1. Chiêu khích tướng của Gia Cát Lượng Lại nói Tào Tháo muốn thôn tính Kinh Châu nên nóng lòng đợi cơ hội. Từ bên Kinh Châu nhìn sang bên kia sông là đại bản doanh công ty màn hình Tiểu Bá Vương của tập đoàn Đông Ngô. Theo chiến lược của Tào Tháo, sau khi thôn tính được Kinh Châu, Đông Hán sẽ tấn công Đông Ngô để thống nhất thiên hạ. Ngày Tào Tháo mong chờ đã đến, con ngựa đốm Lưu Biểu bỗng trúng gió, sóng gió nổi lên trong tập đoàn Kinh Châu. Điều tệ hại nhất cuối cùng đã xảy ra, Gia Cát Lượng nói: - Lưu Biểu tuổi đã cao, bệnh kỳ này e không dậy được. Tập đoàn Kinh Châu sẽ thay chủ mới, chúng ta phải tính trước thôi. Lưu Bị nói: - Cơ sở sự nghiệp của tôi đặt hết ở Kinh Châu, giờ lâm đại nạn, tôi biết chạy đi đâu? Gia Cát Lượng nói: - Trước mắt hãy đến tập đoàn Đông Ngô của Tôn Quyền. Một khi Tào Tháo hạ Kinh Châu, mục tiêu tiếp theo sẽ là Đông Ngô. Chỉ cần hai bên kề vai sát cánh là cơ sự có thể cứu vãn. Lưu Bị nói: - Đông Ngô là tập đoàn lớn, nhân tài chen chúc, không biết họ có dung chúng ta không? Gia Cát Lượng nói: - Đại địch đã trước mặt, Đông Ngô tất phải phản ứng. Hôm qua, giám đốc thị trường tập đoàn Đông Ngô Lỗ Túc đã gọi điện cho tôi để nghe ngóng tình hình Kinh Châu. Tôi đã hẹn với Lỗ Túc sang Đông Ngô gặp chủ tịch hội đồng quản trị Tôn Quyền. Lưu Bị nói: - Đã vậy, ông hãy mau tới để thiết lập quan hệ với Đông Ngô. Một khi Kinh Châu chìm xuồng. Tôn Quyền có lẽ sẽ quẳng cho chúng ta cọng cỏ cứu mệnh. Gia Cát Lượng lập tức lấy vé đi Đông Ngô. Ngày hôm đó, Lưu Biểu lặng lẽ từ trần. Tào Tháo và quan chức Bộ Công nghiệp Điện tử đích thân đến tập đoàn Kinh Châu dâng vòng hoa viếng. Trưa hôm sau, được Lỗ Túc dẫn tiến, Gia Cát Lượng gặp chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Đông Ngô Tôn Quyền. Tôn Quyền hỏi: - Nghe nói Tào Tháo sắp lấy Kinh Châu, anh còn chạy đến chỗ tôi làm gì? Gia Cát Lượng hỏi lại: - Tôi là quân của công ty Hoàng Tộc, Tào Tháo lấy Kinh Châu thì việc gì đến tôi? Tôn Quyền cười cười, lại hỏi: - Tào Tháo là cao thủ đầu tư, hôm nay nuốt Kinh Châu, không biết ngày mai sẽ nuốt ai? Tiên sinh hiện là đương kim Gia Cát Lượng, chắc chắn có kiến giải độc đáo về thế cục trước mắt. Gia Cát Lượng nói: - Tào Tháo được Kinh Châu, chắc chắn sẽ phóng tầm mắt xuống Giang Nam, mục tiêu tới đây không phải Đông Ngô thì là gì? Tôn Quyền vẫn tiếp tục hỏi: - Theo ý tiên sinh, tôi nên bắt chước tập đoàn Kinh Châu theo Tào, hay là cùng hắn ta so một trận cao thấp trên thương trường? Gia Cát Lượng nói: - Tôi đến diện kiến ngài vì nghĩ chủ tịch hội đồng quản trị Tôn là bậc anh hùng. Nay ngài hỏi như vậy, rõ ràng là không đủ tự tin. Đã vậy, tôi khuyên ngài chủ động theo Tào là xong. Tôn Quyền sững người, rồi cười nhạt: - Tiên sinh muốn trêu tôi sao? Xin hỏi tiên sinh, vì sao Lưu Bị không theo Tào? Gia Cát Lượng nói: - Lúc còn sống, Lưu Biểu đã ví Tào Tháo với sư tử hung ác. Theo sư tử, chẳng phải là tự nằm lên thớt sao? Nay Lưu Biểu chết đi, tập đoàn Kinh Châu rơi vào tay Tào Tháo, truyện ngụ ngôn của Lưu Biểu đã ứng nghiệm. Hoàng Tộc tuy là công ty nhỏ, song tổng giám đốc Lưu của chúng tôi là người khí cốt, thà chết không khuất phục. Hàng Tào Tháo sao được? Chợt Tôn Quyền nổi giận, quát: - Lẽ nào trong mắt anh tôi chỉ là phường tham sống sợ chết? Vừa nói, Tôn Quyền vừa đứng dậy, đi nhanh ra khỏi phòng khách, để lại Gia Cát Lượng chơ vơ một mình. Lát sau, Lỗ Túc vào phòng và trách Gia Cát Lượng: - Chủ tịch hội đồng quản trị của chúng tôi là người phóng khoáng, làm sao ông lại khiến ông ta giận dữ đến vậy? Gia Cát Lượng nói: - Tự ông ta thấy khó chịu, trách gì tôi. Tôi đến đây để bàn bạc kế đối phó Tào Tháo, tôi cũng giận đây này! Lỗ Túc nói: - Tiên sinh có diệu kế gì? Thay mặt chủ tịch Tôn, tôi xin ông thỉnh giáo! Gia Cát Lượng nói: - Thế lực Tào Tháo bề ngoài tuy rất mạnh, nhưng với tôi, chẳng qua chỉ là thiêu thân mà thôi. Chỉ cần tôi vung tay một cái, bọn họ sẽ nát như cám. 2. Bí quyết Trương Phi đại náo cầu Tràng Bản Lỗ Túc đến phòng chủ tịch hội đồng quản trị gặp Tôn Quyền, Tôn Quyền nói: - Tên Gia Cát Lượng này đã có mưu hay, cố tình dùng kế khích tướng để khiến tôi nổi giận. Tôi vì thiển kiến mà lỡ mất đại sự. Nói rồi, Tôn Quyền quay lại phòng khách xin Gia Cát Lượng tiếp tục trình bày. Gia Cát Lượng vội đáp lễ, nói: Vừa rồi lỡ mạo phạm, xin chủ tịch Tôn mở lượng hải hà. Tôn Quyền cầm tay Gia Cát Lượng mời dùng trà chiều, Lỗ Túc theo sau. Ba người tới quán trà nghệ thuật "Nghìn tầng tuyết", chọn một bàn sát cửa sổ, vừa pha trà vừa đàm luận binh pháp. Lỗ Túc nói: - Vừa qua nghe ông bảo có diệu kế phá Tào, có thể nói cho chủ tịch hội đồng quản trị chúng tôi nghe được không? Gia Cát Lượng nói: - Nhìn bề ngoài, Tào Tháo sừng sững như núi dựng trước mặt, là một công ty quy mô rất lớn. Trên thực tế, hắn chẳng qua chỉ là núi giấy. Trận Xích Bích năm xưa, liên quân Lưu – Tôn há chẳng phải đã đốt 130.000 quân Tào sao? Quân hùng tướng mạnh như vậy, hóa ra không chịu nổi một mồi lửa. Xem ra hắn vẫn chưa rút ra được bài học năm xưa, vẫn theo vết xe đổ. Tôn Quyền "ầy" một tiếng, nói: - Ngày xưa khác, ngày nay khác. Tiên sinh đừng nhìn người bằng con mắt người xưa nữa. Gia Cát Lượng nói: - Công ty có thành công hay không, quan trọng là nó mạnh như thế nào, chứ không phải nó to như thế nào. Công ty Tào Tháo nay "hư" thì to, "thực" thì lắm bệnh, lẽ nào chịu nổi một đòn? Tôn Quyền nói: - Ông bảo công ty Tào Tháo lắm bệnh, là bệnh gì vậy? Gia Cát Lượng nói: - Công ty Tào Tháo mắc bệnh "đau đầu tổng hợp", bệnh này có hai triệu chứng điển hình: một là "hoa mày, chóng mặt, tai ù", thứ hai là "bụng rát, lưng đau, khí huyết hư". Tôn Quyền hỏi: - Thế nào là "hoa mày, chóng mặt, tai ù"? Gia Cát Lượng nói: - Nói "hoa mày chóng mặt tai ù" để chỉ quyết sách kinh doanh của Tào Tháo. Từng có thời nhà sáng nghiệp Tào Tháo hành động thận trọng, tư duy lạnh lùng, giỏi chớp thời cơ và khéo tránh nguy hiểm. Mọi người chắc còn nhớ chuyện "Tào Tháo dâng dao". Vốn Tào Tháo cầm dao tới định giết Đổng Trác, thấy tình huống bất lợi bèn vội dâng dao cán ngọc tặng Đổng Trác. Song, Tào Tháo nay hành động không còn thận trọng như xưa, thành công làm ông ta trở thành kẻ trên tiên, tưởng không việc gì trên đời này mình không làm được nên nhắm mắt tung hoành. Vì chứng "chóng mặt" nên ông ta đã mất năng lực quan sát thị trường tinh mẫn của mình, dẫn đến chứng "hoa mày" khi quyết định chiến lược, cứ nghĩ rằng dễ dàng "hát để vịnh chí". Thực hiện chiến lược, ông ta chỉ dựa vào kinh nghiệm, ý ta ta làm, tai ù không nghe lời trung thực. Một khi xảy ra "địa chấn" là cơ nghiệp sụp đổ. Tôn Quyền lại hỏi: - Thế còn "bụng rát, lưng đau, khí huyết hư"? Gia Cát Lượng nói: - Nói "bụng rát, lưng đau, khí huyết hư" để chỉ trách nhiệm, hiệu quả công việc của Tào Tháo. Khi Công ty mới thành lập, các cấp quản lý còn ít, thông tin nội bộ thông suốt kịp thời, ý thức hợp tác giữa các bộ phận còn mạnh. Nhưng khi công ty phát triển tới một quy mô nhất định, các sự vụ quản lý sẽ trăm đầu nghìn mối, cơ cấu phòng ban chồng chéo, quan hệ nội bộ công ty phức tạp, quản lý và nhân viên lao vào đấu đá. Khi đó, nhiều giám đốc chi nhánh sẽ không còn nghĩ tới tiến thủ, ngoài miệng hô hào nhưng trong thì đục khoét công ty. Giống như người béo bệu, đi một bước lại thở hổn hển, bất kỳ lúc nào cũng có thể trúng gió hay nhồi máu cơ tim mà chết. Tôn Quyền nói: - Ông bảo công ty Tào Tháo mang bệnh, có gì chứng thực không? Gia Cát Lượng hỏi: - Các ông nghe chuyện hai vị anh hùng ở dốc Tràng Bản chưa? Lỗ Túc nói: - Tất nhiên nghe rồi. Một vị là Triệu Vân đơn thương độc mã bảy lần tiến, bảy lần rút giữa trăm vạn quân Tào để cứu A Đẩu con Lưu Bị. La Quán Trung có thơ khen rằng: "Hổ thiêng vùng vẫy trong quân Tháo; Rồng nhỏ nằm trọn bọc Tử Long". Vị kia là Trương Phi, cũng đơn thương độc mã đứng đầu cầu Tràng Bản mà hét lớn, quân tướng Tào sợ hãi nhất tề bỏ chạy, người ngựa giẫm đạp nhau, chết không biết bao nhiêu mà kể. La Quán Trung có thơ khen rằng: "Bên tai một tiếng vang như sấm; Khiếp vía quân Tào vội rút nhanh". Công ty Lưu Bị tuy nhỏ nhưng lại có nhân viên kiệt xuất khiến người đời phải cảm phục! Gia Cát Lượng cười thoải mái: - Vì sao Triệu Vân có thể đơn thương độc mã, bảy lần tiến, bảy lần rút giữa trăm vạn quân Tào? Ngoài chuyện anh ta dũng cảm, còn nguyên nhân khác là nhân viên công ty Tào Tháo thiếu tinh thần hợp tác. Tục ngữ có câu "mãnh hổ nan địch quần hồ", đừng nói là trăm vạn, chỉ cần trăm người đồng tâm hiệp lực thì Triệu Vân có chạy đằng trời. Tôn Quyền gật đầu vẻ ngẫm ngợi. Gia Cát Lượng nói: - Còn kết quả tiếng thét của Trương Phi khiến người ta không thể hiểu nổi. Điều đó chứng minh công ty Tào Tháo béo bệnh, sợ đến cả một tiếng thét. Tôn Quyền nói: - Hóa ra Tào Tháo ngoài mạnh trong yếu, nhưng rốt cuộc nguyên nhân do đâu? Gia Cát Lượng nói: - Sở trường của Tào Tháo chẳng qua là khéo đầu cơ. Ông ta xuất thân từ xí nghiệp nông thôn, sau đó dùng phương thức quốc hữu dân doanh để kinh doanh đồ nhựa ở Sùng Châu, Sơn Đông, rồi phất lên nhờ đầu tư nhà đất ở Hứa Xương, Hà Nam, cuối cùng là nhờ Hán Nam Đế mà Tào Tháo lắc mình một cái thành Tổng giám đốc công ty nhà nước Đông Hán. Nói thực, nhiều khả năng Tào Tháo không biết gì về cái gọi là quản lý công ty. Tôn Quyền nói: - Tối qua tôi vừa đọc trên mạng thấy kết quả cuộc điều tra hệ thống lần thứ bảy về giới kinh doanh Trung Quốc, hầu hết các nhà kinh doanh đều lấy kinh nghiệm để quản lý công ty. Họ không hề qua lớp huấn luyện về hệ thống quản lý công – thương nghiệp, cũng lơ mơ về kỹ năng, phương pháp và khoa học quản lý. Ban đầu những khiếm khuyết này không lộ rõ, phát triển đến một giai đoạn nhất định, nó sẽ hết sức nguy hại. Gia Cát Lượng nói: - Chủ tịch Tôn nói rất đúng. Suy cho cùng, quản lý công ty là một hình thức hoạt động văn hóa. Hai công ty sáp nhập, nền văn hóa công ty hai bên không dung hợp tất gây xung đột. Năm xưa Tào Tháo thôn tính Viên Thiệu, tuy lập kỳ tích rắn nuốt voi, song cái đầu voi chưa tiêu hóa hết vẫn làm khổ cái dạ dày rắn. Đến giờ vẫn còn nhiều cấp dưới cũ của Viên Thiệu giữ chí hướng khác, không thực bụng theo Tào. Nay Tào Tháo lại lập đại công sáp nhập được Kinh Châu, cái dạ dày ông ta lại sắp đau một chập đây. Tôn Quyền nghĩ ngợi, hỏi: - Tiên sinh cho rằng chúng tôi nên ra đòn thế nào? Gia Cát Lượng nói: - Chúng ta nên chuẩn bị ứng chiến thật tốt. Tào Tháo tin rằng với tốc độ phát triển như thế này, ông ta sẽ nén cơn đau dạ dày để xơi nốt đại tiệc Đông Ngô. Xưa Trương Phi đã thét một tiếng lui trăm vạn quân Tào, nay chúng ta cũng nên cho ông ta một mồi lửa nữa thôi! 3. Lửa thiêu màn hình, trận Xích Bích mới Bỗng Gia Cát Lượng nhớ tới một người, bèn hỏi: - Chủ tịch Tôn, sao không thấy CEO mới của tập đoàn Đông Ngô Chu Du? Tôn Quyền nói: - Anh ta đang tham gia đại hội quảng cáo của đài truyền hình trung ương. Tôi vừa gọi điện mời anh ta ngày mai quay về. Chu Du bay về và mang theo tin tức mới nhất về Tào Tháo. Tại đại hội trưng bày quảng cáo của đài truyền hình trung ương lần này, công ty của Tào Tháo trên bậc quần hùng không ngại gì mà chiếm ngay một chỗ to nhất. Tào Tháo vung bút lớn làm chấn động thị trường quảng cáo Trung Quốc. Dòng chữ điện tử Anh Hùng được quảng cáo liên tục trên đài truyền hình trung ương. Mật độ quảng cáo quá dày khiến màn hình ti-vi nóng rực, vì thế mọi người gọi là "đại chiến Xích Bích". Tôn Quyền vội gọi Chu Du, Gia Cát Lượng bàn cách chung sức đối phó. Chu Du khách sáo với Gia Cát Lượng mấy câu rồi đi thẳng vào vấn đề: - Lần đốt tiền của Tào Tháo này thật điên rồ, mà cũng thật đáng sợ! Gia Cát Lượng cười: - Tào Tháo tự chuốc diệt vong, anh sợ làm gì? Chu Du sững người, hỏi: - Tiên sinh có thể nói rõ hơn được không? Gia Cát Lượng nói: - Trước tiên nói về quảng cáo. Tác dụng của quảng cáo là gì? Để nổi tiếng, đúng không? Song nổi tiếng chưa đủ, phải còn có tiếng tốt. Nếu không có tiếng tốt, người xem quảng cáo vẫn mua hàng của hãng khác. Chu Du thấy hứng thú, nói: - Làm người cũng vậy, có người danh thơm muôn thuở, có người tiếng xấu vạn niên. Cùng nổi tiếng song kết quả ngược nhau. Gia Cát Lượng lấy bút tiến tới chiếc bảng, nói: - Phân tích mối quan hệ giữa nổi tiếng và tiếng tốt, chúng ta nhận thấy những tình huống sau: 1. Nổi tiếng = tiếng tốt > 0 Đó là danh xưng thực, thương hiệu ở tình trạng tốt nhất, phản ánh mối quan hệ tương tác tích cực giữa nổi tiếng và tiếng tốt, rất có lợi phát triển thương hiệu. 2. Nổi tiếng > tiếng tốt > 0 Đó là danh quá thực. Công ty nên giảm quảng cáo thái quá mà hãy bám vào thực tế, khổ luyện nội công, chú trọng quản lý chất lượng và xây dựng văn hóa công ty, loại bỏ bong bóng trong thương hiệu. 3. Nổi tiếng > tiếng tốt = 0 Danh không xứng thực, thương hiệu là bong bóng, có ngày sẽ biến mất không dấu vết. 4. Nổi tiếng > 0, tiếng tốt < 0 Người ta thường gọi đó là tai tiếng. Thương hiệu này tất như ném sỏi xuống vực, không thể có ngày gặp lại. Gia Cát Lượng nói - Hiện nay thương hiệu Anh Hùng của Tào Tháo danh quá thực chất, bên trong đã sủi nhiều bong bóng mà người ngoài chưa được biết. Một khi bong bóng nổi lên, tiếng xấu nhất định sẽ lan nhanh, đẩy Tào Tháo tới chỗ không còn đất mà chôn. Chu Du nói: - Vậy hay lắm. Tôi sẽ phái ngay Hoàng Cái tới nằm vùng. Thế là Chu Du với Hoàng Cái liền diễn một vở kịch. Trong một hội nghị lãnh đạo quản lý tập đoàn, Hoàng Cái đề nghị Đông Ngô theo Tào Tháo. Chu Du nổi giận đùng đùng, kết tội Hoàng Cái theo chủ nghĩa thất bại. Mâu thuẫn hai người lên tới đỉnh điểm, Chu Du bắt Hoàng Cái viết bản kiểm điểm, Hoàng Cái lập tức từ chức, bỏ sang công ty của Tào Tháo. Chu Du mới làm CEO cho tập đoàn Đông Ngô có nửa năm, còn ít kinh nghiệm nên khiến nhiều bậc lão thành trong tập đoàn Đông Ngô bất mãn. Vì vậy Tào Tháo không nghi ngờ gì Hoàng Cái, ngược lại còn an ủi và giao trọng trách. Thời gian trôi nhanh, thoắt cái đã cuối năm, mùa mua sắm đồ điện tử đã tới. Mọi sự chuẩn bị đã xong, liên quân Lưu – Tôn chỉ còn "thiếu gió đông". Khi đó, Nhật báo Tam quốc phối hợp với các phương tiện truyền thông và cục Quản lý chất lượng tổ chức cuộc triển lãm rầm rộ "Chất lượng Tam Quốc", thu hút rất nhiều chú ý. Ngày 25 tháng 12, lễ Giáng sinh của phương Tây, trên tờ "Nhật báo kinh tế Tam quốc", Hoàng Cái viết một bài chuyên đề "Về mặt nạ Anh Hùng, xem mặt thật Tào Tháo". Bài báo dùng một lượng lớn bằng chứng để phản ánh tình trạng quản lý hỗn loạn và chất lượng sản phẩm không tốt của công ty Tào Tháo. Điều làm người tiêu dùng phẫn nộ nhất là công ty Tào Tháo dùng chiêu bài khuyến mại giảm giá sản phẩm để bán ra một lượng lớn hàng tồn kho kém chất lượng, gây ra một số vụ tai nạn bi thảm do ti-vi phát nổ. Như trò chơi domino, bài báo đã gây ra phản ứng dây chuyền, tai nạn liên tiếp giáng xuống đoàn quân hùng mạnh của Tào Tháo, kênh truyền hình nào cũng đưa ti-vi Anh Hùng phát nổ. Cùng lúc, Chu Du cầm đầu đoàn quân đầy khí thế thừa cơ xuất kích, chiếm một thị phần lớn. 5. Mượn gà mái đẻ, lập thế thương chiến Tam quốc Sau trận Xích Bích, doanh số bán ra hàng tháng của tập đoàn Đông Ngô tăng vọt, Tôn Quyền đắc ý, suốt ngày cười không khép nổi miệng. Nhưng một hôm lại gặp chuyện đau đầu, ông ta bèn gọi Chu Du tới bàn bạc. Ông ta nói Chu Du hay: Lưu Bị tìm ông ta vay tiền. Chu Du hỏi: - Vì sao lại vay tiền? Tôn Quyền nói: - Tào Tháo thua to, không còn sức lo đến Kinh Châu. Mấy dây chuyền sản xuất của tập đoàn Kinh Châu đã ngừng hoạt động. Lưu Bị thấy giá hời nên muốn mua lại. Chu Du nói: - Không phải khoản nhỏ đâu! Tôn Quyền thở dài, nói: - Kể ra vừa rồi Lưu Bị cũng vất vả vì tập đoàn Đông Ngô, lẽ ra nên báo đáp mới phải. Chu Du nói: - Chúng ta có thể trả ơn bằng cách khác. Cho ông ta vay tiền mua dây chuyền sản xuất chẳng hóa nuôi lớn đối thủ cạnh tranh sao? Tôn Quyền nói: - Tôi cũng nghĩ tới điều đó. Song tên Lưu Bị này cũng tài, tán ngay được em gái tôi. Cô em xui mẹ tạo sức ép, tôi biết làm sao đây? Chu Du nói: - Việc này rất hệ trọng, xin ông quyết cưỡng lại. Song Tôn Quyền cảm thấy không thể cưỡng nổi. Không nghĩ ra cách, ông ta chỉ còn biết tìm Lỗ Túc. Lỗ Túc nói: - Việc này ông nên giúp. Có năm lý do: Thứ nhất, Lưu Bị đang yêu em gái ông và sắp cưới; thứ hai, nếu Lưu Bị không mua mấy dây chuyền sản xuất kia, người khác cũng sẽ mua, chẳng thà để nó vào tay Lưu Bị còn hơn vào tay người khác; thứ ba, Tào Tháo tuy thua một trận to nhưng vẫn còn dư sức, chúng ta vẫn cần hợp tác với Lưu Bị; thứ tư, tuy Lưu Bị có thể trở thành đối thủ của chúng ta, nhưng vẫn là một đối thủ có ích, có thể thiết lập mối quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác, thúc đẩy chúng ta làm tốt hơn; thứ năm, giúp Lưu Bị, chúng ta vẫn cần ra điều kiện. Tôn Quyền hỏi: - Ý anh là Lưu Bị phải đáp ứng điều kiện gì? Lỗ Túc nói: - Chỉ cần một điều kiện, đó là khoản vay có lãi cao và trong hai năm phải trả cả gốc lẫn lãi, tài sản thế chấp sẽ là toàn bộ công ty Hoàng Tộc. Nếu không trả được, toàn bộ công ty Hoàng Tộc phải được gán cho tập đoàn Đông Ngô, kể cả mấy dây chuyền sản xuất kia. Tôn Quyền nói: - Vì sao lại cần điều kiện đó? Lỗ Túc nói: - Gia Cát Lượng chẳng từng nói sáp nhập công ty sẽ tạo xung đột văn hóa sao? Xét tình thế trước mắt, chỉ có Lưu Bị mới đáng làm chủ tập đoàn Kinh Châu. Tập đoàn Kinh Châu được sắp xếp ổn thỏa là sẽ được giao cho chúng ta. Nay cho Lưu Bị vay tiền mua dây chuyền sản xuất, chẳng qua để ông ta vất vả thay cho chúng ta mà thôi. Tôn Quyền hỏi một cách nghi ngờ: - Nếu họ trả được nợ đúng hạn thì sao? Chẳng hóa ta lấy rổ múc nước sao? Lỗ Túc nói: - Vạn nhất Lưu Bị trả được nợ, chúng ta cũng kiếm được một khoản lợi tức kha khá, sao gọi là lấy rổ múc nước được? Khi Lưu Bị nhận được hợp đồng vay do Lỗ Túc chuyển đến thì giật bắn mình. Ông hỏi Gia Cát Lượng: - Sao lãi cao vậy, chúng ta có trả được không? Gia Cát Lượng hỏi lại: - Chúng ta còn đường nào khác không? Lưu Bị im lặng. Gia Cát Lượng nói trầm trầm: - Vay thôi. Vay thôi. Mấy dây chuyền sản xuất có thể là máy in tiền, có máy in tiền lại không lo trả được lãi sao? Đó gọi là "mượn gà đẻ trứng". Thêm nữa, nhỡ gà toi trứng vỡ, họ đã dám cho vay, sợ gì ta không dám cầm. Một khi tiểu thư Tôn Thượng Hương thành vợ ông, cô ta vẫn có thể nói với mẹ, cô ta và mẹ vẫn có thể nói đỡ cho ông kia mà! LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ Trong việc hàng ngày quản lý công ty, một số nhà quản lý hay nhân nhượng vô nguyên tắc khiến nội tình công ty rối như canh hẹ. Song họ lại không nhận ra điều đó, vì sao vậy? Tục ngữ có câu "ngửi lâu quen thối" chính là để chỉ hiện tượng đó. Thông thường, mùi thối chỉ có nhân viên mới mới ngửi thấy, song ngày qua ngày, nhân viên mới cũng "ngửi lâu quen thối". Trong bối cảnh văn hóa công ty bị đầu độc, thất bại là kết cục tất yếu.