đảng lấy tên ấy. Năm 1924, tại Quảng Châu, cụ Phan Bội Châu cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng và đặt tổng bộ tại đó, đồng thời phát triển cơ sở quốc nội. Cán bộ nòng cốt là Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thượng Thuật, Đặng Sư Mặc, v.v. Sau vụ cụ Phan bị Nguyễn Ái Quốc cùng Lâm Đức Thụ chỉ điểm cho Pháp bắt, lấy số tiền trị giá 100.000 đồng bạc Đông Dương, tổng bộ VNQDĐ ở Quảng Châu dần dần mất liên lạc với quốc nội. Các thanh niên Việt Nam nào tốt nghiệp trường võ bị Hoàng Phố mà không đồng ý gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội của Nguyễn Ái Quốc — vốn là hậu thân Tâm Tâm Xã của cố liệt sĩ Phạm Hồng Thái và là tiền thân của chi phái Việt Nam Cộng Sản Đảng — đều không dám hồi hương. Hễ vềà tới biên giới họ bị Pháp bắt ngay vì Nguyễn Ái Quốc đã báo cho Lâm Đức Thụ ở Hồng Kông biết để chỉ điểm cho Pháp. Họ chỉ còn cách ở lại Tàu, gia nhập đoàn quân cách mạng Dân quốc của Trung Hoa. Vì thế VNQDĐ ở quốc nội tan rã dần, phải chờ tới khi Nam Đồng thư xã xuất hiện mới thành lập trở lại.Thừa hưởng ngọn gió yêu nước từ sau vụ hai cụ Phan, Việt Nam Quốc Dân Đảng thổi được luồng sinh khí mới vào lớp người tân học, được sự ủng hộ nồng nhiệt của các giáo chức, binh sĩ là hai cây cột chống đỡ mái nhà Đông Dương của Pháp. Ngoài ra, đảng còn phát triển rộng rãi trong giới trí thức, sinh viên học sinh, công chức, những người làm nghề tự do, nhiều thân hào nhân sĩ ở nông thôn. Địa bàn hoạt động chính của đảng là Bắc kỳ và một số chi bộ ở Trung Ky, Nam kỳ và Lào. Nhưng phát triển càng nhanh rộng, càng khó tránh khỏi mỏng manh và càng có kẽ hở cho mật thám Pháp cài người vào. Tại Bắc kỳ và Trung kỳ, tổ chức quần chúng không phải là điều dễ dàng. Dân quê tuy căm thù Pháp nhưng phần đông sợ hãi chuyện “quốc sự”, chỉ muốn nhà nước để yên cho mình an phận làm ăn. Bên cạnh hệ thống mật thám của Liêm Phóng Pháp là guồng máy quan lại nam triều ngày càng ra mặt lộ liễu làm tay sai cho Pháp, bắt bớ và đối xử tàn tệ những ai thoáng bị họ nghi ngờ. Phản ứng giận dữ của Pháp sau vụ tên mộ phu cao su Bazin bị một đảng viên Quốc Dân Đảng manh động ám sát vào tháng 2.1929, cùng với sự phản bội của một vài đồng chí ở cấp bộ quan trọng khiến hàng loạt đảng viên và quần chúng có cảm tình với đảng bị bắt, dồn đảng vào thế bị động. Việc bảo tồn cơ sở và huy động quần chúng ngày càng khó khăn vì thế đảng quyết định phải phát động khởi nghĩa bằng con đường binh biến. Nếu thành công, sẽ gây chấn động, phong trào lan khắp nước. Nếu thâát bại, cũng gây được tiếng vang trên dư luận trong và ngoài nước, đem máu xương của người yêu nước góp sinh lực vào vận mệnh dân tộc. Nói cho cùng, kinh nghiệm lịch sử cho thấy công cuộc giải phóng đất nước bao giờ cũng gồm một chuỗi các cuộc khởi nghĩa. Dù lớn hoặc nhỏ, cuộc trước xô đẩy cuộc sau, cứ thế tới ngày nào đó làm thành cơn sóng thần đánh sập thành trì của chế độ vốn đang bị lung lay bởi một quá trình gồm nhiều cuộc khởi nghĩa diễn ra qua nhiều thời điểm và nhiều địa phương khác nhau. Sau khi để cho bị bắt ở Đông Triều và giải về Hà Nội, Nguyễn Thái Học đối mặt với tên Tổng đôác Hoàng Trọng Phu. Gã Việt gian ấy hỏi xấc xược:- Lúc ở Cổ Vịt, nhà thầy sẵn khí giới trong tay sao không giết bọn tuần phiên mà lại chịu để cho chúng bắt?Câu trả lời của Nguyễn đảng trưởng đầy chính nghĩa và nhân hậu: - Khí giới trong tay tôi là để giết bọn tham quan ô lại bán nước hại dân, nỡ nào tôi lại giết những người vô tội.Cũng với tấm lòng nhân hậu và đầy chính nghĩa như thế, khi bị giam ở ngục Yên Bái ba tháng trước đây, Nguyễn Thái Học viết hai bức thư gởi Toàn Quyền Đông Dương và Quốc Hội Pháp. Trong đó anh thừa nhận trách nhiệm của mình về mọi hoạt động của VNQDĐ suốt ba năm qua, yêu cầu Pháp chỉ xử tử một mình anh hoặc nếu cần thì tru di tam tộc nhà anh, đừng giết những người tuân theo lệnh anh và nhất là đừng bắn phá, thiêu đốt bừa bãi các làng mạc và sát hại lương dân để trả thù. Anh kêu gọi người Pháp hãy nghĩ đến danh dự, công lý và nhân đạo. Đôàng thời anh cảnh báo người Pháp nếu không thay đổi chính sách tại Đông Dương thì chính họ sẽ phải khốn đốn vì những phong trào cách mạng.Phản ứng lại lời lẽ hào hùng cùng sự cảnh báo nghiêm trọng ấy, thực dân Pháp nhất quyết tỏ rõ quyền lực của mẫu quốc và đưa ra một hình ảnh dứt khoát, tượng trưng cho lập trường dứt điểm Việt Nam Quốc Dân Đảng. Họ quyết định hành quyết các thủ lãnh cao cấp và các nghĩa quân Yên Bái tại nơi có cứ điểm quân sự mà cuộc khởi nghĩa đẫm máu ấy bị thất bại.Trong ánh sáng xám của buổi rạng đông tháng Sáu ấy, tử tù đầu tiên xuất hiện là một người An Nam nhỏ thó. Ngô văn Lộc và Đồng nghển cổ lên nhìn cho bằng được khuôn mặt lờ mờ của anh khi anh bước lên đỉnh cao con dốc từ nhà giam dẫn ra bãi hành quyết. Tay đeo còng, người mặc áo chùng trắng như tuyết, tử tù bị áp tải bởi sáu người lính Madagasca đen thui và cao lớn của Bộ binh Thuộc địa, lừng lững đi sau anh như sáu cái tháp.- Chính là Bùi “Liên lạc viên”! Đồng thở hổn hển, giọng thì thầm khản đặc. Bên cạnh Đồng, cha cậu gật đầu khốc liệt.Trong không khí im lặng rờn rợn, toán người ít ỏi ấy đi ra thửa ruộng với hình dáng nhanh nhẹn của công sứ Pháp đi dẫn đầu. Kế bên đoạn đầu đài ghê rợn, một đao phủ người An Nam vai rộng, béo lùn, đứng khoanh tay chờ. Khi tới trước mặt hắn, những người lính Phi châu khổng lồ dừng chân, bước vội qua một bên. Và đây là lần đầu tiên họ thả cho tử tù đứng riêng một mình. Đao phủ, vốn được một người Pháp chuyên nghiệp hành quyết huấn luyện kỹ lưỡng, lập tức túm hai vai, hung hản đẩy Bùi Tư Toàn vào giá máy chém. Đó là một tấm ván có bản lề, đổ xuôi tới đằng trước trong tiếng va chạm loảng xoảng dưới tác động của thân thể người sắp bị chém. Anh bị chuồi xuống nằm úp mặt vào lỗ ngàm hình bán nguyệt. Đao phủ lẹ làng sập miếng gỗ bán nguyệt ở ngàm trên xuống, gài lại. Rồi hắn cẩn thận chắn ngay ngắn chiếc khiên che ba phía quanh người hắn để giữ cho không bị những giọt máu oan nghiệt và xúi quẩy từ thân thể nạn nhân bắn trúng.Khắp cánh đồng trùm kín một bầu không khí im lặng ghê người. Những người đang đứng trên sườn đồi đăm dăm nhìn xuống đều nghe rõ tiếng clic của mấy cái chốt bật mạnh để nhả con dao ra. Từ trên cao, lưỡi thép sắc như dao cạo, nặng tới ba mươi bảy ki-lô và có ròng rọc, theo đường rãnh xẻ dọc hai thân cột rùng rùng lao xuống, chặt đứt đầu Bùi Liên lạc viên ngay, không một chút gián đoạn xung động, rồi dừng sửng lại ngang tầm mặt đất. Chiếc đầu khốc liệt của Bùi Tư Toàn rớt gọn vào cái thúng hứng sẵn đằng trước giàn giá. Hai người An Nam phụ tá hành quyết lập tức lật cái xác cụt đầu đẫm máu của anh cho vào chiếc áo quan đầu tiên đã đặt sẵn một bên.Bùi Liên lạc viên qua đời không một tiếng than, không tỏ chút sợ hãi. Trên sườn đồi, trong đám đông phụ nữ có tiếng một người bật lên rồi nhiều người hòa theo khóc rấm rứt. Trong khoảnh khắc ấy, Ngô văn Lộc nhắm mắt lại cho chìm hẳn hình ảnh chiếc máy chém rùng rợn đang ở chính giữa thửa ruộng và anh choàng cánh tay run rẩy qua vai Đồng. Lộc biết rằng, cũng như anh, đứa con trai lớn của anh hẳn cũng đang mường tượng hai cha con anh làm sao chịu đựng nổi khi thấy chiếc cổ gầy guộc của Học bị gài vào lỗ ngàm.Nắp áo quan của Bùi Tư Toàn chưa kịp đậy, công sứ và lính tùy tòng đã vội vã đi trở lại hướng nhà giam. Trong khi mặt trời sáng dần lên đằng sau vùng đồi phía đông, y lon ton chạy lui chạy tới nhà giam, điệu hết người này tới người khác ra đoạn đầu đài, với sự năng nổ của viên chức hành chánh đứng đầu một tỉnh thượng du vốn hiểu rất rõ những kỳ vọng của các quan chức và các ký giả từ kinh kỳ Hà Nội lên. Jacques Devraux đứng trong phái đoàn quan sát từ bao lơn toà nhà dùng làm doanh trại Lính khố xanh. Hắn là một trong ba thanh tra của Nha Liêm Phóng tình nguyện tháp tùng phái đoàn quan chức cao cấp do Đặc ủy Hành Chánh Chính trị Bắc kỳ và Đại úy Chỉ huy trưởng Hiến binh dẫn đầu. Thỉnh thoảng hắn ngó xuống danh sách cầm trên tay trong đó ghi tên những tử tù đang bị họ chứng giám, kèm theo vài hàng chữ giải thích. Nguyễn văn A... Hà văn Lao... Nguyễn văn Thịnh... Đào văn Nhật... Hắn vạch dấu và gạch tên từng người một khi người thủ lãnh khởi nghĩa ấy chửng chạc bước lên đoạn đầu đài, hàm bạnh ra để biểu dương ý chí và cũng có thể, để làm nguôi nỗi sợ tự nhiên trong lòng mình. Đứng bên cha trên bao lơn, Paul Devraux cũng im lặng đăm đăm nhìn đám rước quyết liệt ấy. Anh đã tái tục làm công tác nhẹ nhưng cánh tay mặt vẫn phải đeo dây quàng màu trắng. Nét mặt Paul tái xanh cho thấy vết thương gây tổn thất khá trầm trọng.- Paul này, nhìn đằng xa từ chỗ này, con có thấy bọn chúng trông y hệt một lũ học trò con trai? Viên thanh tra Liêm Phóng lúc lắc đầu, bình thản nói với con trai khi xuất hiện hình dáng của Thanh Giang, người tuy thấp nhỏ nhưng chân lẹ làng sãi bước trên đầu dốc con đường dẫn từ nhà giam ra: - Có thể chúng ta vừa gặp may vì chúng áp dụng những khái niệm đầy mơ mộng của các học sinh đang chơi trò tổ chức một cuộc nổi dậy. Bằng không, hẳn không dễ gì đánh bại được chúng.Paul trầm lặng đáp:- Con không chắc rằng trong mưu định này của họ không tiềm tàng cái gì đó báo hiệu điềm xấu. Dường như họ có đức tin không lay chuyển về định mệnh của họ. Không quan trọng gì mưu định ấy ngông cuồng tới đâu hoặc gặp bất lợi to tát dường nào, họ vẫn lao đầu vào mà không cần suy nghĩ tới lần thứ hai.Người cha nhướng đôi mắt từng trải và cặp lông mày khinh mạn lên với con trai mình:- Nhưng không phải cái đó chỉ chứng tỏ rằng bọn chúng điên rồ sao? Viên trung úy trẻ trả lời với giọng đều đều: - Không phải điên rồ mà là cực đoan, một phẩm chất còn cực kỳ nguy hiểm hơn điên rồ.Jacques Devraux nhún vai ngó chỗ khác, không trả lời. Trong một thoáng Paul nhìn dáng đứng nghiêng nửa người của cha. Anh tưởng chừng những nếp hằn tuổi tác trên bộ mặt cha tự nhiên rõ nét hơn và có cái gì đó giống như những đường nét khắc nghiệt mới quanh miệng và mắt cha. Anh hỏi nhẹ giọng: - Ba ạ, có bao giờ ba khám phá ra lý do vợ của Lộc bị chết ở trong tù không? Người cha lắc đầu, không nhìn con: - Con đã biết chuyện đó xảy ra khi ba đã ra ở Hà Nội. Từ Hà Nội ba đã cố dò hỏi. Giấy khai tử ghi: lý do tự nhiên — đau tim. Đó là tin tức độc nhất chúng ta có được.- Liệu có đúng như vậy không?Jacques vẫn không quay mặt nhìn Paul: - Không có lý do gì khiến chúng ta không tin vào lời giải thích chính thức, phải không? Xà lim nhà tù không phải là nơi hợp vệ sinh. Thỉnh thoảng vẫn có người chết ở trong đó.- Đúng vậy, nhưng vợ của Lộc... Viên trung úy thình lình ngưng bặt vì không khí im lặng kỳ dị nơi pháp trường từ lúc bắt đầu cuộc hành quyết tới giờ này bị phá tan tành bởi những tiếng thét náo động bằng tiếng An Nam, phát lên từ chính giữa thửa ruộng:- “Cho tôi nói! Cho tôi nói!”Hai cha con nhìn ra, thấy phía trước đoạn đầu đài, Thanh Giang Nguyễn văn Khôi vùng vẩy thật mạnh, cố thoát ra khỏi người lính Lê dương đang một tay túm chặt anh còn tay kia đưa lên bịt miệng anh khi anh bắt đầu thét lớn bằng tiếng mẹ đẻ: “Cho tôi nói!” Tên lính Lê dương cố trấn áp cho Thanh Giang im bặt trong khi gã đao phủ An Nam đè người anh vô lỗ ngàm. Nhưng vừa được buông ra, người thầy giáo Bắc kỳ mở miệng ngay và bắt đầu thét lớn hết sức mình: - “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!”Tiếng thét dồn dập của người Việt Nam Quốc Dân Đảng ấy bùng lên như điện giật, rền vang khắp cánh đồng tịch mịch. Và khi nghe tiếng clic trên đầu báo hiệu lưỡi dao được mở chốt, người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Yên Bái còn hô lớn hơn nữa, át cả tiếng rùng rùng của con dao đang lao xuống:- “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!”Những tiếng hô ấy chửng lại khi con dao máy chém chặt đứt lìa đầu anh nhưng tiếng vang hùng tráng của chúng đã lọt tới tai bảy tử tù còn lại trong xà lim. Và khi từng người một bị điệu ra giữa ruộng, bước lên đoạn đầu đài, lại vang lên những tiếng hô mới đầy thách thức: “Việt Nam! Việt Nam!” dội lên vang rền, phát xuất từ chốn thẳm sâu trong lồng ngực họ. Người thứ mười một là một thanh niên hai mươi ba tuổi quê vùng Bắc Ninh: Phó Đức Chính. Anh là một Cán sự Công chánh từ Lào về nắm công tác an ninh nội bộ của đảng. Khi đao phủ bước tới để đẩy anh nằm xuống, anh quắc măét ra hiệu y giữ yên tấm ván. Chính bước lên, nằm ngửa. Người anh trôi về lỗ ngàm. Tự tay mình đóng sập miếng gỗ hình bán nguyệt, anh ra hiệu đao phủ mở chốt lưỡi dao rồi ưỡn cổ. Bằng đôi mắt sáng như sao, anh nhìn lên trời cao, nhìn thẳng lưỡi dao. Lưỡi dao rùng rùng chạy xuống không át nổi tiếng anh hô vang:- Việt Nam vạn tuế! Đảng trưởng Nguyễn Thái Học, thủ lãnh toàn quốc của VNQDĐ, là một trong vài người trong nhà tù từ chối phép rửa tội gia nhập Hội thánh Công giáo. Chậm rãi bước từng bước lên đoạn đầu đài, anh đưa khuôn mặt chữ điền nhìn xuôáng hàng lính Lê dương và lính Bộ binh Thuộc địa Pháp đứng quanh pháp trường, xong anh nhìn tới doanh trại Lính Khố xanh, nơi có phái đoàn Hội đồng Đề hình, Hiến binh và Liêm Phóng từ Hà Nội lên. Vị thủ lãnh mỉm cười, ngâm to mấy câu thơ bằng tiếng Pháp:- “Mourir pour sa patrieC’est le sort le plus beauLe plus digne... d’envie...”[Về sau, có đồng chí của anh dịch là:“Chết vì tổ quốc,Cái chết vinh quang,Lòng ta sung sướng,Trí ta nhẹ nhàng...”]Ngâm xong, anh im lặng vài giây, rồi trang trọng cúi đầu chào đồng bào trên đồi. Kế đó, anh hô thật lớn: “Việt Nam!” một lần, bằng giọng rền lên thật lớn trước khi anh chịu tử nạn.Những người An Nam dự khán cúi đầu, tưởng rằng vị thủ lãnh đảng là nạn nhân cuối cùng của chiếc máy chém. Nhưng khi họ bắt đầu giải tán, sắp sửa bỏ đi, Ngô văn Học bỗng xuất hiện. Trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi, cha và anh của Học đã khấp khởi mừng thầm, tưởng rằng vào giờ thứ mười một cậu có thể được hoản vì tuổi còn quá non nớt. Thật ra, Học bị vô ý để lại sau cùng vì công sứ quá tất bật, quá lo lắng chu toàn nhiệm vụ đáng ghét của mình nên y không để ý tới sự có mặt của cậu bé trong xà lim. Hậu quả là người lính Madagasca tùy tòng của y được lệnh dẫn Học đi thật gấpï ra đoạn đầu đài, càng lẹï càng tốt. Học vì thế phải lật bật lê đôi chân lỏng khỏng thòng dây của mình chạy theo cho kịp những người lính châu Phi đang sãi những bước dài. Hoạt cảnh ấy và tấm áo chùng màu trắng trinh nguyên tròng vào chiếc cổ gầy guộc làm nổi bật thêm vẻ ngoài thơ dại của cậu. Một người đàn bà An Nam trong đám đông, xúc động tột cùng vì tình cảnh trước mắt, bỗng gào lên đau đớn:- Ối con ơi! Tội nghiệp con tôi!Trong cơn thê thiết, Học tưởng chừng đó là tiếng mẹ mình kêu con. Chân đang đi bước nhảy thình lình cậu đứng lại, quay mình ngước cổ về hướng người đàn bà ấy. Mấy người lính áp tải Học vấp vào người cậu; một người lính té xuống đất. Học vừa mê vừa sảng cố vọt người chạy về phía có tiếng gào đó nhưng vì vướng sợi dây tròng hai cổ chân, cậu bị lính chụp lại dễ dàng. Khi họ cố quây kín mít người Học, cậu khởi sự đấm đá gào thét như điên như dại. Sau cùng, một tên lính Madagasca nhấc bổng người Học, ôm cậu lên máy chém.Vừa thấy cạnh sắc của lưỡi dao trên đỉnh đoạn đầu đài phản chiếu lập loè ánh mặt trời, Học hoảng hồn im thinh thít. Khi đao phủ nắm cánh tay Học, lôi cậu ra khỏi người lính, cậu thôi không chống cự nữa.Đao phủ nói điềm tĩnh bằng tiếng bản xứ: - Đừng sợ. Cậu sẽ chẳng cảm thấy gì đâu.Nói chưa xong, hắn đã ôm cứng người Học, vật xuống. Một tay hắn đè Học nằm yên trên mặt ván, một tay hắn nâng vội tấm ván lên. Học trơ vơ trôi người tới đằng trước, cổ tuột đúng vào ngàm hình bán nguyệt của máy chém. Trên bao lơn doanh trại lính Khố Xanh, Paul Devraux quay đầu sang chỗ khác, nhìn trống rỗng vào khu rừng mờ mờ nơi sườn đồi xa xa. Trong đám đông An Nam đang ngó chằm chặp, Đồng và Ngô văn Lộc cúi đầu, đau xé ruột và âm thầm khấn vái ông bà tổ tiên.Khi một nửa miếng gỗ ngàm trên sập xuống ngay ngắn, mắt Học nhắm nghiền. Khuôn mặt người mẹ khuất núi đột nhiên lướt qua trong bóng tối trước mặt cậu. Kế đó, khi nghe tiếng clic của máy chém và hai chiếc cột dọc kêu rùng rùng hai bên vai mình, Học mở mắt nhìn vào những hạt bụi lốm đốm nhảy múa trong nắng trước mặt rồi cuồng nhiệt hô lớn: - “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!”