Vào học cấp thành chung (trung học)Tháng 6-1932 tôi đậu bằng tiểu học và sau đó tôi thi đậu vào trường quốc học (cấp thành chung, tức là trung học thời ấy). Tháng 9 năm ấy là tựu trường đầu tiên của tôi vào trường quốc học, và tôi được vào ký túc xá, vì đậu cao được cấp học bổng toàn phần.Ôi náo nức của một thời trẻ dạiHỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gươngNhững chàng trai mười lăm tuổi vào trườngRương nhỏ nhỏ với tâm hồn bằng ngọc...Thật là náo nức buổi tựu trường đầu tiên này. Được nhà cho mấy đồng bạc, tôi liền đến một hiệu đồ gỗ trong thành Huế, gần cửa Thượng Tứ mua một cái rương (hòm) bằng gỗ thông, đánh véc ni màu đỏ thẫm và có nẹp mấy nẹp sắt sơn đen. Cái rương khá rộng đủ cho hết quần áo và sách vở của tôi vào trong. Mùi gỗ thông lẫn với mùi véc ni thơm phức gây cho tôi một cảm giác say say gần như rạo rực trước buổi vào trường. Rương lại có hai cái khoá bằng đồng sáng choang, mỗi lúc mở lại có tiếng kêu keng càng tăng vẻ sang trọng của chàng học sinh quốc học. Trong nắp rương có hai đường nẹp bằng gỗ thông để sau nẹp ấy có thể gài những hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ của một học sinh tựu trường. Tôi nảy ra cái ý dán trên hai cái nẹp ấy mấy câu mà tôi rất thích, học được trong sách, như để làm phương châm cho mình:“Đã sinh ra đứng trong trời đấtPhải có danh gì với núi sông”(Nguyễn Công Trứ)“Biết cắn răng để chịu thiệt, đứng vững gót mà làm người”(Ngạn ngữ xưa)Tôi viết hai câu này bằng mực tàu mài ra, chữ rất đen trên giấy croquis (giấy để vẽ) và dán vào trên hai nẹp thông trong nắp rương và lấy làm tâm đắc.Chiều ngày 15-9-1932 tôi thuê một cái xe kéo chở hòm vào trường Quốc học. Sân trường rộng quá, có hai bụi tre đằng ngà rất đẹp ở trước cái nhà chơi. Nhưng tôi chưa để thì giờ khám phá cái thế giới khá hấp dẫn ở trong sân trường. Tôi phải lên ngay phòng ngủ ở trên gác của ngôi nhà lớn bên phải của trường.Mỗi học sinh nội trú được nhận một cái giường cá nhân bằng gỗ lim rất chắc chắn, với một cái màn tuyn rất trắng, trắng như bọt sóng biển. Và thích nhất là mỗi chúng tôi được chia mỗi người hai cái ngăn tủ con trong một cái tủ đứng cũng bằng lim, còn khoá thì tự mình lo lấy, nghĩa là chúng tôi phải đem theo đinh khuy và khoá bóp. Mỗi ngăn tủ dài 60 phân rộng 50 phân và cao 40 phân, tha hồ chứa áo quần và sách vở, và còn có thể để vào đó những vật kỷ niệm những thẩu đường, những thức ăn khô mà nhà gửi cho. Tôi đứng trước hai ngăn tủ, xếp áo quần và sách vở còn thức ăn khô thì tôi chẳng có, mà say sưa ngửi mùi véc ni của tủ mới đánh, véc ni rất thơm, thơm mùi nhựa thông, thoang thoảng như hương những gốc cây thông mà tôi đã hít thở ở sườn núi Ngự. Chính cái mùi thơm của tủ mới ấy đã vào trong bài thơ Tựu trường của tôi (1938):Tựu trường đó, lòng tôi vừa bắt gặpNỗi xôn xao thầm lặng ở trong rươngCủa chàng trai mười lăm tuổi vào trườngMắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẽNgười bạn nhỏ! Cho lòng tôi theo ghéKhông nỗi gì có thể vuốt ve hơnĐêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơnTủ mới đánh, và lòng ta thơm ngát.Xếp sách và áo quần xong, tôi ra cửa sổ nhìn xuống sân trường, lúc đó đối với tôi thật là bát ngát thơ mộng. Dọc hai đường đi kết thành chữ thập của sân có những cây hoa phượng, lá vẫn rất xanh, còn hoa thì đã rụng gần hết, nhưng lơ thơ trên mỗi cành còn vài hoa, màu đỏ rất thắm, tường như là mùa hè đã tàn gởi lại những nụ cười tươi tắn cuối cùng. Sau bữa cơm đầu tiên trong nhà ăn, tôi ra dạo ở hai con đường có hoa phượng ấy, tìm làm quen với những bạn cũng mới vào ký túc xá với tôi, nhất là tìm gặp những bạn sẽ học cùng lớp. Nói sao hết sứ bồi hồi cảm động của những chàng học sinh 13, 14 tuổi đi tìm bạn trong buổi chiều đầu tiên tựu trường.Trong sân trường này, trong trường Quốc học này tôi đã gặp bao nhiêu là bạn, tôi đã kết được bao nhiêu tình bạn, nó bền chặt cho đến ngày nay. Những tình bạn này tôi sẽ kể đến trong một hồi sau. Đã nhiều lần tôi về thăm trường Quốc học trước Cách mạng tháng Tám, cũng như sau ngày Huế được giải phóng. Đi qua những lớp xưa kia tôi đã ngồi học, tôi bồi hồi xúc động nhớ lại những thầy, những bạn, mà trong số đó đã có nhiều người không còn nữa. Tôi cũng có thể nói như một nhà văn xưa kia: “Sau những cánh cửa đóng kín này, còn ngủ lại một phần quá khứ của tôi”. Trong những bạn học của tôi, có những người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu lâu dài giải phóng dân tộc, cũng có người đã chết bệnh, và than ôi cũng có một hai người đã chết điên vì đi tìm lý tưởng mà không gặp được lý tưởng. Trong mấy dòng hồi ký của tôi xin các bạn yên nghỉ, hoặc vì các bạn đã làm xong phận sự thiêng liêng đối với quê hương đất nước hoặc vì lý tưởng mà các bạn không kịp tìm thấy thì anh em chúng tôi may mắn được sống lâu hơn đã tìm thấy trong đời... Người ta trường nói: Trường học là một cái xã hội, một xã hội con trong một xã hội lớn có tường rào ngăn cách phần nào, nhưng âm vang của xã hội lớn vẫn len vào trong xã hội của trường. Tôi thấy đúng như thế, mặc dù không khí trong trường giữa thầy với bạn, giữa bạn học với nhau vẫn giữ được cái gì thanh tao, đầm ấm. Tôi sẽ kể nhiều về những năm tháng sống và học ở trường Quốc học vì ở đó tôi đã may mắn có nhiều thầy giáo tốt và gặp được nhiều bạn tốt, trung thành, thuỷ chung.Năm tôi vào Quốc học, nhà trường lại xếp 35 người đỗ trên vào lớp A, và 35 người cuối sổ vào lớp B.Thành ra lớp A của tôi là một lớp đặc biệt xuất sắc có nhiều học trò giỏi, thầy nào đến dạy cũng lấy làm hài lòng. Trong số bạn lớp A của tôi, có nhiều bạn sau này đã trở thành nhà khoa học, thầy thuốc nổi tiếng nhạc sĩ có tài, kịch tác gia độc đáo. Một số bạn khác đã tham gia quân đội kháng chiến và cũng đã trở thành những nhà quân sự có tài. Tôi riêng nhớ bạn Nguyễn Hoà Dung và bạn Phạm Gia Ninh là hai bạn rất mê văn thơ Việt Nam và đã cùng tôi nung nấu hoài bão trao đổi tiếng nước nhà, cái tiếng Việt mà chúng tôi yêu một cách tha thiết, da diết. Xin nói rõ: chúng tôi là những học sinh giỏi tiếng Pháp, đọc nhiều sách tiếng Pháp, nhưng tấm lòng của chúng tôi đối với tiếng Việt là tấm lòng con đối với mẹ. Tiếng Việt càng bị rẻ rúng bởi bọn thực dân, và một phần bị rẻ rúng trong cái xã hội nửa thực dân nửa phong kiến hồi đó, thì chúng tôi càng say sưa, thiết tha trao đổi tiếng Việt. Trong chương trình của ban học thành chung, mỗi tuần chỉ có một giờ dạy tiếng Việt (lúc đó gọi là An-na-mít). Một số ít học sinh mất gốc trong tâm hồn, xem thường giờ này, và đến giờ thì giở các bài toán, bài lý hoặc bài luận Pháp văn ra làm, chúng tôi thấy thế rất căm phẫn. Bạn Nguyễn Hoà Dung và bạn Phạm Gia Ninh thì đến những giờ ấy mở sách xưa như Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc ra ngâm ngợi. Bạn Dung lại còn cắt trên Ngọ báo, trên báo Phong hoá... nhiều bài văn dán vào một quyển vở to và đọc cho chúng tôi nghe, nhất là vào những giờ cuối năm. Tôi cứ nhớ mãi bạn Dung đã đọc vài truyện của Thanh Tùng Tử với một giọng réo rắt thiết tha, chúng tôi nghe thật bồi hồi xúc động. Bạn Ninh lại có những quyển sổ con để chép thơ chép văn là bạn đã chọn lựa trong các báo, hoặc trong Văn đàn bảo giám, những quyển sổ thơ này đóng bằng giấy trắng, bìa bọc vải rất đẹp, các tuyển tập chép hai thứ mực, các đầu đề bằng mực đỏ. Bạn Ninh còn sống, tôi thường gặp luôn. Bạn Dung thì tôi không kịp gặp; lúc Sài Gòn mới giải phóng thì anh đã mất. Anh và Ninh đã nung nấu thêm cho tôi lòng yêu thơ văn, đã cùng tôi chung một nỗi niềm đối với tiếng nước nhà.Chúng tôi không chỉ tự mình trau dồi tiếng Việt mà chúng tôi còn bảo vệ tiếng Việt ngay ở trong trường. Hồi đó chúng tôi học năm thứ ba (1934-1935). Một số anh em chúng tôi là học trò giỏi và cũng giỏi về môn Pháp văn, đồng thời chúng tôi yêu quốc văn với tấm lòng người con thương mẹ, yêu thương người mẹ đẻ bị rẻ rúng, bị xem thường. Lòng yêu quốc văn của chúng tôi lúc đó, là một biểu tượng, hay nói đúng hơn là một biểu hiện của lòng yêu nước. Tất nhiên trong lớp cũng có những đứa “xì dầu” (nịnh hót) thầy Tây, hay ti toe tiếng Tây cả những khi không bắt buộc, không cần thiết. Chúng tôi căm phẫn, chúng tôi phản ứng với thái độ nô lệ ấy. Và chúng tôi... hành động. Chúng tôi đặt ra một cái... thẻ chó, một miếng gỗ đẽo giống hình cái thẻ mà bấy giờ cảnh sát bắt chó các nhà phải đeo vào cổ để kiểm soát, và phòng chó dại. Và chúng tôi qui định với nhau: hễ anh nào bị bắt quả tang đang nói tiếng Tây trong sân trường giờ ra chơi hoặc trước giờ vào lớp, hoặc lúc tan học thì phải “mang” thẻ chó. “Mang” có nghĩa là phải nhận cái thẻ chó mà một anh khác đang phải mang trong người giao lại cho mình.“Mang”. Mang tượng trưng thôi, nhưng rất đáng xấu hổ trước bạn bè. Anh bị mang thẻ chó ấy lại phải rình để bắt quả tang một anh khác nói tiếng Tây lúc không cần thiết để giao thẻ, và mình “mãn hạn” phạt.Tôi nhớ qui định của chúng tôi thi hành được khoảng 4, 5 tháng, và thi hành khá gắt gao. Bọn giám đốc và giám thị người Pháp không khám phá ra được vì bọn học sinh nịnh Tây cũng không dám báo cáo với chúng. Một vài thầy giám thị Việt Nam biết, nhưng cũng lờ cho chúng tôi làm. Như vậy mà đỡ được cái bệnh ti toe nói tiếng Tây và đỡ cái bệnh nói lai nghĩa là trong mỗi câu có lẫn tiếng ta và tiếng tây. Các em học sinh bây giờ học tiếng Việt trong một nước Việt Nam đã độc lập có thể không hiểu hết nỗi lòng chúng tôi yêu tiếng mẹ đẻ lúc bấy giờ như thế nào. Và một số em bây giờ cũng chưa thấy hết giá trị của tiếng Việt và do đó không để lòng trau dồi nó. Tôi cứ nhớ mãi một truyện ngắn của Alphonse Daudet nhan đề là Buổi học cuối cùng. Tác giả kể: Lúc bấy giờ Đức đã chiếm mất vùng Alsace và Lorraine. Ngày mai là các thầy giáo Đức đến dạy tiếng Đức, buộc học sinh Pháp phải học để trở thành người Đức. Buổi chiều hôm ấy thầy giáo Pháp mời cha mẹ học sinh đến lớp để từ biệt, thầy bận áo quần đẹp như ngày lễ, cha mẹ họe sinh cũng ăn bận tử tế. Mọi người vào lớp đứng dậy chào cờ rồi thầy nói: “Các em ơi hôm nay không có bài học. Ngày mai các em sẽ có thầy khác, và học tiếng khác. Giọng thầy rưng rưng nước mắt: nhưng về nhà các em phải tiếp tục học tiếng Pháp với bố mẹ, nói tiếng Pháp với anh em bà con. Các em hãy nhớ rằng: “Khi một dân tộc bị nô lệ mà còn giữ được tiếng nói mẹ đẻ của mình, thì dân tộc ấy vẫn giữ được trong tay cái chìa khoá của tự do, độc lập”. Truyện ngắn này, tác giả viết rất xúc động với cả lòng yêu nước và yêu văn hoá dân tộc của mình. Chúng tôi lúc đó cũng một nỗi lòng như Daudet. Anh Nguyễn Xuân Sanh đã cùng tôi “xuất bản” một tạp chí văn học hàng tuần, lấy tên là “Bước đầu”, xuất bản nghĩa là hai anh em chép tay vào một quyển vở rất đẹp những bài văn, bài thơ mà chúng tôi đã sáng tác trong tuần cho số tạp chí: có thơ, có truyện ngắn, có xã luận, có cả bài bình luận văn học nữa. Trước Cách mạng tháng Tám tôi còn giữ được mấy số “tạp chí” này. Vừa rồi anh Xuân Sanh và tôi có kỷ niệm năm mươi năm ngày xuất bản tạp chí hàng tuần này, kỷ niệm nghĩa là ngồi nhắc lại với nhau “cái thuở ban đầu văn học ấy” chỉ nhắc thôi nhưng lòng đầy xúc động.Các thầy học của tôi ở trường Quốc họcNhư trên đã nói, chúng tôi có may mắn gặp được nhiều giáo sư người Việt, rất tốt. Tôi biết ơn các thầy không những đã trang bị kiến thức cho tôi theo chương trình của nhà trường, mà còn gợi ý cho tôi về trách nhiệm làm người, về hứng thú làm được cái gì hay và dẹp ở đời.Thầy Lê Xuân Phương, đảng viên của Đảng Tân Việt Thầy dạy tôi các môn sử ký, địa lý, và tiếng Việt ở cả ba năm đệ nhất, đệ nhị, đệ tam. Thầy giảng rất kỹ những đoạn thơ trích ở Cung oán ngâm khúc và Chinh phụ ngâm. Cách diễn giảng của thầy không có sức thu hút theo kiểu hùng biện, nhưng lại làm cho chúng tôi rất chăm chú nghe vì thầy giảng sâu, và dường như có những ý sâu kín, những ý tâm đắc mà thầy chưa biểu hiện hết qua lời giảng của thầy. Tôi còn nhớ mãi thầy giảng mấy câu thơ của Chinh phụ ngâm mà mất cả một tiết học:Hồn tử sĩ gió ù ù thổiMặt chinh phu trăng dõi dõi soiChinh phu, tử sĩ mấy ngườiNào ai mạc mặt, nào ai gọi hồnDầu binh lửa, nước non như cũKẻ hành nhân qua đó chạnh thươngPhận giai già ruổi chiến trườngChàng Siêu tóc đã điểm sương mới về...Thầy tả ngọn gió hiu hắt thổi lạc những hồn chiến sĩ và ánh trăng trên mặt chinh phu với một giọng rất xúc động, làm cho chúng tôi ngồi trong lớp học, giữa bốn bức tường dày mà cảm giác được cái hiu hắt, cái xa vắng, cái lạnh lùng của chiến trường... Thầy Phương dạy sử Việt Nam theo chương trình thì thầy bảo chúng tôi học theo quyển sách của Maybon, nhưng lúc giảng thì thầy phát triển rất nhiều, và thầy gài vào lời giảng những ý gợi lòng yêu nước. Những ngày gần tết và những ngày gần nghỉ hè, chương trình đã học xong, thi học kỳ cũng kết thúc rồi, đến giờ sử, hoặc giờ Việt văn, thầy bảo chúng tôi đóng kín cửa lại, rồi thầy nói chuyện quốc sự, tất nhiên là nói gần nói xa thôi, nhưng chúng tôi cũng đủ hiểu. Chính thầy Lê Xuân Phương đã cho anh Tố Hữu trốn vào nhà và giấu kín hơn một ngày, khi anh Tố Hữu bị mật thám lùng bắt năm 1937.Thầy Đoàn Nồng dạy chúng tôi môn Pháp văn năm thứ nhất và năm thứ ba. Thầy là một trong những giáo sư xuất sắc của trường, và có phong cách ít nhiều tài tử. Thầy giảng thơ văn Pháp sâu và tế nhị, thường hay nhắc đến tiểu sử của các tác giả để soi sáng lời bình luận tác phẩm của các nhà phê bình và của bản thân thầy. Thầy giảng hứng thú, và mỗi lần giảng lại bài đã học thì thầy lại có những nhận xét mới, những khám phá mới. Giảng bài văn đối với thầy cũng là một sự sáng tạo. Thầy có cho đăng trong một tờ báo bằng tiếng Pháp dành cho học sinh là tờ AJS (nghĩa là Bạn của thanh niên hiếu học), bài luận văn của thầy lúc tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Luận văn ấy “La-mác-tin và Nguyễn Du, hai nhà thơ trữ tình”, được giới học sinh chúng tôi rất hoan nghênh và xem đó là một kiểu mẫu về bình luận văn học.Thầy dạy tiếng Pháp, nhưng thấy những học sinh nào trau dồi tiếng Việt, làm thơ tiếng Việt thì thầy rất khuyến khích, và tỏ ý mừng. Thầy Nồng có viết một quyển nghiên cứu “Nghệ thuật hát bội” mà giới nghiên cứu sân khấu đánh giá cao, về mặt tư liệu cũng như về mặt suy nghĩ và nhận định nghệ thuật. Thầy hay rủ học sinh đến nhà thầy chơi những ngày chủ nhật. Nhà thầy ở xóm Đập Đá, gần thôn Vĩ Dạ, một ngôi nhà nhỏ, có vườn nhỏ, ở trong bày biện đơn sơ, đúng là nhà một giáo sư thanh bạch. Ở phòng giữa thầy treo một ảnh to của thi hào Vichto Huygô, mà thầy cho là một con người lý tưởng về cuộc sống cũng như về sáng tạo văn học, nghệ thuật. Thầy vẫn dặn chúng tôi: “Học được cái đẹp trong sách vở, ta cũng phải cố gắng sống cho đẹp trong đời”. Sau ngày miền Bắc giải phóng, thầy Nồng làm hiệu trường trường Chu Văn An (trường Bưởi cũ) tôi vẫn thường đến thăm thầy, và hai thầy trò lại đàm đạo văn chương như thuở thầy còn ở trường Quốc học.Thầy Nguyễn Đình DụThầy Nguyễn Đình Dụ dạy chúng tôi môn khoa học tự nhiên năm thứ nhất, năm thứ hai, và dạy toán chúng tôi năm thứ ba. Trước kia thầy dạy ở trường trung học Cần Thơ sau mới đổi ra trường Quốc học. Thầy Dụ rất nghiêm giảng bài rất chặt chẽ, giảng môn khoa học tự nhiên miệng nói tay vẽ hình trên bảng rất rõ và rất đẹp. Dạy toán thì thầy hay ra bài làm ở lớp, và có bài về nhà làm nữa. Chấm xong, thầy giữ lại những bài ưu nghĩa là không những có đáp số đúng, mà giải trình cũng gọn và có nghệ thuật. Tôi cũng sung sướng được ghi lại đây rằng tôi đã có vinh dự được thầy giữ một số bài của tôi, sau này đến thăm thầy thầy còn nhắc tới. Có một năm (năm thứ ba), để mừng tết thầy các bạn trong lớp cử tôi đọc lời chúc mừng bằng tiếng Pháp. Lớp đã chuẩn bị mua một bó hoa tươi thật đẹp để tặng thầy, nhưng luống cuống thế nào mà lại không mua được, sau cùng bạn được phân công mua về một bó hoa giấy, hoa giấy làm rất giống, rất đẹp, chủ yếu là hoa hồng. Trong lời chúc mừng, tôi không kịp chữa lại cứ đọc là “Xin tặng thầy bó hoa tươi thắm....Thầy cảm động cầm lấy bó hoa giấy, cảm ơn cả lớp rồi thầy mỉm cười nói thêm: “Những bông hoa này chắc là nó tươi mãi mãi, vì tôi sẽ bỏ vào lọ mà không phải tưới nước.... Chúng tôi xấu hổ quá, đỏ mặt, nhưng thầy thông cảm với chúng tôi và để an ủi chúng tôi thầy nói thêm: “Hồi còn đi học, tôi cũng đã một lần chúc tết thầy học như thế này.... Thầy Dụ trong kháng chiến chống Pháp là một cán bộ cốt cán của ngành giáo dục, đóng góp nhiều vào sự phát triển của ngành.Sau khi giải phóng miền Bắc thầy được cử làm giám đốc Sở giáo dục Hà Nội trong nhiều năm. Hiện nay thầy đã về hưu, tôi thường đến thăm thầy và nhắc lại những năm học với thầy ở Quốc học, thầy nói còn nhớ tôi học toán giỏi, không ngờ tôi lại đi vào con đường văn thơ...Thầy Mai Trung ThứThầy Mai Trung Thứ (tức là hoạ sĩ Mai Thứ) dạy chúng tôi về môn vẽ, mỗi tuần có một tiết. Thầy Thứ gần như không nói một câu nào suốt cả giờ học. Thầy chỉ bảo chúng tôi vẽ một vật gì đặt giữa lớp (một bình hoa, một cái ché, một đầu pho tượng bằng thạch cao...) rồi thầy ngồi thầy vẽ. Gần cuối giờ thầy gọi chúng tôi lần lượt đưa bài vẽ lên để thầy chấm. Đôi mắt thầy rất to nhìn vào bức vẽ của mỗi người, thầy chỉ giơ bút quệch quặc chữa lại vài đường nét và nói bằng tiếng Pháp “Xà xà... rồi cho điểm.Thầy không bao giờ giải thích cho chúng tôi nguyên tắc và phương pháp vẽ, cứ để chúng tôi tự nhiên vẽ được sao thì thầy chấm nấy, vì có lẽ thầy cũng nghĩ rằng môn này là môn phụ, Ban Giám đốc chẳng chú ý mà học trò thì cũng học qua quít mà thôi. Tôi nhắc đến thầy Thứ vì thầy là một hoạ sĩ có tài vẽ chân dung bằng sơn dầu rất đẹp. Cứ vài năm một lần, thầy lại có một triển lãm những tranh sơn dầu của thầy (phần lớn những chân dung phụ nữ) ở hiệu thuốc tây Imbert. Những chân dung của thầy vẽ đẹp, đẹp về nghệ thuật, nhưng phải nói thầy cũng chọn những đối tượng rất đẹp để vẽ. Có lần thầy vẽ chân dung một bà, vợ một y sĩ, mà “giam” người mẫu hai ba ngày liền trong xường vẽ của mình, làm cho ông y sĩ hết sức hoang mang, nhưng cũng không dám can thiệp. Sau này sang công tác ở Pa ri tôi có gặp lại hoạ sĩ Mai Thứ, và tôi có nhắc lại với thầy câu chuyện vui này thì thầy hoạ sĩ vẫn nói với đôi mắt to nhìn tôi cười: “Đó là một nhược điểm của tuổi trẻ, anh hiểu chứ!...Thầy Bửu Cân, người hoàng phái, dạy chúng tôi vật lý và hoá học từ năm thứ nhất đến năm thứ ba. Thầy dạy giỏi, nhưng năm trước dạy thế nào thì năm sau lặp lại y như thế, không bổ sung, không sáng tạo. Thầy có tính hài hước, hay cù cho học trò cười, nhưng thầy lại giữ nét mặt rất nghiêm, mọi người cười xong thầy mới nhếch môi mỉm cười một tí. Tôi cứ nhớ khi thầy giảng về ba trạng thái của các vật thì thầy nói: “Không phải chỉ có ba trạng thái mà là bốn: trạng thái đặc cứng, trạng thái lỏng, trạng thái hơi và trạng thái dẻo như là kẹo mè xửng và cứt gà sáp. Học trò cười, nhưng thầy không cười. Khi nào gọi học sinh đọc bài thì thầy bắt đầu gọi họ trước, và nhìn anh nào họ ấy mà luống cuống thì gọi tên anh ta. Có lần thầy gọi: “Cù”, tôi cứ ngồi yên, thầy gọi thêm: “Cù Huy”, tôi vẫn ngồi yên. Sau cùng thầy gọi đủ tên Cù Huy Cận tôi mới đứng dậy và lên bảng. Thầy hỏi: “Rứa chưa có mấy họ Cù trong lớp mà không chịu lên?” Nhưng đọc bài tốt, thầy vẫn cho điểm tốt. Thầy còn nói đùa: “Mai sau nếu anh làm thượng thư thì gọi “Cụ Cù” mà không gọi cụ Cận”.Hè 1935Kết thúc năm học đệ tam niên thành chung, hè 1935 tôi cùng hai bạn Nguyễn Xuân Sanh và Nguyễn Xuân Tám (anh Tám nay là Tổng cục phó Tổng cục Du lịch) rủ nhau ở lại Huế, và ở trọ nhà ông Đội Đán trên một ngọn đồi sau nhà ga Huế. Vợ chồng ông Đội Đán là người Quảng Nam, làm được cái nhà mái tranh vách toóc-si đã mấy năm trên dốc đồi này nhà không rộng lắm, nhưng xinh xắn, sạch sẽ, mát mẻ. Xung quanh nhà có một vườn nhỏ dưới bóng mát một cây đa to và cao. Đằng sau nhà có đường đi cỏ mọc hoang dại dẫn về khu vực đồi núi của ngoại thành Huế. Chỗ ở nửa thôn nửa thị này rất hợp với “gu” của chúng tôi, nửa muốn có cái tiện nghi của thành phố (điện, nước), nửa muốn hưởng cái êm ả, và vẻ đẹp của thiên nhiên. Cây cỏ xung quanh nhà, và nhất là trên con đường phía sau nhà còn vẻ hoang vu cho chúng tôi cảm giác sống một cuộc đời nửa phiêu lưu. Chiều chiều ba anh em chúng tôi, nhất là tôi và Xuân Sanh hay đi ra phía sau nhà nhìn đồi núi, xem mặt trời lặn có khi ngồi gốc cây cho đến tia nắng cuối cùng tắt ở chân trời đã mờ sương. Gặp buổi chiều mưa giông thì cả ba chúng tôi trần truồng ra tắm mưa ở ngoài sân dưới những cành đa, tưởng tượng mình như những người tiền sử. Mỗi tuần chúng tôi xuống phố một vài lần để mua ít quà bánh, và nhất là để mua sách, báo ở hiệu sách Hương Giang của anh Hải Triều. Trong ba chúng tôi, tôi là người nghèo nhất, anh Sanh không giầu gì nhưng cũng nhận được đều tiền của bố, một ông Thừa phái, gửi cho hàng tháng; anh Tám thì nhận được tiền của gia đình ở nông thôn (anh quê ở huyện Nam Đàn, Nghệ An), gửi cho đủ sống cả vụ hè. Ông Đội Đán là đội lính khố xanh, ông có học qua cấp tiểu học, người điềm đạm, và rất trọng những người trí thức. Nghe chúng tôi đàm luận văn chương, ông thường ghé nghe, tỏ ra rất thích thú. Có tháng chúng tôi không kịp trả tiền trọ, thì ông nói: “Không sao, chờ tựu trường, các anh lên lớp trả cũng không muộn. Các anh ở đây là vui nhà chúng tôi; các anh không nhiều tiền, nhưng nhiều văn chương, tôi cũng không giàu nhưng hâm mộ văn chương, thế là vui rồi”. Bà vợ ông Đán, cùng quê với ông, là một người dân quê hiền lành, chất phác. Bà làm cơm cho chúng tôi chung với gia đình, bữa cơm nhiều rau, rau muống, rau rền, thường có một ít cá, còn thịt thì một tuần được vài lần. Nhưng bữa nào cũng ngon miệng nhờ tương ngon để chấm rau muống và nhờ nước mắm Nam Ô mà chúng tôi rưới cơm rất ngon. Khi nào bà nghe ai nói điều gì không vừa ý thì bà chỉ cười và nói: “Vô duyên ôộng!” rồi cười, miệng nhóp nhép miếng trầu. Cuối hè, chúng tôi nợ một tháng cơm trọ. Sau tựu trường chúng tôi ra thăm nhà và trả tiền, thì hai vợ chồng ông Đội Đán lại thết chúng tôi một bữa cơm thịt gà khá thịnh soạn. Những tháng chúng tôi ở nhà ông Đội Đán, có nhiều kỷ niệm: Tháng 7 năm ấy, nhà văn Nguyễn Công Hoan mà tập truyện Kép Tư Bền vừa được nhà xuất bản Tân Dân phát hành, vào chơi Huế và có ghé ở hiệu sách Hương Giang một buổi chiều để tác giả ký tên vào sách cho những bạn đọc muốn gặp tác giả.Anh Hải Triều có báo trước vài hôm cho Xuân Sanh và tôi biết cái tin lý thú ấy. Chiều hôm đó, tôi và Xuân Sanh cùng một số bạn đọc khác xếp hàng để được bắt tay tác giả Kép Tư Bền và xin chữ ký. Anh Nguyễn Công Hoan lúc đó bắt đầu cắt tóc, kiểu vận động viên thể dục thể thao, khỏe mạnh, dáng lanh lẹ không nói chuyện nhiều nhưng vẻ mặt tươi cười mặc dầu không cười ra tiếng. Chúng tôi nhìn nhà văn Nguyễn Công Hoan, mà chúng tôi đã đọc một số truyện ngắn rất thích thú, với lòng cảm phục, kính trọng. Và qua việc nhà văn tiếp xúc với độc giả tuy trong một khung cảnh đơn sơ, và qua việc nhà văn ký tên vào sách mới ra của mình, chúng tôi như thấy được, như ngửi thấy được cái mùi vị của danh vọng văn chương...Đến lượt chúng tôi đưa sách xin anh ký, anh Nguyễn Công Hoan cũng bắt tay chặt như đối với mọi người, và hỏi thêm: “Các bạn học ở đâu, các bạn có viết văn không?”. Chúng tôi giả lời qua loa, vì còn nhiều người nữa đợi xin chữ ký. Anh Hải Triều nói cho anh Hoan biết rằng chúng tôi là những học sinh ưu tú trau dồi tiếng Việt, và hâm mộ văn thơ hiện tại của nước nhà.Chúng tôi thấy náo nức trong lòng, và đứng lại ở hiệu sách chờ cho nhà văn Nguyễn Công Hoan đi khỏi chúng tôi mới trở về nhà trọ. Về nhà rọc sách ra xem, sách thơm mùi giấy mới và mùi mực in, như nó là hương vị của văn chương.Cuốn tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh cũng phát hành vào hè năm ấy, nhưng không có tác giả đến Huế để chúng tôi xin chữ ký. Xuân Sanh và tôi đã mỗi người mua một bản mang về nhà trọ, trân trọng đọc lại cho nhau nghe, vì truyện này chúng tôi đã đọc hàng tuần trên báo Phong hoá. Ở hiệu sách Hương Giang, chúng tôi còn mua nhiều sách cũ, các tác phẩm của văn học cổ điển và văn học hiện đại nhất là các tập thơ Pháp của các trường phái lãng mạn, thi sơn, tượng trưng... Chúng tôi cũng mê mua sách bình luận văn học của Sainte Beuve, của Faguet Lanson. Nhất là anh Tám rất mê xem sách của Sainte Beuve, với kỳ vọng một ngày kia sẽ trở thành một nhà nghiên cứu, phê bình văn học sâu sắc và tế nhị đi sâu vào tâm lý của nhân vật và của tác giả. Chúng tôi càng tìm mua những sách văn học Việt Nam như Văn đàn bảo giám, Hán Việt văn khảo, các sách văn học xưa do ông Nguyễn Văn Ngọc sưu tầm và dẫn giải, và Văn học tạp chí (của nhóm Dương Bá Trạc)...Anh Hải Triều, mà chúng ta đều biết là nhà lý luận văn học mác-xít, cũng ham đọc rộng, và cũng thường thức cái hay của văn chương cổ điển và lãng mạn, chứ không bó hẹp sự hưởng thụ thẩm mỹ của mình trong dòng văn học vô sản. Và anh cũng biết tích luỹ những sách hay cho bạn đọc thân quen của anh. Có những lần anh nói với Xuân Sanh và tôi: “Có mấy quyển hay để dành cho hai anh đấy, tôi giấu trong nhà, bày ra tủ hàng sợ họ mua mất”. Chúng tôi nói là chưa có tiền thì anh bảo cứ mang sách về, khi nào có tiền thì trả sau. Chính ở hiệu sách Hương Giang, lần đầu tiên tôi gặp anh Hoài Thanh, lúc đó làm ở nhà in Đắc Lập, và ở trong Ban biên tập báo Tràng An cũng do nhà in Đắc Lập (của ông Bùi Huy Tín) phát hành. Anh Hoài Thanh người cao, da mặt hơi rám nắng, mắt to và sáng, anh bận bộ âu phục simili trắng, ca vát đen, cả người anh toát ra một vẻ gì chặt chẽ và mực thước.Lúc tôi xem những bài bình luận văn học của anh trên báo Tràng An, nhất là bài anh viết về Thế Lữ thì tôi lại đoán hiểu ở nơi anh một tâm hồn đằm thắm, có một sự say mê thầm kín. Tôi nhớ mãi cái ý anh viết về Thế Lữ “Đọc thơ Thế Lữ cho chúng ta một xúc động bâng khuâng như bâng khuâng một buổi chiều cuối xuân đầu hạ.... Hải Triều và Hoài Thanh sẽ bút chiến kịch liệt về nghệ thuật, nhưng hai anh trò chuyện với nhau rất tự nhiên, nếu không thân mật thì cũng là hoà nhã, và tôn trọng lẫn nhau. Tôi còn trở lại nói về anh Hoài Thanh trong một hồi sau.Anh Hải Triều, tức là Nguyễn Khoa Văn, một người hoạt động cách mạng sớm như chúng ta đã biết, là con bà Đạm Phương Nữ Sĩ. Anh người thấp, mắt hơi mại mại, miệng cười tươi và nói chuyện rất có duyên. Vợ anh, chị Tuyến là con cụ Hàn Mạn Tử, Giao Thiều một vị nhà nho học rộng, là người đã hiệu đính quyển Hán Việt từ điển cho ông Đào Duy Anh. Hai vợ chồng anh làm nghề bán sách, bán báo một cách hứng thú và chắc chắn ngoài lý do sinh nhai, anh Hải Triều còn sử dụng hiệu sách của anh như một nơi tuyên truyền văn hoá tiến bộ, và có lẽ là một nơi liên lạc bí mật của những người hoạt động cách mạng nữa. Sau này tôi có hỏi anh về điểm này thì anh cho biết cũng có như thế, nhưng hết sức hạn chế, vì mật thám nó theo dõi rất sát. Anh Hải Triều để lại cho chúng tôi một ấn tượng sâu sắc, ấn tượng của một nhà báo tiến bộ, của một người hoạt động văn hoá năng động, của một người trí thức cách mạng gắn bó với truyền thống văn hoá của dân tộc. Gần anh, người ta có cảm giác gần một người bạn, ý kiến có thể bất đồng với nhau nhưng tình bè bạn vẫn đậm đà, đượm tình nhân ái.Cũng hè 1935, anh Nguyễn Xuân Sanh, anh Nguyễn Xuân Tám và tôi rủ nhau đi La Vang ở Quảng Trị một nơi hành hương của đồng bào công giáo. Chúng tôi đi xe lửa đến ga Quảng Trị, rồi theo đồng bào đi bộ về La Vang trong buổi lễ trọng của nhà thờ La Vang. Lần đầu tiên chúng tôi mục kích sự biểu hiện của lòng tín ngưỡng cao độ của một đám đông người phần lớn là nông dân nghèo, trên một mảnh đất khô cằn. Sau hồi chuông nhà thờ đổ, tiếng cầu kinh của đám đông tín đồ này rào rào lên như tiếng sóng biển chiều hôm, và từng đợt, từng đợt đám người đông đảo cúi rạp xuống như một ruộng lúa có ngọn gió mạnh thổi qua. Chúng tôi có một cảm giác và một cảm tưởng khó tả: nửa cảm phục đồng bào có một lòng tin sâu mạnh gần như là một bản năng, nửa lại thấy ái ngại về lòng tin này, nó gần như một sự mê mẩn.Chúng tôi cũng đã từng đọc những sách Pháp nói về đạo của chúa Giêsu, và cũng đã đọc những trích đoạn của Kinh thánh, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với đám con chiên của Chúa, mà chúng tôi không thấy giống lắm với những hình ảnh đã tả trong các sách được đọc. “Chúa của những người nghèo” đã đến với những người dân nghèo ở Quảng Trị, ở Trung Kỳ trong một nỗi bâng khuâng khó tả. Anh Tám, anh Sanh và tôi đi La Vang về cứ trao đổi cảm tường về chuyến đi và có một nỗi buồn không phải day dứt nhưng cũng bàng hoàng hàng tháng...Cũng trong mùa hè này một buổi chiều cơm xong ba anh em cao hứng rủ nhau mang chiếu lên đỉnh núi Ngự Bình để ngủ lại một đêm trên đó. Chúng tôi đi đường quanh co, cho có vẻ phiêu lưu, và lúc đến gần đỉnh núi thì trời nhá nhem tối. Bỗng nhiên chúng tôi thấy đường xa xa có mấy ngọn đuốc đi tới, chúng tôi hơi rợn mình, sợ là ăn cướp. Chúng tôi lánh ra một bên, giấu mình trong bụi rậm thì đoàn người cầm đuốc đi qua một cách yên ổn, hiền lành; họ đi săn từ trong núi về, và hình như có gánh về được một con lợn rừng khá to. Họ mượn đường núi Ngự Bình để đi tắt về làng mà thôi. Chúng tôi đêm ấy ngủ trên đỉnh núi, gió mát nhưng gần sáng thì sương lạnh, may mà có mang chăn đơn theo. Ba anh em thức, nói chuyện văn thơ, mãi quá nửa đêm mới ngủ. Chúng tôi thức dậy cùng một lần với mặt trời. Nhìn xuống sườn núi những giọt sương long lanh trên lá, trên cỏ, trong gió hây hây mát, làm chúng tôi khoan khoái, say sưa. Rồi chúng tôi đi hái những chùm lá, những chùm hoa của những cây dại mà chúng tôi không biết tên để mang về ép vào trong sách làm kỷ niệm, chẳng khác nào những nhà thảo mộc học đi góp nhặt những tiêu bản qua những cuộc khảo sát thiên nhiên. Những lá ép hoa ép này tôi còn giữ mãi một vài mẫu cho đến ngày nay, nó cũng như là những tiêu bản của tuổi thanh niên đầy mơ mộng.